2.8.09

Muốn theo Chúa, phải lượng sức mình


1. Muốn làm môn đệ Chúa, phải từ bỏ tất cả

Với những ai dự định trở thành môn đệ Ngài, Đức Giêsu nói một cách quả quyết, rõ ràng và dứt khoát rằng: muốn theo Ngài, muốn làm môn đệ Ngài, phải sẵn sàng từ bỏ tất cả: người, vật, ý riêng, thậm chí những người thân yêu nhất như cha mẹ, vợ con, và ngay cả bản thân hay mạng sống mình nữa (x. Lc 14, 2627). Sự rõ ràng và dứt khoát trong đòi hỏi phải từ bỏ ấy trở nên rất rõ nét bởi hai dụ ngôn về một người muốn xây tháp và một ông vua muốn chiến đấu (x. Lc 14, 2833). Muốn xây tháp thì phải dự tính xem có đủ tiền, đủ vật liệu không, kẻo đang xây dở dang mà hết tiền, hết vật tư thì sẽ bị thiên hạ chê cười! Muốn đem quân giao chiến với ai thì phải tính toán xem với số quân ít ỏi của mình liệu có thắng nổi số quân đông hơn của đối phương không. Nếu thấy không thắng nổi thì nên dẹp ngay ý định gây chiến ấy, kẻo bị thất bại ê chề để rồi thân bại danh liệt.

Hai dụ ngôn này nhấn mạnh rằng: ai có ý định theo Chúa thì cần phải lượng sức mình trước, xem mình có thể từ bỏ được chủ yếu là bản thân như Chúa đòi hỏi không. Nếu không được, thì hãy từ bỏ ý định theo Chúa đi, kẻo sau đó bị dở dang «thầy không ra thầy, thợ không ra thợ», lỡ việc, lỡ cả cuộc đời, và có thể lỡ cả đời sau.

2. Cần phải hiểu «từ bỏ» theo hai nghĩa

Khi Đức Giêsu đòi hỏi những người theo Ngài phải từ bỏ, điều ấy không có nghĩa là những kẻ theo Ngài luôn luôn phải rời xa cha mẹ, vợ con, và sống như người không có gì. Hiểu theo nghĩa đen như thế không hẳn là sai, nhưng chỉ đúng với ơn gọi của một số rất ít người. Từ bỏ ở đây nên hiểu theo nghĩa tinh thần, nghĩa là người theo Chúa cần phải có tinh thần từ bỏ. Có tinh thần từ bỏ là luôn luôn coi Chúa và những việc của Chúa là quan trọng hơn tất cả mọi sự khác. Từ đó sẵn sàng hy sinh những cái không quan trọng cho cái quan trọng khi thực tế đòi buộc như vậy. Từ bỏ không phải là không quí những điều mình từ bỏ, mà là không quí chúng bằng một cái khác quí hơn, nên sẵn sàng hy sinh những cái ít quí cho cái đáng quí hơn. Mạng sống, cha mẹ, vợ con, anh em, nhà cửa, ruộng vườn… đều là những thứ mà người theo Chúa phải quí trọng, thậm chí rất quí. Nhưng một khi theo Chúa thì phải coi tất cả những thứ đáng quí ấy không quí bằng việc thực hiện Nước Thiên Chúa.

Và khi đã có tinh thần từ bỏ, thì tinh thần ấy sẽ được thể hiện thành những hành động từ bỏ. Nếu những hành động từ bỏ không phát xuất từ tinh thần từ bỏ thì chúng không có giá trị lắm. Tuy nhiên, nếu tinh thần từ bỏ mà không được thể hiện thành những hành động từ bỏ cụ thể, thì chắc chắn đó không phải là tinh thần từ bỏ đích thực.

3. Phải lượng sức mình khi theo Chúa

Có thể Chúa không đòi hỏi tất cả mọi người phải có tinh thần từ bỏ như thế. Nhưng Ngài đòi hỏi những ai theo Ngài phải có tinh thần ấy. Vì thế, qua hai dụ ngôn về người muốn xây tháp và ông vua muốn chiến đấu (x. Lc 14, 2833), Chúa yêu cầu những ai theo Ngài phải tự lượng sức xem mình có được tinh thần từ bỏ như vậy không. Nếu không có, thì đừng theo Ngài, Ngài không trách phạt những người bình thường nếu họ không có tinh thần ấy. Nhưng Ngài sẽ trách phạt những ai đã theo Ngài mà không có tinh thần từ bỏ ấy. Chính vì thế, đã theo Chúa hay mang danh là theo Ngài, thì phải lượng sức mình kẻo có hại cho sự phát triển Nước Chúa và cho chính bản thân mình nữa.

Rất tiếc là tinh thần từ bỏ này chưa được đặt nặng đúng mức nơi rất nhiều người mang danh theo Chúa. Trong một số Giáo Hội địa phương, người mang danh theo Chúa lại được nhiều đặc quyền đặc lợi hơn người bình thường (được hết mực kính trọng vì danh nghĩa là người theo Chúa hơn là vì tài đức bản thân, đồng thời dễ dàng có quyền hành, địa vị, chức tước, tiền bạc hơn người bình thường… ) Vì thế, có biết bao người theo Chúa vì những động lực trần tục ấy. Theo Chúa, thay vì từ bỏ hay mất đi nhiều thứ mình đang có, thì ngược lại lại có thêm hay chiếm hữu được nhiều thứ thuộc trần gian mà mình chưa có. Do đó, với tinh thần chiếm hữu thay vì từ bỏ, những người mang danh theo Chúa ấy không thể thực hiện được những bổn phận hay trách nhiệm mà những người theo Chúa phải gánh vác trong những hoàn cảnh cụ thể mà Nước Chúa đòi buộc (chẳng hạn phải tranh đấu cho người nghèo, cho người bị áp bức, chống lại sự ác, bất công… ) Họ không dám từ bỏ, không dám dấn thân, không dám hy sinh trong những việc đòi hỏi họ phải chấp nhận nguy hiểm đến mạng sống, đến sự an toàn bản thân, đến danh dự, đến quyền lợi… Đương nhiên họ vẫn có thể hy sinh trong những việc nhỏ, miễn sự hy sinh ấy đừng lớn hơn cái lợi trần gian họ đạt được. Cũng như một người đi buôn sẵn sàng hy sinh tiền bạc, công sức để thu vào một cái lợi vật chất lớn hơn.

Những người theo Chúa kiểu ấy sẽ rất bỡ ngỡ vào ngày sau hết, khi Chúa bảo họ: «Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính! » (Lc 13, 27). Và lúc ấy họ sẽ lên tiếng thắc mắc: «Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi» (Lc 13, 26). Hoặc «Nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? » (Mt 7, 22). Chính vì thấy trước viễn tượng ấy, Đức Giêsu đã yêu cầu những ai muốn theo Chúa phải lượng sức mình. Nếu không thể từ bỏ mọi sự được như thế (nên hiểu theo nghĩa tinh thần), thì nên rút lui sớm kẻo vừa hại cho Nước Chúa vừa hại cho phần rỗi của mình.

4. Một đề nghị

Trong các Giáo Hội Á châu, việc Giáo Hội khuyến khích giáo dân tôn kính và dành nhiều đặc quyền đặc lợi cho những người theo Chúa có rất nhiều điều hay, nên làm; nhưng thiết tưởng cũng nên ý thức và quan tâm tới mặt trái của nó để hành xử cho khôn ngoan. Sự tôn trọng của giáo dân và những đặc quyền đặc lợi mà Giáo Hội dành cho những người theo Chúa có thể khiến cho những Kitô hữu không có tinh thần siêu nhiên, sẽ quyết định theo Chúa nhưng không phải vì Chúa, vì Giáo Hội hay các linh hồn, mà vì một động lực trần tục.

Thật vậy, nếu những ai mang danh theo Chúa mà lại được tôn kính, trọng vọng một cách mặc nhiên bất chấp họ có xứng đáng hay không; nếu những điều kiện sinh sống của họ cũng mặc nhiên trở nên dễ dàng gấp bội so với những giáo dân bình thường chỉ vì họ mang danh hiệu đó mà thôi, thì việc mang danh theo Chúa sẽ trở nên rất hấp dẫn đối với những ai thiếu tài đức nhưng lại ham muốn trèo cao và muốn có điều kiện sống dễ dàng hơn mọi người mà đỡ vất vả. Nếu những điều kiện để được mang danh là theo Chúa lại dễ dàng hơn những điều kiện để mang những danh hiệu khác ngoài đời; nếu mang danh theo Chúa mà mặc nhiên lại được nhiều quyền lợi trần gian hơn người không theo Chúa, thì số người «muốn theo Chúa» với động lực trần tục sẽ đông lên gấp bội. Điều ấy sẽ ảnh hưởng rất xấu đến chất lượng của những người mang danh theo Chúa.

Nếu những người theo Chúa vì động lực trần tục chiếm đa số, thì thật là tai hại cho Giáo Hội. Họ sẽ không thể dấn thân thật sự cho Giáo Hội khi Giáo Hội cần đến sự dấn thân ấy. Lúc ấy Giáo Hội sẽ đầy gương xấu đến từ giới được coi là ưu tú nhất, và Nước Chúa sẽ bị đình trệ không phát triển được. Khi ấy, những người muốn theo Chúa thật sự (chiếm thiểu số) sẽ nản lòng và sẽ chẳng hoạt động hữu hiệu được, thậm chí sẽ không muốn ở lại mà muốn rút ra khỏi hàng ngũ ấy để… khỏi bị thiên hạ đánh giá kiểu «cá mè một lứa»!

Vì thế, những người hữu trách trong Giáo Hội nên tìm cách tránh cho Giáo Hội tình trạng đồ giả lan tràn như ngoài đời. Làm đồ giả vừa thực hiện dễ dàng lại vừa kiếm được nhiều lợi nhuận hơn làm đồ thật, nên thị trường tràn lan đồ giả. Đồ giả càng tinh vi thì bên ngoài càng giống đồ thật, thậm chí nhiều loại đồ giả còn «có vẻ thật» hơn cả đồ thật. Đương nhiên chất lượng của đồ giả thì luôn luôn kém cỏi. Nếu không có biện pháp xử lý khôn ngoan, thì trong Giáo Hội cũng có thể lan tràn những người có vẻ theo Chúa, nghĩa là theo Chúa một cách «hữu danh vô thực», không có tinh thần «từ bỏ» làm bảo chứng. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa tránh cho Giáo Hội tình trạng này.


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________