6.3.08

LỆNH TRUYỀN CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC GIÊSU

Nguyễn Chính Kết

1. Lệnh truyền cuối cùng của Đức Giêsu trước khi về trời

Đã đến lúc Đức Giêsu và các môn đệ Ngài phải chia tay. Đức Giêsu không còn hoạt động cách hữu hình tại trần gian nữa. Sứ mạng mà Chúa Cha giao phó cho Ngài là đặt nền tảng cho Nước Trời tại trần gian và khai mạc công cuộc cứu rỗi nhân loại, Ngài đã hoàn tất hết sức tốt đẹp. Nhưng công cuộc thành lập Nước Trời tại trần gian và việc cứu rỗi nhân loại quá vĩ đại, không chỉ tới đó là hết, mà nó phải được tiếp tục mãi đến ngày tận thế bởi các tông đồ và những người theo Ngài. Vì thế, trước khi về trời, Đức Giêsu ra một đại lệnh cho tất cả những ai theo Ngài: «Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em» (Mt 28,19-20). Muốn thi hành đúng lệnh truyền của Ngài, ta phải hiểu rõ ý Ngài muốn qua lệnh truyền cuối cùng này.

2. «Làm cho muôn dân trở thành môn đệ»

Để thi hành mệnh lệnh này, rất nhiều linh mục, tu sĩ, hay người truyền giáo cảm thấy hài lòng, mãn nguyện khi dẫn dụ được thật đông người học giáo lý, chịu phép rửa tội, và hằng ngày làm những tập tục của người Kitô hữu: dâng lễ và rước lễ hằng ngày hoặc hằng tuần, đọc kinh sáng tối mỗi ngày, v.v… Làm được như vậy, họ kể như việc truyền giáo đã thành công, và tiếp tục truyền giáo sang đối tượng khác. Nhưng thử hỏi: nếu những người gia nhập Kitô giáo này không có được một sự đổi mới thật sự từ bên trong, thì việc gia nhập Kitô giáo của họ có khác gì việc gia nhập một đảng phái nào đó chăng? Gia nhập một đảng phái nào thì cũng đều có nghi thức gia nhập, đều có lời hứa hoặc cam kết, và cũng đều có những bổn phận hằng ngày, hàng tuần hay hàng tháng phải thực hiện. Nhưng việc gia nhập một đảng phái không biến đổi người gia nhập từ bên trong, không biến họ thành một con người mới. Trong khi «trở thành môn đệ Chúa» phải là một cái gì sâu thẳm từ bên trong, ảnh hưởng và biến đổi họ sâu xa hơn rất nhiều. Ta thử nhìn vào chân dung những Kitô hữu bình thường, nghĩa là những người đã được một linh mục hay một nhà truyền giáo hay một giáo dân nào đó đưa vào Kitô giáo, xem họ đã thật sự trở thành môn đệ của Đức Giêsu chưa.

Trở thành môn đệ ở đây chắc chắn không phải chỉ là trở thành những người mang danh là môn đệ, mà là môn đệ đích thật. Môn đệ đích thật là gì? Đức Giêsu đã định nghĩa: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 26,34; Lc 9,23). Như vậy, làm môn đệ Chúa, điều kiện đầu tiên là phải từ bỏ mình, nghĩa là coi nhẹ bản thân cùng với những quyền lợi mình để đặt nặng chính Thiên Chúa và quyền lợi của Ngài, đồng thời «vác thánh giá» là sẵn sàng chấp nhận đau khổ thiếu thốn khi thực hiện thánh ý Ngài. Không cần xem xét gì cao xa, hãy xem cách cầu nguyện của họ thì biết họ đã từ bỏ bản thân chưa, và đã đặt nặng Thiên Chúa hơn bản thân mình, và ý của Ngài hơn ý của mình chưa.

Rất nhiều Kitô hữu khi cầu nguyện chỉ biết quan tâm đến bản thân mình, chỉ nghĩ đến nhu cầu của mình, đến những đau khổ, thiếu thốn, đến những gì họ đang bận tâm, và họ xin Thiên Chúa đủ điều liên quan đến bản thân họ. Xin mà chưa thấy được ban thì xin nữa, cứ nhắc đi nhắc lại mãi, làm như Chúa là người hay quên, không nhớ được những gì họ đã cầu xin những lần trước đó. Hoặc làm như Thiên Chúa giống như ông quan tòa bất chính nọ (x. Lc 18,1-5), người ta cứ phải quấy rầy ông cho thật nhiều thì ông mới chịu ra tay cứu giúp. Họ chỉ quan tâm tới bản thân họ, chứ không quan tâm đến Thiên Chúa, đến những gì Ngài đang muốn họ làm, đang trông chờ nơi họ. Chính khi cầu nguyện, họ tỏ ra ích kỷ và vụ lợi hơn lúc nào hết, họ tỏ ra họ chẳng hề từ bỏ mình chút nào. Họ coi bản thân họ mới là quan trọng, còn Thiên Chúa chỉ là người để họ cầu cạnh, là một phương tiện để thỏa mãn những nhu cầu của họ. Nếu có ca tụng Ngài thì dường như đó chỉ như một hình thức ngoại giao cần có để lấy lòng hầu dễ được thỏa mãn những điều mình xin.

Ta thử tự đặt mình là một người cha hay một ông chủ: nếu con cái hay tôi tớ của ta chỉ biết xin xỏ ta những điều chúng cần, mà không quan tâm gì đến những điều ta yêu cầu chúng, đến những gì ta muốn chúng làm, thì ta sẽ đối xử với chúng thế nào? Ta có cho rằng chúng tin tưởng vững chắc vào lòng tốt và sự quan tâm của ta đối với chúng (để ghi nhớ những điều chúng đã xin), khi mà chúng cứ phải nhắc đi nhắc lại điều chúng muốn xin, nhất là khi ta cảm thấy chưa thuận tiện để thỏa mãn yêu cầu của chúng?

Thử hỏi những Kitô hữu như thế đã là môn đệ đích thực của Chúa chưa? hay mới chỉ là những người mong cầu cạnh và lợi dụng lòng tốt của Ngài thôi? Do đó, không thể căn cứ vào những gì người ta làm bên ngoài để đánh giá họ là môn đệ Chúa được. Tương tự như «Người Do Thái chính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài» (Rm 2,28a); mà «Người Do Thái chính hiệu là người Do Thái tận đáy lòng» (Rm 2,29a).

3. «Làm phép rửa cho họ»

Nhiều nhà truyền giáo cảm thấy rất hài lòng khi làm cho thật nhiều người chịu phép rửa tội, một nghi thức bên ngoài ai cũng thấy được. Nhưng có thật sự là họ đã được rửa tội không? Vì thánh Phaolô nói: «Phép cắt bì chính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài, nơi thân xác» (Rm 2,28b); «Phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật chứ không phải theo chữ viết của Lề Luật» (Rm 2,29b). Những câu trên cũng có thể áp dụng cho phép rửa. Phải chăng có nhiều trường hợp ta mới chỉ giúp họ chịu phép rửa bề ngoài (tức không chính hiệu) chứ chưa phải phép rửa trong tâm hồn (tức chính hiệu)? Chỉ có phép rửa được thực hiện ở bên trong, mới là phép rửa chính hiệu hay đích thực, biến người ta nên «con người mới» (Ep 4,24; Cl 3,10), «thụ tạo mới» (2Cr 5,17; Gl 6,15), với một «đời sống mới» (Rm 6,4; 8,11) và «tinh thần mới» (Rm 7,6).

Cốt yếu của phép rửa nằm ở chỗ «được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên» (Ga 3,3), nghĩa là «sinh lại» hay «tái sinh», chứ không phải ở cái hình thức bên ngoài là đổ nước ở trên đầu. Việc đổ nước ấy chỉ là dấu chỉ bên ngoài cho một cái gì phải xẩy ra ở bên trong. Nếu không có cái gì xảy ra ở bên trong, thì dấu chỉ bên ngoài ấy chẳng có ý nghĩa và giá trị gì cả. Ta thấy cả đời Đức Giêsu có rửa tội kiểu đổ nước trên đầu cho ai đâu, nhưng thật ra Ngài đã rửa tội cho không biết bao nhiêu người, mà người cuối cùng trong cuộc đời sinh tiền của Ngài là tên trộm lành. Ai được Ngài rửa tội theo kiểu tâm linh ấy thì cũng đều được biến đổi sâu xa từ bên trong, nghĩa là được «tái sinh» để trở nên «con người mới». Đây mới chính là điều chính yếu của phép rửa, thiếu cái chính yếu này thì không còn là phép rửa nữa. Nói thế không có nghĩa là chúng ta không cần tới nghi thức rửa tội bên ngoài nữa, nhưng thiết tưởng chúng ta cần phải biết điều chính yếu nằm chỗ nào. Nghi thức rửa tội là cần thiết (indispensable) nhưng không phải là chính yếu (essential). Cái chính yếu là cái mà thiếu nó thì tất cả những cái khác, dù cần thiết tới đâu, cũng đều vô ích và vô nghĩa.

Thử nhìn lại việc truyền giáo trong quá khứ, có phải nhiều khi chúng ta chỉ nhắm tới và cảm thấy thỏa mãn với thứ phép rửa bề ngoài mà thôi chăng? Phép rửa bề ngoài là thứ phép rửa chỉ có tác động tâm lý tự nhiên, chỉ làm thay đổi con người một cách hời hợt, tạm thời, không có gì sâu xa bên trong cả.

4. «Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền»

Tuân giữ lệnh truyền của Đức Giêsu là điều quan trọng nhất để trở thành môn đệ Ngài: «Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy» (Ga 14,23). Nhưng lệnh truyền của Ngài là gì? – «Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau» (Ga 15,17); thậm chí chỉ cần «yêu thương là đã chu toàn Lề Luật» của Ngài rồi (Rm 13,10; Gl 6,2). Và đó cũng chính là dấu chỉ bảo đảm nhất chứng tỏ ta là môn đệ của Ngài: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,35).

Điều cuối cùng trong những điều cuối cùng mà Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ Ngài trước khi Ngài về trời là: hãy «dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em» (Mt 28,20). Và Đức Giêsu đã coi việc yêu thương nhau là điều chính yếu nhất trong lệnh truyền của Ngài. Nhưng dường như nhiều nhà truyền giáo hay giáo lý viên lại nhấn mạnh vào những điểm khác đã từng bị Đức Giêsu coi là kém quan trọng hơn, chẳng hạn: những nghi thức tôn giáo (x. Mt 5,23-24; 9,13), những tập tục truyền thống (x. Mt 15,2), những luật lệ khác (x. Ga 9,16)… Thiết tưởng khi rao truyền Tin Mừng, chúng ta cần phải nắm vững sứ điệp của Đức Giêsu và truyền đạt cho mọi người đúng ý của Ngài, phải coi là chính yếu những gì Ngài cho là chính yếu. Đừng coi những điều chính yếu là phụ thuộc, và coi những điều phụ thuộc là chính yếu (x. Mt 23,16-19.23).

Ba điều trong đại lệnh của Đức Giêsu là «làm cho muôn dân trở thành môn đệ», «làm phép rửa cho họ», và «dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em» thực ra chỉ là một điều duy nhất. Làm được điều này thì cũng chính là đã làm được những điều kia. Thật vậy, «làm cho muôn dân trở thành môn đệ», chính là làm cho họ «tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền», và một khi làm được như thế tức là đã làm cho họ «tái sinh», «sống theo Thần Khí», trở nên «con người mới», thì đó cũng chính là «làm phép rửa cho họ» rồi.




_______________________________________________________________________