30.7.08

Suy tư về việc
phong chức các tân giám mục


Nguyễn Chính Kết



T
ừ đầu năm 1999 đến nay (tức tháng 10-1999), Giáo Hội Việt Nam ta có thêm 5 tân giám mục:

– Đức Cha Phêrô Trần đình Tứ (63 tuổi),
– Đức Cha Bùi văn Đọc (54 tuổi),
– Đức Cha Giuse Trần xuân Tiếu (54 tuổi),
– Đức Cha Ngô quang Kiệt (47 tuổi),
– Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn (63 tuổi).

Thật là tốt lành và hạnh phúc cho Giáo Hội Việt Nam có thêm những chủ chăn rất xứng đáng, thánh thiện và khôn ngoan.

Điều tôi rất mừng và lấy làm thích thú là các tân giám mục tương đối còn trẻ (tuổi trung bình là 56,2), đặc biệt Đức cha Giuse Ngô quang Kiệt, mới có 47 tuổi, tức cùng tuổi với tôi, mà đã làm giám mục. Ngài trẻ hẳn so với các tân giám mục khác, và cũng là vị giám mục trẻ tuổi nhất trong Hội đồng Giám mục Việt Nam hiện nay. Tôi mừng vì có thêm một số giám mục trẻ, nhờ đó Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ trẻ trung hơn, năng động hơn, có khả năng thích ứng với những hoàn cảnh luôn luôn thay đổi của Giáo Hội Việt Nam hơn…

Nhân dịp này, tôi có một số suy tư về vấn đề tuổi tác của các giám mục trong việc chăn dắt, điều hành và thăng tiến Dân Chúa tại Việt Nam.

Một số dữ kiện về tuổi tác của các Giám Mục Việt Nam

Hiện nay tuổi trung bình của các giám mục Việt Nam còn sống (39 giám mục, kể cả Đức Cha P. X. Nguyễn văn Thuận ở Rôma và Đức Cha Antôn Nguyễn văn Thiện ở Pháp) là 70,87 tuổi, tức gần 71 tuổi (1*). Trước khi có 5 tân giám mục, tuổi đó là 73. Tuổi trung bình khi thụ phong giám mục là: 52,46 tuổi.

Nếu lấy từ 60 tuổi trở xuống thì 6 vị giám mục trẻ tuổi nhất hiện nay là:



Hiện nay, Đức cha Giuse Ngô quang Kiệt – vừa thụ phong giám mục năm nay – đang vị giám mục trẻ tuổi nhất Việt Nam với tuổi đời là 47. Tuy nhiên, trong hàng ngũ các giám mục của thế giới, thì ngài không phải là trẻ lắm. Ngay trong số các giám mục Việt Nam còn sống và đã khuất, Đức Cha Kiệt chịu chức năm 47 tuổi thì không phải là sớm lắm, vì đã có 20 giám mục thụ phong vào độ tuổi trẻ hơn hoặc bằng tuổi:


Tuy nhiên, nếu tính theo tuổi làm linh mục, thì phải nói rằng trường hợp Đức Cha Giuse Kiệt là một trường hợp kỷ lục, vì tại Việt Nam, chưa từng có một giám mục nào được thụ phong giám mục khi còn ít tuổi linh mục như Đức Cha Giuse. Nếu tính theo số năm làm linh mục trước khi thụ phong giám mục, ta có 4 vị linh mục được sớm làm giám mục nhất:


Ghi chú:
(A) Thời gian từ linh mục đến giám mục (tính theo năm)
(B) Năm thụ phong linh mục
(C) Năm thụ phong giám mục.

Đức Cha Giuse Ngô quang Kiệt đã chịu chức linh mục hơi trễ, mãi đến năm 39 tuổi mới được thụ phong linh mục. Điều này cũng dễ hiểu, vì cách đây vào khoảng chục năm về trước, việc xin thụ phong linh mục không được dễ dàng như thời của đa số các giám mục khác. So với tất cả các giám mục Việt Nam (còn sống và đã khuất), thì ngài là một trong số 5 giám mục chịu chức linh mục trễ nhất, chỉ sớm hơn được 3 giám mục.


Sau đây, chúng ta hãy cùng nhau suy tư về vấn đề tuổi tác của các giám mục Việt Nam, và đưa ra một số đề nghị cho tương lai.

Suy tư và góp ý

Những suy tư và góp ý ở đây chỉ mang tính cá nhân của một người thao thức với những vấn đề Giáo Hội. Chúng có thể chủ quan và thiên lệnh mặc dù người đưa chúng ra vẫn cố gắng khách quan và vô tư. Dù thế nào, những suy tư, đề nghị này chỉ là những gợi ý nhỏ nhoi để giúp những đấng bậc có trách nhiệm trong Giáo Hội rộng đường suy nghĩ. Nếu có điều gì không phải, xin được các ngài tha thứ, và thông cảm cho sự quá ưu tư thao thức của người viết đối với tương lai Giáo Hội. Tuy nhiên, rất mong những góp ý này sẽ hữu ích!

1/ Tuổi trung bình của các giám mục VN quá lớn

Hiện nay, tuổi trung bình của các giám mục Việt Nam là gần 71 tuổi, quả là quá lớn tuổi so với tuổi trung bình của các giám mục tại các quốc gia trên thế giới. Nhìn vào tương lai của Giáo Hội Việt Nam, sự kiện đó quả không làm cho mọi người lạc quan lắm. Muốn cho tương lai Giáo Hội Việt Nam tốt đẹp và có nhiều chiều hướng đi lên, cần phải trẻ trung hóa Hội đồng Giám mục, làm sao để tuổi trung bình chỉ ở khoảng từ 55 đến 65 thôi. Có như thế, các giám mục mới còn đủ sức khỏe và năng lực tinh thần cũng như thể chất để phục vụ Dân Chúa một cách hữu hiệu và thích ứng hơn

Sở dĩ tuổi trung bình của các giám mục Việt Nam hiện nay lớn như vậy là do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của Việt Nam trong mấy chục năm qua. Vì thế, chúng ta không nên qui trách nhiệm cho Tòa Thánh hay hàng Giám mục Việt Nam. Đương nhiên chúng ta cũng không nên qui trách cho nhà nước vì quan điểm của họ về tôn giáo và về trách nhiệm lịch sử của họ đối với quốc gia khiến họ khó có thể làm khác hơn.

So với đầu năm 1975 chẳng hạn, thì tuổi trung bình của 16 giám mục ở Miền Nam Việt Nam lúc đó là 59,31 tức trẻ hơn hiện nay 11,56 tuổi (=70,87–59,31), nghĩa là gần 12 tuổi. Lúc đó trẻ nhất là Đức Cha P. X. Nguyễn văn Thuận (47 tuổi), Đức Cha Nicôla Huỳnh văn Nghi (48 tuổi), và lớn tuổi nhất là Đức Cha P. X Trần thanh Khâm (73 tuổi), Đức Cha Phêrô Ngô đình Thục (78 tuổi).

Tuy nhiên, hiện nay, hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi, việc tuyển chọn và tấn phong giám mục tương đối dễ dàng hơn, nên toàn Giáo Hội Việt Nam có thể và cần nỗ lực trẻ trung hóa hàng ngũ lãnh đạo Giáo Hội, để Giáo Hội có thể phát triển theo những chiều hướng tốt đẹp nhất có thể. Và nhà nước cũng có thể và nên dễ dàng hơn trong việc giúp Giáo Hội thực hiện điều đó.

2/ Hội đồng Giám mục cần có đủ hai lứa tuổi già và trẻ một cách quân bình

Giáo Hội Việt Nam nói chung và hàng giám mục Việt Nam nói riêng luôn luôn cần bao gồm cả những vị giám mục lớn tuổi lẫn trẻ tuổi, đồng thời nên có sự quân bình và hài hòa giữa hai lứa tuổi đó. Vì do khuynh hướng tự nhiên Chúa cho, tâm lý của hai lứa tuổi ấy luôn luôn khác biệt nhau, nhưng nhờ thế mà bổ túc lẫn nhau, cần lẫn nhau, giúp cho sự phát triển trong Giáo Hội tương đối quân bình, điều hòa, không thái quá hoặc bất cập.

Các giám mục lớn tuổi thường khôn ngoan, thận trọng, nhưng sức khỏe kém, làm việc không bền sức, còn các giám mục trẻ thì hăng say, năng nổ, làm việc được rất nhiều giờ trong ngày. Vì thế, để thực hiện những việc quan trọng trong Giáo Hội, vừa cần có đường lối khôn ngoan, vừa cần có khả năng thực hiện. Đưa ra những đường lối khôn ngoan là sở trường của các giám mục lớn tuổi, nhưng năng nổ thực hiện đường lối đó lại là sở trường của các giám mục trẻ.

Các giám mục lớn tuổi thường có khuynh hướng bảo thủ, tìm cách bảo vệ những truyền thống tốt đẹp, những giá trị đã được công nhận. Các giám mục trẻ thường có khuynh hướng canh tân, tiến bộ, khám phá ra những giá trị mới, đưa ra những nề nếp mới. Nếu chỉ có các giám mục lớn tuổi, đời sống Giáo Hội dễ bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, không thích ứng được với thời đại, với những biến đổi ngày càng nhanh chóng của xã hội. Nếu chỉ có các giám mục trẻ tuổi, Giáo Hội dễ bị lôi kéo vào những cuộc phiêu lưu, đổi mới, có thể có nhiều điều hay, nhưng cũng không kém phần nguy hiểm.

Do đó, trong Hội đồng Giám mục cần có cả hai lứa tuổi một cách quân bình, để bổ túc lẫn nhau, để có những đường lối dung hòa, nhờ đó Giáo Hội không bị trì trệ, cũng không đi vào những đổi mới có hại. Một chiếc xe phải vừa có bánh xe mà cũng vừa có tay lái, vừa có động cơ để đẩy đi cho nhanh nhưng cũng vừa có thắng để hãm lại khi cần, mới có thể đi được một cách nhanh chóng và bảo đảm. Đó là hình ảnh cho thấy sự cần thiết của hai thành phần khác biệt nhưng bổ túc lẫn nhau trong một cơ cấu, một tập thể, nhất là một tập thể lãnh đạo như Hội đồng Giám mục.

3/ Nên tuyển chọn để thụ phong những giám mục trẻ

Để có được một sự quân bình đó, Giáo Hội không cần phong chức giám mục đồng đều cho một bên là người trẻ và một bên là người lớn tuổi. Các giám mục lớn tuổi không cần phải được phong chức cũng vẫn tự nhiên có, vì luôn luôn có những giám mục trước đây trẻ mà nay đã tới lúc già đi. Nếu có phong chức giám mục mới, thì rất nên lựa chọn trong số những linh mục còn trẻ xứng đáng với chức vụ quan trọng này, để bổ xung thêm thành phần trẻ vốn tự nhiên bị thiếu hụt đi theo thời gian. Trong xã hội, Thiên Chúa chỉ cho sinh ra các em bé mà thôi, nhưng số người già đâu bao giờ thiếu! Nếu không quan tâm đến việc này, hàng ngũ giám mục sẽ dư người già, mà thiếu người trẻ, là những người rất cần thiết để thực hiện những chương trình dài hạn đòi hỏi nhiều sức khỏe, sự năng nổ và bạo dạn trong dấn thân.

Khi được thụ phong, các giám mục mà còn trẻ thì sẽ phục vụ Giáo Hội được lâu, càng lớn tuổi thì thời gian phục vụ Giáo Hội càng trong chức vụ giám mục càng ngắn.

Trong số các giám mục đã khuất, ta hãy so sánh thời gian phục vụ trong chức vụ giám mục của các vị được phong chức hồi còn trẻ, các vị được phong chức vào tuổi trung, và các vị được phong chức khi đã lớn tuổi.

Sau đây là 9 vị được phong chức giám mục từ khi còn trẻ (từ 38 đến 45 tuổi). Tuổi trung bình khi được phong là 41,56 tuổi. Tuổi thọ trung bình là 69,89 tuổi. Thời gian phục vụ trong chức vụ giám mục trung bình là 28,33 năm. Trong đó có Đức Cha Thục, Đức Cha Bình và Đức Cha Chi là phục vụ được lâu nhất (từ 38 đến 46 năm).


Và sau đây là 12 vị được phong chức giám mục vào tuổi trung bình (từ 50 đến 60 tuổi). Tuổi trung bình khi được phong chức giám mục là 54,5 tuổi. Tuổi thọ trung bình là 73,17 tuổi. Thời gian phục vụ trong chức vụ giám mục trung bình là 18,67 năm.


Và đây là 11 vị được phong chức giám mục khi đã cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Tuổi trung bình khi được phong chức giám mục là 67,72 tuổi. Tuổi thọ trung bình là 78 tuổi. Thời gian phục vụ trong chức vụ giám mục trung bình là 10,27 năm.


So sánh thời gian phục vụ trong chức giám mục ta thấy sự chênh lệch giữa các giám mục như sau:

– loại A (trẻ) và loại B (trung) :
28,33 – 18,67 = 9,66 năm

– loại B (trẻ) và loại C (lớn tuổi) :
18,67 – 10,28 = 8,39 năm.

– loại A (trẻ) và loại C (lớn tuổi) :
28,33 – 10,28 = 18,05 năm.

Như thế, ta thấy càng được thụ phong giám mục sớm, thì thời gian phục vụ trong chức vụ giám mục càng lâu dài. Nếu bắt đầu làm giám mục mà tuổi quá cao, thì khó lòng mà phục vụ lâu dài được. Người tuổi cao thường không mắc bệnh này thì cũng bị bệnh kia, không bị nặng thì ít ra cũng có những mầm bệnh. Và khi đã đau yếu thì khó mà phục vụ hữu hiệu được. Khi cao tuổi, các ngài cảm thấy thật thấm thía câu «lực bất tòng tâm». Nhiều việc cần làm, nên làm, hết sức muốn làm, nhưng không có khả năng hay sức khỏe để làm, mà không nhờ ai làm được.

Còn thời gian phục vụ Dân Chúa của các giám mục trẻ không những vừa dài hơn, mà còn vừa hữu hiệu hơn, do làm được nhiều việc hơn nhờ có nhiều sức khỏe hơn. Nhưng tuổi thọ trung bình của các giám mục thụ phong trẻ này là 69,89 tuổi, rõ ràng là kém tuổi thọ các giám mục thụ phong lúc lớn tuổi là: 78 – 69,89 = 8,11 tuổi. Điều đó cho thấy trách nhiệm nặng nề của các giám mục, một khi đã gánh vác thì quả khó mà sống thọ được, nhất là khi còn trẻ thì phải làm việc nhiều hơn. Như vậy, các giám mục thụ phong khi còn trẻ thời gian sống tuy ít hơn 8,11 năm, nhưng lại phục vụ Giáo Hội được lâu hơn tới 18,06 năm.

Chiếu theo ba bảng trên và tính theo con số trung bình, ta giả sử: nếu tất cả các giám mục được thụ phong vào khoảng 41 tuổi, và nếu muốn duy trì số giám mục như cũ, thì trung bình trên 28 năm Giáo Hội mới phải phong một giám mục mới. Còn nếu tất cả các giám mục được thụ phong vào khoảng 67–68 tuổi, thì cứ hơn 10 năm là phải phong một giám mục mới rồi. Như vậy là nhịp độ nhanh gần gấp ba (28 / 10 = 2,8). Và chúng ta sẽ phải năng phiền Tòa Thánh Rôma cũng như nhà nước ta cứu xét để bổ nhiệm các giám mục mới – năng gấp gần 3 lần – đang khi việc cứu xét để bổ nhiệm ấy lắm khi gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó sẽ có nhiều giáo phận bị trống ngôi, gây thiệt hại cho những giáo phận đó rất nhiều, chẳng hạn như giáo phận TP. Hồ chí Minh cách đây 3 năm về trước, hay như giáo phận Hưng Hóa hiện nay.

4/ Các giám mục trẻ và vấn đề hội nhập văn hóa

Hiện nay, các Giáo Hội Á châu đang đặt nặng vấn đề hội nhập văn hóa. Nhưng hội nhập văn hóa cần được hiểu theo hai chiều: chiều ngang và chiều dọc. Chiều ngang liên quan đến các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau. Chiều dọc liên quan đến văn hóa của các thời đại, các thế hệ trong cùng một dân tộc. Hễ có sự khác biệt về văn hóa, thì việc mục vụ và truyền giáo phải đặt ra vấn đề hội nhập văn hóa nếu muốn việc Phúc Âm hóa được hữu hiệu.

Ngày nay, sự khác biệt văn hóa giữa dân tộc này với dân tộc khác càng ngày càng giảm, đang khi sự khác biệt ấy giữa thời đại trước và thời đại sau, hay giữa thế hệ trước và thế hệ sau càng ngày càng gia tăng. Vì thế, vấn đề hội nhập văn hóa theo chiều dọc càng ngày càng trở nên quan trọng và trở thành vấn đề của thời đại hơn là việc hội nhập văn hóa theo chiều ngang.

Trong việc hội nhập văn hóa theo chiều dọc, nghĩa là thích ứng về mặt văn hóa của thế hệ trước (tức thế hệ truyền đạo hay làm mục vụ) với thế hệ sau (tức thế hệ thụ giáo hay đối tượng mục vụ), thì người trẻ có ưu thế hơn người già, vì người trẻ gần gũi với thế hệ sau hơn. Chính vì thế mà tại các giáo xứ, việc phụ trách thiếu nhi hay giới trẻ thường được ủy nhiệm cho cha phó (trẻ) hơn là để cha sở phụ trách.

Thế giới và xã hội càng ngày càng thay đổi một cách nhanh chóng, vì thế, để Phúc Âm hóa thế giới và xã hội, Giáo Hội cần thích ứng với thế giới và xã hội hơn là bắt thế giới và xã hội thích ứng với mình (tinh thần nhập thể của Ngôi Lời: Thiên Chúa đã thích ứng với con người để cứu lấy con người). Việc loan báo Tin Mừng cho người thế hệ sau – vốn có não trạng và lề lối suy nghĩ khác với thế hệ trước – đòi hỏi người loan báo phải biết cách diễn tả sứ điệp Tin Mừng sao cho phù hợp với não trạng, cách suy tư và tâm lý của người đại. Điều đó đòi hỏi một sự nhạy bén, mềm dẻo, thích ứng, và tinh thần sẵn sàng thay đổi cho phù hợp với những điều kiện tự nhiên của đối tượng được loan báo Tin Mừng. Điều này những người trẻ dễ thực hiện hơn những người lớn tuổi.

Sứ mạng của Giáo Hội là sứ mạng tiên tri, Giáo Hội phải thấy những diễn tiến của thế giới và xã hội về mọi mặt trước khi hoặc ngay khi chúng xảy ra, có thế, Giáo Hội mới có thể hướng dẫn Giáo Hội và thế giới đi theo đúng đường lối của Thiên Chúa trong thời đại mới, hoàn cảnh mới. Nếu Giáo Hội nhận định về thời cuộc quá chậm, và đưa ra những giải pháp quá trễ, thì làm sao Giáo Hội chu toàn được trách nhiệm ngôn sứ hay tiên tri của mình. Điều này đòi hỏi Giáo Hội phải rất nhậy bén đối với những vấn đề mới trong Giáo Hội, trong thế giới và xã hội. Và công việc này là sở trường của người trẻ hơn là người già. Người già có thể góp ý để đưa ra những đường lối giải quyết khôn ngoan sau khi người trẻ nhận định được tình trạng của Giáo Hội, thế giới hay xã hội.

Vì thế, Hội đồng Giám mục cần có thêm nhiều vị trẻ để Giáo Hội dễ dàng thích ứng với thời đại, thế giới và xã hội hơn. Điều này rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của Giáo Hội.

5/ Hãy ưu tiên chọn lựa người trẻ

Có nhiều tiêu chuẩn để đề cử và tuyển chọn các linh mục lên hàng giám mục, trong đó phải nói rằng tiêu chuẩn thánh thiện, thông thái và khôn ngoan thường được đặt lên hàng đầu. Thánh Bênađô nói: «Hỡi những người thánh thiện hãy làm gương để chúng tôi bắt chước! Hỡi những người thông thái, xin hãy dạy dỗ chúng ta! Hỡi những người khôn ngoan, xin hãy lãnh đạo chúng tôi!». Và điều đó quả là hết sức hợp lý.

Nhưng thiết tưởng rằng thế hệ nào cũng đều có những người thánh thiện và khôn ngoan của thế hệ đó, có điều là những người xứng đáng thuộc thế hệ trước thì dễ nhận ra hơn thuộc thế hệ sau, vì họ có một thời gian lâu hơn để được nhận biết. Sự thánh thiện, khôn ngoan, thông thái và tài năng nơi những người trẻ có thể là chưa được nhận biết, hay còn ở dạng tiềm năng chưa có điều kiện tỏ lộ ra. Tuy nhiên, những bậc bề trên trong Giáo Hội cần có con mắt tinh đời hơn để nhận ra những «viên ngọc còn ẩn trong đá» này. Có nhìn ra như vậy thì mới có lợi. Chờ khi sự việc đã quá rõ ràng mới nhận ra, thì thường đã muộn, vì không còn khả năng để có được «viên ngọc» ấy.

Vậy, khi đề cử và tuyển chọn những linh mục xứng đáng lên hàng giám mục, ta nên vì tương lai lâu dài của Giáo Hội mà ưu tiên chọn các linh mục trẻ, mặc dù cứ theo sự thường thì người ta dành ưu tiên cho những người lớn tuổi, đáng kính hơn (2*). Tuy nhiên, chúng ta không nên quên một tiêu chuẩn tuy có vẻ không quan trọng nhưng rất thực tế và căn bản, mà không có nó thì nhiều tiêu chuẩn khác không thể thực hiện được. Đó là khả năng tồn tại và phục vụ lâu dài, nói cụ thể hơn là có sức khỏe và còn khả năng sống lâu dài. Điều này thì dễ tìm thấy nơi những con người trẻ tuổi. Tâm lý hay sự khôn ngoan của người mua đồ thường là ưa đồ bền hơn đồ đẹp. Nếu đẹp, tiện lợi mà không bền thì không bằng đẹp và tiện lợi vừa phải nhưng mà dùng được lâu bền.

Giáo Hội cấp quốc gia, cấp giáo phận thường phải có những kế hoạch lâu dài: 20 năm,30 năm,50 năm. Những kế hoạch này làm sao thực hiện được một cách hữu hiệu với những người chỉ có thể làm việc được khoảng 10 năm,20 năm?

6/ Những khó khăn khi tuyển chọn các giám mục trẻ

Việc chọn những linh mục trẻ xứng đáng lên làm giám mục quả là điều hợp lý, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Nhưng có thể có một số khó khăn và bất lợi khi làm điều đó. Chẳng hạn:

1. Các linh mục trẻ thì chưa đủ kinh nghiệm và khôn ngoan, còn non người trẻ dạ, thậm chí có thể sa ngã hoặc «xuất ngũ» (như đã từng thấy bên Âu châu).

Trả lời: Thật ra, các linh mục lớn tuổi mà chưa làm giám mục thì cũng chẳng có nhiều kinh nghiệm về việc điều hành một giáo phận, hay làm việc chung với các giám mục khác hơn một linh mục trẻ bao nhiêu. Kinh nghiệm và sự khôn ngoan được thành hình tốt nhất chính khi người ta sống hay thực hiện điều gì: «On devient un forgeron en forgeant» (cứ lấy sắt ra rèn, người ta sẽ thành thợ rèn). Những vị linh mục trẻ nhưng tài đức có thể tập sự để trở thành những giám mục tài ba bằng cách thực tập chức vụ giám mục trong những năm đầu của chức vụ giám mục. . Người có bản chất thánh thiện khôn ngoan, thì chỉ cần một thời gian ngắn để tập sự, cũng có thể làm việc tốt hơn người đã từng có kinh nghiệm nhiều năm, nhưng kém thánh thiện và khôn ngoan. Người có khả năng thích ứng sẽ biết tùy cơ ứng biến hơn người chỉ biết dựa trên những nguyên tắc khôn ngoan cứng ngắc. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này khi nói về phương pháp «thái thượng hoàng» của các vị vua Việt Nam thời xưa. Điều quan trọng là chọn đúng người thánh thiện, khôn ngoan, tài đức, chứ không phải là chọn người lớn tuổi.

Còn e rằng các giám mục trẻ có thể sa ngã, «xuất ngũ», thì quả là quá thận trọng. Điều quan trọng là nhận ra bản chất của mỗi người khi tiến cử hay lựa chọn. Vả lại, cũng nên áp dụng nguyên tắc này của Raoult Follereau: «Thiên Chúa thích những bàn tay tuy hơi dơ bẩn nhưng có đầy quà dâng lên Ngài, hơn là những bàn tay trắng tinh mà không có gì». Có lẽ Thiên Chúa thích những người làm được nhiều việc cho Ngài tuy dù đôi lúc có làm sai trái, hơn là những người chẳng làm được gì mặc dù họ chẳng sai trái điều gì bao giờ.

2. Các giám mục trẻ có thể sẽ không được các linh mục trong giáo phận nể phục, vì chỉ đáng tuổi con cháu, vì chưa «thâm niên công vụ».

Trả lời: Tinh thần này không phải là tinh thần chung, không có tính giáo hội và xã hội. Trong xã hội, một vị vua hay một vị tổng thống có thể rất trẻ tuổi mà vẫn có thể điều hành những vị thượng thư hay bộ trưởng lớn tuổi hơn một cách tốt đẹp. Các tổng thống tài ba đâu có lớn tuổi hơn các vị bộ trưởng mà vẫn được những vị này kính trọng và tuân phục. Trong lịch sử Giáo Hội, vị giám mục đâu nhất thiết phải là người lớn tuổi hơn các linh mục trong giáo phận, cũng như vị giáo hoàng đâu phải lúc nào cũng phải nhiều tuổi mới được các hồng y bộ trưởng kính phục. Trong giáo xứ, cha sở đâu nhất thiết phải lớn tuổi mới có thể hướng dẫn tâm linh cho những người già cả.

3. Trong giáo phận, có nhiều linh mục xứng đáng hơn, thánh thiện, đạo đức, khôn ngoan, thông thái hơn. Những vị này được các linh mục các giáo dân trong giáo phận tín nhiệm hơn. Không đưa những vị này lên mà lại đưa các linh mục trẻ thì không hợp lý.

Trả lời: Chúng ta cần nhắm đến tương lai của Giáo Hội hơn, hay phải nhắm thỏa mãn những đòi hỏi của sự hợp lý thường tình? Chúng ta có trách nhiệm đối với Giáo Hội hay đối với những linh mục xứng đáng nhưng lớn tuổi ấy? Tương lai lâu dài của Giáo Hội đòi hỏi phải bổ xung thêm số giám mục trẻ, năng động – là thành phần theo thời gian sẽ bị thiếu hụt đi trong Hội Đồng Giám mục – để Giáo Hội phát triển mạnh và mang tính dấn thân hơn.

7/ Phương pháp «Thái Thượng Hoàng»

Nhiều vị vua của ta ngày xưa (thời Trần, Lê, Mạc, Hồ, v.v…) đã nhường ngôi cho con ngay khi các thái tử tạm đủ tư cách thay thế mình giải quyết mọi việc, còn mình thì đứng đằng sau hướng dẫn, cố vấn, làm «thái thượng hoàng». Thời gian đầu, các vị vua trẻ được thực tập làm vua ngay trong chức vụ của mình. Nếu có gì sai trái, lầm lỗi, thất sách, thì đã có Thái Thượng Hoàng ở đằng sau sửa chữa, khiển trách. Nhờ vậy, chỉ một thời gian sau, vị vua đã quen việc, làm việc có nề nếp, và trở thành một vị minh quân, thì lúc đó Thái Thượng Hoàng sẽ hoàn toàn rút lui để vị vua đã trưởng thành toàn quyền hành động. Không có thời gian tập sự này, các vị vua sẽ bối rối khi lên nhậm chức, có thể phạm nhiều lầm lỗi, và những lầm lỗi này nhiều khi không sửa được vì không ai dám sửa.

Đây quả là một chính sách khôn ngoan. Làm vua, đứng đầu cả một nước cai trị muôn dân là một việc hết sức quan trọng. Bình thường, làm việc gì quan trọng và khó khăn cũng đều phải học tập mới làm tốt được. Mà việc nước, việc của một ông vua là việc quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất, nên các vị vua tương lai cũng rất cần phải học tập. Nhiều việc có thể thực tập được khi chưa được chính thức giao việc. Nhưng có những việc chỉ thực tập được khi người ta chính thức làm việc đó, chẳng hạn làm vua, làm giám mục…

Tại nhiều nước đang phát triển mạnh, các chủ công ty, xí nghiệp, thậm chí các bộ trưởng… đa số thuộc giới trẻ (25-40 tuổi) rất năng nổ hoạt động. Người ta không sợ họ đi quá lố vì đằng sau những người trẻ năng động ấy còn có cha mẹ hay bậc thầy của họ – vốn đã từng giữ những chức vụ ấy – cố vấn, chỉ đạo và hỗ trợ họ. Nhờ vậy, đất nước của họ tiến bộ rất mau.

Riêng tôi có quen một linh mục đã áp dụng phương pháp này đối với cha phó (xin dấu tên, do chưa hỏi ý kiến về việc đăng tên trên báo, vì linh mục này hiện đang chu du ở ngoại quốc). Từ khi có cha phó rất trẻ, linh mục này đã từ từ tập cho cha phó làm tất cả và đảm trách tất cả những chức vụ không những của cha phó mà của cả cha sở nữa. Đương nhiên khi cha phó làm mọi việc, thì cha sở đứng đằng sau chân thành góp ý, phê bình trong yêu thương để cha phó ngày càng làm những việc ấy hoàn chỉnh hơn. Từ đó, tuy mang danh là cha sở, nhưng rất nhiều công việc của cha sở thì cha phó làm, còn ngài thì lại làm những công việc của cha phó. Cha phó được cha sở tín nhiệm và yêu thương, nên làm việc và cố gắng hết mình. Nhờ vậy, cha phó, mặc dù còn rất trẻ, càng ngày càng trở nên một linh mục tốt, thánh thiện (như cha sở), và có thể lãnh đạo giáo xứ một cách phải nói là thiện nghệ. Tình cảm tốt đẹp giữa hai cha thật gương mẫu.

Còn cha sở thì nhờ vậy mà nhàn nhã hơn, mặc dù làm cha sở một họ đạo rất lớn. Tôi nghĩ rằng ngài sẽ sống lâu hơn nhờ biết trao những công việc quan trọng cho cha phó. Mà cha phó chắc chắn cũng hài lòng vì được tín nhiệm và vì có cơ hội phát triển khả năng đến như thế. Thì giờ rảnh, cha sở dùng để làm những việc khác hữu ích cho Giáo Hội hơn mà bình thường cha không có thì giờ để làm: chăm lo đào tạo linh mục tu sĩ tương lai, và nhất là đào tạo giáo dân, một công việc mà ngài ưu tư từ nhiều năm, ngoài ra còn dịch sách… Khi cần phải đi xa lâu ngày như hiện nay, ngài cảm thấy rất an tâm về công việc của xứ đạo, vì đã có cha phó ở nhà có thể đảm đang được tất cả. Nhờ vậy, việc đi xa của ngài dễ đạt được hiệu quả tốt đẹp vì không bị phân tâm chuyện ở nhà. Dưới mắt tôi, ngài thật là một cha sở thánh thiện, gương mẫu, khôn ngoan và rất có tinh thần giáo hội!

Để Giáo Hội tồn tại và phát triển tốt đẹp, Giáo Hội cũng có thể áp dụng một phương pháp tương tự như vậy. Áp dụng phương pháp này, Giáo Hội không sợ những giám mục quá trẻ sẽ phạm những lầm lỗi do thiếu kinh nghiệm trong chức vụ. Theo phương pháp này, các vị giám mục lớn tuổi có thể sớm giao nhiều trọng trách cho các giám mục trẻ cho dẫu chính mình có thể làm việc đó một cách tốt đẹp hơn rất nhiều. Lúc đó các ngài nên đứng sau để hướng dẫn, giúp đỡ, góp ý để các giám mục trẻ thực tập làm những công việc đó một cách hiệu quả.

Dám giao những trọng trách cho các giám mục trẻ đồng thời quan tâm tích cực giúp các ngài thực hiện tốt các trách nhiệm đó, sẽ gia tăng khả năng làm việc và lãnh đạo của các ngài hơn. Và cũng có thể các giám mục lớn tuổi sẽ được bớt trách nhiệm đi, nhờ đó sống thọ hơn, mạnh khỏe hơn, thời gian để phục vụ Giáo Hội sẽ tăng lên. Nếu để tới lúc mình không còn làm được gì nữa mới trao trách nhiệm cho các vị trẻ, thì các vị trẻ vì chưa quen làm những việc quan trọng đó nên có thể sẽ gặp khó khăn hoặc mắc phải những lầm lỗi làm mất uy tín của mình.

Kết luận

Giáo Hội Việt Nam hiện nay có thể bị mang tiếng là hậu tiến chẳng những khi so với các Giáo Hội Tây Phương, mà cả khi so với các Giáo Hội Đông Phương nữa. Chẳng hạn:

– về mặt thần học, con số các nhà thần học tại Việt Nam rất ít ỏi, đang khi các nước Á châu khác có tỉ lệ người Công giáo ít hơn lại có nhiều nhà thần học hơn. Chẳng hạn tại Ấn độ, Triều Tiên, Nhật Bản, v.v…

– về tinh thần hội nhập văn hóa, Giáo Hội Việt Nam dường như chưa hình thành được một nền thần học địa phương có bản sắc rõ ràng như quyết nghị 13 của các Giám Mục Á châu họp tại Manila (Philippines) đã 30 năm nay, để diễn tả sứ điệp Kitô giáo một cách thích ứng với nền văn hóa Việt Nam hơn.

– về khả năng góp phần xây dựng Giáo Hội của người giáo dân còn rất hạn chế, mặc dù Đức Gioan-Phaolô II đã tuyên bố thế kỷ 21 là thế kỷ của giáo dân. Giáo dân Việt Nam chưa được đào tạo đúng mức vì chưa được Giáo Hội Việt Nam quan tâm đủ về vấn đề này…

– v.v…

Giáo Hội Việt Nam còn biết bao nhiêu việc phải làm, phải thực hiện để tồn tại và phát triển một cách tốt đẹp, để theo kịp các Giáo Hội Công giáo địa phương bạn… điều đó đòi hỏi Hội đồng Giám mục Việt Nam phải có rất nhiều năng lực để thúc đẩy tiến hành mọi công việc. Vì thế, Hội đồng Giám mục cần có thêm nhiều giam mục trẻ, hăng hái, năng động nhiều hơn nữa. Rất mong những vị hữu trách trong Giáo Hội Việt Nam quan tâm hơn đến mặt này, và hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều giám mục Việt Nam đầy đủ tài đức được phong chức khi còn trẻ khoảng 38,39 tuổi như đã từng có trước đây tại Việt Nam, để Giáo Hội Việt Nam có thể «tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc» trong thế giới và Giáo Hội toàn cầu.

Nguyễn Chính Kết
(12-10-1999)

________________________________

Chú Thích:

(1*) Tài liệu chủ yếu lấy trong cuốn Niên Giám Giáo Phận TP. Hồ chí Minh, do nhà xuất bản TP. Hồ chí Minh xuất bản năm 1998, trang 15-18, và các số báo CGvDT mới đây viết về các tân giám mục.

(2*) Một thói quen rất hợp lý trong Giáo Hội là khi phải biểu quyết tuyển chọn giữa nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau, hay cùng đạt được những tiêu chuẩn để chọn lựa ngang nhau, thì nên ưu tiên chọn người phục vụ thâm niên hơn, rồi sau đó tới tuổi tác cao hơn. Thói quen này rất tốt khi tuyển chọn những người đảm nhiệm những chức vụ có nhiệm kỳ rõ rệt, nhưng không hẳn đã tốt khi tuyển chọn người vào những chức vụ vĩnh viễn, suốt đời.



TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN



______________________________________________________