26.2.08


Chương 5

SUY TƯ, ĐỐI CHIẾU GIỮA HAI LINH HẠNH


Hai linh hạnh của hai tôn giáo có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có nhiều điểm dị biệt. Chúng ta thử nêu lên một số những điểm đồng dị ấy để đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về linh hạnh hai tôn giáo này.

Về mục đích tu tập

Thoát khổ và con đường thoát khổ

Mục đích các pháp môn tu tập của Phật giáo là giải thoát, nói nôm na là thoát khổ, là được hạnh phúc. Muốn được giải thoát, con người phải diệt trừ những nguyên nhân gây ra đau khổ, tức những lối sống xấu xa độc ác, nhất là sự dốt nát, vô minh, và tích cực hơn nữa là làm những điều tốt, ích lợi cho mình và tha nhân, trở nên người tốt, hoàn hảo, nhưng nhất là phải có trí huệ sáng suốt.

Trí huệ sáng suốt là yếu tố chính yếu giúp con người giải thoát. Khi có trí huệ sáng suốt, người ta sẽ nhận ra con đường nào dẫn tới hạnh phúc, giải thoát, và đường nào dẫn tới đau khổ, trói buộc. Trong Phật giáo, thứ trí huệ mà người tu hành phải nhắm tới là trí huệ rốt ráo hay trí huệ cứu cánh, là trí huệ giúp người ta tìm ra giải pháp tốt nhất có thể để vừa lợi mình, vừa lợi người, vừa lợi trước mắt, vừa lợi lâu dài. Để tìm ra được giải pháp ấy, trí huệ sẽ giúp người ta phân biệt được đúng đắn cái nào chân, cái nào giả. Trong Phật giáo, nguồn gốc cuối cùng của đau khổ là «vô minh», là «tà kiến», là tưởng giả là chân, và không nhận ra cái chân đích thực. Do đó, chỉ cần thay đổi cách nhìn cho sáng suốt, nghĩa là đạt được trí huệ rốt ráo, tự khắc người ta sẽ được giải thoát ngay giữa cảnh khổ mà người ta đang sống. Có thể nói, linh hạnh Phật giáo nhắm đạt đến trí huệ ấy.

Tu tập theo Kitô giáo đồng nghĩa với nỗ lực trở nên hoàn hảo, trọn lành, trở nên Chân, Thiện, Mỹ, hay nói theo từ chuyên môn của Kitô giáo là nên thánh. Nên thánh là trở nên trọn lành hoàn hảo, nhưng không phải thứ trọn lành hoàn hảo theo nghĩa không có khuyết điểm, làm được nhiều việc thiện, cho bằng nên giống Thiên Chúa, (1) hay cụ thể hơn là nên giống Chúa Giêsu. Và để nên giống Ngài, người Kitô hữu chỉ cần nhận ra được tình yêu bao la của Ngài đối với mình, đáp lại tình yêu ấy bằng cách chân thành yêu mến Ngài, đồng thời tạo nên một tương quan sống động, thân mật và cá nhân với Ngài. Nhờ tình yêu ấy thúc đẩy và nhờ sức mạnh hay ân sủng phát sinh từ tương quan mật thiết ấy, người Kitô hữu dễ dàng bắt chước Ngài, làm những gì Ngài muốn mình làm, và dần dần trở nên giống Ngài. Trong khi yêu mến và nỗ lực nên giống Ngài, thì hạnh phúc sẽ đến như một hậu quả tất yếu: một thứ hạnh phúc siêu nhiên, bất chấp nghịch cảnh, đau khổ. Hạnh phúc đó là tiền thân cho thứ hạnh phúc tràn đầy và bất diệt sau cái chết. Như vậy, có thể nói linh hạnh Kitô giáo nhắm phát triển tình yêu đối với Thiên Chúa và tương quan thân mật với Ngài.

Kitô giáo không nhấn mạnh nhiều đến khía cạnh đau khổ, cho dù đó là một thực tế phũ phàng không ai phủ nhận được, và tự nhiên theo bản năng thì ai cũng muốn thoát khổ. Mục đích của việc tu tập Kitô giáo là nhắm thực hiện chân, thiện, mỹ trong đời sống của mình, để mình cũng trở nên chân, thiện, mỹ. Cái gương mẫu chân thiện mỹ mà người Kitô hữu lấy làm lý tưởng là chính Thiên Chúa, như Đức Kitô đã nói: «Các con hãy nên toàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng Toàn Thiện» (2*). Người Kitô hữu trở nên toàn thiện nhờ tình yêu của họ đối với Thiên Chúa. Giống như một đứa con, vì yêu cha mẹ, nên làm tất cả những gì cha mẹ mong muốn, nhờ đó trở thành đứa con ngoan, hoàn hảo.

Thoát khổ bằng cách chấp nhận đau khổ

Qua một số lời Phật nói cho những người sơ cơ, thuộc loại «ăn sữa», nhiều người Kitô hữu - thậm chí cao cấp - cũng như một số Phật tử, thường hiểu mục đích quan trọng nhất của đạo Phật là giải thoát con người khỏi đau khổ, chứ không thấy được mục đích thứ hai quan trọng hơn, chính yếu hơn, và là điều kiện phải có để đạt được sự giải thoát. Và phải hiểu được cách đạo Phật thực hiện mục đích thứ hai này như thế nào mới nắm được cốt tủy của đạo Phật. Đối với mục đích thứ nhất, người ta càng coi trọng việc giải thoát và hạnh phúc của bản thân thì càng bị ràng buộc vào đau khổ. Phải coi nhẹ những mục đích vị kỷ ấy, con người mới có thể giải thoát và hạnh phúc. Điều đó được diễn tả qua câu chuyện của Triệu Châu (3*) và bà lão:

Một bà lão hỏi Triệu Châu:

- Tôi mang cái thân nữ này bị năm giây ràng buộc, gây chướng ngại cho Phật Tánh, làm sao thoát ly được những phiền trược ấy?

- Xin nguyện cho mọi người sanh lên cõi trời, còn thân tỳ tiện này nguyện tiếp tục chịu trầm luân một mình trong biển khổ (4*).

Sẵn sàng «chịu trầm luân một mình trong biển khổ», coi nhẹ giải thoát và hạnh phúc của mình, không sợ đau khổ, đồng thời sẵn sàng hy sinh bản thân cho hạnh phúc của người khác, thì mới được giải thoát và hạnh phúc.

Cũng vậy, nhiều Phật tử - cũng như nhiều người Kitô hữu chưa thông đạt giáo lý Kitô giáo - hiểu mục đích cuối cùng của Kitô giáo là «lên thiên đàng», một mục đích rất vị kỷ, với những phương tiện rất ư là buồn cười của giới Kitô hữu bình dân, mà không thấy được phần cốt tủy của Kitô giáo là tương quan thân mật đầy yêu thương giữa mình với Thiên Chúa. Quả thật, trong giới Kitô hữu bình dân, nhiều người coi mục đích cuối cùng của việc giữ đạo là được lên thiên đàng, được hạnh phúc vĩnh cửu, và để đạt mục đích ấy, người ta phải giữ đạo, phải phụng thờ Thiên Chúa, phải tuân theo ý Ngài (5*). Như thế, rõ ràng là người ta lấy mình làm mục đích, còn Thiên Chúa chỉ là phương tiện.

Nhưng thực ra, chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng làm mục đích tối hậu cho con người, chứ con người không thể lấy mình làm mục đích cho mình được. Lấy mình làm mục đích, coi Thiên Chúa và tha nhân chỉ là phương tiện, đó cũng chính là bản chất của tội lỗi, từ tội nguyên tổ đến các thứ tội khác. Đó là muốn đảo lộn trật tự vốn có ở trong vũ trụ, muốn «đảo chính», phản nghịch, nổi loạn. Với một mục đích vị kỷ như thế, thì việc tuân hành những luật lệ tôn giáo, việc tuân phục thánh ý Thiên Chúa - để được hạnh phúc - đều mang tính cách gò ép, bó buộc, và tôn giáo trở thành một cái gì gò bó, phản tự do. Chứ thực ra tôn giáo vốn làm cho con người tự do hơn.

Kitô giáo là đạo tình yêu chứ không phải là đạo vị kỷ. Mà tình yêu thì có chiều hướng ngược hẳn với vị kỷ. Lấy hạnh phúc của mình làm mục đích, coi Thiên Chúa và tha nhân chỉ là phương tiện để thực hiện mục đích ấy thì không phải là tinh thần của Kitô giáo. Chính Chúa Kitô đã nói lên sự bất hợp pháp của tinh thần vị kỷ ấy: «Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy» (6*), hay «Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời» (7*). Như thế, càng coi trọng hạnh phúc hay sự giải thoát của mình, thì nó càng dễ vuột ra khỏi tay mình, và càng coi nhẹ hạnh phúc hay sự giải thoát ấy để gắn bó với Thiên Chúa, thì càng dễ đạt được nó.

Như vậy, hạnh phúc vĩnh cửu hay thiên đàng chỉ có thể là hậu quả hay phần thưởng tất yếu của tương quan thân mật và tốt đẹp với Thiên Chúa, chứ không thể là mục đích của tương quan ấy. Khi coi Thiên Chúa và tha nhân chỉ là phương tiện để đạt được hạnh phúc của mình, dù đời sống mình có vẻ tốt đẹp đến đâu, có làm được nhiều việc tốt đến đâu, thì cũng chẳng có giá trị bao nhiêu trước mặt Thiên Chúa vì nó không phát xuất từ tình yêu đích thực: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có tình yêu thương, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (8*). Chỉ có tình yêu đích thực mới làm đẹp lòng Chúa: «Ta muốn tình yêu chứ không muốn lễ vật» (9*).

Khía cạnh tích cực của đau khổ

Tuy nhiên, cả Phật giáo và Kitô giáo nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực của đau khổ. Đau khổ không phải là một cực hình vô ích, mà nó thường mang lại nhiều lợi ích. Phật nói: «Phiền não tức Bồ Đề (… ) Tất cả các phiền não đều là hạt giống Phật. Tỷ như nếu mình chẳng lặn xuống biển sâu, thì không thể được châu báu vô giá. Cũng vậy, nếu mình chẳng vào trong biển phiền não, ắt mình không thể được của báu là cái Trí huệ biết hết tất cả» (10*). Như vậy, giải thoát của Phật giáo vẫn là chấp nhận đau khổ cuộc đời này một cách anh dũng: giải thoát mà không lìa đau khổ, đó mới là giải thoát đích thực. Muốn «khỏi mặc áo ăn cơm» thì cách tốt nhất vẫn là «cứ mặc áo ăn cơm» với tâm hồn thanh thản, vui tươi chấp nhận (11*). «Tự do chính là ung dung trong mọi ràng buộc, và hạnh phúc chính là tự tại giữa bao khổ đau» (12*). Như vậy, theo Phật giáo, giải thoát hay hạnh phúc oái oăm thay lại nằm ngay trong đau khổ, ngay giữa khổ đau, đến nỗi có thể nói «phiền não tức Bồ Đề» (13*). Thiền sư Suzuki viết: «Dầu có tranh đấu mấy đi nữa, Niết Bàn vẫn phải tìm trong bánh xe sinh tử luân hồi. Dù là một thiền sư đã chứng đạo hay là một gã thất phu, không ai thoát được ngoài định luật thiên nhiên. Hễ bao tử lép thì ai cũng đói như nhau, hễ trời rét thì ai cũng phải mặc thêm áo ấm» (14*). Ông cũng viết: «Phải nhờ những cơn đau khổ thắt ruột và những xáo trộn nội tâm, ta mới gột sạch tất cả những uế trệ của nội tâm, và con người mới hồi sinh lại với một nhãn quan hoàn toàn mới lạ phóng vào cuộc sống… Thiền sẽ trở nên sáng tỏ như ban ngày một khi tinh thần đã trải qua những cuộc chiến đấu ấy» (15*). Không có giải thoát đích thực nào ngoài khổ đau. Thật là một thực tế bi hùng! Và giải thoát thật sự chính là sự thay đổi cái nhìn về những khổ đau đó.

Kitô giáo thì nhận ra đau khổ có giá trị cứu chuộc, đền tội. Chính Đức Kitô đã dùng đau khổ để cứu chuộc nhân loại. Bài học của mầu nhiệm «Vượt Qua» nằm ở chỗ này: muốn hạnh phúc thì phải vượt qua đau khổ, muốn sống lại thì phải trải qua tử nạn, «không có đổ máu, không có ơn cứu chuộc». Đó là định luật tất yếu nằm trong ý định của Thiên Chúa, đến nỗi chính Thiên Chúa cũng phải dùng con đường ấy. Thiên Chúa đã không dùng phương cách không đau khổ để cứu lấy hạnh phúc của con người. Nếu đó không phải là sự khôn ngoan, nếu đó không phải là định luật tất yếu của Ngài, thì Ngài đã không làm như vậy. Sướng và khổ không thể tách rời nhau: muốn sướng thì phải chấp nhận khổ, không chấp nhận khổ thì không thể sướng được.

Sự hoán chuyển giữa hạnh phúc và đau khổ

1. Nơi cá nhân

Hạnh phúc chỉ có thể đổi được bằng đau khổ, và không có hạnh phúc nào mà không được đánh đổi bằng đau khổ. Một thành công rực rỡ, một tương lai sáng lạn chỉ dành cho những người biết chịu khó, biết chăm chỉ làm việc, biết chấp nhận đau khổ. Khổ trước thì sướng sau, còn nếu muốn sướng trước thì tất cái khổ sẽ đến sau (16*). Sự song đối và gắn liền nhau giữa hai nguyên lý mâu thuẫn nhau ấy đã được Đức Kitô nói đến nhiều lần, chẳng hạn qua những câu như: «Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang đưa đến diệt vong… Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống…» (17*), hay «Ai đưa mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên» (18*), hay « (Đức Kitô) lại còn hạ mình, vâng lời cho đến chết và chết trên thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu» (19*).

2. Giữa người với người

Hạnh phúc và đau khổ có thể hoán chuyển lẫn nhau giữa người này và người kia. Hạnh phúc của người này có thể là kết quả do đau khổ của người kia, và ngược lại. Do đó, rất nhiều người chấp nhận mình đau khổ để người mình yêu thương được hạnh phúc. Chẳng hạn, cha mẹ hy sinh (tức chịu khó, chịu nhục, chịu khổ) để con cái được ấm no, đầy đủ. Chấp nhận đau khổ để người mình yêu được hạnh phúc, đó là một cách tuyệt vời nhất để tỏ lộ tình thương. Thực tế này giải thích sự cứu chuộc của Thiên Chúa qua sự đau khổ và cái chết của Đức Giêsu Kitô: «Không tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng (hay đau khổ) cho người mình yêu» (20*).

3. Hai thứ công bằng

Trong Phật giáo, theo luật tuyệt đối công bằng của nghiệp báo, người khác không thể gánh chịu đau khổ do tội lỗi ta gây ra, cũng không thể hưởng những hạnh phúc do việc thiện ta làm. Ai làm người ấy chịu (hay hưởng) những hậu quả (hay kết quả) việc mình làm, không ai chịu (hay hưởng) thay thế ai được (21*). Luật nhân quả, nghiệp báo tác động một cách hết sức máy móc, vô ngã trên tất cả mọi người, không trừ ai. Điều này thật hết sức hợp lý.

Nhưng trong Kitô giáo, vừa có luật công bằng vừa có tình yêu (22*): do tình yêu, người này có thể gánh dùm hậu quả do tội lỗi của người kia, và đương nhiên một người cao thượng như vậy sẽ không mất phần thưởng của mình cho dù không có ý nhắm tới phần thưởng ấy. Và phần thưởng của người ấy sẽ vô cùng lớn lao khi người ấy làm điều đó chỉ vì tình yêu chứ không phải vì phần thưởng (23*). Một sự công bằng tương đối và thấm nhuần tình yêu tuy không hợp lý bằng một sự công bằng tuyệt đối và máy móc, nhưng nó dung hòa được lý và tình. Công bằng có tình yêu là thứ công bằng của cha mẹ đối với con cái (24*), là thứ công bằng kiểu «làm theo khả năng và hưởng dụng theo nhu cầu» mà rất nhiều nhà xã hội học muốn thực hiện cho xã hội (25*).

Trong hai thứ công bằng trên, mỗi thứ đều có cái hay cái dở của nó, đó là lẽ thường, ta không nên phê bình chỉ trích cái nào (26*). Thực ra, hai thứ công bằng trên chỉ là những cách giải thích của con người để thỏa mãn sự đòi hỏi của lý trí con người (vốn có nhiều chiều hướng khác nhau). Nói theo Phật giáo, đó là pháp «giả lập», là kiến giải, cần phải biết «rời mắt khỏi ngón tay để thấy mặt trăng». Sự công bằng tối hậu trong vũ trụ sẽ tốt hơn, tuyệt vời hơn, và không thể diễn tả phù hợp được với những ý niệm thiên lệch và nghèo nàn của con người.

Về nguồn gốc năng lực để thoát khổ

Con đường tự lực

Nhiều người cho rằng có một điểm khác biệt căn bản giữa Phật giáo và Kitô giáo về nguồn gốc năng lực để giải quyết vấn đề đau khổ. Để giải quyết vấn đề đau khổ, để đi đến giải thoát, người Phật tử phải hoàn toàn tin tưởng vào chính mình, quy hết trách nhiệm cho mình: mình khổ là do mình gây ra (27*), và mình có hết khổ hay không cũng là do mình. Nguyên nhân của cái khổ hiện tại (hay kiếp này) có thể do mình gây ra trong quá khứ (hay kiếp trước), và hậu quả của một việc thiện mình làm trong hiện tại (hay kiếp này) có thể là quả «hết khổ» cho mình mà trong tương lai (thậm chí qua kiếp sau) mới hưởng được (28*). Đó là chủ trương tự lực của Phật giáo. Vì thế, cần phải có đại hùng, đại lực, nghĩa là ý chí sắt đá để quyết tâm tự mình thoát khổ, không trông chờ sự giúp đỡ của ai cả.

Con đường phối hợp tự lực và tha lực

Đang khi đó, Kitô giáo cho rằng mọi sự không chỉ tùy thuộc vào mình mà còn tùy thuộc vào ơn Chúa nữa: «Không có Ta, các con không làm được việc gì cả» (29*). Nhưng nhiều người quên điều này: Kitô giáo cũng cho rằng mọi sự không chỉ tùy thuộc vào Thiên Chúa, mà còn tùy thuộc vào chúng ta nữa. Thánh Âu-Tinh nói: «Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần tới ta. Nhưng Thiên Chúa không thể cứu chuộc được ta nếu không có ta cộng tác». Lập trường của Kitô giáo về vấn đề này có thể được diễn tả bằng câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều:

«Có Trời mà cũng có ta!»

Không phải chỉ có Trời, mà còn có ta. Cũng không phải chỉ có ta, mà còn có Trời nữa. Do đó, con người vừa phải nỗ lực thực hiện tất cả những gì mình phải làm, vừa phải cậy trông vào Thiên Chúa trong mọi chuyện, phải cầu nguyện xin Chúa giúp sức, ban ân, ban sức mạnh, thúc đẩy. Không chỉ nỗ lực mà không cậy trông, cũng không chỉ cậy trông mà không nỗ lực, nhưng phải vừa nỗ lực vừa cậy trông. Chính khi tin tưởng và phó thác mọi sự cho Chúa, chính khi xác tín rằng mình được Thiên Chúa giúp sức ban ơn để đi đến thành công, người Kitô hữu sẽ nhận được sức mạnh thật sự để hoàn thành việc của mình. Nghĩa là với sự trợ giúp của Chúa do niềm tin vững chắc và sự quyết tâm thực hiện của ta, ta có thể làm được bất cứ việc gì, dẫu là chuyện chuyển núi dời non (30*). Tóm lại, vừa phải nỗ lực vừa phải cậy trông.

Hai con đường một mục đích

Xét trên bình diện nhân loại - theo tâm lý học - thì cả hai phương thức trên đều tạo nên sức mạnh tinh thần để đi đến thành công. Khi qui hết trách nhiệm cho mình, qui hết khả năng thành công vào mình, con người mới dễ tập trung hết mọi năng lực của mình vào công việc, nhờ vậy mà thành công. Đó là một cách hữu hiệu để có năng lực. Nhưng cũng có cách khác có vẻ như ngược lại. Khi có một niềm tin chắc chắn mình được ơn trên ban sức, phù trợ, niềm tin này sẽ tác động vào tâm lý con người, khiến con người vững tâm tin tưởng, nhờ đó, sức mạnh tinh thần tự động tăng lên và tập trung lại dễ dàng.

Mỗi phương thức trên đều tạo ra được những bậc thánh nhân có sức mạnh tâm linh phi thường. Những người chưa chứng ngộ được một sức mạnh phi thường như thế bằng một trong hai con đường trên, thiết tưởng chưa có đủ thẩm quyền để phê bình, khen chê về bất kỳ con đường nào. Thực ra con đường nào cũng đều có những sở trường sở đoản riêng của mình, và mỗi con đường thích hợp với khuynh hướng tâm linh của từng người. Vấn đề không phải là chọn con đường nào tốt cho bằng chọn con đường thích hợp. Tuy nhiên, một người hiểu ý Phật thì sẽ không chấp vào từ ngữ Phật dùng. Để phá chấp cho những người quá tin tưởng vào tha lực - đây là thái độ chung của những người tin vào tôn giáo - Phật nhấn mạnh đến thái độ tự lực. Nhưng con đường Trung Đạo (31*) mà Phật chủ trương không cho phép ta hiểu Phật theo một chiều như thế (32*). Con đường của Kitô giáo không duy tự lực, cũng không duy tha lực, chắc chắn không đi ngược lại chủ trương của Phật.

Về Bát Chánh Đạo

Bát Chánh Đạo và Tám Mối Phúc

Phải nói rằng tinh thần của Bát Chánh Đạo không xa lạ gì với tinh thần Kitô giáo. Và một Kitô hữu áp dụng triệt để Bát Chánh Đạo vào trong đời sống mình thì chỉ làm cho đời sống Kitô hữu của mình thêm phong phú, có giá trị và đúng với tinh thần Kitô giáo hơn nữa. Phật giáo có Bát Chánh Đạo làm nền tảng cho tinh thần Phật giáo, Kitô giáo có «Tám Mối Phúc Thật» (33*) làm nền tảng cho tinh thần Kitô giáo (34*). Mỗi tinh thần đều có cái hay riêng của nó: Bát Chánh Đạo nhấn mạnh tới khía cạnh trí huệ và phát triển trí huệ nhiều hơn (với Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Định, Chánh Niêm); Tám mối Phúc Thật lưu tâm tới khía cạnh tình thương và nhẫn nhục nhiều hơn. Người Phật tử hay Kitô hữu nào có tinh thần cởi mở có thể áp dụng cả hai vào trong linh hạnh của mình.

Để giúp người Phật tử có thể cảm nghiệm được phần nào vẻ đẹp của Tám Mối Phúc của Kitô giáo, tôi xin tạm chuyển ý của bản văn của Kitô giáo sang ý nghĩa tương đối tương đương trong Phật giáo. Người đọc xin đừng chấp vào từ ngữ:

1. «Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ» = Những ai có tinh thần siêu thoát, không bị của cải vật chất ràng buộc quả là những con người hạnh phúc, vì tâm hồn họ sẽ được an lạc.

2. «Phúc cho ai hiền lành, vì sẽ được Đất Hứa làm cơ nghiệp» = Những ai có lòng nhân hậu, hiền từ, không muốn một chúng sinh nào bị đau khổ quả là người hạnh phúc, vì họ sẽ thành tựu những gì họ đang chủ tâm thực hiện.

3. «Phúc cho ai sầu khổ, vì sẽ được Thiên Chúa ủi an» = Những ai đang đau khổ - nhất là đau khổ tự nguyện để mưu hạnh phúc cho tha nhân - là những người có phúc, họ sẽ được an ủi khi biết rằng «tất cả các phiền não đều là hạt giống Như Lai» (35*).

4. «Phúc cho ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng» = Những ai mong muốn và quyết tâm tìm chân lý và sống phù hợp với chân lý ấy là những người có phúc, vì họ sẽ được toại nguyện.

5. «Phúc cho ai biết thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương» = Những ai có lòng từ bi, thương mọi người như thương mình là người có phúc, họ là người đáng được thương mến, tin cậy.

6. «Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa» = Những ai có tâm thanh tịnh, sống trong trần gian nhưng không bị nhiễm trần là người có phúc, vì họ sẽ giác ngộ được «Chân Tánh» của mình.

7. «Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa» = Những ai đem lại an vui, hòa thuận cho mọi người là những người có phúc, vì họ chứng tỏ Phật tính đang thật sự tác động trong họ.

8. «Phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ» = Những ai luôn luôn sống đúng với sự đòi hỏi của trí huệ, của lương tâm mình, bất chấp nghịch cảnh khó khăn, là những người có phúc, vì họ sẽ đạt được trí huệ cứu cánh.

Biết bao đau khổ sẽ không xảy ra trong đời sống người Kitô hữu, nếu họ biết áp dụng Bát Chánh Đạo vào trong đời sống. Và đời sống tâm linh, đời sống «trọn lành» của họ sẽ phát triển hơn biết bao! Nhất là đời sống tâm linh nhân bản sẽ được nuôi dưỡng «mập mạnh» hơn nhờ những «món ăn lạ miệng» như Chánh Kiến, Chánh Niệm, Chánh Định! Những «món ăn» đó không phải là không có trong «thực đơn tâm linh» Kitô giáo, nhưng chúng không được dùng thường xuyên lắm trên «bàn ăn Kitô giáo». Những ý niệm tương tự với Chánh Kiến, Chánh Niệm, Chánh Định cũng đã từng được đề cập đến trong các tác phẩm tu đức của các giáo phụ, các thánh, các nhà tu đức học Kitô giáo, nhưng có lẽ không được đặt nặng và nhắc tới thường xuyên như trong linh hạnh Phật giáo. Chánh Niệm, Chánh Định có phần nào tương tự như đường hướng chiêm niệm, cầu nguyện của linh hạnh Kitô giáo, đương nhiên vẫn có sự khác biệt. Chính sự khác biệt này mới là những gì bổ túc cho chúng ta, nếu chúng ta có tinh thần cởi mở như chủ trương của Công Đồng Vatican II, là «đón nhận tất cả những gì là phong phú trong các dân tộc, những lẽ khôn ngoan trong các nền đạo lý, để góp phần tổ chức tốt đẹp đời sống Kitô hữu» (36*).

Về Luật tông

Giới luật cần thiết cho đời sống tâm linh

Trong linh đạo Phật giáo, việc giữ giới luật là điều kiện tiên quyết để bước vào con đường tu tập. Giới luật vừa bảo vệ vừa phát triển đời sống tâm linh của hành giả. Dù ở trình độ nào, người tu đạo cũng phải có những giới luật nào đó thích hợp để tuân giữ, cho dù là hàng Bồ Tát. Giới luật là một trong ba phương tiện cần thiết để đi đến giải thoát - giới, định, huệ - trong đó giới đứng đầu. Có giữ giới luật thì tâm mới định, tâm có định thì trí huệ mới mở ra, trí huệ mở thì sự giải thoát mới thành tựu được.

Trong linh hạnh Kitô giáo, việc giữ luật lệ cũng đóng một vai trò quan trọng. Muốn tiến trên con đường chân thiện mỹ, con đường thánh thiện toàn hảo, thì phải tuân hành những luật lệ của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của xã hội, của tu viện, của chính mình… Trong tu viện, các tu sĩ thường được nhắc nhở: «Con giữ luật thì luật giữ con». Thật vậy, luật lệ là thành trì bảo vệ đời sống tâm linh các tín hữu. Ngày xưa, một xứ sở phải có thành lũy bao quanh để bảo vệ người trong thành. Do đó, người trong thành lũy phải bảo vệ thành lũy, để thành lũy bảo vệ trở lại họ. Một Kitô hữu không chịu tuân giữ luật của Đức Kitô và Giáo Hội, đời sống tâm linh của người ấy dễ bị băng hoại. Người ấy sẽ trở nên tội lỗi. Đối với người Kitô hữu, luật lệ là lệnh truyền, là giới răn của Thiên Chúa và của Giáo Hội. Vì thế, vi phạm lề luật chính là chống lại Thiên Chúa và Giáo Hội, đó chính là tội lỗi. Và tội lỗi gây nên những hậu quả rất tai hại, chẳng những cho chính người phạm tội, mà còn cho những người chung quanh, cho cộng đoàn Giáo Hội nữa.

Theo Thánh Kinh, tội lỗi đầu tiên của con người là tội của nguyên tổ, do ông bà nguyên tổ bất tuân lệnh Chúa, tức vi phạm luật của Ngài. Và hậu quả thật là tai hại, con người đã làm băng hoại chính bản chất của mình. Tội lỗi do vi phạm luật Chúa đã làm con người không còn là chủ như Thiên Chúa mong muốn (37*), mà đã trở nên nô lệ cho sự ác, cho bản thân, cho nhau, cho ngoại vật. Tội lỗi đã khiến con người, từ bản chất, không xứng đáng với địa vị và hạnh phúc của con cái Thiên Chúa nữa. Từ đó, tương quan giữa con người với Thiên Chúa trở nên xấu đi, và con người đã đánh mất hạnh phúc nguyên thủy của mình. Tuy nhiên, nhờ Đức Kitô, con người có thể phục hồi lại bản chất thánh thiện tốt lành nguyên thủy và hạnh phúc ban đầu của mình, bằng cách tuân hành lề luật của Thiên Chúa.

Chính Đức Kitô đã nói: «Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ các giới luật của Thầy» (38*). Thật vậy, yêu Chúa là một trong những điều cốt tủy của Kitô giáo, mà tình yêu đối với Thiên Chúa đòi hỏi người Kitô hữu phải luôn luôn cố gắng thực hiện thánh ý Ngài trong đời sống thực tế hằng ngày, và thánh ý của Ngài được biểu hiện chủ yếu trong lề luật của Ngài. Do đó, tuân giữ lề luật là một linh hạnh căn bản của Kitô giáo.

Những điểm đồng dị

Về nội dung của các luật, ta thấy giữa Kitô giáo và Phật giáo có nhiều điểm tương tự như nhau. Chẳng hạn, so sánh ngũ giới của Phật giáo với sáu điều răn sau cùng của thập giới của Kitô giáo, ta thấy hầu như cùng một ý tưởng:

- 1. Cấm sát sinh, tương tự như điều răn thứ 5: Chớ giết người,

- 2. Cấm trộm cướp, tương tự như điều răn thứ 7: Chớ lấy của người, và điều răn thứ 10: Chớ tham của người,

- 3. Cấm tà dâm, tương tự như điều răn thứ 6: Chớ làm sự dâm dục và điều răn thứ 9: Chớ muốn vợ chồng người,

- 4. Cấm nói bậy, tương tự như điều răn thứ 8. Chớ làm chứng dối.

- 5. Cấm uống rượu, tương tự như đức thứ 7: Kiêng bớt chớ mê ăn uống (trong «Cải tội bảy mối có bảy đức»).

Trong Ngũ giới không có tương đương với điều răn thứ tư của Thập giới, nhưng việc hiếu thảo với cha mẹ được Phật nói đến rất nhiều, đặc biệt trong Kinh Vu Lan. Phật dạy: «Hiếu vi vạn hạnh chi tiên» (39*), «Hiếu tâm tức Phật tâm, hiếu hạnh tức Phật hạnh» (40*), hay «Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế» (41*). Còn 3 điều răn đầu nói về những bổn phận của con người đối với Thiên Chúa tức Thực Tại Tối Hậu, thì tuy quan niệm của Phật giáo về Thực Tại Tối Hậu không giống như quan niệm về Thiên Chúa của Kitô giáo, nhưng Phật giáo vẫn chủ trương phải có những nỗ lực để giác ngộ và sống trọn vẹn với Thực Tại Tối Hậu ấy. Điều này sẽ được bàn tới sau này.

Các luật dành riêng cho các tu sĩ xuất gia bên Phật giáo, như Bát quan trai giới, gồm ngũ giới và thêm 3 giới sau đây:

1. Không quá lưu tâm tới diện mạo bên ngoài như trang sức bằng phấn son…

2. Hạn chế các tiện nghi đời sống như giường êm nệm ấm…

3. Tự chủ trong ăn uống như không ăn nhiều quá, không ăn quá ngọ, đồng thời ăn chay trường…

cũng đều nằm trong nội dung của đức thanh bần của tu sĩ Kitô giáo. Chắc chắn, đức vâng phục và trong sạch (độc thân, trinh khiết) của Kitô giáo cũng có những điều luật tương tự trong đời sống của các tu sĩ Phật giáo.

Tam tụ tịnh giới của Phật giáo, gồm 3 giới căn bản:

1. Không làm điều ác,

2. Làm các việc lành,

3. Làm những việc lợi ích cho chúng sinh (như những việc có tính cách từ thiện xã hội… )

cũng chính là những điều căn bản trong luân lý Kitô giáo. Tinh thần của Bát Chánh Đạo (kể cả chánh niệm và chánh định) quả thật không xa lạ gì với các Kitô hữu đang quyết tâm vươn tới đỉnh thánh thiện để nên trọn hảo theo lời Đức Kitô mời gọi.

Nói chung, về nội dung các luật, nếu không chấp vào tiểu tiết, ta sẽ thấy hai tôn giáo có rất nhiều tương đồng.

Tinh thần ba-la-mật

Về tinh thần «ba-la-mật», tức tinh thần «vô kỷ, vô công, vô danh» (nói theo từ của Trang Tử) trong việc giữ luật, hay trong mọi việc làm của đời sống hằng ngày, mà Đại thừa chủ trương, ta thấy Kitô giáo cũng đòi hỏi tương tự như thế, tuy có vẻ không triệt để như Phật giáo Đại thừa. Chẳng hạn, Chúa nói: «Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên Trời ban thưởng (… ) Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh em bố thí được kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em. Và khi cầu nguyện, anh em hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em» (42*).

Về câu Kinh Thánh trên, Thiền sư Suzuki phê bình: «Chúa Kitô nói: “Khi ngươi bố thí, đừng để tay mặt biết việc của tay trái: hãy bố thí một cách thầm kín”. Đó là mật hạnh của đạo Phật. Nhưng nếu Chúa nói thêm rằng: “Cha chúng ta thấy rõ tất cả nỗi thầm kín ấy sẽ thưởng ngươi”, thì một hố sâu mở ra ngay giữa đạo Phật và đạo Chúa. Hễ còn có mảy may ý nghĩ đến người nào đó, dầu là Chúa, hoặc quỉ, biết việc làm của ông thì Thiền còn nói với ông: “Ông chưa phải là người của bản môn”. Hễ hành động còn kèm theo một tâm niệm, thì chưa phải là “hành động không công đức”, vì còn đầy tỳ vết và bóng tối (… ) Trong Thiền không thể có một ý thức nào lưu dấu lại sau khi việc bố thí đã xong, huống nữa là ý thức khen thưởng, dầu là Chúa thưởng» (43*).

Điều Suzuki nói thật là xác đáng, nếu làm một việc phúc đức nào, cho dù kín đáo tới đâu, nếu vẫn còn mong muốn Chúa biết hay Chúa thưởng, thì chưa phải là mật hạnh của Phật giáo. Tuy nhiên, cần phải biết Đức Giêsu nói câu này với những hạng người nào, nếu không nói như vậy e rằng không thích hợp. Đối tượng của câu nói này không phải là những người có trình độ tâm linh cao như các hành giả thiền tông, mà là đám đông dân chúng theo Đức Giêsu lên núi (44*). Nếu Đức Phật đã «tùy duyên hóa độ», thì Đức Giêsu cũng vậy thôi. Nếu câu «Y kinh thuyết pháp thì oan cho ba đời chư Phật, mà lìa kinh thuyết pháp thì là ma thuyết» đúng cho các pháp môn Phật, thì tại sao câu đó lại không thể đúng cho những lời của Chúa? Trong kinh Phật, có biết bao lần Phật nói tới chuyện hành pháp này pháp kia thì được hưởng những gì những gì (45*), nhất là trong pháp môn Tịnh Độ. Điều đó đâu có nghĩa là Phật không có tinh thần «ba-la-mật»? Chỉ vì thích ứng với trình độ của đối tượng thuyết pháp mà Phật nói như vậy.

Tuy nhiên, lời phê bình của Suzuki cũng đáng cho những người Kitô hữu - cũng như Phật tử - còn hành động vì phần thưởng hay hình phạt phải suy gẫm. Hành động như thế thì chỉ là vì hạnh phúc của mình, chứ không phải vì tình yêu. Việc dùng sự thưởng phạt làm động lực để con người làm thiện tránh ác là thời của Cựu Ước (46*). Đức Kitô đến để nâng trình độ ấy lên: động lực mới phải là tình yêu. Thánh Phaolô viết: cho dù làm được đủ mọi thứ, to tát hay tốt lành đến đâu, nếu không vì tình yêu đối với Thiên Chúa hay tha nhân mà làm thì chẳng có giá trị gì (47*).

Đức Giêsu chỉ rao giảng có ba năm (48*), mà lời Ngài lại nhắm nói cho đủ mọi trình độ, từ thấp nhất đến cao nhất. Người thấp có quyền hiểu theo nghĩa đen, điều đó không đáng trách và đương nhiên là thế, vì nghĩa đó dành cho họ, nhưng nếu người cao mà cũng hiểu theo nghĩa đen thì… thật đáng tiếc! Đó không phải là mẫu người mà Trang tử mong gặp được: «Được cá hãy quên nơm, được thỏ hãy quên dò, được ý hãy quên lời. Ta tìm đâu được người như thế để cùng nhau trao đổi!».

Luật lệ vì con người, chứ không phải…

Về tinh thần trong việc tuân giữ các giới luật: cũng như chủ trương của Luật tông Phật giáo, luật lệ trong Kitô giáo không phải là những nguyên lý tuyệt đối phải tuân theo, nó chỉ là một phương tiện bất toàn, vì trong nhiều trường hợp, phương tiện này lại đi ngược lại với mục đích (49*). Chẳng hạn, luật Chúa đòi hỏi người Kitô hữu phải luôn luôn nói sự thật, vì sự dối trá thường gây thiệt hại cho tha nhân hoặc cho chính mình. Mục đích của luật này là thực hiện đức ái. Nhưng trong một số trường hợp cá biệt, lời nói thật có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội, cho ích lợi chung, hay cho người vô tội, thì lúc đó, việc nói sự thật đi ngược lại với mục đích của luật buộc nói sự thật. Những trường hợp đó, người Kitô hữu không nên câu chấp vào lề luật: «Ngày sabát (hay lề luật) được làm ra vì con người, chứ không phải là con người được dựng nên vì ngày sabát (hay lề luật)» (50*). Theo Phaolô, lề luật tự nó là tốt, vì nó diễn tả ý muốn của Thiên Chúa (51*), nhưng cũng nên nhớ rằng «lề luật không phải được lập ra cho những người công chính», mà cho những người còn yếu đuối, non nớt về trí huệ, về tâm linh (52*). Và «sự công chính không hệ tại việc giữ luật pháp, vì nếu như vậy thì cái chết của Đức Kitô trở nên vô ích» (53*).

Sự lợi hại của lề luật

Lề luật có thể là một con dao hai lưỡi: một đằng rất cần thiết và có lợi cho tâm linh, nhưng đằng khác có những bất lợi. Chẳng hạn khi người ta giữ luật một cách hoàn hảo thì họ lại dễ ỷ vào đó để tự hào, kiêu căng, tự cho mình là công chính, như trường hợp người Pharisiêu vào đền thờ cầu nguyện cùng với người thu thuế (54*). Chính sự tự hào đó đã phá đổ tất cả mọi công trình giữ luật của ông. Một nhược điểm khác của lề luật là: tuy soi sáng cho tâm trí, nhưng lại không đem lại sức mạnh nội tâm để sống theo sự soi sáng đó. Người ta có thể biết rất rõ lề luật dạy phải làm thế này thế kia, nhưng người ta không có động lực thúc đẩy để làm những điều tốt lành ấy, mà lại bị thúc đẩy làm những điều xấu, trái với Lề Luật: «Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm» (55*). Chính vì thế mà người Do Thái, tuy có Lề Luật của Thiên Chúa (Luật Môsê), nhưng họ cũng tội lỗi không kém gì dân ngoại (56*). Cũng chính vì chấp vào lề luật, nô lệ cho lề luật, mà họ không nhận ra Đức Kitô để đến với Ngài (57*). Và càng hiểu rõ luật lệ bao nhiêu, thì việc vi phạm lề luật càng trở nên nặng nề bấy nhiêu do «minh tri cố phạm» (58*).

Áp dụng việc giữ luật vào tu đức, vào linh hạnh, người Kitô hữu cần phải nắm vững sự lợi hại của lề luật, nhất là những người hướng dẫn đời sống tâm linh, làm linh hướng… Mặc dù lề luật rất cần thiết, nhưng nếu Đức Kitô đến để giải phóng con người khỏi ách của lề luật, thì chúng ta cũng đừng biến những người sống dưới sự hướng dẫn của chúng ta trở thành nô lệ cho lề luật, cho tôn giáo, và cho chính chúng ta. Đó là những điều tai hại mà chúng ta rất dễ rơi vào. Tất cả những phương tiện dẫn con người đến với Thiên Chúa, với Đức Kitô, như Kinh Thánh (59*), giáo lý, lề luật, tôn giáo, cơ chế… vẫn luôn luôn là những con dao hai lưỡi. Nếu không khéo, chúng ta lại biến chúng trở nên chướng ngại cản trở người ta đến với Thiên Chúa, với chân lý. Chẳng hạn như chính Kinh Thánh, tuy mục đích của nó là làm chứng về Đức Kitô (60*), nhưng nó lại làm cớ cho những người Pharisiêu và các Rabbi Do Thái mù quáng, cản trở họ đến với Ngài. Chính vì họ quá thông thạo Kinh Thánh, lề luật, và tự hào, cố chấp vào những kiến thức tôn giáo của họ, mà họ không nhận ra được Đức Kitô. Họ đã dùng chính Kinh Thánh và lề luật để phủ nhận Đức Kitô (61*). Tôn giáo, giáo lý, cơ chế, tín điều… cũng tương tự như thế.

Tính cách phương tiện của lề luật

Trong giáo lý của Đức Phật, tất cả mọi pháp môn của Ngài (trong đó có lề luật), đều chỉ là những phương tiện giả lập và tạm thời, dùng trong một giai đoạn nào đó. Tương tự như con đò chỉ dùng trong thời gian phải đi trên nước, tới khi lên đường bộ thì phải bỏ đò.

Trong Kinh Thánh Kitô giáo, ta thấy: Khi Đức Kitô tới, con người đã tới lúc phải lên một trình độ tâm linh cao hơn. Thời Môsê, trình độ trí huệ và tâm linh của Dân Chúa còn thấp, Thiên Chúa phải dùng sự sợ hãi (thưởng và phạt) làm động lực giúp Dân Chúa tiến hóa (62*), tương tự như khi con cái còn nhỏ, cha mẹ phải dùng roi vọt và khen thưởng để giúp con ngoan. Vì thế, Luật Môsê dựa trên sự sợ hãi. Nhưng tới thời Đức Kitô, Dân Chúa đã có một trình độ trí huệ và tâm linh cao hơn xưa, cần phải thay đổi phương pháp sư phạm trong vấn đề giáo dục. Tương tự như khi con cái lớn lên, cha mẹ không còn dùng roi vọt nữa, mà kêu gọi sự ý thức, hiểu biết và tình thương của con cái để giáo dục chúng. Vì thế, Đức Kitô đến để đưa ra một luật mới, không còn căn cứ trên sự sợ hãi hay thưởng phạt nữa, mà căn cứ trên tình yêu. Nhưng người Do Thái vì quá tôn trọng và bám cứng vào Luật Môsê, nên đã không chấp nhận được luật mới của Đức Kitô. Họ tưởng Luật Môsê phát xuất từ Thiên Chúa, nên luật đó phải là duy nhất và có giá trị vĩnh cửu, chứ không ngờ rằng Luật đó được lập ra sao cho phù hợp với trình độ của dân. Khi trình độ dân thay đổi, thì luật lệ cũ cũng phải thay đổi. Vì thế, sau thời Đức Kitô, các Tông Đồ đã bãi bỏ Luật Môsê và phép cắt bì (63*), là những cái mà người Do Thái tưởng không thể thay đổi được. Đúng như dụ ngôn của Phật: muốn lên bờ thì phải bỏ thuyền ở lại.

Như thế, ta thấy trong linh hạnh Kitô giáo và Phật giáo, việc giữ lề luật có những điểm rất giống nhau, từ nội dung các điều luật đến tinh thần giữ luật. Cả hai bên đều coi lề luật như một phương tiện cần thiết, nhưng muốn tiến tới trên con đường tâm linh, tiến đến hoàn hảo thì phải vượt qua lề luật. Không được câu chấp vào lề luật, không giữ luật vì luật, mà giữ luật để thể hiện một cái gì cao hơn. Thánh Âu-Tinh nói: «Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm». Giữ luật mà không có tình yêu thì việc giữ luật không có giá trị. Mà khi đã có tình yêu và trí huệ thì lề luật không còn cần thiết nữa, lúc đó, người ta hành động theo sự hướng dẫn của tình yêu và trí huệ chứ không theo lề luật thành văn nữa. Lề luật chỉ dùng để hướng dẫn những người chưa trưởng thành trong tình yêu và trí huệ. Tuy nhiên, tình yêu và trí huệ được đào tạo và thành hình nhờ việc tuân giữ lề luật trước đó. Phật giáo không đề cao tình yêu, nhưng đề cao «Bi, Trí, Dũng» (64*). Lề luật giúp thể hiện và đạt được «Bi, Trí, Dũng», khi có «Bi, Trí, Dũng» thì hành động theo «Bi, Trí, Dũng» chứ không theo lề luật nữa. Người tu hành phải đạt tới trình độ này chứ không nên ở mãi trong trình độ lúc nào cũng phải lệ thuộc vào lề luật.

Về Tịnh Độ tông

So sánh pháp môn Tịnh Độ với linh hạnh Kitô giáo và với cách sống đạo của người Kitô hữu ta thấy có rất nhiều điểm tương đồng. Trước hết, Tịnh Độ tông lấy Tín, Nguyện, Hạnh làm căn bản, và niềm tin trong pháp môn này không giống với niềm tin của các pháp môn khác.

Tin tưởng, hy vọng, yêu mến trong Tịnh Độ và trong Kitô giáo

Niềm tin trong các pháp môn khác tương tự như niềm tin của khoa học thực nghiệm: chỉ chấp nhận sau khi đã chứng nghiệm, như lời Phật nói: Đừng tin một điều gì khi chính mình chưa chứng nghiệm, cho dẫu là Phật nói, cho dẫu cả thế giới đều tin, hay một cuốn kinh điển có uy tín nói… (65*) Nhưng niềm tin trong pháp môn Tịnh Độ lại không phải là thứ niềm tin đó, mà là niềm tin dựa trên sự khả tín: Tin vào Phật, vì Phật sáng suốt và không lừa dối ai. Niềm tin trong pháp môn Tịnh Độ là tin rằng có cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A-Di-Đà, và tin rằng cứ thực hành pháp môn này thì chắc chắn sẽ đạt đến cõi ấy. Thay vì chứng nghiệm rồi mới tin, thì ở đây, cứ tin rồi sẽ chứng nghiệm sau. Niềm tin này tương tự như niềm tin của Kitô giáo.

Linh hạnh Kitô giáo cũng lấy đức tin làm căn bản: trước hết là tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu, vào Giáo Hội, sau đó là tin vào Tin Mừng của Chúa, vào giáo huấn của Giáo Hội, các bí tích. Và sau cùng là tin vào chính mình: với ơn Chúa phù trợ, ta có thể làm được tất cả mọi sự (66*), cho dẫu là việc chuyển núi đời non (67*). Đó là Đức Tin Kitô giáo.

Cũng như trong Tịnh Độ tông, các Phật tử đều hy vọng cậy trông vào kết quả việc tu tập của mình là được sống trong một Thế Giới Cực Lạc - Cõi Tịnh Độ A-Di-Đà - thì người Kitô hữu cũng hy vọng vào phần thưởng Chúa hứa ban là Thiên Đàng sau này (68*), «vì Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng, đã phán hứa sự ấy, chẳng có lẽ nào sai được» (69*). Đó là Đức Cậy Kitô giáo.

Và trên căn bản Đức Tin Đức Cậy đó, người Kitô hữu sẽ «kính mến Chúa hết lòng hết sức, trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng» (70*). Đó là Đức Mến Kitô giáo. Hành giả của pháp môn Tịnh Độ cũng phải đem lòng yêu mến Phật A-Di-Đà thì mới có thể trở nên giống như Ngài, kết hiệp nên một với Ngài. Đó là đỉnh cao của pháp môn Tịnh Độ, rất giống với đỉnh cao của linh hạnh Kitô giáo (71*), và một cách nào đó cũng là đỉnh cao của tất cả các pháp môn khác của Phật giáo.

Tương quan liên vị - trở nên một

Với lòng Tin - Cậy - Mến, người Kitô hữu luôn tưởng nhớ đến Chúa, nâng tâm hồn lên với Ngài, để cầu nguyện, bắt chước gương Ngài, trở nên trọn lành như Ngài, sống kết hợp với Ngài, trở nên một với Ngài giống như Chúa Kitô đã nên một với Ngài (tức Chúa Cha) (72*). Đời sống tâm linh của người Kitô hữu sẽ phát triển tới độ cảm thấy «tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (73*). Với đức Tin - Cậy - Mến, đời sống thần linh (la vie théologale) của người Kitô hữu sẽ nở hoa, thành tựu trong sự thần hiệp với Thiên Chúa. Xét về những mặt tự nhiên và nhân bản, đời sống tu đức, linh hạnh Kitô giáo rất giống với những phương pháp niệm cũng như cương yếu của Tịnh Độ tông. Từ việc đọc kinh ngoài miệng, đến việc «miệng đọc tâm suy», từ việc lần chuỗi Môi Khôi đến việc suy gẫm, chiêm niệm, từ việc nâng tâm hồn lên tới Chúa, cầu nguyện, đến việc kết hiệp làm một với Chúa, của một bà nhà quê chí đến những nhà chiêm niệm, thần bí, hay những nhà vừa chiêm niệm vừa hoạt động… tất cả đều có những mảng tương tự trong pháp môn Tịnh Độ tông.

Trong Kitô giáo, Đức Kitô gọi Thiên Chúa là Cha, có tương quan hết sức thân mật với Thiên Chúa, thân mật đến độ Ngài thấy mình là một với Thiên Chúa, và Ngài dạy các môn đệ cũng làm như vậy. Vì thế, người Kitô hữu cũng cố gắng tạo nên một tương quan thân mật như thế với Thiên Chúa và với Đức Kitô qua việc cầu nguyện, tâm sự với Ngài. Trong Tịnh Độ tông, hành giả niệm Phật A-Di-Đà, là một vị Phật ở cõi Tây Phương Cực Lạc (74*), đã thành Phật trước Phật Thích Ca rất nhiều kiếp. Phật A-Di-Đà tượng trưng cho trí huệ sáng suốt, Ngài được gọi là «Vô Lượng Thọ» (nghĩa là tuổi sống lâu không số lượng) và «Vô Lượng Quang» (nghĩa là có hào quang sáng suốt khôn lường). Hành giả theo pháp môn Tịnh Độ coi Phật A-Di-Đà là hiện thân của Chân Như Phật tánh, tức Thực Tại Tối Hậu, vì Ngài đã giác ngộ và thực nghiệm được mình là một với Thực Tại Tối Hậu ấy. Hành giả có thể tin cậy vào Phật A-Di-Đà như một người cha nhân từ, và có tương quan liên vị với Ngài, vì Phật A-Di-Đà là một Đấng, một Vị, một bản ngã hẳn hoi. Do đó, hành giả có thể niệm danh Phật A-Di-Đà với lòng tin yêu của một người con. Pháp môn Tịnh Độ khác với nhiều pháp môn khác của Phật ở điểm này (75*).

Một con đường dễ dàng

Tại sao Đức Kitô và Giáo Hội lại chủ trương một linh hạnh, một đường hướng sống đạo, sống Tin Mừng một phần nào rất giống với pháp môn Tịnh Độ tông như thế? Theo Phật giáo, Tịnh Độ tông là pháp môn dễ nhất, bảo đảm nhất, thích hợp cho bất cứ trình độ tâm linh nào (76*). Một pháp môn như thế chắc chắn sẽ phù hợp với chủ trương của Thiên Chúa và Giáo Hội, là dùng phương cách nào dễ nhất, bảo đảm nhất, cứu độ được nhiều người nhất, ai cũng áp dụng được. Để cứu độ chúng ta, Thiên Chúa và Giáo Hội không đòi hỏi chúng ta phải làm những việc khó khăn, mà chỉ cần tin vào Ngài, đồng thời giữ trọn những điều cần thiết dễ làm nhất. Cũng như khi đòi hỏi con cái mình những điều ích lợi cho chúng, có bao giờ chúng ta lại bắt chúng làm những điều khó khăn đang khi có những cách dễ dàng hơn không? Phải chọn những cách dễ dàng nhất. Thiên Chúa và Giáo Hội cũng theo cách thế ấy.

Năm trình độ

Trở lại với phương pháp thực hành của Tịnh Độ tông, ta thấy có 5 cách niệm Phật khác nhau, cho 5 trình độ tâm linh khác nhau. 5 cách niệm này cũng tương ứng với 5 cách cầu nguyện bên Kitô giáo.

1. Trì danh niệm Phật:

Trì danh niệm Phật là niệm danh hiệu Đức Phật A-Di-Đà, hay đọc câu «Nam mô A-Di-Đà Phật». Cách niệm này tương ứng với cách cầu nguyện bằng các kinh, bằng các bài thánh ca bên Kitô giáo. Ở trình độ này, hành giả cố tập trung tinh thần vào việc đọc kinh hay hát thánh ca chừng nào hay chừng nấy, để không nghĩ gì khác. Trình độ này thích hợp với trẻ em, với những người mới chập chững bước vào đời sống tâm linh, chưa có khả năng tập trung tinh thần và suy nghĩ lâu. Đây là một bài tập tương đối dễ dàng đối với họ: mỗi ngày, họ chỉ cần dành ra một số thì giờ để đọc kinh. Nhờ vậy, tâm trí họ bắt đầu làm quen hướng về đời sống tinh thần, hướng về Thiên Chúa. Đời sống tâm linh của họ bắt đầu có một chỗ trụ, và bắt đầu được xây dựng. Lời kinh họ đọc hằng ngày dần dần sẽ ảnh hưởng vào tâm trí họ, vì sẽ có những lúc họ suy nghĩ về ý nghĩa lời kinh, và nhờ đó ảnh hưởng lên cách họ suy nghĩ, hành động, khiến họ trở nên tốt hơn.

Bên Phật có chuỗi 81 hạt (77*), tương ứng với 81 câu niệm «Nam mô A-Di-Đà Phật» hay «Nam-mô Quan Thế Âm Bồ Tát»… hay có những bài kinh (78*), bài chú (79*), có thể vừa tụng vừa gõ mõ để đọc có nhịp điệu, dễ tập trung tinh thần hơn, tránh lo ra, ngủ gật. Bên Kitô giáo (công giáo) có rất nhiều kinh và thánh ca có sẵn để đọc và hát trong mọi tình huống một cách thích hợp, để diễn tả mọi trạng thái tâm hồn đối với Thiên Chúa. Đặc biệt có chuỗi Môi Khôi 150 hạt tương ứng với 150 kinh Kính Mừng kính Đức Maria…

Tuy nhiên, đây chỉ là trình độ ban đầu, hành giả không nên bằng lòng ở trình độ này mãi, cần phải tiến lên trình độ tâm linh cao hơn. Rất nhiều Phật tử cũng như Kitô hữu từ khi nhỏ tới lúc già, vẫn chỉ ở trình độ này.

2. Tham cứu niệm Phật:

Tham cứu niệm Phật là cũng niệm danh hiệu Phật như trên, nhưng vừa niệm vừa suy gẫm xem câu mình niệm nghĩa là gì, niệm để làm gì, ai niệm… Cách này tương tự như cách đọc kinh, vừa đọc vừa suy niệm, của Kitô giáo. Hành giả đọc hoặc nhẩm những câu kinh có sẵn giống như trình độ trên, nhưng ở trình độ này thì phải để hết tâm hồn vào những lời kinh ấy, để cho lời kinh hướng dẫn tư tưởng, tâm tình mình: khi thì chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa với tâm tình cảm phục, thờ lạy, lúc thì cảm tạ với tâm tình biết ơn, yêu mến, lúc lại nói lên những khó khăn, nhu cầu của mình để xin Ngài ban ơn với tâm tình trông cậy… Nhờ chú ý vào lời kinh, tư tưởng đi theo lời kinh, ý nghĩa lời kinh sẽ thấm sâu vào tâm hồn người đọc, và dần dần thay đổi đời sống họ nên tốt đẹp hơn, tương quan giữa họ với Thiên Chúa ngày càng chặt chẽ hơn.

Ở một trình độ cao hơn, thay vì dùng những lời kinh hay bài ca có sẵn, hành giả có thể tự mình nói với Thiên Chúa, không phải bằng những lời kinh có sẵn nữa, mà bằng những lời tự phát, phản ánh tâm tình, nguyện vọng đích thực của mình là ngợi khen, cảm tạ, yêu mến, xin lỗi, xin ơn… Con người coi Thiên Chúa như một người Cha luôn luôn vui thích lắng nghe con cái mình nói chuyện, tâm sự, tỏ tình yêu, lòng hiếu thảo, nói lên những nhu cầu của chúng, hoặc xin điều này điều nọ. Ngài mong muốn được con người yêu thương, sống thân tình với mình, trong một tương quan Cha với con, bạn với bạn, thậm chí người yêu với người yêu, chồng với vợ. Tuy có nhiều điểm tương đồng với Tịnh độ tông của Phật giáo, nhưng có điểm dị biệt là linh hạnh Kitô giáo đặc biệt nhấn mạnh đến tương quan thân thiện giữa hành giả với Thiên Chúa hay với Đức Kitô. Người theo pháp môn Tịnh Độ có thể coi Đức Phật A-Di-Đà như một gương mẫu, một nguồn lực, và có thể đồng hóa mình với Phật A-Di-Đà (80*), trở nên một với Phật A-Di-Đà, coi Phật A-Di-Đà là Bản Lai Diện Mục của mình (tương tự như bên Kitô giáo), nhưng không coi Ngài như một người hết sức gần gũi để có thể trò chuyện thân mật, trao đổi, tâm sự như người Kitô hữu đối với Đức Kitô. Có thể nói, linh hạnh Kitô giáo chủ yếu là một tương quan liên vị, sâu đậm và thân thiện với Thiên Chúa, với Đức Kitô. Và bản chất của tương quan ấy là một tình yêu chân thành, vị tha, hữu hiệu, nồng thắm, có thể khiến hành giả hy sinh tất cả, dù là mạng sống mình, dù là sự ràng buộc tình cảm của những người thân yêu nhất.

3. Quán tượng niệm Phật:

Hành giả tưởng tượng Phật đang ở trước mặt, đồng thời chiêm ngưỡng những tính tốt, phong cách, cách hành xử đầy trí huệ, từ bi và dũng lực của Phật trong mọi tình huống, và đồng thời tưởng tượng nếu Phật ở trong những hoàn cảnh y trang như của mình thì Ngài sẽ hành động hay xử trí ra sao. Bên Kitô giáo, cách niệm Phật này có một phần nào tương tự như cách thức suy niệm trong linh thao của thánh Ignatiô. Khi suy gẫm một đoạn Kinh Thánh, hành giả dựng lại khung cảnh sống động của đoạn Kinh Thánh ấy trong trí mình, với tất cả mọi hình ảnh, âm thanh, cử điệu, tâm tình, cách phản ứng của những người trong cuộc… nhất là của Đức Kitô. Điều này đòi hỏi hành giả phải có óc tưởng tượng, càng phong phú càng tốt. Trong khung cảnh đó, với những khó khăn và éo le đó, thái độ, tâm tình, cách hành xử của Đức Kitô ra sao. Chiêm ngắm thái độ, tâm tình, cách hành xử đó, để chúng thấm nhập vào tâm hồn mình, đồng thời cầu nguyện: chúc tụng, ngợi khen. Rồi đặt mình trong hoàn cảnh của Đức Kitô, hoặc đặt Đức Kitô trong hoàn cảnh của mình, và so sánh cách hành xử của mình với cách của Đức Kitô xem khác nhau chỗ nào. Rồi hối hận, xin lỗi, quyết tâm chừa cải, theo gương Ngài trong những hoàn cảnh tương tự sẽ gặp lần sau…

Hoặc tưởng tượng Thiên Chúa hay Đức Kitô đang ở trước mặt mình, đầy tình thương yêu của một người Cha, đã từng sẵn sàng chết để cứu độ mình: ánh mắt Ngài trìu mến mình, cử chỉ Ngài âu yếm mình… Hãy trình bày cho Ngài nghe những biến cố mình gặp, những khó khăn, những tình huống, những mong ước, nhu cầu, và lắng nghe Ngài nói với mình, nghe Ngài chỉ dạy… Đây là cách cầu nguyện có đối thoại, Chúa và mình nói chuyện, tâm sự với nhau như Cha-con, rất thân mật. Nhờ đó, tương quan giữa mình với Chúa càng ngày càng thắm thiết, chặt chẽ hơn. Chúa trở thành người yêu, lẽ sống, và luôn luôn hiện diện, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống, cách hành xử của mình. Hành giả sẽ vui hưởng tình yêu của Ngài là một người Cha, đồng thời cũng là người yêu, và sự trao đổi tình yêu với Ngài. Thật hạnh phúc, êm ái, ngọt ngào! Hành giả cũng sẽ nhận được sức mạnh, sự trợ giúp thần linh, sự biến đổi và thánh hóa sâu xa từ bên trong. Chỉ khi có tương quan thân mật với Ngài như thế, đời sống tâm linh của hành giả mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ, và đó mới chính là đời sống Kitô hữu đúng nghĩa.

4. Quán tưởng niệm Phật:

Quán tưởng niệm Phật là quán tưởng Đức Phật A-Di-Đà ở trước mặt và Ngài đang phóng thần lực biến đổi, tẩy rửa tâm thức ta, truyền sức mạnh, trí huệ, lòng từ bi, sự dũng cảm cho ta. Ta tưởng tượng sau này mình cũng sẽ thành Phật như Ngài, sẽ suy nghĩ, nói năng, phản ứng, hành xử như Ngài. Ta quán tưởng mình thành một với Ngài, mình là Ngài, Ngài là mình. Ngài đang suy tưởng, nói năng, hành động trong con người mình. Cứ quán tưởng mình với Ngài là một trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh trong ngày.

Bên linh hạnh Kitô giáo, hành giả cũng có thể tưởng tượng Đức Kitô ở trước mặt mình, thậm chí ở ngay trong bản thân mình. Ngài chính là sự sống, là tình yêu, sức mạnh và sự khôn ngoan. Do liên kết mật thiết với Ngài, Ngài đang truyền tất cả những tính chất ưu việt ấy sang cho bản thân ta. Và ta đang được biến đổi nên giống y như Ngài, nghĩa là cũng đầy tình yêu, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa như Ngài, được thể hiện ra trong cách sống, cách suy nghĩ, nói năng, cách đối nhân xử thế, v. v…

Không những thế, ta còn tưởng tượng rằng mình với Đức Kitô chỉ còn là một, mình đã được đồng hóa với Đức Kitô, đúng như thánh Phaolô đã diễn tả: «Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (81*). Nghĩa là tôi suy nghĩ, nói năng, hành động, nhưng không còn là chính tôi suy nghĩ, nói năng, hành động nữa, mà là chính Đức Kitô suy nghĩ, nói năng, hành động trong tôi. Tôi chỉ còn là một khí cụ để qua đó Đức Kitô muốn làm gì thì làm. Cũng tương tự như tôi là cây viết, tôi viết ra đủ mọi bài văn, bài thơ, nhưng thực ra không phải là chính tôi viết những bài đó, mà người viết những bài đó chính là ông thi sĩ hay văn sĩ đã dùng tôi để viết. Trong hành động viết ấy, cây viết với ông thi sĩ hay văn sĩ chỉ là một. Lý tưởng của người Kitô hữu là gì nếu không phải là kết hiệp, hay trở nên một với Thiên Chúa, với Đức Kitô?

5. Thật tướng niệm Phật:

Trong Quán tưởng niệm Phật, ta mới quán tưởng Phật là ta, ta là Phật, chứ chưa thấy được ta với Phật, hay Phật với ta vốn không hai. Còn trong pháp môn «Thật tướng niệm Phật», hành giả giác ngộ mình với Phật là một, từ đó giác ngộ luôn mình với thế giới vũ trụ này là một: «Vũ trụ vạn vật đồng nhất thể». Lúc đó, ta không còn thấy có ta có người, có tự thể và tha thể, mà chỉ thấy hiện hữu có cái «Một», cái «Duy Nhất»: tất cả mọi sự mọi loài hiện hữu đều chỉ còn là một. Đạt đến mức này, người ta bước vào một cảnh giới vô sai biệt, không còn tâm phân biệt nữa, nghĩa là tuy vẫn có thể đứng trên quan điểm bình thường để phân biệt một cách chi li những gì khác nhau, nhưng đồng thời vẫn thấy được tất cả những khác nhau ấy chỉ nằm trên bình diện hiện tượng, chóng qua, giả tạm.

Quan niệm tất cả mọi hữu thể - bao gồm cả Thực Tại Tối Hậu (tức Thiên Chúa) và vũ trụ vạn vật - chỉ là một, là một quan niệm xa lạ với quan niệm của Kitô giáo. Người Kitô hữu coi quan niệm này là một thứ «phiếm thần», và không chấp nhận quan niệm ấy. Giáo Hội đã dựa trên nghĩa đen của sách Sáng Thế về việc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ vạn vật từ hư vô và dựa trên căn bản triết học Kinh viện hay Hy Lạp để minh giải vấn đề này, coi đó là một chân lý Đức Tin. Quan niệm về sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và vũ trụ vạn vật chỉ là sự hiệp nhất trong tinh thần, trên bình diện tâm lý chứ không phải là sự hiệp nhất về bản thể, trên bình diện hữu thể học. Đây là sự khác biệt khá quan trọng về lý thuyết giữa Kitô giáo và Phật giáo. Theo Kitô giáo thì Thiên Chúa và vũ trụ vạn vật là hai. Còn theo Phật giáo thì Chân Như và vạn pháp là một: Chân Như là vạn pháp, vạn pháp là Chân Như, Chân Như là bản thể của vạn pháp, vạn pháp là hiện tướng của Chân Như.

Như vậy, xét về mặt linh hạnh, thì giữa Tịnh Độ tông và Kitô giáo ta thấy có sự tương tự rất lớn. Tuy nhiên, điểm cuối cùng, xét về mặt triết lý, quan niệm, thì có sự khác biệt. Cũng là kết hiệp nên một, nhưng một đằng có tính cách hữu thể học còn đằng kia chỉ mang tính cách tâm lý. Tóm lại, ta có thể kết luận rằng hai đằng chỉ khác nhau ít nhiều về kiến giải, nhưng kết quả thực hành thì rất giống nhau. Bây giờ chúng ta bước sang phần đối chiếu giữa Kitô giáo và Thiền tông.

Về Thiền tông

Điều căn bản nhất: giác ngộ Chân Tâm

Điều căn bản nhất trong pháp môn Thiền là nhận ra được Chân Tâm của mình. Cái Tâm ở đây không phải hiểu theo nghĩa bình thường là cõi lòng, hay nội tâm, hay tâm thức của mỗi người. Nó làm cái gì sâu thẳm nhất, là cái không sinh diệt, không biến đổi nơi con người. Theo Kinh Lăng Nghiêm - kinh đặc biệt nói về Tâm - thì tất cả mọi sự nơi con người ta, dù là tinh thần hay vật chất, cũng đều biến đổi, sinh diệt, chỉ có cái Tâm đó là không biến đổi sinh diệt. Nó không biến đổi, nhưng làm nền tảng cho tất cả những gì biến đổi, và không sinh diệt, nhưng làm nền tảng cho tất cả mọi thứ sinh diệt. Tâm đó chính là nền tảng hiện hữu của con người. Nếu câu của thánh Âu Tinh: «Deus intimior intimo meo» (tạm dịch: Thiên Chúa còn thân mật với tôi hơn cả chính bản thân tôi) là đúng, nghĩa là Thiên Chúa là cái gì sâu thẳm nhất ở trong tôi, sâu thẳm hơn cả chính bản thân tôi, làm nền tảng cho hữu thể tôi, thì cái Tâm mà chúng ta đang đề cập tới chính là Thiên-Chúa-ở-trong-tôi. Đó chính là cái mà Ấn giáo gọi là «Atman» (tạm dịch là Tiểu Ngã). Còn «Brahman» (tạm dịch là Đại Ngã) chính là Thiên-Chúa-ở-trong-vũ-trụ. Mà Thiên-Chúa-ở-trong-tôi Thiên-Chúa-ở-trong-vũ-trụ là một. Vì thế, một trong những xác nhận quan trọng nhất của Ấn giáo là: «Brahman là Atman, Atman là Brahman, Brahman và Atman là một». Phật giáo cũng quan niệm không khác: cái Tâm của tôi, cái Tâm của người khác, và cái Tâm của vũ trụ là một. Một câu chuyện Thiền minh họa chân lý đó:

Thần Quang nghe danh Tổ Đạt Ma, bèn đến cầu đạo. Nhưng Tổ không tiếp. Thần Quang quì đợi luôn mấy năm ở ngoài hiên chùa, nhưng Tổ cũng không đoái hoài tới. Cuối cùng, để tỏ lòng chí thành tột mức của mình, dám xả thân cầu đạo, Thần Quang đã chặt đứt cánh tay của mình. Bấy giờ Tổ mới nhận Thần Quang làm đệ tử. Một hôm, Thần Quang vừa mới đi đâu ở núi gần đó về, Tổ hỏi:

- Con từ đâu đến? (82*)

Nghe hỏi thế, Thần Quang bỗng nhiên đại ngộ, và chỉ còn thấy có một mình - không còn thấy thầy, thấy «cái tôi» nhỏ bé của mình, hay thấy ai khác, mà chỉ còn thấy hiện hữu duy nhất cái «Bản Thể của vũ trụ» hay cái TÂM (83*).

Một thực tại duy nhất, nhưng được gọi tên và quan niệm khác nhau

Phật vì đại sự nhân duyên đến trần gian này là để «khai thị ngộ nhập tri kiến Phật tánh», nghĩa là để tỏ cho mọi người thấy được, giác ngộ được, và sống được với cái «Phật tánh» đó. Phật tánh, tức «tánh biết», chính là tánh của Tâm, hay nói cách khác là chính cái Tâm đó. Đương nhiên, quan niệm về Tâm của Phật giáo và quan niệm về Thiên Chúa của người Kitô giáo, cũng như quan niệm về Brahman-Atman của Ấn giáo khác xa nhau lắm. Người nào chấp vào danh từ, vào lời nói, vào ý niệm thì không thể thấy tất cả những quan niệm khác biệt nhau ấy, được gọi bằng những danh từ khác nhau ấy, đều chỉ về cùng một thực tại duy nhất. Ta cứ lấy một thực tế gần gũi nhất thường xảy ra trong gia đình để minh họa cho dễ hiểu:

Bản thân hay con người tôi chỉ là một thực thể duy nhất. Thế nhưng, mỗi người trong gia đình tôi lại gọi tôi bằng một danh xưng khác nhau, và đương nhiên, cái nhìn hay quan niệm của mỗi người về tôi cũng khác nhau. Cha mẹ tôi gọi tôi là con, tuy dù tôi đã lớn, nhưng trong cái nhìn của các ngài tôi vẫn còn là nhỏ bé, dại khờ. Vợ tôi gọi tôi là chồng, nàng coi tôi như một người hiền lành, bản lãnh, có thể bao bọc cho cuộc đời nàng. Con tôi gọi tôi là cha, nó coi tôi như một người vĩ đại, lý tưởng, biết tất cả, làm được tất cả mọi sự. Bạn bè tôi gọi tôi là bạn, đối với họ, tôi là người tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Những đối thủ của tôi, những người ghét tôi gọi tôi là kẻ thù, họ nghĩ tôi là người rất lợi hại, mưu mô, thậm chí ác độc. Những người làm công cho tôi gọi tôi là ông chủ, họ thường cho rằng tôi nghiêm khắc, khó tính, kỹ lưỡng. Còn ông giám đốc sở tôi làm gọi tôi là nhân viên, ông vẫn nghĩ rằng tôi hay cẩu thả, chưa có tinh thần trách nhiệm đủ… Cái nhìn của tất cả những người đó về tôi thật khác biệt, thậm chí mâu thuẫn nhau nữa, nhưng tôi thấy tất cả đều đúng, vì tôi đã đối xử với mỗi người mỗi cách. Chẳng hạn đối với bạn bè, những người tôi thương mến, tôi có thể cho, tặng không suy tính, họ đâu có biết rằng đối với những người tôi ghét, thì tôi tính toán từng ly từng chút, không chịu để cho mình bị thiệt chút nào…

Tất cả những danh từ con, chồng, cha, bạn, kẻ thù, ông chủ, nhân viên, là những danh từ khác nhau, với những nội dung, ý nghĩa khác nhau, và cái nhìn của mỗi người ứng với từng danh từ đó cũng rất khác nhau. Nhưng chúng ta có thể vì những khác biệt về từ ngữ, về ý nghĩa, về quan niệm ấy mà nhất thiết phải kết luận rằng chúng không thể qui về một thực tại duy nhất chăng? Không. Qua minh họa trên, ta có thể kết luận rằng: một thực tại duy nhất có thể được gọi bằng nhiều tên khác nhau, mỗi tên đó có một nội dung hay ý nghĩa khác nhau, và cũng có thể được quan niệm nhiều cách khác nhau, và mỗi cách đều đúng và có lý riêng của nó.

Như thế, Tâm hay Phật tánh của Phật giáo, Thiên Chúa hay Thượng Đế của Kitô giáo, Brahman hay Atman của Ấn giáo, Đạo hay Thường Đạo của Lão Tử, Thiên hay Trời của Khổng Tử, Nguyên Lý Tuyệt Đối trong vũ trụ của người vô thần, đều là những danh từ khác nhau, ý nghĩa và nội dung của mỗi danh từ cũng khác nhau (có thể mâu thuẫn nhau nữa), nhưng tất cả có thể cùng chỉ về một thực tại duy nhất. Thực tại duy nhất ấy ta có thể tạm gọi bằng một tên chung là «Thực Tại Tối Hậu», hay «Thực Tại Nền Tảng» mà có lẽ tất cả mọi người gọi bằng những danh từ trên có thể đồng ý hay chấp nhận được.

Đối chiếu: Thiên Chúa và Tâm

Quan niệm về «Thực Tại Tối Hậu» ấy mỗi tôn giáo mỗi khác. Phật giáo không thể chấp nhận có một vị Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ không theo như người Kitô hữu vẫn hiểu. Nhưng Phật giáo chấp nhận có một cái TÂM, là cái không sinh diệt, không có bất kỳ một hình tướng nào, luôn luôn như như bất biến, nhưng lại là căn bản cho tất cả những gì sinh diệt, những gì có hình tướng, những gì biến đổi. Chính cái Tâm này «duyên sinh» (chứ không tạo dựng) ra tất cả các tướng, theo luật nhân duyên. Cái Tâm ấy không phải là một Đấng, một ngôi vị, không phải là một «cái tôi», nhưng lại làm căn bản cho tất cả mọi «cái tôi» trong vũ trụ, duyên sinh ra tất cả mọi «cái tôi». Và cái Tâm đó là duy nhất. Còn THIÊN CHÚA, theo quan niệm của người Kitô hữu, là Đấng dựng nên tất cả mọi loài mọi vật trong vũ trụ, là Đấng Hằng hữu (tức không sinh không diệt), duy nhất, cách thế hiện hữu của Ngài và của vạn vật khác nhau: Ngài không hề biến đổi nhưng tất cả mọi tạo vật do Ngài dựng nên đều biến đổi, Ngài là một ngôi vị, một «Cái Tôi» vĩ đại tạo dựng nên tất cả những «cái tôi» khác.

Như vậy, quan niệm về Tâm của Phật giáo và quan niệm về Thiên Chúa của Kitô giáo có những điểm tương đồng và cũng có những điểm dị biệt. Những điểm tương đồng đều là những thuộc tính căn bản, còn những điểm dị biệt đều là những thuộc tính phụ thuộc (phát sinh do khác biệt về văn hóa, triết lý nền tảng… )

Những thuộc tính căn bản giống nhau giữa Thiên Chúa của Kitô giáo và Chân Như Phật tánh của Phật giáo:

- duy nhất

- không sinh không diệt

- bất biến

- vô cùng vô hạn

- là căn bản sinh ra tất cả vũ trụ vạn vật

Những thuộc tính phụ thuộc khác nhau:

Trong Kitô giáo:

Thiên Chúa

Trong Phật giáo:

Tâm, hay Chân Như

- tạo dựng vạn vật

- hữu ngã

- toàn thiện

- Thiên Chúa và tạo vật là hai

- duyên sinh ra vạn vật

- vô ngã

- siêu việt thiện ác

- là một với vũ trụ vạn vật (84*) (như hai mặt một tờ giấy)

Những kiến giải khác nhau

Qua những tương đồng về căn bản và những dị biệt về những điểm phụ thuộc, thì tùy theo kiến giải và chỗ đứng của mỗi người mà người ta cho Tâm hay Chân Như Phật Tánh của Phật giáo và Thiên Chúa của Kitô giáo chỉ là một, hay là hai «thực tại» khác nhau.

Trong đời sống, ta thường thấy: trước cùng một thực tại, cùng một biến cố, mỗi người lại có một cái nhìn, một quan niệm khác nhau. Cái nhìn hay quan niệm ấy - có thể gọi là «kiến giải» - tùy thuộc rất nhiều điều kiện: văn hóa, giáo dục, học vấn, khuynh hướng tự nhiên, môi sinh, tính khí, nghề nghiệp, kinh nghiệm quá khứ, v. v… của từng người. Những điều kiện ấy không ai giống ai, nên kiến giải của mỗi người cũng không ai giống ai. Tương tự như vậy, quan niệm về Thực Tại Tối Hậu hay Hữu Thể Tối Thượng nơi mỗi tôn giáo, mỗi nền văn hóa, và thậm chí nơi mỗi người trong cùng một tôn giáo và cùng một nền văn hóa, tất yếu phải khác nhau, không nhiều thì ít.

Thực Tại Tối Hậu hay Hữu Thể Tối Thượng ấy là đối tượng của thần học, của siêu hình học, chứ không phải của khoa học thực nghiệm, nên những kết luận về thực tại ấy đương nhiên mang tính thuần lý. Nếu mang tính thuần lý thì hẳn nhiên những kết luận ấy tùy thuộc vào cái «» của mỗi đầu óc suy nghĩ về thực tại ấy. Mà cái «» đó lại tùy thuộc vào cả một hệ thống văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi nơi, mỗi thời (gồm triết lý nền tảng, ngôn ngữ, quan niệm chung của xã hội, kinh nghiệm dân gian, phong tục tập quán… ). Khi những yếu tố căn bản ấy khác nhau thì làm sao người ta có thể suy nghĩ, lý giải giống nhau về cùng một thực tại được? Nhất là đối với một đối tượng siêu hình, siêu việt, và siêu nghiệm như Thực Tại Tối Hậu! Người ta chỉ có thể có những kiến giải về thực tại ấy trong tầm khả năng họ quan niệm được, chứ không thể có được những dữ kiện khách quan.

Nếu Đức Kitô không phải người Do Thái

Khi Ngôi Lời nhập thể để mặc khải - qua Đức Giêsu Kitô - về Thiên Chúa, Thực Tại Tối Hậu, thì Ngài cũng phải dùng ngôn ngữ đặc thù của dân tộc Ngài, ngôn ngữ ấy lại bị qui định bởi cái triết lý nền tảng đặc thù của dân tộc Ngài, bởi phong tục tập quán xã hội của Ngài… Và chính như vậy mới là nhập thể. Giả sử Ngài nhập thể ở Ấn độ, thì để mặc khải về Thiên Chúa, Ngài sẽ phải nói bằng tiếng Ấn độ, dùng những ý niệm có sẵn của người Ấn, chịu ảnh hưởng triết lý và tôn giáo của kinh Vedas, Upanishads… Lúc đó, Ngài đâu thể nói về Thiên Chúa bằng những ý niệm như khi Ngài là người Do Thái được? Nếu Ngài sống trong một nền văn hóa nhất nguyên thì Ngài sẽ nói về Thiên Chúa với những ý niệm nhất nguyên, cũng như nếu sống trong văn hóa nhị nguyên thì lại phải nói theo kiểu nhị nguyên. Tóm lại, nếu có một Đức Kitô ở Ấn độ, thì Thiên Chúa của Đức Kitô Ấn độ cũng chính là Thiên Chúa của Đức Kitô Do Thái. Nhưng chắc chắn rằng hai cách diễn tả về Thiên Chúa duy nhất ấy phải khác nhau, với những danh từ và ý niệm khác nhau, không thể cùng một cách như nhau được. Lúc đó, những người chấp vào ngôn ngữ, vào ý niệm, làm sao có thể cho rằng «hai vị Thiên Chúa» ấy chỉ là một được?

Hai tấm hình khác nhau của cùng một căn nhà

Vả lại, thực tại không phải chỉ có một mặt để mọi người cùng thấy giống như nhau. Chỉ cần thực tại có hai mặt như một tờ giấy là đã có thể có hai cách nhìn khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, mà cả hai đều đúng (85*). Sự sáng suốt đòi hỏi ta phải nhận ra được thực tại có nhiều mặt, để khi nghe người khác nói khác mình, mình không vội cho là sai. Nếu vội cho người nói khác mình là sai, biết đâu ta lại chẳng hành động giống như những anh mù rờ voi: cãi lộn nhau ỏm tỏi mà không ngờ rằng người khác cũng đúng không kém gì mình. Hay giống như một người cầm hai tấm hình của một căn nhà, một tấm chụp mặt trước, một tấm chụp mặt sau, chỉ vì thấy chúng khác biệt nhau hẳn, nên cứ nhất quyết căn nhà trong hình kia và căn nhà trong hình này phải là hai căn khác nhau.

Đối với Thực Tại Tối Hậu, chúng ta có dám quả quyết rằng tất cả mọi người đều chỉ có một vị thế duy nhất để nhìn thực tại ấy không? hay thực tại ấy chỉ có duy nhất một mặt, nên tất cả mọi người nhìn vào đều phải thấy giống nhau, ai nói khác ắt là sai không? Nếu cứ thấy khác nhau mà vội quả quyết là sai, hay là «hai», thì có khác gì người cầm hai tấm hình khác nhau của một căn nhà mà quả quyết đó phải là hai căn không? Tuy nhiên, nếu vội quả quyết là một mà không thấy được những tương đồng căn bản để làm nền tảng cho quả quyết của mình, thì cũng là một phiêu lưu ngu xuẩn!

Cốt tủy của linh hạnh Kitô giáo & Phật giáo

Trong việc cứu độ chúng sinh, Phật theo nguyên tắc «tùy duyên hóa độ», nghĩa là tùy từng trường hợp cá biệt của từng người, từng tập thể (hoàn cảnh, căn cơ, trình độ, khuynh hướng, quan niệm sẵn có của mỗi người, mỗi đoàn thể) mà thay đổi cách thế trình bày chân lý, cách thế tu tập sao cho phù hợp với từng trường hợp một. Nhưng khi «tùy duyên hóa độ», Phật lại theo nguyên tắc «tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên», nghĩa là khi tùy duyên mà thay đổi thì vẫn phải nắm vững những gì không thể thay đổi được, và nếu nắm vững những gì không thể thay đổi được, thì những cái còn lại đều là những cái có thể thay đổi để thích hợp với người nghe. Chính nhờ hai nguyên tắc này mà Phật giáo đã hội nhập giáo lý của mình vào Trung Hoa một cách tuyệt vời. Như thế, điều quan trọng là phải làm sao để người ta lãnh hội được cái cốt lõi của đạo Phật để họ đạt được điều cần thiết nhất mà đạo Phật có thể mang lại cho họ, không cần phải quá lưu tâm tới những cái có thể thay đổi. Vì thế, không nên câu nệ vào những tiểu tiết, những gì phụ thuộc. Chỉ vì sẵn sàng thay đổi những tiểu tiết đó miễn sao thực hiện được điều cốt yếu mà đạo Phật có tới 84 ngàn pháp môn khác nhau.

Cái cốt tủy không thể thay đổi trong các pháp môn đó là cái «TÂM», là «Chân Như Phật Tánh», là «Bản Lai Diện Mục». Mọi pháp môn đều chỉ xoay quanh cái TÂM đó. Và khi sống trọn vẹn với cái TÂM đó, không còn thấy cái tôi nhỏ bé ích kỷ của mình nữa, thì đó là giải thoát, là đỉnh cao của hữu thể con người, là toàn thiện, là Phật. Và có thể nói THIỀN chính là sống trọn vẹn với cái TÂM đó, đồng thời thấy mình và TÂM đó là một (thấy chứ không phải là tin, nghĩa là cảm nghiệm thật sự).

Về khía cạnh này thì tột đỉnh của linh hạnh Kitô giáo cũng tương tự như thế. Nghĩa là tột đỉnh của linh hạnh Kitô giáo là một đời sống hoàn toàn kết hợp mật thiết với Đức Kitô, với Thiên Chúa. Mà Đức Kitô hay Thiên Chúa ở đây chính là Đức Kitô ở trong tôi hay Thiên Chúa ở trong tôi, đó là một Đức Kitô của lịch sử nhưng đã được nội tâm hóa trong tôi, một Thiên Chúa được nội tâm hóa trong tôi. Về Đức Kitô lịch sửĐức Kitô ở trong tôi, một nhà linh hạnh Kitô giáo nói: «Việc giáng sinh của Đức Kitô sẽ trở nên vô ích cho tôi, nếu Ngài chỉ sinh ra tại Bêlem mà không sinh ra trong tâm hồn tôi. Đau khổ và cái chết của Đức Kitô cũng sẽ vô ích cho tôi, nếu Ngài chỉ đau khổ và chết trên đồi Canvê mà không đau khổ và chết trong tâm hồn tôi. Cuộc phục sinh của Ngài cũng thế».

Vì thế, sự kết hợp với Đức Kitô phải đi đến mức: mọi tư tưởng, hành vi của tôi không còn là của tôi, mà là của Đức Kitô ở trong tôi. Nghĩa là có thể nói được như thánh Phaolô: «Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (86*). Lúc đó, «cái tôi» của tôi đã biến mất, chỉ còn một mình Đức Kitô ở trong tôi hiện hữu. Và khi đó, tôi đã hoàn toàn được kitô hóa, nghĩa là «trở nên Đức Kitô». Đức-Kitô-ở-trong-tôi đó, chính là Đức Kitô mà thánh Phaolô muốn sinh ra trong lòng các tín hữu của Ngài: «Anh em là những con cái của tôi, những kẻ mà tôi đã phải quặn đau mà sinh ra mãi cho đến khi nào Đức Kitô được thành hình trong anh em» (87*). Như đã nói ở trên, Đức-Kitô-ở-trong-tôi của linh hạnh Kitô giáo, với cái TÂM (hay Chân Tánh, Chân Như Phật Tánh) của Thiền cũng là một, cho dù được quan niệm khác nhau. Như thế, cái tột đỉnh của Thiền và của Kitô giáo, một cách căn bản cũng chỉ là một. Đương nhiên mỗi bên đều có những sắc thái riêng của mình.

Tha lực hay tự lực?

Linh hạnh Kitô giáo đã từng sản sinh ra những vị đại thánh, và linh hạnh Phật giáo của đã sản sinh ra những vị tương tự như thế. Niềm tin tuy khác nhau, nhưng mức độ tin của các vị ấy giống nhau. Cuộc sống hay cách tu hành có thể khác nhau, nhưng tinh thần sống hay tu thì y như nhau. Họ giống nhau ở chỗ là nỗ lực hết sức để thực hành những gì mà lương tri, trí huệ, tình thương đòi buộc. Và sức mạnh tâm linh mà họ kín múc được xuất phát từ Thiên-Chúa-ở-trong-tôi của họ, hay từ cái TÂM của họ. Đó chỉ là những từ ngữ khác nhau với những nội dung và ý nghĩa khác nhau, nhưng đều chỉ về một thực tại. Tuy nhiên, vì cách dùng từ và quan niệm về từ ngữ đó mà hai bên đi đến kết luận khác nhau.

Nếu sức mạnh đó được hiểu là do Thiên-Chúa-ở-trong-tôi, nó sẽ được hiểu là tha lực, nghĩa là không phải lực của mình (88*). Còn nếu hiểu sức mạnh đó là do cái TÂM của mình, do Bản Lai Diện Mục của mình, thì sức mạnh đó được hiểu là tự lực, tức sức lực của mình (89*). Nhưng dù là tự lực hay tha lực, thì sức mạnh đó đều xuất phát từ một nguồn gốc mà ra, tùy theo quan niệm riêng của mỗi tôn giáo mà thấy nguồn đó là tha lực hay tự lực. Và ta thấy, dù là do cầu xin hay không cầu xin, sức mạnh nội tâm của các vị đại thánh trong cả hai tôn giáo đều rất lớn, rất phi thường. Vậy, vấn đề quan trọng không phải là sức mạnh đó do đâu, là tự lực hay tha lực, mà là làm sao có được và sử dụng được sức mạnh đó. Sức mạnh đó chính là Tình thương, đức Khôn ngoan, lòng Can đảm, bên Phật gọi là Bi, Trí, Dũng (Từ bi, Trí huệ và Dũng cảm). Sử dụng được sức mạnh đó cũng là một mục tiêu mà người tu đạo mong đạt tới để thực hiện sự giải thoát.

Vấn đề chấp ngã

Chấp ngã là chấp rằng «cái tôi» mà mình ý thức được là có thật, là trường tồn mãi, nên luôn luôn quan trọng hóa cái tôi, lấy «cái tôi» làm cứu cánh, và trở nên ích kỷ hoặc vị kỷ. Phật giáo cho rằng «cái tôi» đó chỉ là ảo tưởng như đã trình bày ở trên, và người nào giác ngộ thì cảm nghiệm được điều đó. Trong Kitô giáo, về vấn đề này, cũng có sự tương tự nhưng được diễn tả theo cách khác.

Kitô giáo quan niệm Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta từ hư vô, nên bản chất của chúng ta là hư vô. Nếu Thiên Chúa không nâng đỡ sự hiện hữu của chúng ta, thì lập tức chúng ta trở thành hư vô ngay. Do đó, tất cả mọi sự chúng ta đang có đây, dù là bản thân, thể xác, linh hồn, trí huệ, tình cảm, tự do, ý chí, cha mẹ, anh chị em, của cải, v. v… đều do Thiên Chúa ban cho ta, không có gì vốn là của ta cả. Tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa. Vì thế, mọi sự ta có, mọi việc ta làm, không có gì khiến ta phải tự hào tự mãn cả. Ta dù có làm hay đến đâu, vất vả cực nhọc đến thế nào, nếu Thiên Chúa không góp công làm cho thành tựu, thì ta có làm cũng vô ích. Đức Kitô có nói: «Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được» (90*). Thánh Phaolô đã diễn tả ý tưởng đó: «Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể» (91*). Vậy «ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa» (92*).

Khi quan niệm như vậy, người ta sẽ không chấp ngã, không chấp những gì mình có, những việc mình làm là của mình, và nhận ra mình là hư vô, là «không» trước Thiên Chúa. Các vị thánh trong Kitô giáo đều là những người sống tinh thần «tự hủy» (93*) vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Vấn đề chấp pháp

Người Kitô hữu luôn luôn quan niệm tất cả mọi sự vật trên đời đều là giả tạm, chóng qua. Mở đầu sách Giảng Viên có câu: «Phù hoa nối tiếp phù hoa, ở đời hết thảy chỉ là phù hoa» (94*). Thánh Phaolô cũng nói: «Muôn loài đều lâm vào cảnh hư ảo» (95*). Ngài cũng viết: «Bộ mặt thế gian này đang qua đi» (96*). Vì thế, «người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này hãy làm như chẳng hưởng» (97*).

Về giáo lý, đức tin, sự hiểu biết, khả năng tâm linh, thánh Phaolô cũng viết: «Ơn nói tiên tri ư? cũng chỉ nhất thời. Nói các thứ tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng, sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con» (98*). Như vậy, tất cả các «pháp môn» dành cho «trẻ con», tức những người chưa trưởng thành về tâm linh, đều chỉ là giả lập, đến khi trưởng thành, tất cả những «pháp môn» ấy đều qua đi, không còn sử dụng nữa. Chỗ khác, thánh Phaolô nói: «Về vấn đề này, chúng tôi còn có nhiều điều phải nói, nhưng khó mà cắt nghĩa, vì anh em đã trở nên uể oải không muốn nghe. Quả thật, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa. Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ. Vì thế, gác một bên giáo huấn sơ đẳng về Đức Kitô, chúng ta hãy vươn tới trình độ giáo huấn trưởng thành, mà không trở lại những điều căn bản, là lòng sám hối ăn năn vì những việc đưa tới sự chết, là niềm tin vào Thiên Chúa, là giáo lý về mấy loại phép rửa, là nghi thức đặt tay, là vấn đề kẻ chết sống lại và cuộc phán xét cuối cùng. Đó là điều chúng ta sắp làm, nếu Thiên Chúa cho phép» (99*). Những Phật tử đã phá được chấp pháp, sẽ hiểu được ngay ý nghĩa của những câu Kinh Thánh này.

Trong Kinh Thánh, luật Môsê là điều mà người Do Thái cho là vĩnh cửu, không thể thay đổi, vì do Thiên Chúa ban hành qua Môsê. Nhưng tới thời các Tông Đồ, tức sau khi Chúa Giêsu qua đời, luật Môsê đã bị các Tông Đồ bãi bỏ, vì không còn thích hợp với thời đại mới, thời mà trình độ tâm linh của con người đã cao hơn trước (100*). Luật lệ khi mới ban hành, là lúc nó thích hợp với xã hội, phải được coi là vĩnh cửu, tuyệt đối (là thời phải chấp pháp). Nhưng khi không còn thích hợp với thời đại hay xã hội, thì phải bãi bỏ để theo một luật lệ mới cao hơn, thích hợp hơn (là thời phải phá chấp). Vậy, luật lệ không mang tính vĩnh cửu, bất biến, mà tùy thuộc vào việc có thích hợp với trình độ tâm linh của con người hay không. Chính Chúa Kitô cũng nói: «Ngày sabát (hay lề luật) được làm ra vì con người, chứ không phải là con người được dựng nên vì ngày sabát (hay lề luật)» (101*). Như vậy, trong Kitô giáo, tinh thần không chấp pháp được thể hiện rất rõ ràng, tuy không được giải thích rõ ràng trong giáo lý như trong Phật giáo. Lý do: việc chấp pháp cũng rất cần thiết và quan trọng. Chưa tới trình độ phá chấp mà đã phá chấp thì rất nguy hiểm. Vì thế, việc phá chấp được nói tới, nhưng chỉ những ai đạt tới trình độ đó mới tự khám phá ra.

Như thế, tuy là cách diễn tả khác nhau, mức độ dè dặt và rõ ràng cũng khác nhau, nhưng nếu không chấp vào từ ngữ, ta sẽ thấy cả Phật giáo lẫn Kitô giáo đều chủ trương không chấp pháp tương tự nhau.

Phần chú thích

(1*) Không phải là Thiên Chúa theo cách một số sách hay một số câu trong Cựu Ước mô tả: một Thiên Chúa hay thịnh nộ, nguyền rủa, sẵn sàng giáng họa xuống trên cả người vô tội (x. Đnl 20, 13-18; 21, 11-13; Ml 2, 2-3; v. v… ), mà là Thiên Chúa theo quan niệm của Đức Giêsu Kitô: một Thiên Chúa đầy yêu thương, nhân hậu, sẵn sàng tha thứ… Chính Đức Giêsu đã không chấp nhận những hình ảnh về Thiên Chúa mà một số đoạn hay câu trong Cựu Ước mô tả, và đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn trái ngược lại.

(2*) Mt 5, 48.

(3*) Triệu Châu (778-897) : một thiền sư cao cấp ở Trung Hoa.

(4*) DAISETZ TEITARO SUZUKI, Thiền luận (quyển thượng), Bản dịch của Trúc Thiên, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh 1992, trang 566.

(5*) Trong nhiều cuốn sách giáo lý công giáo, câu hỏi thưa đầu tiên đại khái là:

H. Phải làm thế nào cho được thanh nhàn vui vẻ vô cùng?

T. Phải giữ đạo thánh Đức Chúa Trời.

Trả lời như thế thì hoàn toàn đúng, nhưng dễ có nguy cơ làm người ta coi Đức Chúa Trời chỉ là phương tiện, còn hạnh phúc của mình, hay chính mình mới là mục đích tối hậu: toàn bộ việc giữ đạo là vì hạnh phúc của chính mình. Nếu đảo lộn trật tự như thế thì «còn lâu» mới đạt được hạnh phúc.

Tuy nhiên, đối với những người chưa có đời sống tâm linh cao, chưa hiểu được lẽ đạo, thì phải dùng ngôn từ như thế để nói với họ, không thể khác hơn được. Họ còn ích kỷ, nên phải lợi dụng sự ích kỷ đó để dẫn dụ họ vào đạo, rồi đạo mới giáo hóa họ dần dần để họ hiểu ra và không còn sống theo mục đích ích kỷ ấy nữa. Phương pháp của sách giáo lý mang tính sư phạm cần thiết. Nhưng, nếu sau khi đã vào đạo hàng chục năm mà người Kitô hữu vẫn sống theo mục đích ích kỷ ấy thì quả là chưa trưởng thành, vẫn còn «ăn sữa» chứ chưa ăn được «đồ cứng» (nói theo từ của Phaolô trong Dt 5, 12-14, và của Phêrô trong 1 Pr 2, 2).

(6*) Mt 16, 25.

(7*) Ga 12, 25. Tinh thần của hai câu Tin Mừng này với tinh thần của câu chuyện «Triệu Châu và bà lão» ở trên tương tự nhau.

(8*) 1 Cr 13, 3. Người làm những việc có vẻ đầy tình yêu ấy có thể không phải vì tình yêu, mà vì những động lực khác, như để được khen là có tình yêu, để tỏ ra mình có tình yêu, có lòng quảng đại, biết yêu thương người nghèo, nhờ thế có lợi cho mình: được người ta tín nhiệm, yêu mến, trọng dụng…

(9*) Mt 9, 13; 12, 7.

(10*) Kinh Duy Ma Cật, Phẩm 8: Phật Đạo.

(11*) Một ông đạo hỏi thiền sư Mục Châu, một cao tăng ở hậu bán thế kỷ 9:

- Suốt đời mặc áo ăn cơm, làm sao khỏi mặc áo ăn cơm?

- Thì cứ mặc áo ăn cơm.

- Tôi không hiểu.

- Không hiểu thì cứ mặc áo ăn cơm.

(Trích trong SUZUKI, Thiền luận I, trang 30).

(12*) VIÊN MINH, Lá thư Thầy, câu ở bìa sách.

(13*) Kinh Duy Ma Cật.

(14*) SUZUKI, Thiền luận I, trang 570.

(15*) SUZUKI, Thiền luận I, trang 40.

(16*) Cái nào đi trước thì ngắn ngủi, chóng qua, cái nào đi sau thì lâu dài. Nên thà khổ trước sướng sau, hơn là sướng trước khổ sau.

(17*) Mt 7, 13-14.

(18*) Lc 14, 11.

(19*) Pl 2, 8-9.

(20*) Ga 15, 13.

(21*) Những đau khổ mà người khác gây ra cho ta hiện nay (ta khổ, họ sướng) có thể là hậu quả của những đau khổ ta gây ra cho người khác trong quá khứ, hay trong tiền kiếp. Những hạnh phúc ta tự nhiên được hưởng hiện nay (có thể vì thế mà người khác phải chịu đau khổ) là kết quả những việc thiện ta làm trong quá khứ.

(22*) Điều này được Nikos Kazanzakis diễn tả rất hay trong «The Last Temptation of Christ», bản dịch của Bích Phượng, «Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa», nxb Đồng Nai, 1988, xem cuộc đối thoại giữa hai người, trang 297-305: Gioan Tẩy giả tượng trưng cho sự công bằng không nhân nhượng của Thiên Chúa, còn Giêsu tượng trưng cho sự công bằng đầy yêu thương cũng của Thiên Chúa. Hai thứ công bằng ấy đấu tranh với nhau, và thứ công bằng có tình thương đã thắng thế trong bản thân Đức Giêsu, và hiện thể trong đời sống của Ngài.

(23*) Xem 1 Cr 13, 3: «Cho dù tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, nhưng nếu tôi không có tình yêu, thì việc làm đó chẳng ích lợi gì cho tôi».

(24*) Cho dẫu con cái có đứa bị «đui què mẻ sứt», xấu xí, hư đốn, khó tính khó nết hay khó thương đến đâu, cho dẫu không ai có thể thương đứa con ấy nổi, cho dẫu đứa con ấy không làm lợi gì cho cha mẹ, thậm chí chỉ làm hại, thì cha mẹ vẫn một mực yêu thương đứa con ấy, vẫn nuôi đứa con ấy, thậm chí còn có thể dồn tình thương hay tiền bạc cho nó hơn những đứa con khác lành lặn, đẹp đẽ, ngoan ngoãn, dễ thương hơn, có lợi cho cha mẹ hơn. Cha mẹ nào áp dụng một sự công bằng tuyệt đối đối với các con mình, đứa nào làm lợi cho mình nhiều hay dễ thương thì thương nhiều và được hưởng quyền lợi nhiều, v. v… thì không hẳn đã là một cha mẹ thực tình thương con, và không hẳn đã luôn luôn hợp tình hợp lý.

(25*) Sự công bằng có tình yêu này trong Nước Trời (tức trong một thế giới đầy tình yêu, chứ không phải là tại trần gian) được Đức Kitô ám chỉ qua dụ ngôn trả lương giống nhau cho những người thợ làm vườn nho với số giờ làm việc khác nhau (xem Mt 20, 1-16). Tuy số giờ làm có khác nhau, hiệu quả công việc có khác nhau, nhưng ông chủ biết nhu cầu những người đó giống nhau, bằng nhau. Điều này không thể thực hiện được trong một xã hội không thể lấy tình thương làm nền tảng để xử thế, mà phải áp dụng luật công bằng không tình thương.

(26*) Những phê bình chỉ trích hầu như luôn luôn có lý, nhưng thường do hiểu sai hoặc hiểu chưa tới nơi tới chốn.

(27*) Theo luật nhân quả, hễ có nhân là có quả, mà có quả ắt phải có nhân. Gây nhân khổ ắt phải gặp quả khổ, và nếu gặp quả khổ ắt là đã gây nhân khổ. Xét cho cùng, mọi cái khổ đều do chính mình tạo ra cho mình, không ai có thể gây khổ cho mình ngoài chính mình. Nếu có ai gây đau khổ cho mình, thì chính vì mình đã gây khổ cho một ai khác, nên cuối cùng, cái khổ do mình gây ra cho họ ấy lại trở về với mình.

(28*) Nhân kết thành quả lâu hay chóng tùy thuộc vào rất nhiều điều kiện (vào bản chất của nhân, vào sự thuận lợi hay bất thuận lợi của ngoại cảnh). Giống như gieo một hạt bắp xuống đất thì chỉ vài tháng sau là có quả, nhưng gieo một hạt sầu riêng thì phải mấy năm sau mới có quả. Cùng là hạt bắp hay sầu riêng, nhưng có hạt nẩy mầm và có quả trước, có hạt sau, tùy thuộc vào loại đất, nước, ánh sáng, nhiệt độ, phân bón có đầy đủ hay không.

(29*) Ga 15, 5.

(30*) X. Mt 17, 20; Rm 8, 28. 31. 37.

(31*) Tinh thần Trung Đạo khiến ta không «chấp vào hai bên» (hoặc chỉ bên này hoặc chỉ bên kia, hoặc thái quá hoặc cực đoan), mà phải thấy được rằng «trong vô ngã có hữu ngã, và trong hữu ngã có vô ngã». Áp dụng vào trường hợp này thì «trong tha lực có tự lực, và trong tự lực có tha lực». Vì theo quan điểm này, thì có thể ý Đức Kitô và Đức Phật không khác nhau. Tương tự như trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Huệ Năng nói các pháp là thường, đang khi Phật tổ nói các pháp là vô thường, nhưng Huệ Năng nói: «Ý ta và ý Phật không khác nhau».

(32*) Vấn đề tự lựctha lực sẽ còn được đề cập tới ở phần so sánh Thiền tông với linh hạnh Kitô giáo ở trang 207.

(33*) Nằm trong «Bài giảng trên núi» của Đức Kitô: Mt5, 1-12: 1Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó…, 2phúc cho ai hiền lành…, 3phúc cho ai sầu khổ…, 4phúc cho ai khát khao nên người công chính…, 5phúc cho ai biết xót thương người…, 6phúc cho ai có tâm hồn trong sạch…, 7phúc cho ai xây dựng hòa bình…, 8phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính…».

(34*) Rất tiếc những người đã phê bình chỉ trích tinh thần bát phúc này trước đây, thường chỉ chấp vào nghĩa đen của từ ngữ hay «bất liễu nghĩa», mà không hiểu được ý nghĩa sâu xa hay «liễu nghĩa» của nó. Còn chấp vào từ ngữ thì chưa thể bàn luận về tôn giáo mình cách thấu đáo được, đừng nói gì tới việc bàn luận đến những tôn giáo khác.

(35*) Kinh Duy Ma Cật, Phẩm 8, «Phật đạo».

(36*) VATICAN II, TG 22 §1.

(37*) Thiên Chúa truyền cho con người: «Hãy làm chủ…» (St 1, 28).

(38*) Ga 14, 15; một vài câu khác: «Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy… Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy, và cả Cha và Thầy sẽ đến ở trong người ấy» (Ga 14, 21. 23), «Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy… Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy» (Ga 15, 10. 14).

(39*) Nghĩa là: làm người phải lấy chữ hiếu làm đầu.

(40*) Nghĩa là: tâm hiếu thảo là tâm Phật, hạnh hiếu thảo là hạnh Phật.

(41*) Nghĩa là: cha mẹ là hai vị Phật sống ở trong nhà.

(42*) Mt 6, 1. 6.

(43*) SUZUKI, op. cit., trang 568.

(44*) Câu Kinh Thánh trên nằm trong «Bài giảng trên núi» (gồm 3 chương: Mt 5-7), dành cho đám đông dân chúng theo Ngài (x. Mt 5, 1). Phê bình Ngài không có tinh thần «ba-la-mật» e rằng oan cho Ngài quá!

(45*) Chẳng hạn, kinh Kim Cang, là kinh phá chấp triệt để và đặc biệt nói về tinh thần vô ngã vô cầu, có câu: «Nếu Bồ Tát còn chấp mình hóa độ vô số chúng sinh thì không phải là Bồ Tát» (rất nhiều câu ý nghĩa tương tự như thế trong kinh). Nhưng cũng trong kinh này vẫn có chỗ Phật nói cho những người căn cơ thấp kém hơn để dẫn dụ họ đọc và nghe kinh ấy: «Nếu có người đựng đầy bảy báu trong đại thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) đem bố thí, thì phước đức nhiều lắm. Nhưng nếu ai thọ trì đọc tụng kinh này, hoặc vì người mà giảng trọn quyển hoặc nửa quyển, cho điều này tối thiểu là bốn câu kệ, thì công đức của người này nhiều hơn người trước» (trong kinh này, có rất nhiều câu dẫn dụ với ý nghĩa như vậy).

(46*) Thời Môsê (khoảng 1250 năm trước Đức Giêsu, và 625 năm trước Đức Phật) trình độ tâm linh của dân Chúa còn thấp kém, Thiên Chúa được trình bày trong Cựu Ước như một ông vua sẵn sàng nổi cơn thịnh nộ khi dân chúng làm ác, làm trái ý Chúa. Các sách Cựu Ước được trước tác trong khoảng từ đó đến mấy trăm năm sau. Dân Chúa lúc đó ví như trẻ con, người cha vừa phải đe dọa bằng roi vọt vừa phải tỏ tình âu yếm, tinh thần Cựu Ước là như thế. Không thể dùng những lời lẽ đầy minh triết để nói với một đứa trẻ giống như nói với một người lớn được! Nhiều học giả ngoài Kitô giáo cứ lấy lời của Cựu Ước ra mà phê bình, chỉ trích, nhất là so sánh với lời giáo chủ của tôn giáo mình nói với một đối tượng trưởng thành hơn, thì quả hơi có sự bất công. Khi phê bình, cần phải biết lời nói đó là nói với ai. Không thể so sánh lời nói của ông A nói với đứa con còn nhỏ của mình, với lời của ông B nói với đứa con đã trưởng thành của mình, để rồi kết luận ông A không minh triết bằng ông B. Nếu ông A lại nói với đứa con nít giống y như ông B nói với đứa đã lớn, thì ông A mới là không minh triết.

(47*) Xem 1 Cr 13, 1-3.

(48*) Phật thuyết pháp những 49 năm, với biết bao nhiêu kinh điển! Lời Đức Kitô chỉ chép trong nửa cuốn Tân Ước, Ngài lại nhắm ưu tiên độ những kẻ tội lỗi, nghèo nàn, dốt nát, cuối cùng mới tới những người đạo đức, thông thái như các rabbi, phái Pharisiêu, v. v… Lời của Ngài ưu tiên nói cho những hạng người đó. Tuy nhiên, những người khôn ngoan thông thái vẫn rút ra được của ăn tinh thần thích hợp cho mình.

(49*) Chẳng hạn, một trường hợp mà người viết tập này đã từng gặp. Một buổi chiều Chúa nhật, một «lương y» ở một vùng quê rất hiếm thầy thuốc nọ đang chuẩn bị đi lễ vì sáng chưa đi, thì có một bệnh nhân bị sốt rét đến năn nỉ hết lời xin ông ta chữa bệnh, vì bệnh thì nặng mà nhà thì quá xa, vả lại trời sắp tối. Nhưng nghĩ tới luật Giáo Hội buộc nặng phải đi dự lễ, ông ta đã quyết liệt từ chối mặc cho người bệnh ra sao thì ra, sau khi đã giải thích. Trường hợp này, ông thầy thuốc tuy giữ đúng luật Giáo Hội, nhưng lại hành động ngược lại với cốt tủy và mục đích của lề luật là tinh thần yêu thương (mến Chúa và yêu người).

(50*) Mc 2, 27.

(51*) Xem Rm 7, 12-25: «Lề Luật là thánh và điều răn cũng là thánh, đúng và tốt»; 1 Tm 1, 8.

(52*) 1 Tm 1, 9.

(53*) Gl 2, 21. Xem thêm Gl 3, 11: «Không ai được nên công chính trước mặt Thiên Chúa nhờ Lề Luật, đó là điều hiển nhiên, vì người công chính sống bởi đức tin»; Rm 3, 20: «Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy. Luật chẳng qua chỉ làm cho người ta ý thức về tội»; Rm 3, 28: «Người ta được nên công chính vì tin chứ không phải vì làm những gì luật dạy».

(54*) Xem Lc 18, 9-14: Người Pharisiêu sống rất gương mẫu, giữ luật lệ hoàn hảo, làm được nhiều việc tốt đẹp, nhưng lại tự hào về điều đó, nên không còn là công chính trước Thiên Chúa; còn người thu thuế, tuy đã phạm nhiều tội lỗi và sống bê tha, nhưng đã thực tình thống hối và nhìn nhận mình tội lỗi, không xứng đáng ở trước mặt Chúa, nên đã trở nên công chính trước Thiên Chúa. Ngài coi tinh thần khiêm nhượng hay «tự hủy» (kenosis) hay «vô ngã» (nói theo từ Phật giáo) quan trọng hơn cả đức hạnh, công nghiệp.

(55*) Rm 7, 14.

(56*) Xem Rm 2, 17-18. 21-24: «Bạn mang danh là người Do Thái, ỷ rằng mình có Lề Luật, và tự hào vì có Thiên Chúa; Bạn biết ý Người, được Lề Luật dạy cho điều hay lẽ phải; Bạn dạy người khác mà lại không dạy chính mình! Bạn giảng: đừng trộm cắp mà bạn lại trộm cắp! Bạn nói: chớ ngoại tình, mà bạn lại ngoại tình… Bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy là bạn làm nhục Thiên Chúa! Thật đúng như lời chép: Chính vì các người mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa muôn dân»; Gl 6, 13: «Chính những kẻ được cắt bì cũng không giữ Lề Luật».

(57*) Não trạng vị luật khiến người ta nghĩ rằng Đấng Mêsia nếu có đến, thì Ngài phải giữ luật hoàn hảo hơn họ. Nhưng Đức Kitô không giữ luật hoàn hảo theo kiểu họ tưởng: «Những người Pharisiêu nói với các môn đệ Người: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?”… Các môn đệ Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu: “Tại sao chúng tôi và những người Pharisiêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?» (Mt 9, 11. 14); Xem thêm Mt 12, 1-8 (chuyện các môn đệ Đức Kitô bứt lúa ăn ngày sabát); 15, 2 (các môn đệ Đức Kitô không rửa tay trước khi dùng bữa); Ga 9, 16. 22. 24: «Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được vì không giữ luật ngày sabát… Họ trục xuất khỏi hội đường những ai dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô… “Chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi”»; v. v…

(58*) Xem Rm 4, 15: «Lề Luật gây nên cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, còn ở đâu không có Lề Luật thì cũng không có vi phạm»; Rm 5, 13: «Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Lề Luật, thì tội không bị kể là tội».

(59*) «Kinh Thánh đã giam hãm mọi sự trong vòng tội lỗi» (Gl 3, 22).

(60*) Xem Ga 5, 39: Đức Kitô nói: «Chính Kinh Thánh làm chứng về tôi».

(61*) Xem Ga 9, 28-29. 39-40: «Những người Pharisiêu nói: “Chúng ta là môn đệ của Môsê. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa nói với ông Môsê; nhưng chúng ta không biết ông ấy bởi đâu mà đến”… Đức Giêsu nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho những người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy (= những kẻ thông thạo Kinh Thánh, tự hào mình biết hết) lại nên đui mù»; Mt 12, 24: «Ông này trừ được quỉ là nhờ dựa thế quỷ vương Belzêbul»; Ga 1, 46: «Từ Naza-rét thì làm sao xảy ra điều gì hay được!» (vì trong Cựu Ước không hề có lời sấm nào nói về Nazarét cả).

(62*) Xem Xh 20, 5-6: «Ta là Giavê Thiên Chúa ngươi, là Thần Linh rất ghét điều gian ác, hễ ai ghét Ta, Ta sẽ nhân tội tổ phụ mà phạt lại con cháu đến ba bốn đời, nhưng Ta sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến Ta và giữ các giới răn của Ta».

(63*) Xem Cv 15: Những người Kitô hữu gốc Do Thái chủ trương «Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Môsê» (15, 5). Các Tông Đồ họp nhau và đi đến quyết định: người Kitô hữu không còn phải giữ Luật Môsê và phép cắt bì nữa, vì đã có luật mới là luật yêu thương của Đức Kitô.

(64*) Bi, Trí, Dũng: là lòng từ bi, trí huệ và lòng dũng cảm, là ba yếu tố căn bản và cần thiết phải có để thành tựu cứu cánh tu tập.

(65*) Trong kinh Tăng Nhất A Hàm, có chỗ Phật nói: «Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì nghe nói lại. Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì tập tục cổ phong truyền lại. Không nên… chỉ vì có lời đồn đãi như vậy. (… ) chỉ vì điều ấy đã được ghi chép trong kinh sách. (… ) chỉ vì mình đã ức đoán như vậy. (… ) chỉ vì mình suy diễn như vậy. (… ) chỉ vì dựa trên những yếu tố bề ngoài. (… ) chỉ vì điều ấy hợp với thành kiến của mình. (… ) chỉ vì điều ấy có vẻ chấp nhận được. (… ) chỉ vì nghĩ rằng vị tu sĩ thốt ra điều này được ta kính trọng từ trước».

(66*) Xem Rm 8, 31. 37. 28.

(67*) Xem Lc 17, 6; Mt 17, 20; 21, 21.

(68*) Xem Rm 8, 24.

(69*) Kinh Cậy (trong bộ ba kinh: Tin, Cậy, Mến).

(70*) Kinh Kính Mến.

(71*) Xem Ga 17, 21-23: «… để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một. Như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã thương yêu họ như đã yêu thương con».

(72*) Ga 10, 30: «Tôi và Chúa Cha là một»; và Ga 10, 38b: «Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha».

(73*) Gl 2, 20.

(74*) Trong «Diệu Pháp Liên Hoa Kinh», Phẩm «Thí Dụ», Phật Thích Ca có nói về nguồn gốc của Phật A-Di-Đà.

(75*) Như chúng tôi đã nói ở chương 2 về tính nhất quán của Phất giáo: giữa các pháp môn Phật, có thể có những điều mâu thuẫn hay ngược hẳn nhau, nhưng không có nghĩa là lập trường của Phật bất nhất.

(76*) Trong Phật học Phổ thông, quyển nhất, trang 368-369, Thượng Tọa Thích Thiện Hoa viết: «Đạo Phật có muôn ngàn pháp môn, tựu trung có pháp môn niệm Phật là dễ tu hơn cả. Các pháp môn khác như con mọt đục ống tre từng mắt mà lên, còn pháp môn niệm Phật như con mọt đục ngay mình tre mà ra. Hai phương pháp đều đưa con mọt ra khỏi ống tre cả, nhưng phương pháp sau có kết quả mau chóng hơn phương pháp trước». Tác giả còn nói rõ hơn: «Người tu thiền mà không tu Tịnh độ (niệm Phật) thì mười người lầm hết chín. Người tu Tịnh độ cho dù không tham thiền thì muôn người tu là muôn người được vãng sanh (nếu nhất tâm). Nếu niệm Phật mà lại có cả tham thiền thì như cọp đã có sức mạnh lại còn mọc thêm sừng. Nghĩa là lối tu niệm Phật đã chắc chắn rồi, mà lại còn tham thiền thêm nữa, thì lại càng chắc chắn hơn nữa».

(77*) 81 = 9 ´ 9. Tại Đông Phương, số 9 tượng trưng cho sự hoàn hảo, tràn đầy. 9 ´ 9 là một hình thức tuyệt đối hóa sự hoàn hảo và tràn đầy ấy.

(78*) Các kinh Phật để tụng thường là những bài răn dạy, những lời Phật nói, hơn là những lời cầu xin.

(79*) Bài chú là những bài phiên âm từ tiếng Phạn ra tiếng Hán, rồi lại phiên âm sang tiếng Việt, nên tiếng Hán và tiếng Việt không có nghĩa gì cả. Nhưng khi tập trung hết tinh thần để đọc, lời chú sẽ tạo một âm vang tác động mạnh mẽ vào tâm linh người đọc, làm họ tiến bộ về trí huệ hơn.

(80*) Một câu chuyện thiền: Có người hỏi một hành giả tu pháp môn Tịnh Độ đã lên tới trình độ rất cao của pháp môn này:

- Phật A-Di-Đà bao nhiêu tuổi?

- Ngài cùng tuổi với tôi.

- Thế anh bao nhiêu tuổi?

- Tôi cùng tuổi với Phật A-Di-Đà.

(81*) Gl 2, 20.

(82*) Ý là: con xuất phát từ đâu? «bản lai diện mục» của con là gì? (không phải là một câu hỏi hiểu theo nghĩa thường).

(83*) Theo truyền thuyết của Phật giáo, sau khi sinh ra, Đức Phật đứng lên, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, nói: «Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn» (Trên trời dưới đất, chỉ một mình tôi). Đây chỉ là truyền thuyết không phải là sự kiện, tuy nhiên nó hàm chứa một ý nghĩa thâm sâu. Chữ «ngã» (hay «tôi») ở đây chắc chắn không chỉ cá nhân đức Phật (vì trên đời không chỉ có một mình Ngài là người hay là Phật, mà còn biết bao người khác hay bao vị Phật khác), nhưng chỉ cái «Bản Thể duy nhất của vũ trụ vạn vật» mà mọi người tu hành mong giác ngộ và cảm nghiệm được. Trong triết lý Hy Lạp, Parménide cũng chủ trương: «L’Être est Un» (Hữu Thể là Một).

(84*) Tâm & Vật là một: ngoài Tâm không có Vật, ngoài Vật không có Tâm.

(85*) Đối với một tờ giấy mặt trắng mặt đen, người nhìn mặt này nói «nó trắng», người nhìn mặt kia nói «nó đen», hai người tuy mâu thuẫn nhau, nhưng có người nào sai đâu?

(86*) Gl 2, 20.

(87*) Gl 4, 10.

(88*) Vì Kitô giáo đồng hóa Đức-Kitô-ở-trong-tôi với Đức Kitô lịch sử, Thiên-Chúa-ở-trong-tôi với Thiên-Chúa-ở-trong-vũ-trụ, và chủ trương tất cả mọi sức mạnh đều đến từ Thiên Chúa, nên sức mạnh đó là tha lực. Do đó, để có sức mạnh đó, ta phải cầu xin Thiên Chúa, đồng thời tin tưởng rằng với ơn Chúa, với sức mạnh Ngài ban cho, ta sẽ làm được tất cả mọi sự, vì «đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (Lc 1, 37).

(89*) Vì Phật giáo đồng hóa cái TÂM của mình (đúng ra phải nói cái TÂM trong mình) với chính mình, nên chủ trương mọi sức lực đều do mình, đều là tự lực, vì thế, không phải cầu xin với ai cả.

(90*) Ga 15, 5.

(91*) 1 Cr 3, 6.

(92*) 1 Cr 1, 31. «Tự hào trong Chúa» là qui tất cả niềm tự hào đó về Chúa, vì nhận ra tất cả đều do Chúa ban chứ không do mình, và không tự hào gì cả trước người khác.

(93*) «Tự hủy» (kenosis) không hiểu theo nghĩa đen là tự sát, mà hiểu theo nghĩa tinh thần là tự coi mình không là gì cả, là hư vô, để rồi tự hạ mình phục vụ Thiên Chúa, phục vụ tha nhân hết mình, mà không cậy công, không mong được trả ơn, không mong phần thưởng… Phần thưởng chỉ là kết quả chứ không phải là mục đích: người làm vì phần thưởng thì không phải là «tự hủy», nhưng phần thưởng sẽ dành cho những ai không làm vì phần thưởng. Xem gương «tự hủy» của Đức Kitô và phần thưởng dành cho Ngài trong Pl 2, 6-11.

(94*) Gv 1, 2.

(95*) Rm 8, 20

(96*) 1 Cr 7, 31.

(97*) 1 Cr 7, 29-30.

(98*) 1 Cr 13, 8-11.

(99*) Dt 5, 11-6, 3.

(100*) Cv 15, đặc biệt các câu 28-29: «Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này, là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi». Ngay cả bốn điều được coi là cần thiết thời các Tông Đồ, ngày nay Giáo Hội chỉ buộc giữ có một điều là «tránh gian dâm».

(101*) Mc 2, 27.

Nguyễn Chính Kết