30.7.08

Hội nhập văn hóa tại Việt Nam

NGUYỄN CHÍNH KẾT

Kitô giáo bắt đầu được truyền vào Việt Nam từ giữa thế kỷ XVI, tới nay đã được 450 năm. Các thừa sai đã đến Việt Nam từ năm 1533, nhưng công cuộc truyền giáo chỉ trở nên qui mô từ khi có sự tiếp tay của các giáo sĩ dòng Tên từ năm 1615. Các giáo sĩ dòng Tên tuy chỉ truyền giáo tại Việt Nam trong vòng 50 năm, nhưng việc truyền giáo của họ có qui mô, đường lối, có tổ chức và hệ thống, nên kết quả rất tốt đẹp. Đặc biệt từ khi A-lịch-sơn Đắc-Lộ và Pierre Marquez đến Việt Nam năm 1627, công việc truyền giáo trở nên khởi sắc hẳn.

Khi truyền giáo tại Việt Nam, nhiều thừa sai - nhất là các thừa sai dòng Tên - đã có những nỗ lực thích nghi một cách mềm dẻo và hội nhập văn hóa trong xã hội Việt Nam. Khuôn mặt thừa sai nổi bật nhất về khả năng thích ứng và hội nhập văn hóa ở Việt Nam là linh mục Alexandre de Rhodes (phiên âm tiếng Việt là A-lịch-sơn Đắc-Lộ, để tên của cha trở nên thân thiện hơn, từ đây, trong tập này, chúng tôi sẽ gọi ngài là cha Đắc-Lộ)(1). Nhưng rất tiếc là cha Đắc-Lộ bị trục xuất quá sớm (năm 1645) cũng như các giáo sĩ dòng Tên khác (năm 1663) khiến việc truyền giáo tại Việt Nam mất đi nhiều năng lực và tính hữu hiệu.


Cha A-lịch-sơn Đắc-Lộ

Tinh thần thích ứng và hội nhập văn hóa

Linh mục A-lịch-sơn Đắc-Lộ là một thừa sai dòng Tên. Cha cùng với linh mục Pierre Marquez đến Việt Nam ngày 19-3-1627 tại cửa Bạng (Thanh Hóa) đánh dấu thời kỳ tốt đẹp nhất của công cuộc truyền giáo tại đây.

Học và nói thông thạo tiếng Việt

Thực ra trước đó cha đã đến Việt Nam để học tiếng Việt tại Đàng Trong trong một năm rưỡi, từ tháng 12-1624 đến tháng 6-1626 (2). Cha chủ trương: để hội nhập vào xã hội Việt Nam, cần phải nói thông thạo tiếng Việt. Vì thế, đối với tiếng Việt, cha đã «học chăm chỉ như khi học thần học ở Rôma» (3). Nhờ thông thạo tiếng Việt, cha đã tiếp cận dễ dàng với mọi tầng lớp xã hội, trực tiếp rao giảng Lời Chúa cho người nghe bằng tiếng mẹ đẻ của họ, soạn thảo những cuốn sách rất có giá trị bằng tiếng Việt.

Cha Đắc-Lộ là người dám nghĩ dám làm, rất nhiệt thành và năng nổ. Tuy là một giáo sĩ của một nước văn minh tại Âu Châu, nhưng cha luôn luôn tôn trọng văn hóa của các dân tộc, và để truyền giáo cho có hiệu quả, cha chủ trương chính mình phải thích ứng với họ, chứ không nên áp đặt một chiều, bắt họ phải thích ứng với mình. Vì thế, cha luôn luôn tỏ ra tôn trọng các phong tục địa phương.

Hòa mình theo tập tục của người Việt

Trước khi đến Việt Nam, cha đã từng phản đối việc bắt những tân tòng người Ấn Độ phải bỏ y phục dân tộc của mình để mặc lấy bộ áo Tây Phương, và chống lại việc cưỡng ép người Trung Hoa khi gia nhập đạo Công giáo phải cắt tóc ngắn trái với tập tục của họ thời đó (4).0 Vì thế, khi tới Việt Nam, để hòa nhập vào xã hội người Việt, cha luôn luôn ăn mặc như người Việt: áo thụng, quần ta, tóc dài (5).

Theo gương cha Buzomi và Pina, cha Đắc-Lộ chấp thuận để dân chúng gọi mình bằng Thầy (6), để giữ khuôn khổ Quân, Sư, Phụ của xã hội Việt. Đối với vua quan Việt Nam, Cha tự coi mình như một người dân trong nước, luôn luôn tuân theo những nghi thức lễ nghĩa của người Việt đặc biệt trong cách xưng hô, bái lạy, chào hỏi… (7) Cũng như cha Matteo tại Trung Hoa, cha Đắc-Lộ lưu tâm tới việc tiếp xúc với những người trí thức trong xã hội (nho sĩ, quan lại…), và để tạo cơ hội gần gũi họ, cha đã tận dụng những kiến thức khoa học của mình để nói chuyện với họ, đặc biệt về thiên văn học (8).


Danh từ để chỉ Thiên Chúa: «Đức Chúa Trời»

Tại Trung Hoa và Nhật Bản

Để chỉ về Thiên Chúa, tại Nhật Bản, thánh Phanxicô Xavier không dám dùng một danh từ Nhật Bản với nghĩa tương đương, e có sự sai lạc, mà chỉ phiên âm danh từ Deus của tiếng Latinh sang từ Nhật là Deusu. Còn tại Trung Hoa, cha Matteo Ricci dùng từ Thiên Chủ, nghĩa là chủ của Trời. Thực ra, chữ Thiên của Trung Hoa vừa có nghĩa là trời vật chất, vừa có nghĩa là nguyên lý tối cao chi phối tất cả mọi sự, và cũng có nghĩa là Ông Trời. Nhưng dùng chữ Thiên có thể gây hiểu lầm vì nó có hai ba nghĩa. Dùng chữ Thiên Chủ, cha Matteo có ý nói Kitô giáo không thờ trời, mà thờ Chủ của trời. Nghĩa như thế chính xác hơn.

Tại Việt Nam

Còn tại Việt Nam, trước khi cha Đắc-Lộ tới, cha Buzomi, một thừa sai người Ý, đã dùng những danh từ như: Thượng Đế, Thiên Chủ, Thiên Chủ Thượng Đế, Ngọc Hoàng. Về sau, cha Buzomi đã ngả về danh từ Thiên Chủ của cha Matteo Ricci và bỏ những danh từ kia.

Nhưng tới khi cha Đắc-Lộ tới, cha đã sáng chế ra một từ hoàn toàn mới, và cũng hoàn toàn nôm, khời đầu là «đức Chúa trời đất» (9), về sau giản lược lại thành «đức Chúa trời» (10). Xin lưu ý: trong ba chữ này, cha Đắc-Lộ chỉ viết hoa chữ Chúa, còn hai chữ kia viết thường, nghĩa là trong cụm từ đó, chữ Chúa là chính, ý muốn nói: Chúa của trời, chứ không phải trời, tương tự như chủ nhà chứ không phải nhà.

Giải thích danh từ «đức Chúa trời»

Cha đã giải thích ba chữ này trong cuốn tự điển Việt-Bồ-La, do cha biên soạn, như sau:

1. Đức: tiếng chỉ chức vị cao trọng, người ta nói đức vua, đức Chúa, đức ông dành cho các hoàng tử và tướng lãnh ở Đàng Ngoài, còn ở Đàng Trong, tiếng này dành cho nhà chúa. Đức bà chỉ vợ nhà vua nhà chúa, hoặc cung phi của vua của chúa. Chúa Bà là chính phi của nhà vua nhà chúa; cũng dùng đức chúa bà. Người già cả có chức vị lớn thì gọi là đức lão.

2. Chúa (Dominus), đức Chúa trời đất, tên xưng Thiên Chúa nơi người Đàng Ngoài. Chúa cũng là tên gọi vị cai quản toàn cõi đất nước này.

3. Thiên, Trời (caelum, i) ; Thiên địa, trời đất (caelum et terra) ; Thiên Chủ, Chúa trời (caeli Dominus), tốt hơn thì nói Thiên Chúa, Chúa trời.

Tại Việt Nam, thời cha Đắc-Lộ đến, tức thế kỷ 17, trong triều đình vừa có vua vừa có chúa. Vua ở đây là vua Lê ở Đàng Ngoài, chỉ có hư vị chứ không có thực quyền. Còn chúa ở đây là chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, và chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Trong bối cảnh lịch sử này, trên danh nghĩa thì vua lớn hơn Chúa, nhưng trong thực tế thì chúa lớn quyền hơn vua. Vì thế, vào lúc đó, dùng đức Vua trời không thực tế bằng đức Chúa trời. Vả lại, chúa có nghĩa là chủ (11), nên cụm từ đức Chúa trời hoàn toàn đồng nghĩa với từ Thiên Chủ của cha Matteo Ricci.

Tđức Chúa trời có tính cách trang trọng và dài. Theo nhu cầu của ngôn ngữ, người ta thường có khuynh hướng nói vắn tắt đi, nhất là trong những trường hợp dùng như một đại từ. Vì thế, ngay trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày, cha Đắc-Lộ đã dùng những hình thức giản lược của cụm từ này: từ đức Chúa trời đến đức Chúa, hay Chúa trời, và cuối cùng chỉ còn vỏn vẹn một chữ Chúa (12).

Một số ý niệm trong Kitô giáo

Trong số những khái niệm của Kitô giáo, có những khái niệm:

· được diễn tả bằng những từ tiếng Việt hoàn toàn mới: như thiên thần, linh hồn, thiên đàng, hỏa ngục, tội tổ tông, rửa tội, xức trán, thầy cả, kẻ giảng, v.v…

· được diễn tả bằng những từ tiếng Việt đã có sẵn, nhưng nay được hiểu theo nghĩa mới của đạo: như sinh thì, địa ngục, ma quỉ, tội lỗi, v.v…

· không dịch hay chưa tìm được từ tương ứng trong tiếng Việt, nên phải tạm dùng từ của Tây Phương được phiên âm theo tiếng Việt - trong đó có những tên riêng - như (13):

Tiếng Việt xưa

Gốc

Chữ gốc

Tiếng Việt nay

Con-tri-song

Bồ

Contrição

Ăn năn tội

A-tri-song

-

Atrição

Sám hối

Com-mu-nhong

-

Communhão

Rước lễ

Vít-vồ

-

Bispo

Đức cha

Ga-ra-xa

-

Graça

Ân sủng

Câu-rút

-

Crux

Thánh giá

Giu-se

-

Jose

Giuse

Đô-minh

-

Domingos

Đaminh

Giu-ong

-

João

Gioan

I-sa-ve

-

Isabel

Êlisabét

(lễ) Săng-ti

Latinh

Sancti

(lễ) Mình Máu Chúa

Ca-tô-li-ca

-

Catholica

Công giáo

Khi-ri-xi-tô

-

Christo

Chúa Kitô


Một số hình thức thích ứng và hội nhập văn hóa khác

Đưa nghệ thuật dân gian vào tôn giáo

Người Việt Nam rất thích thi ca, họ thường đối đáp nhau bằng những vần thơ sáng tác tại chỗ… Và đối với người bình dân, những vần thơ luôn luôn được truyền khẩu và ghi nhớ dễ dàng hơn văn xuôi. Cha Đắc-Lộ rất hiểu giá trị và tác dụng của thi ca, vè, vãn đối với dân chúng Việt Nam, nên đã cha khuyến khích bà Catarina thuộc hoàng tộc (14) trước tác ca vãn về giáo lý, về cuộc đời Chúa Giêsu.

Lối hát ả đào, hát chèo cũng là những hình thức văn nghệ mà người Việt Nam ưa thích. Vì thế, Cha là người sáng kiến ra việc áp dụng lối hát ả đào, hát chèo và múa cung đình vào việc ngắm đứng, dâng hoa… Nhờ đó, những sinh hoạt phụng vụ trở nên hấp dẫn, vui tươi, lôi kéo được nhiều người đến với Chúa.

Tổ chức các lễ hội công giáo

Trước đây, trong các làng xã, tại các ngôi đình, người ta thường tổ chức những lễ hội, với những sinh hoạt vui chơi giải trí, rước kiệu các vị Thành Hoàng. Cha Đắc-Lộ cũng cho tổ chức những lễ hội, đình đám vào những dịp mừng lễ lớn trong Kitô giáo, và tổ chức những buổi rước kiệu Thánh Thể, rước tượng Chúa hay Đức Mẹ… Người Kitô hữu Việt Nam rất thích những cuộc rước kiệu như thế.

Trong các hội hè đình đám thuộc các lễ hội dân tộc, người ta thường tổ chức những cuộc vui chơi giúp quần chúng có dịp giải trí sau những ngày làm lụng mệt mỏi. Trong đó có những cuộc thi đua để tuyển nhân tài: đấu đô vật, thi ca hát, làm thơ, nấu cơm thi, chạy đua, thi bắn tên, v.v… Cha Đắc-Lộ cũng cho tổ chức những cuộc thi tuyển nhân tài vào những dịp lễ lớn như Giáng Sinh và Phục Sinh: thi kinh, thi bổn, thi lẽ đạo, thi ngắm đứng, thi ca hát, v.v… Giới nào thi với giới đó: người già với người già, thanh niên với thanh niên, trẻ em với trẻ em… Nhờ vậy, mọi giới đều được khuyến khích học hỏi, đào sâu giáo lý, lẽ đạo… một cách rất hữu hiệu và đầy hứng khởi.

Thích nghi trong việc cử hành bí tích Rửa tội

· Về mô thức: Để những người lãnh nhận bí tích và những người tham dự nghi thức rửa tội lãnh nhận hoặc tham dự một cách tích cực và ý thức hơn, nên từ năm 1645, các thừa sai muốn dùng mô thức bằng tiếng Việt. Nhưng phải chọn công thức nào cho đúng và thích hợp?

Khởi đầu, cha Saccano và Đắc-Lộ đề nghị công thức: «Tau rữa mầi, nhân nhít danh Cha, nhít danh Con, và nhít danh Su-phi-ri-tô Săng-tô. Amen»

Nhưng trong 35 vị tham dự hội nghị ở Macao bàn về vấn đề này, có 31 vị không đồng ý với cha Saccanô và Đắc-Lộ. Họ ủng hộ công thức: «Tau rữa mầi, nhân danh Cha, và Con, và Su-phi-ri-tô Săng-tô. Amen». Có hai vị bỏ phiếu trắng. Năm 1648, cha Marini tham khảo ý kiến 14 bổn đạo Việt Nam ở Đàng Ngoài, họ cho rằng công thức sau đúng hơn.

· Về nghi thức: Cha Chevreuil (tới Hội An năm 1664) có ghi nhận là các cha dòng Tên tại Việt Nam bấy giờ không hoàn toàn làm theo nghi thức rửa tội của Rôma lúc bấy giờ, vì có nhiều điều không thích hợp với hoàn cảnh hay tâm tính của người Việt Nam. Chẳng hạn các cha bỏ muối vào bàn tay người được rửa tội chứ không bỏ vào miệng, không dùng nước miếng của mình để xức vào người được rửa tội, không xức dầu trên ngực của phụ nữ… và bỏ đi nhiều lời nguyện không thích hợp (15). Sự việc này còn bị đưa ra tranh luận dài dòng giữa các dòng thừa sai cho đến năm 1742 Giáo Hội mới chấm dứt những tranh chấp ấy.

Thích nghi trong Mùa Chay và Tuần Thánh

Tuần Thánh là tâm điểm của phụng vụ Kitô giáo. Để in sâu mầu nhiệm vượt qua vào tâm hồn các Kitô hữu Việt Nam, để giúp họ sống mầu nhiệm này, các thừa sai đã tổ chức nhiều hình thái khác nhau phù hợp với tâm hồn người Việt Nam: chẳng hạn tổ chức đóng kịch về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, tổ chức đám tang cho Chúa Giêsu (nhất là tại Bùi Chu, Bắc Ninh). Việc khóc mướn trong các đám tang được thay thế bằng những kinh ngắm với giọng điệu ngân nga biểu lộ tình cảm buồn thương.

Một thích nghi lớn lao trong Mùa Chay và Tuần Thánh là việc ngắm đứng về những sự thương khó của Chúa Giêsu. Việc ngắm đứng một phần nào chịu ảnh hưởng lối hát cô đầu, một lối hát Việt Nam thuần túy: một cô hát, một người cầm trịch, người đánh trống chầu… Nhờ vậy, sự hiểu biết và cảm thông với những đau khổ của Chúa Kitô đi sâu vào lòng người giáo dân một cách ngọt ngào, sâu xa.

Thích ứng trong mục vụ

· «Thầy giảng», «Nhà Đức Chúa Trời»: Để thích ứng với tình hình khó khăn thời đó, cha Đắc-Lộ đã thiết lập đoàn «thầy giảng», là những người giáo dân được huấn luyện để trợ lực hàng giáo sĩ trong các công việc mục vụ, tông đồ, như dạy giáo lý tân tòng, quản trị tài sản cộng đoàn, và có thể thay thế các giáo sĩ khi các ngài bị trục xuất. Về sau, để tiếp nối sáng kiến của cha Đắc-Lộ, các giáo sĩ dòng Tên lập nên «Nhà Đức Chúa Trời» để tuyển chọn và huấn luyện các «thầy giảng» trong khi chờ đợi có hàng giáo sĩ bản quốc.

· «Dòng Mến Thánh Giá»: Tới năm 1668, các giám mục đã bắt đầu thành lập hàng giáo sĩ bản quốc (16). Năm 1670, các ngài còn thiết lập «Dòng Mến Thánh Giá» cho các phụ nữ bản xứ sống đời tận hiến để các chị trợ lực với hàng giáo sĩ công việc mục vụ và tông đồ (17).

· «Hội Đồng Quí Chức»: Tại các họ đạo, để tiếp tay với các thầy cả và thầy giảng, còn có cả một hệ thống giáo dân được gọi là «Hội Đồng Quí Chức», gồm ông chánh trương, ông câu, ông trùm, ông biện, v.v…

Ngoài việc cộng tác với các thừa sai hay thầy cả điều hành họ đạo, họ còn là những người tìm đủ mọi cách để bao bọc, che dấu, bảo toàn các thừa sai, các thầy cả trong thời Giáo Hội bị bách hại, cấm cách. Họ cũng là những người lo thăm viếng, tiếp tế lương thực, tìm cách giải cứu các thừa sai, thầy cả hay những giáo hữu bị bắt vì đạo, phải sống cảnh tù đày, bị phân sáp. Họ luôn luôn tìm cách củng cố niềm tin của các Kitô hữu trong mọi tình huống khó khăn nhất.

Việc trình bày giáo lý

Kitô giáo tuy phát xuất từ Á Châu, nhưng được khai triển tại Âu Châu, nên cách diễn tả sứ điệp Kitô giáo, hay cách trình bày giáo lý Kitô giáo phải dùng tới rất nhiều khái niệm triết học của Tây Phương, mà rất tiếc những khái niệm ấy đôi khi xa lạ với người Á Châu. Vì thế, các thừa sai tại Việt Nam đã cố gắng đi từ những quan niệm đang có của người Việt để dẫn người ta đến một điểm nào đó trong giáo lý Kitô giáo. Sau đây là một vài thí dụ cụ thể.

Thần học Tam Phụ

Người Việt Nam đặt rất nặng chữ «hiếu» và chữ «trung» (18). Nhưng chữ hiếu ấy chỉ nhắm vào một đối tượng cụ thể và duy nhất là cha mẹ, người sinh thành ra ta. Còn chữ «trung» là thái độ phải có đối với vua. Lợi dụng tinh thần trung và hiếu đó, Cha Đắc-Lộ đưa ra Thần học Tam Phụ để giới thiệu thêm cho người Việt Nam một người cha mà họ lãng quên hay không biết tới, đó là Cha trên trời, Đấng sinh thành ra tất cả vũ trụ vạn vật, mà Đức Giêsu Kitô dạy ta gọi Ngài là Cha.

Ngoài ra, thần học Tam Phụ còn giúp người Việt hệ thống hóa ba tương quan chính yếu của một người sống trong vũ trụ, trong một đất nước và trong một gia đình, từ đó suy ra bổn phận đối với người làm chủ vũ trụ, đất nước và gia đình. Đó là ba người cha ở ba cấp độ khác nhau mà người ta không thể bỏ qua được.

Trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày, Cha Đắc-Lộ viết: «Bây giờ, ta phải hay có ba đấng bề trên là ba cha, ta phải thờ ở đấng nào cho nên đấng ấy. Đấng dưới là cha mẹ sinh ra thân xác cho ta, đấng giữa là vua chúa trị nước, đấng trên là đức Chúa trời đất, làm chúa thật trên hết mọi sự. Có ba đấng này ta mơí được sống được ở» (19).

Lợi dụng những quan niệm có sẵn

Cha Đắc-Lộ đã đi từ những tục ngữ, những bài đồng ca, hay những câu ca dao thường nằm trên môi trên miệng của người Việt để dẫn người ta đến với Thiên Chúa, hay đến với một chân lý Kitô giáo. Sau đây là một vài thí dụ.

Bài đồng dao: «Lạy trời mưa xuống»

Người Việt có bài đồng dao: «Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, v.v…». Chữ «trời» trong bài này là một ý niệm mơ hồ, có thể hiểu nhiều nghĩa. Lợi dụng đề tài này, cha Đắc-Lộ dẫn người ta đến với Chúa trời. Trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày, cha viết: «Khi thế gian nói rằng: «Lạy Trời» thì thiếu một chữ «Chúa», vì vậy phải thêm đơm chữ ấy mà từ rày về sau nói làm vậy: «Tôi lạy đức Chúa trời là Chúa cả trên hết mọi sự» (20).

«Sinh ký tử qui», «quê cha đất tổ»

Cha dùng câu «sinh ký tử qui» (sống là gửi, chết là về) để giới thiệu về sự sống vĩnh cửu đời sau. Người Á Đông quan niệm rằng cuộc sống ngắn ngủi này chỉ là tạm bợ, và cuộc sống sau khi chết mới là cuộc sống thật, đó cũng chính là quan niệm của Kitô giáo. Đa số người Việt đều chấp nhận câu «sinh ký tử qui», nên cũng sẵn sàng chấp nhận quan niệm Kitô giáo về hạnh phúc mai hậu.

Trong tiếng Việt có thành ngữ «quê cha đất tổ», Cha Đắc-Lộ đã lợi dụng tinh thần yêu quê hương, mong được sống tại «quê cha đất tổ» của người Việt để nói về quê hương đích thực trên trời…

Các từ ngữ «phần rỗi», «cứu rỗi», «rỗi linh hồn»…

Người Việt Nam ta đa số phải làm lụng rất vất vả mới đủ sống. Vì thế, niềm hạnh phúc lớn nhất mà người ta có thể cụ thể hóa ra, cũng là niềm mơ ước chung của mọi người là được nhàn rỗi để có thể vui vẻ bên nhau (21). Vì thế, Cha Đắc-Lộ đã dùng sự nhàn rỗi và vui vẻ để mô tả cảnh hạnh phúc cực lạc của thiên đàng. Trong sách giáo lý cổ, câu khởi đầu là:

H. Phải làm gì cho được thanh nhàn vui vẻ vô cùng?

T. Phải giữ đạo thánh đức Chúa trời.

Và từ đó phát sinh ra từ phần rỗi, cứu rỗi, rỗi linh hồn… Chữ «rỗi» ở đây phải chăng có nghĩa là được thanh nhàn, nhàn rỗi, vui vẻ…? Đó là quan niệm rất bình dân về hạnh phúc của người Việt.

Cha Đắc-Lộ cũng lợi dụng quan niệm sẵn có về âm phủ để nói về địa ngục của Kitô giáo (22).

Phương pháp trình bày giáo lý

Cha Đắc-Lộ đã có nhiều kinh nghiệm truyền giáo ở Việt Nam cũng như ở Macao. Cuốn Phép Giảng Tám Ngày là kết quả của những kinh nghiệm ấy.

1. Theo cha, khi rao giảng Tin Mừng, ta cứ trình bày giáo thuyết của mình cách tích cực, không nên tranh luận, bút chiến, bài bác ai hay lý thuyết của ai. Sự chỉ trích hay bài bác chỉ đem lại hiềm khích và ghen ghét.

2. Để phù hợp với tâm thức của người Việt vốn chịu ảnh hưởng «Tam Cương Ngũ Thường» của Nho giáo, khi trình bày giáo lý cần phải nhấn mạnh đến «tứ đại» (23): Thiên, Quân, Sư, Phụ. «Thượng hữu Thượng Đế, Thống Quân chư sinh, Hạ hữu vương , Cận hữu Phụ Mẫu».

3. Cha Đắc-Lộ thuộc dòng Tên, nên chịu ảnh hưởng của Linh Thao. Vì thế, cuốn Phép Giảng Tám Ngày có tiến trình tương tự như các sách Linh Thao: bốn tuần của Linh Thao được gia giảm và thay đổi chút ít để thích nghi với tâm thức người Việt Nam thời ấy.

4. Tiến trình trình bày giáo lý được phản ảnh trong 8 bài giảng của cha Đắc-Lộ:

· Ba bài đầu nói về việc Chúa tạo dựng trời đất.

· Bài 4 nói về nạn hồng thủy và ba tôn giáo ở Việt Nam.

· Bài 5 & 6 nói về Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai nhập thể và giảng đạo.

· Bài 7 nói về cuộc tử nạn, phục sinh của Chúa Kitô và sự hiện xuống của Thánh Thần.

· Bài 8 nói về mười giới răn, thiên đàng, hỏa ngục, bí tích rửa tội.

5. Cách trình bày của cha Đắc-Lộ không theo chỉ thị của Công Đồng Trentê (1545-1563) (24). Thời đó, có hai tác giả sách giáo lý nổi tiếng là Canêsiô và Collarminô. Công Đồng chỉ thị các sách giáo lý phải mô phỏng theo sách của Canesiô là giải thích và diễn dịch từ kinh Credo. Nhưng cha Đắc-Lộ không theo cách đó mà khởi đi từ những việc cụ thể để phù hợp với tâm hồn của người Việt thời ấy. Đây cũng là một trường hợp «phá chấp» để thích ứng với hoàn cảnh đặc thù và cụ thể của thực tế. Sự «phá chấp» này có thể gây nên những phản ứng chống lại nơi các thừa sai khác chấp cứng vào nguyên tắc, giáo điều và lệnh bề trên.


Vấn đề thờ kính tổ tiên

Một tập tục mang tính văn hóa

Nghi lễ thờ kính tổ tiên đối với người Việt Nam cũng như người Trung Hoa là một tập tục gắn liền với bản chất xã hội và văn hóa của họ. Một người Việt Nam hay Trung Hoa không thực hành nghi lễ ấy trong đời sống gia đình và xã hội của mình thì bị coi là bất hiếu, mất gốc… Vì thế, khi Tòa Thánh ra lệnh cấm không cho người Kitô hữu thờ kính tổ tiên, thì người Kitô hữu Việt Nam cũng như Trung Hoa lâm vào thế kẹt, và nhiều người chỉ vì khó khăn này mà không thể trở nên Kitô hữu được.

Hai khuynh hướng của các thừa sai

Đối với vấn đề thờ kính tổ tiên, cũng như đối với việc thích nghi và hội nhập văn hóa, các thừa sai tại Việt Nam có hai khuynh hướng:

· một của các cha dòng Tên có khuynh hướng thích nghi và hội nhập văn hóa mạnh, nên bênh vực việc thờ kính tổ tiên,

· và một của các cha thuộc hội truyền giáo Paris và một số dòng khác, ít thích nghi và hội nhập văn hóa, nên chủ trương chống lại việc thờ kính tổ tiên.

Tòa thánh chịu ảnh hưởng của khuynh hướng sau nhiều hơn (25).

Khuynh hướng và phản ứng của các giáo sĩ dòng Tên

Năm 1716, Giáo Hội Đàng Trong nhận được một bản chép tay của hiến chế Ex illa die. Đức Cha Péres tỏ ra rất bỡ ngỡ khi nhận được hiến chế này. Tháng 7-1717, ngài mới nhận được hiến chế chính thức, nên công bố thư chung biểu lộ đức vâng lời đối với Giáo Hoàng.

Cha G. B. Sauna, dòng Tên, ở Hội An phản ứng mãnh liệt. Ngày 21-2-1717, cha ra một thư có 7 điều: cho phép giáo hữu được mang cờ đan triệu (26) đi trước người chết miễn có chữ «cầu cho người chết», cho lạy trước người chết và cha mẹ, được phép thề trung thành với vua chúa, ngày đầu năm được phép dâng cúng cha mẹ. Nhưng cha Sauna dường như làm quá, vì sau khi được thư chung của Đức Cha Péres, cha vẫn cho phép giáo hữu làm như cũ.

Đức Giám Mục Alexandre ở Đàng Trong xem ra cũng tán thành việc cho phép thờ kính tổ tiên. Tòa Thánh sai Đức Giám Mục La Baume đến Đàng Trong để điều tra xem xét, đi cùng cha Favre đến Hội An ngày 1-5-1739. Cha Favre không đồng ý với cha dòng Tên, về sau ngài tố cáo các cha bề trên dòng Tên ở Đàng Trong là tự cho mình ngang hàng với giám mục.

Năm 1741, Đức Cha La Baume qua đời, ủy quyền cho cha Favre tiếp tục công việc. Và ngày 27-5-1741, cha Favre công bố 9 điều, trong đó có việc cấm thờ kính tổ tiên dưới mọi hình thức (27). Nhưng sau đó cha Favre bỏ về. Năm 1742, hiến chế Ex quo singulari sinh ra đủ mọi thứ tranh chấp. Và cha Favre còn viết sách phản đối đường lối truyền giáo của các cha dòng Tên tại Việt Nam.


Cái nhìn về các tôn giáo khác

Quan niệm chung của Giáo Hội thời đó

Nói chung, cái nhìn của Giáo Hội nói chung, và của các thừa sai nói riêng, vào thời đó về các tôn giáo khác rất tiêu cực và phiến diện. Nói chung, các học giả Kitô giáo Âu Châu, vì chưa có dịp tìm hiểu thật sự và sâu xa các tôn giáo Á Châu, nên luôn luôn coi các tôn giáo Á Châu như «cùng một giuộc» với các tôn giáo cấp thấp ở Âu Châu (28).

Cụ thể là thánh Phan-xi-cô Xa-vi-er, một vị thừa sai truyền giáo ở Nhật Bản đồng thời với cha Matteo Ricci tại Trung Hoa, đã sáng tác một kinh cầu cho kẻ ngoại đạo, trong đó có câu: «Những kẻ thờ lạy bụt thần ma quỉ đang sa xuống đầy rẫy hỏa ngục» (29).

Tư tưởng của Cha A-lịch-sơn Đắc-lộ, một người có tư tưởng rất tiến bộ và chủ trương triệt để hội nhập văn hóa, có thể được xem là điển hình cho nhận định của người Kitô hữu Âu Châu về các tôn giáo Á Châu (30).

Quan niệm của cha Đắc-Lộ về Phật giáo

Những quan niệm sai lầm về Phật giáo

Những người đã tìm hiểu ít nhiều về Phật giáo chắc không khỏi phì cười khi đọc những tư tưởng của cha Đắc-Lộ viết về Phật giáo trong cuốn «Phép Giảng Tám Ngày». Chẳng hạn có chỗ cha viết: «Bên Thiên Trúc quốc, có vua tên là Tịnh Phạn Vương, đẻ con dạ thì sáng, song kiêu ngạo lắm» (Trang 105). Không biết cha Đắc-Lộ dựa vào những sự kiện nào mà kết luận rằng Phật «kiêu ngạo lắm». Đang khi sử sách viết về thời ấu thơ của Ngài thì lại viết ngược lại (31). Cả cuộc đời của Ngài luôn luôn đơn sơ khiêm nhượng, và do tu tập Ngài đã thành công hoàn toàn trong việc phá được «ngã chấp», là gốc rễ của mọi hình thức kiêu ngạo.

Cũng trong trang đó, cha viết: «Đẻ được một con gái đoạn thì đi ở trên rừng một mình, dẫu vợ cãi mà chẳng cho, vì mình đã quen làm việc dối như pháp môn phù thủy…». Rõ ràng là cha không biết rõ lịch sử Đức Phật. Theo sử sách, năm 29 tuổi, Phật cùng với vợ là Công chúa Da-du-đà-la (Yasodhara) sinh được một cậu con trai, mà vua Tịnh Phạn đặt tên là La-hầu-la (Rahula, có nghĩa là một trở ngại). Không biết cha căn cứ vào đâu mà viết: «dẫu vợ cãi mà chẳng cho» (32), và «mình đã quen làm việc dối như pháp môn phù thủy». Câu sau là một lời nói xúc phạm rất mạnh mà người Phật tử nào đọc đến cũng phải trạnh lòng.

Tiếp theo, Cha còn viết: «Mà trong nhiều quỉ dạy , thì có hai quỉ tên là Alala và Calala quen làm thày dạy nó liên, mà nó thì ngồi giữa hai thày quỉ ấy, mà dạy nó đầu hết chớ tin có Chúa trời» (Trang 105-106). Theo các sách lịch sử, thì sau khi đã thất vọng vì không tìm được chân lý tối thượng nơi các vị thày mà Phật thụ huấn, Phật bèn tự mình đi tìm chân lý, và việc Ngài giác ngộ hay thành đạo là hoàn toàn do tự mình quán chiếu mọi sự với trí tuệ thanh tịnh sáng suốt, chứ không ai dạy Ngài cả. Quỉ ma chỉ là kẻ hại Ngài: trong 49 ngày nhập định trước khi Ngài thành đạo, Ngài đã phải chiến đấu quyết liệt với giặc Thiên Ma do Ma Vương Ba Tuần chỉ huy. Những điều cha Đắc-Lộ nói trong câu này không biết cha lấy từ đâu ra (33). Tôi không nghĩ là cha bịa đặt ra hay cố ý xuyên tạc, nhưng có lẽ những điều cha học được hay nghe được về Phật giáo là hoàn toàn sai lầm.

Đồng hóa Phật giáo với tôn thờ ngẫu tượng

Cha đã đồng hóa Phật giáo với việc tôn thờ ngẫu tượng (34). Cha thường dùng chữ «thờ bụt thần ma quỉ», nghĩa là đồng hóa Bụt hay Phật với ma quỉ. Chẳng hạn như câu: «dạy dân thờ bụt, và lấy mình, Thích Ca, làm cội rễ các bụt, như thể mình là kẻ làm nên trời đất» (Trang 106). Tư tưởng này hoàn toàn xa lạ với người Phật tử. Cả đời Đức Phật, chưa bao giờ Ngài dạy người khác thờ một Đấng nào, càng không dạy người ta thờ mình. Ngài chỉ cho mình là một trong hằng hà sa số các vị Phật, vì thế, có bao giờ Ngài lại có tư tưởng «lấy mình làm cội rễ các bụt, như thể mình là kẻ làm nên trời đất»!

Quan niệm đó giúp các giáo sĩ hăng say truyền giáo

Phải nói rằng sự hiểu biết của các thừa sai thời đó về các tôn giáo Á Châu hết sức thô thiển và lệch lạc, một phần do não trạng hãnh tiến (triomphalisme) đầy thiên kiến của người Kitô hữu Âu Châu, một phần do không tìm hiểu đến nơi đến chôâùn các tôn giáo Á Châu (35). Nhưng có lẽ cũng chính nhờ quan niệm sai lạc như thế mà các vị giáo sĩ đó đã sẵn sàng hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả kể cả cái chết, thậm chí chết thảm thiết, chỉ vì họ muốn cứu những dân tộc Á Châu khỏi sa hỏa ngục (36). Một cách chủ quan, đó là một sự hy sinh rất cao cả phát xuất từ tình yêu. Thiết tưởng chúng ta không nên xét đoán một cách quá hẹp hòi và thiển cận đến nỗi lên án họ.


Chữ viết

Chữ Nôm

Trước khi có chữ quốc ngữ do cha Đắc-Lộ, các thừa sai đã học chữ Nôm và đã dùng chữ Nôm để viết những bài giảng, sáng tác các lời kinh giúp bổn đạo cầu nguyện… Các Kitô hữu Việt Nam đã dùng chữ Nôm để làm thơ đạo, để viết những cảm nghĩ hay suy tư của của mình về Chúa, về giáo lý… Từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, có biết bao nhiêu sách đạo viết do người Kitô hữu viết ra bằng chữ Nôm: sách kinh, sách bổn, sách ngắm, sách ca vè, thơ đạo, sách luật, sách thần học, sách bài giảng, sách quảng diễn giáo lý, sách truyện các thánh, v.v… Trong số các sách chữ Nôm đó, có nhiều sách của Gaspar d’Amaral, Antoine Barbosa, nhất là Giêrônimô Majorica và của các thầy giảng nhiệt thành.

Từ xưa đến lúc bấy giờ, chưa bao giờ chữ Nôm lại được sử dụng nhiều như thế (37). Vì thế, trong ba thế kỷ vừa qua, Giáo Hội Việt Nam có biết bao nhiêu tác phẩm bằng chữ Nôm mà thời nay ít người đọc được và lại càng ít người có khả năng hay thì giờ dịch ra. Đó cũng là một hình thức hội nhập của sứ điệp Kitô giáo vào văn hóa Việt Nam thời trước!

Chữ quốc ngữ

Một thành quả của công cuộc truyền giáo

Một trong những thành quả lớn của công cuộc truyền giáo và hội nhập văn hóa tại Việt Nam là sự thành hình chữ quốc ngữ. Công lớn nhất trong việc hình thành chữ Quốc Ngữ là của cha A-lịch-sơn Đắc-Lộ. Thứ chữ mới này do cha sáng chế ra bằng cách dùng mẫu tự Latinh để phiên âm tiếng Việt.

Mục đích của cha khi sáng chế ra cách phiên âm này là để ghi lại cách phát âm tiếng Việt cho chính xác để dễ học và dễ nhớ, vì chữ của tiếng Việt lúc đó là chữ Nôm cũng tương tự như chữ Hán, không thể cứ nhìn vào mà phát âm được. Chắc chắn mỗi vị giáo sĩ Âu Châu học tiếng Việt cũng đều phải tìm cách ghi lại cách phát âm của từng chữ theo một cách nào đó.

Thứ chữ mà cha sáng chế ra để tạm dùng ấy sau này đã trở thành chữ chính thức của người Việt, thay thế cho chữ Nôm do Hàn Thuyên sáng chế ra nhiều thế kỷ trước đó (38). Cách phiên âm của cha - cụ thể trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày và cuốn tự điển Việt-Bồ-La - y khá tinh vi nhưng chưa có tính ổn định và chưa đủ khả năng phiên âm hết mọi âm của tiếng Việt. Về sau, cách phiên âm này đã được cha Gaspar d’Amiral (39) và một số Kitô hữu Việt Nam sửa lại cho hoàn chỉnh.

Những tác phẩm quốc ngữ đầu tiên

Cuốn «Phép Giảng Tám Ngày» và cuốn Từ điển Việt-Bồ-La (40) do cha biên soạn là những cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ (41) mà cha đã xuất bản ở Rôma vào năm 1651. Đó là hai tác phẩm quan trọng và đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Cách đặt câu tiếng Việt trong cuốn «Phép Giảng Tám Ngày» đôi khi chưa được Việt lắm, điều này dễ hiểu vì tác giả là một người Âu Châu tuy sử dụng tiếng Việt đã được 25 năm nhưng chưa hoàn toàn thấm nhuần được pháp cú và văn pháp tiếng Việt, và cũng vì cách lập luận của người Việt vốn khác xa với cách của người Âu Châu. Ngày nay, người Việt Nam coi cha Đắc-Lộ là cha đẻ của chữ quốc ngữ, và mang ơn cha rất nhiều vì sự tiện lợi rất lớn mà thứ chữ này đem lại so với chữ Nôm trước đây.

Đặc biệt, tới thế kỷ 19, các Kitô hữu Việt Nam đã có Thánh Kinh bằng chữ quốc ngữ, do cố Schicklin (tiếng Việt gọi là cố Chính Linh) dịch, với bản latinh ở bên để đối chiếu.


______________________________________

Phần chú thích

(1) Ở Trung Hoa có Matteo Ricci, ở Ấn Độ có Roberto de Nobili, ở Việt Nam có A-lịch-sơn Đắc-Lộ. Đó là 3 nhà thừa sai Tây Phương chủ trương hội nhập văn hóa triệt để nhất, và cũng đã hội nhập văn hóa một cách tài tình nhất tại Á Châu.

(2) Theo linh mục Đỗ Quang Chính, một nhà nghiên cứu lịch sử Giáo Hội thuộc dòng Tên (xem TLTĐ, trang 2).

(3) A. DE RHODES, Divers Voyages et Missions, Paris 1653, trang 72.

(4) A. DE RHODES, Divers Voyages et Missions, Paris 1653, trang 21.

(5) Thời đó, đàn ông Việt Nam cũng để tóc dài như đàn bà, đang khi người Tây để tóc ngắn như chúng ta hiện nay. Bức họa của A-lịch-sơn Đắc-Lộ mà chúng ta thường thấy do họa sĩ Gagliardi người Ý vẽ hình cha để tóc dài như người Việt.

Nhiều thừa sai cũng theo gương cha Đắc-Lộ, thay vì mặc áo dòng thì mặc áo thụng hay áo dài nam, để tóc dài. Về sau, khi dòng Mến Thánh Giá được thành lập, áo của các nữ tu thời đó không giống như ngày nay (theo Âu Châu), mà giống với áo của các ni-cô bên Phật giáo hơn (Xem hình trong cuốn Người mục tử cộng đồng hướng về tương lai của linh mục NGUYỄN NGỌC SƠN, tòa TGM TP. Hồ Chí Minh xb, 1996, trang 195-203).

(6) Đang khi theo tục lệ của người Kitô hữu Tây Phương thì giáo hữu phải gọi các linh mục bằng Cha, giống như chúng ta hiện nay.

(7) Khi vào chầu hai Chúa (Trịnh, Nguyễn), cha Rhodes lạy sát đất kiểu ngũ thể đầu địa làm cho hai Chúa rất có thiện cảm. Những người Tây Phương khác chỉ chào hai Chúa theo kiểu Tây (nghiêng mình, cúi đầu, mở mũ...). Theo phong tục người Việt, người dưới đến người trên phải có đồ lỡi (lễ vật). Khi vào chầu hai Chúa, cha Rhodes luôn luôn dâng đồ lỡi : chẳng hạn lần đầu tiên cha dâng cho Trịnh Tráng chiếc đồng hồ cát và đồng hồ reo, lần sau dâng cuốn Thiên văn do cha Matteo Ricci viết và in bằng chữ Hán. Nhờ vậy, cha có nhiều dịp nói chuyện với Chúa Trịnh về thiên văn và trình bày Kitô giáo cho Chúa Trịnh.

(8) Chẳng hạn năm 1929, khi bị Chúa Trịnh đầy ải ở Cửa Rum, để làm quen với quan Trấn Nghệ An, cha đã ghi trên giấy ngày giờ xảy ra Nhật thực sắp tới và nhờ người trình lên quan Trấn. Khi thấy Nhật thực xảy ra đúng như cha đã tiên báo, quan Trấn rất cảm phục (A. DE RHODES, Histoire du Royaume de Tunquin, Lyon 1651, trang 237).

(9) Cụm từ này được cha Đắc-Lộ cắt nghĩa là đức Chúa của trời đất và vạn vật. Chữ trời đất bao gồm trong đó tất cả mọi tạo vật.

(10) Trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày, cha Đắc Lộ còn viết cụm từ này là «đức Chúa blời».

(11) Hiện nay trong ngôn ngữ Việt Nam, chữ chúa - với nghĩa là chủ - vẫn được dùng trong một số cụm từ hay thành ngữ : chúa tể, vua chúa, công chúa, ong chúa, mối chúa, chúa sơn lâm, chồng chúa vợ tôi, làm vua làm chúa...

(12) Ngoài những từ Việt Nam đã nêu trên để chỉ về Thiên Chúa, còn có từ «Chúa Dêu», như trong kinh : «Lạy ơn Đức Mẹ Chúa Dêu, chúng tôi van lạy cùng kêu ơn Bà...». Chữ «Dêu» ở đây chắc hẳn là phiên âm của từ latinh «Deus», nghĩa là Thiên Chúa.

(13) Bên Phật giáo cũng có rất nhiều từ chuyên môn không được dịch sang tiếng Việt mà chỉ phiên âm từ tiếng Ấn Độ (được phiên âm qua tiếng Trung Hoa, rồi từ tiếng Trung Hoa phiên âm sang tiếng Việt) như : Phật (buddha), Thiền (dhyana), Bồ-Tát (Boddhisatva), Bát-nhã (pranõa), v.v... Các tôn giáo khác hay các bộ môn khoa học, kỹ thuật cũng vậy.

(14) Đó là chị của chúa Trịnh Tráng, khi theo đạo, bà lấy tên thánh là Catarina. Bà còn làm cho mẹ bà trở lại. Bà thông thạo chữ nho và thơ văn. Được cha Đắc-Lộ khuyến khích, bà đã viết thành thơ lịch sử đạo Công giáo, giáo lý Kitô giáo, cuộc đời Chúa Giêsu... (X. PHAN PHÁT HUỒN, Việt Nam Giáo sử, Cứu Thế tùng thư, Sàigòn 1965, trang 93).

(15) Phải sau Công Đồng Vatican II, nghi thức rửa tội của Rôma mới bỏ những thứ ấy.

(16) Trong hai năm 1668-1669, tại giáo phận Đàng Trong, Giám mục Lambert de la Motte đã truyền chức cho 4 thầy cả đầu tiên người Việt Nam : Giuse Trang, Gioan Huệ, Bênêđitô Hiền, Luca Bền. Năm 1670, tại giáo phận Đàng Ngoài, ngài đã truyền chức cho 7 thầy cả khi đến thăm giáo phận này và tổ chức Công Đồng đầu tiên tại đó.

(17) Chẳng hạn dạy giáo lý cho người nghèo, viếng thăm người già yếu, chữa bệnh, bán thuốc để có nhiều cơ hội tiếp cận, giúp đỡ và truyền đạo cho dân chúng, nhất là người nghèo, hoặc để có thể rửa tội cho các em nhỏ hấp hối...

(18) Ca dao Việt Nam có câu :

«Trai thời TRUNG, HIẾU làm đầu,

«Gái thời TIẾT, HẠNH làm câu sửa mình».

(19) A. DE RHODES, Phép giảng Tám Ngày, tủ sách Đại Kết in lại theo bản gốc do Rôma xuất bản năm 1651, trang 17.

(20) A. DE RHODES, Phép giảng Tám Ngày, trang 16.

(21) Người Việt Nam rất thích nhàn rỗi, vui chơi, giải trí, hội hè...

(22) Sđd, trang 10.

(23) Do «Tam Cương» (Quân, Sư, Phụ) thêm một «cương» nữa ở đầu là «Thiên» thành «Tứ Đại» (Thiên, Quân, Sư, Phụ).

(24) Vì Công Đồng Trentê đưa ra một cách trình bày giáo lý chỉ hợp với người Tây Phương trong bối cảnh Cải giáo nhằm đối phó với những khó khăn thời đó. Cách trình bày này không hợp với bối cảnh ở Việt Nam và tâm thức của người dân Việt Nam.

(25) Xem phần liên quan đến vấn đề này tại Trung Hoa, trang 135-137.

(26) Cờ đan triệu : cờ đỏ đi sau cờ minh tinh.

(27) 9 điều cấm là :

- cấm không được coi tuồng hát
- cấm các trẻ em đã được rửa tội thành sự không được rửa tội lại
-
không được cho rước lễ thường xuyên mà phải thận trọng
-
cấm dùng mỡ heo trong mùa chay
-
cấm thờ kính tổ tiên dưới mọi hình thức
-
không một thừa sai nào được phép in lịch và công bố lịch
-
tất cả mọi thừa sai, đặc biệt dòng Tên, phải mặc áo sợi bông hay vải thường địa phương
-
phải khoác áo choàng đen và hớt tóc theo kiểu Công Đồng Trentê ra lệnh
-
các thừa sai phải làm các phép bí tích đúng theo sách các phép Rôma.

(28) Xem lại quan niệm của nhà thần học A. Pieris về tôn giáo vũ trụ tôn giáo siêu vũ trụ ở phần cước chú trang 53.

(29) Kinh này có được dịch sang tiếng Việt, thuộc loại kinh cổ của Việt Nam.

(30) Cha Đắc-Lộ mà còn nghĩ như vậy, nói gì đến những thừa sai hay Kitô hữu khác.

(31) Đây là một đoạn Đại Đức Nãrada Thera viết về thời thơ ấu của Ngài : «Hoàng tử tuổi tuy còn nhỏ nhưng tâm trí đã thuần thục. Khác với những người chỉ tìm thích thú trong cuộc lễ, hoàng tử ngồi chéo hai chân lại theo lối kiết già, trầm ngâm lặng lẽ, chăm chú vào hơi thở... Giữa lúc mọi người vui vẻ thưởng thức, các cung phi bỗng sực nhớ lại hoàng tử, vội vã trở về với phận sự. Khi thấy hoàng tử ngồi trầm ngâm thiền định thì họ lấy làm ngạc nhiên, đến tâu lại tự sự cho vua. Đức Vua Tịnh Phạn hối hả đến nơi, thấy hoàng tử Tất-Đạt-Đa vẫn ngồi chỉ quán tham thiền» (NÃRADA THERA, The Buddha and his teachings, bản dịch của Phạm kim Khánh, Đức Phật và Phật pháp, Thuận Hóa & Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh xuất bản, 1994 (trang 32).

(32) Lịch sử chỉ nói tới việc Phật từ giã vợ con như sau : «Ngài truyền lệnh cho Xa-Nặc, người đánh xe được Ngài yêu chuộng, thắng yên ngựa và thẳng đến điện của công chúa. Ngài khẽ hé cửa nhìn vợ và con đang yên giấc với một tấm lòng từ ái nhưng bình thản, không chao động, không trìu mến... Với một tâm hồn thanh thoát, thái tử Tất-Đạt-Đa ra đi giữa đêm khua, để lại sau lưng Ngài tất cả đền đài cung điện, người cha yêu quí, vợ đẹp con thơ và cả một tương lai rực rỡ huy hoàng» (Sđd, trang 26).

(33) Alala và Kalala trong câu này thật ra không có trong sách sử Phật giáo. Sách sử Phật giáo có nói tới Alarama Kalama (có âm tương tự như tên hai con quỉ mà cha Đắc-Lộ nói tới), là vị đạo sĩ đầu tiên mà Phật gặp trên con đường tìm kiếm chân lý. Ngài tu và thụ huấn ông này một thời gian, nhưng ông này không giúp Ngài thấy được chân lý tối thượng, nên Ngài bỏ ông mà đi tìm một vị thày khác. Các vị thày sau cũng làm cho Ngài thất vọng. Cuối cùng, Ngài nhận thấy chẳng ai có thể giúp mình giác ngộ được chân lý tối thượng, mà chính mình phải đích thân tìm nó.

(34) Những ai nghiên cứu về các tôn giáo lớn ở Á Châu, đều thấy rằng ngoại trừ hình thức sơ khởi của Ấn giáo (tôn giáo Vệ-Đà và Brahmana thờ các thần), thì không một tôn giáo lớn nào chủ trương thờ ngẫu tượng. Tôn giáo nào cũng đều nói tới một «Thực Tại Tối Hậu» mà người ta phải giác ngộ nhiều hơn là thờ phượng. Đương nhiên không tôn giáo nào tránh khỏi tình trạng có những tín đồ thuộc giới bình dân đã thần thánh hóa các giáo chủ đến mức tôn thờ và coi các ngài như những vị thần có thể thi ân giáng phúc.

(35) Họ tưởng rằng các tôn giáo Á Châu cũng chỉ giống như các tôn giáo nhỏ ở Âu Châu - kém cỏi về lý thuyết cũng như thực hành, không có nền tảng triết lý và khả năng giáo hóa - đã tự tan biến trước «thần lực» vô song của Kitô giáo. Chỉ qua thế kỷ 20, khi tìm hiểu sâu xa và đúng đắn các tôn giáo Á Châu, cái nhìn của các Kitô hữu Âu Châu đối với các tôn giáo Á Châu mới bắt đầu thay đổi : các tôn giáo ấy không tầm thường và kém cỏi như người ta vẫn nghĩ. Và nhất là triết lý của chúng không cùng xây dựng trên một nhận thức luận đơn diện và nhị nguyên như triết lý của Kitô giáo. Do đó, những vấn đề đặt ra và cách thức giải đáp những vấn đề ấy trong môn hộ giáo xưa của Kitô giáo hầu như không giải đáp thỏa mãn những nhà tư tưởng thuộc các tôn giáo Á Châu muốn tìm hiểu về Kitô giáo.

(36) Quan niệm của các thừa sai về các tôn giáo khác được biểu lộ qua câu chuyện của thánh Pha-xi-cô Xa-vi-e : Những người Nhật Bản mới theo đạo hỏi ngài về số phận ông bà tổ tiên họ, ngài trả lời không nghĩ ngợi : «Họ sa hỏa ngục tất cả !».

(37) Trước đó, muốn viết gì thì các cụ nhà ta thường dùng chữ Nho cho có vẻ trí thức, chữ Nôm thường bị các cụ coi thường. Thì các cụ vẫn thường nói : «Nôm na là cha mách qué» mà !

(38) Chữ Nôm được Hồ Quí Ly và Nguyễn Huệ tích cực ủng hộ và phổ biến, nhưng nói chung, bị các nhà nho coi thường.

(39) Gaspar d’Amiral : một thừa sai đồng thời với cha A-lịch-sơn Đắc-Lộ, một thiên tài về ngôn ngữ rất chú trọng tới chữ quốc ngữ. Cha Amiral nói tiếng Việt, viết chữ quốc ngữ nhiều và giỏi hơn cha Đắc-Lộ, mặc dù cha ở Việt Nam chỉ có 28 tháng, đang khi cha Đắc-Lộ ở 57 tháng.

(40) «Tự điển Việt-Bồ-Latinh» (Dictionarium Annamiticum-Lusitanum et Latinum), dày 500 trang.

(41) Tựa đầy đủ của sách là «Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chịu phép rửa tội mà beào đạo Đức Chúa Blời», dày 324 trang; mỗi trang đều có cả tiếng Latinh và tiếng Việt. Hai tác phẩm chữ quốc ngữ này đã được Bộ Truyền giáo ấn hành năm 1651 tại Roma theo yêu cầu của cha A-lịch-sơn Đắc-Lộ sau khi cha bị trục xuất khỏi Việt Nam.

NGUYỄN CHÍNH KẾT
(20-09-1992)





_______________________________________________________________________