4.9.09

Bảy ước mơ của tôi
về Giáo Hội trước thềm Năm Mới

Nguyễn Chính Kết


C
hẳng còn bao lâu nữa chúng ta sẽ bước sang năm Ất Dậu. Thời điểm đầu năm là thời điểm thuận lợi nhất để chúng ta nói lên những mơ ước của mình, đối với Giáo Hội cũng như xã hội. Đã gọi là mơ ước thì chúng có thể là những điều không thực hiện được. Nhưng quả thực, nếu không có những giấc mơ đi trước để định hướng cho những thực hiện theo sau, thì sẽ chẳng có gì tốt đẹp được thực hiện cả. Vì thế, chúng ta hãy cứ mơ trước đi đã. Mơ để được sống trong hy vọng, hy vọng những giấc mơ của mình thành hiện thực. Không có hy vọng, không có một viễn ảnh tốt đẹp cho tương lai, con người sẽ không có động lực để sống, để cố gắng, để xây dựng cho bản thân, cho Giáo Hội và xã hội.

Mơ là bước khởi đầu cần thiết để đi đến hiện thực

Ước mơ hầu như luôn luôn là bước khởi đầu để đi đến hiện thực, vì có mơ ước thì mới có một cái gì đó làm nhân khởi đầu, hay làm đích nhắm trong quá trình biến nó thành hiện thực. Những thành tựu lớn của nhân loại hiện nay đều khởi đầu từ những mơ ước, mang tính tưởng tượng hơn là thực tế. Quả thật, nhiều mơ ước đầy tính viển vông trong tiểu thuyết của Jules Verne nay đã thành hiện thực (xem ghi chú 1*). Việc lên cung trăng, lên sao Hỏa, điện thoại có cả hình ảnh, tivi mầu, máy vi tính, mạng Internet… không việc nào mà không khởi đầu từ một giấc mơ. Như vậy mơ là điều hết sức quan trọng, nhưng mơ lại là việc dễ làm nhất trong những bước đi đến hiện thực. Vậy thì tội gì mà không mơ? Hãy mơ cho nó đã trí tưởng tượng!

Muốn xã hội cũng như Giáo Hội tiến bộ và làm được những việc vĩ đại, thì việc trước tiên là phải , đồng thời nói lên mơ ước của mình. Trong chiều hướng đó, trước khi bước vào Năm Mới Ất Dậu, tôi muốn nói lên những ước mơ của mình về Giáo Hội. Và Giáo Hội tôi nói tới ở đây là Giáo Hội Việt Nam nhiều hơn là Giáo Hội nói chung.

Những ước mơ của tôi

1. Giáo Hội trở thành Nước Trời tại thế

Niềm ước mơ lớn nhất của tôi về Giáo Hội, đó là mơ Giáo Hội trở thành Nước Trời thật sự, một Nước Trời tại thế trước khi là một Nước Trời tại thiên.

Nước Trời luôn luôn là lý tưởng, là đích phải nhắm tới của mọi thể chế Giáo Hội cũng như xã hội. Nước Trời – hay Nước Thiên Chúa – là từ được dùng trong Tin Mừng để chỉ một xã hội toàn hảo, trong đó tất cả mọi người đều được hạnh phúc. Xã hội đó hạnh phúc và toàn hảo vì vị vua cai trị xã hội đó là một minh quân, đầy tình yêu, khôn ngoan, và quyền năng. Và vị vua của Nước Trời theo nghĩa viên mãn nhất là Thiên Chúa, hay Đức Kitô, Ngài chính là Tình Yêu, Khôn Ngoan, và Quyền Năng. Nhờ đó, tất cả mọi người trong xã hội ấy đều đối xử với nhau bằng tình thương, một cách cụ thể và thực tế. Vì tình thương luôn luôn được thể hiện mọi nơi mọi lúc, nên xã hội không còn tranh chấp, hận thù, mọi người đều sống trong an bình, từ trong tâm hồn ra đến ngoài xã hội.

Thánh Kinh đã mô tả tình trạng hết sức tốt đẹp đó của Nước Trời bằng những hình ảnh như: «Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, và sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này cũng như nước lấp đầy lòng biển» (Isaia 11,6-9). Tất cả những thế lực mà trước đây được quan niệm là ghen ghét, thù nghịch nhau, thì bấy giờ trở thành bạn hữu, yêu thương nhau, sống chung hòa bình với nhau. Trong xã hội lúc đó, tất cả những người ác độc không phải bị tiêu diệt cho bằng được tình thương biến đổi, cảm hóa thành hiền lành, thuận thảo. Chỉ có sự ác là bị tiêu diệt thôi. Còn nhiều đoạn khác trong Thánh Kinh, đặc biệt trong Isaia, cũng mô tả sự tốt đẹp, thái bình, hạnh phúc của Nước Trời (Xem Isaia 66,25; 29,18-20; 32,1.4-5; 35,5-10; 24,6-10;).

Tôi cũng mơ ước toàn thể thế giới biến thành Nước Trời, nhưng có lẽ Nước Trời chỉ được khơi mào từ Giáo Hội Chúa Kitô. Nếu Giáo Hội không biến thành Nước Trời, thì còn hy vọng gì nơi những xã hội khác! nhất là toàn thể thế giới! Và giả như có một xã hội trần thế nào khác gần với Nước Trời hơn, thì lúc ấy Giáo Hội quả là… cần phải sám hối và đặt lại vấn đề, vì đáng lẽ Giáo Hội phải là hình ảnh trung thực nhất của Nước Trời: một thời rất lâu, thậm chí cho đến nay, nhiều nhà thần học đã đồng hóa Giáo Hội với Nước Trời kia mà!

Mơ ước như thế thì quả là quá chung chung, chẳng cụ thể. Tôi nghĩ cần phải mơ một cách thực tế hơn, nghĩa là đi vào chi tiết hơn. Để Giáo Hội biến thành Nước Trời tại thế, tôi mơ rằng…

2. Giáo Hội đi bước đầu… bằng cách biến mình thành Nước Trời trước đã

Giáo Hội được mời gọi biến thế giới này thành Nước Trời. Đó cũng là công việc mà Giáo Hội thừa kế của Chúa Giêsu, qua các tông đồ. Nhưng để thực hiện được điều đó, thì Giáo Hội phải thực hiện Nước Trời trước tiên ngay trong nội bộ của mình. Thật vậy, làm sao Giáo Hội có thể biến trần thế này thành một thế giới đầy yêu thương khi mà ngay trong lòng Giáo Hội, vẫn còn nhiều hận thù ghen ghét, các thành viên của Giáo Hội vẫn chưa yêu thương nhau, vẫn chưa quan tâm đến nhau, chưa sẵn sàng chia sẻ cho nhau. Giáo Hội luôn luôn kêu gọi người giàu, nước giàu chia sẻ những gì mình dư dật cho người nghèo, nước nghèo. Nhưng thử xét xem, điều đó đã được thực hiện ngay trong nội bộ Giáo Hội chưa? Đáng lẽ điều này phải được thực hiện ưu tiên trong hàng ngũ giáo phẩm và giáo sĩ, là giới có bổn phận làm gương và giảng dạy. Nếu giới này chưa làm được thì có được bao nhiêu hy vọng nơi những giới khác?

Muốn Giáo Hội toàn thể trở thành Nước Trời, thì chúng ta phải bắt đầu từ những Giáo Hội nho nhỏ là gia đình Kitô hữu, xứ đạo, giáo phận, v.v… Mỗi Giáo Hội nho nhỏ ấy phải biến thành một Nước Trời nho nhỏ. Nước Trời sẽ đến, nếu trong mỗi gia đình Kitô hữu, vợ và chồng, con cái và cha mẹ thật sự yêu thương nhau bằng những hành động cụ thể. Nước Trời sẽ đến, nếu trong xứ đạo, cha sở cha phó yêu thương nhau như anh em ruột thịt, nếu linh mục và giáo dân cộng tác với nhau chặt chẽ trong tinh thần cởi mở, hòa đồng. Nước Trời sẽ đến, nếu trong giáo phận, có sự hài hòa giữa giám mục và linh mục, giữa linh mục với nhau, giữa linh mục và giáo dân, và giữa giáo dân với nhau, không còn tinh thần cha chú, áp đặt, mâu thuẫn, xung đột. Nước Trời sẽ đến, nếu các giáo xứ giàu biết chia sẻ của cải cho những giáo xứ nghèo, các linh mục sống đầy đủ biết san sẻ cụ thể cho những linh mục phải sống thiếu thốn, đồng thời biết nghĩ đến công lao và nhu cầu cụ thể của những người vẫn cộng tác với mình một cách «công quả».

Nước Trời làm sao có thể đến được trong gia đình khi mà vợ chồng bất hòa vì không nhịn nhục nhau, khi cha mẹ không đủ yêu thương để quan tâm đến con cái đúng mức, khi con cái không kính nể và vâng lời cha mẹ? Nước Trời làm sao có thể đến được trong xứ đạo khi mà cha xứ và cha phó nói xấu nhau, trành giành ảnh hưởng lẫn nhau, hoặc không thể cùng ăn chung với nhau một nồi cơm? Nước Trời làm sao có thể đến được khi mà một đằng Giáo Hội kêu gọi người giàu chia sẻ cho người nghèo, nước giàu chia sẻ cho nước nghèo, đằng khác người Công giáo – ngay cả tu sĩ, linh mục, giám mục – lại là phản chứng của lời kêu gọi ấy, và dường như muốn chứng tỏ rằng lời kêu gọi ấy là không thể thực hiện được? Rất có thể cách hành xử của chúng ta đang thật sự là những phản chứng của Nước Trời, trong khi miệng ta vẫn luôn luôn nhiệt liệt hô hào ủng hộ Nước Trời! Nếu thế thì Nước Trời vẫn còn xa chúng ta lắm!

Điều quan trọng nhất, cần thiết nhất và cần được ưu tiên nhất – trước cả những hình thức của đức ái – mà chúng ta phải thực hiện trong nội bộ Giáo Hội là sự công bằng trong Giáo Hội. Đức Ái là cốt tủy của Kitô giáo mà Giáo Hội phải quyết tâm thực hiện trong mọi tầng lớp, mọi cơ sở, mọi nơi và mọi lúc. Và hàng giáo sĩ cần phải là gương mẫu cho giáo dân noi theo về mặt này, có thế mới phù hợp với những danh xưng tôn quý mà giáo dân dành cho mình. Nhưng công bằng là nền tảng của đức ái: không thể có đức ái chân thật khi sự công bằng không được tôn trọng. Tất cả mọi hình thức đức ái không được xây dựng trên nền tảng công bằng đều chỉ là bác ái giả hiệu. Nhưng thử hỏi trong Giáo Hội đã có sự công bằng tương đối thỏa đáng chưa? Có sự chênh lệnh quá đáng và không hợp lý trong sự phân bố quyền bính, quyền lợi, mức sống, v.v… trong Giáo Hội không? Cơ cấu Giáo Hội có phải là một cơ chế đáng cho các xã hội khác trên thế giới rập khuôn noi theo để trở nên những xã hội công bằng yêu thương hơn, hay là một cơ chế có nhiều nét giống với những cơ chế mà thế giới đang muốn vượt qua và không nên bắt chước? Cho đến nay, Giáo Hội lý tưởng nhất, gần với Nước Trời nhất vẫn là Giáo Hội thời sơ khai. Hình thái của Giáo Hội hiện nay càng ngày càng gần hay càng ngày càng xa với Giáo Hội lý tưởng ấy? – Thiết tưởng đã đến lúc chúng ta cần nghiêm chỉnh xét lại vấn đề nền tảng là sự công bằng trong Giáo Hội với tinh thần sám hối và sửa sai để Giáo Hội trở nên một biểu tượng trung thực nhất của Nước Trời ở trần gian.

3. Giáo Hội cùng xây dựng Nước Trời với các tôn giáo khác,
với những lực lượng trần thế

Nước Trời sẽ đến khi mà những thế lực thù địch trở thành bạn hữu, những người xưa nay ghen ghét nhau trở thành yêu thương nhau, sống hài hòa với nhau. Điều đó đã được Kinh Thánh nói thật rõ. Vì thế, để Nước Trời đến, mỗi người Kitô hữu phải nỗ lực trở thành những người kiến tạo hòa bình theo tinh thần mối phúc thứ 7 trong 8 mối phúc của Chúa (xem Mt 5,9). Nghĩa là chẳng những người Kitô hữu không được hận thù ai, mà còn phải nỗ lực làm cho mọi người yêu thương nhau, cộng tác với nhau nữa. Và trước tiên, người Kitô hữu hay Giáo Hội phải làm gương trong việc yêu thương và cộng tác với mọi người trong việc xây dựng những thiện ích chung.

Từ Công Đồng Vatican II về sau, Giáo Hội nói nhiều đến đối thoại, cộng tác, đặc biệt là đối thoại với các tôn giáo, với các lực lượng trần thế, nhất là hiện nay, sau Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu tại Rôma năm 1998. Nhưng đối thoại để làm gì nếu không dẫn đến yêu thương và cảm thông, đến việc cùng dấn thân, cùng cộng tác? Thế thì tại sao chúng ta không bắt đầu đối thoại, trao đổi với các tôn giáo, với các tổ chức xã hội – không phải để bàn về chân lý, về những vấn đề thần học, hay về Mầu Nhiệm Thiên Chúa – mà bàn về phương cách cùng nhau xây dựng xã hội, đất nước, và thế giới, cùng lo cho thiện ích chung của tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, ý thức hệ, giàu nghèo… Mọi tôn giáo và mọi tổ chức xã hội tốt lành đều kêu gào tín đồ hay con dân của mình yêu thương nhau, cộng tác với nhau, tại sao chính các tôn giáo hay các tổ chức xã hội ấy lại không hành xử như thế đối với nhau? Nhiều tôn giáo dạy về yêu thương và đoàn kết rất hay nhưng chính mình lại không muốn cộng tác hay cự tuyệt cộng tác với các tôn giáo khác, các tổ chức xã hội khác!

Coi chừng kẻo rất có thể chúng ta đang mải miết lo quảng bá Tin Mừng cho mọi người, nhưng chính chúng ta lại là những người ít sống tinh thần Tin Mừng hơn ai hết, khi chúng ta không muốn cộng tác với những người chúng ta không ưa, những người không đồng lập trường về tôn giáo, chính trị, văn hóa, xã hội với chúng ta. Chắc chắn Thiên Chúa muốn chúng ta thật sự sống tinh thần Tin Mừng nhiều hơn là quảng bá Tin Mừng. Cả hai đều phải làm, nhưng sống Tin Mừng quan trọng hơn, và phải được ưu tiên hơn. Nhưng chúng ta thường làm ngược lại cách thức của Đức Kitô, Ngài «làm trước, dạy sau» (facere et docere), còn chúng ta thì dạy trước, làm sau, thậm chí không làm, chỉ dạy thôi!

Một căn bệnh trầm kha của người Kitô hữu hiện nay là rao giảng và quyết tâm bảo vệ những chân lý mà chính mình chưa sống hay không chịu sống. Chúng ta rao giảng yêu thương, đoàn kết, cộng tác, quên mình, thậm chí yêu thương cả kẻ thù, nhưng thử hỏi: Giáo Hội đã thực hiện điều đó đối với các tôn giáo khác, với những tổ chức xã hội chủ trương khác hay ngược lại chúng ta chưa? Hay chúng ta vẫn còn đầu óc nghi kỵ, bảo vệ những thành kiến tuy có đúng với thực tế trước đây, nhưng có thể không còn đúng lắm trong hiện tại? Giáo Hội đã sống tinh thần tự hủy, quên mình, không ích kỷ, không quy kỷ (égocentrique) chưa?

Nếu tôn giáo nào, tổ chức xã hội nào cũng đều muốn củng cố chính mình, phát triển chính mình, mà không quan tâm tới những nền tảng chung, quyền lợi chung, thiện ích chung của thế giới, đất nước, xã hội mà mình sống trong đó, thì một cách nào đó, chúng ta cũng chỉ là những tập thể ích kỷ, chỉ biết lo cho mình, co cụm vào chính mình. Chắc chắn Đức Kitô không muốn Giáo Hội hành động như thế. Ngược lại, Giáo Hội cần phải đi tiên phong trong việc xây dựng thế giới, xã hội, cho dù là thế giới trần tục, hay xã hội trần tục. Và Giáo Hội không nên làm điều đó một mình, mà phải cùng làm với những tổ chức xã hội khác, với các tôn giáo khác. Chính lúc cùng cộng tác với nhau, các tôn giáo, các tổ chức xã hội sẽ hiểu nhau một cách thực tế. Nhờ sự cộng tác đó, Giáo Hội cũng sẽ làm cho các tôn giáo khác hiểu mình, và mình cũng hiểu được các tôn giáo khác. Chứ chúng ta không nên ngồi ở trong vỏ ốc của mình, để rồi cứ tiên thiên dựa vào những tiêu chuẩn hay nguyên tắc nào đó của mình chứ không dựa vào thực tế, mà phán xét về giá trị, về khả năng cứu rỗi, giáo hóa của các tôn giáo hay những tổ chức xã hội khác.

Giáo Hội muốn là Giáo Hội đích thực, trung thành với đường lối của Đức Kitô, Thầy mình, thì phải bắt chước Thầy mình trước tiên trong hành động, nghĩa là phải trở thành một Giáo Hội dấn thân thật sự, vào những lãnh vực trần thế, cùng với tất cả mọi người, mọi tổ chức khác. Khi dấn thân thật sự, tư tưởng của chúng ta sẽ trở thành thực tế. Nếu không dấn thân, tư tưởng của ta dễ trở thành không tưởng, không bám rễ vào thực tại. Chính khi chúng ta chỉ biết yêu thương, dấn thân, cộng tác, cởi mở, chân tình, quên mình, không nhằm rao giảng, truyền giáo, thì lúc đó chúng ta mới rao giảng và truyền giáo một cách hữu hiệu, đúng nghĩa nhất. Đó chính là rao giảng bằng đời sống, chứ không phải bằng lời nói. Lúc đó, tuy không nói về Chúa, nhưng quanh chúng ta, ai cũng cảm nghiệm được Chúa một cách hiện thực, cụ thể nơi chính bản thân ta, trong đời sống và cách hành xử của ta (2*). Còn nếu chỉ rao giảng Chúa bằng lời nói, thì một cách vô tình, ta đã làm cho người ta có cảm tưởng Chúa chỉ là một thứ bánh vẽ, một loại «thuốc phiện», một cái gì đó không tưởng. Và có lẽ chính chúng ta đã biến Chúa thành như thế nơi chính bản thân ta rồi.

4. Giáo Hội thích ứng với thế giới và con người thời đại hơn

Để biến thành Nước Trời, thì điều kiện trước tiên là Giáo Hội phải tồn tại và phát triển. Bất kỳ sinh vật nào muốn tồn tại và phát triển, thì phải biết thích ứng với môi trường. Vì thế, Giáo Hội cần thích ứng với thế giới và xã hội.

Thế giới và xã hội thay đổi không ngừng, và sự thay đổi trở nên càng ngày càng nhanh. Chỉ trong 100 năm cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai, thế giới đã thay đổi nhiều hơn trong 3, 4 thiên niên kỷ trước cộng lại. Và trong 100 năm ấy thì 20 năm cuối có nhiều thay đổi hơn 80 năm trước cộng lại. Cứ đà ấy, thì chỉ 10 năm nữa, sự thay đổi chắc chắn sẽ lớn hơn 20 năm vừa qua.

Sự thay đổi của môi trường xã hội đòi hỏi con người phải thích ứng mới có thể tồn tại và phát triển được. Chính vì thế, con người thời nay đã phải thay đổi rất nhiều. Đời sống, môi trường, hoàn cảnh, tâm lý, cách thức suy nghĩ của con người bây giờ khác hẳn với cách đây 50 năm, 100 năm về trước. Nhu cầu vật chất đã thay đổi rất nhiều. Tại các thành thị, người ta không thể sống mà không có điện, không có tivi, điện thoại, xe gắn máy hay xe hơi, không thể làm việc mà không có máy vi tính, không có internet, v.v… như 50 hay 100 năm trước. Cứ so sánh nhà cửa bây giờ với 50 năm trước thì sẽ tưởng tượng được sự thay đổi lớn thế nào. Nhu cầu trí thức, tinh thần, tâm linh đương nhiên cũng đã, đang, sẽ thay đổi, và chắc chắn thay đổi rất nhiều.

Ngày nay, thế giới và mọi xã hội trong đó đang được hoặc bị khoa học hóa, kỹ nghệ hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, đô thị hóa, tục hóa, khử thiêng hóa… Vì thế, thế hệ trẻ ngày nay mang nặng đầu óc khoa học thực nghiệm, không dễ dàng chấp nhận tính cách giáo điều, hay những điều được phát biểu một cách tiên thiên, không chứng minh, như các thế hệ trước. Họ rất nhạy bén trong việc nhận ra những gì không hợp lý, không có cơ sở thực tế. Họ cũng thích tự do, khó lòng chấp nhận những gì mang tính áp đặt, những định chế, quyền bính. Thêm vào đó, hoàn cảnh kinh tế xã hội khiến họ không còn nhiều thì giờ để nghĩ đến những vấn đề tâm linh, để cầu nguyện, để đến nhà thờ dự những nghi thức, để nghe những bài giảng kéo dài hàng giờ hay nửa giờ như trước. Đời sống là một cuộc chạy đua với chiếc đồng hồ.

Trước sự thay đổi về mặt tinh thần hay tâm linh ấy, Giáo Hội đã thay đổi như thế nào để thích ứng với con người thời đại? Hình thức hay phương cách giữ đạo mà người Kitô hữu thời nay đang theo có khác với cách đây 50 năm, 100 hay 200 năm trước không? Cách diễn tả đức tin trong việc dạy giáo lý, trong việc đào tạo người tín hữu, cũng như các linh mục tu sĩ hiện nay có gì thay đổi không? Thích ứng đòi hỏi phải thay đổi, không thay đổi tức là không thích ứng. Nếu không thay đổi kịp thời, hoặc không thay đổi bao nhiêu so với những thay đổi lớn lao của thế giới, liệu con cháu chúng ta có còn chấp nhận được hình thức tôn giáo mà chúng ta hiện nay đang chấp nhận không? Các nhà thờ trống trơn hiện nay ở Âu Châu chẳng làm cho chúng ta suy nghĩ đến tương lai của Kitô giáo tại Việt Nam sao?

Bảo thủ, không chấp nhận thay đổi những gì cần phải thay đổi nhiều khi đồng nghĩa với tự sát. Nhiều người tưởng rằng mình đang bảo vệ Giáo Hội khi họ quyết tâm bảo vệ những hình thức giữ đạo cũ, nhưng thực ra là họ đang làm cho Giáo Hội bị vượt qua, và cuối cùng bị đào thải. Nhiều người đang phá hoại Giáo Hội bằng cách bảo vệ Giáo Hội một cách ngu xuẩn, giống như một người quyết tâm bảo vệ ngôi nhà cũ đã phần nào hư hỏng, bằng cách chống lại bất cứ ai đập phá căn nhà đó để sửa chữa hay để xây dựng lại cho chắc chắn, đẹp đẽ và phù hợp với nhu cầu mới của người trong nhà hơn. Họ đã hành động giống như Đức Kitô đã tiên báo: «Sẽ đến giờ mà kẻ giết anh em cũng tưởng rằng họ làm điều đó là phụng thờ Thiên Chúa» (Ga 16,2). Họ có thể là những người sẵn sàng ném đá hoặc giết những tiên tri đồng thời với họ do Thiên Chúa sai đến để sửa chữa mà họ lại lầm tưởng là phá hoại, giống như những người Pharisiêu và cha ông của họ đã làm (xem Mt 23,30-31).

Điều tôi mơ ước là Kitô giáo là một tôn giáo nhập thể thật sự đúng như Thầy mình là Đức Kitô. Ngài đã tự thay đổi, từ một Thiên Chúa trở thành một con người, để hòa mình và thích ứng với tình trạng hạn chế của nhân loại. Tôi mơ rằng thế giới biến đổi tới đâu thì Giáo Hội thích ứng tới đó, một cách kịp thời, để có thể tạo một ảnh hưởng tốt và hữu hiệu trên thế giới.

5. Giáo Hội có cái nhìn tiên tri hơn

Trong quá khứ, cách đây mấy thế kỷ, khi truyền giáo sang Á Châu, Giáo Hội cần phải hội nhập văn hóa để đưa Kitô giáo vào lòng các dân tộc Á Châu, thì lúc đó Giáo Hội đã chưa ý thức đủ để thực hiện điều đó một cách đúng mức.

Ngày nay, Giáo Hội rút được kinh nghiệm của quá khứ, và đang rất ý thức về vấn đề này, thì liệu việc hội nhập văn hóa – hiện thường được hiểu theo theo chiều ngang, một phần nào là sự thích ứng giữa văn hóa Âu Châu của người truyền giáo và văn hóa Á Châu của người thụ giáo – có còn cần thiết lắm không? Hay chúng ta phải bắt đầu nghĩ đến một thứ hội nhập văn hóa khác, đó là hội nhập văn hóa theo chiều dọc, nghĩa là sự thích ứng cách diễn tả sứ điệp của thế hệ trước khi truyền đức tin lại cho thế hệ sau? Hay chúng ta chờ cho có những thất bại đã, rồi sẽ rút ra bài học sau. Và khi đã rút ra được bài học, thì liệu bài học ấy có còn hợp thời không, hay đã lỗi thời rồi?

Trong «Cổ học Tinh hoa» có chuyện: một người thấy trời hay mưa, nên học làm dù hết ba năm. Khi thành nghề thì trời lại đại hạn, dù không bán được nữa, nên anh quay sang học nghề làm gầu tát nước. Khi thành nghề làm gầu thì trời lại hay mưa, anh quay ra làm dù. Được mấy năm thì chiến tranh, dù không bán được, anh xoay sang nghề đúc binh khí thì đã già quách rồi… Do đó, người biết nghĩ trước, nhìn thấy trước, thì «trời đại hạn đã nghĩ đến việc sắm thuyền, trời nóng nực đã nghĩ đến việc sắm áo bông» rồi (xem Cổ học Tinh hoa, quyển 1, truyện 34).

Thế giới thay đổi quá nhanh, muốn thích ứng, cần phải dự đoán trước được những gì có thể xảy ra. Trong chính trường cũng như thương trường, khả năng tiên đoán được những gì sẽ xảy ra và những gì phải làm là yếu tố quyết định sự thành công. Chờ sự việc đã ngã ngũ và ai cũng nhìn thấy được thì đã quá muộn rồi! Vì muốn Giáo Hội thành công, tôi mơ ước Giáo Hội có được những cái nhìn tiên tri đi trước thời đại một chút, chứ không phải là những cái nhìn hậu kiến, quá muộn màng, luôn luôn lẽo đẽo đi sau các sự kiện đã rồi.

6. Giáo Hội lưu tâm tới bề trong hơn bề ngoài

Giáo Hội Việt Nam hiện nay vẫn còn là một Giáo Hội quan tâm tới bề ngoài hơn là bề trong, tới hình thức hơn là nội dung. Sự quan tâm của khá nhiều linh mục là xây dựng những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ bằng đá, bằng gạch nhiều hơn là những ngôi nhà thờ bằng tinh thần ở trong tâm hồn của chính mình và của mỗi người. Nhiều cha xứ rất hài lòng khi thấy có đông giáo dân đến nhà thờ tham dự các lễ nghi, các bí tích, mà không hề thắc mắc là họ có thật sự gặp được Chúa hay không. Rõ ràng như 2 với 2 là 4 rằng lãnh nhận các bí tích là một chuyện, mà gặp gỡ Chúa lại là một chuyện khác: biết bao người rước Chúa vào lòng mà có gặp được Chúa đâu! «Linh mục nào thì giáo dân nấy», vì thế, người giáo dân Việt Nam ở nhiều nơi đi lễ rất đông, nhưng chất lượng của việc dâng lễ thì thật đáng nghi ngờ!

Nếu thật sự là người ta gặp được Chúa, thì tất yếu đời sống người ta phải thay đổi, phải sống chan hòa yêu thương hơn. Như vậy, nếu đời sống người ta không thay đổi, nếu theo đạo nhiều năm, đi lễ rước lễ hàng tuần hay hằng ngày mà đời sống chẳng thấy gì tốt đẹp hơn, thì rõ ràng là họ đã không gặp được Chúa qua các bí tích. Mà không gặp được Chúa – là mục đích – thì lãnh nhận các bí tích – vốn chỉ là phương tiện – có ích lợi gì? Đi xe mà không tới được đích, thì có gì hay hơn người đi bộ? Lúc ấy, những việc đạo đức không đạt đích ấy chỉ làm cớ để họ lên mặt với người khác, vì họ tưởng rằng năng làm những việc ấy thì đã là đạo đức hơn người rồi! Giữ đạo kiểu bì phu như thế thì đạo làm sao tồn tại được?

Vì thế, tôi mơ ước là từ hàng giáo sĩ cho tới giáo dân, khi giữ đạo thì quan tâm tới bề trong hơn bề ngoài, nội dung hơn hình thức, mục đích hơn phương tiện, và coi chính tâm hồn hay bản thân mình là nơi gặp Chúa thuận lợi nhất, hơn là gặp Chúa ở những nơi chốn bên ngoài (3*).

7. Biết bao ước mơ khác nữa

Trên đây chỉ là một vài mơ ước căn bản của tôi về Giáo Hội để Giáo Hội tồn tại và phát triển tốt đẹp, càng ngày càng gần, càng giống Nước Trời hơn. Còn bao nhiêu ước mơ khác không thể trình bày đầy đủ trong khuôn khổ một bài báo, chẳng hạn ước mơ rằng:

– Giáo Hội được tự do hành xử những quyền căn bản và chính đáng của mình trong xã hội và đất nước của mình,

– Giáo Hội sống tinh thần tự hủy, nghèo khó, khiêm nhường của Chúa Kitô, không tự coi mình là hơn tất cả,

– Mọi thành phần trong Giáo Hội thích phục vụ chứ không mong được người khác phục vụ, không ham quyền lực, và những hư danh trần tục.

– Giáo Hội quan niệm thực tại có nhiều mặt, để thấy rằng có nhiều cách nhìn khác nhau, tuy mâu thuẫn nhau nhưng vẫn có thể cùng đúng cả, để từ đó bao dung và độ lượng hơn với những cách nhìn khác với cách nhìn của mình,

– Giáo Hội quan tâm tới những vấn đề xã hội nhiều hơn,

– Giáo Hội quan tâm tới người nghèo và bênh vực họ nhiều hơn,

– Giáo Hội quan tâm tới quyền lợi và cơ hội phát triển của phụ nữ trong Giáo Hội và xã hội hơn,

– Giáo Hội quan tâm tới việc đào tạo nên những tông đồ thật sự hơn là chỉ tạo nên những linh mục hay tu sĩ,

– Giáo Hội quan tâm tới tiếng nói của người giáo dân trong Giáo Hội hơn, tới việc nâng cao trình độ của người giáo dân hơn,

– Giáo Hội quan tâm tạo điều kiện và cơ hội bình đẳng cho mọi thành viên trong Giáo Hội được phát triển và tham gia xây dựng Giáo Hội,

– Giáo Hội quan tâm tới việc giảm bớt tinh thần cha chú, tinh thần giáo sĩ trị trong Giáo Hội,

– Giáo Hội quan tâm tới giới trẻ và thiếu nhi trong Giáo Hội hơn,

– v.v…

Ước mơ là một sức mạnh rất lớn để đi đến hiện thực. Nó là động lực thúc đẩy ta hành động. Nếu tất cả mọi người trong một tập thể – như Giáo Hội, hay xã hội – đều cùng mơ một điều, thì chắc chắn 100% sớm muộn gì điều ấy cũng sẽ thành hiện thực. Vì thế, điều mơ ước cuối cùng của tôi là mơ rằng tất cả mọi người đều mơ cùng một điều như tôi. Đó là điều kiện tất yếu để những mơ ước ấy trở thành hiện thực.

______________________

Phần chú thích

(1*)Jules Verne (1828-1905), văn sĩ Pháp, cha đẻ của khoa học viễn tưởng, tác giả của những tiểu thuyết viễn tưởng nổi tiếng như Năm ngàn dậm dưới đáy biển (1863), Cuộc du hành vào lòng đất (1864), Từ trái đất lên mặt trăng (1865), Liên minh dưới đáy biển (1870), Hải đảo huyền bí (1870), Vòng quanh thế giới trong 80 ngày (1872).

(2*)«Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em sống yêu thương» (Ga 13,35).

(3*)«Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?... Đền thờ ấy chính là anh em» (1 Cr 3,16-17; Xem 1 Cr 6,19; 2 Cr 6,16; Ep 2,20-22). «Thiên Chúa, Đấng tạo dựng vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa tể trời đất, không ngự trong những đền thờ do tay con người làm nên» (Cv 17,24; Xem Cv 7,28; Dt 9,11-12; Is 66,1-2).


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________