3.8.09

HÃY DÙNG ĐỒ GIẢ
ĐỂ ĐỔI LẤY ĐỒ THẬT


Đổi giấy lấy tiền, hay đổi đồ giả lấy đồ thật là chuyện hiếm có và cũng rất nực cười ở trên đời. Thế nhưng đó lại là một thực tế rất quan trọng trong đời sống tâm linh mà Đức Giêsu muốn tỏ cho chúng ta biết qua dụ ngôn người quản gia bất trung (x. Lc 16,1-8). Thực tế đó thế nào?

1. Theo khôn ngoan thế gian, phải biết lo liệu trước tương lai

Vì thế, Đức Giêsu – Vị Thầy số một về sự khôn ngoan của Thiên Chúa – đã lưu ý ta điều này và đề nghị với ta một phương cách chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu bên kia cái chết. Để nói với ta điều này một cách dễ hiểu, Ngài đã dùng dụ ngôn người quản gia bất trung (x. Lc 16,1-13). Chúng ta thử tìm hiểu dụ ngôn ấy để nắm được ý nghĩa sâu xa của nó.

Ta hãy thử đặt mình vào địa vị tên quản gia bất lương kia để xem mình nên làm gì hầu «sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ». Nếu không lo liệu trước, thì coi chừng tương lai sẽ chết đói, vì ngoài chức quản gia ra, anh ta chẳng biết làm gì khác để sinh sống: «cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi». Vì thế, anh nghĩ: tốt nhất là nên lợi dụng ngay quyền hạn của chức quản gia mà mình còn giữ được trong thời gian ngắn ngủi một tuần hay một tháng này để lo liệu chuyện đó. Vậy thì ngay từ bây giờ, phải đầu tư tình cảm nơi mọi người. Cách tốt nhất và hữu hiệu nhất để gây tình cảm là lợi dụng chức quản gia để làm ơn cho họ, càng nhiều càng tốt. Anh ta nghĩ: ông chủ có rất nhiều con nợ, mình giảm nợ cho họ tất nhiên họ phải mang ơn mình, có tình cảm với mình, nhờ đó, khi mình thất nghiệp, họ sẽ tôn trọng và giúp đỡ mình. Thế là «anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”».

Như thế, anh ta đã dùng những tiền của không phải của mình để làm lợi cho mình: dùng tiền của của người khác do mình tạm thời quản lý để mua lấy tương lai cho mình về sau. Nhân câu chuyện này, Đức Giêsu khuyên chúng ta: «Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu». Điều ấy có ý nghĩa gì? Cần phải hiểu câu nói của Đức Giêsu thế nào?

2. Áp dụng sự khôn ngoan ấy vào việc lo hạnh phúc vĩnh cửu

Những ai thắc mắc như trên thì bài Tin Mừng về người quản gia bất trung là một tin rất đáng mừng đối với họ! Thật vậy, một điều rất lạ lùng và hết sức đáng mừng là ta có thể dùng những thứ giả tạm chóng qua mà ta đang tạm thời quản lý ở đời này để tạo nên của cải đích thực và vĩnh cửu cho ta ở đời sau. Vì thế, xét về mặt này, hoàn cảnh của ta giống y hệt hoàn cảnh của viên quản gia bất trung trong dụ ngôn của Đức Giêsu. Vậy thì dại gì ta cứ giữ khư khư lấy những của giả tạm đó cho mình, mà không lợi dụng thời gian quản lý quí báu những của cải ấy để mua sắm lấy Nước Trời, tức hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của mình. Vì thế, những kẻ chỉ lo làm giàu ở đời này mà không màng đến việc lo liệu cho hạnh phúc đời sau, thì đúng là bỏ mất những cơ hội hết sức quí báu để «đổi giấy lấy tiền», «đổi đồ giả lấy đồ thật» . Cơ hội này mất đi sẽ không bao giờ trở lại.

Người quản lý trong dụ ngôn đã dùng tiền mà mình đang quản lý để làm ơn làm phúc cho người này người nọ, nhờ đó khi không còn quản lý nữa, ông vẫn được người khác quí trọng, tiếp đón, hậu đãi. Đức Giêsu khuyên chúng ta cũng nên «dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu». Nghĩa là hãy dùng những của cải tạm bợ – tinh thần cũng như vật chất – mà Chúa trao cho ta quản lý, để sắm lấy những của cải vĩnh viễn trên trời. Bằng cách nào? bằng cách sử dụng những của cải ấy để thực hiện những hành động yêu thương: gây hạnh phúc hay làm lợi cho tha nhân, làng xóm, xứ đạo, quê hương đất nước, xã hội, Giáo Hội… Ta có thể dùng tiền của, tài năng, trí tuệ của mình – vốn giả tạm, chóng qua, nay còn mai mất – để đầu tư cho sự hạnh phúc của tha nhân, sự phát triển của xã hội, sự thánh thiện của Giáo Hội, v.v… Nhờ vậy, tự nhiên ta có một kho tàng vĩnh cửu không thể hư mất ở trên trời. Như thế chẳng phải là ta đã «đổi giấy lấy tiền», «đổi đồ giả lấy đồ thật» sao? Vậy dại gì mà không đổi?

3. Hãy trung tín trong mọi việc hằng ngày

Đã là người, ai cũng muốn mình trở thành người có giá trị, được mọi người tín nhiệm. Sự tín nhiệm và giá trị của ta một phần nào được đo bằng việc người khác có dám giao cho ta đảm trách những việc lớn lao hay không. Nhưng làm sao người khác có thể dám giao cho ta việc lớn, khi họ thấy ngay cả việc nhỏ ta cũng không chu toàn được? Đức Giêsu đã đưa ra một nguyên tắc: «Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn» (Lc 16,10).

Sự khôn ngoan đòi buộc người ta, khi giao việc cho ai mà muốn thành công, thì phải thử xem người ấy có đủ khả năng và đức độ để chu toàn việc ấy không. Đức độ và khả năng là hai yếu tố quan trọng để căn cứ vào đó mà tín nhiệm một người. Nói về việc thử người, trong dân gian có câu: «Lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà, và lấy đàn bà thử đàn ông». Tôi nghĩ câu ấy cũng rất chí lý.

Riêng tôi, theo kinh nghiệm cá nhân rất hạn hẹp của tôi thì chỉ nên tín nhiệm những ai tỏ ra trung tín trong việc sử dụng tiền bạc hoặc của cải của người khác. Và đó cũng là điều Đức Giêsu nói trong câu: «Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?» (Lc 16,11-12). «Tiền của bất chính» trong câu Tin Mừng này nên hiểu là tiền của giả tạm, chóng qua ở đời này, mà ta chỉ là người quản lý chứ không phải là chủ. Nó trở nên «bất chính» khi ta tự coi mình là chủ nhân và sử dụng nó hoàn toàn theo ý mình, chứ không phải theo ý của chủ nhân đích thực là Thiên Chúa. Kinh nghiệm hạn hẹp của tôi cho thấy người nào không trung tín trong chuyện tiền bạc, của cải vật chất, thì cũng thường không trung tín hay không đáng tín nhiệm trong những chuyện khác. Còn ai trung tín trong chuyện tiền bạc, của cải vật chất, thì cũng thường trung tín hay đáng tín nhiệm trong những việc khác. Theo quan niệm của tôi, một người không giữ được sự công bằng – dù về tinh thần hay vật chất – thì cũng khó có thể là một người bác ái đích thật hay một người thánh thiện được.

Vậy, ta không nên sợ rằng mình không được tín nhiệm, mà hãy sợ rằng ta chưa có thái độ đúng đắn trong những việc nhỏ, trong sự công bằng, trong cách sử dụng tiền bạc hay của cải không phải là của mình.


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________