4.9.09

Đức Gioan-Phaolô II,
vị giáo hoàng của đại kết

Nguyễn Chính Kết


Những gì Đức Gioan-Phaolô II đã làm cho Giáo Hội Công giáo và quê hương Ba Lan của ngài, thì rất nổi bật, và đã có rất nhiều người nói và viết đến. Riêng tôi, tôi thường nghĩ đến những gì ngài đã làm cho cả thế giới, cả nhân loại. Đối với tôi, một vị giáo hoàng vĩ đại không chỉ là người của Giáo Hội mà còn phải là người của cả thế giới, cả nhân loại, đặc biệt phải là người của chân lý, công lý và tình thương phổ quát. Vì thế, khi nói đến sự vĩ đại của Đức Gioan-Phaolô II, tôi nghĩ ngay đến những gì ngài đã làm cho cả thế giới, đã phục vụ cho cả nhân loại, chứ không chỉ cho riêng Giáo Hội Công giáo.

Đức Gioan-Phaolô II, vị giáo hoàng của đại kết

Một trong những khía cạnh mang tính phổ quát ấy của ngài là nỗ lực tạo đoàn kết, thúc đẩy tinh thần cộng tác, yêu thương giữa các tôn giáo, các quốc gia trên thế giới. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài này, tôi chỉ nói tới tinh thần đại kết của Ngài. Ngài xứng đáng được gọi là vị giáo hoàng của đại kết, vì một trong những mối quan tâm rất lớn trong cuộc đời giáo hoàng của Ngài là làm sao hiệp nhất các giáo phái Kitô hữu lại. Không chỉ hiệp nhất các giáo phái Kitô hữu, ngài còn muốn liên kết với các tôn giáo khác trên thế giới để cùng xây dựng một thế giới công bằng, yêu thương, để từ đó nhân loại được hòa bình, hạnh phúc. Hòa bình của thế giới chỉ có thể thực hiện được trên nền tảng công bằng, yêu thương và đoàn kết, không chỉ giữa các cá nhân, mà giữa các đoàn thể, các tôn giáo và các quốc gia. Nền tảng này đã có sẵn trong giáo thuyết Kitô giáo, và điều quan trọng là phải phổ biến và đem ra áp dụng.

Các giáo phái Kitô hữu phải yêu thương đoàn kết với nhau

Kitô giáo là tôn giáo của yêu thương, vì Đức Giêsu, Đấng sáng lập Kitô giáo, chỉ đưa ra một giới răn duy nhất là yêu thương nhau: «Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 15,12; x.13,34; 15,17). Chính Ngài đã sống trọn vẹn và là mẫu gương hoàn hảo của tinh thần yêu thương ấy suốt cuộc đời Ngài. Theo thánh Phaolô, toàn bộ lề luật của Đức Giêsu chỉ là yêu thương nhau: «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gl 5,14), đến nỗi «ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật» của Ngài rồi (Rm 13,8.10).

Đức Giêsu muốn việc yêu thương nhau ấy phải được coi là đặc trưng hay bản chất của tất cả những ai theo Ngài, những ai làm môn đệ Ngài: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,35). Điều đó có nghĩa: những ai đã là môn đệ Ngài thì tất nhiên họ yêu thương nhau; cũng có thể nói cách quảng diễn: hễ ai yêu thương nhau chân thực thì họ chính là môn đệ Ngài, và những ai không yêu thương nhau thì họ không phải là môn đệ Ngài cho dù họ có chính thức mang danh là môn đệ Ngài đi chăng nữa. Môn đệ Ngài từ trong bản chất, từ trong đáy lòng mới là môn đệ đích thực, chứ chỉ là môn đệ trên danh nghĩa thì không phải là môn đệ đích thực của Ngài (x. Rm 2,28-29).

Không chỉ Kitô giáo mà các tôn giáo khác cũng đều dạy con người phải yêu thương nhau. Có biết bao cá nhân Kitô hữu đã thực hiện được bản chất cốt yếu nhất của người môn đệ Ngài. Và cũng có những đoàn thể Kitô hữu đã yêu thương và hy sinh hỗ trợ cho những đoàn thể khác với tư cách tập thể. Các cá nhân yêu thương nhau tuy khó nhưng còn khá dễ, các tập thể yêu thương nhau thì khó hơn. Nhưng các tôn giáo, các quốc gia mà yêu thương nhau, đoàn kết, cộng tác và hy sinh cho nhau thì khó hơn rất nhiều.

Các tôn giáo phải làm gương cho thế giới về tinh thần yêu thương nhau

Tôn giáo nào cũng dạy tín đồ mình yêu thương nhau, nhưng thực tế cho thấy chính các tôn giáo lại không yêu thương nhau bao nhiêu, không đoàn kết với nhau cho lắm. Các tôn giáo, ngay cả các giáo phái trong cùng một tôn giáo, đã từng nói xấu nhau, hận thù nhau, tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, thậm chí chiến tranh với nhau. Và những cuộc chiến tranh tôn giáo cũng đẫm máu, cũng tàn ác, bỉ ổi, dã man không kém bất kỳ một cuộc chiến tranh nào. Tín đồ của bên nào chết trong trận chiến cũng được tôn phong là tử đạo!?

Các tôn giáo – là những tập thể dạy các tín đồ yêu thương đoàn kết với nhau – mà không yêu thương đoàn kết với nhau được, không là gương mẫu về chuyện này, thì các quốc gia, các dân tộc làm sao yêu thương nhau được? Các tôn giáo có yêu thương và đoàn kết với nhau được thì mới hy vọng các quốc gia, các dân tộc yêu thương nhau, một điều kiện để có hòa bình đích thực. Các tôn giáo cứ dạy các dân tộc, các quốc gia yêu thương đoàn kết, mà chính mình không làm được điều đó, thì như vậy mình đã chứng tỏ điều mình dạy là không thực tế! Và mình cũng chỉ là những kẻ «nói mà không làm» (Mt 23,3) y hệt những người Pharisêu ngày xưa!

Chiếu theo câu «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,35), thì việc các giáo phái cùng nhận mình là môn đệ Chúa Giêsu mà nói xấu nhau, thù hằn nhau, chiến tranh với nhau, chỉ chứng tỏ một điều là các giáo phái ấy – với tư cách tập thể – chưa phải là những môn đệ đích thực của Ngài. Giáo phái nào cũng hãnh diện xưng mình là môn đệ Ngài mà vẫn không coi các giáo phái cùng xưng danh như vậy là đồng đạo, là anh em, và không yêu thương nhau được, thì đúng là một gương xấu trước thế giới, và chỉ làm hổ danh Chúa Giêsu thôi!

Giáo Hội Công giáo phải đi bước đầu trong việc đại kết

Vì thế, Đức Gioan-Phaolô II, với tư cách là giáo chủ của một tôn giáo lấy yêu thương làm bản chất của mình, đã muốn Giáo Hội Công giáo phải làm gương trước hết về tinh thần yêu thương đoàn kết này. Và điều đầu tiên phải làm trong hướng này là làm sao hiệp nhất các giáo phái Kitô hữu trên thế giới. Hiệp nhất các giáo phái – cùng theo Đức Giêsu, cùng lấy tinh thần yêu thương nhau làm bản chất của mình – là chuyện tương đối dễ hơn việc đoàn kết các tôn giáo khác, hoặc đoàn kết các quốc gia. Chuyện dễ làm chưa xong mà đã đòi làm chuyện khó thì khác gì chưa biết đi mà đã đòi chạy?

Hiệp nhất tất cả các tập thể cùng theo Đức Kitô, để tất cả trở nên một khối duy nhất, chính là điều mà Đức Giêsu, Đấng sáng lập Kitô giáo, mong ước nhất: «Ut sint unum = để họ nên một» (Ga 17,11.21.22.23). Đúng ra, các giáo phái của một tôn giáo lấy yêu thương làm cốt tủy của mình như Kitô giáo, thì đã phải hiệp nhất với nhau ngay từ đầu, và nếu có chia rẽ thì phải hiệp nhất lại với nhau rất sớm mới đúng. Nhưng trong lịch sử, Kitô giáo đã bị phân hóa thành rất nhiều giáo phái khác nhau. Không chỉ khác nhau mà còn kình địch, thù hằn nhau nữa. Mặc dù đã có những nỗ lực hiệp nhất lại, nhưng xem ra sự hiệp nhất vẫn còn khá xa vời.

Đức Gioan-Phaolô II nhìn nhận lầm lỗi của Giáo Hội

Việc chia rẽ thành nhiều giáo phái trong Giáo Hội, vốn duy nhất ngay từ đầu, là lỗi tại ai? Ở đây tôi không có thẩm quyền quy kết lỗi cho ai, nhưng tôi thấy Đức Gioan-Phaolô II là người đã nhận ra chính Giáo Hội Công giáo đã có ít nhất một phần nào lỗi lầm trong việc gây ra những chia rẽ ấy trong lịch sử. Vì thế với thái độ khiêm nhường sám hối, nhìn nhận phần tội lỗi mình đã phạm – theo tinh thần kinh cáo mình mà mọi người Công giáo đều đọc trước mỗi thánh lễ – Đức Gioan-Phaolô II đã công khai nhìn nhận phần lỗi lầm của Giáo Hội Công giáo. Ngài thật sự nhìn nhận Giáo Hội công giáo đã ít nhiều «phá hỏng sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn có nơi Dân Ngài» ( Tông thư Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba, số 34), bất chấp những phản đối khá quyết liệt của nhiều giáo sĩ cao cấp dưới quyền ngài. Ngoài lầm lỗi vừa nêu, Ngài còn kêu gọi toàn Giáo Hội hãy sám hối về nhiều lầm lỗi khác nữa của mình.

Chính thái độ khiêm nhường này của Đức Gioan-Phaolô II đã làm cho cả thế giới nể phục, làm các giáo phái Kitô hữu gần lại với nhau hơn, và sự hiệp nhất vì thế đã được các giáo phái Kitô hữu khác quan tâm hơn. Mình có lỗi, dù ít hay nhiều, mà lại cố tìm cách tránh né, phủ nhận, không chấp nhận lỗi về phía mình chút nào, hoặc tìm cách đổ lỗi cho người khác, hành động đó không làm mình trở nên vô tội, mà chỉ chứng tỏ mình thiếu khiêm nhường, thiếu phục thiện và kém trưởng thành. Hành động như thế chỉ làm giảm tư cách của mình và làm cho những người chung quanh bớt kính phục.

Nói chung tâm lý con người là: khi ta nhận lỗi về phía mình, thì kẻ đang kết án ta sẽ khựng lại, không còn kết án ta nữa, mà có khuynh hướng xét lại chính bản thân họ, để rồi nhờ đó họ cũng nhận ra phần nào lỗi lầm về phía họ. Còn khi ta phủ nhận lỗi mình, chỉ biết kết án người khác, thì người bị kết án sẽ tự vệ bằng cách phủ nhận lỗi về phía họ và quay lại kết án ta. Thiết tưởng đây là tâm lý chung của mọi người mà ai cũng đều đã kinh nghiệm. Vì thế, khi Đức Gioan-Phaolô II tự nhìn nhận lầm lỗi về phía mình, thì tác dụng như trên cũng sẽ xảy ra. Chỉ có những kẻ thiếu lương tri và kém thành thật mới dựa vào sự nhận lỗi của kẻ khác để kết án mà không hề xét lại bản thân mình.

Tuy nhiên, tôi không hề nghĩ rằng việc nhận lỗi về phía Giáo Hội của Đức Gioan-Phaolô II là một chiến thuật có mục đích làm cho các giáo phái khác nhận lỗi. Hoàn toàn không phải như vậy. Nếu làm như vậy thì điều đó là giả hình. Tôi nghĩ chính ngài đã thật sự nhận ra phần lỗi lầm của Giáo Hội Công giáo trong quá khứ. Và tôi vô cùng khâm phục thái độ này của ngài. Điều ngài làm không hề làm giảm giá trị Giáo Hội Công giáo trước mặt Thiên Chúa và nhân loại, mà chỉ làm gia tăng giá trị của Giáo Hội lên.

Khiêm nhường nhận lỗi là một hành vi đẹp lòng Thiên Chúa

Con người, dù là bậc thánh, là cá nhân hay tập thể, đều có thể sai lỗi. Tục ngữ latinh có câu «Errare humanum est» (sai lỗi là bản chất của con người), nên sai lỗi dù lớn tới đâu cũng không phải là chuyện gì vượt khỏi bản chất con người. Sự thánh thiện không nhất thiết đòi hỏi một quá khứ vô tội. Thật thế, có những người đã phạm những lỗi tầy trời mà vẫn trở nên thánh, chẳng hạn như Augustinô, trong Kinh Thánh có Maria Mađalêna, có người trộm lành. Trái lại, có biết bao người cả đời chẳng phạm một lầm lỗi nào lớn, nhưng chẳng thánh thiện gì cho lắm! Trước mặt Thiên Chúa, điều quan trọng và tối cần để nên thánh là phải đủ khiêm nhường và thẳng thắn nhìn nhận lỗi mình và quyết tâm sửa đổi.

Đọc Tin Mừng – những đoạn như dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18,9-14), người con hoang đàng trở về với cha mình (Lc 15,11-32), người trộm lành cùng chịu đóng đinh bên cạnh Chúa (Lc 23,29-43) – và suy nghĩ về việc sa ngã của thiên thần Lucifer… tôi nhận thấy một số nghịch lý rất thực tế sau đây. Thiết tưởng những nghịch lý này người Kitô hữu cần nắm thật vững.

– Tội lỗi đã phạm dù tầy trời đến đâu cũng không quan trọng bằng tinh thần khiêm nhường thống hối phải có. Sự khiêm nhường và thực tình thống hối có khả năng phủ lấp biết bao tội lỗi, khiến cho tội lỗi đã phạm có khả năng được xóa sạch, và người tội lỗi lập tức trở nên công chính. Người thu thuế và người trộm lành được kể là người công chính ngay khi họ nhìn nhận lỗi lầm của mình và hối hận, khiêm nhường xin Chúa tha thứ. Thánh Phêrô viết: «Lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi» (1Pr 4,8). Lòng yêu thương ở đây phải hiểu là tình thương đích thực, bao hàm lòng khiêm nhường đích thực. Đối với người khiêm nhường, có lòng yêu thương, thì dường như Thiên Chúa chỉ nhìn thấy tấm lòng khiêm nhường yêu thương của họ, chứ không còn thấy tội lỗi của họ nữa.

– Sự trong sạch, các nhân đức dù to tát, việc giữ luật Chúa dù công phu hoàn hảo đến đâu cũng không bù đắp được lòng tự kiêu, tự mãn, khinh chê người khác. Chỉ một chút kiêu ngạo là đủ để biến tất cả những gì tốt đẹp trở thành con số không to tướng trước mặt Thiên Chúa. Thật vậy, có ai thánh thiện và tốt lành hơn Tổng Lãnh Thiên Thần Lucifer? Thế mà chỉ vì kiêu căng, tự mãn, ông đã trở thành thủ lãnh của tối tăm! Trong dụ ngôn Lc 18,9-14, người Pharisêu chắc chắn làm được nhiều việc tốt hơn người thu thuế, nhưng lòng tự hào của anh đã biến những việc tốt lành ấy mất hoàn toàn giá trị của chúng. Vì thế, đối với người kiêu ngạo, dường như Thiên Chúa chỉ nhìn thấy tính kiêu ngạo của họ chứ không còn thấy những điều tốt lành của họ nữa.

Về sự khiêm nhường và kiêu ngạo, một danh nhân nói: «Khiêm nhường bao nhiêu đều không đủ, chỉ chút kiêu ngạo cũng quá nhiều!». Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô I (1912-1978) cũng viết: «Trên thiên đàng không thiếu những phần thu đĩ điếm, nhưng không có kẻ kiêu ngạo. Dưới hỏa ngục có cả những hồng y giám mục, nhưng không có người khiêm nhường». Trong chiều hướng đó, tôi rất cảm phục Đức Gioan-Phaolô II về thái độ khiêm nhường trong tư cách đại diện Giáo Hội của ngài, và tôi cũng cảm thấy đó là một thái độ thức thời mà Giáo Hội cần phát huy trong thế giới hôm nay. Những lầm lỗi mà ngài nhìn nhận không phải là những lầm lỗi do ngài gây ra, mà do một số lãnh đạo Giáo Hội từ những thế kỷ trước gây ra.

Đối với những lầm lỗi này, thái độ của Giáo Hội trong nhiều thế kỷ trước đó thường là phủ nhận, cho rằng những kẻ kết án Giáo Hội đã đặt điều bịa chuyện. Nếu không phủ nhận thì cũng tìm cách bào chữa, “thanh minh thanh nga” để lầm lỗi của mình được thông cảm, được coi nhẹ đi, chứ không can đảm và thẳng thắn nhìn nhận lỗi của mình. Sự phủ nhận đó khiến cho những người am hiểu lịch sử không nể phục Giáo Hội. Nhưng với hành động khiêm nhường nhận lỗi cho cả Giáo Hội, Đức Gioan-Phaolô II đã biến Giáo Hội thành một Giáo Hội khiêm nhường, thống hối. Điều này có giá trị trước mặt Thiên Chúa hơn tất cả những gì Giáo Hội có thể làm và đã làm. Và Giáo Hội nên giữ mãi thái độ này trước mặt Thiên Chúa và nhân loại.

Việc thống nhất đức tin để đi đến hiệp nhất

Công cuộc hiệp nhất các giáo phái Kitô hữu còn đang tiến hành, thì Đức Gioan-Phaolô II đã được Chúa gọi về, để lại công cuộc ấy lại cho Giáo Hội tiếp tục tiến hành. Và công cuộc này phải được các thành phần trong Giáo Hội góp phần thực hiện. Là một người rất tâm đắc với công cuộc này của Đức Gioan-Phaolô II, tôi có những suy nghĩ riêng của mình về công cuộc này. Trong tinh thần tự do đóng góp ý kiến của con cái Chúa, tôi xin trình bày ý tưởng của mình để góp phần làm sáng tỏ vấn đề hơn một chút.

Hiện nay, một trong những khó khăn nhất trong việc hiệp nhất các giáo phái Kitô hữu là sự thống nhất đức tin. Nhưng thử nhìn lại quá khứ lịch sử của Giáo Hội xem, chính vì muốn thống nhất đức tin trong từng chi tiết mà nhiều người đã phải rời bỏ Giáo Hội để lập nên những giáo phái khác. Một trong những nguyên nhân khá rõ ràng và chắc chắn của sự chia rẽ trong Giáo Hội chính là chủ trương thống nhất đức tin trong từng chi tiết. Thật vậy, cứ mỗi lần Giáo Hội đưa ra thêm một tín điều để định tín thêm một chi tiết đức tin thì thường phát sinh thêm một giáo phái mới tách rời khỏi Giáo Hội chỉ vì họ không thể chấp nhận việc định tín ấy. Nếu đó là một nguyên nhân gây ra chia rẽ, thì liệu chúng ta có thể dùng nguyên nhân ấy để tạo nên hiệp nhất trong tương lai không? Câu trả lời chắc chắn là không. Vì thế, để hiệp nhất Kitô giáo, thiết tưởng Giáo Hội không nên đặt nặng vấn đề thống nhất đức tin trong cả những chi tiết.

Không nhất thiết phải thống nhất đức tin trong từng chi tiết

Khởi đầu, khi Giáo Hội còn là một Giáo Hội duy nhất thì chỉ có một bản tuyên tín của các tông đồ gồm 12 điều mà chúng ta vẫn đọc trong kinh tin kính. Đó là 12 điều phải tin – còn gọi là lược đồ rao giảng (kérygma) – mà các tông đồ đã thống nhất với nhau trước khi chia tay mỗi người một phương để đi loan báo Tin Mừng khắp thế giới, và để Giáo Hội phát sinh khắp nơi trên thế giới sau này có thể thống nhất đức tin theo 12 điều ấy. Thiết tưởng tất cả các giáo phái Kitô hữu hiện nay đều có thể thống nhất đức tin bằng 12 điều này. Vì nếu không chấp nhận 12 điều này thì không còn là Kitô hữu nữa. Và đây chính là cơ sở bảo đảm nhất để các giáo phái Kitô hữu có thể hiệp nhất với nhau.

Nhưng Giáo Hội Công giáo lại muốn thống nhất đức tin toàn Giáo Hội bằng rất nhiều tín điều khác nữa. Số tín điều tăng lên tỷ lệ thuận với thời gian của lịch sử Giáo Hội. Cứ nhìn cuốn Enchiridion Symbolorum dầy cộm cả 5,6 trăm trang gồm các tín điều và các định nghĩa của đức tin Công giáo (Symboles et Définitions de la Foi Catholique) do HEINRICH DENZINGER thu thập từ các công đồng chung và từ các giáo hoàng suốt 2000 năm nay thì thấy các tín điều nhiều đến thế nào. Phải đến hàng ngàn tín điều. Và các tín điều thường được viết theo công thức: «Si aliquis… anathema sit» (= Si quelqu’un…, qu’il soit anathème, = Nếu ai…, thì người ấy bị vạ tuyệt thông) ( [1]). Những chữ này như những nhát dao cắt lìa khỏi Giáo Hội những ai không đồng ý với bất kỳ điều nào trong những chi tiết đức tin ấy. Và hệ quả là vô số Kitô hữu đã bị tách rời khỏi Giáo Hội để trở thành những giáo phái Kitô hữu khác.

Nay muốn hiệp nhất các giáo phái Kitô hữu mà đòi hỏi họ phải chấp nhận hàng ngàn điều – mà trong quá khứ họ đã không chấp nhận – được thêm vào 12 điều căn bản ấy thì quả là điều không tưởng. Cả một đám đông người có thể cùng đồng ý với nhau một điều nào đó dễ dàng. Nhưng nếu buộc đám đông phải đồng ý 2 điều thì sẽ khó hơn. Với 10 điều thì càng khó nữa. Với 100 điều,1000 điều thì khó vô cùng. Cũng vậy,1 người có thể đồng ý với 1000 điều nào đó. Nhưng kiếm được 2 người cùng đồng ý 1000 điều ấy thì khó hơn. Với 10 người,100 người càng khó nữa. Và với 1000 người thì khó lắm. Vì thế, để thống nhất, thì càng có ít điều buộc mọi người phải đồng ý thì sự thống nhất càng dễ, càng có nhiều điều phải đồng ý thì sự thống nhất càng khó.

Thống nhất đức tin bằng 12 điều căn bản trong kinh Tin Kính

Thiết tưởng để hiệp nhất các giáo phái Kitô hữu, nên dùng nguyên tắc mà thánh Augustinô đã đề ra: «In necessariis unitas, in dubiis libertas, in omnibus caritas» (những gì biết chắc chắn thì nên thống nhất, những gì còn nghi ngờ thì nên cho tự do, và trong tất cả mọi sự thì phải yêu thương nhau) ( [2]). Chúng ta nên dựa vào Thánh Kinh và lịch sử để xác định những gì thật sự chắc chắn. Điều chắc chắn nhất là phải tin vào Đức Giêsu: «Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án» (Mc 16,16); «Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ» (Cv 16,31); «Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ» (Rm 10,9).

Còn tin những gì thì các tông đồ đã đưa ra 12 điều căn bản mà tất cả mọi giáo phái Kitô hữu đều chấp nhận. Đó là những chân lý căn bản và cần thiết nhất mà tất cả các giáo phái đều có thể thống nhất với nhau. Mục đích của các tông đồ khi đưa ra 12 điều này chính là để thống nhất đức tin cho toàn Giáo Hội ở khắp nơi. Đã có tiêu chuẩn để thống nhất rồi, tại sao chúng ta lại không sử dụng? Những gì mà mỗi giáo phái thêm vào để buộc các tín hữu của mình phải tin thì đối với các tín đồ của riêng giáo phái ấy là điều chắc chắn ( [3]); nhưng đối với tín đồ các giáo phái khác lại là những gì mà họ nghi ngờ. Vì thế, để hiệp nhất các giáo phái lại thành một thì phải để cho tự do trong những điều còn nghi ngờ ấy. Và điều quan trọng cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất là mọi giáo phái Kitô hữu phải yêu thương đoàn kết với nhau như Đức Giêsu đã truyền dạy: «Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 15,12; x.13,34; 15,17); «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,35). Không thể vì sự khác biệt trong chi tiết đức tin mà đánh mất tinh thần yêu thương đoàn kết này. Tinh thần yêu thương đoàn kết này phải đặt nặng hơn hàng ngàn lần việc thống nhất đức tin trong từng chi tiết.

Phẩm chất đức tin quan trọng hơn số lượng những điều phải tin

Nguyên tắc «Quí hồ tinh, bất quí hồ đa», coi phẩm chất quan trọng hơn số lượng, là một nguyên tắc hết sức đúng đắn. Điều quan trọng để được cứu rỗi thiết tưởng là phẩm chất của đức tin chứ không phải là số lượng những điều phải tin. Thú thật với mọi người rằng 12 điều căn bản mà các tông đồ buộc phải tin đã là quá nhiều đối với tôi. Vì đối với tôi, tin hiểu theo nghĩa tôn giáo là xác tín, dấn thân và sống thực điều mình tin. Nếu không như thế, thì mới chỉ là biết cách lý thuyết chứ chưa phải là tin. Niềm tin thật sự phải đem lại sức mạnh trong thực tế đời sống (x. Lc 17,6). Chưa sống điều mình tin, và điều mình tin chưa đem lại sức mạnh và hạnh phúc cho mình, thì chưa phải là tin. Tin mà không biến thành hành động thì chưa phải là tin đích thực. Thánh Giacôbê viết: «Đức tin không có hành động là đức tin chết» (Gc 2,17.26). Tin cả hàng ngàn điều mà chẳng có điều nào biến thành hành động, thì tin như thế có nghĩa lý gì? Người có «đức tin chết» và người không tin thì chẳng hơn nhau bao nhiêu.

Chỉ cần tin thật chắc chắn và sống thật triệt để một số điều trong 12 điều ấy là tôi đã thấy cuộc sống mình thay đổi hẳn, có nhiều sức mạnh, được bình và hạnh phúc lắm rồi! Và tôi chỉ có sức tin và áp dụng thật sự trong đời sống một số điều trong 12 điều ấy thôi. Tôi chưa thể tin thêm được nữa. Những điều khác đối với tôi mới chỉ là kiến thức, hiểu biết, chứ chưa phải là tin, vì tôi chưa thấy những điều ấy ảnh hưởng thật sự làm thay đổi đời sống của tôi. Nếu có ai bảo rằng như thế là tôi chưa phải là người công giáo và loại tôi ra khỏi Giáo Hội Công giáo thì tôi cũng đành chấp nhận vậy. Tôi không thể làm khác hơn được! Các bà nhà quê vô học chắc cũng chẳng tin được bao nhiêu điều so với những gì các nhà thần học chủ trương phải tin, nhưng tôi nghĩ rằng giữa các bà ấy và các thần học gia kia chưa chắc ai đã có đức tin sống động nhiều hơn ai!

Phân biệt đức tin và kiến thức về Thiên Chúa

Cần phân biệt và đừng lẫn lộn giữa đức tin vào Thiên Chúakiến thức hay lý thuyết về Thiên Chúa. Đức tin đích thực giúp người ta gần Thiên Chúa, cảm nghiệm được Thiên Chúa, từ đó khiến người ta gần gũi và yêu thương tha nhân. Sự khác nhau giữa hai điều ấy tương tự như một anh nông dân nọ ăn trái chuối thấy nó ngon, ngọt và cơ thể anh được khỏe mạnh hơn nhờ ăn trái chuối ấy. Anh ăn chuối rất nhiều lần và được bổ dưỡng biết bao nhiêu mà chẳng hề biết trái chuối bao gồm những chất gì trong ấy, ích lợi của chuối đối với cơ thể ra sao. Còn nhà khoa học nọ biết rất nhiều về các loại chuối, biết rõ tên từng chất trong trái chuối, tỷ lệ các chất ấy trong trái chuối thế nào, ích lợi của nó ra sao, nhưng ông chưa hề có dịp ăn hay nếm những trái chuối ấy bao giờ. Vì thế, ông chẳng bao giờ được hưởng một lợi ích nào từ chuối cả. Cũng vậy, đức tin đích thực về Thiên Chúa phải làm cho người ta thưởng nếm được Ngài, nhận được sức mạnh, sự bình an và hạnh phúc từ nơi Ngài. Tương tự như người nông dân trên cảm nghiệm được chất ngọt từ trái chuối thấm vào lưỡi, và được bổ dưỡng nhờ trái chuối. Còn kiến thức về Thiên Chúa chẳng làm người ta cảm nghiệm được Ngài, chẳng nhận được sức mạnh từ Ngài. Tương tự như nhà khoa học kia hiểu biết thật rõ về trái chuối mà chẳng hề ăn nó bao giờ, tuy biết nó ngọt nhưng chẳng cảm nghiệm được vị ngọt của nó từ lưỡi mình, tuy biết nó bổ dưỡng thế nào nhưng chẳng hề được nó bổ dưỡng bao giờ. Người ta có thể cãi nhau, bất đồng ý kiến với nhau về những kiến thức liên quan đến trái chuối, nhưng những người cùng ăn một loại chuối thì đều cảm nghiệm vị ngọt của chuối như nhau, và cùng được bổ dưỡng như nhau.

Nhiều người tưởng mình có đức tin vì chấp nhận là thật một số kiến thức nào đó về Thiên Chúa, tương tự như chấp nhận một số kiến thức khoa học nào đó là thật. Những kiến thức ấy không đi vào đời sống thực tế, không ảnh hưởng nhiều đến thái độ sống của họ, khiến họ sống chẳng có gì khác với người không tin. Đức tin ấy không làm cho đời sống tâm linh của họ phát triển và trở nên mạnh mẽ. Tin như thế chưa phải là đức tin, mà mới chỉ là kiến thức. Đức tin là cái gì được sống, còn kiến thức là cái gì được biết. Kiến thức về Thiên Chúa có được sống đích thực thì mới trở thành đức tin.

Kinh nghiệm cho tôi thấy: đức tin đích thực và đức ái đích thực có thể hiệp nhất con người lại với nhau. Nhưng lý thuyết về đức tin – tức các quan điểm thần học – thì thường chỉ làm người ta cãi lộn và chia rẽ nhau. Tranh luận để xem ai đúng ai sai về những kiến thức thì chỉ giống như hai nhà sư đánh lộn vì tranh nhau một cái lược: người dành được cái lược thì cũng chẳng biết dùng nó làm gì.

Vậy, để hiệp nhất các giáo phái Kitô hữu, chúng ta nên bằng lòng với số lượng tối thiểu những điều phải tin – là 12 điều trong kinh Tin Kính – mà tất cả các giáo phái có thể cùng đồng ý với nhau. Điều quan trọng chúng ta nên làm là củng cố phẩm chất của đức tin đã có nơi mọi Kitô hữu, hơn là gia tăng số lượng những điều phải tin. Chính đức tin có phẩm chất làm người ta kinh nghiệm thật sự về Thiên Chúa và gia tăng những kinh nghiệm ấy. Kinh nghiệm thêm về Thiên Chúa sẽ củng cố phẩm chất đức tin của họ. Đức tin có phẩm chất và kinh nghiệm thật sự về Thiên Chúa cho dù ít ỏi cũng ích lợi cho tâm linh con người gấp bội phần những kiến thức vô số về Thiên Chúa.

Hiệp nhất trong đa dạng

Như vậy, các giáo phái Kitô hữu đều có chung nhau một niềm tin căn bản. Tuy nhiên mỗi giáo phái vẫn còn có những điểm khác biệt nhau về chi tiết đức tin, về tổ chức nội bộ, về cơ cấu quyền bính, về lễ nghi, v.v… Sự khác biệt và đa dạng ấy phải được coi là điều tốt đẹp, hợp lý và tự nhiên, chứ không phải là một điều phi lý, khiếm khuyết hay đáng tiếc. Thật vậy, Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa Ba Ngôi, với ba ngôi vị đa dạng, khác biệt nhau, nhưng ba ngôi vẫn hiệp nhất với nhau thành một Thiên Chúa duy nhất. Thiên Chúa đa dạng và khác biệt ấy đã tạo dựng nên một vũ trụ cũng đầy khác biệt và đa dạng. Do đó, sự khác biệt và đa dạng ắt phải là điều tốt đẹp để vạn vật bổ túc cho nhau, cần lẫn nhau, và nhờ đó yêu thương hiệp nhất với nhau. Nhưng con người lại muốn biến đa dạng và khác biệt trong tự nhiên thành độc dạng và đồng dạng. Ai cũng bị cám dỗ ép buộc người khác phải giống mình, suy nghĩ như mình, chủ trương như mình. Chính ý muốn này đã gây nên chia rẽ, xung đột và chiến tranh khắp nơi. Sự khác biệt thay vì có tác dụng bổ túc lẫn nhau lại trở thành lý do để loại trừ và tiêu diệt lẫn nhau. Sự hiệp nhất nơi Ba Ngôi Thiên Chúa – mà chúng ta phải lấy làm gương mẫu – hoàn toàn không loại trừ sự khác biệt nhau, mà do tôn trọng sự khác biệt nhau. Theo đó, con người chỉ có thể hiệp nhất với nhau khi họ biết tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Các giáo phái Kitô hữu muốn hiệp nhất với nhau thành một khối duy nhất cũng phải tôn trọng sự khác biệt và đa dạng ấy. Đó là «hiệp nhất trong đa dạng» như công đồng Vatican II đã chủ trương. Nghĩa là trong khối duy nhất ấy vẫn phải có những đơn vị tập thể khác biệt nhau, nhưng đoàn kết yêu thương nhau như anh chị em cùng một gia đình. Trong một gia đình, anh chị em dù tính tình hay khuynh hướng khác nhau, nghề nghiệp, trình độ, tuổi tác khác nhau, tôn giáo, chính kiến khác nhau, v.v… nhưng vẫn có thể đoàn kết, hòa thuận, yêu thương, giúp đỡ, hy sinh cho nhau. Anh chị em càng tôn trọng sự khác biệt của nhau thì càng dễ hòa thuận yêu thương nhau. Anh chị em đang hòa thuận với nhau mà có ai muốn ép buộc người khác phải giống mình, phải theo lập trường của mình là lập tức sinh ra xung đột và chia rẽ. Yêu thương là chấp nhận khác biệt của nhau. Và yêu thương mới chính là yếu tố cần thiết của sự hiệp nhất, chứ không phải là sự đồng nhất. Khổng Tử nói: «Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa» (Quân tử hòa thuận với nhau dù không giống nhau, tiểu nhân tuy giống nhau nhưng vẫn không hòa thuận với nhau được).

***

Khi các giáo phái Kitô hữu đã hiệp nhất và đoàn kết yêu thương nhau, thì đó là dấu chứng mạnh nhất, là nền tảng vững chắc nhất để chúng ta có thể đến với các tôn giáo khác, để đoàn kết với họ xây dựng công lý và hòa bình cho nhân loại. Thiết tưởng đó là điều mà Đức Gioan-Phaolô II đã muốn thực hiện mà chưa xong, ngài mới chỉ hoàn thành những bước đầu căn bản và cần thiết. Điều ngài rất mong muốn trước khi về với Chúa là có nhiều người trong Giáo Hội góp phần tiếp nối công việc còn dang dở này. Không gì thể hiện lòng yêu mến ngài cho bằng noi gương ngài và tiếp tục sự nghiệp của ngài.

______________

Phần chú thích

(1) Dấu ba chấm “…” trong câu này thay cho một chi tiết không đúng với chủ trương đức tin của Giáo Hội. Xin trưng dẫn một vài câu điển hình trong cuốn Enchiridion Symbolorum của HEINRICH DENZINGER, chẳng hạn khoản 140 là một phần những điều được tuyên tín trong cộng đồng Sirmium (vào năm 351). Khoản này có 27 câu, sau đây chỉ là 10 câu đầu:

1. Những ai nói rằng Chúa Con xuất phát từ hư vô, hay từ một bản vị nào khác, mà không phải từ Thiên Chúa, rằng có một thời gian hay một giai đoạn Ngài không hiện hữu, thì Hội Thánh Công giáo coi họ như xa lạ với Hội Thánh (Ceux qui disent que le Fils vient du néant, ou d'une autre hypostase, et non de Dieu, qu'il fut un temps ou une durée où il n'était pas, la sainte Eglise catholique les tient pour étrangers à elle).

2. Chúng tôi nói lại lần nữa, nếu ai nói rằng Chúa Cha và Chúa Con là hai Thiên Chúa, người ấy bị vạ tuyệt thông (A nouveau nous disons, si quelqu'un dit que le Père et le Fils sont deux dieux, qu'il soit anathème)

3. Và nếu ai nói rằng Đức Kitô, Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa trước thời gian, nhưng không nhận rằng Ngài đã trợ giúp Thiên Chúa trong công việc tạo dựng vạn vật, người ấy bị vạ tuyệt thông (Et si quelqu'un dit que le Christ, comme Fils de Dieu, est Dieu avant tous les temps, mais ne confesse pas qu'il a aidé Dieu dans la création de toutes choses, qu'il soit anathème).

4. Nếu ai dám nói rằng Đức Maria hạ sinh (naitre) Đấng không-được-sinh-ra (non-engendré) hay hạ sinh một phần của Ngài, người ấy bị vạ tuyệt thông (Si quelqu'un ose dire que le non-engendré ou une partie de lui est né de Marie, qu'il soit anathème)

5. Nếu ai nói rằng Chúa Con có trước Đức Maria theo sự biết trước, chứ không nói Ngài được Chúa Cha sinh ra và ở bên Chúa Cha, và nhờ Ngài mà vạn vật được tạo thành, người ấy bị vạ tuyệt thông (Si quelqu'un dit que le Fils est avant Marie selon la prescience, et non qu'engendré du Père avant les siècles il est auprès de Dieu, et que par lui toutes choses ont été faites, qu'il soit anathème).

6. Nếu ai nói rằng bản thể của Thiên Chúa tăng thêm hay giảm đi, người ấy bị vạ tuyệt thông (Si quelqu'un dit que la substance de Dieu se dilate ou se contracte, qu'il soit anathème).

7. Nếu ai nói rằng bản thể của Thiên Chúa tăng thêm làm nên Chúa Con, hay gọi Chúa Con là sự tăng thêm của bản thể Chúa Cha, người ấy bị vạ tuyệt thông (Si quelqu'un dit que la substance de Dieu dilatée fait le Fils, ou appelle Fils la dilatation de sa substance, qu'il soit anathème).

8. Nếu ai gọi Con Thiên Chúa là Lời bên trong hay Lời phát ra, người ấy bị vạ tuyệt thông (Si quelqu'un appelle le Fils de Dieu Verbe intérieur ou proféré, qu'il soit anathème).

9. Nếu ai nói rằng con của Đức Maria chỉ là một con người, người ấy bị vạ tuyệt thông (Si quelqu'un dit que le fils de Marie est seulement un homme, qu'il soit anathème).

10. Khi gọi Đấng được sinh ra bởi Đức Maria là Thiên Chúa và là người, nếu ai từ đó hiểu rằng Ngài là Thiên Chúa không-được-sinh-ra, người ấy bị vạ tuyệt thông (Si quelqu'un, nommant celui qui est de Marie Dieu et homme, entend par là le Dieu non engendré, qu'il soit anathème).

(khoản 140 này còn 17 câu nữa).

(2) Trước đó, Rupertus Meldenius có viết: «In necesariis unitas, in non-necessariis libertas, in utrisque caritas» (Thống nhất trong những gì chắc chắn, tự do trong những gì không chắc chắn, và yêu thương trong cả hai điều ấy).

(3)Những gì được coi là chắc chắn trong phạm vi một giáo phái, thì giáo phái ấy có thể buộc riêng các tín đồ trong giáo phái mình phải tin. Nhưng để đi đến thống nhất, không thể áp đặt các giáo phái khác cũng phải chấp nhận cả những điều này.



TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________