1.8.09

Hãy trở nên những mục tử tốt lành
theo gương Đức Giêsu


Lời Tòa Soạn:

Tại sao thế giới cũng như xã hội con người hiện nay vẫn còn biết bao bất công, tiêu cực, khiến con người phải thống khổ điêu linh? Giáo Hội được Đức Giêsu trao cho sứ mạng phúc âm hóa thế giới và xã hội con người, nhưng ngay trong Giáo Hội cũng vẫn còn biết bao bất công, tiêu cực, chưa hợp lý. Tại sao? Phải chăng vì thế giới, xã hội cũng như Giáo Hội còn thiếu những «mục tử tốt lành», những vị «minh quân», những con người lãnh đạo có tình thương đích thực, dám quên mình, dám xả thân, dám hy sinh tất cả cho quần chúng, cho «đàn chiên»?

G
iáo Hội đã trải qua gần 2000 Mùa Chay và mùa Phục Sinh, nhưng Giáo Hội dường như vẫn chưa được biến đổi nên một «Giáo Hội mới», một «Giáo Hội khác», gồm những «con người mới» sống theo Thần Khí của Thiên Chúa. Trách nhiệm ấy chắc chắn thuộc về tất cả mọi thành viên của Giáo Hội, đặc biệt những người có trách nhiệm lãnh đạo và điều khiển Giáo Hội. Lời cảnh báo và tha thiết yêu cầu của Đức Giêsu – «Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về» (Lc 10,2) – vẫn còn là một nhu cầu rất hiện thực trong thế giới và Giáo Hội hiện nay.

C
húng ta hãy xin Thiên Chúa ban cho thế giới và Giáo Hội không phải chỉ những tông đồ, những mục tử, mà những tông đồ đích thực, những mục tử tốt lành. Vì hiện nay, những người mang danh tông đồ và mục tử thì rất nhiều, nhưng tông đồ và mục tử đích thực như Đức Giêsu mong muốn thì chắc hẳn không nhiều. Nếu thế giới và Giáo Hội có được nhiều tông đồ đích thực và và mục tử tốt lành, chắc chắn thế giới và Giáo Hội sẽ được phục sinh. Thiết tưởng tất cả những người lãnh đạo trong mọi gia đình, mọi tập thể, mọi xã hội và mọi giáo hội, cần suy gẫm về đoạn Tin Mừng nói về «Người Mục Tử Tốt Lành» của Đức Giêsu để trở nên những «mục tử tốt lành» thật sự. Nhất là phải từ gia đình: điều khiển gia đình mà có nhiều «mục tử tốt lành» thì xã hội và Giáo Hội mới hy vọng có được nhiều «mục tử tốt lành». Được như thế, thế giới và Giáo Hội sẽ thay đổi, và con người sẽ được hạnh phúc.

***

1. Người mục tử trong nếp sống của người Do Thái xưa

Đức Giêsu tự xưng mình là «mục tử tốt lành» (x. Ga 10,1-18), và Ngài quả thật là gương mẫu tuyệt hảo cho mọi chủ chăn trong Giáo Hội, từ giáo hoàng xuống đến linh mục, và cả những người lãnh đạo lớn nhỏ ngoài xã hội nữa. Để hiểu được ý nghĩa của hai chữ «mục tử» trong lời tự xưng của Đức Giêsu và trong bài Tin Mừng liên hệ (Ga 10,1-18), chúng ta cần trở về với nếp sống của người Do Thái thời Đức Giêsu.

Thời ấy, chiên được nuôi theo bầy hàng trăm con tại những đồng cỏ xanh. Mục tử hay người chăn chiên đi theo bầy chiên và cùng sống với chiên ngày này qua ngày khác. Ban ngày, mục tử dẫn đàn chiên đi từ đồng cỏ này đến đồng cỏ khác để chiên ăn cỏ. Ban đêm, để tránh trộm cướp hay thú hoang, và để tránh mưa tránh rét, mục tử đưa chiên vào một nơi an toàn được gọi là «ràn chiên», thường là một hang đá hay một khu đất trống có hàng rào bằng đá hoặc bằng cây bao quanh. Người chăn chiên ngủ ngay trong ràn chiên để bảo vệ chiên, và thường ở ngay cửa ràn. Mục tử và đàn chiên vì thế gắn bó với nhau rất mật thiết. Mục tử chỉ biết có chiên của mình, và chiên cũng chỉ biết và chỉ đi theo mục tử của mình, không chịu theo bất kỳ ai khác.

2. Ý tứ của Đức Giêsu khi nói về người «mục tử tốt lành»

Khi nói về người «mục tử tốt lành», Đức Giêsu muốn nói với người Pharisêu, sau khi đối chất với họ về việc Ngài chữa lành người mù từ thuở mới sinh (Ga 9). Nên nhớ: những người Pharisêu là những người lãnh đạo tinh thần trong Do Thái giáo, tức đóng vai trò mục tử đối với đàn chiên. Qua đoạn Tin Mừng này, Ngài muốn cho họ thấy hai thái độ trái nghịch nhau giữa Ngài và họ trong cách đối xử với dân chúng hay các tín đồ tôn giáo. Sự trái nghịch nhau đó được thể hiện qua cách ứng xử với người mù bẩm sinh.

a) Cách ứng xử của người Pharisêu:

Khi thấy người mù được chữa lành, thay vì mừng cho anh ta đã thoát khỏi điều bất hạnh vô cùng lớn lao, những người Pharisêu lại có một thái độ thù nghịch và bực tức. Họ tỏ ra không có một chút tình yêu, lòng thương xót hay sự cảm thông nào đối với người mù được Đức Giêsu chữa lành. Trái lại, họ đã dùng lề luật để bắt bẻ vị ân nhân đã chữa lành bệnh cho anh ta, đồng thời gây khó dễ cho anh và gia đình anh vì việc được chữa lành ấy. Đối với dân chúng, họ không giống như người mục tử đích thực đối với đàn chiên, mà giống như người chăn chiên thuê. Kẻ chăn chiên thuê không yêu thương gì chiên, vì chiên không phải là của hắn (x. Ga 10,1213).

Vì thế, trong tôn giáo, những người Pharisêu lợi dụng chức vụ lãnh đạo, hướng dẫn để ăn trên ngồi trốc, đè đầu đè cổ dân chúng (x. Mt 23,56). Họ giảng dạy toàn những điều tốt nhưng chỉ để cho dân chúng làm, chứ không phải để họ làm (x. Mt 23,23). Họ giảng dạy điều tốt vì chức vụ họ đòi buộc phải làm như vậy, chứ không phải vì lòng yêu mến sự thiện mà giảng dạy. Đức Giêsu đã tố cáo việc họ lợi dụng tôn giáo để bóc lột người nghèo, người cô thân cô thế trong xã hội (23,4.14). Nhưng họ vẫn muốn được mọi người tôn trọng, ca tụng, suy tôn, nên phải giả bộ đạo đức, phải làm những việc tốt để khoa trương (23,5), và muốn mọi người gọi mình là «Rabbi» hay «Thầy» (23,6).

b) Cách ứng xử của Đức Giêsu

Đức Giêsu có một thái độ khác hẳn, một thái độ nhân từ đầy yêu thương đối với mọi người, được thể hiện một cách cụ thể trong việc Ngài chữa lành người mù. Ngài sống và hành động vì tình yêu chứ không vì lề luật. Tình yêu và lòng thương xót của Ngài đã thúc bách Ngài bất chấp luật sabát, bất chấp sự phản đối và bực tức của người Pharisêu về việc lỗi luật của Ngài, bất chấp những hậu quả rất bất lợi có thể xảy đến cho Ngài. Ngài sẵn sàng hy sinh bản thân để xoa dịu đau khổ, để làm mọi người hạnh phúc.

Qua đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu muốn cho người Pharisêu thấy thái độ của họ đối với dân chúng, với các tín đồ tôn giáo mà họ dẫn dắt chẳng khác gì thái độ của kẻ trộm cướp, của kẻ chăn thuê đối với đàn chiên: chỉ muốn lợi dụng đàn chiên chứ không hề yêu thương chúng. Còn thái độ của Ngài mới là thái độ người mục tử đích thật: Ngài yêu thương đàn chiên đến nỗi sẵn sàng «hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên» (Ga 10,11). Nhưng rất tiếc là «họ không hiểu những điều Người nói với họ».

3. Mục tử tốt lành (mục tử thật) và kẻ trộm cướp (mục tử giả)

Trong bài Tin Mừng về người mục tử tốt lành, Đức Giêsu đưa ra một tiêu chuẩn để phân biệt mục tử và kẻ trộm cướp. Mục tử thì đi vào ràn chiên bằng cửa ràn, nghĩa là với phong thái «đường đường chính chính». Còn kẻ trộm hay kẻ cướp thì không qua cửa nhưng trèo qua lối khác mà vào, với phong thái lén lút, giả dối, không đàng hoàng. Mà cửa ràn chiên, theo bài Tin Mừng này, lại cũng chính là Đức Giêsu: «Tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào». Vậy để là mục tử đích thật, người mục tử phải qua Đức Giêsu mà đến với đàn chiên, nghĩa là phải là người yêu mến Thiên Chúa, và phục vụ đàn chiên vì Ngài, không vì một động lực nào khác.

Thật vậy, đã là mục tử chân chính thì tư tưởng, lời nói, hành động lúc nào cũng phải bộc lộ được tính «quang minh chính đại», hay «đường đường chính chính», luôn luôn thẳng thắn, trung thực, đáng tin. Người mục tử chân chính ít ra phải là một người quân tử. Nếu tư tưởng, lời nói và hành động như một kẻ tiểu nhân, thích quanh co, lén lút, dối trá, sợ sự thật… thì không xứng đáng làm mục tử. Hơn thế nữa, người mục tử chân chính phải có một tình yêu to tát, để có thể hy sinh đến tận cùng cho những người mà mình lãnh đạo, hướng dẫn.

Đương nhiên để thực hiện ý định của mình, kẻ trộm cướp – những kẻ không có tình yêu đối với chiên nhưng lại muốn hưởng những quyền lợi của người mục tử – phải giả làm mục tử. Hắn tìm đủ mọi cách để chiên đi theo mình. Nhưng chiên «không chịu theo người lạ, mà chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ», không cảm nhận được tình thương của hắn. Vì mục tử giả hay kẻ chăn thuê chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, đến cái lợi của mình, không nghĩ gì đến chiên, nên «khi thấy sói đến, hắn bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn» (Ga 10,12). Người mục tử đích thực thì yêu thương chiên, sống vì chiên, và sẵn sàng «hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên» (Ga 10,11) «để cho chiên được sống và sống dồi dào» (10,10).

4. Đức Giêsu là mục tử tốt lành

Ngoài mục đích đối chất với bọn Pharisêu, Đức Giêsu còn dùng hình ảnh rất quen thuộc ấy đối với người Do Thái để diễn tả sự yêu thương gắn bó giữa Ngài và chúng ta, những kẻ theo Ngài. Như mục tử tốt lành yêu thương và chăm sóc chiên mình thế nào, Ngài cũng yêu thương chăm sóc chúng ta như vậy. Ngôn sứ Êdêkien đã dùng hình ảnh người mục tử với đàn chiên để diễn tả tương quan giữa Đấng Mêsia và dân của Ngài: «Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng; nó là tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng; chính nó sẽ là mục tử của chúng» (Ed 34,23). Ngài chính là người mục tử được Thánh Vịnh mô tả: «Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên» (Tv 23).

Vì thế, khi ý thức được Đức Giêsu luôn chăm sóc mình như người mục tử tốt lành chăm sóc đàn chiên, người Kitô hữu có thể hết sức an tâm trước tất cả mọi giông tố, thử thách trong cuộc đời. Chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương vô biên và chân thật của Ngài, và an tâm phó thác mọi sự cho Ngài, kể cả mạng sống, hạnh phúc của mình. Nhờ đó cuộc đời ta luôn luôn bình an, vui tươi, hạnh phúc, và Tin Mừng chúng ta rao giảng mới đúng là Tin Mừng đích thực (Tin thật sự đáng mừng!)

Đoạn Tin Mừng về người «mục tử tốt lành» của Đức Giêsu trong bối cảnh phát sinh đoạn Tin Mừng này cho thấy: trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, luôn luôn có những mục tử tốt (mà Đức Giêsu là gương mẫu và điển hình) và mục tử xấu (mà rất đông các kinh sư Do Thái và người Pharisêu là điển hình).

5. Mục tử – tốt và xấu – trong xã hội và Giáo Hội

Xã hội hay tôn giáo nào cũng đều có tổ chức, cơ cấu, trong đó luôn luôn phải có những người lãnh đạo, điều khiển. Trong lịch sử Do Thái, những người lãnh đạo dân chúng được gọi là mục tử (x. Gr 10,21; Ed 37,2324): chẳng hạn như vua Saun, vua Đavít. Kitô giáo, vốn tiếp nối truyền thống Do Thái, cũng gọi những người lãnh đạo trong Giáo Hội (như linh mục, mục sư, giám mục, hồng y, giáo hoàng) là mục tử.

Những mục tử hay những người lãnh đạo ấy thường được xã hội hay tôn giáo tạo cho những điều kiện thuận lợi và trao cho những phương tiện hữu hiệu để có thể thi hành hữu hiệu công việc lãnh đạo đó: chẳng hạn địa vị, chức vụ, quyền bính, tiền bạc, tiếng nói… Những điều kiện và phương tiện này là một thứ dao hai lưỡi. Nó có thể giúp các mục tử hay các nhà lãnh đạo phục vụ dân chúng hay các tín hữu hữu hiệu hơn. Nhưng nó có thể làm tha hóa, biến chất các mục tử khi sử dụng nó. Và nó cũng có thể bị những kẻ lắm tham vọng tìm cách đạt tới để lợi dụng nó, để phục vụ cho những tham vọng hay lợi ích cá nhân của mình, của gia đình hay phe nhóm mình.

Như vậy, chiếu theo thái độ đối với những điều kiện và phương tiện mà xã hội hay tôn giáo dành cho những người lãnh đạo hay mục tử, ta có thể có 2 loại mục tử tương ứng:

Mục tử tốt: là những người lãnh đạo thật sự có ý hướng phục vụ dân chúng hay các tín hữu, chứ không nhằm lợi ích cho riêng mình. Họ sử dụng những điều kiện hay phương tiện mà xã hội hay Giáo Hội trao cho để hoàn toàn phục vụ tha nhân và công ích.

Mục tử xấu: là những người lãnh đạo không nhắm phục vụ dân chúng, mà nhắm đạt được những điều kiện và phương tiện thuận lợi kia để hưởng thụ hoặc chỉ để thăng tiến bản thân, thỏa mãn những tham vọng riêng tư.

Loại sau này còn bao gồm những mục tử bị tha hóa, là những người lãnh đạo khởi đầu có ý hướng tốt, nhưng khi tiếp xúc hay sử dụng những điều kiện hay phương tiện xã hội trao cho, thì bị chúng hấp dẫn, mê hoặc và làm cho biến chất, để cuối cùng trở thành những mục tử xấu.

6. Mục tử tốt và xấu trong Thánh Kinhvà Tin Mừng

Khi nói về người «mục tử tốt lành» (Ga 10,1-18), Đức Giêsu mô tả và đối chiếu hai loại mục tử nói trên: một loại được gọi là mục tử tốt lành, còn loại kia là kẻ chăn chiên thuê.

a) Mục tử tốt lành

Mục tử tốt lành thì: «hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên» (Ga 10,11.15; x. 10,17-18), «tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi… chúng sẽ nghe tiếng tôi» (10,14.16). Đức Giêsu tự nhận mình chính là mục tử loại này. Trong Thánh Kinh có rất nhiều câu mô tả những đức tính tốt của những mục tử tốt lành, mà chính Thiên Chúa là mô hình gương mẫu nhất:

yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: «Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt» (Is 40,11).

– yêu quí từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: «Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc» (Mt 18,12-13).

– lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: «Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ» (Ed 34,14).

– làm chiên sống no ấm, hạnh phúc: «Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì» (Tv 23,1); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: «Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm» (23,4).

– tinh thần trách nhiệm rất cao: «Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng» (Ed 34,16).

– cứu thoát, giải phóng đàn chiên: «Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên» (Dc 9,16).

Tóm lại, người mục tử tốt lành thật sự yêu thương đàn chiên, sẵn sàng hy sinh cho sự an nguy và hạnh phúc của đàn chiên. Thậm chí như Đức Giêsu, người mục tử tuyệt vời nhất, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình: coi sự sống còn của đàn chiên quý hơn cả sự sống mình.

b) Kẻ chăn chiên thuê hay mục tử xấu

Kẻ chăn chiên thuê hay mục tử xấu thì: «không thiết gì đến chiên» (Ga 10,13), «khi thấy sói đến liền bỏ chiên mà chạy: sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn» (10,12). Thánh Kinh cũng có nhiều câu mô tả hạng mục tử này với những đặc tính:

– vô trách nhiệm: «Con chiên nào mất, nó chẳng quan tâm; con thất lạc, nó chẳng đi tìm; con bị thương, nó không chạy chữa; con mạnh khoẻ, nó chẳng dưỡng nuôi» (Dc 11,16a); «Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm» (Ed 34,4)

– chỉ nghĩ tới hưởng thụ, sẵn sàng bóc lột: «Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, mà đàn chiên lại không lo chăn dắt» (Ed 34,3). Thậm chí bóc lột đến tận xương tủy: «Con nào béo thì chúng ăn thịt, rồi lóc luôn cả móng» (Dc 11,16b)

– ích kỷ, vụ lợi, đầy tham vọng: «Chúng là lũ chó đói, ăn chẳng biết no. Thế mà chúng lại là mục tử! Cả bọn – chẳng trừ ai – chỉ mưu tìm lợi lộc cho riêng mình» (Is 56,11).

– tàn bạo, độc ác, thích quyền hành, ham thống trị: «Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc» (Ed 34,3); «Các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng» (Gr 23,2b).

– tác hại vô cùng đến đàn chiên: «Các ngươi đã làm cho đàn chiên của Ta phải tan tác» (Gr 23,2).

Tóm lại, mục tử xấu coi đàn chiên chỉ là phương tiện, bắt chúng phải hy sinh phục vụ cho lợi ích riêng tư, cho tham vọng quyền lực của mình, không một chút tình thương đối với chúng. Nhưng kết cục của hạng mục tử này rất bi thảm: «Khốn cho mục tử vô tích sự đã bỏ mặc đàn chiên. Gươm sẽ chặt đứt tay nó, sẽ chọc mắt phải của nó. Cánh tay của nó sẽ khô đét, và mắt phải của nó sẽ mù loà» (Dc 11,17); «Khốn thay những mục tử làm cho đàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác (…) các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa» (Gr 23,1-2).

7. Hãy trở nên những mục tử tốt lành

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu tự xưng mình là «mục tử tốt lành», luôn yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. Ngài tự xưng như thế không phải để chúng ta nể phục cho bằng để chúng ta bắt chước, để chúng ta noi gương Ngài trong công việc «mục tử» của chúng ta. Chúng ta thường giới hạn ý nghĩa của từ «mục tử» này, đến nỗi chỉ áp dụng nó cho những người lãnh đạo tôn giáo. Thật ra, tất cả những ai đảm trách việc lãnh đạo, từ một gia đình đến một phường, một tỉnh, hay một quốc gia, từ một hội đoàn, một xứ đạo, đến một giáo phận, một giáo hội địa phương hay Giáo Hội toàn cầu, một cách nào đó, đều có thể gọi là mục tử.

Ước chi mọi mục tử đều biết thật sự yêu thương đàn chiên của mình và lãnh đạo chúng một cách sáng suốt! Ước chi mọi cha mẹ đều yêu thương con cái, mọi cha xứ đều sẵn sàng hy sinh phục vụ giáo dân, mọi giám mục đều hết lòng chăm sóc các linh mục và giáo dân dưới quyền mình! Ước chi mọi vị lãnh đạo xã hội và đất nước biết quên những quyền lợi riêng tư để nghĩ đến lợi ích chung của dân chúng!

Mọi quốc gia, mọi giáo hội, đều rất cần những vị minh quân, những mục tử tốt lành. Cần hơn cả việc có thật đông những cá nhân tài giỏi, xuất sắc. Câu chuyện sau đây minh họa điều đó.

Có hai người thuộc hai quốc gia nói chuyện với nhau:

– «Tôi rất khâm phục đất nước anh, vì nước anh có rất nhiều anh hùng».

– «Thế đất nước anh có nhiều anh hùng không?»

– «Rất tiếc, đất nước tôi ít anh hùng lắm!»

– «Lạ nhỉ, đất nước tôi nhiều anh hùng thế mà sao vẫn cứ nghèo nàn và lạc hậu, dân chúng thì đói khổ và cùng cực. Còn đất nước anh không có anh hùng mà sao lại phát triển và giàu có như vậy?»

– «À, đất nước tôi thì bù lại, được một ít vị là minh quân!»

Thì ra chỉ cần một vị minh quân – hay mục tử tốt lành – thì cũng đủ quí giá và ích lợi cho đất nước và Giáo Hội hơn là có nhiều anh hùng hay cá nhân xuất sắc!

Cầu mong cho đất nước và Giáo Hội Việt Nam có được những minh quân, hay những mục tử tốt lành thật sự!


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________