26.2.08


CHƯƠNG 2:

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ PHẬT GIÁO

Sự đa dạng của Phật giáo

Nhiều hệ phái khác nhau

Cũng như Kitô giáo gồm nhiều giáo phái : Công giáo, Tin Lành, Chính Thống, Anh giáo, v.v... tuy cùng phát xuất từ Đức Kitô, do Đức Kitô làm giáo chủ, cùng đọc một Kinh Thánh như nhau, nhưng mỗi giáo phái có một giáo thuyết khác nhau, tuy căn bản giống nhau, nhưng càng đi vào chi tiết thì càng khác nhau, Phật giáo một phần nào tương tự như thế. Thật vậy, Phật giáo không phải chỉ là một con đường độc đạo, một phương pháp duy nhất, một lối nhìn duy nhất mà bất cứ Phật tử chân chính nào cũng theo... Phật giáo không thuần nhất như vậy. Có thể nói Phật giáo là một tôn giáo có rất nhiều hệ phái, mỗi hệ phái có một cách nhìn thực tại, một phương pháp tu tập khác nhau : chẳng những khác nhau, mà đôi khi ngược hẳn nhau, mâu thuẫn nhau.

Tuy nhiên, các hệ phái Phật giáo thường coi những hệ phái khác là những con đường khác cũng dẫn đến cùng một mục đích như mình, chứ không coi giáo lý của hệ phái mình là đúng, còn của các hệ phái khác là sai lầm, là lạc đạo (1*). Do đó, bất chấp sự khác biệt về giáo thuyết cũng như cách thức tu tập, các hệ phái Phật giáo vẫn coi nhau là gần gũi, là anh em, là bổ túc lẫn nhau để phù hợp với những khuynh hướng tâm linh tự nhiên khác nhau, mà vẫn nhất quán được với nhau (2*).

Nhiều pháp môn khác nhau

Để dễ hiểu, ta có thể ví Phật giáo như chương trình giáo dục của một quốc gia, trong đó có trình độ thấp nhất là trường mẫu giáo, dành cho trẻ dưới 6 tuổi; rồi đến trình độ phổ thông gồm 3 cấp từ lớp 1 đến 12; rồi đến trình độ đại học với nhiều khoa và rất nhiều phân khoa, mỗi phân khoa lại có nhiều lớp từ thấp lên cao; sau đại học còn có cao học với đủ mọi ngành... Nói thế nghĩa là Phật giáo có rất nhiều pháp môn hay phương pháp tu tập khác nhau. Kinh điển Phật giáo nói tới «tám vạn bốn ngàn pháp môn» hết sức đa dạng và phong phú để đáp ứng với mọi trình độ, mọi căn cơ, mọi khuynh hướng khác nhau của người thế. Chủ trương của Phật là «tùy duyên hóa độ», nghĩa là tùy theo trình độ, tầm nhận thức, khuynh hướng tâm linh của từng đối tượng mà đưa ra phương thức giáo hóa thích hợp. Cũng như y học có cả trăm ngàn phương thuốc khác nhau để chữa hàng trăm ngàn chứng bệnh khác nhau. Không nên lấy thuốc này để chữa bệnh kia, mà phải «bệnh nào thuốc nấy». Cũng vậy, hai người thuộc hai trình độ khác nhau, cách nhận thức sự vật khác nhau, tính tình khác nhau, khuynh hướng tâm linh khác nhau, thì không thể cùng theo một phương thức tu tập như nhau được. Tương tự như hai người ở hai nơi khác nhau, nếu cùng đi đến một nơi thứ ba, ắt phải đi bằng hai con đường khác nhau, không thể bắt hai người cùng đi một con đường được.

Do đó, các pháp môn có thể rất khác biệt nhau, đôi khi mâu thuẫn nhau nữa. Để dễ hiểu, ta có thể so sánh giữa giáo trình học toán của hai học sinh cấp độ khác nhau : đối với học sinh lớp hai, không thể có trường hợp số nhỏ trừ số lớn, em nào đặt bài tính như vậy thì bị coi là phi lý, không hiểu toán; nhưng đối với học sinh đã học đại số, điều đó lại được coi là có lý. Hay đối với học sinh chưa học giải tích, thì không thể có căn số bậc hai của một số âm, vì điều đó hoàn toàn vô nghĩa, nhưng đối với những học sinh đã học về số ảo, thì điều đó chẳng những có ý nghĩa mà còn có thể thực hiện và áp dụng được trong thực tế. Do đó, nếu không chấp nhận mâu thuẫn, người ta sẽ gặp những trở ngại không thể vượt qua trong việc tìm hiểu Phật giáo.

Nhưng vẫn nhất quán

Kinh điển của Phật giáo nhiều vô kể. Kitô giáo chỉ có một cuốn Kinh Thánh với Cựu Ước và Tân Ước làm căn bản. Còn lời Phật thì được chép thành hàng ngàn cuốn (chưa kể vô số sách của các vị tổ thừa kế Phật). Vả lại, Đức Kitô chỉ rao giảng có ba năm, trong khi Đức Phật thuyết pháp suốt 49 năm (lâu gấp 16 lần). Trong 49 năm thuyết pháp ấy, Đức Phật cũng đã chuyển «pháp luân» (bánh xe pháp) nhiều lần. Nghĩa là có thời Ngài chuyên thuyết pháp cho những người trình độ này, có thời Ngài chuyên nhắm tới trình độ kia. Điều đó giống như một vị thầy phải giảng dạy cho một đám học sinh trình độ khác nhau. Vì thế, có thời ông phải giảng giáo trình lớp 2, có lúc lớp 5, có lúc lớp 11, và có thời cho những sinh viên đại học.

Những lần Ngài chuyển pháp luân như thế, nhiều đồ đệ đã bỏ Ngài mà đi, vì họ chấp cứng vào những điều đã nghe cũ, không thể chấp nhận được lập trường mới cao hơn. Chúng ta không thể vin vào sự kiện này để nói rằng Ngài «bất nhất» được, vì Ngài có lý do của Ngài. Một thí dụ khác để dễ hiểu là : ta cấm đứa con 5 tuổi của mình sử dụng dao, cấm nó băng qua đường, nhưng lại cho phép đứa con 10 tuổi làm những việc đó. Làm như thế, đâu phải là ta «bất nhất» ! Suốt trong kinh Phật, có nhiều lập trường có vẻ mâu thuẫn nhau của Phật, mà nếu không hiểu lý do, ta sẽ kết luận Ngài «bất nhất».

Phân loại các pháp môn

Một chương trình giáo hóa hết sức qui mô, gồm rất nhiều pháp môn, nhằm thích ứng với đủ mọi khuynh hướng hay trình độ khác nhau như thế, ta có thể xếp loại theo nhiều cách khác nhau, tùy theo tiêu chuẩn xếp loại : hoặc theo khuynh hướng, hoặc theo trình độ, hoặc theo phương pháp, v.v...

Theo khuynh hướng

Chẳng hạn, nếu xếp theo khuynh hướng trí huệ, hay theo tâm tính, ta có thể phân chia các pháp môn ra làm 10 tông phái. Tông phái nào cũng có đủ 9 tông phái kia, nhưng mỗi tông phái nhấn mạnh đặc biệt một khía cạnh nào đó. 10 tông phái đó gồm có :

1. Luật tông : đặc biệt lưu tâm tới việc giữ lề luật.

2. Tịnh độ tông : lưu tâm tới việc niệm Phật, luôn luôn tưởng nghĩ đến Phật.

3. Thiền tông : lấy tham thiền nhập định làm căn bản tu hành.

4. Mật tông : tu thân, khẩu, ý bằng cách ngồi trì chú, tay bắt ấn, miệng đọc thần chú, tâm quán tưởng những lời thần chú.

5. Duy thức tông : chủ trương nghiên cứu, quan sát hình tướng và nguyên nhân sinh khởi của vạn vật, và coi nguyên nhân sinh khởi ấy là Thức. Tông phái này rất thích hợp với những người ưa lý luận, phân tích.

6. Pháp Hoa tông hay Thiên Thai tông (3*): tu tập theo kinh Pháp Hoa, lấy pháp môn «nhất tâm tam quán» làm căn bản tu hành, tức quán về ba khía cạnh Vật - Tâm - Chân Như của vũ trụ vạn hữu, để nhận chân được Chân Như ngay trong sự vật, thấy được phàm thánh không hai, uế độ tức tịnh độ.

7. Hoa Nghiêm tông hay Hiền Thủ tông (4*): tu tập theo kinh Hoa Nghiêm, là bộ kinh cao nhất của Phật, nên cần phải căn trí thông lợi mới tu theo được. Tông này còn gọi là «Viên giáo», là giáo lý viên dung, hoàn toàn đầy đủ, chủ trương «Pháp giới duyên khởi», nghĩa là vũ trụ vạn hữu trùng trùng do nhân duyên hòa hợp mà thành, và tu tập là để giác ngộ được «sự sự vô ngại pháp giới» (5*).

8. Tam Luận tông (6*) hay Tánh Không tông (7*): chủ trương làm sao nhận rõ được những sai lầm chấp trước của các tông phái khác để chứng ngộ chân lý.

9. Câu Xá tông (8*) hay Hữu tông : chủ trương «cái tôi» là không có thật, nhưng các pháp có thật, lấy Tứ Diệu ĐếThập Nhị Nhân Duyên (9*) làm căn bản tu hành.

10. Thành Thật tông (10*): chủ trương bản ngã và các pháp đều không có thật.

Hai tông cuối này đều thuộc về Tiểu Thừa Phật Giáo.

Mỗi hành giả sẽ tùy theo nhân duyên, sở thích hay khuynh hướng trí huệ của mình mà thích hợp với tông phái này hay tông phái khác. Ở Việt Nam, 5 tông phái đầu thịnh hành, nhất là Thiền tông, Luật tông, và Tịnh Độ tông mà chúng ta sẽ bàn kỹ hơn sau này.

Theo trình độ

Còn nếu phân loại theo trình độ, căn cơ, ta có thể chia các pháp môn thành ngũ thừa, tức 5 bậc tu khác nhau tùy theo chủ đích hành giả nhắm đạt tới :

1. Nhân thừa : tu để kiếp sau được trở lại làm người và hưởng phúc lộc của thế gian : giàu sang, sung sướng. Chỉ cần quy y tam bảo và hành trì ngũ giới cấm (11*).

2. Thiên thừa : tu để kiếp sau được sinh lên cõi Dục giới của các vị Thiên nhân, có đời sống cao hơn, vui sướng hơn con người. Cần tu thêm Thập Thiện (12*).

3. Thanh văn thừa : để đạt tới quả vị cao nhất là La Hán, tu theo Tứ Diệu Đế. Thừa này thuộc Tiểu Thừa.

4. Duyên Giác thừa : để đạt tới quả vị Bích Chi Phật, hay Độc Giác Phật, tu theo Thập Nhị Nhân Duyên. Thừa này thuộc Trung thừa.

Tu theo Thanh văn thừa và Duyên giác thừa có thể đoạn tuyệt được phiền não, ngộ được lý «vô ngã» và «vô thường» mà giải thoát.

5. Bồ Tát thừa : để đạt tới từng quả vị một trong Thập Địa Bồ Tát (13*) (từ Sơ Địa tới Thập Địa), tu theo pháp Lục Độ. Thừa này thuộc Đại thừa.

Theo sự vị tha và theo địa lý

Nếu phân loại theo tiêu chuẩn vị tha, ta có thể chia các pháp môn thành hai bộ : Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ, hay còn gọi là hai thừa : Tiểu Thừa và Đại Thừa (14*).

1. Thượng Tọa bộ hay Tiểu Thừa : lo tự độ, tự giác, chỉ cầu giải thoát cho chính mình, tâm lượng giới hạn, nên chỉ có thể đắc quả La Hán (15*).

2. Đại chúng bộ hay Đại Thừa : chẳng những lo tự độ, mà còn chủ trương độ tất cả chúng sinh giải thoát, tâm lượng rộng lớn, nên nhắm đạt quả vị Bồ Tát hay Phật.

Khuynh hướng Tiểu Thừa nói chung phát triển ở phía Nam Ấn Độ và truyền bá về phía Nam (Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Căm Bốt, phần nào ở Việt Nam) nên gọi là Nam Phương Phật giáo hay Phật giáo Nam Tông, khuynh hướng chung là trung thành với Phật giáo nguyên thủy, nên thủ cựu, trọng hình thức.

Khuynh hướng Đại Thừa phát triển ở phía bắc Ấn độ và lan lên phương Bắc (Nêpal, Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam, Cao Ly, Nhật Bản...) nên gọi là Bắc Phương Phật giáo, hay Phật giáo Bắc Tông, có khuynh hướng phóng khoáng, không câu nệ hình thức, chủ trương hội nhập văn hóa rất mạnh, không chịu trung thành với những hình thức nào quá cũ kỹ không thích hợp với nền văn hóa của mỗi dân tộc từng thời đại. Điều quan trọng phải trung thành là cái cốt tủy của Đạo Phật, chứ không phải là những hình thức diễn tả hay thể hiện cái cốt tủy ấy. Sự phân chia giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa không thuần túy theo hướng bắc-nam, vì Việt Nam ở phía nam, nhưng lại thịnh hành về Đại Thừa.

Liễu nghĩa và bất liễu nghĩa

Phật giáo có quá nhiều pháp môn như thế là để thích ứng với trình độ căn cơ của từng cá nhân, không phải chỉ khác nhau về phương pháp tu tập, mà về mặt lý thuyết, các pháp môn cũng rất khác biệt nhau, thậm chí đôi khi mâu thuẫn với nhau nữa. Vì thế, tùy theo trình độ căn cơ, tùy theo khuynh hướng tâm linh và trí huệ khác nhau mà mỗi người hiểu lời Phật nói một cách khác nhau. Các pháp môn cao đôi khi phủ nhận những điều mà các pháp môn thấp cho là chân lý hay cần thiết. Nhất là các pháp môn cao vượt khỏi não trạng nhị nguyên ưa phân biệt của lý trí nhằm đạt tới những cảnh giới trí huệ siêu việt, vượt lên trên tất cả mọi phạm trù nhị nguyên, mọi đối đãi, mọi đúng sai. Chỉ ở trong trình độ này mới có thể hiểu đúng ý Phật, hiểu đúng cốt tủy của Phật giáo.

Một câu nói của Phật có thể hiểu nhiều nghĩa, được phân thành hai loại nghĩa :

- liễu nghĩa (nghĩa thực, nghĩa trọn vẹn),

- bất liễu nghĩa (nghĩa nông cạn, không trọn vẹn).

Chỉ trình độ cao mới hiểu được liễu nghĩa, ngoài ra chỉ hiểu được bất liễu nghĩa. Và cái cốt tủy của Phật giáo hay cái liễu nghĩa của lời Phật không thể diễn tả bằng lời nói hay văn tự cho những người còn một quãng quá xa mới đạt tới, vì cái cốt tủy ấy vượt khỏi khả năng của văn tự, ngôn ngữ. Không thể định thức cái cốt tủy ấy bằng ngôn ngữ được, vì nói thế nào đi nữa, cố gắng nói trung thực mấy đi nữa, thì những định thức bằng ngôn ngữ ấy cũng không tương ứng được với thực tại mà ngôn ngữ muốn diễn tả. Kinh Lăng Nghiêm nói : «Hễ là lời nói thì đều chẳng có nghĩa thật». Tuy nhiên, để giúp người ta đạt được cái cốt tủy ấy, thì tuy lời nói có những hạn chế của nó, nhưng không thể không dùng lời nói. Không dùng lời nói thì không có cách nào khác để giúp người ta hiểu được, nắm được cái cốt tủy ấy. Thật vậy, những gì được trình bày về Phật giáo trong các sách vở, trong các bài thuyết pháp, đều chỉ là những phần có thể nói được, diễn tả được, mà nhờ đó, hành giả có thể tự mình bước sang phần không thể nói hay diễn tả được. Và bước đó quả là một bước nhảy vọt.

Bước nhảy vọt

Thật vậy, chính Phật đã ví các giáo pháp nói được của Ngài giống như ngón tay chỉ mặt trăng. Nhờ vào ngón tay đó ta mới thấy được mặt trăng (chân lý). Nhưng bao lâu mắt ta chưa rời khỏi ngón tay thì ta chỉ có thể nhìn thấy ngón tay chứ không thể thấy được mặt trăng, cho dẫu ta thấy ngón tay hết sức tỏ tường. Muốn thấy được mặt trăng (chân lý) đòi hỏi một bước nhảy vọt : mắt phải rời khỏi ngón tay nhưng vẫn phải theo đúng hướng ngón tay đã chỉ. Rời mà không phải là hoàn toàn rời, vì nếu rời theo hướng khác thì không thể thấy được mặt trăng... Chân lý không phải là cái có thể nói được, diễn tả bằng lời được. Chính Lão Tử cũng nói : «Đạo khả đạo phi Thường Đạo» (nghĩa là : Chân Lý mà còn diễn tả được thành lời không phải là Chân Lý Thường Hằng, vĩnh cửu, mà chỉ là những chân lý tạm thời phải thay đổi). Giáo Pháp của Phật là ngón tay chỉ cho ta cái Chân Lý Thường Hằng ấy, chứ không phải là chính Chân Lý đó. Phật nhấn mạnh : «Đừng lầm ngón tay ta với mặt trăng !».

Để diễn tả bước nhảy vọt đó, kinh Phật có câu :

«Đầu sào trăm thước thêm một bước,

Mười phương thế giới hiện toàn thân !».

Nghĩa là : Đã lên tới đầu sào cao nhất rồi, nhưng vẫn chưa thấy được Chân Lý, muốn thấy được thì phải buông bỏ đầu sào nhẩy bung ra ! Và chỉ lúc đó, ta mới thấy được tất cả các pháp môn Phật, dù có vẻ mâu thuẫn đi nữa, đều nhất quán ! Những câu như : «Phùng Phật sát Phật» hay «Muốn hiểu Phật phải đốt sách Phật» đều có ý nghĩa tương tự như thế.

Lợi hại của phương tiện

Lời nói chỉ là những phương tiện giúp người ta hiểu được cái cốt tủy cần phải đạt tới. Chứ không có lời nói nào có thể là cái cốt tủy ấy. Tất cả các pháp môn của Phật cũng vậy, chúng chỉ là những phương tiện dẫn chúng ta đến giải thoát, đến Thực Tại Tối Hậu. Không dùng những phương tiện ấy thì không thể đạt tới. Nhưng đồng thời muốn đạt được cái cứu cánh ấy thì lại phải từ bỏ những phương tiện ấy. Các pháp môn của Phật vừa là phương tiện dẫn tới, nhưng đồng thời vừa là vật cản trở người ta đạt tới cứu cánh. Vì thế, trên con đường tu tập, tới phút chót, để đạt được cứu cánh, người ta phải lìa bỏ tất cả mọi pháp môn ấy. Nếu không lìa, người ta không thể đạt được. Phật đã ví giáo pháp của Ngài, tức các pháp môn Phật, giống như chiếc đò đưa người ta qua sông, không có chiếc đò ấy người ta không thể qua sông được. Nhưng khi đã tới bờ bên kia, nếu người ta không chịu lìa bỏ đò, thì người ta không thể lên bờ được.

Cũng vậy, con đường đi đến giải thoát phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều trình độ khác nhau. Muốn đạt được cứu cánh, người ta không thể ở mãi trong một trình độ nào đó, hay bám mãi vào một pháp môn nào đó. Các trình độ giống như những bậc thang (16*), mỗi trình độ lại có một số pháp môn tương ứng. Do đó, người tu Phật, không thể suốt đời tu mãi một pháp môn duy nhất mà có thể tiến bộ được. Cũng như muốn đạt tới bậc tiến sĩ, người ta bắt đầu học từ lớp mẫu giáo, rồi lên cấp 1, rồi tới cấp 2, cấp 3, rồi đại học, rồi cao học. Muốn lên cấp 3 thì phải bỏ cấp 2, muốn học đại học thì phải học hết trung học (trường phổ thông) nhưng đồng thời cũng phải bỏ trung học.

Việc thay đổi một pháp môn như thế không phải là chuyện đơn giản, vì nó luôn luôn đòi hỏi người ta phải thay đổi quan niệm, từ bỏ quan niệm cũ để theo quan niệm mới. Khi người ta thấy quan niệm này là đúng, vì người ta đang ở trong trình độ phải quan niệm như thế, thì người ta chưa thể chấp nhận một quan niệm cao hơn. Lúc đó, nếu có ai trình bày một quan niệm cao hơn mà người ta chưa chấp nhận được, người ta sẽ cho quan niệm đó là sai hoặc thấp thỏi hơn quan niệm của họ. Muốn thay đổi quan niệm, nghĩa là muốn chấp nhận một quan niệm cao hơn, muốn thấy được cái quan niệm cao hơn ấy là hợp lý, thì họ phải tu tập một thời gian, phải khao khát đi tìm chân lý, không tự mãn với sự hiểu biết mình đang có, đồng thời biết nghi ngờ quan niệm mình đang có, và sẵn sàng đổi mới quan niệm. Chính quan niệm cũ - cùng với những kiến thức, hiểu biết cũ - cản trở người ta chấp nhận một quan niệm mới cao hơn, giúp giải thoát hơn. Sự cản trở này được gọi là «sở tri chướng» (17*).

Chấp và phá chấp

Do đó, cả một quá trình tu tập của hành giả là một quá trình «chấp» rồi «phá chấp», rồi lại «chấp» và «phá chấp» nữa, cứ thế mãi. Nghĩa là hành giả sẽ trải qua nhiều trình độ trí huệ khác nhau, mỗi trình độ tương ứng với một kiến giải khác nhau về thực tại. Khi lên một trình độ cao hơn, hành giả sẽ có một kiến giải mới về thực tại khác với kiến giải cũ một chút, đôi khi khác hẳn với cách kiến giải cũ. Hay nói một cách khác, hành giả «ngộ» được một cách kiến giải mới, hợp lý hơn, cao hơn, đem lại giải thoát hơn cách kiến giải cũ. Và đương nhiên cách ứng xử của hành giả đối với người, sự vật và hoàn cảnh bên ngoài cũng sẽ thay đổi theo ít nhiều.

Để dễ hiểu, ta có thể so sánh với sự kiện sau đây : khi biết 200 điều, người ta sẽ có một cách nhìn và cách ứng xử khác với khi biết 100 điều, và khi biết 400 điều, người ta lại có nhìn và ứng xử khác với khi chỉ biết có 200 điều. Đôi khi chỉ biết hơn nhau một điều cũng đủ làm người ta nhìn và quyết định cách khác nhau. Khi có kiến giải mới, người ta bỏ cách kiến giải cu (18*). Bỏ cách kiến giải cũ, hay mặc lấy kiến giải mới chính là «phá chấp». Phá chấp cũ, nhưng lại có chấp mới, tức có kiến giải mới. Sau nhiều lần «chấp» và «phá chấp» như thế, hành giả mới nhận ra rằng mọi kiến giải rồi cũng phải thay đổi khi trí huệ con người tăng tiến mãi. Đồng thời nhận ra rằng kiến giải là kiến giải, mà thực tại là thực tại, kiến giải không phải là thực tại. Kiến giải chỉ là một ảnh chụp của thực tại chứ không phải là chính thực tại. Nghĩa là không có một kiến giải nào - dù là kiến giải của những bậc cao siêu trí huệ - là thực tại hay đồng nhất với thực tại cả. Về vấn đề này, Tuệ Trung Thượng Sĩ (19*) có viết : «Kiến giải trình kiến giải, như dụi mắt thấy quái», nghĩa là đem các kiến giải ra mà bàn luận với nhau thì cũng như khi dụi mắt ta thấy những hoa đốm hiện ra, tất cả những hoa đốm ấy đều là giả tạo, là huyễn, không phải là thực tại (20*).

Như vậy, ở trong mỗi trình độ, người ta đều tưởng những gì mình thấy đúng, hợp lý là chân lý, nhưng khi trí huệ mình cao hơn, hiểu biết nhiều hơn, thì mình lại phải từ bỏ những quan niệm, hiểu biết cũ để mặc lấy quan niệm, hiểu biết mới, bỏ những quan niệm thấp để mặc lấy những quan niệm cao hơn, đúng hơn. Mỗi lần thay đổi quan niệm như thế, trí huệ hành giả lại lên cao hơn một bậc.

Lời nói chỉ là tạm dùng - nhiều cách hiểu

Vì không có một cách quan niệm nào hoàn toàn đúng với thực tại cả, nên lời nói của Phật và các Tổ chỉ là «tạm dùng» để «phá chấp». Gọi là «tạm dùng» vì phải dùng, không dùng không được, không dùng thì không còn biết phải dùng cách nào khác để giúp người ta quan niệm đúng hơn, cao hơn. Đó là một trong những ý nghĩa của câu : «Y kinh thuyết pháp thì oan ba đời chư Phật, mà lìa kinh thuyết pháp thì là ma đạo». Giảng hay hiểu chân lý đúng y như văn tự trong kinh, y như lời Phật nói thì «oan» cho Phật, vì ý của Phật không phải là chỉ như vậy mà cao hơn như vậy (21*). Còn giảng chân lý mà không theo kinh thì rất có nguy cơ sai lầm.

Vì thế, mỗi người đều hiểu Phật giáo theo quan điểm của mình, tùy theo trình độ nhận thức, hiểu biết, tùy theo mức độ giác ngộ, công năng tu tập của mình. Người Phật tử có trình độ giác ngộ cao sẽ không cho rằng phải hiểu như mình mới là đúng, hay phải hiểu thế này hay thế kia mới là đúng. Đúng ra, họ không đặt vấn đề đúng sai cho bằng họ thấy được lý tất yếu này : trình độ tới đó thì tất nhiên chỉ hiểu được tới đó, không thể đòi hỏi khác hơn được. Do đó, khi trình bày về Phật giáo, người ta chỉ có thể trình bày về Phật giáo theo quan điểm của mình, theo cách hiểu của mình, trong đó có rất nhiều điểm chung với mọi người, nhưng cũng có phần khác biệt riêng của mình. Chắc chắn người đã giác ngộ cao sẽ trình bày rất khác với người chưa giác ngộ, cho dẫu cả hai đều đúng, nhưng đúng hai cách khác nhau.

Chú thích

(1*) Đây là hậu quả của nền luận lý học Aristote được nhiều người dùng làm cơ sở để lý luận và áp dụng cho tất cả mọi thực tại : tầm thường cũng như siêu việt, đơn diện cũng như đa diện, biến đổi cũng như bất biến. Theo quan điểm của Aristote - ngầm giả thiết thực tại là đơn diện, một mặt - hễ điều này đúng, thì bất kỳ điều nào mâu thuẫn với điều này ắt phải sai (nguyên lý mâu thuẫn), và hai điều mâu thuẫn nhau, ắt phải có một điều đúng, một điều sai, không có trường hợp thứ ba (nguyên lý triệt tam). Áp dụng thứ luận lý ấy, thì hễ ai thấy mình là đúng ắt phải kết luận người mâu thuẫn với mình là sai. Mà khổ nỗi trên đời này có ai nhận mình là sai đâu, vì nếu cho mình là sai thì mình đâu còn chủ trương như cũ nữa ! Vì thế, thứ luận lý ấy dễ sinh ra độc đoán, độc đạo (exclusi-visme), chia rẽ, chiến tranh ý thức hệ... Càng cố thống nhất (bằng cách ép người khác nghĩ như mình) thì càng thêm chia rẽ.

(2*) Phật giáo phát sinh và phát triển ở Đông Phương, nên chịu ảnh hưởng nhận thức động và đa diện của triết lý Đông Phương, coi thực tại luôn luôn biến chuyển và có nhiều mặt. Do đó, Phật giáo chấp nhận mâu thuẫn : hai cái nhìn mâu thuẫn nhau vẫn có thể cùng đúng một lượt. Chẳng hạn : đối với một tờ giấy 2 mặt trắng và đen, người nói «nó trắng» cũng đúng không kém người nói «nó đen». Vì thế, người có quan điểm ngược hẳn với mình vẫn có thể cũng đúng như mình. Thứ luận lý này giúp người ta dễ chấp nhận nhau bất chấp khác biệt và mâu thuẫn, dễ «hiệp nhất trong đa dạng».

(3*) Vì được thành lập và có uy thế tại núi Thiên Thai

(4*) Vì Hiền Thủ quốc sư (còn gọi là Trí Nghiễm, Pháp Tạng thiền sư) là người có công lớn trong việc giải bày nghĩa lý của Tông này.

(5*) «Sự sự vô ngại pháp giới» : Trong vũ trụ, có hằng hà sa số sự vật, khác nhau nhiều phương diện, nhưng về lý tính lại có sự dung thông bình đẳng, không phân chia ngăn cách.

(6*) Vì được hình thành dựa trên ba bộ luận sau : Trung luận, Bách luận, Thập nhị môn luận.

(7*) Vì làm hiển rõ nghĩa lý của «Tánh Không».

(8*) Vì phát xuất từ bộ Câu Xá luận của Thế Thân.

(9*) Thập Nhị nhân duyên : giải thích tiến trình sinh tử, nguồn gốc sinh tử luân hồi, gồm 12 trạng thái kế tiếp nhau làm thành một chu kỳ, trạng thái trước là nhân sinh ra quả là trạng thái kế tiếp : Vô Minh, Hành, Thức Tái Sinh, Danh Sắc, Lục Căn, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử.

(10*) Căn cứ vào bộ Thành Thật luận của Sư Harivarman (Ấn Độ, sau Phật khoảng 900 năm).

(11*) Ngũ giới cấm : cấm sát sinh, cấm trộm cướp, cấm tà dâm, cấm nói dối, cấm uống rượu.

(12*) Thập Thiện : Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói hoa tình, không gây chia rẽ, không chửi mắng nguyền rủa, không tham lam, không oán giận, không ghen ghét.

(13*) «Thập Địa Bồ Tát» : Mười cấp bậc Bồ Tát (thấp nhất là Sơ địa, cao nhất là Thập địa).

(14*) «Tiểu thừa» và «Đại thừa» là những danh từ do Đại thừa tự đặt ra. Bên Tiểu thừa, người ta không thích bị gọi là «Tiểu thừa», mà họ tự xưng là «Thượng Tọa bộ» (là tên đã có trước khi thật sự phân chia thành hai bộ), hay «Phật giáo nguyên thủy» (vì chủ trương trung thành với giáo lý nguyên thủy của Đức Phật).

(15*) «Tiểu thừa» nghĩa đen là cỗ xe nhỏ, còn «Đại thừa» là cỗ xe lớn. Bên Đại thừa cho rằng chủ trương của Thượng Tọa bộ thì chỉ cứu được một mình mình, nên tương ứng với cỗ xe nhỏ (chở được ít người), còn của Đại chúng bộ thì cứu được vô số người, nên tương ứng với cỗ xe lớn (chở được nhiều người).

(16*) Muốn lên một bậc cao hơn thì phải bỏ cái bậc thấp hơn, không thể bám mãi vào một bậc nào đó mà lại có thể lên tiếp được. Khi lên thang, người ta phải đứng thật chắc trên bậc thang này, rồi sau đó lại phải rời khỏi bậc thang ấy để lên một bậc thang khác. Cứ thế nhiều lần mới lên tới tầng lầu, và để bước vào lầu, người ta phải rời khỏi cầu thang. Vậy, muốn lên thang, vừa phải bám vừa phải rời. Cũng vậy, muốn tiến bộ trên con đường tu tập, vừa phải «chấp», vừa phải «phá chấp». Phải chấp nhận và xác tín điều mình khám phá được, nhưng đồng thời lại phải sẵn sàng từ bỏ điều đó trước một chân lý cao hơn. Cũng như bánh xe lăn trên đường, vừa phải bám vào đường từng điểm một, vừa phải rời khỏi đường, mới tiến được.

(17*) Sở tri chướng : chướng ngại do chính sự hiểu biết của mình.

(18*) Thánh Kinh Kitô giáo có câu : «Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con; nhưng khi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con» (1 Cr 13,11), hay «Chúng ta hãy gác qua một bên giáo huấn sơ đẳng về Đức Kitô, hãy vươn tới trình độ giáo huấn trưởng thành mà không trở lại những điều căn bản» (Dt 6,1), hay «Tôi không thể nói với anh em như những con người sống theo Thần Khí, nhưng ... như với những trẻ nhỏ trong Đức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn đặc, vì anh em chưa ăn nổi» (1 Cr 3,1-2), hay «Với thời gian, đáng lẽ anh em phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa : thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa. Phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành» (Dt 5,12-14).

(19*) Tuệ Trung Thượng Sĩ : Một thiền sư đời nhà Trần.

(20*) Thiền Phật giáo chủ trương sống với thực tại chứ không sống với những kiến giải, nhìn thẳng và sống với Chân Tâm, với Chân Như Phật Tánh, chứ không phải với những kiến giải về Chân Tâm hay về Chân Như Phật Tánh.

(21*) Một cách hiểu khác của chữ «oan», là nếu nói y như lời của Phật cho một người có trình độ không phù hợp với lời nói ấy, thì không đúng ý Phật. Nếu gặp một người thấp thỏi như vậy, Phật phải nói cách khác thích hợp với họ hơn. Thánh Kinh Kitô giáo có câu : «Của thánh, đừng ném cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em» (Mt 7,6). Hay như Phạm Công Thiện viết trong Ý thức mới trong văn nghệ và triết học : «Điều thượng nhân nói thì là chân lý, nhưng hạ nhân lập lại cũng lời ấy thì lại là sai lầm». Chỗ khác ông viết : «Lập lại lời nói của các thiền sư đã giác ngộ đang khi mình chưa giác ngộ, thì chính sự lập lại ấy trở nên vô nghĩa và rất nguy hiểm, đồng thời chận đứng lại sự giải thoát của chính mình» (trang 173).

Tác giả Nguyễn Chính Kết