2.8.09

LÝ TƯỞNG NÊN THÁNH
CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU


I. Con người tự nhiên và con người siêu nhiên

Con người giống con vật ở nhiều khía cạnh căn bản, nhất là về mặt thể chất. Nhưng con người khác con vật và hơn hẳn con vật nhờ có đời sống tinh thần.

Tương tự như vậy, con người siêu nhiên giống con người tự nhiên ở nhiều khía cạnh căn bản, nhất là về mặt tinh thần. Nhưng con người siêu nhiên khác con người tự nhiên và hơn hẳn con người tự nhiên nhờ có đời sống tâm linh.

a) So sánh con người và con vật

Về khía cạnh thể chất, con người có những khả năng và nhu cầu thể chất y như con vật: mắt thì thích nhìn cái đẹp; mũi thích ngửi mùi thơm; tai thích nghe những âm thanh ngọt ngào, bùi tai, nhạc hay; miệng lưỡi thích ăn của ngon vật lạ; thân thể thích những cảm giác êm ấm, mịn màng, mát mẻ, những cảm giác đặc biệt của dục tính. Nếu con người chỉ lo thỏa mãn những nhu cầu giác quan mà thôi, thì trên căn bản không hơn gì con vật.

Con người hơn con vật vì có khả năng và nhu cầu tinh thần. Con người có khả năng ý thức và tự ý thức, có khả năng suy nghĩ, tính toán. Nhờ khả năng suy nghĩ, tính toán, con người khắc phục được thiên nhiên và làm chúa tể của thế giới. Ngoài ra, con người còn hơn xa con vật nhờ có khả năng và nhu cầu về chân thiện mỹ. Thật vậy:

– Con người luôn luôn thích những gì là chân thật, không chấp nhận giả dối, quanh quéo; rất nhiều người đã dành cả cuộc đời để đi tìm chân lý.

– Con người cũng thích những gì là hay, tốt, và tự nhiên không muốn chấp nhận những gì là xấu. Con người cảm nghiệm nơi mình có một cái gọi là lương tâm, nó đòi hỏi con người phải hành thiện tránh ác, làm lành lánh dữ. Khi không hành thiện hay khi làm ác, con người bị lương tâm khiển trách, cắn rứt. Nhiều người không thể sống với một lương tâm cắn rứt.

– Con người cũng có nhu cầu thưởng thức cái đẹp trong thiên nhiên, vạn vật, và cả trong tâm hồn con người. Từ đó phát sinh ra đủ mọi nghệ thuật tương ứng với những hình thức đẹp và các nhu cầu đẹp của con người: hội họa, điệu khắc, âm nhạc, khiêu vũ, kịch nghệ, điện ảnh, v.v…

b) So sánh con người tự nhiên và con người siêu nhiên

Không chỉ có vậy, con người còn có khả năng và nhu cầu tâm linh, nghĩa là khả năng và nhu cầu:

– hướng về tuyệt đối, hay chân thiện mỹ tuyệt đối, là nguồn gốc của tất cả những gì là chân, thiện, mỹ mà họ gặp được trong vũ trụ vạn vật. Nhờ đó, họ trở thành người thật sự chân thật, thật sự tốt lành…

– hướng về vô hạn hay vô biên, vượt lên trên tất cả những gì hạn hẹp mà họ kinh nghiệm được trong cuộc sống. Nhờ đó, họ trở nên người có sức mạnh, có những khả năng siêu vượt…

– hướng về tình yêu thương đích thực, là tình yêu vô vị lợi, yêu rộng khắp, có khả năng ra khỏi con người ích kỷ của mình để hoàn toàn hướng về đối tượng yêu (1*).

Chính nhờ phát triển khả năng và nhu cầu tâm linh này mà con người siêu nhiên có giá trị vượt xa hẳn con người chỉ có những nhu cầu tinh thần bình thường. Càng phát triển khả năng và nhu cầu tâm linh này, con người càng «giống Thiên Chúa» hơn, càng là «hình ảnh Thiên Chúa» một cách trung thực hơn, nghĩa là con người càng «nên thánh» hơn, càng trở nên «thần linh» hơn.

c) Con người cần phát triển đầy đủ và trọn vẹn

Một con người phát triển đầy đủ, trọn vẹn cần thỏa mãn cả những nhu cầu thể chất như con vật, mà cũng phải thỏa mãn những nhu cầu tinh thần và tâm linh. Càng chú trọng đến những nhu cầu tinh thần và tâm linh, con người càng trở nên tiến hóa hơn, hoàn hảo hơn, và là «người» hơn. Nếu con người chỉ quan tâm thỏa mãn những nhu cầu của thể chất, mà không hoặc ít quan tâm thỏa mãn những nhu cầu tinh thần và tâm linh, thì con người chỉ như một con thú cao cấp mà thôi.

Con người chỉ tìm cách phát triển và thỏa mãn những khả năng và nhu cầu tinh thần tự nhiên thì chỉ là con người thuần túy tự nhiên. Còn con người tìm cách phát triển và thỏa mãn những khả năng và nhu cầu tâm linh là những con người siêu nhiên, còn gọi là những con người thánh thiện.

Con người được Thiên Chúa mời gọi nên thánh, nghĩa là trở nên thần linh giống như Ngài. Con người đã được Thiên Chúa dựng nên để có khả năng trở nên như thế. Muốn đáp lại sự mời gọi này, con người cần nỗ lực phát triển và thỏa mãn những khả năng và nhu cầu tâm linh.

II. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa

Theo mạc khải Kitô giáo, con người không chỉ là một con vật thượng đẳng, hơn những con vật khác ở chỗ có lý trí, có khả năng suy xét, lý luận, vì có khả năng hướng về chân thiện mỹ. Con người còn là một cái gì cao cả hơn như thế. Xét về cấp độ hữu thể, con người cao hơn con thú, nhưng thấp kém hơn thần linh. Sự cao cả và vĩ đại của con người nằm ở chỗ con người có thể phát triển đến mức có thể giống với thần linh nhiều hơn là giống với con thú: «Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy» (Tv 8,6). Sự thua kém thần linh của con người không phải là vĩnh viễn, mà chỉ là trong thời gian: «Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn» (Dt 2,7). Nhờ được Đức Giêsu-Kitô tử nạn và phục sinh cứu độ, con người còn có thể vượt lên cao hơn, vinh quang hơn nữa (x. Dt 2,9). Vì sao?

Theo mạc khải Kitô giáo, con người được dựng nên theo «hình ảnh Thiên Chúa» (St 1,27; 9,6; Ep 4,24), «giống như» Thiên Chúa (St 1,26; 5,1), và «được thông phần bản tính của Thiên Chúa» (2Pr 1,4), một Thiên Chúa mà bản chất là yêu thương (x.1Ga 4,8.16). Con người đã được nâng lên hàng «con cái Thiên Chúa» (x. Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10), vì thế, một cách nào đó, con người còn mang tính chất thần linh: «Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao» (Tv 82,6; Ga 10,35). Chỉ có sự cao cả và vĩ đại này của con người mới có thể trả lời được câu hỏi: vì sao mà Thiên Chúa cao cả như vậy lại quý trọng và bảo vệ con người đến mức độ «như con ngươi trong mắt» Ngài (Tv 17,8; Hc 17,22; Dc 2,12)? «Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến? Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?» (Tv 8,5). Vì thế, phẩm giá của con người rất cao cả, chúng ta cần phải sống cho xứng với phẩm giá ấy. Sống cho xứng với phẩm giá ấy không gì tốt hơn là cố gắng nên thánh.

Điều làm cho chúng ta có vẻ như hèn hạ, chính là tội lỗi, mà nguyên nhân đầu tiên là tội nguyên tổ, và tiếp theo là những tội lỗi của riêng mỗi người. Tội lỗi làm chúng ta giống như những ông tiên hay những nàng tiên bị đọa. Nhưng dù bị đọa, những ông tiên hay nàng tiên ấy vẫn giữ được cái «cốt tiên» không bao giờ mất của mình. Cũng vậy, dù bị tội lỗi làm mất đi vẻ cao cả, nhưng bản chất là «hình ảnh của Thiên Chúa», tức cái «cốt thần linh» của chúng ta vẫn không bao giờ mất. Đức Giêsu đã đến để phục hồi lại vẻ cao cả của chúng ta, nhưng chưa trọn vẹn vì còn phải có sự góp phần của riêng mỗi người vào sự phục hồi ấy. Ngài đã phục hồi được 99%, và còn 1% để dành cho chúng ta vì không muốn chúng ta mất phần danh dự đóng góp vào việc phục hồi ấy.

Như vậy, nếu bản chất của Thiên Chúa là yêu thương, thì con người sở dĩ giống Thiên Chúa chủ yếu là ở khả năng và nhu cầu yêu thương như Thiên Chúa. Khi khả năng ấy phát triển cao độ, con người có thể hy sinh cho nhau, thậm chí có thể chết cho nhau. Do đó, yêu thương chính là khả năng cao quý nhất của con người nó khiến con người giống Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên mình và vũ trụ vạn vật, vì bản chất của Ngài là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16). Con người có thánh thiện hay không, nghĩa là có giống Thiên Chúa hay không, chủ yếu ở khả năng này. Và Thiên Chúa mời gọi con người trở nên thánh thiện như Ngài, nghĩa là Ngài mời gọi con người phát triển và hoàn thiện khả năng yêu thương này, để có thể yêu thương được như Ngài.

Tội nguyên tổ và tội riêng của mỗi người đã khiến chúng ta như những con sư tử – trong câu chuyện ngụ ngôn dưới đây – phải sống lạc loài giữa bầy nai ngay từ lúc vừa sinh ra. Nhưng dù sống giữa bấy nai, dù tưởng mình là nai, con sư tử nai vẫn không đánh mất được bản chất sư tử của mình. Để rồi một ngày nào đó, nhờ một con sư tử khác – hình ảnh của Đức Giêsu – mặc khải cho biết bản tính đích thực của nó, con sư tử nai đã ý thức được nó là sưtử, và đã trở thành một con sư tử đích thực.

Câu chuyện dụ ngôn «con sư tử nai» của Ấn Độ

Là con cái Thiên Chúa, chúng ta được tạo dựng nên giống như Ngài. Nhưng hiện nay, chúng ta vẫn sống như thể mình không phải là như vậy, thậm chí không hề ý thức hay biết mình là như vậy. Chúng ta sống y hệt con sử nai trong dụ ngôn của Ấn Độ sau đây, nó cứ tưởng mình là nai, chứ không biết bản chất của mình là sư tử (2*):

«Một con sư tử có thai sắp tới ngày sinh con. Hôm đó vì ham đuổi theo con mồi, nó đã nhảy qua một con suối rộng. Vì đang mang thai mà quá ráng sức, nên khi nhảy qua được dòng suối, nó liền sinh ra một con sư tử con rồi chết. Sư tử con được một bầy nai đem về nuôi. Sư tử con lớn lên giữa bầy nai và sinh hoạt y như những con nai khác: cũng ăn cỏ, cũng kêu be be, cũng hoảng sợ trốn chạy khi gặp sói, cáo… Sư tử con càng ngày càng lớn, nhưng không hề biết bản chất đích thực của mình.

«Một hôm, một con sư tử khác từ đỉnh đồi nhìn xuống đồng cỏ, trông thấy con sư tử nai cũng to như mình, nhưng lại hiền lành ăn cỏ giữa bầy nai, nó bèn chạy tới xem sao. Sư tử nai thấy sư tử thực tới thì cũng sợ hãi chạy bán sống bán chết như những con nai khác. Con sư tử thực bèn bắt cho bằng được con sư tử nai, và chỉ cho nó thấy rằng nó là sư tử chứ không phải nai. Con sư tử nai mới đầu hết sức ngạc nhiên, không thể tin được. Nhưng khi con sư tử thật cho nó nhìn thấy bóng mình dưới mặt hồ trong, tập cho nó ăn thịt uống máu những con thú khác, và tập cho nó gầm lên, bấy giờ nó mớùi hoàn toàn thấy nó là sư tử.

«Từ lúc biết chắc chắn mình là sư tử, con sư tử nai bỗng nhiên cảm thấy như sức mạnh, sự oai vệ hùng hổ của một con sư tử đến với mình. Thế là từ đó, nó là sư tử, nó không còn sống cái kiếp nai như trước nữa».

Qua câu chuyện trên, ta thấy: Một con nai thuần túy sẽ mãi mãi là nai, không bao giờ trở thành sư tử được. Con sư tử nai sở dĩ có thể trở thành sư tử thật, vì bản chất của nó vốn là sư tử. Nhưng nếu con sư tử nai cứ tưởng mình là nai, không hề biết bản chất thật của mình là sư tử, thì nó sẽ mãi mãi là sư tử nai, không bao giờ trở thành sư tử thật được. Nó chỉ trở thành sư tử thật sau khi biết mình là sư tử, đồng thời biết tập luyện để hành xử đúng như một con sư tử thật.

Cũng vậy, Thiên Chúa đã tạo dựng con người không chỉ là một con thú cao cấp, hơn hẳn các con thú khác, mà còn nâng con người lên hàng con cái mình, chia sẻ hay «thông phần» bản tính của Ngài cho con người (2Pr 1,4). Nhưng hầu hết con người trên thế giới đều tưởng mình chỉ là một con thú cao cấp, chứ không ý thức được bản tính và phẩm chất cao cả của mình. Vì thế, họ hầu như chỉ sống và đạt được khả năng tối đa của một con thú cao cấp mà thôi.

Nhưng trong con người, Thiên Chúa đã đặt sẵn «hạt giống thần linh» để có thể trở nên «giống như Ngài» (x. St 1,26; 5,1), tức nên thánh như Ngài (x. Mt 5,48). Con sư tử nai trong câu chuyện trên chỉ cần nhận ra mình là sư tử chứ không phải là nai, và tập hành xử như một con sư tử đích thực, thì lập tức nó trở thành sư tử đích thực. Cũng vậy, để có thể nên thánh như Thiên Chúa, con người phải ý thức được bản chất thần linh và thánh thiện của mình, mà Thiên Chúa đã đặt sẵn trong bản tính con người, và tập sống cho đúng bản tính ấy.

III. Con người được mời gọi nên thánh như Thiên Chúa

Đức Giêsu đã mời gọi mọi người Kitô hữu, không trừ ai: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Nếu đọc và suy nghĩ sâu xa về câu Kinh Thánh này, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về chữ «như» ở trong câu. Và chúng ta có thể tự hỏi: liệu Đức Giêsu có lầm không, hoặc có nói quá đáng không khi mời gọi chúng ta nên hoàn thiện ở mức độ «như Cha trên trời»? Con người làm sao sánh ví với Thiên Chúa được? Ngài có phạm thượng không? Hay chúng ta phải hiểu câu này theo kiểu nói quá như trong những thành ngữ: «trắng như tuyết», «cao như núi», v.v…? hay như kiểu «hắn hút thuốc y như ống khói tàu»? – Nếu ta ý thức được bản tính của Thiên Chúa đã được ươm sẵn ngay trong bản tính của ta từ khi ta sinh ra, thì ta thấy lời mời gọi nên thánh của Đức Giêsu không nên hiểu theo nghĩa «nói quá», hoặc theo nghĩa bóng! Tôi nghĩ cần phải hiểu lời ấy của Ngài theo nghĩa đen!

Chúng ta không phải là một phàm nhân thuần túy: một phàm nhân thuần túy không bao giờ trở nên thánh hay nên con cái Thiên Chúa được. Cũng như một con– vốn không có bản tính người – không bao giờ có thể sống như một con người, hay trở nên người được. Tương tự như vậy, con người làm sao có thể nên thánh, nếu bản tính của mình vốn không phải là thánh? May thay, chúng ta được Thiên Chúa dựng nên giống Ngài, theo hình ảnh của Ngài, được thông phần bản tính của Ngài, nghĩa là tự bản chất chúng ta đã là thần, là thánh. Nhưng chúng ta mới chỉ là thánh hay thần linh trong tiềm năng, nghĩa là có thể trở nên thánh, chứ chưa phải là thánh trong hiện thực. Nói cách khác, chúng ta chưa sống cho ra thần ra thánh, đúng với bản chất của mình. Vậy, chúng ta cần phải ý thức ơn gọi nên thánh của mình, khả năng nên thánh và nhất là ý thức bản chất thánh của chúng ta. Có thế, việc nên thánh của ta mới có thể trở thành hiện thực.

a) Ơn gọi lớn nhất của con người: nên thánh

Thông thường, khi nói về ơn gọi, người ta nghĩ ngay tới ơn gọi linh mục, ơn gọi tu sĩ. Và tới thế kỷ 20, giáo dân cũng bắt đầu được coi là một ơn gọi: ơn gọi giáo dân. Nhưng cho tới nay, một chủng sinh hay tu sĩ mà bỏ tu ra làm giáo dân, thì nhiều người – kể cả linh mục, giám mục, hay những nhà trí thức trong Giáo Hội – nói rằng người đó «mất ơn gọi». Người ta làm như thể chỉ có linh mục, giám mục, tu sĩ là có ơn gọi, và họ coi ơn gọi của những vị ấy hết sức cao cả, bỏ ơn gọi ấy mà ra làm giáo dân thì thật là đáng tiếc! Còn giáo dân thì chẳng sợ bị mất ơn gọi, vì giáo dân có ơn gọi đâu mà mất! Thật ra người ta quên rằng bất cứ Kitô hữu nào cũng có một ơn gọi rất cao cả là nên thánh.

Sau Công Đồng Vatican II, quan niệm coi trọng và đề cao ơn gọi linh mục cũng như các «chức thánh» hơn cả ơn gọi chung của người Kitô hữu là nên thánh, đã trở nên lỗi thời và không có nền tảng. Hiện nay Giáo Hội quan niệm rằng ơn gọi lớn nhất, cao cả nhất của mọi Kitô hữu là nên thánh, như Đức Giê-su từng mời gọi mọi Kitô hữu không trừ ai: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Công Đồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: «Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người» (GH 11§3).

b) Không hẳn cứ phải làm linh mục / tu sĩ mới nên thánh được

Nên thánh là ơn gọi chung cho tất cả mọi người, dù là giáo dân, linh mục, giám mục, hay giáo hoàng, và là ơn gọi cao cả nhất. Tất cả mọi người – chứ không phải chỉ các giáo sĩ và tu sĩ – đều được Thiên Chúa kêu gọi nên thánh. Nhưng không phải tất cả mọi người đều được kêu gọi làm tu sĩ hay giáo sĩ (tức làm linh mục, giám mục, hồng y hay giáo hoàng). Đây chỉ là những con đường nên thánh cá biệt, chứ không phổ quát. Làm tu sĩ hay giáo sĩ thiết tưởng là việc tương đối dễ và không hẳn là cần thiết và quan trọng lắm, làm thánh mới là khó, nhưng cần thiết, quan trọng và cao cả hơn rất nhiều.


Đối với mỗi cá nhân Kitô hữu, ơn gọi nên thánh quan trọng hơn rất nhiều so với ơn gọi làm các chức vụ trong Giáo Hội, cho dù cao đến đâu! Vì thử hỏi: làm linh mục, giám mục, hồng y hay giáo hoàng, dù có hiển hách lẫy lừng đến đâu, nếu bản thân không nên thánh thì có ích lợi gì? Trước tòa Chúa phán xét, có ai lấy chức linh mục, giám mục hay giáo hoàng ra mà cứu được linh hồn mình chăng? Tương tự như lời Đức Giêsu: «Được cả trần gian mà mất linh hồn thì được ích gì? có thể lấy những thứ ấy mà cứu được linh hồn mình không?» (Mt 16,26). Tóm lại, để nên thánh thì không nhất thiết là phải làm linh mục hay tu sĩ; và cũng không phải hễ linh mục hay tu sĩ thì tất nhiên là thánh.

Trong Giáo Hội hiện nay, vẫn còn có những quan niệm sai lầm, nhưng rất phổ biến, nhất là tại Việt Nam, là làm như ơn gọi làm linh mục, giám mục… thì cao trọng hoặc quí trọng hơn ơn gọi nên thánh phổ quát của mọi Kitô hữu! Thiết tưởng, dưới con mắt của Thiên Chúa, một vị thánh – cho dù là giáo dân, dù là một người có địa vị thật thấp kém trong xã hội – vẫn luôn luôn cao cả và giá trị hơn một linh mục, giám mục, hay giáo hoàng mà không thánh thiện, thậm chí giá trị hơn vô vàn lần! Nhưng người ta – kể cả những người dạy dỗ về siêu nhiên – vẫn thích nhìn bằng con mắt của người đời hơn bằng con mắt của Thiên Chúa!

Sở dĩ có quan niệm này là vì đã một thời Giáo Hội có khuynh hướng thượng tôn các chức thánh, chẳng hạn coi chức linh mục còn cao trọng hơn cả chức vị các thiên thần, thậm chí hơn cả Đức Maria… (xem cuốn Tôi muốn làm linh mục, và cuốn Con tôi làm linh mục, xuất bản trước 1975). Hiện nay, nhiều giáo dân và một số linh mục vẫn còn có khuynh hướng thượng tôn các chức thánh như thế! Thiết tưởng những người này cần tự hỏi và xác định: Thiên Chúa muốn ta nên thánh hay muốn ta làm tu sĩ, linh mục, giám mục… hơn? Nên thánh, và nên linh mục, giám mục… cái nào cần thiết cho chúng ta hơn? – Cần phải quan niệm cho đúng: quan niệm có đúng thì hành xử mới đúng được!

IV. Hãy cố gắng nên thánh trong đời sống của mình

Như vậy, dù là giáo dân hay giáo sĩ, mọi Kitô hữu đều được Thiên Chúa kêu gọi nên thánh y như nhau, và ai cũng có khả năng nên thánh. Nên thánh chính là trở nên «hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Đó là ơn gọi chung và cao cả nhất của con người, cao cả hơn bất kỳ một ơn gọi cá biệt nào. Vì thế, điều quan trọng nhất mà ta phải làm trong cuộc đời của chúng ta là nên thánh, chứ không phải là làm vua, làm tổng thống, bộ trưởng, làm anh hùng, hoặc làm giáo hoàng, giám mục hay linh mục… Lý tưởng nên thánh đáng cho ta dành tất cả nỗ lực và trọn cả cuộc đời để thực hiện. Tuy nhiên, dù làm giáo sĩ hay giáo dân, dù làm vua, làm tướng hay làm dân quèn, trong bất kỳ ngành nghề hay địa vị nào, ta vẫn có thể nên thánh. Thà làm một người dân quèn hay một giáo dân hạng bét mà nên thánh thì vẫn giá trị trước mặt Thiên Chúa cả triệu lần hơn là làm vua làm tướng, làm giáo hoàng hay giám mục mà không nên thánh.

Điều rất quan trọng để có thể nên thánh, đó là ý thức bản chất thần linh hay thánh thiện của mình. Chúng ta đã là thánh từ trong bản chất, và chúng ta chỉ chưa sống cho đúng với bản chất ấy thôi (tương tự như con sư tử nai vẫn còn sống như một con nai, chứ chưa sống đúng như một con sư tử). Không ai có thể nên thánh nếu không có tiềm năng để nên thánh. Nên thánh chính là sống cho đúng với bản chất thánh mà chúng ta đang có sẵn. Ý thức sâu xa về điều này sẽ là một nguồn trợ lực mạnh mẽ cho việc nên thánh.

Trong tất cả mọi biểu hiện của sự thánh thiện, thì đức ái hay tình yêu thương đích thực là quan trọng nhất. Hiến chế Giáo Hội của Công đồng Vatican II nói: «Đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, là linh hồn của những phương thế ấy và đưa chúng đến cùng đích» (Lumen Gentium, số 42). Rất nhiều Kitô hữu coi các nghi thức tôn giáo quan trọng hơn việc sống đức ái. Thật ra, tất cả mọi nghi thức tôn giáo đều chỉ là những phương tiện đem lại ơn Chúa, giúp ta có sức mạnh để thực hiện đức ái. Nếu chúng ta lại coi những nghi thức tôn giáo ấy – chứ không phải đức ái – mới là điều chính yếu phải làm, thì chúng ta đã không phân biệt được đâu là mục đích đâu là phương tiện, đâu là chính đâu là phụ. Sự sai lầm ấy sẽ dẫn chúng ta đến một thứ thánh thiện giả hiệu, chỉ ở bề ngoài mà thôi!

Để kết thúc, xin lấy lại lời của thánh Phanxicô Salê: «Ông kia bà nọ nên thánh được, tại sao tôi không?»

______________________________________

Phần chú thích

(1*) Về mặt tình cảm, con người tự nhiên có khả năng yêu thương tự nhiên. Tình yêu tự nhiên là tình yêu phát sinh và phát triển dựa trên nhu cầu tự nhiên của con người. Nghĩa là: nếu có ai thỏa mãn cho tôi một nhu cầu nào đó, tự nhiên tôi có cảm tình, tôi mến, tôi thương và gắn bó với người ấy nhiều hơn những người khác. Chẳng hạn một cô gái trẻ đẹp, ăn nói duyên dáng, tức là người có khả năng thỏa mãn nhu cầu mỹ thuật trong tôi, tự nhiên tôi có cảm tình và dễ yêu mến cô gái ấy. Một người bạn rất tốt với tôi, luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi, tức là người có khả năng thỏa mãn nhu cầu thiện hảo của tôi, và cả những nhu cầu cụ thể trong đời sống của tôi, thì tự nhiên tôi có cảm tình và yêu mến người bạn ấy. Nếu phân tích cho kỹ thì trong tình yêu tự nhiên của tôi, tôi gián tiếp yêu chính bản thân tôi qua trung gian người có khả năng thỏa mãn nhu cầu của tôi. Trong đời sống tôn giáo, con người yêu Chúa vì Chúa có thể thỏa mãn những nhu cầu nào đó của mình, mà họ thường nói lên với Ngài khi cầu xin.

Còn tình yêu đích thực là tình yêu do bản tính yêu thương của mình. Tình yêu vượt lên trên tất cả những nhu cầu tự nhiên của con người, nghĩa là lý do yêu không phải vì đối tượng yêu có thể thỏa mãn nhu cầu vật chất hay tinh thần của mình. Có thể gọi thứ tình yêu này là «tình yêu tự tánh»: yêu vì bản tính của mình là yêu thương, không vì một lý do nào cả. Còn có lý do để yêu – thường là vị kỷ – thì không phải là tình yêu đích thực, mà chỉ là yêu mình một cách gián tiếp qua đối tượng yêu mà thôi. Đối tượng của tình yêu vị kỷ này cuối cùng vẫn là chính bản thân chủ thể yêu. Con người siêu nhiên phải là con người có khả năng yêu thương đích thực.

(2*) Câu chuyện về «Chúa Chổm» trong lịch sử Việt Nam có ý nghĩa tương tự: Anh Chổm là con rơi của một vị vua với một cô bán quán dọc đường. Hồi nhỏ, không ai biết anh là con vua, nên phải sống thân phận dân thường, thậm chí rất nghèo khổ, phải làm thuê làm mướn. Đến khi nhà vua không có con trai nối dõi tông đường mới nhớ đến cô gái bán quán thuở nào. Ông cho người đi tìm và tìm được anh Chổm, và anh được vua truyền ngôi cho. Khi là thường dân, anh đâu ngờ mình cũng là một hoàng tử, con vua. Tuy thua kém biết bao thường dân khác về nhiều mặt, nhưng anh lại hơn hẳn họ về nguồn gốc và dòng dõi. Những người khác dù có tài đức hơn anh tới đâu cũng không có quyền nối ngôi vua. Tuy nhiên, khi được đưa về hoàng cung, anh phải mất một thời gian để tập làm quen với tư cách của một hoàng tử, một vị vua tương lai.

Anh Chổm, khi chưa biết được nguồn gốc cao quý của mình, anh lầm tưởng mình chỉ là một tên «dân ngu cu đen», một tên «nghèo mạt rệp», không dám ngẩng mặt lên nhìn đời. Vì thế, anh phải sống chui rúc, sợ sệt đủ mọi hạng người, và tư cách của anh không khác gì tư cách của một tên thường dân, thậm chí còn kém thường dân nữa. Tuy nhiên, khi biết mình là con vua, anh không thể thay đổi tư cách, lối suy nghĩ, nói năng và hành động của anh trong một vài ngày hay một vài tháng. Anh phải dành một thời gian khá dài để tập suy nghĩ và ứng xử như một hoàng tử, và hơn nữa, một vị vua.

Chúng ta, mặc dù biết phẩm giá của mình là «con cái Thiên Chúa», nhưng cách quan niệm, suy nghĩ và hành xử của chúng ta chưa phù hợp với phẩm giá ấy. Nỗ lực thay đổi cách quan niệm, suy nghĩ và hành xử của chúng ta cho phù hợp với phẩm giá cao quý ấy chính là quá trình «nên thánh», điều này đòi hỏi ý thức cao độ về phẩm giá ấy và phải có thời gian tập luyện.


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________