30.7.08

Góp ý cho cuốn
Văn hóa Tâm linh
của Nguyễn đăng Duy


Nguyễn Chính Kết

T
ôi có mấy người bạn, sau khi đọc cuốn Văn hóa Tâm linh của tác giả Nguyễn đăng Duy (1*), họ cảm thấy không hài lòng về chương 7 của tác giả nói về Tâm linh trong Thiên Chúa giáo, bèn giới thiệu cho tôi. Với tư cách là người Thiên Chúa giáo, tôi xin được góp ý với tác giả về một vài điểm trong chương này.

Khi đọc toàn cuốn sách, tôi rất tâm đắc với một số quan điểm của tác giả. Trước hết, trong một thể chế chủ trương vô thần như thể chế hiện nay của nước ta, tôi thấy rất cần thiết phải có một cuốn sách như cuốn của tác giả, trình bày về những hiện tượng tâm linh, tôn giáo bằng thứ ngôn ngữ phi tôn giáo, để người vô thần hay không tôn giáo có thể hiểu được phần nào các tôn giáo, hầu có một cái nhìn hiểu biết và cảm thông về những hiện tượng và nhu cầu tâm linh hay tôn giáo vốn có nơi đa số đồng bào trong nước. Những nỗ lực như thế thật đáng quí.

Thật vậy, nhu cầu tâm linh được thể hiện ra hoặc thành một thứ tín ngưỡng nào đó, hoặc thành tôn giáo có tính tổ chức và xã hội hơn, đã tồn tại hàng nghìn năm nay, không phải chỉ tại đất nước ta, mà toàn thể thế giới. Như thế, có thể nói hiện tượng tâm linh là một hiện tượng rất tự nhiên dường như gắn liền với bản chất của con người. Nhu cầu tâm linh quả là một nhu cầu chính đáng và sâu xa cần được thỏa mãn. Và những tổ chức về tâm linh tôn giáo đã từng đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng đất nước và duy trì trật tự an ninh trong xã hội. Nhưng trước đây, có một thời gian hầu như mọi hiện tượng tâm linh hay tôn giáo đều bị coi là cùng một giuộc với mê tín dị đoan và cần phải bài trừ.

Tuy nhiên, trong phần viết về Thiên Chúa giáo, tôi nhận thấy có một số điểm mà tôi không thể đồng ý với tác giả. Và với tư cách là một người sống đạo Thiên Chúa giáo từ hồi nhỏ và được học hỏi khá nhiều về tôn giáo của mình, tôi xin được chân thành góp ý với tác giả. Sở dĩ tôi mạnh bạo và an tâm làm điều này, vì tôi thấy tác giả là người rất chân thành, khiêm nhường, dễ thương, và rất dễ chiếm cảm tình người đọc. Điều này mọi người có thể đọc thấy trong lời nói đầu của tác giả: «Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu giảng dậy về văn hóa học của mình, đồng thời được trợ cấp kinh phí khiêm tốn qua quỹ nghiên cứu khoa học của Nhà Nước, cuốn sách được ra mắt bạn đọc (…) Đây là những vấn đề thuộc về quá khứ lịch sử, nhưng lại mới mẻ về khía cạnh tâm linh. Nhưng vấn đề không dễ dàng thỏa mãn bạn đọc. Chắc chắn cuốn sách còn nhiều khiếm khuyết mong được các bạn độc giả gần xa góp ý» (Trang 9-10). Ngay cả nhà xuất bản cuốn sách này cũng nhìn nhận: «Tâm linh, văn hóa tâm linh là một đề tài bao quát rất rộng, lại đòi hỏi phải có nhiều hiểu biết sâu sắc về các lãnh vực tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo trong khi điều kiện nghiên cứu không mấy dễ dàng. Vậy nên, nếu gặp phải những nhận định, những lời giải thích gượng ép, khiên cưỡng, kính xin quí độc giả lượng thứ và thân tình chỉ bảo» (Trang 6).

Thật ra, muốn hiểu cho đúng một tôn giáo, ta vừa phải đứng ở ngoài tôn giáo ấy, mà còn phải đứng ở bên trong tôn giáo ấy nữa. Nếu chỉ đứng ở ngoài để nhìn vào tôn giáo của người khác, thì ta chỉ có thể có một cái nhìn khách quan và tổng quan. Nếu chỉ đứng ở trong để tự nhìn về tôn giáo của mình, thì rất có thể ta chỉ có được một cái nhìn chủ quan, tuy rất chi tiết và chính xác về tôn giáo ấy. Để viết một cuốn sách về tôn giáo cho có giá trị, cần phải có cả hai cái nhìn cùng một lúc.

Thật vậy, tôn giáo là một hệ thống khép kín, khiến người ta chỉ có thể hiểu thật đúng một tôn giáo khi người ta thật sự sống trong niềm tin tôn giáo ấy. Vả lại, tôn giáo là một thực tại để sống, để cảm nghiệm, chứ không phải để hiểu biết. Chỉ sau khi sống và cảm nghiệm chính tôn giáo ấy, ta mới có thể trình bày nó một cách tương đối thấu suốt. Cũng như nếu ta trình bày về trái sầu riêng với những kiến thức ta biết về nó qua sách vở, trong khi miệng ta chưa bao giờ được nếm thử, mắt ta chưa được nhìn thấy, tay ta chưa được rờ vào, thì việc trình bày của ta rất có thể có nhiều thiếu sót và sai lầm, mà một người đã từng cảm nghiệm về trái sầu riêng có thể nhận ra ngay.

Cũng tương tự, nếu tôi là người Kitô giáo, chưa từng sống đạo Phật bao giờ, mà tôi lại viết về Phật giáo dựa trên những sách vở tôi đọc được, chắc chắn sẽ có những điểm sai mà người Phật giáo thuần thành nhận ra ngay. Cũng vậy, tác giả cuốn «Văn hóa Tâm linh» không phải là người Kitô giáo, nên khi viết về Kitô giáo có đôi chỗ không đúng là chuyện dễ hiểu, mặc dù tác giả đã cố gắng tôn trọng sự thật và giữ sự khách quan. Sau đây tôi xin góp ý xây dựng về những điểm chưa được đúng, theo như yêu cầu của tác giả.

Phần góp ý xây dựng

1/ Một số vấn đề liên quan đến giáo lý

Trang 265, đoạn 1: Tác giả viết: «Chúa trời hay trời tiếng anh là Chrit, phiên âm ra tiếng Việt là Kitô, tiếng Hán là Giatô». Thực ra, Chúa trời hay Thiên Chúa tiếng Anh là God, còn chữ Christ (chứ không phải Chrit) (2*) là danh hiệu mà người Kitô giáo dùng để gọi Đức Giêsu (3*). Chữ Christ, có nguồn gốc Hy Lạp là từ Christos, dịch từ tiếng Do Thái là Mashìah, có nghĩa gốc là «Đấng được xức dầu», và nghĩa thường hiểu là «được tuyển chọn và tôn phong». Trước thời Đức Giêsu, từ Mashìah thường được dùng để chỉ các vị vua của Do Thái, nhưng về sau trong Kitô giáo, từ này để chỉ về Đức Giêsu.

Cũng trong đoạn đó, tác giả viết: «Thiên Chúa giáo rất chú trọng tính cộng đồng, cộng đoàn của các giáo hữu, nên cũng gọi là Công giáo». Phần đầu của câu này, tác giả nói đúng. Nhưng Công Giáo chỉ là một giáo phái lớn nhất của Thiên Chúa giáo, chứ không phải Thiên Chúa giáo được gọi là Công giáo. Trong Thiên Chúa giáo hay Kitô giáo còn có nhiều giáo phái khác như Tin Lành, Chính Thống, v.v… Còn chữ Công giáo (4*), ý nghĩa của nó là: được phổ biến cho tất cả mọi người không phân biệt mầu da, chủng tộc, trình độ, nền văn hóa, không dành riêng cho một loại người hay một giai cấp nào.

Về vấn đề Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ (trang 266) : Tác giả tóm lược một cách ngắn gọn và trung thực trình thuật của sách Sáng Thế nói về Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong 7 ngày. Bản tường thuật trên là một cách diễn tả chân lý «vũ trụ có được là do Thiên Chúa tạo dựng» được viết ra cho dân Do Thái cách đây mấy ngàn năm vốn cần những hình ảnh cụ thể để dễ nhớ. Đó là một bản tường thuật mang rất nhiều tính biểu tượng, không thể được coi như một bản tường thuật những sự kiện có thật. Hiện nay, nơi người Công giáo, chỉ các trẻ em hoặc những người rất bình dân mới coi những tình tiết trong bài tường thuật này như những sự kiện có thật. Do đó, nó không hoàn toàn nằm trong hệ thống tín lý của đạo Công giáo, vì không người Công giáo nào bị buộc phải tin câu chuyện trong sách Sáng Thế với những tình tiết cụ thể trong đó là sự thật cả, nhưng điều mọi người Công giáo phải tin là vũ trụ này do chính Thiên Chúa tạo nên.

Đoạn cuối trang 266 sang đầu trang 267, tác giả nói rất đúng về sự cần thiết phải có sự mặc khải của Thiên Chúa thì con người mới có thể biết được những chân lý cao siêu vượt khỏi khả năng tìm kiếm và suy lường của con người. Hoặc con người cần phải được Thiên Chúa soi sáng mới có thể hiểu đúng những điều mà Ngài mặc khải ấy.

Nhưng cuối đoạn này, tác giả cho rằng «con người chỉ có làm điều thiện, thì khi chết linh hồn sẽ được lên thiên đàng sống cùng với Chúa, nếu không phải đầy xuống địa ngục». Nói như thế chỉ đúng một cách chung chung thôi. Thực ra, theo quan điểm người Công giáo, vấn đề không phải chỉ là làm thiện tránh ác, mà còn phải có tình yêu, lòng khiêm nhường, tính vị tha quên mình khi làm những điều ấy nữa (5*). Chính những yếu tố tinh thần này mới là quan trọng, quyết định giá trị của việc làm (6*). Theo quan niệm của người Công giáo, hiện nay trên thiên đàng không thiếu những người ở đời đã từng làm nhiều điều ác, nhưng họ đã thực tình cải hối (7*), và ở dưới hỏa ngục cũng không thiếu những người suốt đời được mang tiếng là nhân đức, làm nhiều việc lành, và không dám làm điều ác, nhưng nhân đức của họ là thứ nhân đức thiếu tình thương, và việc lành của họ chỉ là cớ để họ lên mặt coi thường người khác (8*).

Trang 267, tác giả nói đến tín lý về Chúa Ba Ngôi: «Chúa Ba Ngôi: 1- Thiên Chúa,2- Chúa giáng sinh là Đức Jêsu và 3- Các thánh thần. Ngôi một là cha, ngôi hai là con, ngôi ba là các thánh thần». Trong câu này tác giả nói gần đúng, chỉ có điều là tác giả không phân biệt giữa «Chúa Thánh Thần» và «các thánh thần». Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên vũ trụ vạn vật trong đó có «các thánh thần». «Các thánh thần» là danh từ chung để chỉ các vị thánh và các vị thiên thần. Các thánh trước đây là những con người tốt lành được Thiên Chúa vinh thưởng hạnh phúc vĩnh cửu, còn các thiên thần là một giống loài thiêng liêng (tức vô hình dưới mắt xác thịt của loài người) được Thiên Chúa tạo dựng trước khi tạo dựng con người. Về sau, các thiên thần một số vì kiêu ngạo nên phản nghịch với Thiên Chúa nên trở thành ma quỉ và bị phạt trong hỏa ngục, chúng luôn luôn tìm cách làm hại con người. Còn những thiên thần trung thành thì được Thiên Chúa cho hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cùng với Ngài.

Một trong những điều tôi rất thích thú khi đọc bài của tác giả là đoạn nói về bí tích giải hòa mà tác giả gọi là «bí tích về xưng tội». Tác giả viết: «Các linh mục lúc ấy không phải là quan tòa, mà đơn thuần đại diện cho lòng nhân từ của Chúa. Những linh mục chân chính bao giờ cũng tuyệt đối giữ bí mật những tội lỗi của con chiên». Thật là một hình ảnh đẹp, lý tưởng và rất đúng về các linh mục Công giáo khi giải tội cho con chiên bổn đạo. Chính những câu như thế này chứng tỏ rằng tác giả có một tâm hồn trung thực, cố gắng khách quan, cho dẫu có những điểm mà nhiều độc giả Công giáo không đồng ý.

2/ Một số vấn đề liên quan đến quan điểm:

Một vấn đề tác giả đặt ra ở trang 271 là «làm sao với một bề dầy trên 4 thế kỷ truyền đạo, lại có gần 100 năm (1858–1945) được người Pháp thống trị nước ta nâng đỡ, mà Thiên Chúa giáo không trở thành một tôn giáo rộng rãi như Phật giáo. Cũng như ở Trung quốc, sau 10 thế kỷ truyền đạo, đến năm 1950 mới có 3 triệu tín đồ Thiên Chúa giáo». Để giải đáp vấn đề trên, tác giả đưa ra 4 ý kiến:

1. Vấn đề tạo biểu tượng thiêng liêng thánh thần: trong trang 271–273, tác giả cho rằng người Việt đã quen với cách tư duy theo kiểu âm dương ngũ hành, tuy khó hiểu khó lý giải, nhưng rất gần gũi với những điều xảy ra chung quanh họ: «hết đêm lại ngày, hết nắng lại mưa, hết nóng đến lạnh, đực cái giao duyên sinh sôi nảy nở», khiến họ dễ dàng thấm sâu nguyên lý âm dương. Điều thiêng liêng được xây dựng vững chắc trên những thực tế đó. «Nay Thiên Chúa giáo vào, với cách lý giải Thiên Chúa tạo ra trời đất, con người, muôn vật, không gian, thời gian như đã trình bày trên, thấy đơn giản quá. Nhất là Chúa tạo ra con người từ bụi đất, rồi hà hơi cho thành người sống được, thì quen lối tư duy huyền học phương Đông, cách tạo ra con người trên đây không dễ dàng gì chấp nhận. Đã là tôn giáo thì phải có biểu tượng thiêng liêng làm ngọn cờ tập hợp. Nhưng nếu biểu tượng đó cụ thể quá, dễ hiểu quá thì sự thiêng liêng tập hợp không dễ thuyết phục. Sự tạo ra biểu tượng thiêng liêng Gia Tô giáo, «Đó là con người trừu tượng hóa thần thánh từ nền kinh tế hàng hóa cổ đại, được tư duy nguyên thủy khoác cho cái áo thần linh. Và sau đó được các nhà thần học Thiên Chúa giáo chuyển vào một thứ ngôn ngữ huyền diệu mà thành người – Chúa»».

Thực ra, đó là cách nhìn vấn đề của tác giả, cách nhìn đó đương nhiên có những cái hợp lý và có phần đúng của nó. Một số nhà thần học Kitô giáo hiện nay cũng có cái nhìn ít nhiều tương đồng với cách nhìn của tác giả.

Chẳng hạn theo các nhà thần học Á châu, như Aloysius Pieris, Raymond Panikkar… thì cách diễn tả sứ điệp Kitô giáo tại Á châu từ xưa đến nay mang đậm tính cách văn hóa Tây Phương hơn Đông Phương, nên có vẻ xa lạ với người Á châu. Do đó, Kitô giáo tại Á châu vẫn bị coi là một tôn giáo của Tây Phương, mà thực ra Kitô giáo phát xuất từ Do Thái, thuộc Á châu, nên sứ điệp Kitô giáo nguyên thủy mang đậm sắc thái văn hóa Á châu (9*). Nhưng Kitô giáo trước tiên được truyền sang Tây Phương, và được diễn tả theo cung cách văn hóa Tây Phương. Và rất tiếc là khi Kitô giáo được truyền trở lại vào Đông Phương, thì những nhà truyền đạo Tây Phương lại trình bày sứ điệp đó theo cung cách văn hóa của mình.

Thực ra, các vị lãnh đạo Giáo Hội thời đó cũng rất ý thức vấn đề phải rao giảng sứ điệp Kitô giáo một cách thích ứng với nền văn hóa địa phương, nhưng phải nói rằng thời đó người ta chưa ý thức được sự khác biệt về văn hóa giữa Đông Phương và Tây Phương như ngày nay. Một số nhà truyền giáo đã rất ý thức vấn đề này và đã cố gắng hết sức để rao giảng sứ điệp một cách thích ứng với người Đông Phương, nhưng số người đó không phải là nhiều, nên sự thích ứng cách chung phải nói là rất giới hạn. Và đó cũng là một lý do quan trọng khiến cho Kitô giáo không phát triển lắm tại Á châu.

Về sau, Công Đồng Vatican II (năm 1963) cũng như Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu (năm 1998) đã đặt rất nặng vấn đề hội nhập văn hóa này.

Tuy nhiên, cách diễn tả hay lý giải về Thiên Chúa là thuộc về vấn đề thần học chứ không phải là thuộc sứ điệp. Sứ điệp Kitô giáo hay đức tin Kitô giáo chỉ có một, nhưng có nhiều cách diễn tả hay lý giải sứ điệp hay đức tin ấy mà người ta gọi là thần học. Cách diễn tả, lý giải, hay thần học ấy còn tùy thuộc vào nền văn hóa của từng nơi từng thời. Do đó, có nhiều thần học khác nhau, chẳng hạn:

- theo không gian: thần học Tây Phương, thần học Á châu, thần học Mỹ châu Latinh, thần học Da Đen, thần học Ấn độ…

- theo thời gian: thần học Thượng cổ, thần học Trung cổ, thần học Hiện đại…

- theo khuynh hướng của mỗi thần học gia: thần học Phaolô, thần học các Giáo phụ, thần học Tôma, thần học Âu Tinh, thần học Karl Rahner…

Trở lại vấn đề cách diễn tả và lý giải trong sách Sáng Thế về việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người chỉ là một cách diễn tả sự hình thành của vũ trụ cho người Do Thái thời xưa cách đây nhiều ngàn năm, với trình độ văn hóa sơ khai thời ấy. Đối với đầu óc còn non nớt của họ, Thiên Chúa cần phải được diễn tả bằng những hình ảnh cụ thể để dễ tưởng tượng và dễ hiểu. Vì thế, bài tường thuật đó mang rất nhiều tính cách biểu tượng, người Kitô giáo có trình độ hiện nay không coi đó là những sự kiện, mà chỉ coi đó là một hình thức diễn tả phù hợp với một trình độ cá biệt nào đó trong không gian và thời gian. Toàn bộ trình thuật đó chỉ nói lên một vài điều cơ bản như: vũ trụ này không phải tự nhiên mà có, nó có một nguyên nhân, và nguyên nhân đó được người Kitô hữu gọi là Thiên Chúa.

Thiên Chúa thì siêu việt, mọi cách diễn tả về Ngài đều chỉ nhằm giúp con người nắm được một phần nào về Ngài, theo trình độ hiểu biết ngày càng cao của con người. Thiên Chúa siêu việt trên tất cả mọi cách diễn tả về Ngài. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, nhưng mỗi thời đại, con người hiểu về Thiên Chúa một cách, và cách của thời đại sau thường cao hơn và trọn vẹn hơn thời đại trước. Cũng như chỉ có một vũ trụ mà trong đó con người đang sống, nhưng càng lớn lên, càng học nhiều, ta càng có một cái nhìn đầy đủ, sâu sắc hơn về vũ trụ. Vì thế, thời đại này hiểu vũ trụ cao sâu và đầy đủ hơn thời đại trước. Nhưng có lẽ không bao giờ con người có thể hiểu được vũ trụ một cách trọn vẹn.

Tóm lại, không phải Kitô giáo không thích hợp với người Đông Phương, mà có thể cách diễn tả về sứ điệp Kitô giáo trong quá khứ đã không thích hợp. Việc diễn tả và lý giải sứ điệp Kitô giáo cho người Á châu thời đại này là công việc và là bổn phận của người Kitô hữu Á châu hiện nay.

2. Vcái chết, trong trang 273–274, tác giả viết: «Riêng Gia Tô giáo thì cho cái chết là lên thiêng đàng xa xôi mờ mịt (…) Không những thế, người Gia Tô giáo chết đào sâu, chôn chặt là xong. Không được cúng cơm, cúng tuần, cúng 50 ngày,100 ngày giỗ đầu, giỗ hết. Đây là một hụt hẫng lớn về mặt tâm lý của người sống đối với người chết»

Tác giả không phải là người Kitô giáo nên không biết việc người Kitô hữu tin tưởng rằng sau khi chết, vẫn có sự hiệp thông gần gũi giữa người sống và linh hồn người đã chết. Chứ không phải «chết là lên thiêng đàng xa xôi mờ mịt», hoàn toàn mất tăm hơi, không còn quan hệ gì với nhau. Qua câu trên, ta thấy tác giả không hề biết các giáo hữu đã làm những gì cho người thân yêu đã quá vãng của mình. Các tín đồ tôn giáo khác có thể đốt vàng mã, làm mâm cơm cúng người đã khuất trước mắt mọi người, nên ai cũng thấy. Còn những gì người Kitô hữu làm cho người quá cố, nếu không phải cùng là Kitô hữu, thì khó mà thấy hay nhận ra được.

Thực ra, người Kitô hữu luôn luôn tưởng nhớ người quá cố trong lời cầu nguyện của mình mỗi ngày. Dường như không một buổi cầu nguyện chung nào trong gia đình hoặc trong tập thể mà người tín hữu không cầu nguyện cho những người thân yêu đã quá cố của mình. Giáo Hội, qua giáo lý, qua lời giảng dạy của các linh mục, luôn luôn khuyến khích các giáo hữu tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố chóng được về hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa. Còn những ngày giỗ chạp, các tín hữu thường xin các linh mục làm cả một thánh lễ trong nhà thờ, để hiệp với cả một giáo xứ (những người đến dâng lễ có khi hàng mấy trăm người), để cầu nguyện chung cho linh hồn đã quá cố ấy. Có lẽ chỉ trong Kitô giáo, một linh hồn đã quá cố của một gia đình, cho dù là nghèo nàn hay không được ai biết đến, lại được cả một họ đạo gồm cả mấy trăm người hiện diện trong thánh lễ ấy hiệp ý cầu nguyện cho vào những ngày giỗ chạp.

Người Kitô hữu quan niệm rằng linh hồn người đã chết là thần khí, là tinh thần, và cách hiện hữu của họ sau khi chết không còn giống như lúc còn sống, họ không cần phải ăn cơm, ăn bánh, trái cây hay tiêu tiền như người còn sống, nên người Kitô hữu không bao giờ cúng cơm, cúng bánh hay đốt tiền vàng mã cho người chết. Họ quan niệm rằng linh hồn người chết có thể đang được thanh luyện bằng đau khổ để trở nên tinh sạch, hoàn hảo, không còn những tật xấu, tính ích kỷ, mà tràn đầy lòng yêu thương để xứng đáng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu (10*). Vì thế, họ cần người sống tưởng nhớ tới và cầu nguyện cho, đồng thời hy sinh, hãm mình, chịu khó nhọc vì tình yêu - yêu Chúa yêu người - để giúp họ giảm bớt thời gian thanh luyện hầu chóng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Thiên Chúa (11*).

3. Vvấn đề độc nhất tôn thờ, tác giả viết: «Gia tô giáo không cho họ thờ cúng tổ tiên thì thật là bất trung, bất hiếu, quá đáng» (trang 275).

Quả thật, trong quá khứ, đã có một sự hiểu lầm giữa Tòa Thánh - cơ quan lãnh đạo tối cao của đạo Công giáo trên thế giới - và người dân Việt Nam trong việc thờ cúng tổ tiên. Đây là chuyện đáng tiếc gây ra do sự khác biệt về văn hóa giữa Đông và Tây.

Theo giáo lý, người Kitô hữu chỉ thờ phượng duy nhất một mình Thiên Chúa là chủ tể dựng nên muôn loài vạn vật, và không được phép thờ phượng bất kỳ ai khác. Ngoài Thiên Chúa ra, thì tất cả đều là thụ tạo, cũng được Thiên Chúa dựng nên như chúng ta. Chúng ta có thể tôn kính những bậc thánh, những vĩ nhân, các vị minh quân, các anh hùng dân tộc, những ân nhân của mình hay của dân tộc, hoặc ông bà tổ tiên mình, chứ chúng ta không được tôn thờ họ. Phân biệt giữa Đấng tạo dựng (Créateur) và những gì được tạo dựng (créés) và từ đó phát sinh ra hai thái độ phân biệt đối với hai phạm trù đó thì thật là hợp lý. Điều đó còn hợp lý hơn cả sự phân biệt giữa vua và quan, giữa cha mẹ và người anh cả. Có người dân trung thành nào lại tôn kính vua làm sao thì cũng tôn kính các quan khác như vậy không? Có người con hiếu thảo nào lại tôn kính người anh hay chị cả mình ngang với cha mẹ mình không? Sự bình đẳng trong cách đối xử giữa hai người không bình đẳng như thế là một sự xúc phạm đối với người lớn hơn. Điều này người Đông Phương hay người Việt nào cũng chấp nhận.

Người Đông Phương hay người Việt nào cũng phân biệt Trời, Đấng sinh ra vạn vật, và những vật do Trời dựng nên. Nhưng theo văn hóa của họ, việc thờ Trời là dành cho vua, vua có nhiệm vụ đối với Trời, còn người dân có nhiệm vụ đối với vua về mặt lễ nghi. Đối với Trời, người dân chỉ có nhiệm vụ sống thuận ý Trời: «Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong». Vì thế, Trời tuy cao nhất, nhưng người dân không được phép thờ Trời theo lễ nghi, mà chỉ có vua tức Thiên Tử (Con Trời) được phép. Đấy cũng là một cách biểu lộ sự tôn kính cao cả nhất đối với Trời (điều này xem ra không hợp lý đối với não trạng văn hóa của người Tây Phương, nhưng chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt về văn hóa). Vì không phải thờ Trời, nên những lễ nghi tỏ sự tôn kính nhất đáng lẽ dành cho Trời thì lại được dành cho tổ tiên hoặc người đã khuất (12*). Việc thờ cúng tổ tiên hay người chết với những lễ nghi như thế không có nghĩa là coi tổ tiên ngang bằng với Trời. Việc thờ cúng đó theo tập tục văn hóa cổ truyền thực ra chỉ là một hình thức kính nhớ, chứ không phải là thờ (mặc dù người ta dùng từ thờ cúng). Nhưng dưới con mắt người Tây Phương, thì đó là một hình thức tôn thờ mà đáng lý chỉ được phép dành cho Thiên Chúa. Chính vì thế, các vị giáo hoàng thời đó đã nghiêm cấm việc thờ cúng tổ tiên vì hiểu đó là một lễ nghi tôn giáo mang tính thờ phượng, mà thực ra sự thờ kính ấy chỉ là một tập tục mang tính văn hóa. Về sau, khi Giáo Hội hiểu được như thế, thì việc thờ kính ấy đã được Giáo Hội chấp nhận. Như vậy, sự việc đáng tiếc trên chỉ là do hiểu lầm mà thôi, chúng ta nên quảng đại, không nên trách cư.

Cuối trang 276, tác giả viết: «Họ (những giáo sĩ Giatô giáo) đã nhận xét về sự không thành công của họ trong việc truyền Giatô giáo vào nước ta như sau: «Những giáo hội địa phương đã bị lôi ra khỏi lòng mẹ, là quê hương đã sinh thành ra mình, để đi theo người mẹ khác xa lạ và nhiều nơi chống đối lại người mẹ thứ nhất. Trong khi đáng lý ra người mẹ mới đó, tức Giáo Hội Kitô giáo hoàn toàn có thể nhập thể để mang cùng một khuôn mặt, có cùng một tiếng nói và tình yêu thương mọi người con khác như người mẹ thứ nhất» (13*)».

Quả thật, một phần nào có sự thiếu thích ứng và hội nhập văn hóa của các vị thừa sai Tây Phương khi truyền giáo ở Á châu. Nếu các nhà truyền giáo ai cũng đều chủ trương thích ứng và hội nhập văn hóa như linh mục Matteo Ricci tại Trung Hoa, hay như linh mục Roberto de Nobili ở Ấn độ thì tình trạng được nói đến trong lời phê bình trên đã không xảy ra. Thật vậy, Kitô giáo là một đạo nhập thể, nên có thể thích ứng và hòa hợp với tất cả mọi nền văn hóa của mọi dân tộc trên thế giới để rao giảng sứ điệp của mình một cách hữu hiệu. Quả là đáng tiếc vì việc thích ứng và hội nhập văn hóa như thế tuy đã được lưu tâm tới và nỗ lực thực hiện nhưng quả là còn thiếu sót rất nhiều vì nhiều lý do khách quan.

Lời nhận xét mà tác giả trích dẫn và cho là của các giáo sĩ Giatô giáo ở trên quả là có phần nào đúng, nhưng để tránh được tình trạng đó, những vị lãnh đạo Giáo Hội phải có một đầu óc hết sức sáng suốt, mềm dẻo và có một tầm nhìn rất xa như Matteo Ricci hay Roberto de Nobili. Điều đó không phải là luôn luôn có thể có được nơi tất cả mọi nhà lãnh đạo, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Vì thế, chúng ta cũng cần thông cảm với họ hơn là trách cứ.

4. Vviệc tạo không gian thiêng liêng: Ở trang 277–278, tác giả phê bình cách kiến trúc của nhà thờ Kitô giáo «với lối kết cấu tháp chuông cao lừng lững như thử thách đối với những ngôi đình, chùa xung quanh, như chọc vào trái tim con người trung hiếu, như muốn phá tan đi tâm lý làng ta, tâm lý phép vua thua lệ làng, bao đời đã hằn sâu trong cộng đồng làng xã, như muốn dòm ngó, kiểm soát những con người quanh dưới chân nó». Và khi vào trong nhà thờ với tường cao dầy, với lối trang trí trình bày cùng với tiếng nhạc trầm hùng trong đó, con người cảm thấy mình trở nên nhỏ bé, còn Chúa thì vĩ đạo và xa vời quá.

Cảm tưởng trên là một cảm tưởng cá biệt chắc chắn có nơi nhiều người Việt Nam, nhưng không phải người Việt Nam nào cũng có cảm tưởng ấy. Trước một sự việc, một khung cảnh, mỗi người có một cảm tưởng và suy nghĩ khác nhau, tùy thuộc vào những cái có trong đầu người ta trước đó. Nếu người ta đã có một thành kiến không hay về sự việc hay khung cảnh ấy, thì cảm tưởng người ta khó mà tốt đẹp được. Riêng tôi, người Kitô hữu, tôi thấy rất nhiều người đến nhà thờ với một tâm tình khác hẳn. Với đức tin, người Kitô hữu nhìn nhận Thiên Chúa, Đấng vừa ngự trên bàn thờ vừa ngự ngay trong tâm hồn mình, Ngài vừa là Chúa tể rất cao cả của mình vừa là người Cha rất yêu thương mình, rất gần gũi mình. Chính vì thế, hằng ngày, có biết bao người Kitô hữu đến nhà thờ để tìm một nguồn an bình sâu thẳm, để cảm nghiệm được niềm vui sâu xa mà họ không tìm được ở một nơi nào khác.

Cảm tưởng mà tác giả nêu trên chắc chắn không phải là của một người Kitô hữu. Điều đó thật dễ hiểu, tương tự như một người Kitô hữu đến một ngôi chùa thì cảm thấy bầu khí của chùa có vẻ âm u lạnh lẽo, đang khi người Phật tử lại thấy ấm cúng, an bình. Tại sao? Rất đơn giản, vì người Kitô hữu khi đến chùa không có cùng một niềm tin, cùng một tâm tình như người Phật tử. Cảm tưởng mà tác giả nêu trên là hoàn toàn chủ quan, chỉ có nơi một số người nào đó, không phải là của đa số.

5. Vnhững tín điều không hợp với tính cách người Việt Nam: trong trang 278, tác giả viết: «Tính cách người Việt Nam dễ cởi mở về tôn giáo, dễ hòa đồng với bạn bè chân thành, nhưng không dễ khuất phục khi mình bị xúc phạm. Trong tín điều Gia tô giáo có điều khuyên không hợp với tính cách ấy, đó là điều 3,4 trong 7 điều đối với người khác. Ấy là tha thứ kẻ khinh rẻ mình, nhịn kẻ xúc phạm mình. Truyền thống từ Bà Trưng, Bà Triệu (…) sao có thể nhẫn nhục khi có kẻ đến xúc phạm, áp bức mình».

Quả thật, cách mà tác giả hiểu lời của Đức Giêsu là cách hiểu một chiều. Không phải trong tất cả mọi trường hợp chúng ta đều lấy sự nhịn nhục ra mà đối xử một cách cứng ngắc và ngu xuẩn. Chính tục ngữ Việt Nam cũng có những câu như: «Một nhịn, chín lành», «Dĩ hòa vi quí» cũng với một ý nghĩa ấy, và phải nói người Việt Nam được nhiều dân tộc khác trên thế giới khen là hiếu hòa, biết nhịn nhục. Nhưng đâu phải vì thế mà người Việt Nam thiếu tinh thần bất khuất! Trong đời sống hằng ngày, giữa đồng bào ruột thịt với nhau, giữa anh em trong một nhà, sự nhịn nhục là một đức tính rất tốt. Nhưng nếu ta đem sự nhịn nhục ra để đối xử với kẻ thù, những kẻ độc ác thì đúng là ngu xuẩn. Một Đức Giêsu được hàng tỷ người trên thế giới nhìn nhận là bậc khôn ngoan, là thầy dạy muôn dân, không thể dạy người ta ứng xử một cách ngu xuẩn như vậy (14*). Chỉ có điều là chúng ta đã hiểu lầm hay hiểu một cách quá hẹp hòi về lời dạy của Ngài mà thôi.

Còn vấn đề «làm sao với một bề dầy trên 4 thế kỷ truyền đạo, lại có gần 100 năm (1858–1945) được người Pháp thống trị nước ta nâng đỡ, mà Thiên Chúa giáo không trở thành một tôn giáo rộng rãi như Phật giáo». So sánh bề dầy của lịch sử truyền giáo giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo tại Việt Nam, ta thấy có một sự chênh lệch quá lớn. Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ 2 (15*). Như vậy, Phật giáo đã truyền đạo tại Việt Nam được 18 thế kỷ, và đã từng được rất nhiều vị vua sùng mộ, nhất là thời Lý 1010–1225) và Trần (1225–1400).

Vả lại, thời ấy, các tôn giáo khác ở Việt Nam như Khổng và Lão chưa bén rễ sâu trong lòng dân tộc Việt Nam, nên người Việt lúc đó rất dễ chấp nhận Phật giáo. Còn Kitô giáo đến Việt Nam quá muộn màng, ba tôn giáo Phật, Khổng, Lão đã bén rễ sâu trong chiều sâu tâm linh của dân Việt, nên việc bỏ tôn giáo cũ để theo Kitô giáo là một chuyện rất khó.

Hơn nữa, các vua thời Nguyễn vì nghi kỵ người Âu châu, nên đã nghi kỵ luôn Thiên Chúa giáo mà họ truyền sang. Thiên Chúa giáo tuy được Pháp ủng hộ, nhưng vì thực dân Pháp có ý xâm lăng và xâm phạm chủ quyền nước ta, đồng thời đặt ách cai trị lên dân ta một cách tàn bạo, nên Kitô giáo càng được Pháp ủng hộ, thì càng làm tăng sự nghi kỵ và căm thù nơi đa số dân chúng vốn không phải là Thiên Chúa giáo. Do đó, việc Thiên Chúa giáo cho đến nay vẫn không phát triển được bằng Phật giáo là chuyện dễ hiểu, do những yếu tố ngoại tại (thiên – địa – nhân) không thuận lợi, hơn là do những yếu tố nội tại.


Để kết luận

Khi đọc cuốn sách Văn hóa Tâm linh của Nguyễn đăng Duy, đặc biệt chương 7 của tác giả nói về Tâm linh trong Thiên Chúa giáo, tôi nhận thấy tác giả là một người rất thuần thành, cố gắng khách quan trong việc trình bày của mình, điều gì cần khen thì khen, cần phê bình thì cũng sẵn sàng nói thẳng. Tuy nhiên, phải nói rằng tác giả không phải là người Kitô hữu, chưa từng sống như là Kitô hữu, nên chỉ có thể có một cái nhìn bao quát từ bên ngoài về Kitô giáo, do đó, khi phải trình bày về Kitô giáo thì không thể tránh được những thiếu sót hay sai lầm khi đi vào chi tiết và vào những vấn đề chuyên môn. Bài này chỉ là một góp ý theo yêu cầu trong lời nói đầu của tác giả để Kitô giáo được hiểu một cách đúng đắn hơn. Nếu có gì sai sót, xin tác giả và độc giả vui lòng tha thứ và chỉ giáo.

Nguyễn Chính Kết
(24-7-2000)

____________________________

Chú Thích:

(1*) NGUYỄN ĐĂNG DUY, Văn hóa tâm linh, Nhà xuất bản Hà Nội - 1996.

(2*) Chữ Christ được phiên âm ra tiếng Việt thành Kitô, và tiếng Hán Việt là Cơ Đốc.

(3*) Giêsu, tiếng Anh là Jesus, gốc từ tiếng Do Thái là Joshua, hay viết cho đầy đủ là YehoshuahGiavê giải phóng, được phiên âm ra tiếng Hán Việt là Gia-Tô, và tiếng Việt là Giêsu. có nghĩa là

(4*) Tiếng Anh là Catholic, gốc từ tiếng Hy Lạp là Katholikos, có nghĩa là phổ thông, phổ biến (universal) hay Katholou, có nghĩa là chung, tổng quát (in general).

(5*) Thánh Phaolô có viết trong thư thứ I Côrintô: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, nhưng nếu tôi không có tình yêu , thì những việc ấy chẳng ích lợi gì cho tôi» (1 Cr 13,3). Thật vậy, có nhiều người làm nhiều điều lành phúc đức chẳng phải do lòng thương người thúc đẩy, mà do muốn được mọi người khen là đạo đức, bác ái, nhân hậu. Chính Chúa Giêsu cũng có nói: «Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: «Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?» Và bấy giờ, Thầy sẽ tuyên bố với họ: «Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác»» (Mt 7,22-23).

(6*) Thánh Phaolô cho rằng không ai được nên công chính nhờ việc tuân giữ các lề luật hay nhờ làm những việc lành phúc đức nào đó, mà người ta được nên công chính là nhờ đức tin, tức những yếu tố tinh thần nói trên (xem các thư: Rôma 3,20-31; 9,31; Galata 2,16; 3,2.5.11; Philiphê 3,9). Tuy nhiên, thánh Giacôbê bổ túc thêm rằng: nếu đích thực có những yếu tố tinh thần này thì đương nhiên chúng sẽ phải được thể hiện ra thành hành động, thành việc làm. Nếu không thể hiện thành hành động, thì đó không phải là đức tin hay tình yêu chân thật. Như vậy, giá trị của việc làm tùy thuộc vào tinh thần hay động lực bên trong thúc đẩy: việc làm tốt nhưng phát xuất từ những động lực ích kỷ (chẳng hạn để được tiếng khen...) thì chẳng có giá trị. Nhưng ai nói mình có tình yêu mà lại không thể hiện ra tình yêu đó ra bằng việc làm thì đó là kẻ nói dối (xem: thư Giacôbê 2,14-26).

(7*) Tin Mừng có kể chuyện một trong hai kẻ trộm cắp bị đóng đinh cùng với Đức Giêsu đã được Ngài hứa cho lên thiên đàng ngay chỉ vì người trộm ấy đã nhận ra tội lỗi mình và thành thực hối hận. Ngài còn nói với những kẻ đạo đức nhưng đầy kiêu căng tự mãn: «Bọn thu thuế và đĩ điếm sẽ vào thiên đàng trước các ngươi» (Mt 21,31).

(8*) Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người tự mãn kể với Chúa về những việc tốt đẹp mình làm - chắc hẳn là có thực - và lên tiếng chê bai người khác, người này bị Đức Giêsu kết luận là người không công chính. Còn người kia là người tội lỗi, nhưng thành thật nhìn nhận tội lỗi mình, nhận ra mình bất xứng trước Thiên Chúa và tha nhân, đồng thời xin Chúa tha thứ. Người sau này sau khi cầu nguyện như thế được Đức Giêsu coi là người công chính. Giáo hoàng Gioan-Phaolô I (1912-1978) cũng có nói: «Trên thiên đàng không thiếu những phần thu đĩ điếm, nhưng không có kẻ kiêu ngạo. Dưới hỏa ngục có cả những hồng y giám mục, nhưng không có người khiêm nhường». Ta thấy có nhiều người sống trong sạch như các thiên thần, hoặc làm được rất nhiều việc lành như những vị thánh, nhưng họ lại kiêu ngạo, tự hào không kém gì ma quỉ, họ không phải là đối tượng của Nước Trời.

(9*) Kitô giáo cũng phát xuất từ Á châu (Do Thái thuộc Tiểu Á). Về nguồn gốc Á châu, Kitô giáo không khác gì với Khổng giáo, Lão giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo... Đối với nhiều nước Á châu, nếu kể Kitô giáo là tôn giáo ngoại lai, thì tất cả các tôn giáo kia cũng là ngoại lai. Chẳng hạn tại Việt Nam, tất cả các tôn giáo kể trên đều là từ nước ngoài du nhập vào, chỉ có duy nhất đạo Cao Đài là phát xuất từ Việt Nam (đạo Hòa Hảo tuy phát xuất tại Việt Nam, nhưng lại là một giáo phái có nguồn gốc Phật giáo).

(10*) Mục đích của việc thanh luyện là làm cho linh hồn trở nên hoàn hảo, hoàn toàn vị tha, đầy tình thương, không còn một chút tâm địa ích kỷ, độc ác, tham lam nào nữa. Thiên Đàng đòi hỏi một sự hoàn hảo như thế thật là hợp lý, vì đó là một tình trạng hoàn toàn hạnh phúc, hoàn toàn thánh thiện. Thật vậy, người ta sẽ còn đau khổ và còn làm người khác đau khổ nếu người ta còn một chút xấu xa, ích kỷ, độc ác... Chưa hoàn hảo mà đã sống ở Thiên Đàng thì ta sẽ làm ô nhiễm cái hạnh phúc tinh tuyền - không vương chút đau khổ - của Thiên Đàng rồi, và biến Thiên Đàng trở thành một cái gì không còn là Thiên Đàng nữa. Do đó, Thiên Đàng đòi hỏi những người bước vào phải hoàn toàn trong sạch, tốt lành, nếu còn chút gì xấu xa thì phải thanh luyện cho hết.

(11*) Người còn sống có thể đền tội thay cho họ bằng những hy sinh hãm mình, tự nguyện chấp nhận những đau khổ xảy đến một cách vui vẻ, vì yêu thương, tương tự như trong cùng một thân thể, chi thể này có thể đền tội thay cho một chi thể khác, vả lại, tội không chỉ có tính cách cá nhân mà còn có tính xã hội: sự liên đới chịu trách nhiệm.

(12*) Tương tự như có hai món quà biếu cho hai người. Cứ bình thường thì món quí hơn dành cho người lớn hơn, và món ít quí dành cho người nhỏ hơn. Nhưng nếu người lớn hơn không nhận, thì món quà quí nhất kia đương nhiên được chuyển xuống người nhỏ hơn. Biếu món quà quí hơn cho người nhỏ hơn trong trường hợp này không có nghĩa là coi thường người lớn hơn.

(13*) Tác giả trích lại lời trích của ĐỖ QUANG HƯNG trong Một số vấn đề lịch sử Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, tủ sách Đại học tổng hợp, Hànội 1991, trang 91.

(14*) Chính Ngài cũng có những lúc hành xử rất cứng rắn, chứ không phải trong cuộc đời Ngài lúc nào Ngài cũng nhịn nhục đâu: có lúc Ngài dùng roi đánh những người buôn bán trong đền thờ, những kẻ muốn biến nơi thờ phượng tôn nghiêm thành chợ búa hay hang trộm cướp (xem Mc 11,15-17), có lúc Ngài chửi thẳng mặt, và phải nói là «cạn tàu ráo máng» những hạng đạo đức giả và có quyền thế có thể hại Ngài (xem Mt 23, 1-36)...

(15*) Thượng tọa Thích Thiện Hoa viết trong Phật Học Phổ Thông, quyển 2, trang 53 (do Thành hội Phật giáo Việt Nam ấn hành năm 1992) như sau: «Theo các sử gia đáng tin cậy, thì nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam (lúc bấy giờ là đất Giao Châu) là ngài Mâu Bác, người quận Thương Ngô, tức Ngô Châu (Trung Hoa bây giờ). Sau khi vua Hán Linh Đế mất (189), nước Tàu thường loạn lạc, ngài theo mẹ qua ở Giao Châu và truyền bá đạo Phật ở đấy».


TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN



______________________________________________________