4.9.09

Nên thánh là ơn gọi
hay chỉ là một lời mời gọi?


Quả là sau khi có người đặt vấn đề về sự phân biệt giữa ơn gọi (vocation) và lời mời gọi (call) thì tôi mới bắt đầu để ý phân biệt hai hạn từ này và suy nghĩ xem hai hạn từ này khác nhau ra sao.

Sau khi suy nghĩ và phân tích, tôi nhận thấy thế này:

Nên thánh trước hết là một lời mời gọi hay tiếng gọi của Thiên Chúa. Nhưng nếu không có ơn Chúa thì lời mời gọi này không thể thực hiện được. Vì thế, ai mà nên thánh được thì quả là một ơn vĩ đại, vĩ đại hơn là ơn làm được một linh mục hay tu sĩ. Vì nên thánh thì khó chứ làm linh mục, tu sĩhay giáo dân thì tương đối dễ thôi! Chỉ cần nghĩ như thế thì tôi đã thấy nên thánh là một «ơn gọi” nhiều hơn là một «tiếng gọi” rồi! Thậm chí dùng từ «ơn gọi nên thánh” thì còn phù hợp hơn là «ơn gọi linh mục”, «ơn gọi tu sĩ “ hay «ơn gọi giáo dân”, vì nên thánh cần nhiều ơn hơn.

Phân tích sâu hơn tôi thấy: Ơn gọi (vocation) hàm chứa ba yếu tố: lời mời (call) gọi của Chúa, đáp trả (response) lời mời gọi ấy của con người, và thành quả của việc mời gọi ấy.

Xin lấy một thí dụ cụ thể: ai cũng nhìn nhận linh mục là một ơn gọi. Ơn gọi ấy gồm ba yếu tố:

1. Lời mời gọi của Chúa: Chúa mời gọi một số người – không phải tất cả – làm tông đồ của Chúa theo con đường linh mục.

2. Sự đáp trả của người cảm nhận được lời mời đó: bằng việc hiến thân vào chủng viện hay tu viện và trung thành với lời mời gọi đó đến cùng. Tôi nghĩ về phía con người thì đây là điều cốt yếu nhất của ơn gọi.

3. Và thành quả của việc đáp trả đó là người ấy đã trở thành một linh mục thật sự (không nói tới trường hợp những người tiến tới chức linh mục vì lý do trần tục: họ chỉ đáp lại lời mời gọi của tham vọng cá nhân chứ không phải đáp lại lời mời gọi của Chúa. Những người này có vẻ có ơn gọi linh mục, nhưng thật sự là không). Thành quả này tùy thuộc vào Chúa hơn vào bản thân ta.

Trên nguyên tắc, người ta chỉ biết mình có ơn gọi linh mục hay không khi đã thành tựu ơn gọi đó là trở nên một linh mục. Đối với một chủng sinh – chưa thành linh mục – có thể nói người đó đang theo đuổi ơn gọi linh mục. Ơn gọi linh mục của người này vẫn còn ở phía trước. Nhưng theo cách nói thông thường của rất nhiều Kitô hữu, thậm chí rất cao cấp trong Giáo Hội, thì khi một chủng sinh xuất tu ra ngoài lập gia đình, người ta bảo chủng sinh đó «đánh mất ơn gọi” (ở đây là ơn gọi linh mục). Trong trường hợp này, người ta hiểu ơn gọi chỉ cần hai yếu tố: lời mời gọi của Chúa, và sự đáp trả của con người. Ngay như đối với một người đã làm linh mục (coi như đã có yếu tố thứ 3), việc sống cho ra một linh mục cũng là một điều không phải linh mục nào cũng làm được. Khá nhiều linh mục không sống đúng với lý tưởng linh mục của mình, có những vị sống tinh thần tông đồ – tinh thần cốt lõi của ơn gọi linh mục – còn tệ hơn giáo dân. Những linh mục loại này thì không thể nói họ có ơn gọi linh mục (vocation to priesthood).

Vậy, nên thánh là ơn gọi hay chỉ là lời mời gọi? Ta hãy xét 3 yếu tố làm thành ơn gọi:

1. Điều chắc chắn là Thiên Chúa có mời gọi tất cả mọi Kitô hữu nên thánh. Đó là lời mời gọi về phần Thiên Chúa.

2. Vấn đề còn lại là sự đáp trả của con người: chẳng hạn tôi đáp trả lại lời mời gọi ấy và quyết tâm nên thánh trong cuộc đời của tôi.

3. Về việc thành tựu lý tưởng nên thánh, thì trên nguyên tắc, khi được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được làm con Thiên Chúa qua bí tích rửa tội, thì tôi đã là thánh theo bản chất rồi. Tuy nhiên, trong đời sống thực tế, sau khi đáp trả lời mời nên thánh bằng sự quyết tâm nên thánh, thì có thể tôi sống được một cuộc sống thánh thiện tương đối đúng theo lời mời gọi của Thiên Chúa, mà cũng có thể tôi chưa sống cho ra thánh.

Như vậy việc nên thánh vẫn có thể coi như một ơn gọi đối với những ai đáp lại lời mời gọi nên thánh của Chúa. Cũng như việc làm linh mục là ơn gọi đối với những ai đáp lại lời mời gọi làm tông đồ của Chúa. Đối với người không đáp lại lời mời gọi của Chúa, thì lời mời gọi đó vẫn chỉ là lời mời gọi, chưa phải là ơn gọi, vì chưa nhận được ơn Chúa để đáp trả.

Hiểu theo cách phân tích như trên, thì người Kitô hữu có một ơn gọi chung là ơn gọi Kitô hữu. Ơn gọi này có ba yếu tố:

1. Lời mời gọi của Thiên Chúa (Ngài kêu gọi ta trở nên Kitô hữu là trở nên con cái Ngài, để nên thánh hay sống theo tinh thần Chúa Kitô).

2. Lời đáp trả của ta.

3. Việc cụ thể để đáp trả là lãnh nhận bí tích rửa tội và từ đó sống tinh thần của Chúa (trong những trường hợp chưa thể lãnh bí tích này được, thì ta có thể đáp trả lời mời gọi bằng cách chứng tỏ mình là Kitô hữu qua chính đời sống hay cái chết của mình. Đó là rửa tội bằng lửa hoặc bằng máu). Nếu dựa theo tinh thần của đoạn Kinh Thánh Rm 2,25-39, thì yếu tố sau (thật sự sống tinh thần của Chúa) khiến mình là Kitô hữu hơn là yếu tố trước (chỉ lãnh nhận bí tích rửa tội).

Về mặt từ ngữ của chữ «ơn gọi” thì tiếng Anh (hay nhiều ngôn ngữ Âu châu) là vocation. Vocation có gốc tiếng latinh là vocatio với nguyên nghĩa là tiếng gọi (a call, an appeal), bởi động từ vocare nghĩa là gọi (to call, to appeal). Giáo Hội dùng chữ vocation với nguyên nghĩa như thế để chỉ một thực tại khác sâu xa hơn trong lãnh vực tâm linh. Vì thế, chữ vocation có thể dịch sang tiếng Việt bằng hai từ là «ơn gọi” và «tiếng gọi” với hai nghĩa khác nhau. Vocation đều dùng cho «ơn gọi” linh mục và «ơn gọi” Kitô hữu.

Sự khác biệt giữa ơn gọi linh mục (vocation to priesthood hay vocation sacerdotale) và ơn gọi Kitô hữu (vocation of a Christian hay vocation du Chrétien) là ở chỗ này:

Ơn gọi linh mục hay tu sĩ là một ơn gọi đặc biệt và bổ túc (particular and complementary), trong khi đó ơn gọi Kitô hữu hay nên thánh là một ơn gọi căn bản, qua phép rửa và chung cho mọi Kitô hữu (fundamental, baptismal and common). Nói cách khác: ơn gọi linh mục là một ơn gọi trong ơn gọi, hay ơn gọi dành cho một số Kitô hữu (cũng «độc đáo” như ơn gọi hôn nhân)...

Nhưng trong lịch sử, phải chăng người ta quá nâng cao ơn gọi linh mục đến độ chữ «ơn gọi” (vocation) không còn được dùng khi nói đến ơn gọi Kitô hữu nữa? Và công đồng Vatican II đã kịp thời sửa chữa sự sai trái này. Nhưng nhiều Kitô hữu chưa theo kịp tư tưởng của công đồng.

Theo Đức Gioan-Phaolô II trong bài giảng của ngài tại Aéroclub d'Osijek/Cepin (Croatie) ngày 7-6-2003, thì «the vocation of Christian is holiness” (= ơn gọi của Kitô hữu là nên thánh). Như vậy nói cho đúng hơn thì nên thánhbản chất hay cốt tủy của ơn gọi Kitô hữu. Vì thế, khi nói «ơn gọi nên thánh”, người ta dùng bản chất của một ơn gọi để gọi chính ơn gọi đó. Đó cũng là một cách khá thông dụng trong ngôn ngữ vốn rất uyển chuyển và đầy tính sáng tạo.

Đúng ra, để nói cho chính xác (kiểu triết học và toán học, chứ không phải kiểu uyển chuyển trong ngôn ngữ bình thường), thì trong bài chia sẻ Tin Mừng của tôi ngày Lễ Các Thánh, tôi nên nói: «lời mời gọi nên thánh và «lời mời gọi làm linh mục hay tu sĩ” hơn là từ «ơn gọi nên thánh” «ơn gọi linh mục”, v.v… thì sẽ đỡ rắc rối hơn. Vì khi con người chưa đáp lại tiếng Chúa, còn đang trong tình trạng phải lựa chọn có nên đáp lại những lời mời gọi đó hay không, thì chưa nên dùng từ ngữ «ơn gọi”. Do đó, nếu tôi nói: «Lời mời gọi cao cả nhất cho mọi người là nên thánh” thì sẽ dễ thỏa mãn những người đòi hỏi ngôn ngữ chính xác hơn.

Tuy nhiên trong ngôn ngữ thì người ta áp dụng một cách du di miễn sao chuyển đạt được hoàn toàn ý mình muốn nói thôi. Khi viết bài chia sẻ (lễ Các Thánh) này, tôi phải dùng ngôn ngữ để chuyển tải, và có thể do sơ ý, hay do tôi chưa nghĩ sâu xa, tôi đã dùng ngôn ngữ chưa chính xác, mặc dù vẫn có thể được. Nhưng tôi nghĩ là người đọc có thể nắm hết ý của tôi, và như thế là tôi đạt mục đích rồi. Vả lại, khi viết bài chia sẻ (chứ không phải luận án), thì tôi giả thiết rằng người đọc là người muốn tìm hiểu ý của Thiên Chúa để sống, để áp dụng vào thực tế hầu nên thánh, hơn là để hiểu biết, để làm bài, làm luận án... Nên tôi cũng không quan tâm đến sự phân biệt tế nhị phải có mà một ngôn ngữ chính xác đòi hỏi.

Còn một vấn đề nữa là khi tôi nhấn mạnh đến việc nên thánh quan trọng hay cao cả nhất của con người, thì tôi không hề có ý nói là như vậy thì ơn gọi linh mục hay tu sĩlà không cần thiết nữa. Ai hiểu như thế thì quả thật khá nhạy cảm… Cũng tương tự như khi tôi nói điều quan trọng nhất về mặt thể chất là sống khỏe mạnh, thì tôi không có ý nói là bác sĩ không cần nữa. Trái lại, càng đề cao sức khỏe bao nhiêu thì mặc nhiên tôi càng đề cao vai trò của bác sĩ bấy nhiêu, vì bác sĩ rất cần thiết cho sức khỏe. Có ai trong cuộc đời muốn khỏe mạnh mà không cần đến bác sĩ đâu? Có điều là nếu tôi làm bác sĩ thì tôi sẽ ước mong mọi người đều được khỏe mạnh để họ chẳng cần đến tôi nữa. Nếu là bác sĩ mà chỉ mong người ta cần đến mình (nghĩa là mong cho người ta bệnh tật nhiều) thì bác sĩ ấy đã nghĩ đến túi tiền của mình trước khi nghĩ đến sức khỏe của con người.

Nguyễn Chính Kết


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________