26.2.08

Chương 6:

Kết Luận


Một thực tại, nhưng nhiều tên, nhiều cách nhìn khác nhau

Trong cuộc đời, ta thường thấy: cùng nhìn vào một sự vật, nhưng mỗi người nhìn thấy mỗi cách, không ai giống ai, thậm chí có những cách mâu thuẫn hay ngược lại với nhau nữa. Nếu có những cách giống nhau, thì chỉ là giống theo kiểu «đại đồng nhi tiểu dị», chứ không thể giống hoàn toàn, tương tự như khuôn mặt của người ta, tuy rất giống nhau vì ai cũng đầy đủ tóc, tai, mũi, mắt, miệng… nhưng luôn luôn có những nét cá biệt khác nhau, không ai hoàn toàn giống ai. Về cách nhìn, không ai nhìn giống ai, người này thấy khía cạnh này, người khác lại thấy khía cạnh kia, vì thực tại không phải chỉ có một khía cạnh duy nhất: thực tại vốn đa diện. Khó có ai có thể nhìn thấy được toàn diện sự vật. Không phải một sự vật hay một người mà tôi nhìn thấy hằng ngày là tôi có thể thấy hết mọi khía cạnh của sự vật hay người ấy. Chẳng hạn còn ai thân thiết với vợ tôi hơn tôi, còn ai hiểu rõ vợ tôi hơn tôi, vì tôi sống với nàng hằng ngày, nhìn thấy nàng mỗi ngày. Nhưng rất có thể những người bạn mới của vợ chồng tôi lại nhìn thấy nơi vợ tôi có những đức tính, những nét duyên dáng có thực mà tôi không hề nhìn thấy.

Như vậy, có thể có nhiều cách nhìn khác nhau về cùng một người hay một vật, có thể có nhiều tên khác nhau để chỉ về người hay sự vật ấy. Điều đó cho thấy không phải là hễ hai tên khác nhau, đi với hai quan niệm hay hai cách nhìn khác nhau, thì nhất thiết phải là hai người hay hai sự vật khác nhau. Rất có thể hai tên ấy, hai quan niệm khác nhau ấy đều qui về một người hay một vật duy nhất.

1. Chỉ một Thiên Chúa, nhưng…

Trong Kitô giáo, người ta có thể đặt vấn đề, Thiên Chúa của Abraham, Isaác và Giacóp, và Thiên Chúa của các nhà triết học, của các nhà khoa học, có phải là một chăng? Chắc chắn, cái nhìn về Thiên Chúa của các nhà khoa học không thể giống với cái nhìn của các nhà triết học, và hai cái nhìn đó lại càng không giống với cái nhìn của Abraham, Isaác và Giacóp. Nếu người ta không chấp nhận ba cách nhìn đó đều qui về cùng một Thiên Chúa mà là ba Thiên Chúa khác nhau, thì người ta sẽ có nguy cơ đi đến kết luận mỗi người có một Thiên Chúa khác nhau, vì chắc chắn chẳng có một ai có một quan niệm hay cách nhìn giống ai về Thiên Chúa cả. Tất cả những người trên, tuy quan niệm hay cách nhìn có khác nhau, nhưng họ đều gọi chung một tên là Thiên Chúa.

2. Chỉ một Thực Tại Tối Hậu, nhưng…

Nếu người ta đã đặt vấn đề như trên, thì người ta có thể đi xa hơn nữa. Đấng mà chúng ta gọi là Thiên Chúa và quan niệm Ngài là một ngôi vị, sáng tạo ra vũ trụ, và cái thực tại siêu việt mà các Phật tử gọi là Chân Như, Phật tánh, Tâm, và quan niệm thực tại ấy là vô ngã, là nền tảng biến hóa ra vũ trụ, hai thực tại ấy có thể là một chăng? Chưa hẳn đã là một, nhưng cũng chưa hẳn đã là hai. Như đã nói ở trên, hai tấm hình khác nhau có thể là của cùng một sự vật, hai quan niệm hay kiến giải khác nhau có thể cùng qui về một sự việc. Muốn chắc chắn hai kiến giải đó cùng qui về một sự vật hay sự việc duy nhất, người ta phải tìm ra được những yếu tố căn bản, đặc trưng của sự vật hay sự việc ấy.

Sau thế chiến thứ hai, các tội phạm chiến tranh - những người trong Đức Quốc Xã, đồng phạm với Hitler - bị truy nã gắt gao để đưa ra xử án. Có rất nhiều tội phạm đã đổi tên, đổi lý lịch, đổi diện mạo bằng những phương pháp phẫu thuật tân kỳ, đổi cả giọng nói, đương nhiên cũng phải thay đổi nghề nghiệp, chỗ ở, thậm chí phải qua nước khác để sống. Họ phải bỏ vợ con, gia đình, cha mẹ, bạn bè, vì đó là những đầu mối khiến họ có thể bị phát hiện, và họ phải lập nên những gia đình mới, tương quan với những bạn bè mới. Mọi sự đều thay đổi, tuy nhiên, vẫn có những cái họ không thay đổi được hoặc rất khó thay đổi, như vân tay, chiều cao, loại máu, một số thói quen… Chính nhờ những yếu tố ít thay đổi này, mà các thám tử quốc tế đã nhận ra những tên khác nhau, những bộ mặt khác nhau, những lý lịch khác nhau kia chỉ là một người duy nhất đã từng góp phần gây nên chiến tranh. Những người thông thường, bình dân, khi thấy tên khác, bộ mặt khác, lý lịch khác, chỗ ở khác, nghề nghiệp khác, … ắt phải nghĩ đó là người khác, không còn nghi ngờ gì. Nhưng các thám tử không được nghĩ như thế, nếu ngay từ đầu họ đã nghĩ như thế thì không bao giờ họ có thể phát hiện ra những trường hợp thay đổi kỹ lưỡng như vậy. Vấn đề ở đây là căn cứ vào đâu để xác nhận những khác biệt ấy chỉ qui về một người duy nhất (1*).

Một thực tại, nhiều cách diễn tả

Đối với một Hữu Thể Tuyệt Đối, một Thực Tại Tối Hậu như Thiên Chúa, mà ta luôn luôn coi là siêu việt, siêu nghiệm, vượt khỏi khả năng suy tư và cảm nghiệm của con người, thì hẳn không có một cách diễn tả nào của con người có thể lột hết được trọn vẹn thực chất của Ngài, vì ngôn ngữ của con người rất giới hạn. Vả lại, hữu thể của Ngài là một hữu thể vô cùng phong phú, vô cùng đa dạng, vô cùng đa diện, không nghèo nàn như hữu thể của chúng ta, hay như những hữu thể mà chúng ta kinh nghiệm được. Chúng ta chỉ có kinh nghiệm về những cái hữu hạn, chứ chưa hề kinh nghiệm được điều gì vô hạn. Thế mà chúng ta lại phải nói về Ngài, là Đấng vô hạn.

Người Kitô hữu cho rằng Ngài là «hữu ngã», «có bản vị», nhưng chắc chắn rằng tính «hữu ngã», «có bản vị» của Ngài không phải là thứ «hữu ngã», «có bản vị» mà họ quan niệm được. Còn người Phật tử cho rằng Thực Tại Tối Hậu ấy là «vô ngã», «không bản vị», nhưng chắc chắn tính «vô ngã», «không bản vị» ấy không phải là tính «vô ngã», «không bản vị» mà họ quan niệm được.

1. Không thể xác định rõ ràng Thực Tại Tối Hậu bằng ngôn ngữ giới hạn của con người

Xác định tính chất siêu việt của Ngài bằng ngôn ngữ nhị nguyên và giới hạn của con người thì một cách nào đó giống như hai nhà khoa học kia bàn về loại cây ăn thịt động vật mà loài người mới khám phá ra. Người thì xếp loại nó là động vật, vì nó có một số khả năng giống như động vật mà các thực vật khác không có được. Còn người kia xếp loại nó là thực vật vì nó không có một số khả năng mà các động vật khác đều có để là động vật. Người thì nhìn vào khía cạnh nó giống động vật, người lại nhìn vào khía cạnh nó giống thực vật. Ngôn ngữ của thế giới lúc đó còn nghèo nàn nên giữa loại thực vật và động vật, chưa có từ để chỉ loài trung gian như thế. Nên gọi nó là động vật cũng đúng, mà gọi là thực vật cũng đúng, nhưng chẳng có cách nào đúng trọn vẹn cả.

Thực Tại Tối Hậu chắc chắn siêu việt ngôn ngữ, không thể xác định rằng «hữu ngã» hay «vô ngã». Hai ý niệm này quá đơn giản và nghèo nàn đến nỗi không thể xếp loại một hữu thể siêu việt như thế vào một trong hai được. Phật có xác định Thực tại ấy là vô ngã, nhưng Ngài còn nói thêm «trong vô ngã có hữu ngã» (2*). Như thế, làm sao chúng ta dám quả quyết rằng lập trường của Phật về tính «vô ngã» của Thực Tại Tối Hậu là hoàn toàn mâu thuẫn với lập trường của Giáo Hội công giáo về tính «hữu ngã» của Thiên Chúa.

2. Không nên chấp cứng vào từ ngữ

Người Phật tử nào chấp vào ngôn từ của Phật, nên đọc lại đoạn văn đáp giữa Huệ Năng và Trí Thường trong Pháp Bảo Đàn Kinh (3*). Người Kitô hữu nào chấp vào ngôn từ thì nên nhớ lại xác định ngay từ đầu của triết học và thần học Kitô giáo là: tất cả những từ ngữ của con người áp dụng cho Thiên Chúa chỉ là loại suy từ những ý niệm có sẵn của con người về sự vật hữu hạn nghèo nàn mà thôi. Khi nói Thiên Chúa nhân lành, thì đừng quan niệm sự nhân lành của Thiên Chúa cùng một ý nghĩa hay nội dung y như sự nhân lành của một người thánh thiện nào đó mà ở mức cao hơn vô cùng. Sự nhân lành của Thiên Chúa không phải là sự nhân lành của con người. Cũng vậy, sự hữu ngã của Thiên Chúa không phải là sự hữu ngã của con người.

Về ý niệm của Kitô giáo về việc «tạo dựng nên vũ trụ vạn vật» của Thiên Chúa, và ý niệm của Phật giáo về sự «duyên sinh ra vũ trụ vạn vật» của Tâm hay Chân Như Phật Tánh cũng tương tự như vậy. Việc tạo dựng của Thiên Chúa không hoàn toàn giống như sự mô tả bằng ngôn ngữ của con người trong Sách Sáng Thế. Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa đen thì sẽ dẫn tới rất nhiều điểm phi lý, chẳng hạn như dựng nên ánh sáng trước khi dựng nên nguồn phát sinh ra ánh sáng, hay dựng nên cây cối trước khi dựng nên mặt trời và mặt trăng (cây cối làm sao sống được trước khi có mặt trời! ). Thánh Kinh đã diễn tả việc tạo dựng - vốn không thể diễn tả được - bằng ngôn ngữ của con người để người Do Thái thời xưa - vốn có trình độ nhận thức và hiểu biết còn kém cỏi - có một ý niệm đơn sơ về một chân lý siêu việt. Việc tạo dựng của Thiên Chúa chắc chắn không phải hoàn toàn theo kiểu con người có thể quan niệm được. Mà việc «duyên sinh ra vũ trụ vạn vật» của Tâm, của Chân Như cũng không phải là hoàn toàn giống như cách con người có thể ý niệm được.

3. Hai cách diễn tả ngược nhau, nhưng…

Đó có thể là hai quan niệm khác nhau, hai cách diễn tả khác nhau của cùng một sự việc vốn không thể quan niệm hay diễn tả được. Tranh cãi xem quan niệm hay cách diễn tả nào đúng cũng giống như những người mù bẩm sinh tranh cãi nhau về mầu sắc bằng những ý niệm nghèo nàn mình đang có, trong đó không có một ý niệm nào tương đương với ý niệm mầu sắc cả. Trong thực tế, ta thường thấy có những người chủ trương y như nhau, nghĩ y như nhau, nhưng vì cách diễn tả khác nhau, nên bị hiểu lầm là chủ trương khác nhau, nghĩ khác nhau. Xin minh họa bằng câu chuyện sau đây.

Một vị vua muốn tìm hiểu hậu vận của mình thế nào, nên mời những thầy tử vi, chiêm tinh giỏi nhất nước đến. Thầy thứ nhất nói: «Hậu vận của bệ hạ thật đáng buồn: những năm cuối cùng cuộc sống của bệ hạ rất cô đơn, vì bao nhiêu người thân như hoàng hậu, cung phi, và các bạn hữu thân thiết đồng trang lứa với bệ hạ đều chết hết. Chỉ một mình bệ hạ còn sống, nên bệ hạ sống rất cô đơn». Nghe thế, nhà vua rất buồn bực và ra lệnh chém ông thầy thứ nhất đã tiên báo những điềm gở cho mình. Ông thầy thứ hai nói: «Hậu vận của bệ hạ thật tốt đẹp không ai bằng: bệ hạ trường thọ hơn tất cả mọi người đồng thời với bệ hạ. Mọi người đều ca tụng sự trường thọ của bệ hạ và cho rằng Trời hậu đãi bệ hạ hơn tất cả mọi người, cho bệ hạ hưởng vinh hoa phú quí lâu dài hơn ai hết». Nghe xong, nhà vua vui hẳn lên, và ra lệnh thưởng cho ông thầy thứ hai này rất nhiều vàng bạc.

Hai lời trên xem ra mâu thuẫn nhau, nhưng thực ra chỉ diễn tả một thực tại duy nhất, nhưng bằng hai cách trái ngược nhau, do hai người đứng trên hai bình diện khác nhau để nói. Hậu vận của nhà vua chỉ có một, nhưng có hai mặt khác nhau: mặt tốt và mặt xấu. Ông thầy thứ nhất nhìn vào mặt xấu với tính cách đầy bất lợi của nó, còn ông thầy thứ hai nhìn vào mặt tốt đẹp với những thuận lợi của nó. Hậu vận của nhà vua gồm cả hai mặt đó. Nếu nhà vua là người sáng suốt, ắt phải thấy cả hai đều đúng, và đúng y như nhau, đồng thời bổ túc lẫn nhau. Nhưng rất tiếc, nhà vua chỉ muốn thấy mặt tốt mà không muốn thấy mặt xấu. Tâm lý của nhà vua cũng chính là tâm lý của con người thường tình: chỉ thích thấy một mặt, mặt nào hợp ý mình, hợp với quan niệm sẵn có của mình. Mặt nào không hợp với quan niệm, với lề lối suy nghĩ thường tình của mình thì cho rằng sai, không thể chấp nhận.

Chấp cứng vào danh từ, vào một định thức diễn tả nào đó về thực tại là một bệnh của lý trí con người. Hễ chấp nhận một vật là di động thì đồng nghĩa với phủ nhận nó đứng yên, và ngược lại. Nhưng trong thực tế, không phải luôn luôn như vậy. Nói mặt trời đứng yên cũng đúng khi đối chiếu nó với các hành tinh trong thái dương hệ, nhưng nói mặt trời di động cũng vẫn đúng khi đối chiếu nó với các tinh tú khác trong giải Ngân Hà. Một người biết đứng trên nhiều vị trí khác nhau để nhìn thực tại thì không cố chấp vào một định thức diễn tả nào.

Hai linh hạnh cùng hướng về một đích

Hai tôn giáo, hai linh hạnh, Phật giáo và Kitô giáo, xem ra rất khác biệt, nhưng nếu ta có một cái nhìn vượt lên trên những khác biệt, hay biết nhìn bằng tinh thần «vô trước», hay «không chấp», nghĩa là không chấp vào từ ngữ, quan niệm hay cách diễn tả, ta sẽ thấy chúng cùng nói về một thực tại duy nhất, cùng nhắm tới một mục đích, và có thể cùng đi đến những kết quả như nhau. Nếu còn chấp vào từ ngữ, tiểu tiết… ta không thể thấy được sự trùng hợp đó. Hai linh hạnh, hai cách nhìn, tuy có vẻ mâu thuẫn, nhưng có thể bổ túc cho nhau. Phật giáo cho ta thấy mặt này của Thực Tại Tối Hậu (vô ngã, là một với vũ trụ vạn vật… ), còn Kitô giáo cho ta thấy mặt kia (hữu ngã, là hai với vũ trụ vạn vật… ).

Trong thực tế, cả hai đều đã tạo nên những động lực hết sức cao thượng để con người hành thiện tránh ác, sống cuộc đời hết sức cao đẹp. Trong thực tế, cả hai đều đã xoa dịu biết bao nhiêu đau khổ cho nhân loại. Sự giáo hóa của hai tôn giáo này đối với nhân loại thật to tát: Phật giáo tại Á Châu, và Kitô giáo tại Âu và Mỹ Châu. Nếu không có những tôn giáo ấy, thế giới này đã mất đi những cái hết sức quí báu. Trong thực tế, cả hai đều đã sản sinh ra những mẫu người hết sức tốt đẹp: biết hạnh phúc ngay ở trần gian này bất chấp bao khổ đau xảy đến cho mình, từ bi bác ái cao độ, biết xả thân cho những lý tưởng cao đẹp, hy sinh cho tha nhân đến quên mình, luôn luôn nỗ lực làm cho thế giới này bớt đau khổ và thêm hạnh phúc. Đối với những người gương mẫu ấy, thì tôn giáo họ theo - dù là Kitô giáo hay Phật giáo - là một tôn giáo tuyệt vời. Họ đã thành công về tâm linh nhờ chính tôn giáo của họ.

Nếu chúng ta chưa thành công được như họ, chúng ta không đủ thẩm quyền để chê bai tôn giáo của họ. Vả lại, khi chúng ta sinh ra, thì các tôn giáo ấy đã có sẵn, và do một nhân duyên nào đó mà ta thuộc về tôn giáo này chứ không phải là tôn giáo kia, khiến cho ta thấy tôn giáo này hay hơn, hợp với ta hơn tôn giáo kia. Nhưng nếu nhân duyên đó thay đổi, biết đâu ta lại thuộc về tôn giáo kia mà không phải là tôn giáo này. Lúc đó cái nhìn ta lại thay đổi ngược lại. Vì thế, thiết tưởng chúng ta nên luôn luôn tỏ lòng kính cẩn và biết ơn đối với các tôn giáo, và những người đang đại diện cho các tôn giáo ấy, đồng thời đón nhận những tín đồ các tôn giáo khác như những người đồng hành với mình trên con đường tiến tới Chân Thiện Mỹ, là nguồn giải thoát hay hạnh phúc vĩnh cửu.

Phần chú thích

(1*) Đối với Thực Tại Tối Hậu, những thuộc tính căn bản để xác định những quan niệm khác nhau giữa Phật giáo và Kitô giáo chỉ qui về một thực tại duy nhất đã được nói ở trang 198.

(2*) Phật nói: «Thấy tất cả là vô ngã mà không thấy cái hữu ngã trong đó, không phải là Trung Đạo. Thấy tất cả là hữu ngã mà không thấy cái vô ngã trong đó, không phải là Trung Đạo. Mà đạo Phật là Trung Đạo».

(3*) Huệ Năng nói với Trí Thường:

- Vô Thường tức Phật tánh. Hữu Thường tức cái tâm phân biệt tất cả các pháp thiện ác.

- Lời của Thầy rất nghịch với lời văn trong kinh. Trí Thường nói.

- Ta được truyền tâm ấn Phật, đâu dám nghịch ý kinh. Huệ Năng trả lời.

- Kinh nói Phật tánh là thường, sư lại nói là vô thường. Các pháp thiện ác cho đến Bồ Đề Tâm đều là vô thường sư lại nói là Thường. Trí Thường nói lại.

- Xưa kia ta nghe Ni-Vô-Tận-Tạng tụng qua một lần Kinh Niết Bàn, ta bèn vì Ni mà giảng thuyết, chẳng có một chữ nghĩa không đúng với lời văn trong Kinh. Còn nay, ta vì ngươi mà thuyết, trước sau chẳng khác.

- Đệ tử căn tánh ngu muội, xin sư khai thị tỉ mỉ. Trí Thường nói.

- Ngươi biết chăng, Huệ Năng đáp, Phật Tánh nếu thường thì còn nói gì về các pháp thiện ác; cho đến tận kiếp cũng chẳng có người nào phát Bồ Đề Tâm, nên ta nói “vô thường”, ấy chính là cái đạo chân thường do Phật thuyết vậy. Hơn nữa, tất cả các pháp đều vô thường, thì mỗi mỗi đều có tự tánh riêng để lãnh thọ sanh tử; vậy thì tánh chân thường khắp nơi lại có chỗ thiếu sót, nên ta nói “thường”, ấy chính là nghĩa chân vô thường của Phật. Phật vì kẻ phàm phu tà đạo chấp nơi tà thường, những người nhị thừa từ nơi thường suy ra vô thường, cộng thành tám thứ điên đảo, nên trong Kinh Niết Bàn liễu nghĩa phá những thiên kiến của họ để tỏ bày tứ đức của Niết Bàn: Chân Thường, Chân Lạc, Chân Ngã, Chân Tịnh. Ngươi nay theo lời trái nghĩa, lấy đoạn diệt vô thường và chấp thường là cố định, mà hiểu lầm lời nói sau cùng viên tròn vi diệu của Phật, dẫu cho xem kinh ngàn lần, có ích gì đâu?

Trí Thường nghe xong hoát nhiên đại ngộ.

(Trích trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Phẩm thứ bảy: Cơ Duyên) (Đoạn này cũng như nhiều đoạn khác có trong các bản dịch cũ, nhưng lại không có trong nhiều bản dịch và chú giải khác, chẳng hạn của Hòa Thượng Thích Thanh Từ do Thành Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 1992).

Thư Mục

Công Đồng VATICAN II, GHHV Piô X dịch và xuất bản, Saigon 1972.

Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM, Tâm Minh Lê đình Thám dịch, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh xb, 1992.

Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA giảng diễn lục, Thái Hư Đại sư giảng, Thích Trí Nghiêm dịch, Dịch giả xb, Saigon 1970.

Kinh DUY MA CẬT, Đoàn Trung Còn dịch, Phật học Tòng thơ, Saigon 1950.

HUỆ NĂNG, Pháp Bảo Đàn Kinh, Thích Thanh Từ dịch và giảng giải, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh xb, 1992.

VÔ MÔN HUỆ KHAI, Vô Môn Quan, Trần Tuấn Mẫn dịch và chú, Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam xb, TP. Hồ Chí Minh 1995.

HOÀNG BÁ Truyền Tâm Pháp Yếu, Trần Tuấn Mẫn dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xb, TP. Hồ Chí Minh 1992.

THÍCH QUẢNG LIÊN, Duy Thức học, Tu viện Quảng Đức xb, Saigon 1972.

LÃO TỬ, Đạo Đức Kinh, Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú, Khai Trí xb, Saigon 1961.

BỒ ĐỀ ĐẠT MA, Quán Tâm Pháp, Minh Thiền dịch và luận giải, Quế Sơn - Võ Tánh xb, Saigon 1975.

Thích THIỆN HOA, Phật học Phổ thông, 3 quyển, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992.

Daisetz Teitaro SUZUKI, Thiền Luận, 3 quyển, nxb TP. Hồ Chí Minh 1992.

ĐOÀN TRUNG CÒN, Phật học từ điển, Phật học Tòng thơ, Saigon 1952.

Thu Giang NGUYỄN DUY CẦN, Phật học Tinh Hoa, nxb TP. Hồ Chí Minh, 1992.

NÃRADA, Đức Phật và Phật pháp, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh xb, 1994.

JOHN YALE, Tôn giáo là gì? Vương gia Hớn dịch, An Tiêm xb, Saigon 1970.

THIỆN CẨM, Kitô giáo với các Tôn giáo khác, Đa Minh Thiện Bản, Saigon 1970.

D. T. SUZUKI, Huyền Học Đạo Phật và Thiên Chúa, Như Hạnh dịch (nguyên tác Mysticism: Christian and Buddhist), Kinh Thi, Saigon 1974.

PHILIP KAPLEAU, Ba trụ Thiền, Đỗ đình Đồng dịch.

Tỳ Kheo CHƠN QUANG, Năm ấm là gì? tập Ronéo, 1990.

TÔNG MẬT SA MÔN, Nguyên nhân luận, Khánh Anh dịch, Hà Nội 1952.

Nguyên Giác PHAN TẤN HẢI, Vài chú giả về Thiền đốn ngộ, Văn Nghệ xb, California-USA 1990.

OUANG TCHUK DORJÉ, Đại Thủ Ấn, Thích Trí Siêu dịch, 1995.

Thiền Sư MUJU, Góp Nhặt Cát Đá, Đỗ đình Đồng dịch, Nxb Đồng Nai, 1990.

Ni Sư SATOMI MYODO, Hoa Trôi Trên Sóng Nước, Nguyên Phong dịch.

THÍCH THANH TỪ, Tranh Chăn Trâu giảng giải, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh xb, 1996.

PHẠM CÔNG THIỆN, Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học, Lá Bối xb, Saigon 1964.