26.2.08

CHƯƠNG 3:

LINH ĐẠO PHẬT GIÁO HAY CÁC PHÁP MÔN TU TẬP CỦA PHẬT GIÁO

Định nghĩa chữ «Tu»

Tu là sửa, là tự giáo dục

Theo nghĩa rộng, tu là sửa chữa lại, làm cho hoàn chỉnh hơn, sửa xấu thành tốt, dở thành hay, sai thành đúng, phàm thành thánh, tiểu nhân thành quân tử. Theo nghĩa hẹp, tu là tự giáo dục mình trở nên hoàn thiện, hoàn hảo, phù hợp với một lý tưởng cao đẹp nào đó. Một nghĩa hẹp hơn nữa (thường nói là đi tu), thì tu là trở thành tu sĩ, giáo sĩ, tăng lữ… tùy theo mỗi tôn giáo mà có tên khác nhau (như linh mục, thầy dòng, bà sơ, dì phước, tăng, sư, ni, ni cô, tỳ kheo… ), và cũng tùy theo mỗi tôn giáo mà có thể có gia đình hay sống độc thân.

Theo Phật giáo, tu là tự giáo dục mình, sửa đổi chính mình, từ quan niệm, cách nhìn sự vật, từ tư tưởng, lời nói cho đến hành động, theo đường lối của Đức Phật, theo sự chỉ dẫn của Ngài, theo lý tưởng mà Ngài đề ra. Hễ ai tự sửa đổi mình như thế đều được gọi là tu, cho dẫu là cư sĩ (1) hay xuất gia (2*), nam hay nữ, già hay trẻ. Nhưng trên bình diện xã hội, để được mọi người nhận là tu theo Phật, thì phải qui y Tam Bảo (Phật-Pháp-Tăng), nhận một pháp danh nào đó. Sau đó, phải tuân giữ một số những giới luật thích hợp với bậc tu của mình.

Sửa đổi quan niệm, tư tưởng là căn bản

Phật giáo coi tư tưởng, quan niệm và cách nhìn sự vật rất quan trọng, vì chúng quyết định cách hành động của con người. Quan niệm Ảnh hưởng đến tư tưởng, tư tưởng ảnh hưởng đến hành động. Vì thế, thay đổi cái trước thì cái sau cũng sẽ tự động thay đổi. Ta thấy, quan niệm hay sự hiểu biết khiếm khuyết thường dẫn đến những hành động hại mình, hại người. Vì thế, việc tu tập phải nhắm đạt được trí huệ rốt ráo (3*). Nhờ trí huệ đó, hành động của ta luôn luôn có kết quả vừa lợi mình vừa lợi người, vừa lợi trước mắt vừa lợi lâu dài, sao cho hai thứ lợi ấy không mâu thuẫn nhau. Vậy, chủ yếu của vấn đề tu tập là sửa đổi quan niệm, tư tưởng, thay đổi tư duy, não trạng sao cho phù hợp với chân lý, đồng thời sửa đổi hành động sao cho phù hợp với quan niệm đúng, tư tưởng đúng.

Muốn việc tu tập được thành tựu, cần phải hội đủ những yếu tố sau đây:

- Thiện tâm: lòng mong muốn tiến tới chân, thiện, mỹ, và mong muốn cho mọi người cùng tiến tới như mình. Chứ không mong muốn mình thành tựu để được hơn người khác, để được kính trọng, suy tôn, hay dùng những kết quả tu tập được vào lợi ích cá nhân.

- Trí huệ: để có thể phân biệt một cách đúng đắn cái nào là chân, cái nào là giả… Đối với Phật giáo, trí huệ là yếu tố quan trọng nhất để việc tu tập có thể thành tựu.

- Năng lực: ý chí và lòng dũng cảm quyết tâm đạt đến mục đích. Việc tu tập là việc lâu dài suốt cả cuộc đời, và nhiều khi trải qua khó khăn, thử thách, đòi hỏi kiên trì, nhẫn nại. Nếu không lập chí cho vững, sẽ bỏ cuộc, không thành tựu được cứu cánh.

- phương tiện: sách vở, việc học hỏi và trao đổi với các bậc thiện tri thức, thì giờ và khung cảnh tu tập… Thiếu phương tiện, việc tu tập sẽ khó tiến bộ và không đạt kết quả.

Phương pháp tu tập

Muốn thực hiện thành công bất cứ điều gì, cần phải có một phương pháp, một qui trình sáng suốt và hợp lý. Một phương hướng Phật đề ra để giúp ta tìm ra đường lối phải đi là qui trình: Văn -- Tu.

· Văn là nghe, là tìm hiểu vấn đề qua việc đọc sách, kinh điển Phật, trao đổi với những bậc hiền giả, thiện tri thức, hoặc nghe thuyết pháp…

· là suy nghĩ, suy tư. Sau khi nghe những điều hay lẽ phải, những lý lẽ thuyết phục, thì ta phải ngẫm nghĩ lại, phải suy tư để hiểu cho thật sâu, để thấy vấn đề một cách sáng tỏ, để tin chắc chắn, để biết rõ con đường phải đi.

· Tu là tu luyện, sửa chữa, là đem áp dụng những gì mình đã thấy là đúng vào thực hành. Tu chính là đem lý thuyết ra thực hành.

Phương pháp này tương tự như phương pháp Xem - Xét - Làm mà chúng tôi thường hay nói đến. Nhờ qui trình này, ta nắm được cụ thể phương hướng phải đi (tức cứu cánh phải nhắm tới là giải thoát), phương pháp thực hiện (tức các pháp môn của Phật, pháp môn nào thích hợp với trình độ căn cơ của mình), và phương châm hành động (tức những điều kiện để thành tựu là những nhân duyên, cơ hội… )

Muốn tu theo Phật thì việc đầu tiên phải làm là chính văn (nghe đúng). Chính văn sẽ dẫn tới chính tư (suy tư đúng). Chính tư dẫn đến chính tu (tu đúng). Và chính tu sẽ dẫn đến chính quả (kết quả đúng, kết quả mà mình mong muốn) là đi đến những chứng nghiệm tâm linh về giải thoát: sự an lạc thường trụ, trí huệ minh mẫn… Đức Phật đã áp dụng phương pháp Văn -- Tu đó, và đã khám phá ra chân lý tuyệt vời về đau khổ, cùng với những phương pháp để thoát khổ, để rồi thành Phật, thành công hoàn toàn trong việc thoát khỏi đau khổ.

Giải thoát khỏi đau khổ

Đời là bể khổ

Mục đích của con đường tu theo Phật là giải thoát. Giải thoát cụ thể nhất là giải thoát khỏi đau khổ, hiện tại cũng như tương lai, kiếp này và các kiếp sau nữa. Thứ đến là giải thoát khỏi tất cả những gì ràng buộc con người, khiến con người bị lệ thuộc, nô lệ, không tự làm chủ được chính mình, mất tự do, đó cũng là những nguyên nhân phát sinh ra đau khổ. Do đó, tất cả các pháp môn của Phật đều chỉ nhắm một mục đích duy nhất là thoát khổ. Phật nói: «Tất cả nước biển chỉ có một vị duy nhất là vị mặn. Cũng vậy, tất cả giáo lý của ta cũng chỉ có một vị duy nhất là vị giải thoát». Giải thoát khỏi đau khổ.

Một thực tế bi đát chi phối tất cả mọi người mọi vật, mọi chúng sinh, đó là đau khổ. Không ai thoát được khổ. Đau khổ là một thực tại phổ quát cho tất cả mọi người, mọi nơi, mọi thời, mọi địa vị, mọi hoàn cảnh. Cái khổ lúc nào cũng khó chịu, không ai muốn chịu, đôi khi chịu không nổi mà vẫn cứ phải chịu, không sao thoát được. Do đó, cái khát vọng căn bản nhất, chính yếu nhất, thâm sâu nhất, phổ quát nhất của tất cả mọi chúng sinh là làm sao thoát khổ, làm thế nào để được hạnh phúc. Con đường tu tập mà Phật đề ra nhắm ngay vào cái mục đích to tát nhất ấy của con người: tự giải thoát cho mình và người khác khỏi đau khổ.

Vì thế, việc đầu tiên quan trọng nhất của con đường tu Phật là nhận chân được, ý thức được thân phận đau khổ của mình, của con người. Không ý thức được thân phận đau khổ của mình, hoặc do đang bị ru ngủ trong một ảo tưởng nhất thời nào đó, hoặc chưa có kinh nghiệm đầy đủ về cuộc đời, thì con người không thể phát tâm quyết chí tu hành, nhất tâm theo đuổi con đường giải thoát được.

Trong Diệu Pháp Liên Hoa kinh (4*), Phật ví thế gian này như một căn nhà đang bị cháy (căn nhà lửa), trong đó có những đứa con trong gia đình đang ăn uống nhậu nhẹt vui chơi, không hay biết gì về mối nguy ngập sắp xảy đến với mình. Và Phật giống như người cha ở ngoài, đang dùng đủ mọi cách để làm sao cứu được con cái mình, dụ chúng ra khỏi căn nhà đầy nguy hiểm ấy: phải dụ mỗi đứa mỗi cách, vì tâm tính và khuynh hướng mỗi đứa rất khác nhau. Do đó, Phật có «tám vạn bốn ngàn pháp môn» khác nhau cho đủ mọi tâm tính và khuynh hướng của con người.

Chân lý đầu tiên Phật đưa ra làm căn bản cho tất cả mọi pháp môn tu tập của Ngài là: «Thế gian là bể khổ», đủ mọi thứ khổ. Phật xếp các đau khổ thành 8 thứ: sinh khổ (5*), lão khổ (6*), bệnh khổ (7*), tử khổ (8*), oán tắng hội khổ (9*), ái biệt ly khổ (10*), cầu bất đắc khổ (11*), ngũ thạnh âm khổ (12*).

Tóm lại, tu theo Phật chính là đi tìm đáp số cho một bài toán mà muôn đời bị bế tắc, là làm sao thoát khổ trong kiếp sống con người. Đau khổ là một thực tại muôn đời mà người tu Phật phải tự nhận thức và tự giải quyết. Và điều quan trọng thứ hai trong việc tu học Phật là phải tự tin rằng khả năng giải quyết đó nằm trong tầm tay của mình. Người học Phật phải phân tích vấn đề để thấy rõ ràng mình có khả năng giải quyết đó, chứ không phải là tin một cách mù quáng. Phải xác tín rằng giải quyết được vấn đề đau khổ hay không hoàn toàn tùy thuộc vào mình chứ không ở một ai khác, không phải ở Phật hay ở một thần linh nào khác. Phải thấy rõ rằng nếu theo đúng sự chỉ dẫn của Đức Phật, nghĩa là đúng phương pháp, thì điều quyết tâm ấy chắc chắn phải đi đến thành công.

Dẫu sao, đau khổ là một thực tại không thể trốn tránh, không thể giải quyết bằng cách tự lừa dối mình với những vọng tưởng hư ảo, không thể giải quyết theo kiểu con đà điểu khi gặp nguy hiểm: vùi đầu xuống cát để không còn thấy nguy hiểm nữa. Giải quyết như thế là không giải quyết gì cả, nguy cơ đau khổ vẫn còn đấy, còn y nguyên, sẽ trở lại với ta vào một lúc nào đó. Do đó, cần phải ý thức chắc chắn về đau khổ, đối diện với đau khổ, và quyết tâm tìm cho ra lối thoát. Đó là một đòi hỏi bức thiết của con người.

Muốn thoát khổ, cần thay đổi cách nhìn thực tại

Theo quan điểm của Đức Phật, chính cách nhìn của con người về thực tại làm cho con người đau khổ hơn là chính thực tại. Đứng trước một thực tại, mỗi người có một cách nhìn khác nhau. Có những cách nhìn khiến người ta đau khổ nhiều hơn, và có những cách nhìn làm người ta ít đau khổ hơn. Cái nhìn càng sáng suốt, càng khoáng đạt, càng trí huệ, thì càng giảm thiểu được đau khổ.

Câu chuyện sau đây nói lên quan điểm đó (13*):

«Xá Lợi Phất có ý nghĩ: Nếu tâm của Bồ Tát tịnh, ắt Phật độ tịnh. Nhưng Đức Thế Tôn của chúng ta khi còn làm Bồ Tát, vì tâm ý chẳng tịnh, nên cõi Phật độ này mới chẳng tịnh như vầy.

Phật bèn nói: Mặt trời mặt trăng há chẳng có sao, mà tại sao kẻ đui chẳng thấy hai vầng ấy?

Xá Lợi Phất trả lời: Đó là lỗi ở kẻ đui chứ không phải lỗi ở mặt trời mặt trăng.

Phật nói: Cũng vậy, do tội của chúng sinh nên họ chẳng thấy Quốc Độ của Như Lai là nghiêm tịnh, chứ chẳng phải lỗi ở Như Lai. Cõi đất của ta là tịnh, nhưng ngươi chẳng thấy như vậy là tại ngươi.

Phạm Vương Kế Loa nói với Xá Lợi Phất: Vì lòng của ông có cao có thấp, chẳng y theo huệ Phật, nên ông mới thấy cõi này là bất tịnh. Nếu Bồ Tát giữ lẽ bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, lòng dạ sâu vững thanh tịnh, y theo Trí Huệ Phật, ắt thấy cõi Phật này là thanh tịnh.

Phật nói thêm: Phật Quốc Độ của ta luôn luôn thanh tịnh. Nhưng vì muốn độ những kẻ thấp yếu ở đây, cho nên ta thị hiện ra cõi bất tịnh này với mọi thứ nhơ xấu. Tỷ như Chư Thiên, cũng ăn cơm đựng trong chén bát quí báu, nhưng tùy theo phước đức của họ mà hình sắc của cơm có khác. Cũng vậy, nếu lòng người ta tịnh, thì họ liền thấy những công đức trang nghiêm của cõi này».

Chúng ta sẽ dễ hiểu điều này khi so sánh tình trạng của một người giàu có sống cách đây 200 năm với tình trạng sống một người nghèo của thời đại ngày nay. Người giàu có của thời đại trước đâu có được hưởng nhiều tiện nghi bằng một người trung bình hay nghèo của thời đại: như tivi, radio, quạt máy, điện thoại, xe gắn máy, đường xá… Một cách khách quan, người nghèo thời đại này được hưởng rất nhiều điều mà người giàu ngày xưa không dám mơ ước. Nhưng người nghèo thời đại này lại cảm thấy khổ vì thấy mình không may mắn bằng những người chung quanh. Còn người giàu có thời trước thì cảm thấy sung sướng vì thấy mình may mắn hơn những người chung quanh. Như thế, sự sung sướng hay đau khổ tùy thuộc vào cách nhìn thực tại hơn là chính thực tại, nghĩa là nó chủ quan hơn khách quan. Thật vậy, một người dù điều kiện sống khách quan có nhiều bất lợi, nhưng nếu biết tự bằng lòng với cuộc sống của mình, thì vẫn sung sướng hơn người một người có điều kiện sống khách quan thuận lợi hơn nhưng không bằng lòng với cuộc sống đó (14*).

Trong đời sống xã hội, chúng ta thấy có biết bao nhiêu người đang sống trong những hoàn cảnh hết sức thuận lợi mà rất nhiều người khác mơ ước và cho là thiên đàng, nhưng chính những người ấy đâu có thấy đó là thiên đàng! Họ vẫn thấy khổ. Chẳng hạn, những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, phải sống bụi đời, vất vả lắm mới kiếm được miếng ăn. Chúng nhìn những đứa trẻ có cha có mẹ, được đi học, được cha mẹ lo cho mọi sự, và thấy cảnh đó là thiên đàng, chúng mơ ước được như thế mà không được. Nhưng những đứa trẻ ở trong «thiên đàng» ấy đâu thấy hạnh phúc. Và chắc chắn có những trường hợp oái oăm là có những đứa trẻ ở trong cái «địa ngục trần gian» kia lại cảm thấy hạnh phúc, và cũng có những đứa trẻ ở trong cái «thiên đàng trần gian» kia lại cảm thấy đó là địa ngục.

Quan niệm của Phật về vấn đề hạnh phúc, một phần nào tương tự như ý của câu thơ:

«Người vui thì cảnh cũng vui,

«Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!»

Để giúp con người giải thoát khỏi đau khổ và thân tâm được an lạc, pháp môn đầu tiên và căn bản nhất mà Phật rao giảng là Tứ Diệu Đế.

Tứ Diệu Đế

Bốn chân lý căn bản của Đạo Phật

Tứ Diệu Đế là bốn chân lý huyền diệu, căn bản của đạo Phật. Trong việc tu tập để đi đến giải thoát, thì đây là pháp môn căn bản nhất. Bốn chân lý ấy là: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.

1. Khổ đế: là chân lý nói về thực tế đau khổ của cuộc đời, của mọi chúng sinh trên đời. Người tu tập phải nhận chân được những hình thức đau khổ, những thực trạng đau khổ không thể phủ nhận được của cuộc sống, được thực hiện qua 8 mối khổ (sinh, lão, bệnh, tử… đã nói trên). Phải nhận chân được tình trạng đau khổ của mình thì mới quyết tâm tu tập để đi đến giải thoát.

2. Tập đế: là chân lý nói về nguyên nhân phát sinh ra đau khổ. Theo luật nhân quả, bất cứ việc gì xảy ra cũng đều có nguyên nhân của nó. Vậy thì đau khổ trong cuộc đời, bất kỳ đau khổ nào, cũng phải có nguyên nhân. Và cái khổ này cũng lại là nguyên nhân gây nên những hậu quả khác. Nguyên nhân của đau khổ là gì? Nguyên nhân đầu tiên là vô minh (không biết, dốt nát) khiến cho con người suy nghĩ, nói năng và hành động sai lầm, tạo nên những nguyên nhân gây đau khổ cho mình sau này. Tóm lại, đau khổ sinh ra là do con người đã đi vào con đường sai lầm gồm 8 điều ngu xuẩn - gọi là bát tà đạo - như sau:

a) Tà kiến: thấy lầm, quan niệm sai (sẽ dẫn đến suy nghĩ sai).

b) Tà tư duy: suy nghĩ sai, thiếu sáng suốt (sẽ dẫn đến nói năng, hành động và sinh sống sai lầm).

c) Tà ngữ: nói năng sai lầm, không hợp đạo lý.

d) Tà nghiệp: hành động sai lầm gây đau khổ cho mình, cho người.

e) Tà tinh tấn: lười biếng, không cố gắng, hoặc cố gắng nỗ lực trong điều xấu.

g) Tà mạng: cách sống, phương tiện sinh sống sai lầm, xấu.

h) Tà niệm: hay tưởng nhớ những điều xấu, hoặc sống vô ý thức, sống như cái máy, không kiểm soát được tư tưởng, hành động, lời nói mình, sống vong thân.

i) Tà định: để cho tư tưởng tập trung vào những điều xấu, hoặc để tư tưởng tản mác không tập trung, khiến đầu óc và lý trí thiếu sáng suốt, đi đến những quan niệm sai lầm, tư tưởng sai lầm.

Tất cả 8 điều ngu xuẩn này, bất cứ điều nào cũng là nguyên nhân sinh ra 7 điều kia, và cứ thế tạo thành những cái vòng lẩn quẩn khiến con người càng ngày càng xa lầy vào con đường sai lầm, ngu xuẩn, càng ngày càng tự gây cho mình đau khổ, mà nguyên nhân đầu tiên là vô minh (ngu dốt).

3. Diệt đế: là chân lý nói về việc diệt trừ đau khổ. Ý thức được cuộc đời là khổ, đồng thời biết được những nguyên nhân gây ra đau khổ, thì muốn hết khổ, ta phải diệt trừ những nguyên nhân gây khổ đó. Diệt trừ tất cả những nguyên nhân đó thì chắc chắn đau khổ sẽ hết, con người sẽ bước vào con đường an vui, hoan lạc, đó chính là giải thoát. Vậy phải có một ý chí quyết tâm diệt trừ những nguyên nhân gây đau khổ đó.

4. Đạo đế: là chân lý về con đường diệt khổ, đem lại an vui. Muốn diệt trừ những nguyên nhân đau khổ đó, cần phải có phương pháp, đường lối rõ rệt. Biết cái xấu không gì tốt bằng vừa tránh nó vừa thực hiện những điều tốt trái ngược với nó. Vậy, để diệt trừ 8 điều xấu ấy, phải đối trị nó bằng cách thực hiện 8 điều tốt gọi là Bát Chánh Đạo.

Bát chánh đạo

Bát Chánh Đạo là con đường gồm 8 điều chân chính, giúp người ta có đủ điều kiện để đi đến giải thoát:

a) Chánh kiến: là thấy đúng, quan niệm đúng với chân lý, thực tế thế nào thì thấy đúng như vậy, không ảo tưởng, không vì chủ quan mà thấy sai. Thấy đúng, quan niệm đúng thì mới suy nghĩ đúng được. Đây là yếu tố quan trọng, điều kiện tất yếu để thành tựu cứu cánh.

b) Chánh tư duy: là suy nghĩ phù hợp với chân lý, với lẽ phải, với thực tế, là lý luận vững chắc, khách quan, không bị tình cảm yêu ghét làm sai lệch, cũng không bị những định kiến hay tà kiến (tức những kiến thức sai lầm) chi phối. Suy nghĩ đúng thì mới nói năng và hành động đúng, mới sống đúng được.

c) Chánh ngữ: nói đúng, nói thật, nói phù hợp với chân lý, với thực tại, không gây lầm lạc cho ta và người khác. Chánh ngữ còn có nghĩa là không nói những sự thực có hại cho mọi người, không nói đâm thọc làm người này phiền giận người kia, không nói những lời thô bỉ, nhảm nhí. Chánh ngữ cũng có nghĩa là không im lặng đồng lõa, mà phải can đảm nói lên sự thực khi lương tâm và công lý đòi buộc. Tóm lại, chánh ngữ là nói làm sao để không những phù hợp với chân lý mà còn phù hợp với lòng từ bi và sự dũng cảm nữa. Cần phải thấy rõ hậu quả rất lớn của lời ta nói ra, cũng như sự im lặng của ta nữa.

d) Chánh nghiệp: là hành động đúng, làm đúng, phù hợp với đạo lý, không gây đau khổ cho người khác, mà trái lại còn đem hoan lạc vui tươi cho họ. Chánh nghiệp cũng có nghĩa là không hành động theo sự thúc đẩy của «tam độc» (tức tham, sân, si). Do đó, muốn chánh nghiệp, thì phải diệt tam độc là nguồn gốc của tội lỗi.

e) Chánh mạng: là sống một cuộc đời chân chính, làm sao để nghề nghiệp của mình không gây đau khổ hay tai hại cho ai, cho chúng sinh nào cả, người cũng như vật, mà đem lại lợi ích cho người hay vật. Cụ thể là tránh sinh sống bằng những nghề sau đây: 1. Buôn bán vũ khí, 2. Buôn bán người (nô lệ, trẻ em), 3. Hành nghề phá thai, đâm thuê chém mướn, nuôi thú vật để bán cho người ta ăn thịt, hoặc làm đồ tể (giết heo, bò, gà… để bán), 4. Kinh doanh chất độc, rượu, ma túy hoặc những chất gây say, nghiện ngập, 5. Cho vay nặng lãi, cắt cổ, kinh doanh có tính cờ bạc, 6. Hành nghề mãi dâm, dùng hình ảnh khiêu dâm để quảng cáo… Chánh mạng là sống làm sao cho tươi đẹp, có ý nghĩa, xứng đáng với con người.

g) Chánh tinh tấn: nỗ lực chân chính, cố gắng không ngừng để tiến tới trên con đường tu tập dẫn đến giải thoát. Không nên đợi tới khi có những điều kiện thuận lợi mới cố gắng, tu tập, hay đợi có người thúc đẩy hoặc có người làm rồi mình mới làm. Cụ thể là siêng năng luyện tập những đức tính tốt, chừa những tính xấu, chăm chỉ thực hành những pháp môn tu tập của Phật giáo. Coi chừng những nỗ lực không phải là chân chính đối với người tu, như nỗ lực hướng về danh lợi thú…

h) Chánh niệm: tưởng nhớ những điều chân chính, tốt đẹp. Cần phân biệt với chánh tư duy. Tư duy là suy tưởng, còn niệm là tưởng nhớ lại, ý thức. Chánh niệm là luôn ý thức sáng tỏ về sự sống của bản thân mình, nghĩa là sống một cách có ý thức, luôn biết mình đang nghĩ gì, nói gì, làm gì. Nhờ vậy mà chủ động, kiểm soát được đời sống mình, không bị vong thân hay bị tư tưởng, việc làm của mình lôi cuốn, khiến mình mất ý thức về chính mình.

i) Chánh định: là thiền định chân chính, là tập trung tinh thần để đạt tới chánh kiến, để thấy đúng và thấy rõ ràng, là cột chặt tư tưởng của mình vào một việc cố định, nhờ vậy tâm hồn an định, tâm an định thì trí huệ mới phát sinh, mới có huệ giác (tức đầu óc sáng suốt nhạy bén với chân lý).

8 nguyên tắc này giúp ta thực hành Giới, Định, Huệ, là những yếu tố cần thiết để việc tu tập thành công.

- Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là những giới luật (Giới), là hàng rào bảo vệ sự tu tập của ta.

- Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định giúp ta tập trung năng lực tinh thần (Định) để có sức mạnh và trí huệ sáng suốt.

- Chánh kiến, chánh tư duy là những điều thuộc về trí huệ (Huệ), điều kiện tối yếu để giải thoát và thành Phật.

8 nguyên tắc trên cũng là nguyên nhân và hậu quả lẫn nhau. Có được một cái thì từ từ về sau tự nhiên sẽ có thêm những cái khác. Và càng thực hành bát chánh đạo, con đường giải thoát càng ngày càng mở rộng ra, thân tâm càng ngày càng an vui, hoan hỉ, cuộc sống dần dần sẽ vươn lên tới đỉnh toàn thiện, tuyệt mỹ của con người.

Giải thích thêm về chánh định và chánh niệm

1. Chánh niệm: Đây là một phương pháp tu tâm thần diệu của đạo Phật. Nó không khởi đầu bằng việc phân biệt những ý niệm thiện ác, mà bằng việc quán sát, theo dõi những biểu hiện của sự sống, của tâm thức, những hoạt động của cái tâm nơi bản thân mình. Nhờ vậy, càng ngày mình càng có một ý thức sáng tỏ về sự sống của chính bản thân, luôn luôn ý thức về chính mình, về những tư tưởng, lời nói, hành vi mình, ý thức mình là ai, và ý thức được mình đang ý thức. Để rồi càng ngày mình càng khám phá ra tâm thức của mình và chính mình, cuối cùng, giác ngộ được tự tánh của mình, thấy được bản lai diện mục của mình, mà từ nhà Phật gọi là kiến tánh (15*). Mà kiến tánh là điểm then chốt, là giác ngộ quan trọng nhất để thực sự bước vào đời sống tâm linh, để thật sự tu hành tiến đến giải thoát. Có nhiều người tuy sống nhưng không ý thức mình đang sống, nói năng hoạt động nhưng không ý thức mình nói năng hoạt động. Họ ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc như một cái máy, như một con vật, không sử dụng hết khả năng tâm linh mà trời phú cho con người. Để rồi một ngày nào đó sắp chết, họ mới khám phá ra rằng họ sống mà như chưa từng sống: đời sống của họ chẳng khác gì một giấc mộng (trong giấc mộng ta không ý thức).

Bí quyết của chánh niệm là luôn luôn ý thức rằng mình đang sống: ăn thì biết mình ăn, nghĩ thì biết mình nghĩ, khi cáu kỉnh bực bội thì ý thức được mình đang nóng giận, không bị cơn nóng giận làm chủ lôi ta đến những tình huống đáng tiếc. Chánh niệm là ý thức được từng giây phút mình sống, là luôn luôn nhìn lại chính mình, luôn luôn có ý thức phản tỉnh, luôn luôn sống với chính mình, với ý thức của mình. Chẳng hạn, ban sáng thức dậy, ta ý thức được mình đang bắt đầu một ngày mới, từ việc ngồi dậy cho đến việc dọn dẹp mùng mền, ta đều làm một cách có ý thức, ta đánh răng rửa mặt với tất cả tâm hồn của mình, hoặc ta cố ý dùng giây phút rửa mặt ấy để suy tưởng một điều gì… chứ không để thói quen hay quán tính lôi kéo ta làm như một cái máy, làm mà không ý thức mình làm.

Lối tu Phật giáo đặt nặng Chánh Niệm hơn cả đời sống luân lý. Tu hành mà không thực hành Chánh Niệm thì dù đời sống luân lý có tốt đẹp đến đâu thì vẫn chưa phải là tu hành đúng nghĩa. Vì tu theo Phật giáo là Tu Tâm, là càng ngày càng đi sâu vào cái tâm của mình. Đời sống tâm linh là gì nếu không phải là đời sống lấy tâm làm gốc? Mà con đường để đi vào tâm chính là ý thức. Sống luân lý tốt đến đâu mà chẳng có ý thức về sự sống mình thì chưa phải là sống đời sống tâm linh.

2. Chánh định: là kiềm giữ cái tâm của mình vào một đối tượng nào đó, một ý tưởng nào đó, hoặc bắt nó không được nghĩ gì cả (điều này hết sức khó, chỉ những người tu tập lâu năm mới làm được), là dồn tất cả năng lực tinh thần, tập trung tư tưởng mình vào một việc, không để cho nó nhẩy từ chuyện này sang chuyện khác. Điều này mới đầu rất khó, vì trong toàn bộ con người của ta, thì tâm thức của ta, ý nghĩ của ta là khó làm chủ nhất. Ta có thể dễ dàng bắt thân ta ngồi im, hay bắt mắt ta dán chặt vào một vật gì đó suốt 10 phút, nhưng thật là khó khi cột tâm ý ta vào một đối tượng nào đó, không cho nó rời khỏi đối tượng ấy, dù chỉ trong 5 phút (khác với trường hợp ta bị đối tượng đó lôi cuốn một cách độc chiếm: lúc đó ta bị đối tượng đó làm chủ chứ không làm chủ nó, vì ta nghĩ nhưng không còn biết là ta nghĩ nữa). Sở dĩ khó như thế là vì bản tính của tâm ý ta giống như con vượn, cứ phải chuyền hết từ cành cây này sang cành khác, không sao ở yên một cành được, hay giống như con ngựa bất kham không thể đứng yên một chỗ, cứ phải chạy hết chỗ này sang chỗ khác. Vì thế, người ta vẫn nói: «tâm viên ý mã».

Muốn cho trí huệ mình được sáng suốt để có thể thấy đúng, quan niệm đúng, tư tưởng đúng, nhậy bén với những gì là đúng là thật, đồng thời có một tinh thần mạnh mẽ để tu tập, ta phải làm chủ được tinh thần, tư tưởng, tâm thức của ta. Đó là Chánh Định. Phật nói: «Cột được cái tâm vào một chỗ thì không việc gì là không xong». Chánh Định đóng một vai trò hết sức quan trọng trên con đường tu Phật.

Tọa thiền

Một trong những cách tu tập chánh định là tọa thiền, nói nôm na là ngồi thiền. Tọa thiền không phải là Thiền, mà chỉ là một phương tiện dẫn tới Thiền. Tọa thiền có nhiều cách, nhưng đây là một cách phổ thông, dễ làm nhất:

Trước hết, dọn dẹp căn phòng cho có thứ tự, vì cảnh trí bên ngoài ảnh hưởng tâm trí ta rất mạnh khi ta mới bắt đầu tu tập. Đốt một cây nhang cắm cho thật thẳng trên lư hương. Thắp một ngọn đèn dầu hay đèn cầy và tắt đèn điện để ánh sáng trở nên dịu dàng không chói mắt cũng không tối quá. Làm tất cả những việc chuẩn bị ấy một cách đầy ý thức, ung dung, khoan thai. Sau đó ngồi ngay ngắn trước bàn thờ, trên chiếu hay trên ván. Ngồi làm sao để cả tâm và thân dễ dàng hiệp nhất với nhau: ngồi bán già hay kiết già hay một tư thế thoải mái nhất. Nên ngồi bán già, hay tốt nhất là kiết già.

- Ngồi bán già là ngồi khoanh chân lại, để ngửa bàn chân trái trên bắp vế phải, còn bàn chân phải ở dưới bắp vế trái.

- Còn ngồi kiết già cũng tương tự như bán già, nhưng cả hai bàn chân đều để ngửa trên hai bắp vế.

Đó là hai thế ngồi rất vững khiến ta cảm thấy tâm hồn mình vững chãi, tỉnh táo và tinh tiến hơn. Ban đầu chưa quen mà ngồi như vậy thì rất đau chân, nhưng dần dần không còn thấy đau nữa.

Hai tay để thoải mái trên hai chân, hai lòng bàn tay ngửa lên trời, đặt chồng lên nhau ở giữa. Sống lưng phải thật thẳng, đầu thẳng, mắt hơi khép nhìn về phía trước khoảng hai thước, miệng hơi mỉm cười, toàn thân toát ra sự thanh thản và vui tươi. Tập thở nhẹ, chậm và sâu, không cố gắng quá, thở nhiều lần, hơi thở nhẹ nhàng không gây tiếng động. Mới đầu tập tọa thiền, nên tập trung tất cả tư tưởng vào hơi thở, tuyệt đối không nghĩ gì khác, cứ thở một cách ý thức từng hơi thở một, thở đúng cách. Chắc chắn thời gian đầu tập tọa thiền, tư tưởng sẽ nhẩy hết ý này sang ý khác. Nhưng đừng quá chú trọng vào chuyện đó, hễ ý thức được mình «lo ra» thì trở lại với hơi thở của mình ngay. Ngồi như thế cho đến khi cháy hết cây nhang thì xả thiền. Xả thiền là dùng hai tay xoa bóp chân từ bắp vế tới bàn chân cho máu lưu thông lại bình thường, xoa bóp cả hai tay theo lối đó. Nếu không làm như vậy thì khi đứng dậy dễ bị tê chân, xây xẩm, có hại.

Điều quan trọng là ngày nào cũng tu tập như thế, trung thành không từ bỏ ngày nào. Thà rằng ngày nào cũng tập, dù chỉ là 5 phút, thì ích lợi hơn ngồi mỗi ngày nửa tiếng mà ngày làm ngày bỏ. Cứ như vậy thì chỉ trong vài tháng khả năng tinh thần của ta tăng lên rất nhiều. Mới đầu thì khó, hay «lo ra», nhưng càng ngày thời gian «lo ra» càng ít đi. Khi đã thành công trong việc để ý đến hơi thở, ta mới bắt đầu quán xét, tập trung tư tưởng vào một vật, hay khó hơn, vào một vấn đề hay một đề tài nào đó. Nếu là người trí thức, ưa lý luận, ta nên tập trung hết tư tưởng vào một công án (16*), để tìm cách giải đáp. Dần dần đầu óc ta sẽ sáng suốt, phán đoán, nhận định hay giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, sáng suốt, chính xác. Chỉ lúc đó ta mới đi vào con đường đạo một cách vững vàng, không sợ sai lầm.

Trong khi tọa thiền, ta có thể thấy nhiều cảnh tượng xảy ra: người thì thấy Chúa, Đức Mẹ, một vị thánh nào đó, người thì thấy Phật, Đức Quán Thế Âm, có người thấy ma quỉ… hiện ra nói với ta. Không nên mừng hay lo, cũng đừng chú tâm vào những cảnh tượng đó. Tất cả đều do tâm thức của ta biến hiện ra khi tâm thức đó vắng lặng, không bị xao động. Những người có kinh nghiệm về tọa thiền không coi đó như một dấu hiệu tiến bộ về tâm linh. Tuy nhiên, những người không được chỉ dẫn sẽ cho đó là một thứ chứng đắc và vui mừng vì điều đó. Nhưng nếu ta để ý đến nó, nó sẽ dẫn ta đến những ảo tưởng, ảo vọng, với những hình ảnh thật sự (chứ không phải chỉ là tư tưởng). Nếu ta còn một chút tham vọng nào đó, thì tâm thức ta sẽ biến hiện ra những hình ảnh, những lời nói, xui khiến ta tưởng rằng mình là một đấng nào đó, có sứ mạng nào đó (chẳng hạn tiên tri của Thiên Chúa… ), thậm chí còn khuyến dụ ta làm điều nọ điều kia, mới đầu có vẻ rất phù hợp với chân lý, nhưng càng ngày càng dẫn ta đi lạc đường. Nếu ta quá chú tâm tới những biến hiện ấy, ta sẽ đi đến chỗ «tẩu hỏa nhập ma» rất nguy hiểm. Tốt hơn hết, ta đừng chú tâm đến chúng, không mừng không vui không sợ, dần dần chúng sẽ không hiện ra nữa, và tâm linh ta cứ dần dần thăng tiến. Phật nói rất rõ là không bao giờ Ngài hiện ra bằng âm thanh sắc tướng như thế cả. Những biến hiện đó cũng tương tự như những giấc mơ, qua đó ta có thể cắt nghĩa được tiềm thức của ta (tôn sùng, yêu mến ai, khinh ghét ai, tham vọng, ước mơ, những dồn nén của ta… ). Nó khác giấc mơ ở chỗ là ta hoàn toàn ý thức khi thấy nó biến hiện, và những biến hiện đó có đầu đuôi hợp lý hơn…

Tứ Diệu Đế dẫn vào Thiền

Các đạo sư, thiền sư không bao giờ định nghĩa rõ ràng Thiền là gì, mà chỉ để cho những ai chịu khó tu tập tự khám phá lấy, tự chứng ngộ lấy. Vả lại, xác định rõ Thiền là gì thường có nguy cơ tự giới hạn Thiền vào một khía cạnh nhỏ hẹp nào đó của nó. Hơn nữa, tùy theo trình độ tu tập mà mỗi người hiểu hoặc chứng ngộ Thiền mỗi cách. Nhưng nếu không định nghĩa Thiền là gì, thì chắc chắn độc giả nào chưa hiểu Thiền sẽ cảm thấy mông lung, không có một ý niệm rõ ràng nào về Thiền cả. Vì thế, người viết bài này xin trình bày về Thiền ở một cấp độ sau khi hiểu về Tứ Diệu Đế. Thiền còn có thể hiểu cao hơn nữa, và cao hơn rất nhiều. Nói đúng ra, sau khi tìm hiểu Tứ Diệu Đế, người ta có thể từ đó bước vào Thiền.

Ở trình độ này, Thiền là việc áp dụng Chánh Niệm và Chánh Định trong đời sống thường nhật hay trong bất cứ sinh hoạt nào của mình: ăn, uống, ngủ, nghĩ, nghĩ, nói, hành động… Không một sinh hoạt nào của con người có thể lọt ra ngoài đối tượng Thiền cả. Thiền là tự nhiếp mình (nhiếp là kềm giữ ý thức) trong Chánh Niệm và Chánh Định khi làm bất cứ việc gì: nhất cử nhất động của mình đều ung dung thư thái dưới sự kiểm soát của ý thức - không hấp tấp, không vụt chạc, không làm một cách máy móc. Nói cách khác, Thiền là sinh hoạt tâm linh cao nhất mà con người có thể đạt được. Trong đó, con người sống với trọn vẹn ý thức của mình, toàn bộ năng lực tập trung vào công việc mình đang làm. Nghĩa là làm với tất cả tâm hồn mình, không phải làm việc này mà lòng trí lại tư tưởng tới việc khác.

Tuy nhiên, người ta chỉ sống thiền đúng nghĩa sau khi đã khám phá, giác ngộ tâm linh của mình, sau khi đã cảm nghiệm được chính tâm linh của mình, và Thiền chính là sống với cái tâm linh đó. Thiền vì thế chính là đời sống tâm linh của con người. Cảm nghiệm được tâm linh của mình là «kiến tánh», là giác ngộ. Chưa cảm nghiệm được tâm linh của mình thì chưa thể nói là có đời sống tâm linh được, vì đời sống tâm linh lúc đó mới chỉ ở dạng tiềm thể (in potentia), chưa thành hiện thể (in actu). Khám phá, cảm nghiệm tâm linh của mình, và thường hằng sống với tâm linh ấy là bước đầu dẫn vào Thiền. Có những phương cách giúp ta đi vào Thiền và sống thiền, như «trà đạo», «đạo cắm hoa»…

Trà đạo

Một trong những cách thể hiện sống Thiền là Trà Đạo. Thế nào là Trà Đạo? Là một nghệ thuật pha trà và uống trà trong Thiền tông, để thể hiện tinh thần Thiền. Khi pha trà, mọi động tác đều được làm một cách đầy ý thức, vừa làm vừa biết mình đang làm gì, tất cả tâm trí đều tập trung vào việc pha trà. Khi pha trà thì chỉ nghĩ đến pha trà, làm như pha trà không phải là để có trà mà uống: pha trà chỉ là để pha trà. Động tác pha trà được coi là quan trọng hơn là kết quả việc pha trà (có một bình nước trà ngon). Khi pha trà, ta quán chiếu tâm mình, ta chánh định, ta chánh niệm, ta sống trọn vẹn với công việc pha trà, ta hưởng trọn vẹn cái giây phút an lạc, thanh thản, cái vui thú của việc pha trà. Ta cảm nghiệm ngay chính lúc ấy (hic et nunc) cái tâm linh ta đang điều động công việc pha trà.

Khi uống trà cũng thế, uống một cách đầy ý thức, hưởng trọn vẹn cái hương vị thơm tho của trà, tâm linh tập trung trọn vẹn vào đó, thưởng thức cái thú vị đến với mình lúc đó mà không so sánh với cái vị trà mà mình uống hôm trước. Sống trọn vẹn giây phút hiện tại đến độ dường như lúc đó chỉ biết duy nhất có một việc, chỉ làm duy nhất có một việc là uống trà. Đó là những giây phút siêu thoát, trong đó ta cảm thấy mình hoàn toàn không bị ràng buộc bởi một cái gì khác. Điều quan trọng là ta không để việc pha trà hay cái vị ngon của trà cuốn hút ta ra khỏi ý thức của ta, khiến ta miên man suy nghĩ chạy theo ngoại vật mà quên mất chính ta, quên mất tâm của ta, khiến ta bị vong thân ngay lúc đó. Phải hoàn toàn làm chủ ý thức mình, một cách tự nhiên không cần cố gắng: đó là kết quả của nhiều năm tu tập.

Đạo cắm hoa hay nghệ thuật cắm hoa của Thiền tông cũng thương tự như thế. Một khi đã pha trà hay cắm hoa đúng nghệ thuật, đúng tinh thần Thiền tông như thế, thì tất cả những công việc khác trong ngày cũng phải được thực hiện theo gương mẫu đó: quét nhà, lau bụi, xếp sách, ăn uống, viết lách… Tất cả mọi việc, «đi đứng nằm ngồi gì cũng đều là Thiền hết» (Huệ Năng). Thời gian đầu mới tu tập Thiền, ta chỉ làm được trong ngày một vài việc đầy tinh thần Thiền như thế thôi. Nhưng dần dần số công việc làm được như thế tăng dần lên theo thời gian tu tập. Và kết quả sẽ là những chứng nghiệm tâm linh siêu việt mà người bình thường không bao giờ cảm nghiệm được. Đó là cửa ngõ để bước qua một cách hiện hữu mới, một hiện hữu thần bí, hiện hữu của một tâm linh nở hoa.

Phần Chú Thích

(1*) Cư sĩ: người tu tại gia, có gia đình.

(2*) Xuất gia: tu sĩ ở chùa hay thiền viện, không lập gia đình, không sống với gia đình

(3*) Trí huệ rốt ráo: Trí huệ cao nhất mà con người có thể đạt được.

(4*) Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Phẩm thí dụ thứ ba.

(5*) Khổ vì sinh ra.

(6*) Khổ vì già cả.

(7*) Khổ vì bệnh tật.

(8*) Khổ vì chết.

(9*) Khổ vì không ưa nhau, ghét nhau mà lại phải sống chung với nhau.

(10*) Khổ vì yêu thương nhau mà lại phải sống xa cách nhau.

(11*) Khổ vì mong muốn mà không được.

(12*) Khổ vì những yếu tố cấu tạo nên bản thân ta, như xác thịt đòi ăn uống ngủ nghỉ, trí huệ đòi hiểu biết…

(13*) Kinh Duy Ma Cật, Phẩm I: Phật quốc.

(14*) Câu chuyện nổi tiếng sau đây minh họa điều đó: Một ông vua buồn khổ vì thấy mình làm vua mà chẳng được hạnh phúc. Một vị thần hiện ra chỉ cho ông bí quyết: nếu ông bận cái áo lót của người nào tự hào là sung sướng nhất, thì ông cũng sẽ được hạnh phúc như người ấy. Nhà vua cho người đi tìm khắp nước cái người tự cho mình là sung sướng nhất ấy, từ những vị quan có địa vị, giàu sang nhất, đến những thần dân nghèo nàn nhất, nhưng chưa hề thấy ai tự cho mình là sung sướng nhất cả. Đến khi tìm được thì than ôi, người cho rằng mình sung sướng nhất lại là người nghèo đến nỗi không có được… một cái áo lót!

(15*) Kiến: mắt thấy sự, hoặc trí thấu lý; Tánh: bản tính chân thực của mình, của vũ trụ vạn vật. Kiến tánh: trí huệ thấu suốt được bản thể thanh tịnh thường hằng, tùy duyên mà chiếu soi, tạo tác của vũ trụ vạn vật, hằng có nơi chính mình.

(16*) Công án là một mẩu chuyện thiền nhằm giải phóng những người trí thức, say mê chữ nghĩa, danh từ, lý luận, phân biệt… ra khỏi trò chơi của ngôn ngữ hay cái bẫy của văn tự. Nó giúp người ta thấy lý trí, lý luận nhị nguyên rất giới hạn, đồng thời giúp người ta kinh nghiệm được chân lý không thể nghĩ bàn. Mỗi công án đều có một ý nghĩa rất sâu xa, cho thấy con người là gì trước khi sinh ra, chỉ rõ bản thể tuyệt đối. Chúng ta có thể đọc các công án trong cuốn «Vô Môn Quan» hay «Bích Nham Lục».

Sau đây xin kể ra một vài công án:

1. Một ông Tăng hỏi Hòa Thượng Triệu Châu:

- Con chó có Phật tính không?

Sư đáp:

- «»

2. Một ông Tăng hỏi ngài Triệu Châu:

- Tôi mới vào chùa, xin Ngài chỉ dạy.

Sư hỏi: - Ăn cháo chưa?

Ông đáp: - Ăn cháo rồi.

Sư nói: - Rửa bát đi.

Ông Tăng liền ngộ.

Tác giả Nguyễn Chính Kết