2.8.09

Những lời khuyên về gia đình
của thánh Gioan Kim Khẩu

Dịch từ phần phụ lục của cuốn
«Husbands, Wives, Parents, Children, Foundations for the Christian Family»
củaRalph Martin, Servant Books 1983.
do Nguyễn Chính Kết dịch


Thánh Gioan Kim Khẩu có một bài giảng về đoạn Thư của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Êphêsô 5,22-24 (Bài giảng số 20 về thư Êphêsô). Bài giảng này có một đoạn chú giải rất hay về đời sống hôn nhân và gia đình. Thánh Gioan Kim Khẩu là giám mục thành Constantinoplevào thế kỷ 15, và là một trong những vị giáo phụ vĩ đại của Giáo Hội. Khi viết cuốn «Nền tảng gia đình Kitô hữu», tôi mới khám phá ra ngài có bài giảng này. Tôi nghĩ sẽ có nhiều đôi vợ chồng rất thích lối nhìn của Thánh Kim Khẩu vì nó vừa hay lại vừa vui. Tập sách nhỏ này gồm một số đoạn trích từ bài giảng ấy.

Về hôn nhân

Không có mối tương quan nào giữa người với người lại thân mật cho bằng mối tương quan giữa vợ chồng với nhau -miễn là hai vợ chồng liên kết với nhau đúng như Chúa đã dạy.

Thánh Phaolô nói: «Hỡi những người vợ, hãy tuân phục chồng mình như tuân phục Chúa vậy». Tại sao Ngài lại nói như thế? Bởi vì khi vợ chồng hòa hợp với nhau, thì con cái họ sẽ được giáo dục tử tế, mọi việc trong nhà đâu ra đó; hàng xóm, bạn bè và thân quyến đều được hưởng lây danh thơm tiếng tốt của họ. Nhưng nếu họ không hòa hợp với nhau, thì mọi sự đều bị đảo ngược lại và rất dễ đi đến chỗ hỗn loạn. Cũng tương tự như các tướng lãnh trong quân đội, khi họ hòa thuận với nhau, thì các cấp dưới họ đều qui thuận họ, và quân đội sẽ hùng mạnh; còn trái lại, nếu họ chia rẽ nhau, thì mọi sự đều xảy ra ngược lại. Vì thế, Thánh Phaolô mới nói: «Hỡi những người vợ, hãy phục tùng chồng như phục tùng Chúa».

Khi ăn uống với nhau cùng một bàn, việc chung bàn đó sẽ tạo nên sự nhất trí, đồng lòng với nhau, cho dù những người cùng bàn là bọn ăn cướp, ăn chung với kẻ thù của chúng… Việc chung chăn chung gối cũng tương tự như vậy, nó kéo chúng ta lại với nhau đến nỗi trở thành «một xương một thịt».

Nếu chúng ta tìm kiếm những gì thuộc tâm linh, thì chúng ta cũng được cả những gì thuộc thể chất. «Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước đã, mọi thứ khác rồi sẽ được ban sau» (Mt 6,33). Bạn thử nghĩ xem, con cái của những bậc cha mẹ như vậy sẽ trở nên hạng người thế nào? Tôi tớ của những ông bà chủ như thế sẽ ra sao? Và tất cả những người khác đến gần họ sẽ trở nên thế nào? Họ sẽ chẳng được vô số người chúc lành cho họ sao? Vì thế, nếu chúng ta sống cho đàng hoàng, đồng thời chăm chỉ học hỏi Kinh Thánh, thì trong mọi chuyện, chúng ta sẽ tìm được trong đó những lời giáo huấn khôn ngoan. Và như vậy, chúng ta sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, và toàn bộ cuộc sống của chúng ta ở đời này sẽ trôi qua một cách tốt đẹp, đầy đức hạnh, đồng thời Chúa sẽ thực hiện đúng như lời Ngài đã hứa: Ngài sẽ chúc lành cho những ai yêu mến Ngài.

Lời khuyên cho những bậc làm chồng

Các bạn đã nghe nói người vợ phải phục tùng chồng thế nào và người chồng phải yêu thương vợ ra sao. Các bạn có mong vợ mình phục tùng mình như Giáo Hội phục tùng Đức Giêsu không? Nếu thế, bạn hãy lo lắng chăm sóc cho nàng cũng như Đức Giêsu đã chăm sóc lo lắng cho Giáo Hội vậy. Thật vậy, các bạn ai cũng mong muốn vợ mình phục tùng mình: nếu mà được vợ phục tùng, thì cho dẫu có phải hiến dâng cả đời mình cho nàng, cho dẫu thân xác bạn có bị xẻ ra thành ngàn mảnh, hay cho dẫu bạn phải chịu bất kỳ hình khổ nào, bạn cũng sẵn sàng chấp nhận hết.

Người bạn trăm năm của ta, người mẹ của những đứa con ta, chính là nhân tố nền tảng nhất có thể đem đến mọi niềm vui cho ta. Vì thế, ta đừng bao giờ làm cho nàng phải gắn bó với ta bằng cách đe dọa hay làm nàng sợ hãi, mà phải dùng tình yêu và sự dịu dàng mà chinh phục nàng. Nếu khi có mặt người chồng mà người vợ phải run sợ, thì hai vợ chồng đó liên kết với nhau theo kiểu gì vậy? Và nếu người chồng đối xử với vợ theo kiểu «chồng chúa vợ tôi» chứ không như một người bạn ngang hàng với mình, thì cái vui thú mà người chồng hưởng được là thứ vui thú gì vậy? Cho dẫu có phải chịu đựng hay bực bội nàng bất cứ điều gì, ta cũng không nên mắng nhiếc, nhục mạ nàng. Đức Kitô đâu bao giờ có thái độ như vậy!

Chúng ta có thể tìm nơi người vợ sự âu yếm, tính thùy mị và dịu hiền, đó là những đặc trưng của vẻ đẹp. Nhưng chúng ta đừng đòi hỏi nàng phải dễ thương, và cũng đừng trách mắng nàng về điều đó, là điều mà có thể nàng không làm được. Tốt hơn, ta đừng trách mắng nàng gì hết (vì trách mắng như thế có vẻ nghiêm khắc quá!), cũng đừng tỏ ra bực bội hay buồn phiền nàng điều gì. Bạn thấy không: có biết bao nhiêu người, sau khi sống với bà vợ thật đẹp của mình, đã phải trải qua những ngày cuối đời thật buồn thảm, và có biết bao nhiêu người sống với một người vợ không đẹp lắm mà lại được trường thọ và sống thật là hạnh phúc? Chúng ta hãy lau đi những «vết nhọ» tâm hồn, hãy làm cho phẳng những «vết nhăn» tâm hồn, và hãy xóa đi những «nhược điểm» trong tâm hồn chúng ta. Đó mới chính là vẻ đẹp mà Thiên Chúa muốn ta có. Chúng ta hãy làm cho nàng đẹp đẽ dưới con mắt của Thiên Chúa chứ không phải mắt của ta. Chúng ta đừng tìm sự giầu sang, cũng đừng tìm những vẻ sang trọng bề ngoài, mà hãy tìm sự cao thượng đích thực trong tâm hồn.

Một tình yêu cao thượng như thế sẽ đẹp lòng Thiên Chúa, và Ngài muốn chúng ta có một tình yêu cao thượng như thế đối với vợ mình. Yêu cao thượng như vậy không phải vì cả hai vợ chồng có cùng một tính tình như nhau. Không, nền tảng của trách nhiệm đối với vợ mình phải cao thượng hơn thế nhiều, vì chồng và vợ không phải là hai thân thể mà là một: chàng là đầu còn nàng là thân.

«Nhưng làm sao yêu cao thượng như vậy được nếu vợ tôi không kính trọng tôi?», người ta có thể nói như thế. Không sao, bạn cứ yêu cao thượng như thế đi, và cứ chu toàn bổn phận của mình đi. Bởi vì những gì chúng ta phải làm vì bổn phận đối với người khác, cho dù quan hệ giữa họ với ta không tốt đẹp, thì ta vẫn phải làm bổn phận của ta chứ! … Nhưng làm sao được nếu người kia không chịu tuân phục mình? Bạn cứ tuân theo Luật Chúa… Cho dẫu vợ mình không kính trọng mình, người chồng hãy cứ tỏ ra yêu thương nàng, để mình không bị thiếu xót ở điểm nào cả. Vì mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về việc mình làm.

Thánh Phaolô lại dùng lập luận trên -là gương của Chúa Kitô -để chứng tỏ rằng chúng ta không những phải yêu thương mà còn phải biết điều khiển nữa… Bởi vì nếu bạn làm cho nàng nên «thánh thiện không tỳ vết», thì mọi chuyện khác rồi sẽ xuôi chảy… Khôn khéo làm cho vợ mình cảm nhận được rõ rệt tình yêu của mình thì mọi sự trong nhà đều trở nên tốt đẹp.

Nếu chúng ta điều hành được tốt đẹp mọi việc trong nhà, thì chúng ta cũng có thể đảm trách được những công việc điều hành trong Giáo Hội. Vì gia đình chính là một Giáo Hội nho nhỏ (x. Tm 3,4-5).

Bạn hãy chứng tỏ cho vợ mình thấy bạn rất lấy làm hân hạnh được sống với nàng, và vì nàng mà bạn muốn ở nhà với nàng hơn là đi chỗ này chỗ kia. Hãy khen ngợi nàng trước mặt tất cả những bạn bè của bạn, và hãy tỏ ra yêu thương nàng hơn cả những đứa con do nàng sinh ra, và bạn hãy yêu những đứa con này vì chúng chính là con của nàng. Nếu nàng làm được điều gì tốt đẹp, bạn hãy khen ngợi và tỏ ra cảm phục nàng. Nếu nàng làm điều gì sai trái, không hay… bạn hãy khuyên bảo và nhắc nhở nàng… và hãy tiếp tục chỉ bảo cho nàng những điều ích lợi.

Khi nào cầu nguyện thì hai vợ chồng hãy cầu nguyện chung với nhau. Nếu hai vợ chồng cùng đến nhà thờ để cầu nguyện, thì khi về nhà, hai người hãy chia sẻ với nhau những gì mình đã cầu nguyện ở nhà thờ. Nếu chẳng may gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, bạn hãy trưng dẫn trường hợp của Phêrô và Phaolô, là những người sống rất nghèo khổ, thường bị đói khát, thế mà các ngài lại được kính trọng hơn bất kỳ vị vua chúa hay người giầu có nào. Hãy cho nàng biết rằng trên trần gian này, ngoài việc làm mất lòng Chúa ra, thì không nên sợ bất cứ điều gì hết.

Hãy chia sẻ với nàng những bài học ấy một cách thật tế nhị và dễ thương, bởi vì khuyên bảo về đức hạnh, tự bản chất, là một việc mang tính cách đúng đắn và quá nghiêm nghị… Bất cứ lúc nào nói về sự khôn ngoan đích thật, bạn hãy cố gắng nói sao cho thật duyên dáng và chan hòa tình cảm.

Và trên hết, hãy giúp nàng bỏ hẳn quan niệm «của anh», «của em». Nếu nàng nói một vật nào đó là «của em», bạn hãy nói với nàng: «Em nói vật nào là của riêng em vậy? Thật sự anh không biết vật nào là của riêng em. Phần anh, anh không có vật gì là của riêng anh cả. Làm sao em có thể phân biệt được vật nào là “của em” khi mà tất cả mọi thứ đều là của em hết? Nếu anh không có quyền trên thân xác của anh (x. Cr 7,4), thì chính em có quyền đó. Tất cả những gì của anh đều là của em. Thậm chí bản thân anh cũng là của em».

Hãy trọng vọng nàng để nàng khỏi mong được người khác trọng vọng. Nếu nàng vui thích những lời tán dương của bạn, thì nàng không còn khao khát người khác ca tụng nàng nữa. Hãy tỏ ra yêu quí nàng trước mặt mọi người vì nàng được hết mọi mặt, cả về sắc đẹp lẫn trí khôn, và hãy khen ngợi nàng. Nhờ vậy, bạn sẽ làm cho nàng không còn để ý đến ai bên ngoài nữa, và cũng không thèm lưu tâm tới sự chú ý của ai ngoài bạn nữa. Hãy dạy nàng biết kính nể Chúa, rồi mọi sự tốt đẹp sẽ từ sự kính nể đó tuôn ra như một dòng suối, và ngôi nhà của bạn sẽ tràn đầy hạnh phúc.

Lời khuyên cho những người vợ

Khi phục tùng chồng, bạn hãy coi điều đó như một công việc phụng sự Thiên Chúa. Bởi vì nếu người nào chống lại quyền bính ngoài đời, chẳng hạn như chính quyền, người đó cũng «chống lại trật tự của Thiên Chúa» (Rm 13,2). Người vợ nào không chịu tuân phục chồng mình là chống lại trật tự đó còn hơn như thế nhiều. Đó là ý muốn của Thiên Chúa ngay từ khởi thủy.

Chúng ta hãy coi đây là trật tự nền tảng của gia đình: chồng là đầu, còn vợ là thân mình. Người vợ hãy kính nể chồng mình. Người vợ có quyền ở hàng thứ hai. Vì thế, nàng không nên đòi hỏi được bình đẳng về quyền hành với chồng, vì nàng là thân, nên ở bên dưới đầu. Chàng cũng không nên coi nàng như một người bề dưới, bởi vì nàng là thân thể. Nếu cái đầu coi thường thân mình, thì chính nó cũng sẽ bị diệt vong. Người chồng phải yêu thương vợ mình để người vợ có thể phục tùng mình, vì tình yêu là đối trọng phải có nơi người chồng để có được sự tùng phục nơi người vợ. Tương tự như mọi chi thể trong thân đều tuân hành mọi chỉ thị của cái đầu, bù lại, cái đầu hoàn toàn lo lắng cho toàn thân, và coi tất cả, mọi chi thể là chính mình. Cái đầu không bao giờ coi cái thân như một cái gì khác với nó. Không có một sự hiệp nhất nào tốt hơn sự hiệp nhất đó.

Người ta có thể thắc mắc: tình yêu mà có sự kính nể thì còn gì là tình yêu nữa? Tôi cho rằng tình yêu như thế là một tình yêu tốt đẹp. Bởi vì người phụ nữ nào kính nể chồng, thì cũng là yêu chồng. và người nào yêu chồng thì cũng phải kính nể chồng mình như là đầu, và yêu chàng như một chi thể, vì chính đầu cũng là một chi thể của toàn thân nói chung. Vì thế, một người thì phục tùng, còn người kia thì nắm quyền để có thể hòa thuận với nhau, bởi vì gia đình nào mà vợ chồng ngang quyền nhau, thì gia đình ấy không bao giờ có sự thuận hòa được. Cũng vậy, nhà nào mà dân chủ quá, nhà nào mà ai cũng có quyền hành cả, thì nhà đó chẳng bao giờ có hòa thuận. Nhưng quyền điều hành trong nhà chỉ nên dành cho một người đứng đầu mà thôi.

Người vợ mà phải kính nể chồng thì xem ra có vẻ bị thiệt thòi, nhưng thực ra là người có lợi, vì bổn phận chính yếu là yêu thương, thì người chồng phải đảm nhận.

Người vợ phải tỏ ra kính nể chồng mình như thế nào? Người vợ không nên cãi lại chồng mình, không nên chống đối, và cũng không nên ham thích tỏ ra hơn chồng mình.

Nếu bạn muốn pha trò hay đùa giỡn cho vui, bạn nên tránh đừng làm gì khiếm nhã hay vô lễ. Hãy làm cho phòng ngủ của vợ chồng bạn tươi mát, nhưng cũng đừng biến nó thành xa xỉ hay sang trọng quá. Hãy để những thứ xa hoa đó cho những người giầu có quí phái. Chính bạn hãy trang hoàng dọn dẹp nhà cửa cho gọn ghẽ chừng nào có thể, để người trong nhà được hít thở không khí trong lành hơn là thở hít quá nhiều mùi dầu thơm.


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________