1.8.09

Bình an nội tâm


1. Bình an là điều kiện để sống hạnh phúc và phát triển

Trong cuộc sống đời thường, bình an là một điều kiện quan trọng để sống vui tươi hạnh phúc và để phát triển. Thiếu bình an, ta không thể sống hạnh phúc, ta sẽ mất khôn ngoan sáng suốt. Vì thế, ai cũng mong muốn được bình an. Và bình an là một trong những đối tượng căn bản của những lời cầu chúc và hỏi thăm nhau trong tất cả mọi ngôn ngữ, của mọi dân tộc, nhất là trong những dịp đầu năm mới, hoặc khi lâu lâu gặp nhau.

Trong đời sống tâm linh cũng vậy. Sự bình an trong tâm hồn là điều kiện quan trọng để đời sống tâm linh cũng như niềm vui nội tâm phát triển. Không có bình an trong tâm hồn, đời sống tâm linh không phát triển được. Và người có đời sống tâm linh phát triển thì tâm hồn luôn luôn bình an, bất chấp những xáo trộn, bất an do ngoại cảnh. Có bình an mới có hạnh phúc.

2. Hai thứ bình an

Như vậy, có hai thứ bình an: bình an bên ngoài và bình an bên trong.

a) Bình an bên ngoài: là thứ bình an bị lệ thuộc vào hoàn cảnh hay những hay điều kiện ngoài mình. Ta được thứ bình an này khi gặp hoàn cảnh thuận lợi, dễ dàng, không bị đe dọa, không có nguy hiểm, không gặp khó khăn, được vừa ý mọi chuyện… Thứ bình an này người khác có thể ban tặng hay tạo ra cho ta, mà cũng có thể làm ta mất đi.

b) Bình an bên trong: là thứ bình an không bị lệ thuộc ngoại cảnh mà tùy thuộc tình trạng hay thái độ nội tâm. Một người có nội tâm vững vàng vẫn có thể cảm thấy tâm hồn mình bình an cho dù gặp nghịch cảnh, bị đe dọa, gặp nguy hiểm, khó khăn, hay gặp chuyện không vừa ý. Thứ bình an này, ngoài Thiên Chúa ra, không ai có thể ban hay tạo cho ta, và cũng không dễ dàng lấy mất đi của ta.

Một người được bình an bên ngoài nhưng không có bình an bên trong thì không cảm thấy hạnh phúc. Nhưng người có bình an bên trong thì dù không có bình an bên ngoài vẫn có thể hạnh phúc. Nhiều vị thánh sống rất thiếu thốn, gặp toàn nghịch cảnh, thậm chí đang phải sống giữa những nguy hiểm, nhưng tâm hồn vẫn có thể bình an và tràn đầy niềm vui.

3. Bình an trong Tin Mừng

Sự bình an mà Tin Mừng nói đến, mà Đức Giê-su cầu chúc hoặc hứa ban, chủ yếu là thứ bình an trong tâm hồn hơn là thứ bình an bị lệ thuộc vào ngoại cảnh. Bình an bên ngoài thuộc thể chất hay vật lý thì người thế gian cũng có thể ban cho ta được, nhưng họ khó có thể ban được bình an trong tâm hồn. Còn Đức Giê-su chủ trương ban sự bình an ấy: «Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian» (Ga 14,27). Sự bình an cũng như niềm vui nội tâm ấy «không ai lấy mất được» (Ga 16,22). Đó là một thứ bình an và niềm vui độc lập với ngoại cảnh, không vì khó khăn hay rắc rối bên ngoài mà bị mất.

Trong Tin Mừng, sự bình an, đặc biệt sự bình an trong tâm hồn, được coi là một giá trị hết sức quan trọng. Khi Đức Giê-su sinh ra, muôn vàn thiên thần đã hát mừng: «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương» (Lc 2,14). Điều Đức Giê-su khuyên các môn đệ làm khi vào nhà mọi người để loan báo Tin Mừng là: «Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy» (Mt 10,12; x. Lc 10,5). Sau khi chữa lành bệnh cho ai, Đức Giê-su cũng chúc bình an cho người ấy (x. Mc 5,34; Lc 8,48). Khi gặp các môn đệ, nhất là những lần sau khi phục sinh, Đức Giê-su luôn luôn cầu chúc: «Bình an cho anh em!» (Lc 24,36; Ga 20,19; 20,26). Thánh Phê-rô và Phao-lô gọi Tin Mừng mà các ngài loan báo là «Tin Mừng bình an» (Cv 10,36; Ep 2,17; 6,15).

Người Ki-tô hữu cần phải đạt được sự bình an và niềm vui nội tâm ấy. Để đạt được, họ chỉ cần thật sự tin tưởng vào Tin Mừng sống tinh thần Tin Mừng, vì Tin Mừng này là «Tin Mừng bình an». Sống tinh thần Tin Mừng là: sống yêu thương thật sự, tin tưởng và phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa, luôn tha thứ không để tâm chấp nhất lỗi lầm của bất kỳ ai, nhất là sống tinh thần tự hủy, không đặt quá nặng «cái tôi» của mình, nhận ra thánh ý Thiên Chúa luôn luôn khôn ngoan và đem lại nhiều ích lợi hơn ý riêng của mình, có tinh thần siêu thoát, không quá gắn bó với những thực tại chóng qua của trần gian…

a) Bình an nội tâm, điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần

Trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ không phải vô tình mà Đức Giê-su trước khi thổi hơi và ban Thánh Thần cho các tông đồ đã lập lại một lần nữa lời cầu chúc «Bình an cho anh em!». Như vậy phải chăng để nhận lãnh Thánh Thần, thì điều kiện quan trọng là phải có tâm hồn bình an? Và đồng thời bình an cũng lại là kết quả của một tâm hồn tràn đầy Thánh Thần (x. Gl 5,22)? Thực ra, điều kiện quan trọng để nhận được Thánh Thần là phải có tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, phải có tâm hồn trong sạch. Chính vì thế mà Giáo Hội buộc những ai lãnh nhận bí tích thêm sức – tức lãnh nhận Thánh Thần – phải sạch tội, nghĩa là có ân nghĩa với Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa. Mà một khi đã sạch tội, sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, sống theo tinh thần của Ngài thì đương nhiên sẽ có sự bình an trong tâm hồn.

Bình an này chỉ đến với hoặc ở với những ai xứng đáng với nó, tức những người sống theo tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương, tinh thần Tám Mối Phúc của Đức Giê-su (Mt 5,3-12), là lối sống siêu thoát: «Ai đáng hưởng bình an, thì bình an sẽ ở lại với người ấy» (Lc 10,6). Những người chạy theo tinh thần thế tục, coi trọng tiền bạc, danh vọng, địa vị hơn tình nghĩa, sống ích kỷ, vụ lợi, tham lam… không thể có được thứ bình an sâu xa này. Do đó, thay vì nói có ân nghĩa và tình yêu đối với Thiên Chúa là điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần, có thể nói cách khác: bình an nội tâm là điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần. Thánh Thần có thể được ban cho người không có bình an vật lý hay thể lý, nhưng chắc chắn không thể ban cho người không có bình an nội tâm.

Những ai đã cảm nghiệm được sự bình an và niềm vui nội tâm thật sự – nghĩa là thứ bình an lâu dài và thường xuyên – đều cảm thấy đó là một phần thưởng rất lớn và xứng đáng cho việc sống theo tinh thần Tin Mừng của mình, vì họ đã được phần nào nếm trước hạnh phúc thiên đàng ngay tại trần thế này, thứ hạnh phúc tự tại trong lòng họ, không ai lấy mất được. Đang khi những người khác cho họ là dại dột vì từ bỏ những lợi lộc và thú vui trần tục, thì họ lại cảm thấy chính những người theo đuổi những thứ chóng qua và dễ bị cướp đoạt ấy mới là dại dột. Những người này đã từ bỏ một cái gì quí giá, sâu xa và trường tồn để đổi lấy cái mau qua, dễ mất. Các tông đồ và các Ki-tô hữu tiên khởi đã suy nghĩ như thế vì thật sự cảm nghiệm được sự bình an và Thánh Thần Đấng ban bình an luôn ở với họ. Các ngài đã quí Thánh Thần và sự bình an ấy hơn cả mạng sống và mọi thứ của cải trần gian. Còn chúng ta, những kẻ đang mang danh Ki-tô hữu, thì sao?

b) Bình an là một yếu tố cần thiết trong cuộc đời

Thật vậy, bình an là điều kiện nền tảng của hạnh phúc, của sự khôn ngoan sáng suốt, của đời sống tâm linh. Thường xuyên mất bình an trong tâm hồn chứng tỏ một đời sống tâm linh còn non kém. Vì thế, bình an là một yếu tố rất quan trọng trong cuộc đời.

c) Bình an là món quà quí báu của Thiên Chúa

Đức Giêsu đã từng nói về hai thứ bình an trên: «Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian» (Ga 14,27). Bình an mà Đức Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay không phải là thứ bình an bên ngoài, mà là bình an bên trong, một khi đã có thì không ai lấy mất được, trừ khi chính ta làm mất nó. Nó là nền tảng cho những niềm vui nội tâm cũng không ai lấy mất được (x. Ga 16,22). Bình an và niềm vui ấy được xây dựng trên những lý do siêu nhiên, khác với bình an và niềm vui dựa trên những lý do tự nhiên hay ngoại cảnh: «Anh em chớ vui mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy vui mừng vì tên của anh em đã được ghi trên trời» (Lc 10,20).

Bình an nội tâm ấy chính là hoa quả của Thánh Thần (x. Gl 5,22; Rm 8,6; 14,17), và xuất phát từ Thiên Chúa (x. Rm 15,33; 16,20; 2Cr 13,11; Pl 4,9), vượt lên trên mọi hiểu biết của con người (x. Pl 4,7). Nhưng để đạt được sự bình an này thì điều quan trọng là phải có đức tin (x. Rm 15,13). Không đức tin, hoặc đức tin kém cỏi, ta không thể nhận được bình an của Thiên Chúa.

d) Đức tin là điều kiện quan trọng để nhận được bình an của Thiên Chúa

Để có được bình an nội tâm, thứ bình an tự tại, không bị lệ thuộc vào những điều kiện hay hoàn cảnh bên ngoài, điều quan trọng là phải có một đức tin vững mạnh. Một người thật sự tin vững mạnh nơi Thiên Chúa, tin vào tình thương vô bờ bến và quyền năng vô biên của Ngài, người ấy luôn sống trong bình an.

Chẳng hạn, một trong những điều khiến ta dễ dàng mất bình an là sự bấp bênh của cuộc sống. Chúng ta lo sợ bị mất việc làm, bị thất bại trong công việc làm ăn, bị lừa đảo, bị kẻ ác hãm hại, v.v… Tất cả những điều chúng ta lo sợ ấy rất có thể xảy ra cho chính chúng ta. Chúng ta thường tưởng tượng rằng nếu những bất lợi ấy xảy ra, chúng ta sẽ lâm vào cảnh bất hạnh ngay. Chúng ta không muốn bị bất hạnh, bị lâm vào cảnh khổ. Vì thế, dù những điều đó chưa xảy ra, tâm hồn chúng ta vẫn canh cánh những nỗi lo âu sợ sệt, nhất là khi thấy xác xuất xảy ra khá lớn.

Nhưng nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa đầy quyền năng, Ngài quan phòng mọi sự, không gì xảy ra được ngoài thánh ý của Ngài, và Ngài cũng không bao giờ muốn điều xấu xảy ra cho chúng ta, thì chúng ta sẽ luôn vững dạ an tâm.

Niềm tin ấy rất có nền tảng trong Kinh Thánh. Đức Giêsu nói: «Nếu hoa cỏ ngoài đồng nay còn mai đã quẳng vào lò mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó» (Mt 6,30-32). Chuyện nhỏ nhất xảy ra dưới trần cũng không xảy ra ngoài thánh ý của Thiên Chúa: «Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ» (Mt 10,29-31).

Thiếu niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa khiến chúng ta luôn sống trong lo âu. Nhiều khi chúng ta không dám làm những điều lương tâm đòi buộc, vì nghĩ rằng khi làm những điều ấy thì sẽ có nguy cơ bị lâm vào cảnh khổ, bị tù đày, bị hãm hại. Vì thế, chúng ta ưu tiên lo cho sự an nguy của ta hơn là lo thực hiện thánh ý của Ngài. Nhưng Đức Giêsu bảo: «Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người trước đã, còn mọi sự khác Người sẽ thêm cho sau» (Mt 6,33).

e) Tin rằng thánh ý Thiên Chúa luôn luôn đem lại lợi ích và hạnh phúc nhiều nhất cho ta, thì sẽ được bình an

Đương nhiên người tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa không phải lúc nào cũng gặp những thuận cảnh, hay luôn luôn gặp bình an bên ngoài. Rất có thể Thiên Chúa phải thử thách chúng ta để chúng ta nên hoàn thiện hơn, và nhờ đó hạnh phúc hơn. Chính Thiên Chúa cũng đã làm cho «Đức Giêsu phải trải qua gian khổ để trở nên vị lãnh đạo thập toàn» (Dt 2,10). Ngài cũng đối xử như thế với những người mà Ngài yêu thương và tuyển chọn: «Những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính» (Rm 8,30), và cách Ngài làm cho họ nên công chính là thử thách họ bằng đau khổ: «Anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, vì Thiên Chúa muốn anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường» (1Pr 5,10). Nói chung, tất cả những đau khổ mà Thiên Chúa gửi đến đều nhằm ích lợi cho ta: «Thiên Chúa làm cho mọi sự phối hợp lại đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người» (Rm 8,28). Tương tự như cha mẹ bắt con phải uống thuốc đắng, phải bị chích thuốc hay phải chịu giải phẫu đau đớn, chính là để tránh cho chúng những đau khổ lớn hơn, hoặc để chúng hạnh phúc vì có sức khỏe.

Trong cuộc đời, không ai tránh được đau khổ. Rất nhiều khi tránh đau khổ này thì ta lại gặp phải đau khổ khác lớn hơn. Người đời vẫn nói: «Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa», «Ghét của nào Trời trao của ấy». Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng khi tôi sẵn sàng đón nhận những đau khổ mà Thiên Chúa muốn tôi chịu, thì đó là cách tốt nhất để cuộc đời tôi chịu ít đau khổ nhất, và được hạnh phúc nhiều nhất. Tôi thấy những ai tìm đủ mọi cách để tránh đau khổ dẫu phải làm những điều trái lương tâm, và không chấp nhận những đau khổ Chúa gửi đến, thì cuối cùng người ấy phải chịu nhiều đau khổ hơn gấp bội so với người sẵn sàng đón nhận đau khổ Ngài gửi đến. Chính sự sẵn sàng đón nhận những đau khổ Chúa gửi đến làm cho tâm hồn ta luôn bình an.

f) Giải thoát khỏi nỗi sợ chết, sợ đau khổ, sẵn sàng chấp nhận đau khổ hoặc chết (vì Chúa, vì lương tâm) là bí quyết để sống thanh thản, bình an và hạnh phúc

Về câu nói của Đức Giêsu: «Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời», tôi có kinh nghiệm sau đây, xin chia sẻ với mọi người. Tôi cũng như mọi người, rất ham sống sợ chết. Trong mọi trường hợp, tôi luôn luôn nghĩ đến sự an toàn của bản thân tôi trước tiên. Vì thế, mỗi khi thấy chuyện gì nguy hiểm xảy đến cho tôi là tôi run sợ, lo lắng, bất an. Tình trạng lo lắng ấy có thể kéo dài nhiều ngày tháng, khiến tôi không còn cảm thấy hạnh phúc nữa. Nhưng cách đây vài năm có xảy ra một trường hợp: tôi phải chọn lựa dứt khoát giữa sự an toàn bản thân và tiếng lương tâm. Phải dứt khoát, vì chọn làm theo sự thúc đẩy của lương tâm thì thật là nguy hiểm cho bản thân, và chắc chắn còn liên lụy đến gia đình: cha mẹ, anh em, vợ con; còn chọn an toàn cho bản thân thì bị lương tâm cắn rứt, chịu không nổi. Sau khi bị lương tâm dằn vặt nhiều ngày chịu không nổi vì chưa làm theo sự đòi hỏi của nó, tôi quyết định làm theo tiếng lương tâm, bất chấp mọi sự. Thà chấp nhận nguy hiểm còn hơn để lương tâm bất an! Thế rồi những khó khăn xảy đến… trong nhiều ngày tháng… Như một phản ứng tự vệ, tôi phó thác mạng sống và sự an nguy của tôi trong tay Chúa. Khi hồi hộp lo âu, tôi lẩm nhẩm hát trong trí: «Chúa khoan nhân là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì, tôi không còn e sợ nỗi gì (…) Dầu tôi đi qua trong thung lũng tối đen hiểm nguy, lòng tôi không lo ngại tai họa gì: vì Chúa ở cùng tôi, cây trượng và cây gậy Chúa khiến tôi an lòng» (Tv 23). Thế rồi mọi khó khăn đều qua!

Nhiều lần phải chọn lựa tương tự như vậy, lần nào tôi cũng làm theo sự đòi hỏi của lương tâm. Dần dần tôi cảm thấy nhu cầu đòi hỏi an toàn cho bản thân giảm đi, khiến hiện nay, khi gặp nguy hiểm cho bản thân, tôi cảm thấy an tâm hơn trước rất nhiều. Giữa những nguy hiểm, tôi tập sẵn sàng chấp nhận mất tất cả, kể cả mạng sống. Lạ lùng thay, dần dần tôi cảm nghiệm được một sự thanh thản, bình an sâu thẳm trong tâm hồn. Và tôi khám phá ra thật sự có bàn tay quan phòng của Thiên Chúa luôn bảo vệ tôi, luôn lo lắng cho tôi tất cả những nhu cầu cần thiết.

Qua kinh nghiệm trên, tôi khám phá ra rằng: lúc nào cũng nghĩ trước hết đến sự an toàn bản thân chỉ tạo cho ta một thói quen sợ sệt, lo lắng, mất bình an. Còn tập buông bỏ tất cả những gì mình vẫn thường bám víu như: sự sống, sự an toàn, các tham vọng, tiền bạc, nhà cửa, danh dự… sẵn sàng chấp nhận mất tất cả, chỉ bám víu vào một mình Thiên Chúa, thì sự bình an và hạnh phúc sẽ đến. Hiện nay, tôi cảm thấy tâm hồn bình an và hạnh phúc hơn trước rất nhiều: một thứ bình an hạnh phúc thường hằng và bền vững, khác với thứ bình an trước đó. Bình an và hạnh phúc của tôi bây giờ phát xuất từ bên trong, từ Thiên Chúa, không bị chao đảo khi những điều kiện bên ngoài thay đổi nữa. Qua kinh nghiệm này, tôi thấy chính lúc mình chấp nhận đau khổ, thì đau khổ không còn ảnh hưởng tới mình nhiều như trước nữa. Chính lúc mình sẵn sàng chấp nhận chết bất kỳ lúc nào, thì mình lại sống thanh thản và trọn vẹn hơn bao giờ hết. Điều Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay quả là đúng!

g) Tha thứ làm tâm hồn ta nhẹ nhõm, thảnh thơi

Kinh nghiệm cho tôi thấy khi nào bực bội ai điều gì, khi nào để trong lòng nỗi buồn bực giận hờn ai, thì tâm hồn tôi không được bình an. Lúc đó, trong tâm hồn tôi có một xung lực thúc đẩy tôi phải làm một cái gì đó, chẳng hạn chửi bới người ấy, nói một câu gì hạ nhục người ấy, hoặc làm một điều gì khiến người ấy phải đau khổ… Lúc ấy tôi có cảm tưởng rằng: có hành động theo sự thúc đẩy của xung lực ấy, tôi mới nguôi ngoai cơn giận, và tâm hồn tôi mới tìm lại được bình an. Nhưng trong thực tế, sau khi thỏa mãn cơn giận bằng những hành động ấy, tôi chỉ được nguôi ngoai phần nào, và sau đó lại tiếp tục mất bình an hơn nữa vì phải đối phó với sự trả thù của người kia. Vì khi người kia bị tôi hạ nhục hay gây đau khổ, thì trong lòng họ lại phát sinh một xung lực y như tôi trước đó, và họ quyết thỏa mãn xung lực ấy. Thế là cái vòng lẩn quẩn được thiết lập, vì: «Lấy oán trả oán, oán chập chùng» (Đức Phật).

Nhưng nếu tôi đặt mình vào địa vị người ấy, tôi sẽ dễ dàng thông cảm và hiểu được những lý do thúc đẩy họ hành động như vậy, nhờ đó tôi dễ dàng tha thứ cho họ. Khi tôi vừa quyết định tha thứ, lập tức tôi cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm. Xung lực thúc đẩy tôi phải trả thù biến mất. Tích cực hơn nữa, nếu tôi có tinh thần yêu thương của Đức Giê-su, thay vì trả oán, tôi quyết định làm một điều gì tốt cho người ấy. Lúc ấy thường có điều lạ lùng xảy ra, là người ấy nhận ra ngay sai lầm của mình và ngỏ lời xin lỗi (Điều lạ lùng này rất khó xảy ra khi tôi trả đũa). Từ đó tình cảm giữa hai người thắm thiết hơn, vì qui luật này vẫn luôn luôn đúng: «Ai được tha nhiều sẽ mến nhiều, ai được tha ít sẽ mến ít» (x. Lc 7,47b). Đó cũng là chủ trương «lấy đức trả oán, oán tiêu tan» của Đức Phật.



TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________