2.8.09

«Nên thánh»
quan trọng hơn «chức thánh»


Lý do viết bài này

Sau khi đọc bài «Chức linh mục là «thánh chức» hay chỉ là tác vụ? » của linh mục Ngô Tôn Huấn, đăng trên Vietcatholic News ngày 21 tháng 3 năm 2004, tôi định không viết bài trả lời. Vì tôi thấy bài của tác giả toát lên một phong cách «cha chú» mà tôi thấy không phù hợp đối với một linh mục, trong đó có những lời mạ lỵ những giáo dân có thiện chí xây dựng Giáo Hội bằng một giọng phẫn nộ, và còn kết án họ là lạc giáo nữa.

Nhiều người khuyến khích tôi trả lời, nhưng tôi cảm thấy không có chút hứng thú nào để trả lời những bài như vậy. Nhưng những người khuyến khích kia cho rằng tôi cũng có trách nhiệm phải làm cho rõ phải trái, đúng sai, chứ không nên vì cao ngạo mà im lặng. Họ cho rằng nếu tôi im lặng, nhiều người sẽ cho bài viết của linh mục Huấn là đúng hoàn toàn vì không được nghe những ý kiến ngược lại. Từ đó sẽ phát sinh nhiều tai hại khác cho Giáo Hội. Tôi thấy ý kiến ấy cũng hữu lý, nên vì sự cần thiết phải có những ý kiến khác nhau để giúp mọi người suy nghĩ khách quan hơn mà tôi viết bài này.

Bài này không nhằm cá nhân linh mục Ngô Tôn Huấn, mà chỉ nhắm trả lời cho một số quan niệm hay tư tưởng trong bài viết – đã được tung lên net – của tác giả hầu làm cho vấn đề trở nên sáng tỏ hơn mà thôi.

Giáo dân cũng nên góp phần xây dựng Giáo Hội

Tôi chấp nhận rằng hàng ngũ giáo dân nói chung không được học hỏi về thần học hay giáo lý công giáo nhiều bằng hàng ngũ linh mục. Nhưng chẳng lẽ vì thế mà giáo dân không thể hoặc không nên lên tiếng góp ý xây dựng Giáo Hội trong tầm mức hiểu biết của mình? Chẳng lẽ giáo dân chỉ biết nghe và nên nghe, chứ không biết nói hoặc không nên nói? Chẳng lẽ việc góp ý xây dựng Giáo Hội chỉ dành độc quyền cho hàng giáo sĩ, còn giáo dân thì chỉ có quyền «pray, pay and obey» (cầu nguyện, đóng góp tiền bạc và vâng lệnh giáo sĩ) thôi sao?

Nếu giáo dân góp ý với thiện chí xây dựng Giáo Hội mà có sự sai sót – điều này rất dễ xảy ra – thì các linh mục, với quyền giáo huấn, có thể chỉ cho giáo dân ấy biết sự sai sót của mình trong tình huynh đệ (hoặc tình cha con theo quan điểm của linh mục Huấn). Như vậy thì đẹp đẽ biết bao, cần gì phải nói với một giọng trịch thượng và mạ lị họ? Nếu linh mục mà xử sự với giáo dân một cách có tình có nghĩa như vậy, thì việc linh mục được giáo dân gọi bằng «cha» có phần nào hợp lý và chính danh hơn!

Trường hợp ba giáo dân được linh mục Huấn đề cập

Có ba giáo dân mà linh mục Huấn nêu tên ra để gọi họ là những «trí thức nửa vời» và «lạc đạo» là:

– Võ Lý với bài «Hội chứng quyền lực trong Giáo Hội» đăng trong tờ báo Dấn thân tại Texasvà trên trang web http://www.danthan.org/Current_issue/HCQL.html, đã được đăng lại trên: http://tiengnoigiaodan.net/diendan/bd_hcql.html.

– Trần Duy Nhiên với bài «Thư chúc mừng ngày nhận lãnh tác vụ linh mục», đăng trên trang web http://tiengnoigiaodan.net/tuducth/thu_cmlm.html.

– và Nguyễn Chính Kết với bài «Hãy cải thiện Giáo Hội địa phương từ gốc chứ đừng từ ngọn», cũng đăng trên trang web http://tiengnoigiaodan.net/tuducth/caithien.html.

Rất mong các độc giả đọc và thử so sánh phong cách viết của ba giáo dân ấy với phong cách viết của linh mục Ngô Tôn Huấn với bài «Chức linh mục là «thánh chức» hay chỉ là «tác vụ», đăng trên trang web http://vietcatholic.net, và đã được đăng lại trên trang web http://tiengnoigiaodan.net/diendan/bd_nth03.html, xem ai viết với sự dè dặt, với tinh thần xây dựng, với lòng kính trọng và khiêm cung hơn?

Điều quan trọng là viết để xây dựng Giáo Hội

Không biết hai người kia thì sao, riêng tôi, nếu có ai gọi tôi là «trí thức nửa vời», hay «lạc đạo», thì đây quả là một dịp để tôi xét lại chính bản thân tôi cũng như cách sống, cách viết của tôi hầu sám hối và sửa sai, đặc biệt trong dịp mùa Chay và Tuần Thánh này. Khi xét lại bản thân, tôi cũng tự nhận thấy kiến thức của mình – đặc biệt về tín lý, thần học – đúng là rất giới hạn. Có biết bao điều mình chưa biết về những vấn đề mà mình đề cập đến trong những bài viết của mình! Vì thế, được hay bị gọi là «trí thức nửa vời», quả thực tôi thấy cũng không đến nỗi oan ức gì! Còn bị cho là «lạc đạo» thì tôi cũng cầu xin Chúa cho mình tránh được chừng nào hay chừng ấy! Có điều là nếu biết mình «lạc đạo» thì tôi sẽ lập tức sửa lại quan điểm của mình theo giáo huấn của Giáo Hội ngay. Tôi chỉ ước mong rằng những ai gọi người khác là «trí thức nửa vời» hay «lạc đạo» thì sẽ tránh được cho mình tình trạng ấy!

Tuy nhiên, dù hiểu biết của tôi rất hạn hẹp, dù có bị gọi là «trí thức nửa vời», dù rất có thể rơi vào «lạc đạo», tôi vẫn viết và sẽ tiếp tục viết. Có điều sẽ viết cẩn thận hơn! Viết để xây dựng Giáo Hội và cả đất nước nữa! Tôi không hề sợ bị người ta gọi mình như thế. Nếu tôi sợ viết ra có điều gì sai, thì tôi sẽ chẳng bao giờ dám viết gì, vì im lặng thì chẳng bao giờ sai. Một khi đã nói hay viết ra thì lập tức có nguy cơ bị sai. Không biết linh mục Huấn có bao giờ viết sai không! Chứ tôi thì chắc chắn 100% là trong những bài tôi viết ra, thế nào cũng phải có những điều không đúng. Những bạn bè được tôi nhờ đọc lại bài của tôi để góp ý sửa chữa cho hoàn chỉnh hơn trước khi đem đăng, thì coi chuyện viết sai của tôi là chuyện thường như cơm bữa! Chính tôi khi đọc lại những bài mình viết mấy hôm trước đôi khi cũng thấy những sai sót mà trước đó không thấy. Vì sao? Vì «errare humanum est» mà! (xin tạm dịch thoáng là: sai lầm là chuyện bình thường của con người!). Nếu viết ra là phải bảo đảm 100% là đúng, thì có lẽ chẳng mấy ai dám viết. Tôi nghĩ rằng người nào cho mọi điều mình viết ra đều chắc chắn là đúng, không thể sai, người ấy là một kẻ «hợm mình».

Sợ sai hay sợ «lạc đạo» mà không dám viết thì chẳng có thể xây dựng được gì. Sợ sai đến nỗi không dám viết gì, tôi nghĩ, là một hình thức tế nhị của tính kiêu ngạo. Còn sợ «lạc đạo» đến nỗi không dám viết gì, thì hóa ra người viết đã coi Giáo Hội không khác gì một chế độ chuyên chính. Và những người hơi một chút là kết án người khác «lạc đạo» hẳn cũng có một quan niệm về Giáo Hội y như vậy. Riêng tôi, tôi chấp nhận mình có thể sai – mặc dù đã cố gắng viết đúng, theo khả năng và trình độ của mình – để có thể xây dựng Giáo Hội nên tốt đẹp hơn. Nên nếu vì sai chút ít mà bị gọi là «trí thức nửa vời» hay «lạc đạo» thì tôi vẫn chủ trương thà bị gọi như thế còn hơn là im lặng không nói gì, không làm gì để xây dựng Giáo Hội. Vì thế, nếu có ai chỉ cho tôi thấy tôi nói sai điều gì, thì tôi chân thành biết ơn người ấy; nếu thấy mình sai, tôi sẽ quyết tâm sửa chữa. Tôi rất thích lời của Raoul Follereau: «Thiên Chúa thích đôi tay tuy hơi dơ bẩn nhưng đầy quà dâng lên cho Ngài, hơn đôi tay trắng tinh mà không có gì trên đó».

Xin đừng hiểu lầm

Đọc những bài viết của Võ Lý và Trần Duy Nhiên, tôi nhận thấy thiện chí xây dựng Giáo Hội của hai tác giả này rất cao. Trong các bài viết của tôi, tôi hy vọng người đọc cũng nhận ra được thiện ý xây dựng Giáo Hội trong ấy. Có điều cần phải xác định là: xây dựng Giáo Hội không có nghĩa là lúc nào cũng phải tô son điểm phấn cho bộ mặt Giáo Hội, lúc nào cũng phải đề cao hết điểm này đến điểm kia của Giáo Hội. Mà việc xây dựng Giáo Hội trong khá nhiều trường hợp đòi hỏi phải nêu lên những sai trái cần sửa chữa. Những người nêu lên những sai trái trong Giáo Hội, có thể là những người muốn đập phá Giáo Hội, nhưng cũng rất có thể là những người thật sự muốn xây dựng Giáo Hội. Thiết tưởng chúng ta – nhất là những người đã từng được đào tạo tại đại học hay trong chủng viện để có khả năng biện phân trong những trường hợp như thế này – không nên hồ đồ mà vơ đũa cả nắm. Càng đọc nhiều bài viết của họ, càng biết những việc làm của họ, ta càng có thể nhanh chóng phán đoán được họ thuộc loại nào.

Nếu chúng ta chỉ thích nghe người khác ca tụng, nịnh hót về Giáo Hội, về hàng ngũ hay giới của mình, mà khó chịu với những lời nói thật, thì ta có khác gì hay hơn gì những người trong những đảng độc tài? Chẳng lẽ chúng ta lại muốn thêm một điểm song đối nữa giữa Giáo Hội và những chế độc độc tài? Người nêu ra những điểm song đối đó để Giáo Hội sửa sai, và người tạo thêm một điểm song đối nữa, ai mới là người phá hoại Giáo Hội?

Trong bài «Hãy cải thiện Giáo Hội địa phương từ gốc chứ đừng từ ngọn», tôi đưa ra nhận xét của mình là: có nhiều điểm song đối giữa Giáo Hội của chúng ta và những chế độ độc tài. Nếu vì những điểm song đối này mà các chế độ độc tài đã làm cho đất nước mình trở nên trì trệ, không tiến bộ được, thì một cách tương tự, chúng cũng làm cho Giáo Hội bị trì trệ và không tiến bộ được. Đó là nhận xét của tôi, nếu tôi nói sai thì tôi rất mong được ai đó bất kỳ chỉ ra sự sai lầm của tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Mục đích của tôi – cũng như của hai tác giả kia – khi nói lên những nhận xét của mình về Giáo Hội hay một giới nào đó trong Giáo Hội, là để Giáo Hội hay giới đó nhận ra những gì còn thiếu sót của mình hầu tự cải thiện mình. Cũng như trong những chế độ độc tài, có những người dân trong nước dám bất chấp nguy hiểm nêu lên những sai trái hay chưa hợp lý trong đường lối lãnh đạo của nhà nước, để nhà nước nhận ra và cải thiện hầu mưu ích lợi chung cho đất nước và dân chúng. Mục đích của những người can đảm ấy không phải là để đập phá đất nước, mà để xây dựng. Nhưng những chế độ độc tài thường chụp cho họ một cái mũ là phá hoại đoàn kết, là phản quốc, là gián điệp, v.v… Chẳng lẽ những người lãnh đạo trong Giáo Hội cũng lại hành xử y như họ?

Chẳng lẽ thấy cái sai của chính quyền thì nên lên tiếng, còn thấy cái không đúng trong Giáo Hội thì lại nên im lặng? Nếu ai cảm thấy Giáo Hội như hiện nay là đã hoàn thiện lắm rồi, trong đó các linh mục không phải là được thần thánh hóa, mà vốn đã là thần thánh rồi, nên không ai được phép đả động đến các «thánh» nữa, thì xin cho tôi biết điều đó. Để từ nay tôi sẽ không viết ra những điều vô ích với mục đích góp ý cải thiện Giáo Hội kiểu đó nữa.

Nếu Đức Giêsu sống vào thời này thì…

Nhiều khi tôi cũng tự hỏi: không biết mình lên tiếng góp ý xây dựng Giáo Hội, xây dựng hàng ngũ linh mục như thế có đúng không? Có đúng với tinh thần Kitô giáo hay tinh thần Đức Giêsu không? Băn khoăn như thế dẫn tôi đến câu hỏi: Giả như Đức Giêsu mà sống vào đầu thiên niên kỷ thứ ba này, Ngài có lên tiếng để Giáo Hội nên hoàn thiện hơn không? Ngài sẽ khen hay chê các linh mục hiện nay? Ngài sẽ thấy các linh mục hiện nay đúng là những «Đức Kitô khác» của Ngài hay là những người «khác Đức Kitô»! Ngài sẽ lên tiếng kiểu nào? Ôn hòa hay dữ dội?

Đọc Kinh Thánh, tôi biết: khi còn sinh tiền, Ngài lên tiếng nói về giới tư tế, kinh sư và luật sĩ Do Thái mạnh miệng lắm nếu không muốn nói là «cạn tàu ráo máng»! (xem Mt 23). Như vậy có phải là Ngài phá hoại đạo Do Thái của Thiên Chúa chăng? Đọc bài của linh mục Huấn, trong đầu óc tôi tự nhiên nẩy lên một thắc mắc: giả như những linh mục hiện nay đang quyết tâm bảo vệ thánh chức của mình mà là tư tế thời ấy thì không biết thái độ của họ đối với Đức Giêsu sẽ như thế nào? Họ sẽ bênh vực và ủng hộ Đức Giêsu hay sẽ hành động như thượng tế Anna và Caipha? Hai ông này sở dĩ quyết tâm mưu hại Đức Giêsu cho bằng được, để Ngài chết một cách thê thảm và nhục nhã, cũng chỉ chủ yếu vì muốn bảo vệ uy tín và quyền lợi giới lãnh đạo tôn giáo của mình.

«Chức thánh»có quan trọng và cao quý hơn «tác vụ thánh»không?

Đọc bài của linh mục Huấn, tôi có cảm tưởng tác giả coi trọng và đề cao «chức» linh mục của mình hơn là «tác vụ» linh mục. Phải, trong xã hội, có rất nhiều ông quan coi «chức» quan của họ quan trọng hơn «nhiệm vụ» làm quan của họ. Vì thế, họ đòi hỏi dân phải tôn kính họ, phục vụ họ, chịu lụy họ, hơn là họ ý thức trách nhiệm của mình là phải làm cho dân được ấm no hạnh phúc. Không biết Đức Giêsu có muốn lập ra chức linh mục trong ý hướng đó không? Ngài lập nên chức linh mục là để linh mục thi hành công việc phục vụ Dân Chúa, hay ngược lại? Ngài lập cái nào cái nào? Con trâu vì cái cày, hay cái cày vì con trâu? Cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện?

Tôi nghĩ rằng Đức Giêsu coi chính việc phục vụ quan trọng hơn là cái chức để phục vụ rất nhiều. Chính để có người phục vụ Dân Chúa mà Ngài lập nên chức linh mục. Nghĩa là việc phục vụ Dân Chúa mới chính là mục đích của chức linh mục, chứ không ngược lại. Thế mà linh mục Huấn lại cho rằng phải coi thánh chức linh mục quan trọng hơn tác vụ linh mục thì mới đúng tín lý và giáo lý của Giáo Hội! Vì học thần học và tín lý chưa tới nơi tới chốn, nên cho tới nay, tôi đã tìm đỏ mắt mà chưa thấy có chỗ nào trong tín lý và giáo lý nói chức linh mục cao quý và quan trọng hơn tác vụ linh mục cả!

Một đoạn Kinh Thánh rất ý nghĩa

Về vấn đề đang bàn, tôi rất thích đoạn văn sau đây của Phaolô mà tôi cho là rất thích hợp để trưng dẫn ra đây:

«Còn bạn, bạn mang tên là người Do-thái, lại ỷ rằng mình có Lề Luật, và tự hào vì có Thiên Chúa; bạn được biết ý Người, được Lề Luậtdạy cho điều hay lẽ phải; bạn xác tín rằng mình là người dẫn dắt kẻ mù loà, là ánh sáng cho kẻ ở trong bóng tối, là nhà giáo dục kẻ u mê, là thầy dạy người non dại, vì bạn tưởng mình có Lề Luậtlà có tất cả tri thức và chân lý: Vậy, bạn biết dạy người khác, mà lại không dạy chính mình! Bạn giảng: đừng trộm cắp, mà bạn lại trộm cắp! Bạn nói: chớ ngoại tình, mà bạn lại ngoại tình! Bạn gớm ghét ngẫu tượng, mà bạn lại cướp bóc đền miếu! Bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa! Thật đúng như lời chép: Chính vì các người mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân.

«Còn phép cắt bì, đã hẳn là có ích, nếu bạn thi hành Lề Luật. Nhưng nếu bạn vi phạm Lề Luật, thì bạn có được cắt bìcũng kể như không cắt bì. Trái lại, nếu người không được cắt bìmà giữ những điều Luậtdạy, thì tuy họ không được cắt bì, Thiên Chúa chẳng coi họ như đã được cắt bìsao? Người không được cắt bìtrong thân xác mà vẫn chu toàn Lề Luật, người ấy sẽ lên án bạn, vì bạn có Lề Luậtghi chép hẳn hoi và bạn đã được cắt bì, mà vẫn vi phạm Lề Luật. Thật vậy, người Do-tháichính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài, phép cắt bìchính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài, nơi thân xác. Nhưng người Do-tháichính hiệu là người Do-tháitận đáy lòng, phép cắt bìchính hiệu là phép cắt bìtrong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luậtchứ không phải theo chữ viết của Lề Luật. Người như thế được Thiên Chúa chứ không phải người phàm khen ngợi» (Rm 2, 17-29)

Trong đoạn Kinh Thánh trên, độc giả thử thay những chữ

– «người Do Thái» bằng chữ «linh mục»,
– «lề luật» bằng «Lời Chúa»
– «phép cắt bì» bằng «chức linh mục»,

thì đoạn ấy sẽ rất phù hợp với bối cảnh hiện nay. Phải chăng đó là một lời răn dạy có ý nghĩa rất sâu xa cho những ai đang hãnh diện và tự hào vì chức này hay chức kia của mình?

«Nên thánh»quan trọng hơn «chức thánh»

Riêng tôi, tôi coi việc nên thánh, nghĩa là sự thánh thiện đích thực, quan trọng hơn «chức thánh» rất nhiều. Tôi biết rất nhiều giáo dân «tu xuất» đã quyết định «xuất tu» không làm linh mục cũng vì quan niệm như thế. Nhiều người «tu xuất», khi còn mài đũng quần trong chủng viện, là những chủng sinh có hạnh kiểm rất tốt và trí phán đoán cũng rất khá. Vì thế, mọi người – từ cha giám đốc chủng viện đến cha bảo trợ, từ cha mẹ đến bà con thân thuộc, từ anh chị em ruột thịt đến bạn bè thân quen – đều đặt rất nhiều hy vọng nơi họ, hy vọng họ sẽ trở nên những linh mục tốt. Nhưng các cha linh hướng trong chủng viện thường khuyên: «Nếu làm linh mục thì hãy là linh mục thánh thiện, nếu không được như thế thì tốt hơn đừng làm linh mục! »

Vì thế họ nghĩ, thà làm giáo dân tốt và thánh thiện – điều này thì họ hy vọng có thể làm được – còn hơn là làm linh mục mà không thánh thiện. Làm linh mục thánh thiện, nói chung, quả là một việc khó, nhất là trong việc trung thành với đức khó nghèo và đức trinh khiết linh mục, đặc biệt trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam cùng với não trạng của giáo sĩ và giáo dân Việt Nam hiện nay.

Đối với họ, điều quan trọng nhất trong đời Kitô hữu là nên thánh và được cứu rỗi chứ không phải là làm linh mục. Nên thánh và được cứu rỗi thì khó và thật sự cần thiết (tối cần là đằng khác) ; chứ tu mười mấy năm trong chủng viện để làm linh mục thì đâu đến nỗi khó và cũng đâu cần thiết cho phần rỗi linh hồn! Đức Giêsu nói: «Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì? Người ta có thể lấy gì mà cứu được linh hồn mình không? » (Mt 16, 26). Tương tự như vậy: «Làm linh mục, giám mục hay thậm chí làm giáo hoàng mà mất linh hồn thì ích lợi gì? Liệu có thể lấy mấy chức thánh ấy ra mà cứu được linh hồn mình không? » Vì thế, tôi tự hỏi: một linh mục mà coi «chức thánh» của mình còn quan trọng hơn cả việc «nên thánh», coi việc người ta phải tôn trọng «chức thánh» của mình hơn cả việc tu dưỡng bản thân, hay hơn việc sống cho xứng hợp với «chức thánh» ấy, thì không biết linh mục ấy suy nghĩ có đúng không? Có thể là một linh mục đúng với mong mỏi của Chúa Kitô không?

Nghĩ tới lời của Đức Giêsu: «Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: «Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham». Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham» (Mt 3, 9), mà thấy tội nghiệp cho những người tự đắc về những ưu đãi mình mặc nhiên nhận được! Tôi nghĩ: trước mặt Thiên Chúa, một giáo dân hạng bét mà thánh thiện thì vẫn giá trị gấp vô vàn lần một linh mục mà bê bối tội lỗi. Vì người trước thì có thể dễ được cứu rỗi chứ người sau thì khó hơn rất nhiều. Hãy xem Đức Maria và thánh Giuse, đúng là những giáo dân ít học, nghèo hèn, chẳng ai biết đến, thế mà lại là hai vị thánh lớn nhất ở trên trời. Hay như chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu đơn sơ, nhỏ bé, chẳng bao giờ ra khỏi bốn bức tường tu viện, thế mà Giáo Hội lại tôn phong chị là thánh bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê, một thừa sai nổi tiếng về truyền giáo, từng đi đến «tận cùng trái đất»; mặt khác, chị thánh cũng rất ít học và kém kiến thức về thần học, thế mà Giáo Hội lại tôn vinh chị là Tiến sĩ Hội Thánh, ngang hàng với những cột trụ thần học như thánh Âu-Tinh và thánh Tôma Aquinô.

Như thế, rõ ràng là Giáo Hội coi sự thánh thiện đích thực cao quý hơn các chức thánh rất nhiều. «Chức thánh» sở dĩ có giá trị chính là vì nó có mục đích làm cho mình và người khác nên thánh thiện! Nếu không đạt được mục đích ấy thì nó còn giá trị gì nữa? Đức Giêsu đã chẳng nói: «Anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi» (Mt 5, 13) sao?

Những giáo dân «tu xuất»

Nhiều người «xuất tu» cũng vì nghĩ như thế. Nói là «xuất tu», nhưng thực ra nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục «tu» theo đúng nghĩa của chữ «tu», là cố gắng sửa đổi bản thân để nên thánh. Dù đã từ bỏ «con đường linh mục», từ bỏ «chức thánh», nhưng «lý tưởng linh mục» và việc «nên thánh», họ vẫn tiếp tục theo đuổi mãi cho đến hết cuộc đời. «Lý tưởng linh mục» là lý tưởng tông đồ, là luôn dấn thân cho hạnh phúc của người khác, nhất là hạnh phúc vĩnh cửu của họ. Vì thế, người ta có thể làm giáo dân mà vẫn theo đuổi «lý tưởng linh mục», đang khi có những linh mục lại đánh mất hoặc không còn theo đuổi lý tưởng linh mục nữa. Nói khác đi, có những giáo dân là tông đồ đích thực, và cũng có những linh mục chẳng còn là tông đồ! Đoạn Kinh Thánh của Phaolô ở trên (Rm 2, 17-29) nói lên điều ấy một cách đầy ý nghĩa.

Để nên thánh và theo đuổi lý tưởng tông đồ trong đời sống gia đình, nhiều giáo dân – trong đó có thành phần «tu xuất» – vẫn dành thì giờ để phục vụ và xây dựng Giáo Hội. Những người ấy, đời sống giáo dân của họ có ý nghĩa và đáng trân trọng biết bao!

NGUYỄN CHÍNH KẾT
(Sàigòn, ngày 6-4-2004)


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________