4.9.09

ẨN TU GIỮA ĐỜI
Giáo sư Nguyễn Khắc Dương

(1925-)

NGUYỄN CHÍNH KẾT


Giáo sư NGUYỄN KHẮC DƯƠNG là một khuôn mặt khá độc đáo, vừa là một học giả và giáo sư, vừa là một “lãng tử” (chính thầy tự gọi mình như thế). Thầy là trưởng Ban Triết học và Quyền Khoa trưởng Văn khoa của Đại học Đàlạt trước 1975, được một số nhà trí thức miền Nam Việt Nam biết đến và dành cho rất nhiều thiện cảm.

Là sinh viên Đại học Đàlạt, tôi, Nguyễn Chính Kết, người viết bài nầy, đã từng là môn sinh học Triết với thầy Dương mấy năm liền. Hồi đó cũng như về sau, đặc biệt trong thập niên 1992-2002, tôi có khá nhiều dịp gặp và gần gũi thầy tại Sàigòn, để trao đổi, học hỏi và tâm sự với thầy, từ chuyện triết lý, nhân sinh quan đến chuyện tâm linh, tôn giáo, sống đạo trong thời điểm lịch sử Việt Nam hôm nay. Mặc dầu tuổi đời cách xa nhau 27 năm, thầy và tôi có nhiều điểm tương đồng và tương cảm. Tôi luôn cảm phục thầy vì tư tưởng thâm sâu, vì nếp sống thanh cao siêu thoát, đầy tinh thần nghèo khó và khiêm nhu.

Vừa là học trò triết lý vừa là “môn sinh” đạo lý của giáo sư Nguyễn Khắc Dương, tôi xin gợi lên dáng đứng và hành trình đức tin của thầy Dương trong bản trình thuật nầy, dựa vào cuốn hồi ký tự thuật mà thầy đã thương tặng tôi tháng 4 năm 1998. Cuốn hồi ký nầy dày 247 trang mà thầy đã viết xong trước đó 12 năm – năm 1986 – tại Đà-Lạt, với tựa đề tiếng la-tinh song song với tiếng Việt là «Quia respexit humilitatem meam»: «Vì Ngài đã đoái thương đến chút phận hèn của tôi». Đây là một lời trích từ bài Magnificat ca ngợi Thiên Chúa của Đức Maria (Tin mừng thánh Luca 1,48). Nhờ đọc cuốn hồi ký, cộng thêm với rất nhiều lần trao đổi, tâm sự thân mật với thầy, tôi hiểu được khá sâu tâm tư cũng như cuộc đời của thầy Dương. Trong bản trình thuật nầy, những nét chính yếu về hành trình gặp Chúa của thầy, tôi xin trưng dẫn từ cuốn hồi ký trên, vừa rất trong sáng, trung thực, vừa hết sức phong phú về mặt cảm nghiệm tâm linh.

Di sản gia đình và văn hóa

Thầy Nguyễn Khắc Dương sinh ngày 24-9-1925 tại thành phố Vinh,sống tuổi thơ ấu rất êm đềm với cha mẹ tại làng Thịnh Xá, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Trong một xã hội nửa phong kiến, nửa thực dân tư sản thời ấy, gia đình thầy được xếp vào loại “danh gia vọng tộc”. Thân phụ, cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm, là một nhà nho nổi tiếng học giỏi, đức độ. Sau khi đỗ đạt, cụ được bổ dụng vào chức Tư nghiệp Quốc tử giám tại Huế. Nhưng về sau, khi Nho học bị bãi bỏ, cụ được chuyển sang ngành quan lại hành chánh. Tuy không thích các chức vụ ấy cho bằng dạy học, cụ đành chấp nhận như một nghề nghiệp tốt để nâng đỡ gia đình vốn thanh bạch của cụ. Cụ đã từng làm Tri phủ huyện Anh Sơn, Án sát tỉnh Nghệ An, Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên, và về hưu năm 1943 với phẩm hàm Hiệp Biện Thượng thư. Cụ là một vị quan thanh bạch, trung chính, không lấy danh vị làm vinh, và nổi tiếng thanh liêm nên được dân chúng rất mến phục. Cụ rất quen biết với các nhà cách mạng nổi tiếng như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Bá Hạp…

Nhưng cuộc đời cụ kết cục khá bi thảm: năm 1953, năm cải cách điền địa, cụ bị kết án địa chủ và đưa đi cải tạo, rồi qua đời sau đó một năm. Thầy Dương viết về cha mình «Hình ảnh thân phụ tôi có nhiều nét khả ái, đáng trọng của nhà Nho nhưng cũng gợi lên một cái gì bất túc, không hoàn hảo trong giai đoạn giao lưu văn hóa Đông-Tây lẫn lộn, xã hội bất an. Có lẽ chính cái giới hạn đó đã khiến tôi có hướng tìm một cái gì khác hơn cái lý tưởng Nho giáo thời mạt vận, mang ít nét phong kiến với nếp sống quan lại, trước cách mạng 1945. Có lẽ tôi có hoài vọng một thời Nho giáo Nghiêu Thuấn đã qua đi và không bao giờ có được nữa ở trần gian này! Có lẽ cũng vì vậy, không bao giờ tôi tin rằng cái vương đạo có thể thực hiện được trong lãnh vực chính trị trần thế. Tuy tôi có ít nhiều khao khát về độc lập, về mặt công bằng xã hội, nhưng tôi không bao giờ có lòng tin vào bất cứ một thuyết nào, một chủ nghĩa chính trị xã hội nào cả!».

Tuy nhiên ảnh hưởng Nho giáo, tư tưởng Lão Trang, từ gia đình và xã hội thời ấy,cùng ảnh hưởng của Phật giáo không thể không gây ấn tượng trên tâm hồn cậu thiếu niên Nguyễn Khắc Dương. Ngay từ năm 11 tuổi, cậu đã chịu ảnh hưởng sâu đậm cảnh chùa chiền, với tư tưởng giải thoát của đạo Phật. Vì thế, mẫu người lý tưởng đối với cậu không phải là những nhà anh hùng cách mạng, hay những bậc trượng phu quân tử, mà là những nhà tu hành, đạo đức cao cả. Quan niệm “đời là bể khổ” mà cậu nhìn thấy qua bao cảnh đời cùng khốn của dân chúng trong một đất nước bị đô hộ, cụ thể nhất là qua những cảnh khổ trong chính gia đình, anh chị em mình, đã làm cho hình ảnh nhà sư điềm đạm, an nhiên tụng kinh niệm Phật ngày càng in sâu vào tâm hồn thanh niên Nguyễn Khắc Dương. Ngoài ra, tình tự dân tộc, ước mong đất nước trở thành một xã hội công bằng, dân chúng an vui hạnh phúc, cũng là những yếu tố tác động trên tâm tư của người thanh niên đầy lý tưởng, nhận định rằng Nho giáo, Phật giáodân tộc là “ba tầng địa chất tâm lý”, như những lớp phù sa đọng lại trong tâm thức, trong chiều sâu vô thức của mình.

Từ các địa tầng đạo lý đó, khi thấy bạn bè mình theo Kitô giáo, thầy Dương thường chê trách, ngăn cản, vì thầy xem Kitô giáo như một thứ tôn giáo ngoại lai, chỉ dành cho những người thiểu trí: «Chúng tôi – con nhà khoa bảng, học thức – hơi có vẻ khinh đạo Công giáo, cho như là một hình thức quyến rũ, mua chuộc, mê lú, mà các cố đạo đã dành cho một lớp người hạ lưu trong xã hội! Trong họ vừa có cái gì dễ ghét, vừa có cái gì đáng tội nghiệp như là những người bị mê hoặc».

Nhưng một biến cố quan trọng xẩy ra là năm 1938, cậu Dương thi vào trường Quốc Học (Huế) bị trượt, nên phải thi vào trường Thiên Hựu, một trường công giáo tại Huế. Nơi đây, cậu được giáo dục trong tinh thần Kitô giáo: «Khi tôi được trúng tuyển vào học ở trường Thiên Hựu, người chị kế tôi có nói với mẹ tôi rằng: – Mợ không sợ thằng Dương nó theo đạo sao? – Câu trả lời của tôi lúc ấy: Không bao giờ!”».

Con đường của Thiên Hựu

Việc thi rớt để rồi phải học ở trường Thiên Hựu, về sau thầy Dương nhận định được rằng đó là do sự an bài yêu thương của Thiên Chúa dành cho mình. «Kỳ thi hạch vào trường Quốc Học Huế tôi bị hỏng!… Thế là mẹ tôi quyết định cho tôi theo học chương trình Pháp tại trường Thiên Hựu ở Huế, chứ không vào các trường tư thục theo chương trình của Đông Dương… Dầu sao, cái quyết định của mẹ tôi cho tôi thi vào trường Thiên Hựu quả là do Thiên Hựu (Providence: sự quan phòng, sự an bài xếp đặt của Thiên Chúa)».

Trường Thiên Hựu có gì đặc biệt mà lại làm cho cậu học sinh đầy thành kiến về Kitô giáo đã trở thành Kitô hữu? – «Vào học trường Thiên Hựu, tôi được dấn bước vào thế giới Công giáo, dần dần khám phá ra những giá trị của nó. Trước hết là các linh mục giáo sư. Điều làm tôi lưu ý là sự tận tâm chức nghiệp của các vị ấy. Ai đã có học trường tư thục Công giáo chắc đều nhận chân điều đó. Điều thứ hai là tình yêu người được bộc lộ qua cách đối xử. Tôi xin phân biệt yêu người với thương người. Đạo Khổng cũng dạy: thương người như thể thương thân; đạo Phật, cao hơn, còn dạy thương người, thương cả vạn vật chúng sinh, giúp người hoạn nạn, cứu người cùng khổ… Thì chủ nghĩa nào, tôn giáo nào cũng dạy thế cả; nhưng yêu người thì hình như chỉ có đạo Kitô mới dạy và mới giúp người ta thực hiện được».

Để làm rõ nghĩa chữ “yêu”, tác giả Hồi ký viết cụ thể hơn: «Yêu người đây là thái độ tương tự như thái độ của người tình duy nhất: có cái gì trìu mến, yêu thương, đằm thắm, thiết tha, làm cho người ta có cảm tưởng mình được xem như là một giá trị duy nhất vô nhị và không thể thay thế của một người yêu… Trong tương quan tình yêu mình được nhìn nhận đúng phẩm giá làm người của mình, như là một ngã vị, một chủ thể duy nhất, như là được «lên ngôi»». Tôn giáo nào cũng có nét độc đáo, vẻ đẹp riêng của nó, khiến tôn giáo ấy trở thành cuốn hút đối với các tín đồ của mình. Riêng Nguyễn Khắc Dương thì bị cuốn hút bởi cái tính chất «yêu người» trong những mối “tương quan liên ngã vị” của Kitô giáo, khiến thầy Dương thấy tôn giáo này hợp với mình hơn. Thầy so sánh giữa tính từ bi của Phật giáo với tính yêu của Kitô giáo: «Tôi được hân hạnh quen biết một vị sư mà tôi hết sức kính mến, đó là một Thượng Tọa. Đứng về phương diện đạo đức luân lý, ngài là một bậc chân tu, đạo hạnh rất cao, có lẽ ít linh mục tu sĩ Công giáo nào sánh kịp. Thế nhưng mỗi lần tiếp xúc với ngài, tôi tuy biết rằng ngài có thể liều chết cứu tôi, nhưng động thái của ngài có cái gì lạnh nhạt. Tôi có cảm tưởng dù thương tôi hết sức, nhưng ngài thương tôi trong cái đại từ bi vô ngã đối với một chúng sinh vô ngã như bất cứ chúng sinh nào! Và tôi xin vô lễ (vì tôi rất kính mến ngài) mà cả gan suy diễn rằng có lẽ ngài xót thương cho cái chấp ngã hiện hữu của tôi, thay vì vui mừng vì hiện hữu của tôi như một ngã vị. Và xin thú thật rằng: tôi rất tôn kính Đức Thích Ca, nhưng mỗi lần chiêm ngưỡng tượng Ngài điềm nhiên trên trên tòa sen, tôi vẫn có cảm tưởng là tôi được chiếu rọi bởi ánh từ bi của Ngài, nhưng không có cảm tưởng được sưởi ấm cõi lòng bởi lửa yêu mến của Ngài»

“Lửa yêu mến” mà Nguyễn Khắc Dương khao khát, thầy đã tìm thấy nơi Đức Giêsu: «Chỉ có Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, chịu chết vì môn đệ, và một vài vị thánh như Phanxicô Átxidi, Vinh Sơn Phaolô, mới yêu bất cứ người nào cũng như một người tình duy nhất. Tôi thấy rằng chính cách thức cư xử của các linh mục đều có ít nhiều cái gì tương tự! Sau này khi sống với các bạn Công giáo, tôi cũng đều có cái cảm giác như vậy. Thái độ này không phải là một đức hạnh hiểu theo nghĩa luân lý đạo đức mà là một động thái bắt nguồn từ một cảm thức dựa trên căn bản một nhận thức về giá trị con người». “Tình yêu” chính là yếu tố đã hấp dẫn Nguyễn Khắc Dương theo Kitô giáo: «Đi vào thế giới Kitô giáo, tôi được nếm mùi vị của tình yêu, với cái gì ấp ủ, trìu mến, đằm thắm, da diết mà tôi không thấy ở nơi khác. Tôi cũng nhấn mạnh rằng là “tình yêu người”, chứ không phải là “đức thương người”. Tình yêu ấy là một động thái bộc phát từ tâm lý đã nhuần nhuyễn bởi một cái gì đối với mỗi một tha nhân. Còn đức thương người có thể nói như là kết quả dày công tu tập về luân lý đạo đức và cái nhìn về loài người nói chung». «Sự hấp dẫn của Chúa Giêsu hình như do chính con người và cuộc đời của Ngài nhiều hơn là do đạo lý Ngài truyền dạy».

Chính tại trường Thiên Hựu học sinh Nguyễn Khắc Dương đã nhận ra Tình yêu nơi người tu sĩ Kitô giáo «Bề ngoài hào hoa bặt thiệp, không có vẻ gì là thoát tục mà lại là “Tu”! Tu mà miệng luôn nói tới “yêu mến “với những từ ngữ có vẻ đắm đuối say sưa. Lần đầu tiên tôi gặp một nhân sinh quan rất lạ, một thứ tu chẳng những không diệt dục mà đắm đuối chữ “Tình”… Tu vì yêu, yêu nên mới tu. Họ nói họ hiến thân cho Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu yêu họ, vì họ yêu Chúa Giêsu. Thế nhưng kết quả là những tâm hồn thật đẹp, thật phong phú, vừa rất người, rất đời, vừa có ít nhiều cách biệt, khác hẳn con người thế tục».

Ngoài môi trường Thiên Hựu, thầy Dương còn tiếp cận với các giáo xứ, gia đình công giáo và cảm thấy luôn có cái gì đắm thắm, dồi dào, tương quan thân thiết tuy thầm lặng kín đáo. «Tuy chưa có đức tin, tôi vẫn cảm thấy một sinh khí vui tươi ấm áp. Tôi có cảm tương mình là một thân cây được cắm vào lòng đất có nhựa sống, được bao bọc và sưỡi ấm bởi tình người trong tương quan liên-ngã-vị». Nói thế không có nghĩa là thầy Dương xem nhười Kitô hữu hơn những người khác. Thầy nhận định: «Về phương diện hiền hòa, phần đông các vị sư đều hơn các linh mục: về mặt nghiêm túc mực thước, các linh mục chưa chắc đã bằng các vị túc nho. Đi xa hơn, có thể nói Đức Giêsu chỉ dạy “yêu người”, chứ Đức Thích Ca còn dạy “thương bất cứ một sinh vật nào”. Nhưng điều quan trọng đối với tôi là qua môi trường công giáo, tôi cảm nghiệm được tiếp cận với “MỘT NGƯỜI” đang hiện diện và tác động “bây giờ và nơi đây”».

Ngoài kinh nghiệm đó, thầy Dương cũng cảm thấy sự hiện diện của Đức Giêsu trong cộng đoàn Kitô hữu trong đời sống đạo của họ, qua những nghi thức phụng vụ, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể là mối dây liên kết chặt chẽ các kitô hữu với nhau. «Những lúc vào nhà thờ để cùng anh chị em giáo dân dự lễ đọc kinh, tôi như cá được thả vào nước… những giây phút qùy gối trước cung thánh, ngước nhìn nhà tạm với ngọn đèn chầu lung linh, tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu sau tấm màn che thay đổi màu theo các ngày lễ trong tuần. Chúa Giêsu thật sự mà tôi cảm nghiệm là người bạn đồng hành trong cuộc sống hiện tại mà cách đó một năm tôi thấy chỉ là oan khiên nghiệp chướng».

Bước ngoặt lịch sử, một cuộc tái sinh

Năm 1945, Cách Mạng Tháng 8 đã làm đảo lộn xã hội, tạo nên một cuộc đổi đời cho người thanh niên Nguyễn Khắc Dương 20 tuổi mà gia đình vốn là “danh gia vọng tộc” của thời phong kiến, nên khi đổi đời, mọi sự như đều sụp đổ. Nhờ đó thầy nhận ra sự mỏng dòn của mọi sự trong thế gian, và không còn tin tưởng hay trông cậy gì nhiều vào những thực tại trần gian. Thầy viết: «Cách mạng mùa thu đến như một cơn tỉnh mộng! Nhưng sâu xa hơn, cách mạng mùa thu không phải chỉ là một cuộc cách mạng xã hội làm cho địa vị của gia đình tôi đổi thay, mà còn bắt tôi phải đặt lại vấn đề nấc thang giá trị về nhân sinh: thuyết Mácxít đặt cho tôi nhiều câu hỏi về mọi mặt, đặc biệt là vấn đề nhân sinh quan trong căn bản của nó». Và đã nhờ kinh nghiệm của một sự “đổi đời”, mà thầy Dương ý thức được bản chất “đổi dời” của nhân thế. Thầy nhận thấy rằng những nền móng của xã hội cũ mà chủ yếu là Nho giáo (một thứ Nho giáo có phần xơ cứng) quả là không giải quyết được vấn đề chính trị xã hội của nước Việt Nam thời bấy giờ, mà cũng không giải quyết được một số vấn đề nhân sinh khác có chiều kích muôn thuở như vấn đề sự dữ (problème du Mal) chẳng hạn. Hầu như bế tắc hoàn toàn, thầy phải tìm một chân trời khác giúp thầy có thể tìm được ý nghĩa cúa Nhân sinh. Và chân trời ấy, có thể nói thầy được một ơn khải thị nội tâm huyền nhiệm mà thầy cảm nhận ra rằng đó là một Con Người “Giêsu Nadarét” mà giáo hôi công giáo tuyên xưng va loan truyền Ngài chính là CON THIÊN CHÚA nhập thể làm người đem ơn cứu độ cho nhân lọai đang đắm chìm trong đau khổ và tội ác.

Nguyên nhân tác động của Thiên Chúa

Theo thầy, chính biến cố cách mạng mùa thu là biến cố mà Thiên Chúa đã dùng như một dụng cụ kêu gọi thúc đẩy thầy tìm đến CON NGƯỜI ấy như là một người cứu hộ mà còn hơn nữa như một vị Cứu Tinh. Thầy cho rằng ơn của Thiên Chúa chính là “nguyên nhân đệ nhất” hay “nguyên nhân căn bản” khiến thầy đi vào con đường này. Còn những sự kiện bên ngoài như việc học ở trường Thiên Hựu, sống trong môi trường Kitô giáo, cách mạng mùa thu, sự sụp đổ nhân sinh quan, v.v… chỉ là những “nguyên nhân đệ nhị” mà Thiên Chúa dùng «để kéo tôi ra khỏi những đồn lũy khá kiên cố đã cầm buộc tôi, để tôi có thể đi đến với Ngài, khác nào như xưa Ngài đã phải dùng trăm phương nghìn kế để kéo dân Ngài ra khỏi Ai Cập. Chỉ có con mắt đức tin mới chọc thủng lớp nguyên nhân đệ nhị ấy để thấy được nguyên nhân đệ nhất. Nếu không có con mắt đức tin, nếu không nhìn thấy Thiên Chúa, thì người ta chỉ nhìn thấy những nguyên nhân đệ nhị ấy là nguyên nhân mà thôi. Và xét theo luận lý hình thức, thì nghĩ như vậy là lôgích 100%».

Tiến trình mà Thiên Chúa dùng để dẫn thầy về với Ngài, trước hết là cảm thức tôn giáo tự nhiên ở trong thầy từ hồi còn nhỏ, tuy còn lờ mờ chưa rõ rệt. Kế đó là qua thời cuộc mà thầy giác ngộ được sự vật đổi dời: «Sự sụp đổ của một chế độ cho tôi thấy tính cách biến dịch của cuộc đời: thì ra ở đời không có cái gì trường tồn, vĩnh tại.. Ở trần gian, mọi sự đều chóng qua, đổi dời và tương đối; thế mà lòng tôi vẫn hướng về một cái gì vĩnh cửu, tuyệt đối, trường tồn». «Tôi đã được ơn thấy rõ: hình như cứu cánh cuộc đời không phải ở nơi trần gian sẽ qua đi này, mà ở một nơi nào khác». Thầy Dương đã nhận ra cứu cánh ấy chính là Thiên Chúa, mà hiện thân của Ngài ở trần gian này là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã nhập thể thành một con người như chúng ta.

Trở nên Kitô hữu và ước muốn sống đời hiến dâng cho Chúa

Từ những suy tư, cảm nghiệm và siêu nghiệm trên, thầy Dương quyết định gia nhập Kitô giáo, nhưng chỉ còn ngại cha mẹ và gia đình chống đối thôi. Nhưng may thay khi về gia đình trình với cha mẹ ý định tòng giáo, thì Cụ ông bảo: «Thầy không vui gì lắm về việc con theo đạo. Nhưng thầy cũng không có ác cảm gì với đạo Công giáo… Nhưng nếu con tìm được hạnh phúc trong niềm tin Chúa thì thầy cũng mừng cho con». Thế là thầy quyết định trở thành con Thiên Chúa, và lãnh nhận bí tích Rửa tội ngày 9 tháng giêng năm 1949, tại nhà thờ Nghĩa Yên. Người ban phép Rửa tội là cha xứ Nghĩa Yên: L.m. Nguyễn Ngọc Bang, cùng dâng lễ với cha xứ Yên Nhiên, L.m. Phúc. Lm Vương Đình Ái» là cha đỡ đầu của tân tòng Têphanô Nguyễn Khắc Dương.

Trước ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, Têphanô đã được cha Vương Đình Ái đưa đi tĩnh tâm mấy ngày tại dòng Phanxicô ở Vinh. Tại đây, khi tiếp xúc với các tu sĩ dòng và hưởng những giây phút tĩnh lặng, ấm cúng, thánh thiện và tràn đầy hạnh phúc, người tân tòng đã nẩy lên một ước muốn tha thiết: «Nếu được cùng chung sống một cuộc đời với các tu sĩ ấy thì hạnh phúc chừng nào! Ý muốn sống đời tu sĩ đã gieo vào lòng tôi. Và từ lúc ấy, đối với tôi, đời Kitô hữu và đời hiến dâng trọn bản thân cho Chúa chỉ là một» «Lòng tôi đã hướng về một cuộc sống xa hẳn mọi việc ở đời, hiến thân cho Chúa trong một đời tu hành có hướng khổ hạnh và ẩn dật chứ không thiên về hoạt động giữa đời».

Và cuộc đời tu hành của thầy Dương ngay từ khi ấy đã được nội tâm hóa thành một thực tại thường hằng trong tâm khảm, kể cả những khi không còn được bao bọc trong bốn bức tường tu viện: «Từ giây phút ấy cho đến nay, dù cuộc sống bên ngoài của tôi có phải chung lộn với cảnh đời muôn vẻ… thì bên trong tâm hồn tôi, vẫn là một tu viện vô hình, nơi tôi hiến dâng bản thân cho một mình Chúa dưới sự bảo vệ đùm bọc chở che của Đức Mẹ Maria mà thôi: không rào ngăn, không lời khấn, nhưng vẫn gắn bó keo sơn, có lúc chặt, có lúc lơi, nhưng không bao giờ dứt hẳn».

Xuất gia đi tu

Kể từ ngày tĩnh tâm tại dòng Phanxicô năm ấy, 1949, ý tưởng dâng mình vào nhà Chúa càng ngày càng trở nên kiên định trong lòng và thầy chọn cuộc đời tu sĩ dòng Phanxicô, vì lúc ấy tại Vinh không có dòng nào khác, và cũng vì không muốn vào chủng viện để trở thành một linh mục triều. Thế là đầu năm 1949 người Kitô hữu tân tòng, xin phép cha mẹ cho rời gia đình để vào tu viện tại Vinh. Thế là đầu niên học 1950-1951 thầy được hội đồng nhà dòng chấp nhận vào tập viện. Lễ mặc áo dòng được tổ chức ngày 4-10 năm 1950. Để biểu lộ sự chấp thuận, ông bà cụ thân sinh đã cho một người em trai của tu sinh đến nhà dòng dự lễ. Sau khi khấn tạm tại Vinh, thầy được đưa vào tu học tại Nha Trang, nơi có viện Triết và Thần học của dòng.

Trong thời gian ở tập viện, thầy có dịp đọc cuốn “Câu chuyện một Tâm hồn” của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng. Cuốn này và những tác phẩm của thánh Gioan Thánh Giá và thánh nữ Têrêxa Avila đã hấp dẫn thầy rất mạnh, khiến thầy nẩy sinh ý muốn đi theo con đường chiêm niệm và thần bí của dòng Cát Minh. Thầy cho biết: «Đọc Têrêxa Hài Đồng và Gioan Thánh Giá, tôi thấy một cái gì gần gũi, phù hợp với mối khao khát tận đáy lòng tôi đang hướng về một sự thần hiệp đơn độc với sự đơn độc, trong sự im lặng thầm kín». Khuynh hướng tu trì mà thầy Dương ham thích là độc tu tự do kiểu ẩn sĩ. «Hình như trong tôi có cái gì không hợp với những khuôn khổ, quy chế, lề luật, mực thước, gò bó, hệ thống, tổ chức».

Tu sĩ trong quân đội

Đang theo đuổi con đường tu trì theo linh đạo Phanxicô thì thầy bị gọi nhập ngũ. Thế là tháng 4-1954, tu sĩ Nguyễn Khắc Dương vào trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức để học tập quân sự 6 tháng. Sau đó, thầy được điều động lên Ban Mê Thuột với cấp bậc thiếu úy trừ bị phụ trách tiếp vận. Vì sức khỏe yếu và cũng vì là tu sĩ, thầy không phải ra chiến đấu mà làm việc ở văn phòng, và chỉ phải thi hành nghĩa vụ quân sự trong 2 năm, sau giải ngũ lại trở về tu viện. Dù sống đời quân ngũ, thầy vẫn trung thành với những bổn phận tâm linh của người tu hành: dự thánh lễ, cầu nguyện, đọc sách đạo đức, sống đời chứng nhân của Chúa Kitô trong môi trường quân ngũ…

Hai năm trôi qua cách bình thản, chỉ có một chuyện buồn xảy ra là thân phụ thầy bị đấu tố và kết án trong vụ cải cách ruộng đất ở miền Bắc, được ít lâu thì ông cụ từ trần vì sức khỏe rất yếu. Gia đình vì thế lâm vào cảnh cơ cực, vất vả. Với tâm hồn của một tu sĩ, thầy Dương dâng và phó thác tất cả chuyện gia đình cho Chúa, và không tỏ ra chút oán hận nào trước chén đắng gia đình phải trải qua.

Du học Pháp

Tháng 7-1956, được giải ngũ để trở về tu viện tiếp tục học thần học, thì tháng 9-1956, thầy được nhà dòng gửi sang Pháp để tu học tại một học viện của tỉnh dòng Phanxicô tại Paris. Bề trên dòng cũng muốn thầy đi du học để có điều kiện tìm hiểu linh đạo các dòng khác nữa. Thầy đến Pháp ngày 4-10-1956, đúng ngày lễ thánh Phanxicô. Tại đây thầy học lại triết học, là môn mà thầy rất thích và sở trường. Nhưng kể từ khi biết Chúa là nguồn mạch sự khôn ngoan và tri thức, thầy không còn đam mê học triết như trước nữa. Niềm đam mê mới của thầy là muốn sống đời «thần hiệp», kết hợp mật thiết với Chúa, như những vị thánh dòng Cát Minh (Gioan Thánh Giá, Têrêxa Avila và Têrêxa Hài Đồng v.v…).

Tại Pháp, thầy có dịp tìm hiểu và sống thử đường hướng tu ở các dòng khác, nhưng cuối cùng không dòng nào thích hợp với thầy. Những dòng thích hợp với tâm hồn thì lại không thích hợp với thể chất yếu đuối của thầy. «Đối với tôi, tất cả đều vô nghĩa, không có tác dụng gì cả! Ngay đến việc ghi danh học triết học tại Paris (cái giấc mộng lớn nhất của tôi năm tôi học triết trường Khải Định) nay ở trong tầm tay, tôi cũng không màng. Giữa thành phố Paris với những lâu đài tráng lệ, với bao cơ sở văn hóa lừng danh, tôi chỉ thấy: “toàn là phù du và phù du”, “Vanitas vanitatis vanitatum”. Quyết định đầu tiên của tôi là trở về Việt Nam ngay tức khắc». Nhưng cuối cùng thầy đành nghe lời khuyên của linh mục Nguyễn Bình An, cùng dòng Phanxicô: ở lại Paris mấy năm để lấy cho xong bằng cử nhân triết học tại đại học Sorbonne hầu có thể giúp ích cho bản thân và đất nước, sau đó sẽ trở về Việt Nam. «Tôi hình dung trở về Việt Nam sẽ xin ở lại dòng Phanxicô với tư cách là cư sĩ (oblat) hoặc ở giúp tại nhà xứ của một linh mục thuộc địa phận Vinh nào đó; miễn sao được ở dưới cùng một mái nhà với Mình Máu Thánh Chúa là lý tưởng, còn thì làm gì cũng được. Đối với tôi, đời sống âm thầm cầu nguyện lặng lẽ như Têrêxa Hài Đồng vốn là niềm ước mơ trọn vẹn nhất».

Nhưng thầy Dương lại có khuynh hướng dị ứng với lề luật. Vào những dòng mà thầy thấy hợp, thầy lại không đủ sức khỏe để sống ở đấy. Cuối cùng sau 15 năm sống đời tu trì, thầy nhận ra Chúa muốn thầy sống giữa đời với tư cách một cư sĩ làm chứng cho tình yêu của Chúa và hiến thân trọn vẹn choi Ngài mà không mang danh hiệu tu sĩ dòng này hay dòng kia.

n sĩ giữa đời

Về miền Nam Việt Nam cuối năm 1965, thầy nhận dạy triết học chương trình Pháp tại trường các nữ tu dòng Phaolô ở Sàigòn. Đầu năm 1966, thầy được linh mục Nguyễn Văn Lập, Viện trưởng Đại Học Đà-Lạt, mời dạy Triết. Là giáo sư đại học, nhưng thầy xác định «Đại học Đà-Lạt gần như chỉ là chỗ tôi tạm dung thân chứ lòng tôi chẳng hề dính bén về mặt danh lợi và tình. Cuộc sống của tôi có chăng như là một ký túc viên cao cấp: chẳng sắm sửa gì, chẳng có ý định gây dựng gì cả. Ai giao việc gì thì làm việc nấy, lương bổng đưa bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, tiêu bấy nhiêu. Ai cần thì cho mượn, có thì trả, không cũng chẳng đòi (nhất là một số sinh viên nghèo), chẳng dành dụm gì cả. Có khi còn phải vay mượn thêm để cho những ai cần, túng tìm đến. Tôi cũng không chủ trương giúp đỡ ai lâu dài, vì không muốn ràng buộc ơn nghĩa với ai».

Cung cách làm giáo sư đại học của thầy rất đặc biệt. «Giữa hàng ngũ sinh viên, tôi như một người anh cả hơn là một vị giáo sư, do đó tương quan rất gần gũi, thân mật, rất đậm tình người. Sinh viên vào phòng tôi trọ đêm, hay ngược lại tôi ngủ tại phòng trọ của họ là thường. Ngoài giờ học, thầy trò quây quần quanh quán phở, cà phê cũng là thường, không tổ chức thường xuyên, nhưng tôi cố gắng thực hiện cái cung cách của con người cùng với anh em trẻ đi tìm Chân Lý, như tôi học được nơi các thầy ở Sorbonne, chứ giáo trình của tôi thì cũng xoàng thôi. Tôi quan niệm rằng: không ai dạy triết cho ai, không có ai học triết với ai được cả! Chỉ là kẻ trước người sau trên đường đi tìm triết lý cho mình, do mình».

Sau đó thầy được cử làm Trưởng Ban Triết học và Quyền Khoa Trưởng Khoa Văn. Dầu vậy, thầy vẫn luôn «có tâm tư của kẻ lữ hành giữa những kẻ cùng lữ hành, như chưa tìm đâu là chỗ ở, việc làm của mình cả, và cứ như kẻ nghĩ rằng ngày nào đó mình lại nhổ lều đi cắm nơi khác».

Đời sống đạm bạc và phóng khoáng như vậy, nhưng thầy cảm thấy chẳng có gì đáng để tự hào. «Tôi không ham danh lợi chẳng qua vì bản tính tự nhiên không ham cái ấy, có lẽ rằng nếu không biết Chúa, tự nhiên tôi cũng thế mà thôi. Hơn nữa, tình hình bất ổn của xã hội càng làm tôi không dính bén, vì biết đó chẳng ra gì và cũng chẳng vững chắc gì: kinh nghiệm về danh lợi của thân phụ tôi đã làm tôi sáng mắt theo sự khôn ngoan triết lý tự nhiên, chứ chẳng phải theo tinh thần nghèo khó của Tin Mừng đâu! không phải là thật sự yêu người theo đúng nghĩa Tin Mừng đâu! chẳng có gì là hy sinh vì Chúa, vì anh em cả!…». «Thế nhưng, đây là sự kỳ diệu của Thiên Chúa. Chúa che mắt không cho ai thấy được sự thực như vậy cả! Cho nên đối với một số anh chị em, đời sống của tôi đã có tác động xây dựng, có thể như là gương sáng!!! Tạ ơn Chúa, nếu có anh chị em nào nhờ vậy mà thêm phần được ảnh hưởng tốt, thì hoàn toàn là việc Chúa làm, Chúa dùng cái bề ngoài của tôi mà giúp đỡ họ, chứ giá trị bên trong của tôi thì hoàn toàn chẳng có gì! Thế mà ôi khốn nạn cho tôi! Mặc dầu ý thức như vậy, đôi lúc tôi cũng đã để cho cái tự phụ rởm len lỏi vào tâm hồn, tự cho mình là tốt. Thỉnh thoảng lầm tưởng là mình có tinh thần nghèo khó, có lòng yêu người!!! Nghĩ lại mà xấu hổ!» Phải chăng thầy là một tâm hồn khiêm nhường đích thật!

Cuộc Rửa tội lần thứ hai

Thầy Dương đang làm giáo sư tại Đại học Đà-Lạt thì biến cố 1975 xảy đến. Đà-Lạt tiếp thu vào ngày 30-3-1975 trước Sàigòn đúng hai tháng. Thầy là giáo sư duy nhất (cùng với một phụ khảo có gia đình tại Đà-Lạt) ở lại, không di tản. Thầy được Đức Giám Mục Đà-Lạt chỉ định ở lại Viện đại học như thành phần của ban giám hiệu, bảo quản cơ sở vật chất... Chưa đầy một tháng sau, ngày 24-4-1975, thầy bị chính quyền bắt đi tập trung cải tạo 16 tháng tại trại Sông Mao (Bình Thuận) vì đã là cựu sĩ quan chế độ cũ… Thời gian 16 tháng này thầy cho là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa dành cho mình..

Khám phá ra những ảo tưởng về mình

«Bài học quý giá nhất là: trong trại cải tạo, chân tướng của bản thân tôi được lột trần ra nhờ sự việc dồn tôi vào một cái thế không thể nào che đậy được chân tướng ấy dưới bất cứ cái vỏ giả hiệu nào. Bao nhiêu ảo tưởng về chính mình nhờ vậy mà được dẹp sạch». Một hôm, một người bạn cùng cảnh tù tội với thầy bị sốt rất nặng. Thầy có mấy viên thuốc tifomycine cuối cùng để phòng bệnh. Thầy muốn cho, nhưng lại sợ đến khi mình cần thì không có. Thế là đêm hôm ấy, thầy phải phấn đấu, vật lộn với tính ích kỷ suốt cả đêm trường mới có thể đi đến quyết định nhường những viên thuốc cho người bạn khốn khổ ấy. Nhờ thử thách đó mà thầy nhận ra mình chưa thương người đúng như Chúa muốn, như thầy vẫn tưởng. Thầy viết: «Tôi rời trại học tập với bài học quý giá vô cùng là: mình chỉ là một đứa tồi, rất tồi, nếu không có Chúa nâng đỡ ban ơn thêm sức cho thì cái khả năng “bán Chúa” như Giuđa không phải là không có cơ xảy ra!»

Trong trại học tập, thầy nhận ra được con người thật của mình để nhờ đó cậy trông vào Chúa hơn, chứ không tự hào về chính mình. «Có thể nói năm 75-76 là thời gian tôi được ơn Rửa tội lần thứ hai».

Trong thời gian cải tạo, thầy có nhiều thì giờ để hồi tâm suy nghĩ về toàn bộ quãng đời đã qua, đặc biệt là chặng đời làm Kitô hữu và ơn gọi tu trì của mình. Thầy đã tự quyết định bỏ dòng Phanxicô, và một vài dòng đã thử sống. Bây giờ thầy tự hỏi: «Tôi đã đánh mất ơn gọi, hay tôi đã rõ ràng là không có ơn gọi tu trì mà vẫn ngoan cố đeo đuổi? Nhưng biết đâu Chúa gọi tôi theo một kiểu tu trì mới mà tôi phải dày công tìm kiếm!?»

Phải chăng thầy Nguyễn Khắc Dương đã khám phá ra một kiểu tu cho riêng mình mà hiện nay thầy đang theo đuổi: một kiểu tu không hình thức, không mang danh tính, không ai biết mình tu, «một kiểu “ẩn tu” ở giữa đời, “ẩn tu” trong chính lòng mình».

Đôi khi thầy cảm thấy hối hận vì đã không tận dụng ơn Chúa: «Năm 75 tôi như đứa con hoang đàng về nhà cha sau khi phung phá bao nhiêu của cải mà Chúa đã đặt vào tay tôi: vật chất có, trí tuệ có, thiêng liêng có, rồi trở về với hai bàn tay không theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng!»

Thầy cảm thấy trong việc sống đạo hay tu trì của thầy có những lợn cợn của ích kỷ: «Trong hai câu “Ai mệt nhọc hãy đến cùng Ta”, và “Ai theo Ta hãy vác thập giá mà theo Ta”, hình như tôi chỉ thật sự nghe câu thứ nhất, còn câu thứ hai chẳng khác nào lý thuyết xuông thôi! Quả vậy, tôi chỉ chạy đến với Chúa để tìm an ủi (dù là an ủi thiêng liêng thì cũng chỉ là quan niệm ủi cho mình), chứ tôi chưa hề tự nguyện nhỏ một giọt mồ hôi nào vì danh Chúa cả… Nói tóm lại, suốt 20 năm tôi vẫn tìm chính mình tôi dưới dạng này hay dạng khác, dù là đang tìm một con đường tu trì, chứ không phải là thật sự tinh tuyền tìm Chúa». «Cái tôi của mỗi người mỗi khác, nhưng giống nhau. Về việc đi tu,«Tôi đã đi tìm đời tu theo tinh thần «hiền triết», «đạo gia» ngoại giáo, tìm giải thoát khỏi mọi vấn vương hệ lụy «cho mình», chứ không có gì là hy sinh cho Giáo hội và tha nhân.. Ngày nay, càng suy gẫm tôi càng cảm nghĩ rằng cuối cùng Thiên Chúa đã xót thương từng bước giúp tôi thức tỉnh, thoát khỏi cơn mộng du tu trì kiểu «ngộ đạo» (agnosticisme) để nhận ra cái chân tướng phàm nhân củ mình»Thầy Dương tự xét rằng đã ôm ảo tưởng quá nhiều trong đời tu: «Tôi rơi vào chỗ hợm mình, tự đặt cho mình như có cái gì đặc biệt, khác người và hơn người!) Tôi nghĩ rằng mình… sẽ được Chúa đưa đi theo một con đường nên thánh đặc biệt. Vì thế, thay vì tuân giữ những gì chung cho tất cả nhà tập và học viện, tôi đã tự ý tò mò tìm đọc riêng rất nhiều sách dẫn đàng thiêng liêng, trong lúc trình độ thiêng liêng còn quá non nớt… Tôi đã ngấu nghiến đọc (thầy kể ra đây một lô tác giả tu đức) Tôi đã bội thực về mặt này. Tôi đã có những ước mơ thần hiệp quá sớm, quá vội, vượt quá sức mình, chạy theo những điều mình đã tự ngấu nghiến, không có người hướng dẫn. Có thể nói nơi tôi đã xảy ra hiện tượng gần như là “tẩu hỏa nhập ma”!»

Với biến cố 1975, thầy xem mình như rơi xuống đáy vực sâu, và cho rằng đó chính là thuốc Chúa dùng để cứu chữa mà «thuốc chữa là một sự khiêm nhường thật sự thâm sâu trong lòng. Và thuốc chữa ấy thường chỉ có Chúa mới đem lại được cho kẻ mắc phải bằng cách cho vấp ngã nặng nề, rơi vào tận đáy vực sâu để biết thân biết phận… Ơn ấy Chúa đã ban cho tôi với những sự cố xảy ra trong hai năm 75 và 76. Cho nên tôi gọi đó là “sự trở lại thứ hai” của tôi. Năm 75 cùng với năm 49 là hai năm “Đại hồng phúc” của đời tôi».

Thời gian đó, biết bao vấn đề thầy đã xét lại, để biết mình nhiều hơn, để tìm ra những gì còn khiếm khuyết, sai lầm trong cuộc đời quá khứ của mình. Nhờ đó, với cố gắng mỗi ngày cải thiện đời sống, thầy hy vọng sống một cuộc đời bình dị và thiết thực hơn; cuộc đời một tín hữu Đức Kitô giữa muôn vàn anh chị em tín hữu Đức Kitô.

Giờ đây năm 2005, thầy được đúng 80 tuổi, đang sống như một cư sĩ giữa đời, vẫn một mình một bóng, đời sống vật chất cũng như tinh thần đều hoàn toàn phó thác vào bàn tay quan phòng yêu thương của Thiên Chúa mà thầy đã cảm nghiệm được Tình yêu và lòng xót thương vô hạn trong Đức Giêsu Kitô.

TẠM KẾT

Để tóm lược tinh thần siêu thoát của cư sĩ Nguyễn Khắc Dương, tôi xin kết thúc với bài thơ do chính thầy dệt vần nói lên “SỞ NGUYỆN” của thầy, mong ước mình chỉ là một hành giả như người phận hèn đơn bạc “sống vô gia cư thác vô địa táng” để trở nên những mảnh bụi lót chân cho khách qua đường trên trần thế:

SỞ NGUYỆN

Hành giả dừng chân tạm vỉa hè,
Tấm thân đất chở với trời che.
Cảm người bươn chải vòng cơm áo,
Thương kẻ bôn ba nhịp ngựa xe.
Trần sắc mười phương đau đớn thấy,
Thế âm bốn cõi xót xa nghe.
Bao giờ cát bụi hoàn nguyên thể,
Nguyện lót êm chân khách vỉa hè.
(Nguyễn Khắc Dương)



TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________