19.4.08


ĐỐI THOẠI TÔN GIÁO


Càng vươn lên cao,

vươn lên khỏi những tầm thường
của cuộc đời,
khỏi những hạn chế của ngôn ngữ,
khỏi những khác biệt vẻ bên ngoài,
người ta càng thấy rõ nhau hơn,
càng hiểu thấu nhau hơn,
càng gần gũi nhau hơn,
càng dễ gặp nhau hơn,
càng dễ yêu thương
và hợp tác với nhau hơn.

(NGUYỄN CHÍNH KẾT)


Lời nói đầu

Tập sách này được viết ra với mục đích xây dựng tình đoàn kết, yêu thương và hợp tác giữa các tôn giáo trong nhân loại, và cũng đề nghị với các tôn giáo những thái độ thích hợp với mục đích xây dựng trên. Với mục đích như thế, làm sao tránh được những sai sót gây đụng chạm ít nhiều đến cá nhân các tôn giáo.

Đây chỉ là những suy tư cá nhân, mà người viết muốn đóng góp để xây dựng Giáo Hội và nhân loại. Ngoài ra, cũng có những phần trình bày tư tưởng, quan điểm chung trong các triết lý, các tôn giáo Á châu, hoặc của một vài nhà thần học Á châu. Phần này nhằm mục đích thêm thông tin, tài liệu tham khảo hoặc nhằm rộng đường tư tưởng cho người đọc. Vì thế, khi trình bày bất kỳ lập trường nào, người viết cũng cố gắng khách quan đưa ra những lý chứng bênh vực lập trường đó để giúp độc giả thấy được tính hợp lý của mỗi lập trường. Khi tìm lý chứng để bênh vực một lập trường nào, điều đó không nhất thiết là người viết chủ trương theo lập trường đó.


Dẫu sao, người viết vẫn luôn luôn đặt mình dưới quyền giáo huấn của Giáo Hội, và sẵn sàng đón nhận những ý kiến xây dựng của mọi người. Tuy nhiên, khi viết về những vấn đề tế nhị còn đang gây nhiều tranh luận trong Giáo Hội, người viết không thể tránh được những sai sót do khả năng nghiên cứu còn rất hạn chế của mình. Vả lại, nếu sợ sai sót thì tốt nhất là im lặng đừng phát biểu gì cả, vì im lặng thì không bao giờ sợ nói sai. Nhưng nếu im lặng thì chẳng xây dựng được gì. Còn nếu muốn xây dựng thì không thể không nói ra ý kiến của mình, nhưng hễ nói hay phát biểu ra, thì không thể tránh được sai sót.


Trong chiều hướng đó, người viết chủ trương trình bày trung thực những tư tưởng mà lương tri của mình cho là phải lẽ hay hợp lý. Nhưng chắc chắn có những tư tưởng mà độc giả sẽ nhận ra chưa phù hợp với lập trường hiện hành của Giáo Hội. Tuy nhiên không vì thế mà người viết ngại không trình bày ra. Trong quá khứ, có rất nhiều tư tưởng khi được đưa ra trước công luận thì chưa phù hợp với lập trường hiện hành của Giáo Hội lúc đó, thậm chí còn bị Giáo Hội kết án hoặc cấm phổ biến. Chẳng hạn trường hợp của một số nhà thần học như Karl Rahner, Yves Congar, v.v… Nhưng những tư tưởng đó về sau lại được Giáo Hội chấp nhận. Chẳng hạn, nhiều tư tưởng không được công đồng Vatican I chấp nhận, thậm chí kết án, nhưng về sau lại trở thành lập trường chính thức của công đồng Vatican II. Nếu có công đồng Vatican III, chắc chắn sẽ có những tư tưởng không được chấp nhận bởi công đồng Vatican II nhưng lại được chấp nhận bởi công đồng Vatican III.


Nếu ai cũng chỉ trình bày vấn đề trong khuôn khổ lập trường hiện hành của Giáo Hội chứ không dám trình bày theo lương tri của mình, thì chắc chắn công đồng Vatican II cũng chỉ lập lại lập trường của công đồng Vatican I, và công đồng Vatican III cũng sẽ chỉ là công đồng Vatican II được soạn lại, chứ không thể có gì mới mẻ và tiến bộ hơn.


Nói thế không có nghĩa là người viết tự cho rằng mình đi trước Giáo Hội, mà chỉ cho rằng mình có bổn phận phải nói lên lập trường mà lương tri của mình cho là đúng hay hợp lý mà thôi, mặc dù có thể là chủ quan. Người viết luôn đón nhận những phê bình dù thuận hay nghịch của mọi người, nhất là luôn sẵn sàng vâng phục những phán quyết cuối cùng của Huấn Quyền trong Giáo Hội.


Rất mong độc giả tin tưởng vào thiện chí xây dựng của người viết, mà bỏ qua những gì sai sót. Cũng xin các bậc cao minh chỉ dẫn và góp ý sửa sai.


Xin chân thành tri ân cảm tạ.




NGUYỄN CHÍNH KẾT





_______________________________________________________________________