6.3.08

ĐỂ vào NưỚc TrỜi,
phẢi có tình yêu và lòng dũng cẢm

Nguyễn Chính Kết

1. Thái độ hèn nhát của Philatô

Trong bài Thương Khó Chủ Nhật lễ Lá (x. Mt 27,11-54), Philatô hỏi Đức Giêsu: «Ông là vua dân Do Thái sao?» Là một vị quan và là một nhà chính trị của đế quốc, ông có bổn phận phải xác định lập trường chính trị của Đức Giêsu để tùy theo đó mà xét xử. Vì thế, xác nhận mình là vua trước mặt Philatô là một điều khá nguy hiểm, thậm chí đến tính mạng, vì xưng mình là vua là mặc nhiên chống lại hoàng đế Rôma. Thế mà Đức Giêsu vẫn xác định như thế (Mt 27,11b). Tuy nhiên Ngài cũng xác định thêm: «Nước tôi không thuộc về thế gian này» (Ga 18,36). Chính vì xác định này mà Philatô nhận thấy Ngài không phải là một người đối lập nguy hiểm cho đế quốc Rôma.

Phải nói rằng Philatô cũng có ít nhiều lương tâm khi dám lên tiếng bênh vực Đức Giêsu: «Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác?» (Mt 27,23); «Ta không tìm thấy lý do nào để kết tội người này» (Ga 18,38); «Ta không thấy người này có tội gì!» (Lc 23,14). Và ông đã thật sự tìm cách tha Đức Giêsu bằng cách đưa một tên cướp nổi tiếng ra cùng với Ngài để dân chúng lựa chọn tha cho ai. Ông đoán chắc dân chúng sẽ chọn tha cho Đức Giêsu. Ông nghĩ Baraba là một tên cướp nổi tiếng, nên nếu phải lựa chọn để tha một trong hai, ắt họ phải chọn Đức Giêsu. Nhưng ông không ngờ họ lại chọn Baraba và quyết tâm muốn Đức Giêsu phải chết. Quả là Philatô có phần nào hèn nhát khi đành phải chiều theo ý dân chúng để Đức Giêsu bị giết. Nhưng phải nói rằng ông đã tìm đủ cách để tha Đức Giêsu. Điều ông hy vọng cuối cùng để dựa vào đó làm cơ sở tha cho Ngài là chính Đức Giêsu tự lên tiếng biện hộ cho mình. Ông khuyến khích Đức Giêsu làm điều ấy: «Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao?» Nhưng hy vọng của ông tắt ngấm khi thấy «Đức Giêsu không trả lời về một điều nào», sự im lặng này «khiến ông rất đỗi ngạc nhiên», và làm cho ông không còn lý do nào mạnh mẽ để tha cho Ngài.

Chúng ta có thói quen kết án Philatô là hèn nhát, và quả thật ông có phần nào như thế. Nhưng nếu tự xét mình, thì chính chúng ta, nhất là những người có quyền lên tiếng trước công chúng, hay có nghĩa vụ phải bảo vệ công lý, có thể chúng ta sẽ nhận ra mình còn hèn nhát hơn Philatô rất nhiều. Thật vậy, đôi khi ta biết chắc chắn một ai đó là vô tội, thậm chí là người bênh vực Giáo Hội, bảo vệ chân lý hay công lý, nhưng bị kết án oan ức. Thế mà chúng ta đành chấp nhận thái độ hoàn toàn câm lặng, ngay cả một câu như Philatô: «Tôi không thấy người này có tội gì!» (Lc 23,14), chúng ta cách không đủ can đảm nói lên được, cho dù có nói thì ta cũng chỉ bị phiền hà đôi chút chứ chẳng đến nỗi nào. Vì thế, mạnh miệng kết án Philatô là hèn nhát, chúng ta không thể không cảm thấy ngượng ngùng.

2. Thái độ dũng cảm của Đức Giêsu

Trái với Philatô, sợ bị mất chức, sợ bị phiền nhiễu mà đành để Đức Giêsu bị xử án bất công, Đức Giêsu sẵn sàng chịu đau khổ, chịu chết để cứu mọi người, để làm chứng cho chân lý và công lý. Ngài sẵn sàng bênh vực các em nhỏ khi các tông đồ muốn la rầy xua đuổi chúng (x. Lc 18,15-17), Ngài dám chữa lành những con bệnh đến với Ngài cả vào những ngày nghỉ lễ (sabát) bất chấp sẽ bị phiền hà rất nhiều bởi những kẻ đạo đức giả (x. Ga 5,1-18; 9,1-41; Lc 6,6-11; 13,10-17; 14,1-6). Tình yêu và sự dũng cảm của Ngài đã được thánh Phaolô tóm gọn trong bài đọc 2: «Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2,6-8). Tình yêu to tát đối với con người khiến Ngài không sợ bị mất địa vị, mất hạnh phúc đang có, mà sẵn sàng chịu đau khổ, chịu hủy diệt. Vì thế, Ngài rất xứng đáng là Vua trong Nước Trời, vương quốc của chân lý, công lý và tình yêu. Tư cách Vua Nước Trời đòi hỏi một tình yêu cao cả và một sự dũng cảm to tát như vậy.

Cũng vậy, để là công dân của Nước Trời, chúng ta cũng phải noi gương tình yêu và sự dũng cảm của Ngài. Nếu không, chúng ta sẽ không xứng đáng là công dân của vương quốc ấy. Làm sao chúng ta có thể vào vương quốc của tình yêu khi ta không có tình yêu hay không đủ tình yêu để có thể dũng cảm hy sinh chút ít theo sự đòi hỏi của tình yêu? Trong vương quốc của tình yêu, sự có mặt của những người không có tình yêu hay có quá ít tình yêu sẽ làm ô nhiễm môi trường tinh khiết ấy, và biến nó trở lại thành trần gian điên loạn này!

3. Để có được tình yêu và sự dũng cảm theo gương Đức Giêsu

Để xứng đáng vào Nước Trời, điều tối cần là chúng ta không những phải có tình yêu mà còn phải thể hiện tình yêu bằng lòng dũng cảm nữa. Đức Giêsu nói: Để vào Nước Trời, «ai cũng phải dùng sức mạnh mà vào» (Lc 16,16). «Sức mạnh» ở đây chính là sự dũng cảm của tình yêu. Sự dũng cảm trong tình yêu chứng tỏ tình yêu ấy là tình yêu đích thực, không chỉ trên môi miệng. Muốn có tình yêu và lòng dũng cảm ấy, ta phải thật sự nhận Đức Giêsu làm vua của tâm hồn mình. Nhận Ngài làm vua của lòng mình có nghĩa là coi mệnh lệnh của Ngài lên trên hết tất cả, sẵn sàng thi hành thánh ý của Ngài với bất cứ giá nào. Khi quyết tâm như thế và thường xuyên lập lại quyết tâm ấy hằng giờ hằng phút, đến nỗi nó trở thành ý thức thường hằng trong tâm trí ta, tâm hồn ta sẽ tự động được biến đổi nên giống Ngài. Như thế, nhận Ngài làm vua của tâm hồn mình, chính là chấp nhận để «cái tôi» của mình chết đi, cùng với tất cả ý riêng của nó. Chỉ khi «cái tôi» ấy thật sự chết đi, nghĩa là trở nên «đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người» (Pl 3,10), thì nó mới được phục sinh hay biến đổi thành «cái tôi» mới, «đồng hình đồng dạng với Người trong tình yêu và sự dũng cảm của Người». Chính khi ta thật sự tôn Ngài làm vua của tâm hồn ta, ta sẽ thấy mình thật mạnh mẽ, và sức mạnh ấy phát xuất từ chính Ngài




_______________________________________________________________________