3.8.09

Người Kitô hữu
cần sống tinh thần chia sẻ


1. Chúng ta chỉ là những người quản lý những gì chúng ta có

Tất cả những gì chúng ta đang có trong tay, dù là vật chất hay tinh thần (đức độ, tài năng, chức quyền, địa vị, hay của cải, tiền bạc, v.v…) cũng đều do Thiên Chúa ban. Ngài muốn chúng ta tạm thời quản lý để làm những việc ích lợi cho Thiên Chúa và tha nhân, tức làm lợi cho Nước Trời. Chúng không phải là của ta, vì nếu chúng thật sự là của ta, thì chúng cũng phải theo ta về đời sau. Nhưng trong thực tế, khi lìa cuộc đời, ta phải để lại tất cả cho người khác. Do đó, xét cho cùng, chúng ta chỉ là những người quản lý tạm thời những gì chúng ta đang có, và phải sử dụng chúng theo ý muốn của người chủ đích thực của chúng là Thiên Chúa. Và chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về cách chúng ta quản lý chúng. Người quản lý nào không sử dụng của cải tiền bạc của chủ đúng theo ý chủ, nghĩa là không làm lợi cho chủ mà chỉ làm lợi cho mình, sẽ bị đuổi việc hoặc phải chịu trách nhiệm về cách quản lý sai trái ấy.

Để nói lên chân lý ấy, Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn «ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó» (Lc 16,19-31), trong đó, người phú hộ bị hình phạt dưới âm phủ, chịu lửa thiêu đốt và khát cháy cổ. Ông chịu hình phạt đó không phải vì phạm một tội ác nào (trong dụ ngôn này, Đức Giêsu không hề nói ông đã phạm một tội tích cực nào), mà chỉ vì sử dụng của cải Thiên Chúa ban để ích lợi duy nhất cho một mình mình hay gia đình mình. Dụ ngôn kể: ông nhà giàu «mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình», bỏ mặc người nghèo ở ngay trước cổng nhà mình «sống chết mặc bay!», phải chịu «mụn nhọt đầy mình», «mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta», «thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no» mà không hẳn được ai cho. Người phú hộ ấy – cũng như biết bao người giàu có khác – nghĩ rằng những gì mình đang có trong tay là của mình, mình muốn sử dụng hay hưởng thụ thế nào, cho ai hay không cho ai là tùy ý mình. Ông ta nghĩ rằng ông hoàn toàn vô tội khi không làm thiệt hại gì ai. Đối với những người nghèo khổ đến với ông, ông nghĩ ông có quyền không cho, và làm như thế ông không có lỗi gì với họ cả: ông có làm gì khiến họ bị thiệt hại đâu!

Nhưng việc ông phải chịu phạt dưới âm phủ chứng tỏ cách suy nghĩ như thế là hoàn toàn sai lầm. Ông không có hành động tích cực hay cụ thể nào gây bất công cho ai. Ông chỉ dùng của cải Thiên Chúa ban để hưởng thụ một mình mình, hay một mình gia đình mình, đồng thời làm ngơ hoặc không đếm xỉa gì đến những đau khổ của những người nghèo túng, bị áp bức chung quanh mình. Hành động như thế ông tưởng rằng không có tội, không gây bất công, nhưng thật ra trước mặt Thiên Chúa, ông đã phạm một tội bất công rất nặng, xứng đáng bị phạt như vậy. Vì tiền bạc của cải ông có, thật ra đâu phải là của ông khiến ông có toàn quyền sử dụng theo ý mình. Ông chỉ là người quản lý, và ông phải quản lý làm sao để chứng tỏ ông có tình thương, để làm lợi cho Nước Trời, là thứ xã hội lý tưởng trong đó mọi người luôn yêu thương nhau. Có thế ông mới xứng đáng được hưởng hạnh phúc trong Nước Trời, vốn chỉ dành cho những con người có tình yêu thương thật sự. Theo bài Tin Mừng về ngày phán xét cuối cùng (Mt 25,3146), rất nhiều người chẳng phạm một tội ác nào tích cực, thế mà chẳng thể vào được Nước Trời chỉ vì, như Chúa nói: «xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng» (Mt 25,4243).

2. Của cải vật chất trên nguyên tắc là để mọi người hưởng dùng

Thiên Chúa tạo dựng nên của cải vật chất trên thế gian là cho tất cả mọi người hưởng dùng. Nhưng vì các cơ chế xã hội còn bất toàn, nên sự phân phối của cải chưa hợp lý, khiến cho xã hội còn nhiều bất công: «kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra». Do đó, để sửa chữa hay giảm bớt bất công trong xã hội, những ai được cơ chế xã hội ưu đãi khiến mình giàu có hơn người, dù là giàu có một cách rất hợp pháp, phải biết chia sẻ cho những người nghèo khổ hơn mình, nhất là những người gặp cảnh cùng quẫn. Đó là nghĩa vụ mà lương tâm tự nhiên của con người đòi hỏi, không cần phải nại đến luân lý Kitô giáo. Cổ nhân ta có những câu như «Lá lành đùm lá rách», «Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn», «Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng». Việc xây dựng một xã hội công bằng, trong đó của cải được phân chia hợp lý, hay việc chống bất công, cũng là nghĩa vụ của mọi người, nhất là những người được Thiên Chúa ban cho nhiều khả năng làm việc ấy một cách hữu hiệu (những người có tài năng, chức quyền, có địa vị trong xã hội và Giáo Hội…)

Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa công bằng và yêu thương, Ngài đã cho Con Một Ngài xuống thế để loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa hay Nước Trời và khởi đầu xây dựng nước ấy, trước hết tại trần gian, và sau đó là trên trời. Nước Trời là một xã hội hay Giáo Hội lý tưởng, trong đó mọi người đều đối xử với nhau không chỉ hợp với lẽ công bằng, mà còn phải đầy tình yêu thương nữa. Những người ích kỷ, chỉ biết hạnh phúc một mình, đầy đủ một mình, những người chủ trương ai chết mặc ai, ai khổ mặc ai, không thể là đối tượng của Nước Trời. Vì thế, những người theo Ngài, tức các Kitô hữu, có nhiệm vụ tiếp nối công việc của Ngài là làm chứng và xây dựng cho Nước Trời. Làm chứng là chính mình sống đúng tinh thần công bằng và yêu thương của Nước Trời ngay trong chính môi trường mình đang sống. Xây dựng là làm sao để trong môi trường mình sống ngày càng có nhiều người sống tinh thần ấy. Thiết tưởng mọi Kitô hữu cần ý thức và quan tâm tới chiều kích xã hội và giáo hội này.

3. Những người giàu có, hạnh phúc,
cần quan tâm giúp đỡ và chia sẻ với người nghèo túng, đau khổ

Qua bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy Thiên Chúa không chấp nhận cho vào Nước Trời những người sống ích kỷ, không biết yêu thương, những người lãnh đạm hoặc làm ngơ trước những đau khổ, thế cùng quẫn, tình trạng bị áp bức, bóc lột mà những người chung quanh ta đang phải gánh chịu một cách bất công. Vì thế, một cách cụ thể, chúng ta cần biết chia sẻ, giúp đỡ họ, và phải làm một cái gì đó khi có thể. Nếu chúng ta có tình yêu đích thực, tình yêu ấy ắt sẽ khiến chúng ta bức xúc và không thể im lặng hay bất động trước những đau khổ người khác đang phải chịu trước mắt mình. Tình yêu đích thực không cho phép chúng ta hành động như anh nhà giàu trong bài Tin Mừng hôm nay, an tâm «mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình» trong ngôi nhà khang trang đầy tiện nghi, không thèm đếm xỉa đến nỗi cùng quẫn của những «Ladarô, mụn nhọt đầy mình, thèm được những thứ trên bàn ăn rớt xuống mà ăn cho no» đang nằm trước cổng nhà mình. Tình yêu đích thực không cho phép chúng ta khoanh tay ngồi nhìn những kẻ ác tự do gây bất công cho những kẻ thế cô, khi mà chúng ta có thể dùng tài năng hay địa vị của chúng ta để can thiệp.

Chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về những gì Thiên Chúa ban mà chúng ta lại không sử dụng để làm lợi cho Ngài và tha nhân. Dụ ngôn về nén bạc cho chúng ta biết điều ấy (xem Mt 25,1430; Lc 19,1227): Kẻ nào đem chôn nén bạc Chúa trao, dù chỉ là một nén, mà không sinh lợi ích cho Ngài, thì sẽ Ngài bị kết án: «Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 25,30). Do đó, chúng ta không thể tự hào mình vô tội chỉ vì mình không hề làm điều gì bất công. Coi chừng chúng ta là kẻ tội lỗi đáng kết án chỉ vì đã không làm những gì lương tâm và tình yêu thương đòi buộc phải làm, dù bởi lười biếng hay hèn nhát…


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________