2.8.09

HÔN NHÂN VỚI NGƯỜI KHÁC TÔN GIÁO


I.Giáo Hội có cho phép hôn nhân khác đạo không ?

1.Bối cảnh xã hội hiện nay: cả nam lẫn nữ đều giao tiếp cởi mở và rộng rãi hơn: đi làm, hoạt động xã hội… Tình yêu nẩy nở không phân biệt tôn giáo. Tôn giáo không ngăn cách được tình yêu. Tại Á Châu, Kitô giáo chỉ chiếm 3,2% (riêng Công giáo được 2,4%). Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiều hơn chút ít (khoảng 5%). Tỷ lệ quen biết là: cứ quen 10 người thì chỉ có 1 người là Kitô hữu. Do đó, nên coi việc hôn nhân khác đạo là chuyện bình thường, là một nhu cầu nhân bản. Vấn đề là phải hành xử sao cho thích hợp cả đôi bên.

2.Vấn đề này được đặt ra từ thời Giáo Hội nguyên thủy, được Phaolô coi là bình thưòng và chấp nhận dễ dàng với hy vọng: «… Chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ chồng có đạo… Thiên Chúa kêu gọi anh chị sống hòa thuận với nhau! Chị là vợ, biết đâu chị chẳng cứu được chồng? Hay anh là chồng, biết đâu anh chẳng cứu được vợ» (1 Cr 7,12-16).

3.Trưóc đây, Giáo Hội rất khắt khe trong vấn đề này coi như một ngăn trở cấm hôn (tạp giáo) hay tiêu hôn (dị giáo) là vì có sự kiện: lấy chồng / vợ ngoại giáo thì dễø bị mất đức tin và cuộc sống chung khó hạnh phúc, dễ bị đổ vỡ. Lý do: bảo vệ đức tin, và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nhưng ngày nay não trạng và văn hóa con ngưòi đã đổi khác (tôn trọng phẩm giá, hiểu biết tôn giáo của nhau, có sự trưởng thành trong hôn nhân… nhiều hơn), nguy cơ trên đã giảm bớt, nên Giáo Hội đã đưa ra những luật lệrộng rãi hơn.

4.Quan niệm thần học của GH về các tôn giáo đã thay đổi nhiều: Các tôn giáo không còn bị coi là tà giáo, mà là những môi trường cứu độ của Thiên Chúa. Theo CĐ Vatican II, những người trong các tôn giáo khác vẫn có thể được cứu độ nhờ sống theo truyền thống tôn giáo của họ. Tuy nhiên, theo đức tin Công giáo, thì Kitô giáo, nhất là Công giáo, vẫn là tôn giáo chính thống, là phương tiện bảo đảm nhất để được cứu độ (bảo đảm nhất chứ không phải là bảo đảm duy nhất).

5.Ngày nay, trên nguyên tắc, hôn nhân khác đạo không còn bị cấm hay bị coi là «húy kỵ» như ít lâu nay: chính Đức Phaolô VI đã ra tông huấn để phép chuẩn được chấp nhận dễ dàng hơn: người công giáo có thể lấy người ngoại một cách thành sự và hợp pháp. Tuy nhiên, tại VN, sự dễ dàng này chưa được áp dụng rộng rãi: những người lớùn tuổi thường vẫn bảo vệ quan niệm cũ (cũng như trong nhiều chuyện khác, việc áp dụng thường bị chậm trễ hơn Giáo Hội toàn cầu: như thờ cúng tổ tiên, rước lễ trên tay, hội nhập văn hóa… ).

6.Việc kết hôn với người khác đạo dẫu sao cũng là chuyện không được khuyến khích, kết hôn với người cùng đạo vẫn hay hơn, dễ có hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, nếu vì hôn nhân mà làm cho người bạn mình tin và sống theo Chúa Kitô, thì cuộc hôn nhân đó có thể được khích lệ xét về mặt truyền giáo. Vì thế, nếu khi có tình yêu với người khác đạo, ta nên dùng chính cơ hội này để giúp cho người mình yêu tin và sống theo Chúa Kitô, gia nhập Giáo Hội Ngài. Đó là việc tốt đẹp nhất mình có thể làm được cho người mình yêu. Quan niệm Phúc Aâm hóa mới đặt trọng tâm làm ngưòi ta sống theo tinh thần Chúa Kitô hơn là nhắm làm cho người ta theo đạo mình (nhiều khi theo đạo mà không sống đạo).

II.Làm sao thuyết phục người bạn mình theo Chúa Kitô ?

1.Phải khôn ngoan và tế nhị, tránh xúc phạm tới tôn giáo của họ, trái lại nên tỏ ra tôn trọng niềm tin của họ, đề cao những mặt mạnh của tôn giáo họ và nhấn mạnh những điểm tương đồng. Đồng thời nên cho thấy sự cần thiết của Kitô giáo trong việc cứu độ bản thân và xã hội. Tránh tranh luận hơn thua về tôn giáo. Các bậc cha mẹ nên tránh những phản ứng biểu lộ sự bất bình hay bất đồng ý về cuộc hôn nhân trước mặt người kia. Phải tạo cho người khác đạo ấn tượng tốt về đạo của mình.

2.Áp dụng câu «nhập gia tùy tục» để khuyến khích họ theo đạo, đồng thời cho thấy ý thức của người Kitô hữu về sự tối cần thiết của phần rỗi, khiến họ không thể từ bỏ niềm tin của mình (nhưng cũng không ép buộc người kia phải theo tôn giáo mình: theo Chúa Kitô phải tự nguyện theo, không thể ép buộc).

3.Phải chấp nhận tính cách tương đối trong động cơ ban đầu thúc đẩy họ theo đạo: có thể theo đạo chỉ để lấy vợ/chồng, chỉ để «nhập gia tùy tục», chứ không phải là do tin hay do được cảm hóa thực sự. Nhưng ít ra là họ có nhiều cơ hội để được cảm hóa, và các thế hệ con cháu của cặp vợ chồng ấy sẽ là Kitô hữu, được giáo dục theo truyền thống Giáo Hội. Việc cảm hóa là bổn phận phải làm sau.

4.Điều quan trọng tiếp theo là việc âm thầm cảm hóa bằng những gương sáng, bằng sự cầu nguyện hy sinh, bằng một đời sống Kitô hữu tốt đẹp trong bậc vợ chồng: «… dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ởcủa chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở cung kínhcủa chị em» (1 Pr 3,1-2). Do đó, phía bên công giáo phải cố gắng và hy sinh gấp đôi những phối ngẫu công giáo khác (về mặt giáo lý cũng như mặt sống đạo trong gia đình)

5.Vấn đề thờ cúng tổ tiên: Sống đạo Kitô giáo không có nghĩa là bỏ ông bà tổ tiên, Giáo Hội đã cho phép lập bàn thờ để kính nhớ ông bà tổ tiên: Tông huấn Plane Compertum (8.12.1939) của Đức Piô XII; Ngày 20.10.1964, Thánh bộ Truyền giáo một lần nữa cho phép các tín hữu VN áp dụng tông huấn trên; Thông cáo chính thức của HĐGMVN cho phép ngày 14.6.1965 và được 7 GM lập lại ngày 14.11.1974. Giáo Hội luôn khuyến khích thảo kính cha mẹ khi các ngài còn sống, cũng như khi đã chết: năng tưởng nhớ, cầu nguyện, dâng lễ, xin lễ, là những điều có ích lợi thiết thực cho người chết…

III. Phép chuẩn

A. Nguyên tắc:

Năm 1970, Đức Phaolô VI với tông thư Matrimonia Mixta (Hôn nhân hỗn hợp) đề ra những điều kiện dễ dàng hơn trong phép chuẩn, cho phép người Công giáo kết hôn với người ngoài Công giáo, một cách thành sự và hợp pháp, với các điều kiện:

1.Phía bên Công giáo phải tuyên bố sẵn sàng tránh những nguy hiểm mất đức tin, và thành thật hứa (buộc nhặt) sẽ hết sức lo liệu để con cái đã hay sẽ sinh ra được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội Công Giáo (miễn là hết sức, dù không thành công, nhưng vẫn phải tôn trọng sự hòa hợp và hạnh phúc gia đình mình)

2.Phải cho phía bên không Công giáo hiểu rõ những điều bên phía Công giáo phải cam kết, để người ấy ý thức người bạn mình phải cam kết những gì và buộc phải làm những gì.

3.Phải cho cả hai bên biết các mục đích và hai đặc tính căn bản của hôn nhân (đơn hôn và vĩnh hôn) mà không bên nào được loại bỏ một đặc tính nào. Ngoài ra, cần dạy giáo lý cho bên Công giáo thật kỹ càng, giúp người ấy sống Đức Tin vững vàng, ý thức nhiệm vụ của mình, làm gương tốt… để nhờ đó người ấy sẽ cảm hóa, tạo niềm tin công giáo cho người bạn kia.

B. Hình thức pháp lý:

1.Bình thường, hôn phối của 2 người Công giáo (dù là tái kết hôn vì góa) phải được cử hành theo hình thức pháp lý thông thường, kèm theo hình thức phụng vụ, trong thánh lễ (hoặc ngoài thánh lễ khi có lý do chính đáng).

2.Hôn phối giữa một người Công giáo và một người không Công giáo (có phép chuẩn) cũng phải được cử hành theo hình thức pháp lý thông thường. Nhưng khi có lý do quan trọng thì Đấng Bản Quyền có quyền chuẩn, miễn là giữ được tính cách công khai cho tòa ngoài (TT Matrimonia Mixta).

C. Nghi thức phụng vụ:

1.Nếu bên kia là người Kitô giáo không Công giáo, thì cử hành theo nghi thức ngoài thánh lễ, nhưng khi Đấng Bản Quyền đồng ý, thì được cử hành trong thánh lễ. Tuy nhiên, người không Công giáo không được rước lễ.

2.Nếu người kia là lương (chưa rửa tội) thì theo nghi thức riêng (xem trong Sách Lễ Mùa Vọng, trang 354-356). Khi cử hành hôn phối khác đạo (có phép chuẩn), nếu có lý do chính đáng, có thể bỏ hình thức phụng vụ.

V. Phép giao

1.Là một biện pháp kỷ luật thời xưa của Giáo Hội (nay đã bỏ), chỉ áp dụng theo tập tục tại Việt Nam, nhất là trong các giáo phận Đàng Ngoài, cho những đôi hôn phối ít xứng đáng vì đã làm gương xấu (như đã công khai sống chung với nhau, đã «mang bầu» rõ ràng trước khi kết hôn theo tôn giáo… ).

2.Trong phép giao, nghi lễ hôn phối được cử hành theo hình thức pháp lý không kèm theo phụng vụ, nghĩa là cử hành ngoài thánh lễ một cách khiêm tốn âm thầm, không long trọng, không rầm rộ.


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________