16.5.08


Chương 3

Lập trường
của Giáo Hội Công Giáo
về đối thoại tôn giáo


Các tôn giáo là những môi trường cứu độ của Thiên Chúa,
cũng có chân lý và có Thánh Linh hoạt động

Trước Công Đồng Vatican II, Giáo Hội có thái độ hoàn toàn tiêu cực đối với các tôn giáo, coi tất cả các tôn giáo khác đều là tà giáo, là tội lỗi, là sản phẩm của ma quỉ, nên Giáo Hội không cần phải đối thoại với họ làm gì. Nếu có những nỗ lực tìm hiểu các tôn giáo khác, thì chỉ là để chỉ trích mà thôi.

Sau Công Đồng Vatican II, lập trường Giáo Hội thay đổi hẳn, cởi mở và tích cực hơn rất nhiều. Công Đồng nhìn nhận có chân lý trong các tôn giáo khác: «Giáo Hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động, những lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng vẫn thường có ánh sáng của Chân Lý vốn hằng chiếu soi cho hết mọi người» (NK 2,2).

Do hiểu rõ các tôn giáo khác hơn, Giáo Hội không còn coi các tôn giáo khác là tà giáo, mà thấy chúng đều nằm trong chương trình và kế hoạch của Thiên Chúa, có Thánh Linh hoạt động bên trong, và đều tiềm ẩn hạt giống Lời Chúa: Các Kitô hữu «phải làm quen với những truyền thống dân tộc và tôn giáo của họ (những người mình chung sống): phải lấy làm sung sướng và kính cẩn mà khám phá ra những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong họ» (TG 11,2).

Chủ trương tìm hiểu, đối thoại, và hợp tác
với các tôn giáo khác của Giáo Hội

Nhiều nhà thần học hiện đại, nhất là các nhà thần học Á châu, đặc biệt các giám mục và các nhà thần học Ân Độ, còn có những chủ trương cởi mở hơn nữa. Nên chắc chắn lập trường của Giáo Hội không chỉ dừng lại ở chủ trương hiện nay, mà sẽ còn có khuynh hướng cởi mở, lạc quan hơn về các tôn giáo. Hiện nay, Giáo Hội phải nhìn nhận rằng mình chưa hiểu đúng, thậm chí còn hiểu sai, chưa thấu triệt được các tôn giáo khác, nên còn có những phán đoán hẹp hòi về họ.

Trong bối cảnh đó, Giáo Hội chủ trương phải tìm hiểu, gặp gỡ các tôn giáo khác nhiều hơn, để có những phán đoán đúng hơn về họ. «Trong thời đại chúng ta, nhân loại càng ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn, các mối liên lạc giữa các dân tộc cũng gia tăng, nên Giáo Hội đặc biệt chú tâm tới việc liên lạc với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Trong nhiệm vụ cổ võ sự hiệp nhất và yêu thương giữa con người và nhất là giữa các dân tộc, Giáo Hội đề cập đến những điểm chung cho hết mọi người và những gì dẫn đến cuộc sống cộng đoàn» (NK 1,1).

Giáo Hội khuyến khích, cổ võ việc tìm hiểu các tôn giáo cũng như các dân tộc bằng những khoa học hiện đại để cuối cùng tiến tới đối thoại: «Cũng đặc biệt tán thưởng những giáo dân, trong các đại học hay trong các viện khoa học, biết dùng những khảo cứu lịch sử hay khoa học tôn giáo mà cổ võ sự hiểu biết về các dân tộc và các tôn giáo: như thế là họ giúp các nhà rao giảng Tin Mừng và chuẩn bị cuộc đối thoại với những người ngoài Kitô giáo» (TG 41,5).

«Vì thế, Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với những tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của Đức Tin Kitô giáo» (NK 2,3).

Lập trường tìm hiểu và đối thoại của Giáo Hội không phải chỉ áp dụng đối với các tôn giáo, mà còn đối với tất cả những chủ nghĩa, ý thức hệ, lập trường tư tưởng khác với lập trường của Giáo Hội nữa: «Cũng phải kính trọng và yêu thương những người không cùng một cảm nghĩ hoặc cùng một hành động với chúng ta trong những vấn đề xã hội, chính trị, hay cả tôn giáo nữa. Thực vậy, càng lấy sự nhân ái và yêu thương mà tìm hiểu sâu xa hơn những cách cảm nghĩ của họ, chúng ta càng dễ dàng đối thoại với họ hơn» (MV 28,1). Rõ ràng thái độ này khác hẳn với thái độ của Giáo Hội thời Trung Cổ và của nhiều Kitô hữu hẹp hòi hiện nay.

Không phải chỉ tìm hiểu và đối thoại xuông, mà còn phải hợp tác với các tôn giáo, với các thế lực có những lập trường khác với lập trường của Giáo Hội: «Cũng phải hợp tác trong tình huynh đệ với các Kitô hữu khác, và với những người ngoài Kitô giáo nữa» (TG 41,6). «Người Công giáo phải tìm cách cộng tác với tất cả mọi người thiện chí để cổ động cho bất cứ những gì là chân thật, công bằng, thánh thiện và đáng yêu quí (x. Pl 4,8). Người Công giáo hãy đối thoại với họ, hãy đến với họ cách khôn ngoan và tế nhị, hãy tìm cách kiện toàn những cơ cấu xã hội và quốc gia theo tinh thần Tin Mừng» (TĐ 14,2).

Việc đối thoại với các tôn giáo và với những nền văn hóa ngoài Kitô giáo đã trở thành tiêu chuẩn phải có của những hoạt động truyền giáo được gọi là đúng đắn và có tổ chức: «Một hoạt động truyền giáo được thực thi đúng đắn và có tổ chức chặt chẽ đòi hỏi những người rao giảng Tin Mừng phải được chuẩn bị cho nhiệm vụ của mình một cách khoa học, nhất là để đối thoại với các tôn giáo và các văn hóa ngoài Kitô giáo» (TG 34).

Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu cũng xác định lại quan điểm về đối thoại của công đồng Vatican II: «Tiếp xúc, đối thoại và cộng tác với tín đồ các tôn giáo khác chính là một công việc mà Công Đồng Vaticanô II đã giao cho toàn thể Giáo Hội làm như một bổn phận và một thách đố» (*1).

Việc đối thoại với những người có lập trường khác với Giáo Hội không phải chỉ là công việc của hàng giáo sĩ hay tu sĩ, mà là của mọi người giáo dân. Vì thế, cần phải huấn luyện để họ có khả năng này: «Đối với việc tông đồ nhằm rao truyền Tin Mừng và thánh hóa mọi người, người giáo dân phải được huấn luyện đặc biệt để có thể đối thoại với người khác, với những người tin cũng như với những người không tin, để bày tỏ sứ điệp Chúa Kitô cho mọi người» (TĐ 31,1).

Các chủng viện hay các trường thần học không nên chỉ bằng lòng với những gia sản tinh thần hiện có của Giáo Hội mà phải mở rộng và làm phong phú hóa gia sản đó hơn nữa bằng việc tìm hiểu và đối thoại với những người có những lập trường khác. Co cụm và tự mãn trong vỏ ốc của mình sẽ trở thành lạc lõng và dần dần bị luật đào thải loại bỏ. Phát động những cuộc đối thoại như thế chính là nhiệm vụ của các chủng viện và những trường thần học đó. Công Đồng chủ trương: «Các phân khoa dạy các môn học thánh có nhiệm vụ mở rộng hơn gia sản khôn ngoan Kitô giáo do các bậc tiền nhân truyền lại, đồng thời phát động cuộc đối thoại với các anh em ly khai, với các người ngoài Kitô giáo» (GD 11).

Riêng đối với các Kitô hữu Á châu đang sống trong môi trường đa tôn giáo, việc đối thoại tôn giáo là một sinh hoạt thường xuyên trong đời sống Kitô hữu: «Đối thoại… là cung cách sinh hoạt điển hình của đời sống Giáo Hội tại Châu Á» (*2).

Những nguyên tắc cho việc đối thoại tôn giáo

Giáo Hội đã đề ra một số nguyên tắc cho việc đối thoại tôn giáo. Xin đặc biệt đề cập đến những nguyên tắc trong hai văn kiện đáng chú ý nhất:

1. Văn kiện Đối thoại và truyền giáo xác định:

a) Đối thoại tôn giáo là một hình thức truyền giáo đặc biệt và quan trọng trong thời đại chúng ta, trong đó, người Kitô hữu gặp gỡ các tín đồ tôn giáo khác để cùng đồng hành đi đến chân lý, và cùng cộng tác với nhau trong những dự án thực hiện những quan tâm chung. Như thế, «đối thoại chính là truyền giáo».

b) Đối thoại liên vị (giữa người với người) phải đi đến sự hiệp thông liên vị, nghĩa là phải có sự hiểu nhau, thông cảm lẫn nhau, và yêu thương nhau, để có thể đi đến đồng hành và cộng tác với nhau.

c) Các thành viên đối thoại phải ý thức được giới hạn của mình và khả năng vượt lên giới hạn ấy. Đừng ai nghĩ rằng mình nắm được chân lý một cách hoàn toàn và trọn vẹn. Nhưng hãy nghĩ rằng mọi người có thể cùng đồng hành với nhau để đạt đến mục đích ấy.

d) Việc đối thoại tôn giáo có thể làm cho những kinh nghiệm tôn giáo của mỗi thành viên đối thoại được tinh luyện phong phú hơn.

e) Khi đối thoại với các tín đồ tôn giáo khác, người Kitô hữu cần yêu thương và tôn trọng họ, lắng nghe cố gắng thấu hiểu những gì mà họ muốn thông truyền cho mình, coi đó là những món quà Thiên Chúa ban cho để đem lại lợi ích thiêng liêng cho mình.

f) Văn kiện cũng xác định lại những điều Công Đồng Vatican II đã xác định: trong các tôn giáo khác vẫn có những điều «chân thật và thánh thiện», «thường có ánh sáng của Chân Lý vốn hằng chiếu soi cho hết mọi người» (*3), «những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong họ» (*4). Người Kitô hữu cần khám phá những điều ấy nơi họ để làm phong phú hóa kinh nghiệm và hiểu biết của mình, không chỉ trong những tương đồng, mà cả trong những dị biệt.

2. Tông huấn Giáo Hội tại châu Á cho biết:

Đối thoại cần phải «diễn ra trong sự thật, lương thiện, khiêm tốn và kính trọng» (21§3).

«Phải đối thoại bằng cuộc sống và bằng con tim. Khi gặp gỡ và đối thoại, người môn đệ Đức Kitô phải có con tim dịu dàng và khiêm tốn của Thầy mình, đừng bao giờ tự phụ, cũng đừng bao giờ tỏ vẻ trịnh thượng» (31§3).

«Đứng trên quan điểm Kitô Giáo, đối thoại liên tôn giáo không phải chỉ là một cách để giúp các bên hiểu biết nhau làm giàu cho nhau. Nhưng còn là một phần trong chính sứ mạng phúc âm hóa của Giáo Hội, là một cách biểu hiện sứ mạng “đến với lương dân”» (31§1).

«Khi tham gia đối thoại liên tôn giáo, các Kitô hữu xác tín rằng chỉ có Đức Kitô mới đem lại sự cứu độ trọn vẹn và cộng đoàn Giáo Hội mà họ đang thuộc về là phương thế thông thường (ordinary means) để được ơn cứu độ» (31§1).

Những hình thức đối thoại khác nhau

Văn kiện «Dialogue and Mission» (Đối thoại và Truyền giáo) của Tòa Thánh năm 1984 đặc biệt nói về «Thái độ của Giáo Hội đối với các tín đồ tôn giáo khác: Suy Tư và Hướng Dẫn về Đối thoại và Truyền giáo». Trong đó văn kiện đã đưa ra những hình thức đối thoại thực tế để mọi Kitô hữu có thể tùy nghi áp dụng cách thích hợp nhất trong môi trường mình sống. Có 4 hình thức căn bản: 1. Đối thoại bằng đời sống, 2. Đối thoại bằng việc làm, 3. Đối thoại về mặt lý thuyết, 4. Đối thoại về những kinh nghiệm tôn giáo.

1. Đối thoại bằng đời sống

Mọi Kitô hữu đều được mời gọi sống tinh thần đối thoại trong chính đời sống của mình, đem tinh thần Tin Mừng vào trong môi trường sống và làm việc của mình. Cách đối thoại tốt nhất, cần thiết nhất, hữu hiệu nhất là đối xử thật tốt với mọi người, không chỉ với những người mình muốn đối thoại cụ thể. Hãy yêu thương họ thật sự, sẵn sàng hy sinh để giảm bớt đau khổ và gia tăng hạnh phúc cho họ.

Với những người mình muốn đối thoại cụ thể:

– Hãy năng chủ động đến tiếp xúc với họ, nói chuyện, trao đổi, không phải để thuyết phục hầu đưa họ về Kitô giáo, mà để biểu lộ tình thương, tình người qua sự quan tâm và giúp đỡ của mình. Chính tình thương đích thực ở nơi ta mới làm ta trở nên gần gũi họ, mới là dấu chứng cụ thể và giá trị nhất có khả năng cảm hóa họ, và chứng tỏ ta là môn đệ đích thực Đức Giêsu, và làm họ cảm nghiệm được Đức Giêsu ở trong ta.

– Chính sự dễ thương, quảng đại, hy sinh, đặt nặng chân lý, công lý và tình thương ở nơi ta, trong cách sống của ta, là lời rao giảng về Thiên Chúa, về Đức Giêsu hùng hồn nhất, lôi cuốn nhất, và là chứng từ quan trọng nhất ta có thể làm được để giúp mọi người cảm nhận Kitô giáo là tôn giáo chân thực.

– Đối thoại bằng đời sống là cách đối thoại hữu hiệu và lôi cuốn nhất. Cốt yếu của cách đối thoại này là chính bản thân ta sống tinh thần Tin Mừng trong đời sống gia đình mình, trong công ăn việc làm, trong cách xử sự hằng ngày của ta đối với mọi người. Cốt yếu nhất trong việc sống theo Tin Mừng là «công lý, tình thương và sự thành thật» (Mt 23,23). Cứ sống như thế thì đã là truyền giáo đích thực và căn bản rồi.

2. Đối thoại bằng việc làm

Đối thoại bằng việc làm là cùng hợp tác với người khác cho những mục đích nhân đạo, xã hội, kinh tế, chính trị để giải phóng và phát triển con người.

– Hãy chủ động mời gọi họ (hoặc khi được họ mời gọi thì tích cực hưởng ứng) cùng quan tâm và cùng thực hiện những thiện ích chung trong xã hội, để làm cho bộ mặt xã hội tươi đẹp hạnh phúc hơn, giảm bớt tiêu cực, bất công, nghèo khổ…

– Người Kitô hữu phải biết quan tâm tới những vấn đề xã hội, những công việc chung, phải tỏ ra có «bụng chung» và tinh thần cộng tác hơn ai hết. Thật đáng xấu hổ và mâu thuẫn khi một đằng ta tuyên xưng Kitô giáo là một tôn giáo đúng đắn và tốt đẹp nhất, một đằng người Kitô hữu lại tỏ ra mình ít «bụng chung», ít quan tâm đến tha nhân, đến những vấn đề xã hội, ít khả năng làm việc chung hơn các tín đồ tôn giáo khác.

3. Đối thoại về lý thuyết

Đối thoại về lý thuyết (còn gọi là đối thoại giữa các chuyên gia): Để đào sâu và làm phong phú hiểu biết của đôi bên về các tôn giáo được đề cập.

– Khi dùng hình thức đối thoại này, tuyệt đối không nên tranh cãi hơn thua, không nhắm chứng tỏ tôn giáo của mình là hay nhất, tốt nhất, còn tôn giáo của người ta là kém cỏi hơn.

– Nếu có muốn thuyết phục họ rằng tôn giáo của mình là hay nhất, thì không nên dùng cách đối thoại về lý thuyết này, mà hãy thuyết phục họ bằng hai cách đối thoại trên.

– Nếu có điểm nào về mặt lý thuyết mà họ còn yếu, không có tính thuyết phục, thì mình cứ trình bày rõ ràng quan điểm của tôn giáo mình về điểm ấy, để họ nhận ra tính thuyết phục của đạo mình. Mình có thể nêu ra những câu hỏi mang tính gợi ý, đặt vấn đề khiến họ phải suy nghĩ để nhận ra chân lý.

– Hãy biết chăm chú lắng nghe hiểu thấu những điều người ta nói về tôn giáo họ, để rút ra những điều hay, những tư tưởng cao đẹp, những cách nhìn hay cách diễn tả khác về Tuyệt Đối hay Thiên Chúa.

– Hãy chăm chú nghe họ nói về vị giáo chủ của họ, và nhận ra những đặc tính nổi bật của ngài để ta bắt chước. Nhưng cũng hãy mạnh dạn giới thiệu Đức Giêsu cho họ, và tuyên xưng niềm tin mạnh mẽ của ta nơi Ngài. Đừng phê bình, so sánh vị nào hay hơn vị nào. Hãy để họ tự nhận xét và tự nhận ra điều đó.

– Kinh nghiệm về việc tìm hiểu và đối thoại chân tình với các tôn giáo khác cho tôi thấy: các tôn giáo khác giúp ta hiểu về Thiên Chúa và về Lời Chúa một cách sâu sắc hơn, nhiều khía cạnh hơn, đồng thời giúp ta sống đạo Kitô giáo một cách thâm sâu hơn, phong phú hơn.

– Hãy chia sẻ những tư tưởng, những điểm giáo lý, những câu Kinh Thánh nào mình lấy làm tâm đắc nhất, đem lại sức mạnh cho mình nhiều nhất. Hãy cho biết những tư tưởng ấy đã thay đổi hay ảnh hưởng đến đời sống mình như thế nào.

4. Đối thoại về những kinh nghiệm tôn giáo

Đối thoại về những kinh nghiệm tôn giáo là chia sẻ kinh nghiệm về cầu nguyện, chiêm niệm, đức tin, bổn phận, cách diễn tả Tuyệt Đối hay phương cách tìm kiếm Tuyệt Đối, nhất là những cảm nghiệm về Tuyệt Đối. Đây là kiểu đối thoại làm phong phú đời sống tâm linh của nhau, thăng tiến và duy trì những giá trị cao cả nhất và những lý tưởng tâm linh.

– Hãy chia sẻ về niềm vui, sự bình an, sức mạnh, niềm hạnh phúc đích thực mà mình có được khi cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, tiếp xúc với Thiên Chúa, hay khi thực hành những điều Chúa truyền dạy. Hãy kể những hồng ân mình nhận được từ Thiên Chúa. Đồng thời cũng hãy lắng nghe những chia sẻ của họ để học hỏi nơi họ.

– Nếu tôn giáo của ta là một tôn giáo đúng nhất, tốt đẹp nhất, thì nó phải đem lại cho ta một niềm hạnh phúc lớn lao, một động lực mạnh mẽ để ta dấn thân phục vụ tha nhân và xã hội. Hãy chia sẻ những hạnh phúc và động lực ấy.

– Mỗi người đều có một quá trình tìm kiếm chân lý và đi tìm hạnh phúc để thỏa mãn những thắc mắc căn bản nhất hoặc những khát vọng sâu xa nhất của mình. Hãy chia sẻ về quá trình tìm kiếm ấy và về kết quả cuộc tìm kiếm ấy, nhất là tôn giáo của mình đã giúp mình thế nào để đạt được kết quả ấy.

Nỗ lực của Giáo Hội trong việc tìm hiểu và đối thoại với các tôn giáo khác

Giáo Hội Công giáo đã có những nỗ lực cụ thể về lý thuyết cũng như thực hành để xúc tiến việc đối thoại tôn giáo này.

Về lý thuyết:

Từ Công Đồng Vatican II về sau, có nhiều văn kiện đề cập nhiều đến vấn đề đối thoại tôn giáo như:

@ Sắc lệnh «Hoạt động Truyền giáo» (Ad Gentes) và Tuyên ngôn «Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo» (Nostra Aetate) của Công Đồng Vatican II.

@ Tông thư «Sứ vụ Đấng Cứu Thế» (Missio Redemptoris) (1990) của Đức GioanPhaolô II và Tông huấn «Giáo Hội tại châu Á» (Ecclesia in Asia) của Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu (1999).

@ Đặc biệt hai tông thư «Đối thoại và truyền giáo» (Dialogue and Mission) (1984) và «Đối thoại và công bố Tin Mừng» (Dialogue and Proclamation) (1991) của Đức GioanPhaolô II nói về những thái độ mà Giáo Hội phải có đối với các tín đồ tôn giáo khác.

Về thực hành:

@ Đức Phaolô VI thành lập trong Tòa Thánh «Văn phòng cho những người ngoài Kitô giáo» năm 1964, nay đổi là «Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Tôn giáo».

@ Đức Gioan-Phaolô II tổ chức kêu gọi đại diện của các tôn giáo trên thế giới tới Assisi (ÝĐạiLợi) vào ngày 27-10-1986 để cùng cầu nguyện cho hòa bình thế giới, đồng thời tạo điều kiện gặp gỡ và thông cảm giữa các tôn giáo.

@ Ngoài ra hàng năm hoặc nhiều năm một lần, để tiếp nối truyền thống Assisi, trong Giáo Hội vẫn có tổ chức những buổi gặp gỡ giao lưu giữa Công giáo và các tôn giáo bạn ở cấp cao trong một số quốc gia. Chẳng hạn:

– Tháng 9-1992, các Giám Mục Âu Châu có tổ chức Đại Hội Liên Tôn giáo tại Russelle (Bỉ).

– Tháng 4-1994, Hiệp Hội các Giám Mục Á châu có tổ chức một hội nghị mang tính cách đối thoại giữa Phật giáo và Kitô giáo nhằm xây dựng sự hài hòa trên thế giới (Buddhist and Christian dialogue working for the harmony in the World) tại TháiLan.

- Tháng 9-1995, tại Bombay (Ấn Độ), cũng có một hội nghị như thế, nhưng giữa Ấn giáo và Kitô giáo.

- Tháng 11-1996, tại Bỉ, có hội nghị bàn thảo về vấn đề đối thoại liên tôn giáo.

Đó mới chỉ là những bước sơ khởi còn rất khiêm nhường so với những gì cần phải làm, hay so với những nỗ lực đối thoại của thế giới.


NGUYỄN CHÍNH KẾT

_________________________________________

Chú thích:

(*1) Tông huấn «Giáo Hội tại châu Á» (Ecclesia in Asia) của Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu do Đức Gioan-Phaolô II ban hành năm 1999, số 31§1

(*2) Tông huấn «Giáo Hội tại châu Á» (Ecclesia in Asia) của Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu do Đức Gioan-Phaolô II ban hành năm 1999, số 3§2.

(*3) Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn «Liên Lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo» (Nostra Aetate), số 22.

(*4) Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh «Hoạt động Truyền giáo» (Ad Gentes), số 11§2.





_______________________________________________________________________