2.8.09

Tông đồ là gì?
và ai là tông đồ?


Trong bài «Suy nghĩ về tính cách nhưng không», của Đức Giám mục Bùi Tuần, ở đoạn cuối, ngài viết: «Tôi đã có dịp gặp những nhóm nhỏ như vậy. Họ sống giữa đời. Không là linh mục, không là tu sĩ, họ chỉ là những người dân thường. Họ sinh sống bình thường, nhưng rất khác thường về tính chất nhưng không và âm thầm trong phục vụ. Tiếp xúc với họ, tôi có cảm tưởng là hiện nay Chúa đang mở ra những con đường mới về ơn thiên triệu. Và tôi tin là Chúa cũng muốn dùng những nhóm nhỏ này, để nhắc nhở tôi và các giáo sĩ tu sĩ hãy đề cao tính cách nhưng không như một dấu chỉ thời đại để làm chứng cho Nước Trời giữa xã hội hôm nay».

Tôi rất tâm đắc với tư tưởng này của ngài. Nhưng tôi không nghĩ rằng đến thời này Chúa mới mở ra những con đường mới về ơn thiên triệu. «Những con đường mới về ơn thiên triệu» mà Đức Cha nói đến ở đây là ơn gọi làm tông đồ của những con người «không là linh mục, không là tu sĩ, họ chỉ là những người dân thường». Thực ra ơn gọi này Đức Giêsu đã mở ra từ thời của Ngài, khi Ngài sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng (x. Lc 10,1-20). 72 môn đệ này đã được sai đi làm tông đồ đang khi nhóm 12 chưa được sai đi vì Ngài cần đào tạo các ông kỹ lưỡng hơn để được sai đi sau này. Như vậy ta thấy có sự khác biệt giữa nhóm 72 ít được đào tạo, và nhóm 12 được đào tạo kỹ lưỡng hơn. Phải chăng, nhóm 72 này là một thí dụ điển hình cho ơn gọi tông đồ giáo dân?

ĐGM Bùi Tuần nói những con đường về ơn thiên triệu này là mới quả không sai. Phải nói nó rất mới, nhưng lại rất cũ. Nó mới vì Giáo Hội dường như mới bắt đầu ý thức lại về một thực tại đã có ngay từ đầu nhưng đã bị bỏ quên cả hàng chục thế kỷ. Tương tự như hội nhập văn hóa, là một vấn đề được coi là hết sức mới mẻ sau công đồng Vatican II. Nhưng thực ra, chưa bao giờ Giáo Hội lại hội nhập văn hóa một cách bạo dạn, sâu xa và đúng nghĩa như những thế kỷ đầu của Giáo Hội. Thật vậy, để đạo của Chúa Giêsu thích ứng và hội nhập vào thế giới vô đạo của đế quốc Rôma, các tông đồ đã chấp nhận cho các Kitô hữu không phải chịu phép cắt bì và giữ luật Môsê, ngoại trừ một vài điều mà đến bây giờ cũng đã bãi bỏ (x. Cv 15; đặc biệt 15,29). Thật là một cuộc cách mạng, vì lúc ấy, người Do Thái quan niệm: «Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê, thì anh em không thể được cứu độ» (Cv 15,1), thế mà các tông đồ dám mạnh dạn bãi bỏ, bất chấp những phản đối mạnh mẽ của các Kitô hữu gốc Do Thái. Nhưng kể từ khi Giáo Hội trở thành tôn giáo của toàn đế quốc Rôma, thì việc hội nhập văn hóa không còn được quan tâm tới nữa, cho đến khi có công đồng Vatican II (1960-1963): Giáo Hội nhận ra một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công cuộc truyền giáo tại châu Á thất bại là do thiếu hội nhập văn hóa. Vì thế, vấn đề cũ nhất lại trở thành mới nhất.

Việc tông đồ của người giáo dân đã có ngay từ thời Đức Giêsu, do chính Đức Giêsu sai đi, và chẳng có một thời kỳ nào trong Giáo Hội mà lại không có. Thậm chí nó còn đóng một vai trò rất quan trọng là đằng khác. Nhưng suốt hàng mười mấy thế kỷ, Giáo Hội chỉ nhấn mạnh đến ơn gọi của giáo sĩ, nghĩa là của linh mục và tu sĩ, đến nỗi cho đến nay, còn rất nhiều Kitô hữu, kể cả linh mục, vẫn coi chỉ có các linh mục và tu sĩ mới là tông đồ mà thôi. Từ «mới» trong câu văn của ĐGM Bùi Tuần vừa được nêu cho thấy ơn thiên triệu tông đồ của người giáo dân được coi là một ý niệm mới mẻ trong Giáo Hội.

Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải đặt lại vấn đề: Tông đồ là gì? Và ai là tông đồ trong Giáo Hội?

1.Tông đồ là gì?

Nhóm 72 và nhóm 12 môn đệ của Đức Giêsu là những người được Ngài mời gọi theo Ngài. Khi các ông vâng lệnh Ngài đi loan báo Tin Mừng về Nước Trời cho muôn dân, thì các ông trở thành những tông đồ của Ngài. Vậy, tông đồ là những người được Đức Giêsu mời gọi theo Ngài để tiếp nối việc loan báo Tin Mừng và công trình cứu rỗi của Ngài. Hiện nay, Đức Giêsu không còn ở trần gian một cách hữu hình để kêu gọi ai làm môn đệ Ngài như xưa. Nhưng Ngài vẫn tiếp tục gọi họ nhiều người làm môn đệ Ngài bằng tiếng nói từ trong tâm hồn họ.

Những người nghe được tiếng Ngài từ bên trong, mời gọi họ làm tông đồ của Ngài, là những người đã thật sự cảm thấy hạnh phúc và được tràn đầy sức mạnh của Thiên Chúa vì đã biết và sống Tin Mừng của Ngài. Thấy mình thật hạnh phúc nhờ Tin Mừng ấy trong khi biết bao người chung quanh mình đang sống cảnh «lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt» thì «chạnh lòng thương». Tình thương đòi buộc người môn đệ Chúa phải làm một cái gì cho họ, phải làm sao để họ cũng được hạnh phúc như mình. Mình được hạnh phúc vì biết Thiên Chúa và vì đã sống theo lời Ngài, nên mình cũng phải làm sao để họ biết Thiên Chúa và sống theo lời Ngài như mình, để họ cũng được hạnh phúc. Khi họ nghĩ được như vậy, thì lập tức họ cảm thấy tiếng Chúa thối thúc từ bên trong, mời gọi họ làm tông đồ cho Ngài. Thật buồn cười nếu có ai chưa hề cảm thấy hạnh phúc và nhận được sức mạnh từ Tin Mừng mà lại muốn làm cho người khác cảm nghiệm được hạnh phúc và sức mạnh đó.

Làm tông đồ là ơn gọi và là bổn phận của tất cả mọi Kitô hữu chứ không phải là ơn gọi của riêng ai (x. GLCG, 863, 900). Và để thực hiện ơn gọi hay lý tưởng tông đồ ấy, mỗi Kitô hữu có thể chọn một trong ba con đường – thường gọi là ba bậc sống – trong Giáo Hội:

– vẫn tiếp tục làm một Kitô hữu bình thường, thường được gọi là giáo dân: đây là con đường của hầu hết các Kitô hữu trong Giáo Hội.

– làm tu sĩ: đây là con đường của những người muốn hiến cả cuộc đời cho Thiên Chúa để phụng sự Ngài theo một linh đạo đặc biệt trong Giáo Hội (mỗi dòng tu có một đường hướng nên thánh và phương cách làm tông đồ riêng biệt).

– làm giáo sĩ: đây là con đường của những người muốn làm tông đồ chuyên nghiệp và chính thức trong Giáo Hội, được Giáo Hội nâng đỡ và tạo những điều kiện đặc biệt để làm tông đồ. Trong Giáo Hội,giáo sĩ gồm những người có chức thánh như phó tế, linh mục, giám mục.

Đó là ba con đường mà một Kitô hữu có thể chọn để thực hiện lý tưởng tông đồ của mình. Điều tiên quyết và quan trọng nhất là có lý tưởng tông đồ hay không, rồi mới tới việc chọn con đường nào thích hợp nhất với mình để thực hiện lý tưởng ấy. Ba con đường ấy chỉ là những phương tiện để thực hiện lý tưởng tông đồ mà thôi, và người ta vẫn có thể dùng những phương tiện ấy vào những mục đích khác chứ không chỉ để làm tông đồ. Vì thế, nếu không có lý tưởng tông đồ thì dù có làm tu sĩ hay giáo sĩ, cũng chẳng phải là tông đồ đích thực. Do đó có những giáo dân, có những tu sĩ hay linh mục không phải là tông đồ vì không có lý tưởng tông đồ.

2. Làm linh mục hay tu sĩ là một phương tiện rất tốt
để thực hiện lý tưởng tông đồ

Trong ba con đường kể trên, thì con đường giáo sĩ và tu sĩ là những con đường hữu hiệu nhất để thực hiện lý tưởng tông đồ. Tuy nhiên, nhiều Kitô hữu quan niệm những con đường hay phương tiện này như những lý tưởng trong cuộc đời. Chẳng hạn, trong các chủng viện hiện nay, nhiều chủng sinh vẫn coi linh mục như là lý tưởng cuộc đời họ: «lý tưởng linh mục». Còn làm tông đồ chỉ là một trong những bổn phận hay chức năng chính yếu nhất của lý tưởng này. Vì thế, khi một chủng sinh không còn theo đuổi «lý tưởng linh mục» nữa, thì tất nhiên họ không còn quan tâm gì tới việc làm tông đồ nữa. Quan niệm này quả là «đặt cái cày trước con trâu».

Đúng ra, nên hiểu rằng: vì muốn làm tông đồ, nên mới làm linh mục. Chứ không phải là: vì làm linh mục nên có bổn phận làm tông đồ. Quan niệm «đặt cày trước trâu» ấy dẫn đến quan niệm: nếu không làm linh mục thì không có bổn phận làm tông đồ. Điều này trái với giáo lý của Hội Thánh hiện nay: tất cả mọi Kitô hữu đều có ơn gọi và bổn phận làm tông đồ: «Tất cả các phần tử của Hội Thánh mỗi người một cách đều được sai đi. “Ơn gọi Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ”. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể nhằm “làm cho Nước Đức Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu” được gọi là “việc tông đồ”» (GLCG, 863); «Mọi tín hữu được Thiên Chúa trao nhiệm vụ tông đồ qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức» (GLCG, 900).

Vì thế, thiết tưởng các chủng viện cần phải chủ yếu đào tạo nên các tông đồ chứ không phải chỉ đào tạo nên các linh mục. Một chủng sinh nếu thật sự có lý tưởng tông đồ, thì khi không còn theo con đường linh mục nữa, sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi lý tưởng tông đồ trong một con đường khác. Lý tưởng tông đồ phải là một lý tưởng mà người Kitô hữu theo đuổi suốt cả cuộc đời, chứ không chỉ theo khi làm linh mục. Nhiều chủng sinh hoặc linh mục khi xuất tu đã trở nên lãnh đạm hoàn toàn với công việc tông đồ. Điều đó cho thấy: có nhiều chủng sinh khi nhập chủng viện đã không hề có lý tưởng tông đồ (nghĩa là họ vào chủng viện vì một động lực khác). Và nền giáo dục chủng viện đã không khơi dậy được lý tưởng tông đồ trong lòng họ suốt thời gian họ được đào tạo. Những người này mà làm linh mục thì không thể là những tông đồ đích thực được. Việc tông đồ khi ấy chỉ là một chức năng hay bổn phận của họ, chứ không phải là lý tưởng cuộc đời họ. Một số chủng viện hiện nay dường như chỉ chú trọng giúp các chủng sinh có những kiến thức, những khả năng hay đức tính cần thiết để thi hành chức năng của linh mục, hơn là đào tạo và củng cố lý tưởng hay tinh thần tông đồ. Như vậy là chỉ chăm lo cái ngọn hơn là cái gốc.

3. Tông đồ đích thực của Đức Giêsu

Thánh Phaolô viết: «Người Do Thái chính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài. Nhưng người Do Thái chính hiệu là người Do Thái tận đáy lòng» (Rm 2,28-29). Cũng vậy, người tông đồ chính hiệu không căn cứ trên những gì thấy được ở bên ngoài, mà là tông đồ từ trong đáy lòng. Chính lý tưởng tông đồ mà các Kitô hữu theo đuổi suốt cuộc đời mình và lòng nhiệt thành với lý tưởng ấy mới là lời đáp trả đích thực cho ơn gọi tông đồ mà họ đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Chính lý tưởng và lòng nhiệt thành ấy mới làm cho họ thành những tông đồ đích thực của Đức Giêsu, cho dù họ là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân. Thiếu lý tưởng và lòng nhiệt thành này thì không thể là tông đồ đích thực được. Chính lý tưởng và lòng nhiệt thành này nơi các tông đồ sẽ hấp dẫn mọi người, mọi dân tộc sống tinh thần Tin Mừng, nhờ đó Nước Thiên Chúa mới được thực hiện trên trần gian. Câu «Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về» (Mt 9,37-38) của Đức Giêsu là một lời mời gọi giúp ta ý thức được sự cần thiết của những tông đồ đích thực và cho thấy tình trạng thiếu tông đồ ở trần gian hiện nay. Là Kitô hữu đích thực, chúng ta không thể vô tình hay lãnh đạm với lời mời gọi cũng là nhu cầu khẩn thiết ấy.

Trước một nhân loại đầy những con người đau khổ vì sống thiếu tình thương, lời Đức Giêsu quả rất đúng: «Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về». Thiên Chúa chính là «chủ mùa gặt», chúng ta hãy xin Ngài sai phái những sứ giả đích thật của tình thương đến với nhân loại, để tiếp nối công việc của Đức Giêsu. Hầu biến từng tâm hồn, từng gia đình, từng họ đạo, từng khu phố… và cả Giáo Hội, cả thế giới thành những môi trường chan hòa tình thương, đầy tinh thần công bằng và lòng chân thật, nghĩa là thành Nước Trời ở trần gian.


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________