1.8.09

Cần đào tạo cho linh mục tu sĩ tương lai
khả năng thích ứng với thời đại

Loài người, dù hiện tại có đông tới đâu, nếu không tiếp tục sinh sản ra thế hệ mới thì chẳng bao lâu sẽ tuyệt giống. Cũng vậy, thế hệ tu sĩ, linh mục hiện tại, dù có đông đảo hùng hậu tới đâu, có thánh thiện tốt đẹp đến đâu, nếu không có thế hệ đàn em kế thừa, thế hệ đó cũng sẽ bị «tuyệt giống», «son sẻ», một dấu hiệu bị Thiên Chúa «chúc dữ».

Thật vậy, một thế hệ tu sĩ hay linh mục không sản sinh ra một thế hệ tu sĩ hay linh mục khác tốt đẹp, thì thế hệ đó quả đáng trách, mà nguyên nhân chính có thể là «thiếu tình yêu». Chỉ có tình yêu mới có thể sinh hoa kết trái, và hễ là tình yêu đích thực thì phải sinh hoa kết trái. Do đó, nếu không sinh hoa trái thì chỉ có thể là do thiếu tình yêu. Thật vậy, Ba Ngôi Thiên Chúa vì yêu thương nhau, đã tác sinh nên vũ trụ bao la rộng lớn này. Trong đời sống hôn nhân, hai vợ chồng vì yêu thương nhau, nên sinh sản ra con cái. Và con cái do họ sinh ra chính là dấu chứng cụ thể cho tình yêu của họ.

Linh mục tu sĩ luôn luôn được hiểu và phải được hiểu là những người có rất nhiều tình yêu: tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với đồng loại. Một tình yêu dồi dào như thế dĩ nhiên phải sinh sản ra «con cháu» một cách nào đó. Đương nhiên, việc sinh sản của linh mục tu sĩ không phải là sinh sản theo kiểu «xác thịt», «máu mủ» như sự sinh sản trong đời sống hôn nhân. Sự sinh sản của linh mục tu sĩ là «sinh sản tinh thần», kết quả của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Vì thế, bất kỳ thế hệ linh mục tu sĩ nào cũng được mời gọi thể hiện tình yêu của mình bằng việc sản sinh ra một thế hệ linh mục tu sĩ khác tốt đẹp như mình hoặc hơn mình. Đương nhiên hơn mình vẫn hay: «Con hơn cha là nhà có phúc». Còn nếu kém mình thì quả là… «nhà không có phúc». Vậy, một trong những ưu tư khắc khoải của mọi linh mục tu sĩ phải là làm sao đào tạo được thế hệ kế thừa mình thật tốt đẹp.

Việc đào tạo cần phải thích ứng với nhu cầu thời đại

Việc đào tạo thế hệ kế thừa phải thích ứng theo nhu cầu của thời đại mới, chứ không phải là tiếp tục đi vào «đường xưa lối cũ» của thế hệ trước mà không có một chút sáng tạo nào. Dòng đời luôn luôn biến dịch, thời đại này luôn luôn khác với thời đại trước, về tư tưởng, nhu cầu, sở thích, hoàn cảnh, môi trường sống… Việc đào tạo linh mục tu sĩ các thế hệ trước đôi khi không thích ứng kịp thời với con người của những thời đại trước, nên nếu việc đào tạo thế hệ linh mục tu sĩ sau cứ rập khuôn theo kiểu đào tạo trước mà không có những thay đổi khá lớn để kịp thời thích nghi với thời đại, thì thế hệ linh mục tu sĩ mới cũng sẽ không thích ứng được với con người thời đại mới. Vì thế, những người có trách nhiệm đào tạo linh mục tu sĩ nên dự kiến trước con người và xã hội tương lai với những nhu cầu, sở thích, trào lưu tư tưởng… của họ, để đào tạo nên những linh mục tu sĩ phù hợp với tương lai.

Vậy, con người và xã hội tương lai mong đợi gì nơi các linh mục và tu sĩ tương lai? -Trước tiên, cần thấy trước rằng xã hội Việt Nam rồi cũng sẽ được đô thị hóa, kỹ nghệ hóa, tục hóa giống như xã hội Tây Phương hiện nay. Cứ nhìn vào xã hội Tây Phương hiện nay, ta có thể phần nào mường tượng ra xã hội của chúng ta trong tương lai, đương nhiên xã hội ấy cũng có những nét khác biệt riêng của dân tộc Việt Nam. Ta thấy trong xã hội Tây Phương hiện nay, người ta bỏ đạo rất nhiều, ơn thiên triệu dường như rất hiếm, các nhà thờ vắng người lui tới. Điều đó phải làm cho chúng ta suy nghĩ. Tại sao có tình trạng như thế? Có phải Kitô giáo đã không thích ứng được với nhu cầu của thời đại mới, của thời đại văn minh cơ khí, thị trường, với những khó khăn đặc thù của nó? Người Tây Phương hiện nay thờ ơ lãnh đạm với tôn giáo có phải vì họ thấy mình không cần tới tôn giáo nữa?

Chắc chắn con người thời đại nào cũng có nhu cầu, con người thời đại mới lại càng có nhiều nhu cầu hơn. Nếu họ dửng dưng với tôn giáo, rất có thể vì tôn giáo đã không đáp ứng đúng những nhu cầu mới của họ. Phải chăng tôn giáo đã chỉ đáp ứng đúng những nhu cầu của con người thời đại cũ, mà không đáp ứng nổi những nhu cầu của con người thời đại mới? Tại sao trong thập niên vừa qua, nhiều người Tây Phương đã tìm đến với các thiền viện của Phật giáo thay vì đến với các nhà thờ hay các nhà tĩnh tâm của Kitô giáo? Có phải vì họ có những nhu cầu tâm linh mà chỉ các thiền viện mới đáp ứng được? Tình trạng trầm trọng đến nỗi chính Đức Gioan-Phaolô II đã lên tiếng phân tích «phải trái» trong cuốn «Bước qua ngưỡng cửa hy vọng» của Ngài. Nếu biết «ôn cố tri tân», ta sẽ tìm ra đường lối thích hợp phải đi.

Xã hội con người biến chuyển theo một nhịp điệu càng ngày càng nhanh. Thập niên này có nhiều thay đổi hơn thập niên qua, và thập niên tới sẽ còn nhiều thay đổi hơn thập niên này. Do đó, con người càng ngày càng phải thích ứng nhạy bén hơn với xã hội và thế giới. Thích ứng là «tùy cơ ứng biến». «Tùy cơ» là tùy theo tình huống đã, đang hoặc sẽ xảy ra. «Ứng biến» là thay đổi một cách thích hợp với tình huống đó. Như vậy, thích ứng không phải chỉ là thay đổi khi tình huống thay đổi, mà còn là thay đổi sao cho phù hợp vớùi tình huống đó. Sự phù hợp đòi hỏi phải có sự hài hòa, hợp lý, do đó, đòi hỏi sự khôn ngoan, trí tuệ, suy nghĩ. Để thích ứng, ta không thể chấp cứng vào một nguyên tắc, quan niệm hay một thể thức cố định nào. Nguyên tắc, quan niệm hay thể thức nào cũng có giới hạn của nó. Nó có thể đúng trong đa số hay hầu hết các trường hợp, nhưng không phải là tất cả mọi trường hợp.

Thế giới, môi trường chung quanh thay đổi, ai không thích ứng kịp thời sẽ bị luật tự nhiên đào thải. Nếu cứ theo luật tự nhiên, thì điều đó cũng có thể đúng cho Giáo Hội. Vì thế, những người có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo Hội, như các linh mục tu sĩ, cần phải có khả năng thích ứng với hoàn cảnh, với những thay đổi của thế giới, của môi trường chung quanh. Nếu môi trường chung quanh đã thay đổi, mà ta vẫn sống như chưa có gì thay đổi, thì đó là ta đã không thích ứng.

Thế giới thay đổi ngày càng nhanh, nên linh mục hay tu sĩ của thời đại sau cần có khả năng thích ứng với con người, với môi trường xã hội mới, hơn linh mục hay tu sĩ thời đại này. Do đó, ngay từ khi còn được huấn luyện trên ghế nhà dòng hay chủng viện, các linh mục tu sĩ tương lai cần phải tập khả năng thích ứng nhạy bén với hoàn cảnh, với môi trường xã hội, với trào lưu tư tưởng và văn hóa của thời đại. Thích ứng trong cách sống, cách làm việc, cách ứng xử với hoàn cảnh, với con người, trong cách rao giảng sứ điệp Chúa Kitô… Như thế, thời đại không những đòi hỏi những người đào tạo linh mục tu sĩ phải thích ứng việc đào tạo ấy với thời đại, mà còn đòi hỏi thế hệ linh mục tu sĩ được đào tạo phải tập luyện để thích ứng với thời đại nữa.

Phải thích ứng với thời đại về mọi mặt của cuộc sống con người, nhưng quan trọng nhất là về tư tưởng. Tư tưởng các linh mục tu sĩ phải theo kịp với thời đại, với xã hội mình đang sống, không chấp cứng vào những quan niệm hay nguyên tắc cũ. Công Đồng Vatican II nhận định về vấn đề này như sau: «Các định chế, luật pháp, những lối suy tư và cảm nghĩ của người xưa truyền lại, không phải lúc nào cũng phù hợp với tình thế hiện tại, do đó, có sự xáo trộn trầm trọng trong phương thức và trong cả các tiêu chuẩn hành động» (MV 7,2). Cách suy tư của người xưa với những quan niệm và nguyên tắc cũ có thể rất đúng và phù hợp với thời xưa, nhưng có thể không còn phù hợp với thời nay. Cũng vậy, có nhiều điều ngày nay mọi người đều cho là chân lý, nhưng qua thế hệ sau lại bị coi là sai lầm. Những ai đọc lịch sử đều có thể rút ra kinh nghiệm đó.

Cần thay đổi tri thức luận

Ngày nay, thế giới đã chuyển từ tri thức luận tĩnh và đơn diện sang tri thức luận động và đa diện. Tri thức luận tĩnh với quan niệm vũ trụ vạn vật bất biến, không thay đổi, là quan niệm triết lý của người Hy Lạp cổ, được thể hiện cụ thể qua nguyên lý đồng nhất. Nguyên lý này được phát biểu như sau: «Vật nào cũng đồng nhất với chính nó». Nguyên lý đó chỉ đúng nếu vũ trụ vạn vật bất biến, không thay đổi, hay khi loại bỏ thời gian ra ngoài. Nếu vũ trụ vạn vật luôn luôn thay đổi, thì nguyên lý đó không thể chấp nhận được. Cụ thể là cái mà ngày hôm nay được gọi là quả trứng không thể đồng nhất với chính nó vào ngày mai được, vì ngày mai nó không còn là quả trứng nữa, mà là con gà. Về vấn đề này, Công Đồng cũng nhận định: «Lịch sử đang tiến bước quá nhanh (…). Vì thế, từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ, nhân loại đã bước sang một quan niệm động và tiến hóa hơn. Do đó, phát sinh những vấn đề phức tạp hết sức mới mẻ đòi phải có những phân tích và tổng hợp mới» (MV 5,3).

Tri thức luận đơn diện quan niệm mọi thực tại chỉ có một mặt, do đó, chỉ có một cách nhìn về mỗi thực tại là đúng mà thôi, không thể có hai cách nhìn khác nhau cùng đúng một lượt. Đó cũng là quan niệm triết lý của người Hy Lạp cổ, được thể hiện qua nguyên lý bất mâu thuẫn nổi tiếng: «Hai mệnh đề mâu thuẫn nhau không thể cùng đúng một lượt: mệnh đề này đúng, ắt mệnh đề kia phải sai». Nguyên lý đó chỉ đúng nếu mọi thực tại chỉ có một mặt. Nếu thực tại có nhiều mặt, chẳng hạn như một tờ giấy hai mặt, hay một cái hộp sáu mặt, thì ắt hẳn nguyên lý kia phải sai, vì trước hai mặt của một tờ giấy, nếu một người nói: «Nó trắng», và người kia nói: «Nó không trắng», thì hiển nhiên là hai câu vẫn có thể cùng đúng một lượt, và hai câu mâu thuẫn ấy đâu có loại trừ nhau.

Rất nhiều triết gia và thần học gia hiện đại đã đả kích tri thức luận cổ ấy, và ngày nay ai cũng thấy một tri thức luận như thế khó mà chấp nhận được. Thế nhưng tri thức luận đó cho đến nay vẫn còn được dạy trong các chủng viện, các dòng tu, các trường thần học ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, và vẫn được dùng làm nền tảng cho những suy tư thần học tại nhiều Giáo Hội địa phương. Nếu các linh mục tu sĩ vẫn lấy tri thức luận ấy làm nền tảng cho những suy tư của mình, thì suy tư của họ làm sao có thể thích ứng được với thời đại «đã bước sang một quan niệm động và tiến hóa hơn», làm sao họ giải quyết được «những vấn đề phức tạp hết sức mới mẻ đòi phải có những phân tích và tổng hợp mới» của thời đại (MV 5,3)? Suy tư theo cách cũ của người xưa làm sao «phù hợp được với tình thế hiện tại» (MV 7,2)? Tiếp tục suy tư như thế chắc chắn sẽ gây nên những «xáo trộn trầm trọng trong phương thức và trong cả các tiêu chuẩn hành động» (MV 7,2).

Những gì cần thay đổi thì nên thay đổi

Vì thế, những gì cần phải thay đổi, thì dù chúng có linh thánh tới đâu, chúng ta vẫn phải mạnh dạn thay đổi để có thể sống còn và sống mạnh. Thời các tông đồ, còn gì linh thánh hơn phép cắt bì và luật Môsê, là những cái được coi là xuất phát từ chính Thiên Chúa nên sẽ không bao giờ thay đổi? Thế mà khi chúng không còn thích hợp với con người thời ấy, các tông đồ đã mạnh dạn bãi bỏ (Cv 15) bất chấp sự phản đối không chấp nhận của các Kitô hữu gốc Do Thái (15,5). Nếu Giáo Hội không can đảm như các tông đồ, dám thay đổi những gì từ xưa đến nay vẫn được coi là linh thánh, là không thể sai lầm, là không thể biến đổi nhưng thực sự không còn phù hợp với con người thời đại nữa, thì e rằng Giáo Hội không thể làm tròn sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó. Phép cắt bì và luật Môsê dù có linh thánh tới đâu thì cũng là vì con người, và không thể linh thánh bằng con người, vì con người chính là «hình ảnh của Thiên Chúa» (đương nhiên linh thánh hơn nhiều! ). Mọi giáo lý, tín điều, luật lệ, triết lý, thần học… đều được lập nên vì con người, để phục vụ con người, chứ không phải con người được dựng nên vì những cái đó. Những cái đó chỉ là phương tiện, con người mới là mục đích. Chúng phải thích ứng với con người, chứ không phải con người phải thích ứng với chúng. Vì thế, bao lâu những cái đó còn phục vụ cho con người, còn phù hợp với con người, thì con người phải tuân hành và tôn trọng như tuân hành và tôn trọng chính Thiên Chúa. Nhưng bao lâu chúng không còn thích hợp và phục vụ con người nữa, thì những người có trách nhiệm hướng dẫn lãnh đạo nên bãi bỏ. Các tông đồ đã làm điều đó trước chúng ta và làm gương cho chúng ta.

Cộng đoàn Dân Chúa tương lai sẽ được điều khiển và lãnh đạo bởi các linh mục và tu sĩ, nếu tư tưởng của họ đi sau thời đại thì làm sao họ có thể đáp ứng được những nhu cầu, những đòi hỏi về mặt tư tưởng của con người thời đại mới? Họ sẽ trở thành lạc hậu, và Giáo Hội do họ điều khiển sẽ không đáp ứng được nhu cầu của các tín hữu thời đại mới. Và đương nhiên người ta sẽ dần dần từ bỏ Giáo Hội vì Giáo Hội đã trở thành một cái gì không thực tế.

Tình trạng Kitô giáo tại Âu châu với quá nhiều người bỏ đạo khiến ta phải suy tư nhiều hơn vấn đề này để tránh tình trạng đó cho Kitô giáo tương lai tại Việt Nam. Thử hỏi: trong khi xã hội Âu Châu tiến triển và thay đổi quá nhanh trong những thập niên qua, thì Giáo Hội có kịp thời thay đổi để thích ứng với xã hội đó hay không? Hay những người lãnh đạo Giáo Hội vẫn còn chấp cứng vào một số nguyên tắc, một số lập trường nào đó mà họ cho là chân lý không thể thay đổi được, hoặc một cách nào đó nghĩ rằng chỉ có mình là chân lý, mà chân lý thì bất biến, nên mình chẳng cần phải thay đổi gì hết? Trong môi trường sự sống, sinh vật nào không chịu thích ứng với môi trường, sinh vật đó sẽ bị đào thải. Cũng vậy, Giáo Hội muốn tồn tại được thì phải thích ứng với thế giới, với đời sống và nhu cầu thiết thực của con người thời đại. Không lưu tâm tới việc thích ứng với thế giới, mà đòi hỏi thế giới phải thích ứng với mình, đó là một hình thức tự sát.

Cần thích ứng việc rao giảng Tin Mừng với nền văn hoá dân tộc mình

Sứ mạng quan trọng nhất của linh mục tu sĩ là rao giảng Tin Mừng, tức sứ điệp của Chúa Kitô cho toàn thể nhân loại. Sứ điệp đó khởi đầu mặc lấy bộ áo văn hóa và ngôn ngữ Do Thái, vì Đức Kitô là người Do Thái. Tuy nhiên, bộ áo văn hóa hay ngôn ngữ Do Thái chỉ là «chiếc áo choàng bên ngoài» của sứ điệp đó, chứ nó không phải là bản chất phải có của sứ điệp. Nội dung cốt tủy của sứ điệp thì bất biến, nhưng cách thức diễn tả thì phải thay đổi theo từng nền văn hóa một. Có thể nói sứ điệp thì phổ quát, nhưng hình thức diễn tả hay bộ áo văn hóa mặc cho sứ điệp ấy thì đặc thù. Vì thế, khi sứ điệp được rao giảng tại Âu Châu, nó đã được lột bỏ bộ áo cũ -Do Thái -để mặc lấy bộ áo mới là nền văn hóa và ngôn ngữ Âu Châu.

Về sau, người Kitô hữu Tây Phương lại sang Á Châu và Phi Châu rao giảng sứ điệp ấy. Nhưng lần này, thay vì cởi bỏ bộ áo Tây Phương và mặc lấy bộ áo của nền văn hóa địa phương cho sứ điệp ấy, các nhà truyền giáo phương tây hầu như đã để y nguyên bộ áo Tây Phương để trình diện sứ điệp ấy cho dân bản xứ.

Chính vì thế, tại Á Châu, Kitô giáo đã bị coi là một tôn giáo ngoại lai, mặc dù nó cũng «Á Châu» không kém gì các tôn giáo khác, và không được dân Á Châu đón nhận nhiều như các tôn giáo «bản xứ», mặc dù Kitô giáo có rất nhiều lợi điểm để dân Á Châu đón nhận hơn nhiều tôn giáo khác. Đó chính là do các vị thừa sai -cũng là những linh mục tu sĩ -đã không có đủ tinh thần thích ứng để thích nghi sứ điệp với đối tượng rao giảng.

Hiện nay, tại Á Châu nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng, Kitô giáo vẫn chiû là một thiểu số xem ra rất ít hòa nhập với các nền văn hóa địa phương, mặc dù lúc nào cũng tựï hào mình là một tôn giáo «nhập thể từ bản chất» (một điều nghĩ cũng mỉa mai! ). Đọc lại lịch sử truyền giáo tại Á Châu, ta thấy việc truyền giáo mang tính áp đặt rất nặng về mặt văn hóa, khác hẳn với việc truyền giáo của các tông đồ vào Đế quốc Rôma xưa. Để sửa lại những sai lầm ấy, Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh rất nhiều đến chủ trương hội nhập văn hóa trong Giáo Hội, coi đó là luật lệ cho mọi công cuộc truyền giáo trong Giáo Hội (x. MV 44,2).

Công Đồng đã kết thúc 30 năm nay, và các Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu vẫn luôn luôn nhắc nhở lại sự cần thiết của việc hội nhập văn hóa. Nhưng dường như tại Việt Nam, vấn đề hội nhập văn hóa vẫn bị coi như xa lạ, rất ít được nhắc tới và đặt nặng trong các chủng viện và dòng tu, và càng ít được đặt nặng ở những nơi khác. Nguyên nhân sâu xa có lẽ vẫn là từ bao nhiêu thế hệ nay, trong việc đào tạo các linh mục và tu sĩ, tinh thần thích ứng chưa bao giờ được coi là quan trọng đúng mức cả, không phải chỉ ở Việt Nam, mà có thể trong toàn Giáo Hội.

Và bây giờ, trước thực trạng có rất nhiều người bỏ đạo hiện nay, nhất là tại Âu Châu, nơi Kitô giáo xưa nay phát triển mạnh nhất, có lẽ đã đến lúc cần đặt nặng và đặc biệt phát triển tinh thần thích ứng này. Để khởi đầu, các nơi đào tạo linh mục tu sĩ cần phải nhấn mạnh tinh thần hội nhập văn hóa trong việc rao giảng sứ điệp Kitô giáo tại đất nước mình. Sứ mạng của linh mục tu sĩ là rao giảng Tin Mừng. Để việc rao giảng ấy có kết quả, cần phải coi việc hội nhập văn hóa là luật lệ phải theo như Công Đồng đã chủ trương. Nếu không, chúng ta sẽ làm cho Giáo Hội kém phát triển.

Ngoài việc thích ứng sứ điệp Kitô giáo với nền văn hóa dân tộc, các linh mục tu sĩ cần được đào tạo để có khả năng thích ứng sứ điệp ấy với từng đối tượng mình rao giảng. Cách rao giảng cho trẻ em phải khác với cách rao giảng cho người lớn, rao giảng cho người bình dân phải khác với rao giảng cho người trí thức, rao giảng ở thôn quê phải khác với ở tỉnh thành… Cách làm mục vụ cho mỗi giới mỗi khác. Cần áp dụng tinh thần» tùy duyên hóa độ» (tùy theo hoàn cảnh và đối tượng mà thay đổi cách thức làm mục vụ). Có như thế, việc truyền giáo và Phúc Âm hóa mới thành công.

Cần thích ứng với giáo dân

Linh mục hay tu sĩ tương lai cần được đào tạo để nhậy bén thích ứng với môi trường mình sẽ sống trong tương lai. Linh mục hay tu sĩ thường phục vụ và tiếp xúc với giáo dân nên cần phải biết thích ứng với giáo dân, với não trạng, tâm tư, lề lối suy nghĩ, cách thức sống, cách phản ứng của họ… Thông thường, họ cần chúng ta, nên họ vẫn luôn luôn cố gắng thích ứng với chúng ta, với quan niệm cá biệt, với tính tốt cũng như tật xấu của chúng ta. Nhưng phần chúng ta, chúng ta cũng nên thích ứng với họ để phục vụ họ, để dẫn họ về đường ngay nẻo chính, về với con đường thánh thiện của Thiên Chúa một cách hữu hiệu hơn.

Chúng ta nên nâng trình độ người giáo dân lên, biến họ thành những người cộng tác với chúng ta trong công việc mục vụ cũng như trong công việc truyền giáo. Xét về lòng nhiệt thành với Thiên Chúa, với Giáo Hội, với việc truyền giáo, có nhiều người giáo dân không thua kém gì chúng ta. Nhưng xét về khả năng và uy tín, họ thua kém chúng ta nhiều, vì họ không được đào tạo và không được trao trách nhiệm chính thức như chúng ta. Nếu chúng ta biết dùng họ, đào tạo họ, thì họ cũng có thể trở thành những chiến sĩ mở mang Nước Chúa rất đắc lực. Lịch sử Giáo Hội chứng minh điều đó.

Nhiều linh mục hay tu sĩ có thái độ khinh thường, bất tín nhiệm, hay có những lời miệt thị người giáo dân. Nhiều linh mục không muốn nâng người giáo dân lên để chức linh mục của mình vẫn còn là một địa vị cao vượt hẳn so với họ. Đó không phải là thái độ đúng đắn của những người có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo Hội.

Quan niệm giáo dân chỉ là một đàn chiên hiền lành để các linh mục hay tu sĩ chăn dắt có thể là một quan niệm đã cổ hủ và lỗi thời. Có lẽ nên quan niệm: người giáo dân, một cách nào đó, cũng là «linh mục» hay «tu sĩ», chỉ khác là họ không phải là linh mục hay tu sĩ chính thức như chúng ta. Thật vậy, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, họ cũng tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô. Khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức, họ cũng lãnh nhận Thánh Thần và được sai đi làm chiến sĩ để mở mang Nước Chúa như chúng ta. Vì thế, một cách nào đó, họ cũng là «linh mục». Và khi sống đời Kitô hữu, họ cũng được Chúa Kitô mời gọi theo đuổi cùng một lý tưởng thánh thiện như chúng ta. Vì thế, một cách nào đó, họ cũng là «tu sĩ». Tu là sửa sai, sĩ là người; Tu sĩ, theo nghĩa chung, là người cố gắng sửa sai bản thân để sống tốt lành thánh thiện hơn theo mẫu gương Chúa Kitô. Có người giáo dân nào không được Chúa Kitô mời gọi như thế?

Do đó, khoảng cách giữa linh mục tu sĩ với người giáo dân rất gần so với khoảng cách giữa người Kitô hữu và người không Kitô hữu. Sự khác nhau giữa linh mục tu sĩ và giáo dân nằm ở mức độ hơn là bản chất. Vì thế, thay vì chăn dắt giáo dân mình như mục tử chăn dắt đàn chiên (mục tử là người, còn chiên là súc vật), linh mục hay tu sĩ nên lãnh đạo giáo dân, như một vị tướng lãnh đạo binh đoàn của mình, trong công việc chung mà Thiên Chúa trao phó cho Dân Ngài -là Phúc Âm hóa thế giới, làm cho mọi người sống đúng tinh thần của Chúa Kitô. Vì thế, thay vì chủ trương «ngu dân» để dễ cai trị, ta nên tìm cách nâng cao trình độ và khả năng phúc âm hóa của họ lên để biến họ trở nên những người cộng tác đắc lực với ta trong công việc chung của Nước Chúa.

Nhiệm vụ của một linh mục thường rất nặng. Một linh mục lo chu toàn bổn phận mình thường làm không hết việc, nên lúc nào cũng có thể ngập đầu với công việc. Nhưng nếu biết làm đúng vai trò lãnh đạo của mình, thì trách nhiệm đó sẽ được chia sẻ và phân mỏng ra. Một người lãnh đạo giỏi là người biết phân chia và giao bớt cho người khác những công việc mà họ có thể làm được (faire faire). Mình chỉ lãnh đạo, chỉ huy và làm những việc không thể giao phó cho người khác được. Trong số giáo dân, có biết bao người có thiện chí muốn chia sẻ công việc với ta. Nếu họ chưa có khả năng hay tư cách thích hợp thì ta phải từ từ đào tạo họ. Biết làm cho nhiều người cộng tác với mình là một nghệ thuật cao cả, đòi hỏi ta phải tự khiêm, biết biểu lộ tình thương, lòng quảng đại, và biết thu phục nhân tâm mọi người. Khi không mời được những giáo dân tài đức cộng tác với mình, người linh mục cần phải xét lại thái độ và cách xử sự của mình đối với họ. Nhiều giáo dân nhất định không chịu cộng tác với cha sở chỉ vì cha sở hay có thái độ trọng giầu khinh nghèo, trịch thượng, hách dịch, khinh khỉnh, thích chê bai…

Vì thế, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các linh mục tu sĩ tương lai cần được đào tạo về nghệ thuật lãnh đạo quần chúng. Nghệ thuật đó đòi hỏi nhiều đức tính như nhún nhường, tôn trọng người khác, kiên nhẫn, vui vẻ… nhiều khả năng như thu phục nhân tâm, hiểu tâm lý con người… Nghệ thuật lãnh đạo quần chúng là nghệ thuật hết sức cần thiết mà linh mục tu sĩ phải xử dụng hàng ngày trong đời sống của mình, đồng thời mang tính quyết định cho việc thành công trong sứ mạng. Thế nhưng nghệ thuật này rất ít khi được đặt nặng đúng mức trong các chủng viện để trở thành một môn học chính thức trong chương trình đào tạo. Có thể nói đây là nghệ thuật mà chủng sinh hay đệ tử phải tùy nghi luyện tập bằng tự đọc sách, nghiên cứu. Ai không để ý đến nghệ thuật này thì cũng chẳng mấy ai nhắc nhở họ.

Các nhà đào tạo linh mục tu sĩ thường chỉ nhắm đào tạo về mặt đạo đức và thông thái, hơn là mặt khôn ngoan để lãnh đạo và xử thế. Rất nhiều giờ được dùng vào việc tu đức và môn triết lý thần học, nhưng không có mấy giờ dành cho mặt nhân bản. Mà mặt nhân bản lại là nền móng để xây dựng hai mặt kia. Sự thánh thiện và thông thái nếu không đặt trên nền tảng nhân bản, thì cũng giống như «nhà xây trên cát» (Mt 7,26). Không đặt nặng mặt nhân bản, các linh mục tu sĩ dường như sẽ trở thành những «ông thánh bà thánh» nhưng không có nhiều «chất người». Giáo dân có thể mượn lời thánh Bênađô để nói lên nguyện ước và nhu cầu của mìnhu: «Hỡi những người thông thái, xin hãy dạy dỗ chúng tôi. Hỡi những người thánh thiện, xin hãy làm gương để chúng tôi bắt chước. Và hỡi những người khôn ngoan, xin hãy lãnh đạo chúng tôi». Sự khôn ngoan về mặt nhân bản là nền tảng cần thiết để các linh mục tu sĩ có thể lãnh đạo Dân Chúa, và sống hòa mình với họ. Đương nhiên cũng rất cần cả sự khôn ngoan siêu nhiên nữa.

Để lãnh đạo Dân Chúa một cách có hiệu quả và ích lợi, linh mục tu sĩ tương lai cần được đào tạo có một cái nhìn gần gũi và tôn trọng giáo dân hơn. Rất nhiều người khi làm linh mục hay tu sĩ bỗng cảm thấy mình cao lớn hẳn lên, vượt trổi hẳn lên, làm như mình được làm quan lớn hay vua chúa vậy, và bắt đầu có thái độ xa cách và khinh thường giáo dân, xa cách cả những bạn bè thân thuộc với mình trước đây. Tinh thần đó rõ ràng là ngược hẳn với tinh thần Chúa Kitô, tuy là Thiên Chúa, nhưng Ngài rất gần gũi và luôn luôn hòa mình với dân chúng, nhất là với những người tội lỗi. Chỉ khi gần gũi với giáo dân như thế, không tự đưa cao mình lên, người linh mục hay tu sĩ mới có thể làm tròn trách nhiệm của mình là đem Chúa Kitô, Đấng rất khiêm nhường, đến với họ để cảm hóa họ, đồng thời lãnh đạo họ trong việc đem Chúa đến với rất nhiều người khác nữa.

Thái độ thích hợp của linh mục hay tu sĩ đối với giáo dân là hòa mình với họ theo kiểu mẫu mà Thánh Phaolô đề ra: «Mặc dầu là người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Với người Do Thái tôi đã trở nên Do Thái để chinh phục người Do Thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật, dù không phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật. Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật, dù tôi không sống ngoài luật Thiên Chúa mà sống theo luật Đức Kitô, để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên đủ kiểu đủ loại vì mọi người, để bằng mọi cách cứu lấy một số người» (1 Cr 9,19-22). Đó cũng chính là thái độ của Khổng Tử: «hòa mà không đồng». Cho dẫu mình không cùng tư tưởng, lập trường với họ, suy tư của mình có thể cao hơn, đúng hơn họ, nhưng mình vẫn hòa mình với họ, sống giống như họ, để giúp đỡ, phục vụ họ. «Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa» (Khổng Tử). Không hòa với người khác được, đó cũng là dấu chứng mình còn kém cỏi và cao ngạo.

Một chính quyền có chính nghĩa và có thể tồn tại lâu dài được phải là một chính quyền lấy dân làm gốc. Cũng vậy, một Giáo Hội thực sự của Chúa Kitô phải là một Giáo Hội lấy giáo dân làm gốc. Vì xét theo số lượng, giáo dân là thành phần chủ yếu trong Giáo Hội, và tất cả mọi thành viên trong Giáo Hội đều xuất thân từ thành phần giáo dân. Vả lại, sứ mạng của Đức Kitô là cứu rỗi nhân loại, và sứ mạng của tất cả mọi linh mục tu sĩ là tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô -tức phục vụ và cứu độ mọi người -nghĩa là nhắm vào số lượng chứ không nhắm đặc biệt thành phần nào. Nếu có nhắm đặc biệt hạng người nào, thì hạng người đó lại là những người tội lỗi, nghèo nàn, đau khổ trong bất cứ thành phần nào. Cần ý thức rằng chắc chắn thành phần giáo sĩ, linh mục được lập nên là vì giáo dân (tức cộng đồng dân Chúa), chứ không bao giờ có chuyện giáo dân được lập nên vì hàng giáo sĩ. Vì thế, các linh mục tu sĩ tương lai cần được đào tạo có một ý thức mạnh về vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội, và nhận ra rằng mình làm linh mục hay tu sĩ là để phục vụ cộng đồng Dân Chúa mà chủ yếu là giáo dân.

Hơn thế nữa, Giáo Hội không nên khép kín nơi chính mình mà nên hướng về thế giới, với ý thức rằng Giáo Hội không chỉ hiện diện vì chính mình, mà vì cả nhân loại. Giáo Hội là bí tích của Thiên Chúa cho cả nhân loại, nên một cách nào đó, Giáo Hội hiện hữu là vì thế giới. Đó chính là ý nghĩa của sứ mạng truyền giáo và phúc âm hóa thế giới của Giáo Hội. Vì thế, các linh mục và tu sĩ tương lai cần được đào tạo có một cái nhìn cởi mở để đón nhận cả những người ngoài Giáo Hội, và nhận ra mình có bổn phận đối với họ, lo lắng phục vụ họ. Rất nhiều cha sở có thiện chí đến thăm từng gia đình giáo dân trong xứ đạo mình -điều đó thật đáng khen -nhưng không hề đến nhà gia đình ngoại giáo nọ ở ngay cạnh nhà xứ. Có phải linh mục tu sĩ chỉ được sai đến với những người đã là Kitô hữu?

Cần cởi mở và đối thoại với những người ngoài Kitô giáo

Sau Công Đồng Vatican II, Giáo Hội không còn chủ trương thái độ khép kín đối với những người, những tôn giáo, hay với những ý thức hệ có lập trường khác với Giáo Hội, mà chủ trương đối thoại cộng tác với họ để cùng xây dựng thế giới. Giáo Hội không còn coi các tôn giáo khác Kitô giáo là tà giáo, là sản phẩm của ma quỉ nữa, nhưng có Thánh Thần hằng hoạt động trong các tôn giáo. Vì thế, Công Đồng chủ trương: «Người Công Giáo phải tìm cách cộng tác với tất cả mọi người thiện chí để cổ động cho tất cả những gì là chân thật, công bằng, thánh thiện và đáng yêu quí (x. Ph 4,8). Người Công giáo hãy đối thoại với họ, hãy đến với họ cách khôn ngoan và tế nhị, hãy tìm cách kiện toàn các cơ cấu xã hội và quốc gia theo tinh thần Tin Mừng» (TĐ 14,2). Đối với họ, Công Đồng chủ trương: «Phải kính trọng và yêu thương những người không cùng một cảm nghĩ hay cùng một hành động với chúng ta trong những vấn đề xã hội, chính trị hay cả tôn giáo nữa» (MV 28,1).

Trong chiều hướng cởi mở đó, Giáo Hội đề nghị phải huấn luyện cả giáo dân để họ biết đối thoại với mọi người: «Đối với việc tông đồ nhằm rao truyền Tin Mừng và thánh hóa mọi người, người giáo dân phải được huấn luyện đặc biệt để có thể đối thoại với người khác, với những người có đức tin cũng như với những người không tin, để bày tỏ sứ điệp Chúa Kitô cho mọi người» (TĐ 31,1). Nếu người giáo dân mà Giáo Hội đòi hỏi cần phải được huấn luyện để đối thoại với những người ngoài Kitô giáo như thế, thì Giáo Hội còn đòi hỏi các linh mục tu sĩ về phương diện này như thế nào? Vì thế, người linh mục và tu sĩ tương lai cần phải được đào tạo tinh thần và khả năng đối thoại với mọi người, không phân biệt trong hay ngoài Kitô giáo.

Đương nhiên, để có khả năng đối thoại với họ, ít ra ta cũng phải có khái niệm đúng đắn và cơ bản về họ. Đây là một điều rất thiếu trong các chủng viện cũng như trong các trường thần học hiện nay. Chúng ta sống tại Việt Nam, một nước chịu ảnh hưởng Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo rất nặng. Đang khi đó, chúng ta, là Kitô hữu, vốn chỉ là một thiểu số, phải sống giữa đa số là tín hữu các tôn giáo khác cũng là đồng bào ruột thịt của ta. Chúng ta có sứ mạng rao truyền Tin Mừng cho họ. Nhưng thái độ của chúng ta thường là chỉ biết đào sâu giáo lý của mình, và lúc nào cũng thấy giáo lý của mình là tuyệt hảo, mà không thèm biết những giáo lý của những tôn giáo đang ảnh hưởng trên tư tưởng những người chung quanh ta thế nào. Ta chỉ biết mình mà không biết người, nên xét về mặt «chiến lược», điều đó quả là thất sách, thiếu khôn ngoan. Đúng ra, chúng ta cần học hỏi kỹ lưỡng về các tôn giáo khác để có thể đối thoại và rao giảng sứ điệp Tin Mừng cho họ một cách thích hợp (tức hội nhập văn hóa).

Khi tìm hiểu các tôn giáo hay chủ nghĩa khác, ta nên tìm hiểu nơi chính những người đang thực sự sống theo tôn giáo hay chủ nghĩa đó, có như vậy, chúng ta mới có thể hiểu họ tương đối đúng đắn. Nơi chúng ta, một trong những điều chưa được đúng đắn lắm là chúng ta thường tìm hiểu các tôn giáo khác, chủ nghĩa khác qua những người đồng đạo với mình, chỉ từng nghiên cứu mà chưa từng sống trong các tôn giáo ấy. Nếu những người này hiểu những tôn giáo ấy không đúng, đương nhiên những người nghe họ sẽ hiểu sai. Nếu chúng ta lại trình bày công khai giáo thuyết của họ cho quần chúng mà không đúng, chúng ta sẽ nhận được từ họ những phản ứng bất lợi cho chúng ta, đồng thời gây sứt mẻ tình đoàn kết giữa các tôn giáo. Thật vậy, làm sao chúng ta có thể tin tưởng một nhà sư Phật giáo hay một người Cộng Sản lại có thể trình bầy về Kitô giáo đúng đắn được, nếu họ chỉ nghiên cứu Kitô giáo trên sách vở mà không hề sống theo Kitô giáo? Cũng vậy, làm sao một Kitô hữu không hề sống trong truyền thống sống động của Phật giáo lại có thể trình bày Phật giáo một cách đúng đắn được? Tôn giáo nào cũng là một hệ thống khép kín (système clos), phải vào trong hệ thống đó, phải sống và thực hành tôn giáo đó mới có thể hiểu tôn giáo đó một cách đúng đắn. Nếu không thì sẽ dễ dàng hiểu tôn giáo đó một cách chủ quan, méo mó, lệch lạc.

Vì thế, trong chương trình đào tạo các linh mục và tu sĩ tương lai, những người có trách nhiệm nên tạo điều kiện cho họ tìm hiểu các tôn giáo khác cũng như những chủ nghĩa đang thịnh hành trong môi trường xã hội hiện nay. Và để việc tìm hiểu mang tính đúng đắn, khách quan và trung thực, ta nên mời những người có uy tín trong các tôn giáo hay chủ nghĩa ấy đến trình bày giáo thuyết của họ. Đó cũng là dịp để chúng ta tạo nhịp cầu thông cảm giữa chúng ta và các tôn giáo hay chủ nghĩa khác, dọn đường cho những cuộc đối thoại đúng đắn sau này mà các linh mục và tu sĩ sẽ đóng vai trò lãnh đạo và chủ chốt. Đương nhiên, sau những giờ lớp ấy, các chủng sinh hay đệ tử cần được soi sáng hướng dẫn để có những nhận định về những điều đã thâu lượm được dưới ánh sáng của Thánh Kinh và của Quyền Giáo Huấn trong Giáo Hội.

Cần có tinh thần đại kết

Trong Tông Thư Tiến Tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba (Tertio Millennio Adveniente), Đức Gioan-Phaolô II đặt rất nặng tinh thần Đại Kết các giáo phái Kitô hữu, và kêu gọi Giáo Hội sám hối vì trong thiên niên kỷ thứ hai, Giáo Hội một phần nào đã «phá hỏng sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn có nơi Dân Ngài» (số 34). Ngài cũng kêu gọi «Giáo Hội phải cầu xin Chúa Thánh Thần thành khẩn hơn nữa để Ngài ban cho ơn hiệp nhất các Kitô hữu vì đó là một vấn đề quyết định cho chứng tá Tin Mừng trong thế giới» (nt), và mời gọi mọi người Kitô hữu «hãy tạo điều kiện cho ân huệ này xảy đến» (nt). Ngài cũng xác định rõ ràng «đó là một trong những nhiệm vụ của người Kitô hữu trên đường đi tới năm 2.000» (nt). Ngài đưa ra mục tiêu rõ rệt cho đường hướng này khi bước vào năm toàn xá (năm 2.000): «Nếu chưa được hoàn toàn hiệp nhất, thì ít ra cũng phải vượt qua được nhiều chia rẽ của thiên niên kỷ thứ hai». Đương nhiên, «muốn đạt được như thế cần phải nỗ lực rất nhiều» (nt).

Do đó, các linh mục tu sĩ của thời đại này cần hưởng ứng lời mời gọi của Đức Gioan-Phaolô II, chẳng những bằng tinh thần mà còn bằng những cố gắng cụ thể nữa. Trước tiên, việc chúng ta có thể làm được là tạo những tương quan thân thiện với các vị lãnh đạo các giáo phái Kitô hữu khác, ở Việt Nam chủ yếu là giáo phái Tin Lành. Chẳng hạn, trong những dịp mừng Chúa Giáng Sinh hay Phục sinh, mừng khánh thành nhà thờ…, chúng ta có thể mời các mục sư hay các thầy truyền đạo ở một vài nhà thờ Tin Lành gần đó tới tham dự. Hay khi trong hạt trong xứ tổ chức một cuộc hội thảo bàn về một vấn đề gì, ta cũng có thể mời họ tới tham dự để có dịp trao đổi với họ. Thật là một hình ảnh đẹp khi hai vị linh mục và mục sư cùng ngồi thảo luận một việc chung nào đó, hay khi hai vị cùng rủ nhau chơi tennis, pingpong… với nhau.

Muốn có được những hình ảnh đẹp như thế -hẳn là phù hợp với chủ trương của Đức Gioan-Phaolô II -các linh mục tu sĩ tương lai cần phải được đào tạo tinh thần đó từ trong chủng viện hay nhà dòng. Họ cần phải được đề nghị những cách thức khôn ngoan nhất để có thể giao tiếp, đối thoại, cộng tác với nhau… mà không tạo nên những bất hòa hay sứt mẻ tình cảm. Có tình cảm với nhau, thân thiện với nhau, chúng ta mới có thể đối thoại với nhau trong tinh thần thông cảm để cùng nhau khám phá ra chân lý và cuối cùng hiệp nhất với nhau.

Thật là mỉa mai khi những người cùng tôn thờ Đức Giêsu Kitô là Chúa -Đấng nói rằng: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau» (Ga 13,35) -nhất là những người rao giảng Lời của Ngài, lại không thể thương yêu nhau, nói chuyện thân thiện với nhau, hợp tác với nhau trong những công việc chung được. Thật là mỉa mai khi các linh mục và mục sư, hay các tín hữu hai giáo phái nói xấu lẫn nhau, không ưa nhau, chê bai giáo lý của nhau…

Cần được đào tạo để có thể trở thành những giáo dân tốt

Chúa gọi thì nhiều, nhưng chọn thì ít.100 chủng sinh hay đệ tử, thì làm linh mục hay trở thành tu sĩ vĩnh viễn chỉ được khoảng 10 người. Vậy, ban đầu, khi đào tạo 100 người ấy, ta nhắm đến phần ít hay phần nhiều? Chỉ nên nhắm đến 10 người bền đỗ và thành tựu cuối cùng đồng thời bỏ mặc 90 người kia ra sao thì ra, hay ta nên nhắm đến tất cả 100 người: trước hết và căn bản nhất là đào tạo tất cả đều có khả năng trở nên những giáo dân tốt, có thể tạo lập một gia đình hạnh phúc, đồng thời luôn luôn có ý hướng phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong bất kỳ hoàn cảnh môi trường nào; kế đến mới nhắm đào tạo họ có khả năng trở nên những linh mục hay tu sĩ vĩnh viễn?

Trong quá khứ, trong các chủng viện cũng như trong các dòng tu, các nhà đào tạo chỉ nhắm đến «nước tới» mà không nghĩ đến «nước lui», chỉ nghĩ tới số còn lại cuối cùng mà không nghĩ tới những người dở chừng ra đi. Vì thế, những người dở chừng ra đi này trở thành những người «lỡ cỡ», bị nhiều hụt hẫng. Họ được đào tạo và chuẩn bị dường như chỉ để làm linh mục hay tu sĩ, nhưng cuối cùng mục đích đó không thành. Họ không được chuẩn bị hay đào tạo để trở nên những giáo dân tốt, hay những tông đồ giáo dân nhiệt thành có khả năng. Rất nhiều người thuộc loại «hụt hẫng» này đã không tạo lập được một gia đình hạnh phúc, thậm chí còn tạo nên một gia đình bất hạnh, mà lỗi phần lớn là do mình. Họ phần nào giống như một người được đào tạo và chuẩn bị để sống tại Mỹ hay Pháp, nhưng cuối cùng lại phải sang Ấn Độ.

Rất nhiều người khi xuất khỏi chủng viện hay nhà dòng, thì lý tưởng phụng sự Thiên Chúa và tha nhân cũng bỏ luôn. Làm như là lý tưởng phụng sự Thiên Chúa và tha nhân gắn liền một cách bất khả phân với chức linh mục hay bậc tu trì. Vì thế, bỏ chức linh mục hay bậc tu sĩ cũng là bỏ luôn lý tưởng phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Không mấy người tu xuất ra còn tha thiết với công việc tông đồ, hay còn theo đuổi lý tưởng trở nên thánh thiện. Chính vì những lý do đó, cộng thêm với ít nhiều bất mãn, mà nhiều người tu xuất trở thành những «phế phẩm», về mặt đời thì chẳng thành công, mà mặt đạo thì cũng chẳng ra thế nào. Người ta vẫn nói về những người tu xuất: «Nhất quỉ nhì ma, thứ ba tu xuất». Tình trạng đó phải chăng có nguyên nhân từ việc giáo dục trong chủng viện hay dòng tu?

Vì số người đi tu ban đầu có thể tới 9/10 sẽ trở thành giáo dân, và vì lý tưởng của họ khi đi tu là phụng sự Thiên Chúa và tha nhân, vì thế, các chủng viện và dòng tu nên đào tạo họ theo «nước đôi» : vừa «nước tới» vừa «nước lui», vừa nhắm họ trở thành những linh mục tu sĩ tốt, vừa nhắm họ -một phần lớn -trở thành những giáo dân tốt, những người chồng người vợ tốt, và nhất là những tông đồ giáo dân tốt nữa. Do đó, các chủng viện cũng như dòng tu nên nhắm một mục đích rộng lớn hơn, là đào tạo những người hoạt động cho Nước Chúa, chứ không nên chỉ nhắm một mục đích hạn hẹp là đào tạo nên các linh mục và tu sĩ mà thôi. Do đó, cần phải cải tổ lại chương trình và kế hoạch đào tạo sao cho thích hợp. Chỉ nhắm có 1/10 này mà bỏ rơi hoàn toàn 9/10 kia thì quả hết sức uổng phí! Nếu biết đào tạo và huy động,9/10 kia có thể làm được nhiều việc ích lợi cho Nước Chúa hơn 1/10 này.

Kết luận

Vấn đề quan trọng trong việc đào tạo linh mục tu sĩ không phải chỉ là làm cho họ trở thành các linh mục tu sĩ tốt, thánh thiện, nhiều khả năng, mà còn phải làm sao để họ thực sự đáp ứng được những nhu cầu con người của thời đại mà họ sẽ sống. Rất nhiều linh mục tu sĩ tương lai chỉ lo cho mình nên thánh thiện, tài năng theo quan điểm riêng của mình, độc lập với nhu cầu của Giáo Hội hay xã hội mình đang sống. Vì thế, khi đem sự thánh thiện và tài năng đó ra phục vụ, thì chúng không đáp ứng đúng với não trạng và nhu cầu của Giáo Hội và xã hội vốn luôn luôn thay đổi. Thánh thiện và tài năng vẫn là những yếu tố căn bản và quan trọng nhất của linh mục tu sĩ. Nhưng còn một yếu tố khác quan trọng không kém, đó là khả năng thích ứng sự thánh thiện và tài năng đó vào thực tế của đời sống Giáo Hội và xã hội. Thiếu nó, sự thánh thiện và tài năng kia trở thành kém hữu dụng. Vì linh mục và tu sĩ không phải chỉ sống cho một mình mình, mà là sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, chiều kích xã hội đóng vai trò rất quan trọng.

Do đó, nếu không thích ứng với hoàn cảnh xã hội và con người thời đại, nếu muốn thi hành sứ mạng của mình độc lập với xã hội, bất chấp sự thay đổi của xã hội và con người, các linh mục tu sĩ sẽ không giúp ích được ai, và sứ mạng của họ trở thành không tưởng. Lúc đó, Kitô giáo, do linh mục và tu sĩ dẫn dắt, sẽ trở nên một cái gì xa lạ đối với con người, không còn gần gũi thiết thực với đời sống con người. Và hậu quả sẽ là: tôn giáo trở thành cái gì không cần thiết cho đời sống con người nữa, thực hành tôn giáo chỉ làm mất thời giờ vô ích. Lúc đó, việc người ta bỏ đạo không có gì là lạ cả, như đang xảy ra tại Âu Châu hiện nay.

Sự thánh thiện và tài năng của linh mục tu sĩ cần phải mặc lấy hình thức phù hợp với nhu cầu của thời đại. Sự thánh thiện và tài năng đó giống như cơm gạo cá thịt, rất cần cho sự sống con người. Nhưng người ta có ăn được cơm gạo cá thịt đó hay không còn tùy thuộc vào cách nấu nướng có phù hợp với nhu cầu ăn uống và khẩu vị của họ hay không. Có thể món ăn ta đưa ra mời họ rất bổ dưỡng và cần thiết cho sức khỏe nói chung, nhưng nếu không hợp với nhu cầu ăn uống và khẩu vị riêng của họ, thì họ chỉ bất đắc dĩ ăn một chút, sau đó, họ đổi sang món khác có thể kém chất lượng hơn, rẻ tiền hơn, thậm chí rất dở, nhưng thích hợp với nhu cầu ăn uống, với khẩu vị và túi tiền của họ hơn.

Làm kinh tế trong xã hội hiện nay, người ta rất chú trọng tới nhu cầu và thị hiếu của quần chúng. Công ty nào bất chấp nhu cầu và thị hiếu quần chúng, cứ sản xuất hàng theo quan điểm của mình, công ty đó sẽ bị phá sản, cho dẫu hàng mình sản xuất nói chung có thể rất tốt. Hàng sản xuất ra muốn bán được, thì chất lượng phải là căn bản, nhưng còn cần phải phù hợp với nhu cầu đặc thù, với túi tiền, với sở thích của quần chúng, và với thời trang của thời đại nữa. Một bộ quần áo sang trọng, chất lượng tuyệt hảo, nhưng đã lỗi thời, thì rất khó kiếm người mua. Cũng vậy, công cuộc truyền giáo, việc mục vụ, cũng như hoạt động của linh mục tu sĩ cần phải phù hợp với nhu cầu của con người thời đại. Do đó, sự thánh thiện và tài năng của linh mục tu sĩ cũng phải mặc lấy hình thức phù hợp với thời đại. Khả năng tự thay đổi để thích ứng đó phải được luyện tập và đào tạo ngay trên ghế chủng viện hay đệ tử viện. Một thế hệ linh mục tu sĩ biết thích ứng với mọi tình huống của mình, của xã hội, của Giáo Hội và của thế giới, sẽ đem lại cho Giáo Hội nhiều sức sống hơn. Rất mong tinh thần thích ứng đó sẽ được áp dụng triệt để hơn vào việc đào tạo những người làm việc cho Nước Chúa.


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________