3.8.09

TÌNH YÊU “YÊU ĐẾN TẬN CÙNG
CỦA CHÚA GIÊSU


Yêu đến tận cùng

Trái tim là biểu tượng của tình yêu. Tháng 6 này là tháng đặc biệt tôn kính Thánh Tâm hay Trái Tim Chúa Giêsu. Nghĩa là tháng này là dịp để chúng ta suy niệm hay chiêm ngắm tình yêu của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và cách riêng đối với mỗi người chúng ta.

Nói về tình yêu của Chúa Giêsu, Tin Mừng Gioan viết: “Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).

Tình yêu của Chúa Giêsu là thứ tình yêu “yêu đến cùng”, nghĩa là yêu thương đến mức độ tận cùng, không ai có thể yêu thương hơn thế được. Và dấu chỉ hữu hình của tình yêu thương ấy chính là cái chết nhục nhã và thê thảm trên thập giá. Đã chết rồi mà Ngài vẫn tiếp tục tỏ tình yêu thương: việc “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34) là một biểu tượng rất hùng hồn và đầy ý nghĩa cho thứ tình yêu “yêu đến cùng” của Ngài. Khi vừa mới chết, Ngài hầu như đã đổ hết máu của mình ra, chỉ còn một ít máu còn đọng lại trong tim không thể chảy ra được thì Ngài cũng đổ ra cho bằng hết nhờ lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn Ngài.

Yêu ai?

a) Yêu mọi người

Ngài yêu đến tận cùng, nhưng yêu ai? Đoạn Tin Mừng Ga 13,1 nêu trên cho biết: Ngài “yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian”. Những kẻ thuộc về Ngài còn ở trần gian là những ai?

Trước hết là các tông đồ, những môn đệ rất thân tín của Ngài. Kế đến là những Kitô hữu, cũng là những môn đệ của Ngài tiếp nối các tông đồ qua dòng thời gian. Nhưng không chỉ có thế, Ngài đến trần gian là để cứu cả nhân loại, vì tất cả mọi người đều là anh em con của một Cha Chung trên trời, cũng là Cha của Ngài. Ngài chính là Anh Cả của cả một đàn em đông đảo là cả nhân loại. Vì thế, mọi người trên trần gian, dù nhân lành hay độc ác, thánh thiện hay tội lỗi, đều là em con cùng một Cha với Ngài. Vì thế, tất cả mọi người đều là những kẻ thuộc về Ngài mà Ngài yêu thương đến cùng. Ngài đến trần gian vì tất cả mọi người. Tuy nhiên, Ngài đến vì những người tội lỗi, độc ác, sống xa hoặc quên lãng, không biết đến Thiên Chúa hơn là vì những người tốt lành, thánh thiện, thường xuyên nghĩ tới Thiên Chúa. Thật vậy, Ngài nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13; xem thêm Lc 15,7).

b) Yêu Chúa Cha

Nhưng đối tượng căn bản nhất mà Ngài yêu thương chính là Thiên Chúa, hay Chúa Cha, là Cha Ngài. Chúa Cha và Ngài cùng với Thánh Thần đều là Thiên Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, nên Ba Ngôi phải yêu thương nhau vô hạn. Tình yêu giữa Ba Ngôi với nhau chính là nguồn mạch cho mọi tình yêu trên trần thế. Do đó, tình yêu căn bản nhất của Chúa Giêsu là tình yêu đối với Cha Ngài.

Hai tình yêu ấy chỉ là một

Nơi Chúa Giêsu, yêu Chúa Cha và thương mọi người chỉ là một tình yêu duy nhất. Tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha được thể hiện cụ thể thành tình yêu đối với nhân loại. Yêu nhân loại và hy sinh đến tận cùng cho mọi người ở trần gian là cách Ngài thể hiện tình yêu thương của Ngài đối với Chúa Cha. Việc Ngài chết trên thập giá có hai ý nghĩa và hai mục đích không tách rời nhau, tương tự như hai mặt của một tờ giấy duy nhất: đó là cứu chuộc nhân loại và thờ phượng Thiên Chúa. Ngài thờ phượng Thiên Chúa bằng cách cứu chuộc nhân loại. Hành động đến trần gian rao giảng Tin Mừng và chịu chết để cứu chuộc nhân loại của Ngài chính là hành vi thờ phượng và yêu mến Thiên Chúa một cách tuyệt hảo nhất.

Thời Cựu ước, hai giới luật “mến Chúa và yêu người” có vẻ là hai giới luật tách rời nhau đến nỗi người ta nghĩ rằng có thể mến Chúa mà không yêu người, hoặc yêu người mà không mến Chúa. Nhưng Chúa Giêsu là người tổng hợp hai tình yêu ấy lại thành một tình yêu duy nhất: mến Chúa thì phải yêu người, và chính khi yêu người là mình mến Chúa. Do đó, đối với con người, cách yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa làm đẹp lòng Ngài nhất chính là yêu thương và hy sinh cho tha nhân. Không thể có sự yêu mến hay thờ phượng Thiên Chúa đúng đắn tách biệt với việc yêu thương và hy sinh cho tha nhân. Cũng như không thể có tình yêu đối với tha nhân đúng nghĩa tách biệt với việc yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa. Rất tiếc nhiều người Kitô hữu thời nay vẫn quan niệm và hành xử như hai thứ tình yêu – yêu Chúa và yêu người – có thể tách rời nhau, nghĩa là có thể mến Chúa mà không yêu người, hay yêu người mà không mến Chúa.

***

Thiết tưởng trong tháng kính Thánh Tâm này, khi suy niệm về tình yêu của Chúa Giêsu, ta cần bắt chước cách yêu thương của Ngài. Đó là kết hợp hai giới luật của Cựu ước thành một giới luật duy nhất, là: “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22,37) bằng cách “yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39).


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________