1.8.09

Gặp gỡ Thiên Chúa,
hay lương thực tâm linh


Đức Kitô đã chết và sống lại. Tất cả mọi người Kitô hữu đều tin như thế, nếu không thì không còn là Kitô hữu. Nhưng dù tin mạnh mẽ đến đâu, việc chết và sống lại của Đức Kitô chỉ ích lợi và đem lại sự sống siêu nhiên cho chúng ta, nếu Ngài thật sự chết và sống lại trong tâm hồn ta. Thật vậy, nếu Ngài chỉ chết và sống lại trong lich sử, cách đây gần 2000 năm tại đất nước Do Thái, mà không chết và sống lại trong chính bản thân ta, thì đối với ta việc chết và sống lại của Ngài sẽ trở nên hoàn toàn vô ích. Cũng tương tự như có người đem rất nhiều đồ ăn đến cho chúng ta, đủ nuôi sống và đem lại sinh lực dồi dào cho chúng ta trong nhiều ngày, nhưng nếu đồ ăn đó không được đưa vào miệng hay dạ dày của ta, thì ta vẫn có thể chết đói, và đồ ăn đó trở thành vô ích.

Vậy điều quan trọng phải làm trong mùa Chay để mừng đại lễ Phục sinh không phải chỉ là lo xưng tội, lo đi lễ, lo rước lễ, lo trang hoàng nhà thờ, lo trưng bông nhà mình, hay lo làm một bữa tiệc thật lớn để mọi người trong nhà cùng mừng lễ với nhau. Mà điều quan trọng phải làm là phục sinh Đức Kitô nơi chính bản thân mình, nghĩa là làm cho Đức Kitô thật sự sống lại trong tâm khảm, trong ý thức của mình.

Rất có thể trong tâm hồn ta, Đức Kitô đang bi chôn vùi trong ngôi mộ của sự quên lãng, như thể Ngài chẳng là gì và chẳng ảnh hưởng gì trên đời sống thường ngày của ta, như thể Ngài đang ngủ yên trong tâm hồn ta, không tác động gì ích lợi cho ta, giúp ta chống lại với những giông tố cuộc đời. Ngài dường như đang ngủ thật say trong tâm hồn ta như xưa đã ngủ say trên thuyền bỏ mặc cho các tông đồ phải lo lắng chèo chống, chiến đấu vất vả với giông tố sóng nước, tưởng chừng như chết đến nơi (xem Mc 4,35-41). Điều sáng suốt mà các tông đồ lúc đó đã làm, là đánh thức Thầy mình dậy. Và một khi Ngài thức dậy, Ngài ra lệnh cho sóng và gió phải im, và tất cả đều tuân lệnh Ngài.

Hình ảnh Đức Kitô ngủ thật say trong thuyền, hay hình ảnh Ngài nằm trong mộ đá có thể là hình ảnh trung thực diễn tả tình trạng của Ngài đối với tâm hồn ta lúc này. Nếu để Ngài ngủ hay chết, thì Ngài chẳng làm gì được cho ta. Phải đánh thức Ngài dậy, phải làm cho Ngài phục sinh trong tâm hồn ta. Nói cách khác, là phải làm cho Ngài luôn luôn sống động trong ý thức của ta. Chỉ như thế, chúng ta mới thấy được cánh tay uy dũng vạn năng của Ngài ảnh hưởng thật sự trên cuộc đời ta, giúp ta biến đổi tất cả những nghich cảnh thành thuận cảnh, bất lợi thành thuận lợi, và biến đổi chính bản thân ta một cách hữu hiệu và nhanh chóng.

Chúng ta phải đánh thức hay làm cho Ngài sống lại bằng cách thường xuyên ý thức sự hiện diện của Ngài trong ta. Nghĩa là phải luôn luôn ý thức rằng Chúa là nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu, nguồn trí tuệ của ta. Nếu ta tin tưởng rằng nguồn thần lực đó đang ở trong ta và sẵn sàng hoạt động, thì lập tức nguồn sức mạnh ấy sẽ hành động thật sự. Điều quan trọng là ta có dám tin như thế hay không. Niềm tin như thế cần phải được tập luyện và củng cố hằng ngày. Nếu chúng ta thường xuyên tự nhủ, và ngày nào cũng tự nhủ rằng: «Ngài là sức mạnh của tôi», thì sức mạnh ấy sẽ thành hiện thực nơi bản thân ta, lúc đầu chưa rõ ràng, và có thể yếu ớt, nhưng sẽ càng ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ lên theo thời gian.

Làm cho Ngài sống lại trong ta, là để Ngài chiếm trọn bầu ý thức tâm linh của ta, để Ngài hoàn toàn làm chủ đời ta, để Ngài hoàn toàn tự do hoạt động trong ta, không bi cản trở bởi ý riêng của ta. Ngài chỉ có thể lớn lên khi cái tôi của ta nhỏ đi, Ngài chỉ sống khi cái tôi ích kỷ của ta chết đi, và thánh ý của Ngài chỉ được thực hiện khi ta tự ý coi nhẹ ý riêng mình.

Làm cho Ngài sống lại trong ta, chính là gặp gỡ Ngài ngay trong chính bản thân ta, đó chính là bản chất của cầu nguyện, là lương thực nuôi dưỡng tâm linh ta. Cầu nguyện hay gặp gỡ Thiên Chúa chính là điều quan trọng nhất trong đời sống nội tâm của người Kitô hữu. Nhưng nhiều Kitô hữu chưa hiểu đúng bản chất của cầu nguyện hay sự gặp gỡ Thiên Chúa. Chúng ta hãy đi sâu vào vấn đề này.

CẦU NGUYỆN LÀ GẶP GỠ THIÊN CHÚA

Cầu nguyện là một sinh hoạt thường xuyên, rất thân thuộc đối với người Kitô hữu. Có thể nói: một Kitô hữu không cầu nguyện không thể là một Kitô hữu đúng nghĩa. Cầu nguyện có thể mang nhiều hình thức: đọc kinh, nguyện gẫm, chiêm niệm, ca tụng, tạ ơn, xin ơn, nói với Chúa và nhất là nghe Chúa nói, v.v… Nhưng bản chất của cầu nguyện chính là sự gặp gỡ liên vi giữa Chúa và ta. Và nhờ sự gặp gỡ đó, ta mới cảm nếm được Thiên Chúa, mới hiểu về Ngài. Cái hiểu này đến từ cảm nghiệm, chứ không phải đến từ suy luận hay lý thuyết như khi học hỏi. Khi cầu nguyện, nếu không thực sự gặp gỡ Thiên Chúa, thì có thể nói ta chưa đạt được bản chất hay mục đích của cầu nguyện. Thật vậy, có nhiều trường hợp người ta đọc kinh, nguyện gẫm, lần hạt, rước lễ… mà không thực sự gặp gỡ Thiên Chúa. Như thế, người ta chỉ có vẻ cầu nguyện chứ chưa thực sự cầu nguyện, và đương nhiên không cảm nghiệm được Ngài.

GẶP GỠ VÀ THƯỞNG NẾM THIÊN CHÚA
QUAN TRỌNG HƠN BIẾT VỀ THIÊN CHÚA

Người ta không gặp gỡ Thiên Chúa vì người ta không đặt nặng việc đó. Người ta thường có khuynh hướng chú trọng nhiều đến việc học hỏi về Thiên Chúa, và ít lưu tâm đến việc gặp gỡ và thưởng nếm Thiên Chúa. Suy tư để hiểu biết về Thiên Chúa rất quan trọng, vì có hiểu biết về Thiên Chúa, chúng ta mới yêu mến Ngài: «vô tri bất mộ». Nhưng trong thực tế, biết về Thiên Chúa không quan trọng bằng gặp gỡ Ngài, thưởng nếm Ngài. Cũng như biết nhiều về nước, biết chính xác về nước với các tính chất và thành phần cấu tạo của nước không quan trọng bằng việc uống nước. Không biết gì về nước hay biết sai lạc về nước, không sao cả, miễn là có uống nước. Còn biết hoàn toàn đúng về nước mà không uống nước, thì sẽ bi cơn khát dày vò, thậm chí chết được. Cũng vậy, bàn cãi xem Thiên Chúa là hữu ngã hay vô ngã, là một hay là hai với vũ trụ, sáng tạo ra vũ trụ hay biến hóa ra vũ trụ, thực tế không quan trọng bằng việc gặp gỡ Thiên Chúa, hưởng nếm sự diu ngọt của Ngài, nhận được ân sủng và sức mạnh của Ngài. Rất nhiều thần học gia nói thao thao bất tuyệt về Thiên Chúa nhưng không cảm nghiệm được Thiên Chúa bằng một trẻ em đơn sơ chân thành. Như vậy, biết Thiên Chúa chỉ là phương tiện, yêu mến Thiên Chúa mới là mục đích. Biết mà không dẫn tới yêu mến và cảm nghiệm, thì cái biết đó trở nên vô ích.

Không một tôn giáo nào trên thế giới không nói tới Hữu Thể mà người Kitô hữu gọi là Thiên Chúa, có điều họ gọi Hữu Thể ấy bằng những tên khác, và quan niệm về Hữu Thể ấy rất khác chúng ta. Nhiều khi ta cho rằng họ «vô thần», chỉ vì họ không quan niệm Hữu Thể ấy là «thần» như chúng ta. Không một tôn giáo nào không lấy Hữu Thể đó làm trọng tâm duy nhất của đời sống tâm linh, và coi việc gặp gỡ, cảm nghiệm và kết hợp với Hữu Thể ấy là thực nghiệm tâm linh quan trọng nhất của đời sống tôn giáo. Và mỗi tôn giáo đều có những cách để gặp gỡ và cảm nghiệm Hữu Thể ấy. Nói chung, tất cả các tôn giáo cũng như tất cả các giáo phái Kitô giáo đều chung một mục đích duy nhất là gặp gỡ và thực nghiệm được Hữu Thể mà chúng ta gọi là Thiên Chúa, mặc dù các tôn giáo quan niệm rất khác nhau về Hữu Thể ấy. Vì thế, việc gặp gỡ và cảm nghiệm Thiên Chúa có thể là khởi điểm để các tôn giáo và các giáo phái Kitô giáo có thể gặp gỡ nhau, trao đổi, và cùng múc được chính sự sống tâm linh đích thực, mà không nhất thiết phải đồng ý với nhau về các tín điều vốn rất khác biệt nhau giữa các tôn giáo.

Các tín điều ấy hay sự hiểu biết về Thiên Chúa không hẩn là điều kiện tối cần để có thể thực sự gặp gỡ và cảm nghiệm được Thực Tại Tối Hậu ấy, tức Thiên Chúa. Thật vậy, một người quê mùa được học hỏi rất ít về Thiên Chúa, hay một đạo sĩ trong một tôn giáo Á châu quan niệm về Thiên Chúa khác hẳn chúng ta, vẫn có thể gặp được Thiên Chúa và cảm nghiệm về Ngài (1*) hơn một thần học gia nổi tiếng. Điều đó đã xảy ra trong Kinh Thánh, khi Chúa Giêsu giáng sinh: những người gặp và thấy Chúa không phải là những bậc thầy dạy về Thiên Chúa, mà là các mục đồng biết rất ít về Ngài (x. Lc 2,8-18), và các đạo sĩ ngoại giáo (x. Mt 2,1-12), là những người chắc chắn có quan niệm về Thiên Chúa rất khác các rabbi Do Thái vốn rất tự hào mình được Thiên Chúa mặc khải. Vì thế, cùng chia sẻ kinh nghiệm về cầu nguyện, về việc cảm nghiệm Thiên Chúa -chứ không phải về những tín điều -chính là khởi điểm để đi đến đại kết và hiệp nhất, giữa các giáo phái Kitô giáo và giữa các tôn giáo. Hiểu biết có thể sai, nhưng cảm nghiệm là cái biết thực tiễn, trực tiếp với đối tượng, không có vấn đề đúng sai. Nói thao thao bất tuyệt về tính chất và cấu tạo của trái chuối không bằng được ăn chính trái chuối. Lý thuyết về trái chuối có thể khác nhau và gây chia rẽ, nhưng cảm nghiệm về nó thì hầu như ai cũng giống ai.

GẶP GỠ THIÊN CHÚA Ở ĐÂU?

Thiền sư Bách Trượng nói về việc tìm kiếm Thực Tại Tối Hậu ấy «hệt như cưỡi trâu tìm trâu». Ấn Độ giáo cho việc tìm kiếm đó giống như một con cá ở biển đi tìm nước. Nghe những chuyện đó ta thấy tức cười, nhưng đích thực khi ta tìm kiếm Thiên Chúa, ta cũng làm một việc tương tự. Thật thế, có nơi nào không có Thiên Chúa? Chúng ta và vạn vật hiện hữu, sinh sống, làm bất cứ việc gì cũng đều do Thiên Chúa. Làm sao ta có thể suy nghĩ, viết lách, đi lại, cựa quậy, thậm chí làm những việc dễ dàng nhất như chớp mắt, hít thở, mà không cần đến Thiên Chúa? Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, trong tất cả vạn vật, trong tất cả mọi sinh hoạt dù nhỏ nhất của ta. Nhất cử nhất động đều nói lên sự có mặt của Thiên Chúa. Thế mà ta lại tìm kiếm Thiên Chúa! Và mỉa mai thay lắm khi không gặp được Ngài. Có khác gì con cá dưới biển tìm nước hoài mà vẫn không thấy nước, không gặp được nước!

Mặc dù Thánh Kinh luôn luôn có những câu xác đinh rõ nơi Thiên Chúa hiện diện, như: «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? … Đền thờ ấy chính là anh em» (1Cr 3,16-17; x.1Cr 6,19; 2Cr 6,16; Ep 2,20-22), nhưng truyền thống Kitô giáo dường như quá nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong giáo đường, trong các bí tích, đến nỗi các Kitô hữu không mấy lưu tâm đến sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính mình, nơi tha nhân. Nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa thì người ta thường nghĩ ngay đến nhà thờ, đến phép Thánh Thể, không mấy ai nghĩ đến Thiên Chúa ngự ngay trong mình, trong những người chung quanh. Kinh Thánh dường như không ưa việc đinh vi Thiên Chúa một cách lệ thuộc và hạn đinh vào không gian vật chất như thế. Nhiều chỗ trong Kinh Thánh khẳng đinh: «Thiên Chúa, Đấng tạo dựng vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa tể trời đất, không ngự trong những đền thờ do tay con người làm nên» (Cv 17,24; x. Cv 7,28; Dt 9,11-12; Is 66,1-2). Chính Đức Giêsu, để trả lời cho câu hỏi: phải gặp gỡ Thiên Chúa và thờ phượng Ngài ở đâu, đã nói: «Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết… Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây -giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí (2*) và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những người thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những người thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Ga 4,21.23-24; x. Ga 2,21). Vì thế, thánh Phaolô khuyến kích ta tôn vinh, thờ phượng, gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong con người của ta: «Thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần. Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là chính Thánh Thần của Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em» (1Cr 6,20b). Quả thật, không có nơi nào ta dễ gặp gỡ Thiên Chúa cho bằng ngay bản thân ta. Cho dầu Ngài cũng hiện diện trong vũ trụ vạn vật hay những nơi khác, nhưng nơi gặp gỡ Ngài lý tưởng nhất vẫn là bản thân ta. Có gặp được Thiên Chúa nơi bản thân mình, thì mới gặp được Ngài ở những nơi khác. Chính thánh Âu-Tinh thú nhận: «Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên con đã không gặp được Chúa của lòng con» (3*), và «Con đã yêu Chúa quá muộn, … Chính Chúa vẫn ở trong con, còn con thì lại ở ngoài con» (4*).

CÓ GẶP THIÊN CHÚA NƠI BẢN THÂN,
MỚI GẶP ĐƯỢC NGÀI Ở NƠI KHÁC

Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, nên có thể gặp được Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào, tuy nhiên, vẫn có những nơi Ngài hiện diện cách đặc biệt, với mật độ cao, hiện diện một cách «đặc sệt». Nếu nói tới sự hiện diện vật chất của Thiên Chúa, thì phải nói tới phép Thánh Thể. Vì là hiện diện vật chất, nên sự hiện diện ấy lệ thuộc vào không gian và thời gian. Muốn gặp Ngài một cách vật chất, ta phải đến những nơi có Thánh Thể: nhà thờ, nhà nguyện…

Con người gồm cả thể chất lâãn tâm linh, nên sự gặp gỡ đầy đủ vẫn phải có đủ hai mặt ấy. Nhưng dẫu sao, giữa hai mặt ấy, gặp gỡ tâm linh vẫn quan trọng hơn rất nhiều. Vì việc gặp gỡ thể chất chỉ có ý nghĩa khi đã có sự gặp gỡ tâm linh. Vì nếu chỉ gặp gỡ về mặt thể chất thì không phải là gặp gỡ thật sự. Đó là trường hợp «vô duyên đối diện bất tương phùng» (5*), giống như bọn kinh sư Do Thái gặp và chất vấn Chúa Giêsu, nhưng hai bên không thật sự «gặp gỡ» nhau. Như vậy, nếu không có sự gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh, thì có gặp gỡ bằng thể chất, dù là hằng ngày, cũng vô ích. Do đó, điều quan trọng là gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh và trong tâm linh của ta, chứ không phải gặp gỡ bằng thể chất như chúng ta đã từng quá chú trọng mà coi nhẹ sự gặp gỡ tâm linh. Thật vậy, người ta có thể rước Thánh Thể hằng ngày mà không hề gặp gỡ Thiên Chúa, chỉ vì người ta đã không gặp gỡ Ngài bằng tâm linh, là cách gặp gỡ mà Chúa Giêsu muốn nói đến khi tiếp xúc với người phụ nữ Samari về nơi thờ phượng và gặp gỡ Thiên Chúa. Chỉ sau khi gặp gỡ Thiên Chúa trong tâm linh, người ta mới có thể gặp gỡ Ngài ở bất cứ nơi nào khác: trong phép Thánh Thể, trong thiên nhiên, trong vạn vật.

GẶP GỠ THIÊN CHÚA QUA CÁC BÍ TÍCH

Tuy nhiên, chúng ta không nên coi nhẹ sự gặp gỡ Thiên Chúa qua các bí tích, nhất là qua phép Thánh Thể, vì con người có thể chất, và vì thể chất ảnh hưởng rất mạnh đến tinh thần hay tâm linh. Nếu không có sự gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh, thì gặp gỡ qua thể chất là vô ích. Nhưng nếu chỉ gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh thì chưa đủ đối với con người có hồn có xác. Nếu đã gặp gỡ trên bình diện tâm linh, thì sự gặp gỡ về thể chất sẽ làm cho sự gặp gỡ đó thắm thiết lên gấp bội và ích lợi cho con người cũng tăng lên gấp bội. Điều đó tương tự như trong sự gặp gỡ giữa vợ chồng. Nếu không có sự gặp gỡ bằng tâm hồn, bằng tình yêu chân thật, thì sự gặp gỡ thể xác sẽ trở thành vô ý nghĩa. Nhưng nếu đã gặp gỡ bằng tâm hồn, bằng tình yêu chân thật, thì sự gặp gỡ đó đòi hỏi phải có sự gặp gỡ thể xác như một nhu cầu thiết yếu. Và sự gặp gỡ thể xác ấy sẽ làm cho sự gặp gỡ tinh thần kia hạnh phúc lên gấp bội. Và phải gặp gỡ trên cả hai bình diện đó thì đôi vợ chồng mới đúng nghĩa là vợ chồng… Cũng vậy, có gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh trước thì việc gặp gỡ Ngài qua thể chất mới có ý nghĩa. Vì thế, Giáo Hội buộc những ai lãnh bí tích Thánh Thể hay các bí tích khác (trừ rửa tội và giải tội) phải chuẩn bi trước, và điều quan trọng là phải sạch tội trọng… Đó là một hình thức Giáo Hội buộc người tín hữu phải gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh trước đã, trước khi gặp gỡ Ngài qua những dấu chỉ hữu hình vật chất. Nhưng đáng tiếc là nhiều tín hữu đã hiểu sự đòi hỏi chuẩn bi trước này một cách quá thô thiển và ngây ngô, nên đã không nếm được «mùi vi tuyệt vời» và hưởng những ơn ích dồi dào do sự gặp gỡ Đức Kitô qua thể chất. Các bí tích khác cũng vậy.

Nếu người nào chỉ bằng lòng với việc gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh, không đếm xỉa gì đến việc gặp gỡ Thiên Chúa qua bí tích, thì việc gặp gỡ bằng tâm linh đó chưa hẳn đã là một sự gặp gỡ đích thật. Thật thế, có cặp vợ chồng nào yêu thương nhau thực sự -tức đã gặp gỡ về tinh thần -mà lại không có nhu cầu gặp gỡ về thể chất? Trong tám cái khổ của Khổ Đế Phật Giáo (6*), có một nỗi khổ rất lớn là «ái biệt ly khổ», nghĩa là nỗi đau khổ do yêu thương nhau mà phải sống xa cách nhau. Vì thế, khi đã thực sự gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh rồi mà không được gặp Ngài qua thể chất, thì chắc chắn đó phải là một nỗi khổ, vì tình yêu chưa được thỏa mãn. Đấy là lý do khiến các thánh say sưa quì hàng giờ trước Thánh Thể Chúa. Gặp gỡ tâm linh càng đậm đà sâu thẳm bao nhiêu, thì gặp gỡ qua bí tích càng là một nhu cầu cấp bách, càng có ý nghĩa và càng sinh hoa trái bấy nhiêu.

QUÁ TRÌNH NỘI TÂM HÓA THIÊN CHÚA

Quá trình tìm hiểu, gặp gỡ và sống với Thiên Chúa càng đi vào chiều sâu, thì vi trí của Thiên Chúa đối với tâm hồn con người càng gần gũi hơn, càng đi vào nội tâm con người hơn.

- Khởi đầu, người ta quan niệm Thiên Chúa hoàn toàn ở ngoài con người, sự độc lập về mặt hữu thể giữa Thiên Chúa và con người rất lớn: Thiên Chúa là một thực tại siêu việt hoàn toàn bên ngoài con người.

- Dần dần con người khám phá ra rằng Thiên Chúa cũng ở ngay trong bản thân mình, trong tâm hồn mình, nhưng sự kết hợp chưa đi đến độ thắm thiết. Thiên Chúa ở trong con người, nhưng Thiên Chúa và con người vẫn có thể không gặp nhau, vì tương đối vẫn còn khá độc lập với nhau.

- Đến thánh Phaolô, Ngài đã cảm nghiệm được chính Thiên Chúa sống và hoạt động qua con người mình. Sự kết hợp giữa hai hữu thể đã đi đến độ thâm sâu: con người cảm thấy bản ngã của mình như tan biến đâu mất, chỉ còn có Thiên Chúa chiếm hoàn toàn con người mình, đến độ: «Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20. X. Rm 8,10-11). Thiên Chúa và con người tuy là hai hữu thể khác biệt, nhưng đi đến chỗ kết hiệp với nhau rất mật thiết.

- Đến thánh Âu-Tinh: «Thiên Chúa còn thân mật với tôi hơn cả chính tôi thân mật với tôi nữa» (7*): Thiên Chúa trở thành cái gì căn bản nhất, thâm sâu nhất trong tôi, hơn cả chính bản ngã của tôi.

Đó là quá trình nội tâm hóa Thiên Chúa của con người. Thiên Chúa không chỉ siêu việt (transcendant) ngoài con người, mà còn nội tại (immanent) trong chính con người nữa.

HÃY CẢM NGHIỆM THIÊN CHÚA NGAY TRONG BẢN THÂN MÌNH

Thiên Chúa nội tại trong ta và là nền tảng của hữu thể ta. Vậy thì còn phải tìm Thiên Chúa ở đâu nữa!? Vấn đề không còn là tìm kiếm Thiên Chúa, mà chỉ là ý thức và giác ngộ được Thiên Chúa ở nơi mình và mình đang sống trong Thiên Chúa. Con cá sẽ không bao giờ tìm thấy nước bao lâu nó chưa biết rằng nó đang sống trong nước và nước cũng đang có trong nó. Sở dĩ ta không cảm nghiệm được Thiên Chúa đang đầy tràn chung quanh ta và đầy tràn ngay trong ta, là vì ta đã để cho những biểu hiện của Thiên Chúa che mất chính Ngài. Cũng như khi coi phim, ta không còn thấy màn ảnh nữa chỉ vì mắt ta đã tập trung vào hình ảnh đang diễn ra trên màn ảnh (8*). Màn ảnh vẫn đang ở ngay trước mắt ta mà ta không nhìn thấy. Trong khi chiếu phim, muốn thấy màn ảnh, ta chỉ cần nhìn vào chính những hình ảnh đang thay đổi, đồng thời dùng trí tuệ để nhận ra cái nền tảng không thay đổi của những hình ảnh ấy, tức màn ảnh. Màn ảnh và các hình ảnh thay đổi ấy, một cách nào đó, «tuy hai mà một», nhưng cũng đồng thời cũng «tuy một mà hai». Lìa bỏ tất cả mọi hình tướng thay đổi của sự vật, ta sẽ nhận ra ngay cái bất biến hiện diện trong chính những cái thay đổi ấy. Đó là một cách để cảm nghiệm Thiên Chúa, một cách rất đông phương, luôn luôn bàng bạc trong giáo lý của các tôn giáo đông phương.

Có cảm nghiệm được Thiên Chúa, ta mới thưởng nếm được Ngài. Nếm được Ngài, ta mới có sức mạnh, trí tuệ, hạnh phúc và giải thoát. Đáng tiếc thay, rất nhiều Kitô hữu chỉ chú trọng đến sự hiểu biết, các tín điều về Thiên Chúa mà không tìm cách cảm nghiệm Ngài. Do đó, đối với những người ấy, trong đời sống thực tế, tin và không tin dường như chẳng có gì biến đổi, chẳng làm cho người ta nên tốt lành, thánh thiện và hạnh phúc hơn bao nhiêu. Không gặp gỡ, cảm nghiệm và thưởng nếm Thiên Chúa, đời sống tâm linh của họ trở nên nghèo nàn, yếu ớt, vì tâm linh họ không có của ăn, hay không ăn được những lương thực đích thật bổ dưỡng.

ĐỜI SỐNG TÂM LINH

Sự sống chỉ có một, nhưng được thể hiện dưới nhiều cấp độ khác nhau: đời sống thực vật, đời sống động vật, đời sống tình cảm, đời sống trí thức, và cao nhất là đời sống tâm linh. Con người hơn con vật ở chỗ có đời sống tình cảm và trí thức, nhưng hơn rất xa con vật ở chỗ có thể có đời sống tâm linh. Mỗi cấp độ của sự sống đều có những của ăn riêng biệt. Đời sống thực vật và động vật cần những của ăn vật chất (nước, glucid, protid, lipid, vitamine…). Đời sống tình cảm được nuôi bằng những cảm xúc, tâm tình. Đời sống trí thức được nuôi bằng kiến thức, kinh nghiệm, suy tư… Đời sống tâm linh đương nhiên cũng cần của ăn riêng biệt thích hợp. Vậy, tâm linh sống bằng gì?

Đời sống tâm linh là đời sống của linh hồn. Con người khác hẳn con vật ở chỗ có linh hồn, nên chỉ có những sinh vật từ con người trở lên mới có đời sống tâm linh. Chính nhờ có linh hồn mà con người là «hình ảnh của Thiên Chúa» (x. St 1,26.27). Thiên Chúa là «Linh» (thần linh), và linhhồn con người cũng là «linh», con người giống Thiên Chúa và là hình ảnh của Ngài về mặt này. Nhờ có linh hồn, con người mới có thể tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa, là sự sống Ngài chỉ ban cho con cái Ngài. Chính nhờ có linh hồn mà tự thâm sâu, con người vẫn tự nhiên hướng về Ngài, một cách ý thức hoặc vô thức, và chỉ được thỏa mãn khi nghỉ yên trong Ngài. Có thể nói đời sống tâm linh là đời sống kết hiệp với Thiên Chúa, khiến ta cảm thấy mình tan hòa trong Ngài, và lúc đó, cái tôi nhỏ bé hẹp hòi của mình dường như biến mất, khiến ta không còn thấy mình sống nữa, mình chỉ thấy Thiên Chúa sống trong mình (x. Gl 2,20).

Đời sống tâm linh không phải là một đời sống mà người ta chỉ có thể quan niệm được mà thôi. Thực ra, nó phải là một đời sống mà ta có thể cảm nghiệm được (9*). Một người có đời sống tâm linh cao và phong phú có thể cảm nghiệm được linh hồn mình cũng y như cảm nghiệm được thể xác mình. Và có cảm nghiệm được linh hồn mình, tâm linh mình, thì mới mong cảm nghiệm được chính Thiên Chúa. Không ai có thể tự hào mình có đời sống tâm linh dồi dào khi chính mình không cảm nghiệm được đời sống đó. Cũng như một người có đời sống trí thức dồi dào, thì phải cảm nghiệm được mình hiểu biết, suy tư, ý thức về chính mình. Hay cũng như một người có đời sống tình cảm thì phải cảm nghiệm được những nỗi vui buồn, thương ghét của mình… Vì chúng ta có khả năng biết về mình chứ không vô ý thức như con vật. Vậy, chẳng lẽ chúng ta có đời sống tâm linh thật sự mà lại không cảm nghiệm được nó?

ĐỜI SỐNG TÂM LINH PHÁT TRIỂN THẾ NÀO?

Đời sống tâm linh của nhiều người chỉ ở dạng «hạt», chưa nảy mầm thành «cây» được, nghĩa là vẫn ở dạng tiềm năng (in potentia), chứ chưa ở dạng hiện thể (in actu). Hạt đó chính là cái tôi ý thức của ta, là cái tôi ích kỷ của ta. Cái tôi đó chính là cái hạt có thể nảy mầm để phát sinh ra đời sống tâm linh. Và bí quyết để làm cho hạt đó nảy mầm là nó phải «chết» đi, như Đức Giêsu có nói: «Hạt lúa được gieo vào lòng đất nếu không chết đi, nó vẫn chỉ là hạt lúa, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác» (Ga 12,24). Thật vậy, nếu ta không để cho cái tôi ích kỷ của ta nhỏ bé và chết đi, thì hạt giống tâm linh của ta không thể nảy mầm và phát triển được. Nếu ta yêu cái tôi của mình quá, chỉ muốn nó được trương phình ra lấn át cả tha nhân, chắc chắn đời sống tâm linh của ta rất nghèo nàn, què quặt: «Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời» (Ga 12,25). Giữa Đức Kitô ở trong tôi -tức sự sống thần linh trong tôi -với «cái tôi» của tôi luôn luôn có sự tỉ lệ nghich với nhau: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3,30). Nếu tôi coi «cái tôi» của mình lớn quá, ắt nhiên Đức Kitô trong tôi phải nhỏ đi. Như vậy, cái cản trở đời sống tâm linh của ta nẩy mầm và phát triển, chính là cái tôi ích kỷ của ta. Làm cho cái tôi đó nhỏ lại, chết đi, thì Đức Kitô mới sinh ra và «thành hình trong tâm hồn ta» (Gl 4,19).

Đó quả là một quá trình giác ngộ và lột xác. Và kể từ đây, Đức Kitô trở thành của ăn cần thiết nuôi dưỡng đời sống tâm linh của ta.

ĐỨC KITÔ, LƯƠNG THỰC TÂM LINH

Chúng ta không nên hiểu Đức Kitô theo kiểu những người đồng làng với Ngài đã hiểu. Họ hiểu Đức Kitô một cách rất cụ thể và phiến diện: là người có tên Giêsu, con ông Giuse và bà Maria, cùng sống ở làng Nazarét với họ và như họ (x. Mt 13,55-56). Nếu ta hiểu Đức Giêsu như thế thì quả không sai, nhưng một Đức Kitô như thế chẳng ích lợi gì cho ta, giống như Ngài chẳng làm được gì cho dân làng của Ngài khi họ quan niệm về Ngài như thế. Ta phải thấy Ngài là một thực tại «từ Trời xuống» (Ga 8,23; 6,38), không phải là người «thuộc về thế gian này» (Ga 8,23), nghĩa là một thực tại tâm linh cần phải được nội tâm hóa nơi mỗi người. Có như thế, Ngài mới trở thành của ăn nuôi dưỡng đời sống tâm linh được, vì của ăn phải là tâm linh mới nuôi dưỡng tâm linh được.

Của ăn tâm linh ở đây, tức Đức Kitô, không phải chỉ là một con người cá biệt nào đó, mà là một vi Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, đầy yêu thương, đầy sức mạnh. Biến Ngài thành của ăn, hay «ăn» Ngài, có nghĩa là là nội tâm hóa Ngài, biến Ngài thành tâm linh của ta, thành nội tâm của ta, thành sự sống của ta, để ta không còn thấy ta sống, suy nghĩ, nói năng, hành động nữa, mà là thấy Ngài sống, suy nghĩ, nói năng, hành động trong ta (x. Gl 2,20). Và hành vi «ăn» Ngài ở đây là một hành vi của ý thức, của trí tuệ, chứ không phải là «nuốt vào bụng». Nghĩa là luôn luôn ý thức Ngài sống trong ta, đang hành động trong ta, đang biến đổi ta. «Ăn» Ngài, chính là lấy Ngài làm lẽ sống, để Ngài chiếm trọn «bầu trời ý thức» của ta.

Và sau một quá trình được nuôi dưỡng bằng lương thực tâm linh ấy, cái tôi ích kỷ của ta càng ngày càng được thay thế dần dần bằng «chất Ngài», hay «tính Kitô», đầy yêu thương, vi tha, phục vụ. Sự sống tự nhiên đầy khiếm khuyết của ta được thay thế dần dần bằng sự sống siêu nhiên toàn hảo của Ngài. Và ta càng ngày càng được tham dự vào tính chất toàn năng toàn thiện, vào tình thương và sức mạnh của Ngài. Sự sống đời đời, theo một nghĩa nào đó, chính là đời sống tâm linh mà Đức Giêsu hứa ban, phát xuất từ sự «ăn thit và uống máu Ngài», được hiểu theo nghĩa tâm linh chứ không chỉ được hiểu theo nghĩa thể xác như những người Nazarét thời xưa đã hiểu.

KẾT LUẬN

Tình yêu được nuôi dưỡng bằng những gặp gỡ, những tương quan thân mật giữa hai người, bằng sự hy sinh, bằng những biểu lộ tình yêu qua cử chỉ, ánh mắt, lời nói… Tình yêu sẽ giảm hay mất đi khi thiếu những «lương thực» đó, hoặc trái lại sẽ tăng lên và sinh hoa kết trái nếu được nuôi dưỡng đầy đủ bằng những «lương thực» đó. Tương tự, đời sống tâm linh hay sự sống thần linh cũng phải được nuôi dưỡng bằng «lương thực» riêng của nó. Sự sống thần linh là sự sống của chính Thiên Chúa và xuất phát từ chính Thiên Chúa. Vì thế nó phải được nuôi dưỡng bằng chính Thiên Chúa, hay cụ thể hơn, bằng sự gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa. Sự gặp gỡ ấy chính là bản chất của cầu nguyện. Vì thế, nói một cách khác, cầu nguyện là lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh con người.

Nhưng để có thể thật sự nuôi dưỡng đời sống tâm linh, thì cầu nguyện phải là sự gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa. Nhưng, muốn gặp gỡ Thiên Chúa thì trước hết phải «có duyên» với Ngài, như tinh thần của câu: «Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng», nghĩa là ta phải một cách nào đó đồng cảm với Ngài. Khi nói chuyện với một người đồng cảm với ta, ta cảm thấy có sự gặp gỡ thật sự. Còn khi nói chuyện với một người quan niệm, suy nghĩ, chủ trương khác hẳn với ta, ta thấy khó nói chuyện, và nếu cứ cố nói chuyện thì chỉ đi đến cãi lộn, tranh chấp, chứ không nhất trí với nhau được. Như vậy, «có duyên» hay «đồng cảm» với Thiên Chúa nghĩa là gì?

Thánh Gioan cho biết: «Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu» (1 Ga 4,7-8). Thánh nhân cho thấy, chỉ những ai có tình yêu, những ai biết yêu thương mọi người bằng một tình yêu vi tha, phổ quát, thì mới là người đồng cảm với Thiên Chúa. Chỉ những người đó mới có thể gặp được Thiên Chúa. Vì thế, nếu bản chất của cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa, thì chỉ những ai biết yêu thương mới có thể cầu nguyện đúng nghĩa được. Và tình yêu đòi hỏi ta phải ra khỏi chính mình, bớt quan tâm đến mình, để có khả năng đến với tha nhân, lưu tâm đến hạnh phúc hay đau khổ của họ, đến những nhu cầu và mong ước của họ, để làm cho họ nên tốt và hạnh phúc hơn.

Như thế, điều kiện tiên quyết để có thể cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa, và nuôi dưỡng đời sống tâm linh, là phải có tình yêu. Vì thế, muốn cho đời sống tâm linh của mình vững mạnh, phải thực tập đức mến, thể hiện những đặc trưng của đức mến trong đời sống của mình: «Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui mừng khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chiu đựng tất cả» (1Cr 13,4-7). Không có tình yêu hay đức mến, người ta không thể gặp gỡ Thiên Chúa, và do đó, không thể phát triển đời sống tâm linh được.

NGUYỄN CHÍNH KẾT

________________________________

Phần ghi chú

(1*) Chẳng hạn, trường hợp của Ramakrishna, một đạo sĩ Ấn giáo, là thầy của Vivekananda. Vivekananda kể về Ramakrishna: «Tôi lẻn đến gần người và hỏi người câu mà cả đời tôi thường hỏi kẻ khác: “Thưa ông, ông có tin Thượng Đế không” -“Có”, người trả lời. -“Vậy ông có thể chứng minh việc ấy được không?” -“Được”. -“Bằng cách nào?”, -“Vì tôi thấy Thượng Đế như tôi thấy anh bây giờ, chỉ có điều là một cách mãnh liệt hơn nhiều”. Câu trả lời này làm tôi cảm phục ngay. Đây là lần thứ nhất tôi gặp một người dám nói rằng mình đã thấy Thượng Đế, rằng tôn giáo là một sự thực mà ta có thể cảm biết và giác xúc một cách vô cùng cường liệt hơn là ta có thể cảm giác vạn vật». (JOHN YALE, Tôn giáo là gì? Bản dịch của Vương gia Hớn, An Tiêm xb, SàiGòn 1970, trang 21-22). Xem thêm ANTHONY DE MELLO(s.j.), Contact with God, Loyola University Press, Chicago1991, trang 37-38.

(2*) «Trong thần khí» («thần khí», tiếng pháp: esprit, viết thường không viết hoa, nên không phải là Thánh Thần), có thể hiểu là «trong tâm linh», «bằng tâm linh».

(3*) AUGUSTIN, Confession, cuốn VI, chương 1.

(4*) AUGUSTIN, Confession, cuốn X, chương 27.

(5*) Trong văn chương Việt Namta có câu: «Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng», nghĩa là có duyên với nhau thì dù nghìn trùng xa cách vẫn có thể gặp nhau, nhưng không có duyên với nhau thì dù có mặt đối mặt nhau vẫn không thể gặp nhau thật sự.

(6*) Một trong bốn Thánh Đế của Tứ Diệu Đế (Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế) của Phật giáo.

(7*) «Deus intimior intimo meo».

(8*) Minh họa của Cha ANTHONY DE MELLO(s.j.), trong Contact with God, Loyola University Press, Chicago1991.

(9*) Xem lại cước chú 1.


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________