1.8.09

Giáo Hội Việt Nam
cần những người lãnh đạo giỏi


Hiện nay, tiếp xúc với những giáo dân đang thao thức về hiện tình Giáo Hội, tôi thấy họ đều nhận ra có những vấn đề chưa ổn trong Giáo Hội mà họ mong được các đấng bậc giải quyết, để Giáo Hội phát triển và chu toàn hữu hiệu hơn sứ mạng mà Đức Giêsu trao phó cho Giáo Hội. Có rất nhiều vấn đề: nào là cơ cấu hay tố chức Giáo Hội địa phương, nào là tình trạng giáo sĩ trị, nào là não trạng cha chú của các linh mục, nào là sự phân hóa trong giáo xứ, nào là não trạng trần tục khi làm việc Chúa, v.v... Nhưng tôi thấy mọi vấn đề đều tùy thuộc vào vấn đề căn bản này: Giáo Hội cần có những vị lãnh đạo biết lãnh đạo. Người biết lãnh đạo sẽ có cách ổn định mọi vấn đề đâu vào đấy!

Nếu quốc gia rất cần những vị minh quân để có thể phát triển và trở nên thịnh vượng, thì Giáo Hội cũng rất cần những vị minh quân ở nhiều cấp độ khác nhau để có thể mở mang, phát triển hầu thực hiện hữu hiệu sứ mạng Đức Kitô giao phó cho Giáo Hội.

Đất nước Việt Nam cũng như Giáo Hội Việt Nam có rất nhiều người tài đức về chuyên môn hay về những khía cạnh chuyên biệt, nhưng dường như rất hiếm những người có khả năng lãnh đạo vừa có tài vừa có đức. Người lãnh đạo ngoài lòng nhiệt thành và yêu mến Giáo Hội một cách đặc biệt và hơn người, còn phải có một cái nhìn tổng quát, chiến lược, thấu đáo các vấn đề, phải có khả năng quy tụ và sử dụng những người tài đức phù hợp với khả năng của họ, phải biết lắng nghe, biết tôn trọng những góp ý của người khác…

Sự thiếu hiếm những người lãnh đạo một phần do vấn đề giáo dục trong Giáo Hội. Giáo Hội thường quan tâm đào tạo nên những người thừa hành hơn là lãnh đạo, trọng đức vâng lời và tính rập khuôn hơn là khả năng sáng tạo hay phát huy sáng kiến, trọng hình thức đạo đức bên ngoài hơn là thực chất đạo đức bên trong, trọng việc lễ lạy hơn việc sống đạo, trọng chức năng tư tế («làm lễ») hơn chức năng vương đế («làm chủ») và ngôn sứ («làm chứng»), v.v…

Cứ nhìn vào cách giáo dục trong chủng viện thì biết: tinh thần nô lệ vào ông thầy vẫn giúp học trò được nhiều điểm hơn tinh thần suy tư và sáng tạo. Chính ông thầy cũng có tinh thần nô lệ vào những gì «magister dixit» thì làm sao giúp học trò thoát khỏi tinh thần ấy! «Thầy nào trò nấy» là lẽ đương nhiên!

Cha Tuấn (omi) có đặt vấn đề về chương trình giáo dục trong các chủng viện khi so sánh với chương trình giáo dục ở các đại học Việt Nam: Các giáo trình được dạy suốt mấy chục năm nay tại các đại học Việt Nam không có gì thay đổi so với các giáo trình đã có từ năm 1960. Chương trình giáo dục trong các chủng viện cũng có phần tương tự như vậy.

Tôi có học ở Đại chủng viện Sàigòn hai khóa (1977 và 1978) – mỗi khóa 4 tháng – sau khi Giáo Hoàng Học Viện bị giải tán. Tôi nhận thấy thần học được dạy ở đây là thứ «théologie dictée», nghĩa là giáo sư cứ đọc giáo trình cho chủng sinh chép, thỉnh thoảng ngừng lại để giải thích những chỗ khó hiểu. Và thần học này là thứ thần học thời công đồng Trentê, hay ít nhất là trước công đồng Vatican II. Chẳng hạn thần học đó chủ trương hỏa ngục là một nơi chốn, trong đó có lửa, một thứ lửa mầu nhiệm: vừa là lửa vật chất đốt được thể xác, vừa là lửa tâm linh đốt được cả linh hồn!

Một số giáo sư chấm bài theo tiêu chuẩn này: hễ ai viết bài đúng y như trong cours thì được điểm cao, thậm chí viết đúng theo cả chấm, phảy thì càng tốt (bảo đảm tôi không nói quá một chút nào!) Khốn cho chủng sinh nào viết theo suy tư hay nghiên cứu cá nhân, nhất là những suy tư hay nghiên cứu khác lạ, ngược lại với quan điểm của giáo sư.

Cùng học ở đại chủng viện Sàigòn với tôi thời đó có Lm Nguyễn Văn Khảm (cũng từ một đại chủng viện khác đổi về đây, hiện đang du học tại WashingtonD.C.), ngài chắc sẵn sàng làm chứng về điều tôi vừa nói. Ngài thường hay tâm sự với tôi: «Đây đúng là một trường đại-tiểu-học!» Không biết bây giờ cách dạy ở đại chủng viện Sàigòn có khác xưa hay không!

Đào tạo chủng sinh kiểu ấy thì các linh mục tương lai sẽ là những linh mục chỉ biết thừa hành lệnh của các giám mục, đồng thời chỉ muốn những người dưới quyền mình thừa hành lệnh của mình mà thôi! Và nếu cứ đào tạo linh mục theo kiểu ấy thì làm sao có được những người lãnh đạo có khả năng lãnh đạo thật sự trong Giáo Hội?

Trước khi kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện vui đầy ý nghĩa.

Có hai người thuộc hai quốc gia nói chuyện với nhau:

– «Tôi rất khâm phục đất nước anh, vì đất nước anh có rất nhiều anh hùng».

-- «Thế đất nước anh có nhiều anh hùng không?»

– «Rất tiếc, đất nước tôi ít anh hùng lắm!»

-- «Lạ nhỉ, đất nước tôi nhiều anh hùng thế mà sao vẫn cứ nghèo nàn và lạc hậu, còn đất nước anh ít anh hùng mà sao lại phát triển và giàu có như vậy?»

– «À, đất nước tôi thì may quá có được một vài minh quân!»

Thì ra chỉ một vị “minh quân” – hay mục tử nhân lành – thôi cũng đủ quí giá và ích lợi cho đất nước và Giáo Hội hơn nhiều anh hùng hay cá nhân xuất sắc hợp lại!

Cầu mong cho đất nước và Giáo Hội Việt Nam có được những “minh quân”!




TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________