3.8.09

Hành hương nội tâm


Cách đây 207 năm, Đức Mẹ đã hiện ra tại La Vang năm 1798, để cứu giúp những Kitô hữu kiên trung với đức tin phải lẩn trốn trong rừng vì bị vua quan thời Tự Đức bách hại. Và hằng năm, vào dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, người công giáo ở khắp nơi trong nước tuốn đến La Vang (thuộc tỉnh Quảng Trị) để hành hương tỏ lòng hiếu thảo và kính mến Đức Mẹ, nhờ đó họ nhận được nhiều ơn lành từ người Mẹ chung rất nhân từ của nhân loại. Năm nay 2005, cũng như mọi năm, khách hành hương sẽ đến đây 3 ngày – từ 13 đến 15 tháng 8 – để được sống dưới bóng từ bi của Mẹ hiền, để suy nghĩ về tình thương của Mẹ, để cầu nguyện, dâng thánh lễ kính Mẹ, và nhất là để được ơn cải hóa từ bên trong.

Hành hương, một việc làm tốt đẹp

Hành hương đến một nơi nào đó có tính linh thiêng và lịch sử liên quan đến Chúa Giêsu, Đức Mẹ hay một vị thánh nào đó để tỏ lòng kính mến, yêu thương, hiếu thảo… đối với các Ngài là một việc làm rất tốt đẹp, đáng khuyến khích. Nhưng còn tốt đẹp và đáng khuyến khích hơn nữa khi các Kitô hữu cùng đến thật đông đảo những nơi đó vào cùng một ngày đặc biệt nào đó, chẳng hạn đến La Vang vào dịp kỷ niệm hàng năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại đó. Việc làm tập thể này mang tính giáo hội, tính cộng đồng rất cao. Việc thờ phượng Thiên Chúa, việc tôn sùng Đức Mẹ hay các thánh không chỉ nên thực hiện với tư cách cá nhân, mà còn cần thực hiện với tư cách cộng đồng hay tập thể Giáo Hội nữa.

Điều quan trọng là tấm lòng

Nhưng vấn đề cốt yếu để làm đẹp lòng Thiên Chúa, để tỏ lòng hiếu thảo với Đức Mẹ hay lòng kính mến các thánh không nằm ở chính việc hành hương mà ở tấm lòng yêu thương thúc đẩy tađi hành hương. Điều quan trọng và có giá trị trước Thiên Chúa là phải có lòng, có cái tâm yêu mến đã; việc hành hương chỉ là hành động biểu lộ cụ thể tấm lòng yêu thương ấy. Nếu việc hành hương không xuất phát từ tấm lòng yêu thương ấy, thì nó chẳng có giá trị bao nhiêu. Thánh Phaolô cho biết: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi»(1Cr 13,3). Lòng yêu thương hay đức mến ấy mới là điều cốt yếu phải có để việc hành hương có giá trị trước Thiên Chúa và đem lại cho ta ơn phúc, sức mạnh, bình an…

Đặt vấn đề như vậy, ta thấy việc hành hương chưa phải là chuyện ưu tiên phải làm, mặc dù rất nên làm. Mà chuyện ưu tiên phải làm là có tình yêu thương trước đã. Nếu tình yêu thương ấy là một tình cảm đích thực thì tự nhiên nó phải được thể hiện thành việc làm cụ thể. Mà thể hiện thành việc làm cụ thể thì không nhất thiết phải là đi hành hương, mà có rất nhiều việc khác có thể làm, thậm chí cần thiết phải làm hơn rất nhiều. Tóm lại, người ta có thể đi hành hương mà không do tình yêu thúc đẩy; và người được tình yêu thúc đẩy thì không nhất thiết là phải đi hành hương.

Hành hương là gì?

Hành hương là ra khỏi nơi mình ở, nơi mình thường sống để đến một nơi linh thiêng nào đóliên quan đến Thiên Chúa, Đức Mẹ hay một vị thánh nào đấy. Do đó, hành hương có thể được hiểu theo hai nghĩa: nghĩa thể chất và nghĩa tâm linh.

Hành hương theo nghĩa thể chấtrất dễ hiểu và người Kitô hữu thường thực hiện thứ hành hương này. Nó đem lại khá nhiều lợi ích cho người hành hương: được ơn này ơn kia, ơn khỏi bệnh, ơn bình an, ơn soi sáng để giải quyết khó khăn, ơn tìm được người thân bị lạc, tìm được của cải bị mất, v.v… Nhưng ơn quan trọng nhất là ơn được cải hóa, ơn từ bỏ con người cũ ích kỷ để trở thành con người mới vị tha, biết thật sự yêu thương.

Tuy nhiên, hành hương có thể hiểu theo nghĩa tâm linh, đó là hành hương bằng nội tâm, xảy ra ngay trong nội tâm của mình. Đây là một kiểu hành hương làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đức Mẹ nhất, và đem lại nhiều ơn lành quí giá nhất.

Hành hương nội tâm

Hành hương nội tâm là ra khỏi bản thân mình để đến với Thiên Chúa và tha nhân. Người ta chỉ thực hiện được cuộc hành hương này khi quyết tâm từ bỏ tính ích kỷ của mình.

Người ích kỷ thì tâm trí luôn bị chi phối bởi chính «cái tôi» của mình, lúc nào cũng luẩn quẩn với «cái tôi» của mình, không vượt ra khỏi sự kiềm chế của «cái tôi» ấy để thật sự đến với Thiên Chúa và tha nhân được. Khi cầu nguyện, người ích kỷ chỉ nghĩ tới những nhu cầu, những đau khổ của họ, những gì đang làm họ bận tâm, những điều họ mong muốn nhưng chưa thành tựu, và họ xin Thiên Chúa giải quyết, đồng thời ban cho họ đủ mọi thứ mà họ yêu cầu. Họ chỉ nghĩ đến những gì họ muốn Thiên Chúa làm cho họ, không hề nghĩ đến hoặc nghĩ đến rất ít những gì Thiên Chúa muốn họ làm cho Ngài, cho tha nhân chung quanh họ. Khi làm một điều gì tốt cho ai, họ luôn luôn tính toán xem làm như thế thì lợi ích cho họ được bao nhiêu. Nếu thấy việc làm ấy có lợi cho họ, đời này hoặc đời sau, thì họ mới chịu làm. Tâm trí họ không bao giờ vượt ra khỏi bản thân họ. Chính những người này cần phải làm một cuộc hành hương nội tâm nếu muốn nhận được dồi dào sức mạnh và hồng ân của Thiên Chúa.

Thật vậy, ta thử đặt mình vào địa vị của Thiên Chúa xem ta sẽ đối xử thế nào với một người ích kỷ như thế? Và ta sẽ đối xử thế nào với một người vị tha không nghĩ gì đến chính bản thân họ mà chỉ nghĩ đến chuyện làm những gì ta muốn người ấy làm? Nếu ta là Chúa ta sẽ ban ơn cho ai nhiều hơn? – Đương nhiên ta sẽ ban ơn dư dật cho người chỉ nghĩ đến ta, hoặc nghĩ đến ta nhiều hơn chính bản thân họ. Đó chính là ý nghĩa lời Chúa Giêsu: «Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy»(Lc 9,24).

Cuộc hành hương nội tâm phải xảy ra trong chính nội tâm của mình chứ không phải trong không gian vật chất. Ta có thể cứ ngồi ở nhà mà vẫn hành hương đúng với ý muốn của Thiên Chúa khi ta thật sự ra khỏi chính mình để thật sự đến với Thiên Chúa, đến với tha nhân bằng những tâm tình, tư tưởng và hành động thật sự vị tha, đầy tinh thần yêu thương. Khi làm như vậy, ta sẽ kéo ơn Chúa và sức mạnh của Ngài đến với ta thật dồi dào.Ngược lại ta cũng có thể hành hương đến nơi nọ nơi kia, đến tận nước nọ nước kia, tốn không biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc, mà không hề ra khỏi bản thân ta, để rồi ta chẳng nhận được ơn Chúa bao nhiêu.

Một thí dụ về hành hương nội tâm

Một thầy dòng lớn tuổi nọ có một nguyện ước ngay từ hồi còn trẻ, khi mới vào dòng, là trong đời mình sẽ đi hành hương đến Bêlem, Nazarét, Giêrusalem. Ông muốn đến tận nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, nơi Ngài sống thời thơ ấu. Ông muốn đích thân đi trên con đường Chúa Giêsu đã đi khi vác thánh giá, và đến tận đỉnh núi sọ, nơi Ngài chết thảm thiết vì ông. Ông muốn như thế vì ông rất yêu mến Ngài. Ông đã ngỏ ý nguyện ấy với bề trên nhà dòng. Vì thế, bề trên cho phép ông được để dành tiền cho công việc ấy. Ai cho ông tiền thì ông cứ giữ lấy không phải nộp cho bề trên như các thầy dòng khác. Để dành suốt 40 năm trường ông mới có tạm đủ tiền để thực hiện cuộc hành hương ấy, lúc ấy ông đã trên 60 tuổi.

Đến ngày thực hiện cuộc hành hương ấy, ông ra khỏi nhà dòng với tâm hồn thật phấn khởi vì ông đang bắt đầu thực hiện điều ông hằng mơ ước suốt 40 năm qua. Nhưng trên đường đi mua vé máy bay, ông tình cờ gặp một bà mẹ đang khóc lóc thảm thiết vì con bà bị bệnh nan y mà không có tiền chữa trị. Nó sẽ chết trong vòng một tháng nếu bà không đưa nó vào bệnh viện điều trị. Nó là đứa con duy nhất của bà, và đang là người nuôi sống bà trong tuổi già. Mất nó, bà không thể sống được. Nhưng số tiền bà cần để chữa trị cho con quá cao, ngang với toàn bộ số tiền mà ông thầy dòng đã để dành suốt 40 năm.

Nhờ suy niệm Tin Mừng hằng ngày, ông bỗng nhận ra Chúa Giêsu đang thật sự hiện thân trong hai mẹ con đang gặp cơn khốn khổ này. Ông cảm nghiệm một cách rất thực tế như vậy. Thế là bao nhiêu tiền ông để dành được suốt 40 năm qua, ông trao cho bà mẹ ấy tất cả, rồi về lại nhà dòng với tâm trạng thật hân hoan. Cha bề trên hỏi ông sao lại về, ông bảo ông đã đi hành hương và đã gặp được chính Chúa Giêsu rồi.

Ông nói đúng, ông đã đi hành hương rồi, một cuộc hành hương thật sự và đúng nghĩa nhất. Ông đã hoàn toàn ra khỏi lòng mình, ra khỏi ước nguyện mà ông vẫn cho là linh thiêng cao cả nhất của đời ông để đến với Thiên Chúa và tha nhân. Ước nguyện đó dẫu sao vẫn là của ông mà ông cho rằng hợp với ý của Thiên Chúa. Nhưng khi gặp hoàn cảnh cùng khốn của hai mẹ con bà kia, ông đã từ bỏ ý riêng ấy để làm theo ý Thiên Chúa mà ông nhận ra ngay tức thời khi gặp họ: phải cứu lấy con bà ấy. Mạng sống của nó bội phần quý hơn và cần thiết hơn cuộc hành hương của ông. Ông nhận ra sự hy sinh ấy có giá trị cao cả trước Thiên Chúa và đẹp lòng Ngài gấp bội việc hành hương của ông.

Kể từ đó trở đi, cuộc sống ông thay đổi hẳn vì ông thường xuyên gặp được Chúa Giêsu đích thực luôn hiện thân nơi những người đang sống chung quanh ông: các thầy sống cùng dòng với ông, và những người mà thỉnh thoảng ông gặp trong cuộc đời. Tuy không hành hương bằng thể chất đến Palestine, nhưng ông đã hành hương bằng tinh thần trong nội tâm của ông. Ông đã ra khỏi chính bản thân ông để thật sự đến với Thiên Chúa luôn hiện diện nơi tha nhân ông gặp, và cũng đến với chính họ. Ông đã từ bỏ ý riêng của ông, cho dù đó là ước nguyện ông đã theo đuổi suốt cả đời ông, để làm theo thánh ý Thiên Chúamà ông nhận ra vào phút chót. Thực hiện được cuộc hành hương nội tâm ấy, ông đã trở thành con người mới: con người vị tha. Trở thành người vị tha, lập tức ông cảm thấy quan niệm, cách suy nghĩ, cách hành động, cụ thể nhất đối với ông là cách cầu nguyện, cũng thay đổi theo. Cách cầu nguyện cũ rõ ràng phản ảnh tính ích kỷ của ông.

Cách cầu nguyện vị tha

Ông nhận ra cách cầu nguyện hay nhất, đẹp ý Thiên Chúa nhất, đem lại sức mạnh và ơn Chúa cho ông nhiều nhất, đó là: thay vì nói với Chúa những điều ông muốn để xin Chúa thực hiện, thì ông xin Chúa hãy nói với ông những gì Ngài muốn để ông thực hiện. Cách cầu nguyện mới của ông là: thay vì lo nói cho thật nhiều với Chúa thì ông chỉ quan tâm lắng nghe Ngài nói. Ông cảm thấy nghe Ngài nói có lợi hơn là nói với Ngài rất nhiều. Vì những gì ông định nói, muốn nói, Ngài đã biết tất cả, nên ông cảm thấy không cần phải nói. Điều ông cần và rất cần là biết được Ngài muốn gì nơi ông. Muốn thế, ông phải lắng tai nghe Ngài nói. Và khi ông lắng nghe, ông thấy rõ ràng Chúa nói với ông. Trong cách cầu nguyện này ông không xin gì với Chúa mà chỉ quan tâm đến những gì Chúa yêu cầu ông làm. Nhưng quả thật chưa bao giờ ông lại nhận được dồi dào ơn Chúa như bây giờ. Ông đã được tất cả những gì ông cần, và nhất là ông cảm nghiệm được sức mạnh và hạnh phúc đích thực của Chúa đến với ông.

Có phải bạn rất muốn đi hành hương La Vang, Tà Pao, hay Lộ Đức, Fatima? Tốt lắm! Xin Thiên Chúa chúc lành cho điều mong ước ấy. Nhưng rất có thể bạn không có thì giờ, tiền bạc hay điều kiện để thực hiện? Đừng lo, bạn vẫn có thể hành hương bằng nội tâm của bạn, một kiểu hành hương mà Thiên Chúa và Đức Mẹ luôn mong muốn bạn thực hiện hơn cả những cuộc hành hương mà bạn vẫn mong muốn thực hiện bấy lâu nay.


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________