2.8.09

VĂN HÓA KITÔ HỮU

Lời nói đầu:

Người Ki-tô hữu sống giữa thế giới, và có nhiệm vụ làm chứng cho Thiên Chúa giữa thế giới. Điều đó đòi hỏi người Ki-tô hữu phải có một phong cách sống đặc biệt phù hợp với nhiệm vụ ấy. Phong cách sống ấy chính là nét văn hóa riêng biệt của người Ki-tô hữu. Thiết tưởng khi ý thức lại nhiệm vụ làm chứng cho Thiên Chúa giữa thế giới, chúng ta cần xác định lại những nét văn hóa đặc biệt của người Ki-tô hữu. Sống văn hóa Ki-tô hữu chính là làm chứng cho Thiên Chúa hay Đức Giê-su giữa thế giới.

***

Trên thế giới, bất kỳ một dân tộc nào cũng có một nền văn hóa riêng, được xây dựng trên một nền tảng văn hóa chung nào đó. Chẳng hạn, dân tộc Việt Nam có nền văn hóa Việt Nam, nền văn hóa này hiện hữu được 4.000 năm nay, mà chúng ta thường dùng cụm từ «bốn ngàn năm văn hiến» để diễn tả. Nhưng nền văn hóa Việt Namlại được xây dựng trên một nền tảng chung là văn hóa Á Châu.

Nếu dân tộc nào cũng có một nền văn hóa riêng, thì ắt hẳn dân tộc của Thiên Chúa, hay «Dân Chúa» ắt cũng phải có một nền văn hóa riêng. Thật vậy, người Kitô hữu có một nền văn hóa cá biệt, với phong cách sống riêng, với những phong tục riêng, nề nếp suy nghĩ riêng của người Kitô hữu. Và nền văn hóa đó được gọi là văn hóa Kitô hữu.

Vì thế, một người Kitô hữu luôn luôn thuộc về hai dân tộc khác nhau: một dân tộc theo huyết thống thể chất, và một dân tộc theo truyền thống tâm linh. Vì thế, bất kỳ một người Kitô hữu nào cũng có hai nền văn hóa: một đằng là văn hóa của dân tộc theo huyết thống thể chất, và đằng kia là văn hóa Kitô hữu. Chẳng hạn, người Kitô hữu Việt Namvừa sống theo cung cách văn hóa của người Việt Nam, hay nói rộng hơn, của người Á Đông, vừa sống theo cung cách của người Kitô hữu. Hai nền văn hóa đó kết hợp lại với nhau khiến cho người Kitô hữu Việt Nam có một cung cách sống hơi khác với những người Việt Nam theo các tôn giáo khác, đồng thời cũng khác với những người Kitô hữu thuộc các dân tộc khác.

Vậy đâu là những nét đặc trưng của nền văn hóa Kitô hữu?

I. Lý thuyết nền tảng của văn hóa kitô hữu

Văn hóa Kitô hữu được xây dựng trên Thánh Kinh, Huấn quyền và truyền thống của Giáo Hội. Xét về lý thuyết, có những điểm căn bản sau:

1) Tự hào là con cái Thiên Chúa

Giống như người Việt Nam luôn luôn tự hào mình là «con Rồng cháu Tiên», người Kitô hữu cũng luôn luôn tự hào mình là «con cái Thiên Chúa», được gọi Thiên Chúa là «Cha». Điều này được đặt nền tảng trên Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh, có rất nhiều câu xác nhận người Kitô hữu là «con cái Thiên Chúa» như: «Những ai đón nhận Người, tức là những ai tin vào danh Người, thì người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa» (Ga 1,12-13). Hay: «Chúa Cha yêu chúng ta dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa… hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa» (1 Ga 3,1-2) (*). Đương nhiên, hễ đã là con cái, thì phải có sự đồng hình, đồng dạng với Cha, một cách nào đó, phải cùng một «nòi giống», cùng một «giòng máu» với Cha. Thật vậy, người Kitô hữu được «thông phần bản tính Thiên Chúa» (1Pr 1,4), nghĩa là chia sẻ bản tính thần linh với Ngài, nói cách khác là con người cũng có tính thần linh, cũng linh thiêng như Ngài, nhưng đương nhiên ở một mức độ thấp hơn. Vả lại, tội lỗi đã làm lu mờ hay che lấp bản tính thần linh ấy. Chính nhờ ý thức mình được chia bản tính thần linh với Thiên Chúa, tức nơi mình có bản tính Thiên Chúa, mà bản tính linh thiêng ấy trở nên sáng tỏ, và chúng ta mới có khả năng trở nên giống như Thiên Chúa, sống toàn thiện theo lời mời gọi của Ngài: «Anh em hãy nên toàn thiện như Cha các con trên Trời là Đấng Toàn thiện» (Mt 5,48), và mới phát triển được tình yêu của Thiên Chúa nơi mình: «Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra» (1 Ga 4,7b), nghĩa là hễ ai được Thiên Chúa sinh ra, tức là làm con cái Thiên Chúa, thì người đó tự nhiên biết yêu thương. Nếu bản chất của Thiên Chúa «là tình yêu» (1 Ga 4,8), thì bản chất của con cái Thiên Chúa cũng phải là tình yêu. Vì thế, luôn luôn ý thức mình là con cái Thiên Chúa và cố gắng sống phù hợp với chức vị ấy chính là linh đạo căn bản của người Kitô hữu. Chính ý thức này phát sinh sức mạnh và quyền năng siêu nhiên, giúp ta thực hiện được những gì mà bản chất và chức vị «con cái Thiên Chúa» đòi hỏi. Chính ý thức này làm phát sinh sự sống đời đời, và cũng là sự sống đời đời của người Kitô hữu: «Sự sống đời đời chính là họ nhận biết Cha, là Thiên Chúa duy nhất và chân thật» (Ga 17,3).

Và Tân Ước, là «Tin Mừng về Chúa Cha» (**), đã tạo cho người Kitô hữu một niềm vui rất lớn và căn bản là biết rằng mình là con cái Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, và có quyền thừa kế gia sản của Thiên Chúa là Nước Trời. Niềm vui ấy còn lớn hơn niềm vui làm được những kỳ công lớn lao: «Anh em chớ mừng vì quỉ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên của anh em đã được ghi trên trời» (Lc 10,20). Nói cho cùng, Thiên Chúa mới chính là cha mẹ đích thực sinh ra chúng ta, còn cha mẹ trần thế của chúng ta là người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh ra chúng ta. Có thể nói Thiên Chúa sinh ra chúng ta qua cha mẹ của chúng ta.

Và nếu có chung một Cha là Thiên Chúa, thì người Kitô hữu có Đức Giêsu Kitô là anh cả, và là anh em ruột thịt với nhau.

2) Coi nhau là anh em

Vì cùng nhận Thiên Chúa là Cha, nên người Kitô hữu coi nhau là anh em, và cũng coi tất cả những người khác tôn giáo với mình là anh em, vì Thiên Chúa là Cha sinh ra mọi người. Vì thế, người Kitô hữu phải đối xử với những người Kitô hữu khác, cũng như với tất cả mọi người bằng tình thương. Và chính qua tình thương này mà người ta nhận ra chúng ta là Kitô hữu, là môn đệ Đức Kitô: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35). Vả lại, Đức Kitô đã tự đồng hóa mình với những người nhỏ nhất, có nhu cầu được chúng ta giúp đỡ, cứu khổ: «Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta. Còn mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy» (Mt 25,40.45). Vì thế, Đức Kitô khuyên chúng ta: «Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta» (Mt 7,12).

Đối với Thiên Chúa và tha nhân, truyền thống văn hóa của người Kitô hữu là «Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi… Và ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Mt 22,37-39. Xem Đnl 6,5; Lv 19,8). Chính vì sống và truyền bá tinh thần yêu thương đó, mà đạo Kitô giáo khi mới truyền qua Việt Nam, đã được gọi là «Đạo yêu thương», vì lúc đó chưa có từ «Kitô giáo», người ta phải tự tạo ra một cái tên để gọi như vậy.

Nhưng sự yêu thương ấy phải được biểu lộ cụ thể nhất qua những người gần gũi nhất. Lệnh Chúa truyền: «Hãy yêu người thân cận như chính mình». Người thân cận nhất là cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, là những người chúng ta phải yêu thương nhất trên đời. Nhưng với những người sống đời đôi bạn, thì người thân cận nhất vẫn là vợ hay chồng mình. Chính vì thế, một trong những nét rất đặc sắc của văn hóa Kitô hữu, là sự chân thật trong tình yêu vợ chồng, được thể hiện bằng sự «duy nhất» và «trung thủy» trọn vẹn.

3) Tình yêu duy nhất và trung thủy trong đời sống lứa đôi

Hôn nhân Kitô giáo luôn luôn đòi hỏi: tình yêu giữa vợ chồng phải là tình yêu đích thực được thể hiện qua sự duy nhất và sự trung thủy đến trọn đời.

a. Tình yêu duy nhất:

Theo quan niệm truyền thống của văn hóa Kitô hữu, thì tình yêu đích thực phải là một tình yêu duy nhất, nghĩa là chỉ yêu một người: vì đã yêu người này rồi, mà lại còn yêu thêm một người khác nữa thì chưa phải là yêu đích thực. Thật vậy, để nói lên tình yêu của mình là đích thực và chân thành, thì lời tỏ tình phải là: «Anh yêu em, và chỉ yêu một mình em thôi», chứ không ai tỏ tình kiểu: «Anh yêu em, và anh cũng yêu nhiều cô gái khác nữa». Một lời tỏ tình như thế chắc chắn sẽ bị từ chối vì tình yêu đó không phải là đích thực.

Chính vì thế, đời sống hôn nhân trong văn hóa Kitô hữu chỉ chấp nhận «một vợ một chồng». Điều này được xây dựng trên nền tảng Kinh Thánh: Từ nguyên thủy, Thiên Chúa chỉ dựng nên một người nam và một người nữ, và hai người thành vợ chồng với nhau (x. St 1,27).

b. Tình yêu trung thủy

Yêu, rồi lại không yêu nữa, hay yêu nhau, rồi lại bỏ nhau để yêu người khác, thì đó là một tình yêu không lâu bền, và nếu không lâu bền thì không phải là tình yêu đích thực. Tình yêu đích thực phải là một tình yêu tồn tại theo thời gian, và kéo dài mãi đến trọn đời. Thật vậy, để chứng tỏ tình yêu của mình là chân thực, khi tỏ tình, người ta thường nói: «Anh yêu em, yêu em đến trọn đời» hay «Dù em có thế nào, anh cũng vẫn yêu em mãi mãi». Không ai muốn biểu lộ tình yêu chân thật mà lại nói: «Anh yêu em, và sẽ yêu đến khi nào anh thấy chán, không yêu được nữa».

Khi hai người yêu nhau và quyết định dấn thân cho nhau để đi đến hôn nhân, và họ thề hứa với nhau trước Thiên Chúa và Giáo Hội, thì họ đã được Thiên Chúa liên kết nên một. Và «sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly» (Mt 19,6). Vì thế, các gia đình Kitô hữu tương đối rất vững bền và dễ hạnh phúc.

II. Văn hóa kitô hữu từ nguyên thủy

Một trong những đỉnh cao của văn hóa Kitô hữu là đời sống của các Kitô hữu đầu tiên. Phải nói rằng cộng đoàn các Kitô hữu đầu tiên là một cộng đoàn gương mẫu, đáng cho tất cả các cộng đoàn Kitô hữu sau này noi gương bắt chước. Sách Công Vụ đã mô tả súc tích những đặc tính của cộng đoàn đầu tiên này: «Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện» (Cv 2,42).

Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã thể hiện ý thức mình là con cái Thiên Chúa và Thiên Chúa là Cha của mình bằng đời sống cầu nguyện là đời sống liên kết mật thiết với Thiên Chúa. Kinh Thánh mô tả: «Tất cả đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện» (Cv 1,14). Họ cầu nguyện trong bất kỳ hoàn cảnh nào: khi Chúa lên trời (x. Cv 1,24), khi chọn người phục vụ Chúa (x. Cv 4,24-30; 7,59), khi gặp khó khăn nguy hiểm (x. Cv 6,6; 9,40), v. v… Đặc biệt là họ «siêng năng tham dự lễ bẻ bánh» (Cv 2,42), nhất là vào «ngày thứ nhất trong tuần», tức Chúa nhật. «Bẻ bánh» là cử hành bí tích Thánh Thể, một nét rất đặc trưng của văn hóa Kitô hữu.

Các Kitô hữu đầu tiên rất «chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy» (Cv 2,42), để củng cố đức tin, để biết cách sống xứng đáng chức vị con cái Thiên Chúa và anh chị em của nhau.

Nhưng, nét son rất nổi bật của họ là họ sống rất tuyệt hảo tình anh chị em với nhau, qua đời sống bác ái huynh đệ (x. Cv 20,35), luôn luôn một lòng một ý với nhau (x. Cv 4,32; 2,44; 6,1; 2,46; 5,12; 15,25). Điều cụ thể nhất và khó làm nhất mà cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã thực hiện được, cũng là điều mà chủ nghĩa cộng sản ngày nay muốn thực hiện nhưng chưa thành công, đó là «làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu». Thật vậy, các Kitô hữu đầu tiên đã «hiệp nhất với nhau, để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu» (Cv 2,44-45), «không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung» (Cv 4,32). Họ đùm bọc nhau, chia sẻ cho nhau chẳng những tinh thần mà cả vật chất nữa, không phải chỉ giữa cá nhân này với cá nhân khác, mà giữa cộng đoàn này với cộng đoàn khác nữa: «Mỗi người tùy theo khả năng, gửi quà giúp đỡ anh em ở miền Giuđê. Và họ đã làm việc ấy: gửi đến cho hàng kỳ mục qua tay ông Banaba và ông Saolô» (Cv 11,29-30).

III. Những biểu hiện khác của văn hóa Kitô hữu

Nền văn hóa nào cũng có những phong tục, lề thói riêng. Văn hóa Kitô hữu cũng có một số biểu hiện đặc trưng, qua đó, người khác nhận ra họ là Kitô hữu. Chẳng hạn như:

1) Tôn kính Thánh giá

Dấu hiệu của người Kitô hữu là thánh giá. Người ta thấy thánh giá ở trên và trong các nhà thờ, các cơ sở tôn giáo của người Kitô hữu, trong các gia đình, trên các mồ mả, thậm chí trên dây chuyền đeo cổ của người Kitô hữu. Và người Kitô hữu thường làm dấu thánh giá trên trán, ngực, hai vai trước và sau mỗi khi cầu nguyện, dùng bữa, hay làm một công việc gì. Linh mục ban phép lành hay rẩy nước thánh cũng làm theo hình thánh giá…

Thánh giá là biểu tượng của Chúa Kitô, cũng là biểu tượng của sự cứu chuộc, vì Chúa Kitô đã dùng Thánh giá để cứu chuộc nhân loại. Thánh giá cũng biểu trưng cho những đau khổ, nghịch cảnh và khó khăn trong cuộc sống. Người Kitô hữu coi đau khổ là một điều tất yếu phải trải qua để đi đến hạnh phúc, đến cứu độ. Chỉ qua đau khổ mới đến được hạnh phúc. Vì thế, người Kitô hữu vẫn có thể tươi cười hạnh phúc khi gặp hoạn nạn khốn khó, vì họ luôn luôn nhìn thấy sau cuộc tử nạn là sự phục sinh. Hai thực tại ấy luôn luôn gắn liền với nhau.

2) Yêu mến Thánh lễ

Người Kitô hữu có thói quen đi dâng thánh lễ tại nhà thờ: mỗi ngày hay ít là mỗi tuần một lần vào ngày Chúa nhật. Thánh lễ xuất phát từ nghi lễ «bẻ bánh» của các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, tức phụng vụ Thánh Thể. Thánh lễ cùng với việc rước Chúa vừa là trụ cột vừa là lương thực cho đời sống tâm linh của người Kitô hữu. Qua Thánh lễ, người Kitô hữu kết hiệp thân mật với Thiên Chúa là Cha, với Chúa Kitô là anh cả, và với tất cả mọi người là anh chị em. Vì thế, Thánh lễ đóng vai trò rất quan trọng trong văn hóa Kitô hữu.

3) Kinh Thánh

Người Kitô hữu sống theo sự chỉ dẫn của Chúa Kitô. Sự chỉ dẫn đó được bầy tỏ trong Kinh Thánh: cuốn sách căn bản nhất của người Kitô hữu. Vì thế, người Kitô hữu có thói quen đọc và suy gẫm Kinh Thánh mỗi ngày, để tinh thần của Chúa Kitô thấm nhập vào con người, vào tiềm thức của mình, hầu mọi phản ứng của mình tự nhiên phù hợp với tinh thần yêu thương và quên mình của Chúa Kitô.

4) Các bí tích

Ngoài Thánh Lễ, tức bí tích Thánh Thể, người Kitô hữu còn được khuyến khích siêng năng lãnh nhận các bí tích khác để sự sống siêu nhiên của con cái Thiên Chúa phát triển và lớn mạnh. Chẳng hạn, người Kitô hữu có thói quen «đi xưng tội», tức lãnh «bí tích hòa giải» mỗi tháng hay lâu nhất là mỗi năm một lần, để giải hòa với Thiên Chúa và tha nhân, hay để thắt chặt lại tương quan đã bị lỏng lẻo giữa mình với Thiên Chúa và với tha nhân. Trong bí tích này, người Kitô hữu sám hối về những lầm lỗi của mình đối với Thiên Chúa và tha nhân, và để thể hiện cụ thể lòng sám hối ấy, họ đến với linh mục để thú nhận những lầm lỗi ấy. Vị linh mục sẽ đại diện cho Thiên Chúa nói lời tha tội, và họ sẽ cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm vì mọi lầm lỗi đã được Thiên Chúa tha thứ. Nhờ vậy, họ dễ dàng bắt đầu sống một cuộc đời mới tốt đẹp hơn.

5) Cầu nguyện

Một trong những sinh hoạt tâm linh quan trọng của Kitô hữu là cầu nguyện: riêng hoặc chung, tại nhà thờ hoặc trong gia đình. Có thể nói: không cầu nguyện thì không phải là Kitô hữu đích thực.

Bình thường, người Kitô hữu vừa mở mắt thức giấc buổi sáng là cầu nguyện để dâng một ngày mới cho Thiên Chúa. Và trước khi đi nhắm mắt nghỉ đêm, cũng cầu nguyện để tạ ơn Thiên Chúa đã ban thêm một ngày sống với biết bao ơn lành. Ngoài ra, họ còn thường xuyên tụ tập nhau lại cầu nguyện chung trong gia đình, ngoài xã hội. Cầu nguyện trở nên lẽ sống của họ.

Hiện nay tại Việt Nam, người Kitô hữu thường sử dụng các kinh hay những bài thánh ca có sẵn để cầu nguyện. Nhưng số người cầu nguyện bằng những lời tự phát ngày càng gia tăng. Khi cầu nguyện chung tại nhà thờ, người Kitô hữu thường hát và thích hát các bài thánh ca, khiến cho việc cầu nguyện trở nên vui tươi, sống động. Phải nói là nghệ thuật trong thánh nhạc của người Kitô hữu rất cao, các bài thánh ca rất phong phú và đa dạng, chan chứa những tâm tình cao thượng, rất bổ dưỡng cho tâm hồn con người.

Kết luận

Nói về một nền văn hóa, ở đây là văn hóa Kitô hữu, trong một vài trang giấy thì quả là quá hạn hẹp. Bài này chỉ nêu lên được một vài nét đại khái và tiêu biểu của nền văn hóa đó thôi. Còn rất nhiều những nét quan trọng khác như tinh thần bình đẳng nam nữ trong Kitô giáo, tinh thần truyền giáo, tính hữu cơ, v. v… mà khuôn khổ bài này không cho phép đề cập tới.

Dẫu sao cũng phải nhìn nhận rằng nền văn hóa này đã có từ 20 thế kỷ này đã đóng góp và ảnh hưởng rất nhiều và tốt đẹp vào nền văn minh của nhân loại, nhất là tại Tây Phương, nơi Kitô giáo thịnh hành. Cốt tủy của văn hóa Kitô hữu có thể tóm lại trong hai điểm chính này, là:

-ý thức Thiên Chúa là Cha đích thực của mình, và mình chính là con cái Ngài, được chia sẻ bản tính thần linh với Ngài. Vì thế, phải yêu mến Cha trên hết mọi sự.

-ý thức mọi người không trừ ai đều là anh chị em cùng một Cha với mình. Vì thế, phải yêu thương mọi người như bản thân mình.

Là người Kitô hữu, chúng ta có một nền văn hóa sáng ngời, tiên tiến, chúng ta cần phải sống cho đúng truyền thống văn hóa của mình, để làm rạng danh Thiên Chúa, và làm cho thế giới này càng ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, trở thành «Nước Thiên Chúa» tại trần gian, như đã được tiên báo trong sách Khải Huyền: «Vương quyền trên thế gian nay đã thuộc về Chúa chúng ta và Đức Kitô của Người; Người sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời» (Kh 11,15).

_______________________

Phần ghi chú:

(*) Xem thêm Rm 8,14-17: «Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa… Thần khí làm anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: «Abba! Cha ơi!». Chính Thần Khí chứng thực cho chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Mà đã là con thì cũng là thừa kế».

(**) «Tin Mừng về Chúa Cha» : tựa đề cuốn Tân Ước do cha Ansơn Vị dịch, một cái tựa đầy ý nghĩa.


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________