4.3.08

9. HỘI NHẬP VĂN HÓA
VỚI TRIẾT LÝ ĐÔNG VÀ TÂY PHƯƠNG

NGUYỄN CHÍNH KẾT

Kitô giáo đã được Âu hóa

Kitô giáo và triết lý Hy Lạp

Đông Tây khác nhau

Trước khi được truyền bá sang Á châu, Kitô giáo đã được truyền bá khắp đế quốc Rôma, trong đó phần lớn là Âu Châu. Thủ đô của Kitô giáo là Rôma, là trung tâm của châu Âu thời đó. Có thể nói vào thời đó Kitô giáo trở thành tôn giáo của châu Âu.

Do đó, các vị lãnh đạo Giáo Hội, các nhà thần học, các giáo phụ, các nhà chú giải Kinh Thánh, v.v... hầu hết là người Âu Châu. Vì thế, mặc khải và sứ điệp của Đức Kitô đã được suy tư, nghiền gẫm, giải thích và diễn tả theo cung cách văn hóa Âu Châu, trong não trạng và lề lối suy tư của người Âu Châu. Đương nhiên, cung cách đó, lề lối và não trạng đó rất khác với cung cách, lề lối và não trạng của người Á châu.

Biết bao nhiêu học giả đã nghiên cứu và đưa ra những khác biệt rất lớn và sâu rộng giữa Đông và Tây. Khác biệt đến nỗi Ruyard Kipling đã phải nói: «Đông là Đông, Tây là Tây, chẳng bao giờ hai bên thành một được».

Triết lý Hy Lạp phục vụ Kitô giáo

Từ thời Thượng Cổ đến nay, Âu Châu chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa và triết lý Hy Lạp. Tại châu Âu, không có dân tộc nào có được một nền triết lý cao sâu như Hy Lạp. Hy Lạp tuy thua Rôma về mặt chính trị và quân sự, nhưng đã thắng Rôma về văn hóa và triết lý.

Khi giải thích và khai triển mặc khải Kitô giáo, các Kitô hữu thời đó bắt buộc phải dùng một triết lý nào đó làm dụng cụ để khai triển, để làm thần học. Triết lý được quan niệm và được dùng như «nô tỳ cho thần học» (Philosophia ancilla theologi„).

Ở Âu Châu lúc đó, để làm công cụ cho thần học, còn thứ triết lý nào tốt hơn là triết lý của Hy Lạp? Triết lý này đã từng được làm công cụ để phục vụ và khai triển tôn giáo của người Hy Lạp (thờ thần Zeus...), một tôn giáo được cha A. Pieris xếp vào loại «tôn giáo vũ trụ» (religion cosmique), kém xa các tôn giáo lớn như Kitô giáo, Phật giáo, Lão giáo... mà cha xếp vào loại «tôn giáo siêu vũ trụ» (religions métacosmiques).

Các giáo phụ Latinh và Hy Lạp đã «rửa tội» và tinh luyện triết lý này thành một công cụ để khai triển mặc khải và sứ điệp Đức Kitô, một tôn giáo thuộc loại siêu vũ trụ. Thế là cái «ống kính» mà người ta dùng để quan sát các sự vật trần thế bây giờ được đem dùng để khảo sát Thiên Chúa! Biết làm sao được? Còn một dụng cụ nào khác tốt hơn nữa?

Từ đây, tại châu Âu, Kitô giáo được truyền bá tới đâu, thì triết lý này cũng được truyền bá tới đó như một tên đầy tớ đi theo chủ mình. Đương nhiên, triết lý này không còn thuần túy Hy Lạp nữa, vì đã được những triết gia thiên tài như Augustin, Thomas d’Aquin... hoàn chỉnh cho phù hợp hơn với Kitô giáo.

Triết lý Hy Lạp

Một công cụ tốt để suy tư về những thực tại vũ trụ

Văn hóa và văn minh Tây Phương có thể nói là được xây dựng trên nền tảng triết lý Hy Lạp. Cứ xem nền văn minh của Tây Phương hiện nay, với những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật vượt bậc, thì ta có thể thẩm định được giá trị và sự vững chắc của triết lý Hy Lạp như thế nào. Ai cũng phải khâm phục và ngưỡng mộ nền triết lý ấy, và phải nhìn nhận rằng nó là một công cụ rất tốt để giúp con người suy tư, tìm hiểu những đối tượng thuộc vũ trụ, bị chi phối bởi không gian và thời gian. Vì nguyên thủy nó là một công cụ phục vụ cho tôn giáo của người Hy Lạp, một tôn giáo thuộc loại «vũ trụ».

Tuy nhiên, nếu dùng nó cho những đối tượng siêu vũ trụ, không bị thời gian và không gian chi phối, chẳng hạn như Thiên Chúa, hay những thực tại vĩnh cửu, là những thực tại trong các tôn giáo «siêu vũ trụ», thì e rằng ta đã dùng quá khả năng của nó.

Chiều hướng thuần lý của triết lý Hy Lạp

Người Hy Lạp vốn nổi tiếng về những suy tư thuần lý hay suy tư trừu tượng. Mọi việc được suy tư trong đầu óc, hễ thấy hợp với những nguyên tắc của lý trí thì được khẳng định là đúng, đúng một cách tuyệt đối, thậm chí đúng hơn cả những gì ta thấy được nơi thực tế nữa, vì chỉ có lý trí là đáng tin mà thôi, còn giác quan trực tiếp thấy thực tế có thể đánh lừa chúng ta.

Vì thế, chỉ có những suy tư thuần lý là đáng lưu tâm, còn những đối tượng của giác quan là đời sống cụ thể cùng với vũ trụ vạn vật đều không được coi là quan trọng. Nếu có sự mâu thuẫn giữa lý trí và thực tế mắt thấy, thì họ cho lý trí luôn luôn đúng còn mắt có thể thấy sai.


So sánh triết Đông và triết Tây

Để có cái nhìn quân bình hơn

Chủ trương hội nhập văn hóa của Công Đồng Vatican II

Khi Kitô giáo được truyền vào Á châu, các thừa sai Âu Châu đã trình bày Kitô giáo cho người Á châu theo cung cách văn hóa của châu Âu, nghĩa là dùng những ý niệm triết lý Tây Phương để diễn tả. Nhưng sau 400 năm phúc âm hóa, Kitô giáo vẫn còn là một thiểu số, khoảng 8% dân số, và bị coi là một tôn giáo ngoại lai có nguồn gốc Âu Châu.

Nay qua Công Đồng Vatican II, Giáo Hội nhấn mạnh việc lại việc hội nhập văn hóa, nên sứ điệp Kitô giáo cần phải được suy tư và trình bày lại theo cung cách văn hóa Á châu để phù hợp với người Á châu hơn. Do đó, những người có trách nhiệm phúc âm hóa cần phải nắm vững triết lý Á châu để có thể sử dụng nó một cách khéo léo trong việc suy tư và diễn tả sứ điệp Kitô giáo.

Cần quan niệm đúng đắn hơn về triết lý Đông Phương

Nhưng triết lý Á châu dường như vẫn còn là một cái gì xa lạ và bị coi nhẹ nơi rất nhiều Kitô hữu Á châu. Nhiều người có một thành kiến hay một mặc cảm tự ty về văn hóa hay triết lý của Á châu, họ vẫn luôn luôn coi triết Tây là số một, đang khi nhiều triết gia Tây Phương hiện nay cho rằng triết học truyền thống Tây Phương đang bị lung lay từ gốc rễ. Vì thế, chúng ta cần so sánh hai nền triết học đó để có một cái nhìn tương đối quân bình và ít thành kiến hơn

Giữa triết lý Đông Phương và Tây Phương có một số khác biệt căn bản. Trong phần so sánh này, triết lý Tây Phương được nói đến ở đây là triết lý Tây Phương xưa, nghĩa là thứ triết lý ảnh hưởng tới tư tưởng người Tây Phương và Giáo Hội từ thời Thượng Cổ đến thế kỷ 19. Hiện nay, triết lý Tây Phương hiện đại đã thay đổi rất nhiều, không còn những đặc tính cũ mà chúng ta nói trong phần so sánh này.

Đông Phương trọng thực tế, Tây Phương nặng suy tưởng

Khả năng trừu tượng hóa

Nói chung, cách suy tư của người Hy Lạp xưa mang tính cách thuần lý, trừu tượng, dựa trên những khái niệm về sự vật hơn là chính sự vật. Người Tây Phương, nhất là người Hy Lạp xưa, có khuynh hướng khái niệm hóa, trừu tượng hóa sự vật mạnh hơn người Đông Phương. Khả năng trừu tượng hóa đó đánh dấu một bước tiến bộ của loài người, vì khi còn sơ khai, con người chỉ biết nắm sự vật một cách cụ thể, cá biệt, từng cái một, chứ họ chưa biết trừu tượng hóa sự vật để có những ý niệm về chủng loại của sự vật. Cho tới cuối thời đồ đá cũ, người ta còn dùng nhiều tên gọi khác nhau để chỉ những cây, những quả, những chim, những thú vật cụ thể khác nhau, nhưng chưa có những từ để chỉ những khái niệm trừu tượng như loài cây, loài quả, loài thú, loài chim.

Biết trừu tượng hóa sự vật là biết gạt bỏ những nét đặc thù của hiện hữu (màu sắc, hình dạng, tính chất riêng...) để chỉ nắm lấy cái chung nhất của hữu thể. Như vậy, trong khi trừu tượng hóa hữu thể hiện sinh, người ta chỉ nắm bắt cái phóng ảnh, cái bản sao của sự vật, chứ không nắm bắt chính sự vật. Đương nhiên cái phóng ảnh đó sẽ trở thành bất động trong đầu óc người suy tư, đang khi chính sự vật thì luôn luôn thay đổi. Thật vậy, khi gặp lại một người xa cách hàng chục năm, ta mới thấy hình ảnh của người đó trong tâm trí ta không thay đổi gì cả, đang khi chính người đó đã biến đổi nhiều đến nỗi ta phải ngạc nhiên.

Đầu óc thuần lý của người Tây Phương

Điều đó có nghĩa là thế giới của ý niệm và thế giới của sự vật, mỗi thứ có một qui luật riêng, có cách vận hành riêng. Vì thế, khi khởi đầu suy tư, những ý niệm trong đầu ta có thể phù hợp với thực tế, với sự vật. Nhưng sau một quá trình suy tư, kết quả của suy tư có thể khác với kết cục của sự vật ít nhiều, cho dẫu người suy tư có thể theo đúng những nguyên tắc của lý trí trong lập luận của mình.

Do đó, khoa học thời nay vẫn phải dùng suy tư với những khái niệm trừu tượng về sự vật, nhưng vẫn luôn luôn lấy thực tế để kiểm chứng lại, để sửa đổi những sai trệch trong suy tư, trước khi có thể suy tư tiếp tục. Suy tư trừu tượng rất có giá trị, nhưng nó không thể đi một mình mà không gặp nguy hiểm, nó luôn luôn phải được kiểm chứng bằng thực tế mới tránh khỏi trệch đường, mới có được kết quả chắc chắn.

Nhưng người Hy Lạp xưa chỉ tin vào lý trí của mình chứ không tin vào giác quan, họ cho rằng giác quan có thể bị đánh lừa. Mà khốn thay thực tế lại chỉ có thể trực tiếp nắm bắt được bằng giác quan. Do đó, khinh thường giác quan rốt cuộc trở thành khinh thường thực tế. Thế là người Hy Lạp xưa đã coi trọng những suy tư thuần lý hơn là thực tại. Họ coi trọng những nguyên tắc của lý trí hơn là những qui luật khách quan của vũ trụ (1). Nếu có sự mâu thuẫn giữa lý trí suy tưởng và thực tế mắt thấy, thì họ vẫn cho lý trí là đúng. Vì thế, nhiều triết gia đã cho triết học Hy Lạp là một thứ duy tâm luận.

Tính thuần lý, ưa suy tư trừu tượng đó từ thời Parmenides của người Hy Lạp đã ảnh hưởng lên cách suy tư, nhận thức và vũ trụ quan của người Tây Phương và cả các thần học gia Tây Phương nữa.

Đầu óc thực tế của người Đông Phương

Còn người Đông Phương chuộng thực tế hơn, nên ít khuynh hướng trừu tượng hơn người Tây Phương, vì thế, họ không ưa những suy tư thuần lý và trừu tượng cho bằng những kết luận rút ra từ thực tế. Họ cũng biết khái niệm hóa sự vật, nhưng không dừng lại đó. Họ dùng những khái niệm để suy tư, nhưng mọi suy tư đều phải lấy thực tế để kiểm chứng, chứ không để tư tưởng luẩn quẩn mãi trong suy tư.

Những nguyên lý của người Đông Phương như nguyên lý âm dương, nguyên lý đồng nhi dị, nguyên lý phản phục... đều là kết quả của nhiều thời gian quan sát thực tế và suy tư, khác với những nguyên lý của lý trí nơi người Hy Lạp xưa phát xuất từ những suy tư thuần lý, bất chấp thực tế.

Nơi người Đông Phương, những nguyên lý áp dụng cho sự vật hữu hình đều phát xuất từ thực tế. Chỉ những nguyên lý nào áp dụng cho những thực tại siêu việt, không thể kiểm chứng bằng thực tại, hay không thể xuất phát từ sự vật hữu hình thì mới là suy tư thuần lý, chẳng hạn như: «Đạo khả đạo, phi Thường Đạo; Danh khả danh, phi Thường Danh» (Lão Tử)... Những nguyên lý như thế thường có tính phủ định hơn là xác định: phủ nhận những tính chất không thể đúng được, nhưng không dám xác định rõ rệt bằng ngôn ngữ vì ngôn ngữ và kinh nghiệm chung của con người quá nghèo nàn và thấp kém không thể dùng để diễn tả những thực tại siêu nghiệm.

Vũ trụ quan động của Đông Phương và vũ trụ quan tĩnh của Tây Phương

Vũ trụ quan tĩnh của Tây Phương

Người Tây Phương chịu ảnh hưởng văn hóa và triết lý Hy Lạp nặng suy tư thuần lý, coi trọng khái niệm hơn chính sự vật. Mà thế giới của ý niệm là thế giới tĩnh, không có chuyển động hay biến dịch. Thật vậy, khi ta có một ý niệm nào về sự vật, thì ý niệm đó không thay đổi theo thời gian nếu không có những tác động từ bên ngoài vào: như do quan sát sự vật thay đổi mà bổ túc hoặc thay đổi ý niệm ấy. Còn chính sự vật thì luôn luôn thay đổi, dù có thể rất chậm (2).

Khuynh hướng thuần lý của Parmenides đã lôi kéo cả nền văn hóa Hy Lạp và văn hóa Tây Phương vào một vũ trụ quan tĩnh, cho rằng vũ trụ là bất động (3). Những nguyên lý mà họ gọi là «nguyên lý của lý trí» là tiêu biểu cho vũ trụ quan tĩnh này. Vũ trụ quan này đã thống trị nền văn hóa Tây Phương suốt 20 thế kỷ (4).

Vũ trụ quan động của Đông Phương

Còn ở Đông Phương, ngay từ thời Thượng Cổ, từ thời Hoàng Đế, Phục Hy, cổ nhân đã biết quan sát vũ trụ vạn vật và nhận ra tất cả đều thay đổi, biến dịch. Không chỉ nhận ra sự biến dịch trong vũ trụ, mà cổ nhân Đông Phương đã tìm ra những nguyên lý, những quy luật không thay đổi của sự biến dịch ấy. Kết quả của những suy tư, nhận xét về sự biến dịch ấy được hệ thống hóa và ghi chép trong cuốn Kinh Dịch (Y King). Kinh Dịch của Đông Phương không phải là kết quả của những suy tư thuần lý, mà là kết quả của những suy tư căn cứ trên thực tế quan sát được, kiểm chứng được, để rồi rút ra nguyên lý chung theo phương pháp quy nạp (5).

Vũ trụ của người Tây Phương và của người Đông Phương khác nhau ở chỗ: Vũ trụ của người Tây Phương là vũ trụ trong ý niệm, mà đã là ý niệm thì phải tĩnh, không biến đổi, phải tuân theo những nguyên lý của lý trí hơn là những nguyên lý của thực tại. Còn vũ trụ của người Đông Phương là vũ trụ thực tế, biến đổi theo những nguyên lý của nó, độc lập với những nguyên lý của lý trí. Quan niệm này tương tự như của Heraclitus: (6) Với thời gian, không một vật nào đồng nhất với chính nó, lúc nào vạn vật cũng trở nên khác với chính nó: nóng thành lạnh, lạnh thành nóng, mới thành cũ, cũ hư hoại để sinh ra cái mới khác... Vũ trụ luôn luôn biến đổi theo trình tự: «thành, trụ, hoại, không».

Cái Bất Biến: đỉnh cao của vũ trụ quan Đông Phương

Sự biến dịch trong vũ trụ quan Đông Phương là sự biến dịch theo luật biến dịch của vũ trụ. Nghĩa là trong khi tất cả mọi sự đều biến dịch, thì vẫn có một cái không biến dịch làm trụ cột cho tất cả những cái biến dịch. Và cái đỉnh cao nhất của vũ trụ quan Đông Phương chính là cái không hề biến đổi này. Người học Dịch lý tới chỗ thấu suốt thì phải giác ngộ và nắm được Cái Bất Biến này: chính do Cái Bất Biến này mà tất cả mọi cái khác đều biến dịch.

Đương nhiên, Cái Bất Biến và những cái luôn biến dịch không nằm trên cùng một bình diện hiện hữu, hay cùng một cấp độ hiện hữu. Nhưng Cái Bất Biến đó luôn luôn nằm trong tất cả những thực tại biến đổi: không một thực tại biến đổi nào mà không hàm chứa yếu tố bất biến ấy. Cái Bất Biến ấy chính là nền tảng cho tất cả những cái biến đổi.

Nhất nguyên của Đông Phương và nhị nguyên của Tây Phương

Nhị nguyên

Nhị nguyên là tách biệt hai ý niệm đối lập ra khỏi nhau tới mức chúng chỉ đối kháng nhau, mà không có nguyên lý nào tổng hợp chúng thành một thể hay một mối duy nhất. Thí dụ: tâm vật (hay tinh thần và vật chất), trời đất, hữu vô, đầu đuôi, sướng khổ, vinh nhục... Hai thể đối lập đó đấu tranh với nhau để rồi một mất một còn, nghĩa là cái này có thể có mà không cần cái kia, và cái kia càng mất đi thì cái này càng «sống» mạnh. Do quan niệm hai thành phần đối đãi đó vốn tách biệt nhau, nên mới phát sinh những vấn đề như: vật chất có trước hay tinh thần có trước? tại sao có sự ác trên trần gian?...

Nhất nguyên

Còn nhất nguyên là chủ trương có một nguyên lý tổng hợp hai thể đối lập trong một cặp đối đãi thành một thể hay một mối duy nhất. Hai thể đối lập đó chỉ là do sự phân cực của hữu thể, của thực tại. Chẳng hạn bất cứ một vật nào cũng tự phân chia thành trong và ngoài, trên và dưới, trước và sau... Hay như một cục nam châm luôn luôn có đầu nam đầu bắc, hoặc như hễ có dòng điện thì phải có dây nóng dây lạnh, cực âm cực dương...

Hai thể đối lập đó đấu tranh với nhau để cùng tồn tại, vừa đấu tranh với nhau vừa bổ túc lẫn nhau, vừa nương nhau mà tồn tại. Hai thể đó không thể tách rời nhau, vì cái này mất thì cái kia cũng mất theo, cái này sinh thì cái kia cũng cùng sinh ra một lượt. Hai thể không thể tồn tại độc lập, vì cái này tồn tại được là nhờ có cái kia. Nhưng hai thể đối lập đó một khi đã xuất hiện thì tương tranh với nhau, và phải tương tranh như thế thì mới tồn tại, chứ không thể lãnh đạm hay độc lập với nhau. Hai thể đối đãi nhau đó được gọi bằng một tên chung là «lưỡng nghi» hay «âm dương» (7).

Vì vũ trụ quan của Tây Phương ngày xưa là một vũ trụ quan mang tính thuần lý, với những ý niệm trừu tượng, phù hợp với những đòi hỏi của lý trí hay với những nguyên lý của lý trí, hơn là phát xuất từ việc quan sát sự vật, nên không thấy rõ được tương quan giữa hai mặt đối lập của sự vật. Vì không thấy được tương quan bất khả phân ly đó, nên người Tây Phương chỉ nhìn thấy tính cách đối lập, mâu thuẫn của chúng, chứ không thấy chúng hỗ tương, bổ túc và cần thiết lẫn nhau, nhất là không nhận ra chúng là hai mặt của một thể duy nhất. Người Đông Phương gọi tính chất này của hữu thể là «nhất nguyên phân cực» hay «nhất thể lưỡng cực»

Nhất nguyên phân cực

Người Đông Phương nhận thấy vũ trụ luôn luôn biến hóa trong tất cả mọi phạm vi, tình huống, trong thời gian và không gian, sinh ra nhiều sự, nhiều vật, nhiều tình lý, nhiều tính chất khác nhau, trong nhiều mức độ khác nhau. Chẳng hạn:

– Trong phạm vi thời gian, mỗi vật, mỗi biến cố đều xảy ra vào thời điểm riêng của nó, do đó có cái trước có cái sau. Nói cách khác, thời gian được phân cực thành trước sau.

– Trong phạm vi âm thanh, mỗi âm đều có độ cao khác nhau, có cái trầm, có cái bổng. Vậy âm thanh được phân thành trầmbổng.

Tương tự như vậy, bất cứ phạm vi nào của vũ trụ cũng được phân thành hai cực khác nhau, mỗi phạm vi có hai tên khác nhau cho hai cực ấy. Các cặp mâu thuẫn gồm hai cực ấy được tổng quát hóa thành âmdương.

Âm và dương tượng trưng cho những cặp đối đãi nhau trong tất cả mọi phạm vi của vũ trụ vạn vật: đực-cái, nam-nữ, nóng-lạnh, cao-thấp, dài-ngắn, mạnh-yếu, thiện-ác,... hoặc lý và trí, tâm và vật, tinh thần và thể chất, thiên đàng và địa ngục, đạo và đời, thánh và phàm, thương và ghét, giúp và hại, bản chất và hiện tượng, sống và chết, gốc và ngọn, nhân và quả, tinh và noãn, khí và huyết, thủy và hỏa, thuốc và bệnh... Không một phạm vi nào trong vũ trụ mà không bị phân cực như thế.

Qui ước về Âm Dương:

Mỗi phạm vi đều phân làm hai cực: âm và dương. Nhưng cực nào là âm, cực nào là dương? Người ta thường qui ước rằng:

– cái gì có tính cách tiêu cực, ở trước, có trước, tĩnh, nhỏ, tối, mềm, xấu, kém, nở lớn ra, đi xuống... là âm,

– còn cái gì có tính cách tích cực, ở sau, có sau, động, lớn, sáng, cứng, tốt, hơn, thu nhỏ lại, đi lên... là dương.

Thí dụ, trong phạm vi sáng tối, thì sáng là dương, tối là âm, sáng nhiều là dương so với sáng ít là âm, tối mờ là dương so với tối mịt là âm.

Âm dương luôn luôn đi với nhau:

Không bao giờ âm hay dương lại đi một mình: âm chỉ là âm khi đi với dương, dương chỉ là dương khi đi với âm. Âm mà đi với một cái khác còn âm hơn nó, thì nó trở thành dương; dương mà đi với cái khác còn dương hơn nó thì nó trở thành âm. Do đó, khi có 3 mức độ sáng khác nhau: rất sáng, sáng vừa, và sáng ít, nếu so với tối, thì cả 3 mức sáng đó đều là dương. Nhưng cái sáng vừa sẽ trở thành âm khi đi với cái rất sáng, và trở thành dương khi đi với cái sáng ít.

Sự phân cực âm dương giống như hai đầu của một thanh nam châm: đầu bắc đầu nam. Nếu chặt thanh nam châm ra làm đôi, thì ta không được một thanh bắc một thanh nam, mà cả hai thanh nhỏ ấy đều trở thành những thanh nam châm có hai đầu bắc nam y như thanh nguyên thủy. Tương tự như vậy, một tập thể gồm nhiều người có mức độ giầu nghèo khác nhau, người ta có thể phân tập thể ấy thành hai loại người: giầu và nghèo. Nhưng sau khi chia làm hai tập thể nhỏ như trên, thì mỗi tập thể nhỏ ấy vẫn có thể chia thành hai loại người: giàu và nghèo, hay có nhiều tiền hơn và có ít tiền hơn. Điều đó có nghĩa là: âm dương là tương đối, là so sánh với nhau mà có. Không có một vật nào tự bản chất là dương hay âm cả. Khi nói vật này là âm thì đã giả thiết có vật khác là dương rồi.

Hai quan niệm khác biệt

Đây là một điểm khác biệt giữa Đông và Tây. Nhận thức luận của Tây Phương xưa cho rằng tự bản chất một vật có thể là tốt hay xấu mà không cần phải so sánh hay đối chiếu với vật nào khác. Một vật đã gọi là xấu thì không thể là tốt cho dẫu là so sánh với vật xấu hơn. Nói cách khác, âm là âm mà dương là dương. Nếu đã là âm thì cứ cố định là âm, vì bản chất của nó là âm, chứ không do so sánh với cái khác là dương. Âm và dương, tốt và xấu, sáng và tối... có thể tách biệt nhau hoàn toàn, không chút dính dấp gì với nhau. Nếu có sự chung chạ thì chỉ như đậu đen và đậu trắng trộn chung với nhau, nếu cứ kiên nhẫn xếp riêng hai thứ ra, thì sẽ có lúc đậu trắng và đâu đen hoàn toàn tách biệt. Do đó, nhận thức luận và vũ trụ luận của Tây Phương ngày xưa là nhị nguyên: hai cái đối lập nhau bắt nguồn từ hai thể đối lập.

Còn nhận thức luận và vũ trụ luận của Đông Phương là nhất nguyên: hai cái đối lập là do một thể phân cực ra, và nếu thể ấy bị tách làm hai, thì hai thể mới cũng vẫn có đầy đủ hai cực đối lập như thể nguyên thủy. Điều đó có nghĩa là trong cực này đã có hàm chứa cực kia, nên khi phân làm hai, mỗi thể nhỏ mới có thể có đầy đủ hai cực đối lập được. Vậy là trong âm đã có sẵn dương, và trong dương đã có sẵn âm. «Âm trung hữu dương, dương trung hữu âm» (Kinh Dịch). Âm và dương không thể nào tách biệt được nhau, nghĩa là không bao giờ có tình trạng cô âm hoặc cô dương, thuần âm hoặc thuần dương được. Điều đó thật dễ hiểu, vì khi nào còn có sự khác biệt (8) giữa các phần tử trong một tập thể với nhau, thì tập thể đó ắt nhiên phải phân cực thành âm dương. Âm dương phát sinh là do sự dị biệt về mức độ (9).

Và vì vũ trụ quan của Đông Phương là động biến, nên âm có thể biến thành dương, dương biến thành âm. Sở dĩ như thế là vì trong dương đã có sẵn mầm âm, và trong âm đã có sẵn mầm dương. Cái mầm bên trong ấy chỉ chờ cái bên ngoài yếu đi là phát triển mạnh lên và thay thế cái bên ngoài, và lúc đó, bên trong lại phát sinh một mầm đối lập mới. Đó là luật tiêu tức của âm dương: «âm tiêu dương trưởng, dương tiêu âm trưởng». Vì thế, vũ trụ trở thành một vòng tròn sinh hóa hóa thành mãi mãi, âm dương thay nhau lên ngôi, làm chủ, thay đổi thịnh suy cho nhau, không bao giờ yên một chỗ cả.

Âm Dương và những tính chất của âm dương được tượng trưng và biểu thị bằng Thái Cực Đồ: vòng ngoài cùng tượng trưng cho Vô Cực. Vòng trong tượng trưng cho Thái Cực. Hai hình (giống như con cá) mầu trắng đen tượng trưng cho Lưỡng Nghi: Âm và Dương. Vòng tròn nhỏ mầu trắng tượng trưng cho Thiếu Dương (Dương trong Âm) và vòng tròn nhỏ màu đen tượng trưng cho Thiếu Âm (Âm trong Dương).


Thái cực đồ

«Vô cực sinh Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi,
Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ tượng sinh Bát Quái,
Bát Quái sinh vạn vật
» (Kinh Dịch).


Quan niệm thực tại đơn diện,
và quan niệm thực tại đa diện

Thực tại đơn diện

Triết lý và nhận thức luận Tây Phương ngày xưa dựa trên những nguyên lý của lý trí hơn dựa trên thực tại. Theo đó, hữu thể chỉ có thể là một (L’Être est Un). Và nếu hữu thể chỉ có thể là một thì cứ theo đà lý luận đó, hữu thể cũng chỉ có một mặt, không thể nhiều mặt được. Do đó, đối với một hữu thể hay một thực tại, chỉ có một cách nhìn về hữu thể hay thực tại đó là đúng mà thôi, tất cả những cách nhìn nào khác mâu thuẫn với cách nhìn đó phải là sai. Điều đó được phản ảnh trong nguyên lý bất mâu thuẫn (10) triệt tam (11) của triết lý Tây Phương. Những nguyên lý này đã giả thiết rằng thực tại chỉ có một mặt, vì nếu thực tại mà là đa diện thì những nguyên lý ấy không còn đúng nữa (12). Vì thế, trong nhận thức luận của Tây Phương có câu: «Chân lý chỉ có một» (13).

Do quan niệm này mà người Tây Phương một khi đã thấy mình là đúng, họ đương nhiên cho rằng tất cả những ai quan niệm khác với họ đều sai. Vì theo lý trí, không thể có hai chân lý khác nhau hay mâu thuẫn nhau, hễ cái này đúng ắt nhiên những cái khác với nó phải sai, không thể cùng đúng một lượt (14). Cũng vì quan niệm thực tại đơn diện, «chân lý chỉ có một», mà các triết gia Tây Phương thường có khuynh hướng nghiêng về một mặt của vấn đề, dễ đi đến chủ nghĩa độc đạo (exclusivisme), chỉ có một con đường. Vì thế, triết học Tây Phương dễ phát sinh ra các học thuyết: duy tâm, duy vật, duy linh, duy nghiệm, duy niệm, duy thực, duy hiện tượng, v.v... giản lược tổng thể vào một mặt nào đó của nó.

Và cũng vì lý do đó mà người Tây Phương có khuynh hướng tranh đấu dành chân lý hay phần thắng về mình. Do đó, họ thường xuyên phải tranh đấu với chính bản thân, với tha nhân, với thiên nhiên vạn vật. Từ đó người Tây Phương dễ phát sinh khuynh hướng chiếm đoạt, thống trị, áp đặt... Điều này được biểu hiện trong nghệ thuật kiến trúc của Tây Phương thích dùng những đường gẫy, đường thẳng, những góc nhọn cao vút lên trời, biểu hiện niềm kiêu hãnh, lòng ham muốn chống lại và thống trị thiên nhiên cũng như vạn vật chung quanh.

Thực tại đa diện

Người Đông Phương không chỉ suy tư theo lý trí mà còn căn cứ trên thực tế. Mà trên thực tế có sự vật nào chỉ có một mặt đâu? Mọi sự vật đều có nhiều mặt, ít nhất với ba chiều kích (dài-rộng-cao) để người ta có thể nhìn chúng với sáu mặt khác nhau: trước, sau, trên, dưới, trái, phải. Sáu mặt ấy ứng với sáu cách nhìn khác nhau, thậm chí có thể mâu thuẫn nhau (15). Thật là buồn cười nếu có ai đặt vấn đề rằng: trong sáu cái nhìn ấy, cái nhìn nào đúng? Và buồn cười hơn nữa nếu có ai nhất quyết rằng trong sáu cái nhìn ấy, chỉ có một cái nhìn - cái nhìn của mình - là đúng, còn năm cái nhìn kia, chiếu theo câu «chân lý chỉ có một», ắt phải sai hết. Sự việc buồn cười trên rất dễ xảy ra nếu người ta chấp nhận nguyên lý bất mâu thuẫn là đúng và quan niệm thực tại chỉ có một mặt.

Khả năng chấp nhận và dung hòa mâu thuẫn

Vì quan niệm thực tại là đa diện, vì không luôn luôn suy nghĩ theo nguyên lý bất mâu thuẫn của Tây Phương (16), nên người Đông Phương chấp nhận mâu thuẫn một cách tương đối dễ dàng hơn. Khi một người nghĩ thế này và thấy người khác nghĩ thế kia ngược hẳn lại với mình, người đó vẫn có thể nghĩ rằng: biết đâu người kia cũng đúng như mình, không kém gì mình. Có thể nói tại châu Á, những khuynh hướng chính trị, tôn giáo, văn hóa khác nhau đôi khi mâu thuẫn nhau vẫn có thể «sống chung hòa bình» với nhau nhiều hay ít. Vì không theo nguyên lý bất mâu thuẫn, người Á Đông không đặt quá nặng vấn đề đúng-sai.

Tại châu Á có ba tôn giáo lớn: Khổng, Lão, Phật, và ba luồng tư tưởng lớn ấy đâu phải không có mâu thuẫn. Nhưng không thấy có mấy triết gia Đông Phương, hay những tín đồ thuộc ba tôn giáo ấy đặt vấn đề: đạo nào đúng đạo nào sai. Họ nhận ra rằng ba luồng tư tưởng ấy bổ túc cho nhau nhờ có những điểm mâu thuẫn nhau. Thật vậy, trong vấn đề xã hội chẳng hạn, đạo Nho chủ trương nhập thế, còn đạo Lão chủ trương xuất thế. Hai chủ trương ấy tuy mâu thuẫn nhau nhưng vẫn có thể «sống chung hòa bình» ngay trong một con người. Một học giả Đông Phương nói rằng trong con người một sĩ phu Á Đông, có hình ảnh một ông Khổng và một ông Lão: ông Khổng chi phối hành động, còn ông Lão chi phối tư tưởng.

Sự mềm dẻo trong tư tưởng

Cũng do quan niệm thực tại đơn diện mà những khẳng định của người Tây Phương về thực tại thường rất rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát, nhưng mang tính một chiều. Khi nói «điều này tốt» thì bao hàm rằng nó không thể xấu, mà nói «điều này xấu» thì bao hàm rằng nó không thể tốt. Còn những khẳng định người Đông Phương thường không rõ ràng, dứt khoát như thế. Khi nói «điều này tốt» thì người ta ngầm hiểu là nó cũng có những mặt xấu hay không tốt của nó, cũng như khi nói «điều này xấu» thì ngầm bao hàm rằng nó cũng có những mặt tích cực của nó. Quan niệm «không có vật nào thuần âm hay thuần dương» hay «trong dương có âm và trong âm có dương» cũng nói lên tính đa diện của thực tại (17). Do đó, trong tư tưởng, người Tây Phương có tính dứt khoát và cứng rắn, còn người Đông Phương có tính mềm dẻo, mơ hồ, không dứt khoát. Đương nhiên, tính chất nào cũng có những cái hay cái dở của nó.


Khuynh hướng phân tích và tổng hợp
của Đông và Tây Phương

Tây Phương thiên về phân tích

Khuynh hướng nhị nguyên và nhận thức luận đơn diện khiến người Tây Phương có đầu óc phân tích, biện biệt mạnh. Hoặc có thể ngược lại: vì có khuynh hướng phân tích biện biệt mạnh mà họ trở nên nhị nguyên. Họ quan niệm bản thân và tha thể hoàn toàn tách biệt nhau, có thể đi đến đối kháng và đấu tranh với nhau. Điều này ảnh hưởng đến cách hiểu và cắt nghĩa Kinh Thánh của người Tây Phương về Thiên Chúa: Thiên Chúa hoàn toàn tách biệt với vũ trụ vạn vật, Thiên Chúa và vũ trụ vạn vật dứt khoát là hai thực thể khác biệt nhau.

Đông Phương thiên về tổng hợp

Khuynh hướng nhất nguyên và nhận thức luận đa diện của Đông Phương khiến họ có đầu óc tổng hợp mạnh. Hoặc có thể ngược lại: vì có khuynh hướng tổng hợp mạnh mà họ trở nên nhất nguyên. Họ tổng hợp bản thân và tha thể thành một thể duy nhất: «vũ trụ vạn vật đồng nhất thể». Do đó, người Đông Phương có khuynh hướng «dĩ hòa vi quý», đề cao hòa bình, thích hài hòa. Họ dễ sống hài hòa với chính mình, với tha nhân, với vạn vật, không có khuynh hướng chiếm đoạt, thống trị và thích áp đặt mạnh như người Tây Phương. Ta thấy các tôn giáo phát triển tại Đông Phương có khuynh hướng tự do, lỏng lẻo, không đặt nặng cơ cấu, ít giáo điều, ít áp đặt, dễ chấp nhận và hài hòa với nhau... Tính hài hòa được thể hiện rất rõ nét trong nghệ thuật: các kiến trúc của Đông Phương thường dùng nhiều đường cong, đường ngang, có tính cách trầm lắng, hòa với vạn vật, đi vào lòng người; các bức họa Đông Phương thường vẽ con người nhỏ bé hòa lẫn với thiên nhiên bao la rộng lớn được vẽ mờ nhạt mịt mù.

Khuynh hướng nhất nguyên này ảnh hưởng đến cách quan niệm và cắt nghĩa của người Đông Phương về Thực Tại Tối Hậu. Thực Tại Tối Hậu và vũ trụ vạn vật là một. Đó chỉ là hai mặt khác biệt nhau – bản thể và hiện tượng, hay thể và tướng – của cùng một thực thể duy nhất (18).

Triết Tây vị triết học, Triết Đông vị nhân sinh

Triết học Tây Phương nhằm thỏa mãn trí tuệ

Triết học Tây Phương trước đây (19) có khuynh hướng suy tư thuần lý, coi việc thỏa mãn lý trí, sự hợp lý, hay sự phù hợp với đòi hỏi của lý trí quan trọng hơn sự phù hợp với thực tế. Vì thế, nó nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của trí tuệ hơn là phục vụ đời sống. Chính vì vậy, triết học trở nên độc lập với cuộc sống, ở bên lề cuộc sống. Do đó, người ta có thể nghĩ một đằng, nhưng sống một đằng. Triết học không có ảnh hưởng nhiều trên đời sống, trên những lãnh vực sinh hoạt của đời sống.

Ta thấy rõ ràng tinh thần của triết học Tây Phương khác hẳn với tinh thần khoa học Tây Phương. Triết học coi trọng những nguyên lý của lý trí, còn khoa học lại coi trọng cách vận hành của sự vật. Triết học và khoa học đôi khi mâu thuẫn nhau. Triết học chỉ có ảnh hưởng quan trọng trong tôn giáo, được tôn giáo dùng làm dụng cụ để diễn tả và khai triển những mặc khải thần linh. Thời Trung Cổ, do ảnh hưởng của tôn giáo quá nặng, khoa học phải chịu sự chi phối của triết học và tôn giáo, nên khoa học không tiến nhanh được. Nhiều nhà khoa học bị triết học và tôn giáo kết án hoặc chế tài khi họ tuyên bố những thành quả khoa học mình khám phá ra vốn đi ngược lại quan điểm của triết học và tôn giáo, như Bruno, Galilée, Mendel... (20)

Triết học Đông Phương gắn liền với đời sống

Ngược lại, người Đông Phương có đầu óc trọng thực tế hơn suy tư thuần lý, nên triết học không nhằm thỏa mãn nhu cầu của trí tuệ cho bằng nhu cầu thực tế của đời sống. Vì thế, triết học gắn liền với cuộc sống, đóng vai trò chỉ đạo, hướng dẫn cuộc sống. Tại châu Á, các triết gia thường cũng là những hiền nhân sống đích thực triết lý của mình. Ảnh hưởng của triết học trên cuộc sống rất mạnh, triết học chi phối mọi lãnh vực sinh hoạt của đời sống. Chẳng hạn như tại châu Á, triết lý Kinh Dịch được áp dụng trong đạo học, y học, bốc phệ, địa lý, luân lý, luận lý, binh pháp, kinh tế, chính trị, các ngành khoa học, v.v... Không một triết lý nào ở Tây Phương có ảnh hưởng quan trọng đối với đời sống như vậy.

Triết Đông với Kitô giáo

So sánh những đặc tính của triết học Đông Phương và Tây Phương, ta thấy triết học Đông Phương phù hợp với sứ điệp Kitô giáo hơn. Trước hết, Kitô giáo nguyên thủy xuất phát từ Đông Phương, từ trong bối cảnh văn hóa Đông Phương. Rất tiếc về sau Kitô giáo đã bị Âu hóa và dường như đã đánh mất bản sắc Á châu của mình. Kitô giáo đã trở thành một tôn giáo nặng tính chất Tây Phương: hầu hết các ý niệm thần học dùng để giải thích Kitô giáo đều là những ý niệm triết lý của Tây Phương.

Việc đưa Kitô giáo trở về với triết lý Đông Phương, dùng những ý niệm của triết lý Đông Phương để giải thích cho người Đông Phương là một việc làm chính đáng và thích hợp. Rất có thể có nhiều kết luận quan trọng của thần học Tây Phương chỉ là cách hiểu hay giải thích mặc khải theo não trạng, khuynh hướng và văn hóa của người Tây Phương. Vì thế, để dễ dàng thích ứng và hội nhập văn hóa nơi những dân tộc Á châu, chúng ta cần phải phân biệt những yếu tố nào thuộc sứ điệp hay mặc khải không thể thay đổi và những yếu tố nào thuộc văn hóa có thể thay đổi.

Cũng như các tôn giáo lớn khác tại châu Á, Kitô giáo là một tôn giáo để sống hơn là để biết, và triết lý Đông Phương cũng nhắm để sống chứ không phải để thỏa mãn nhu cầu lý trí. Còn triết lý Tây Phương nhắm thỏa mãn trí tuệ hơn để sống, nên thần học Tây Phương cũng chịu ảnh hưởng này. Nhiều điều được xác định một cách dứt khoát và long trọng đến nỗi sẵn sàng chấp nhận sự chia rẽ trong nội bộ Giáo Hội nhưng những xác định ấy không phải để sống cho bằng để xác định quan điểm.

Kitô giáo chủ trương quên mình, «hủy mình» (kenosis), kết hiệp và hòa mình với Tuyệt Đối và cả với những gì tương đối (21), thì triết lý Đông Phương cũng chủ trương «vô vi» (22), «vô kỷ, vô công, vô danh» (23), «vô ngã» hay «phá chấp ngã» (24), v.v... để phá những ngăn trở cho sự kết hiệp và hòa mình với tha thể. Những chủ trương ấy sẽ trở nên dễ dàng thực hiện khi người ta nhận ra rằng mình và tha thể chỉ là một, hay «vũ trụ vạn vật đồng nhất thể» (25).


______________________________________

Phần chú thích

(1) Người ta đã nhạo báng lối suy tư trừu tượng quá khích đó như sau: Các triết gia Hy Lạp đã ra lệnh cho vạn vật: «Hỡi thiên nhiên, đây là một số qui luật mà ta đặt ra cho mi, mi phải tuân theo cho nghiêm chỉnh». Thái độ của các nhà khoa học gia khác hẳn. Họ nói: «Chúng tôi đã nghiên cứu và phát hiện những chuyển động của thiên nhiên, và đây là những điều chúng tôi đã khám phá được. Những điều này theo như chúng tôi đã quan sát từ trước tới nay, là những định luật của thiên nhiên».

(2) Thực ra, triết lý Hy Lạp vẫn có những khuynh hướng vũ trụ quan động, chẳng hạn Heraclitus (576-480 AD) chủ trương vũ trụ biến dịch và sự biến dịch ấy nằm ngay trong yếu tính của mọi hữu thể. Do đó, tất cả đều biến đổi, đều bất ổn. Ông nói: «Người ta không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông» để diễn tả sự biến chuyển không ngừng của vạn vật. Ông chủ trương «hữu thể là nhiều» vì ông thấy có nhiều hữu thể khác nhau ngay trước mắt. Nhưng chủ trương của ông đã bị chủ trương của Parmenides (540-450 AD) thắng thế. Ông này chủ trương «hữu thể là một». Và từ đó, ông suy lý ra rằng vũ trụ thì vĩnh cửu, duy nhất, liên tục và bất động. Ông cho rằng tất cả mọi biến đổi ta thấy được chỉ là biểu kiến, không có thực, do giác quan đánh lừa ta, vì theo lý trí thuần lý thì hữu thể chỉ có thể là một, vì khác với hữu thể là phi hữu, mà phi hữu thì không thể hiện hữu. Làm sao ông có thể suy nghĩ khác được khi ông cho rằng nguyên lý đồng nhất là tuyệt đối: «Hữu thể thì có, phi hữu thì không có»? Còn Heraclitus thì không chấp nhận nguyên lý đồng nhất, ông tuyên bố: «Vật nào cũng vừa là chính nó vừa không phải là chính nó». Ông đưa ra ý niệm về sự biến dịch và trở nên để giải thích về hữu thể. Ý niệm này cho rằng «hữu thể là phi hữu». Nhưng không may, triết lý của ông đã không có đất dụng võ giữa một thế giới Hy Lạp mà ai cũng coi trọng lý trí và khinh thường thực tế (là những gì giác quan nhận thức được).

(3) Thực ra, trong thực tế, chẳng có ai cho rằng vũ trụ là bất động và thực tại là đơn diện cả, cho dù là những triết gia cực đoan nhất của Tây Phương. Nhưng những nguyên lý mà người Tây Phương gọi là «nguyên lý của lý trí» lại chỉ có thể đúng trong một vũ trụ bất động và đơn diện mà thôi.

(4) Mãi tới thế kỷ 18-19, các triết gia Tây Phương như Hegel (1770-1831), Renouvrier (1815-1903)… mới đặt lại vấn đề vũ trụ quan tĩnh của Tây Phương, và đưa ra một vũ trụ quan động. Vì thế, vũ trụ quan của triết lý Tây Phương hiện đại không còn tĩnh như xưa, mà rất là động.

(5) Đương nhiên, trong những kết quả đó, không phải kết quả nào cũng đều do quan sát hay kiểm chứng được, nhất là khi đối tượng là những thực tại siêu việt. Đối với những thực tại ấy, cổ nhân đã suy tư theo trực quan hay nội quan, và căn cứ trên những hiểu biết chắc chắn đã có. Chẳng hạn như khi cổ nhân xác định: «Vô Cực sinh Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái» (Kinh Dịch), hay «Đạo sinh Một, Một sinh Hai, Hai sinh Ba, Ba sinh Vạn vật» (Lão Tử)…

(6) Theo Heraclitus, «L’être est le non-être» (Hữu thể là phi hữu).

(7) Một minh họa giúp ta dễ hiểu sự việc đấu tranh với nhau để cùng tồn tại, để bổ túc lẫn nhau, đó là chuyện con diều và sợi giây. Con diều và sợi giây cùng bay lượn trên trời, đùa giỡn với gió một cách thanh thản vui thú. Nhưng con diều bỗng cảm thấy mình không được tự do vì bị sợi giây ràng buộc. Nó muốn bay cao lên nữa, bay xa hơn nữa, nhưng bị sợi giây cản lại. Vì thế, nó rất bực mình vì sợi giây. Nó nghĩ nếu nó được giải phóng khỏi sợi giây, nó sẽ tha hồ bay cao bay xa, và nó rất đau khổ vì sợi giây ràng buộc. Còn sợi giây thì cũng bực mình không kém vì con diều. Nó luôn luôn bị con diều làm căng thẳng, nhiều khi như muốn đứt. Nó không được tự do mà hoàn toàn bị lệ thuộc vào con diều: con diều bay đi đâu thì lôi kéo nó đi tới đấy, bất chấp nó có muốn hay không. Nó nghĩ nếu nó được giải phóng khỏi con diều, nó sẽ tha hồ bay lơ lửng giữa trời, tự do qua lại, không còn bị lôi kéo, căng thẳng nữa. Thế là «hai đứa» quyết định chia tay, hy vọng rời nhau cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng thực tế thật không ngờ: vừa rời nhau thì cả hai cùng rơi xuống đất.

(8) Trong vũ trụ, có nguyên lý «Đồng nhi dị» (giống mà khác), nghĩa là không có hai vật nào hoàn toàn giống nhau, tuy dù có thể có vô số những điểm giống nhau, nhưng thế nào chúng cũng phải có những điểm khác nhau. Hai vật cùng loại cũng được sản xuất trong một nhà máy hiện đại, xem ra không có điểm nào khác nhau, nhưng không thể nào không có điểm khác nhau. Trước hết, chúng có thể khác nhau về thời điểm sản xuất, hay không gian sản xuất, dù chỉ trước hay sau nhau một giây hay cách xa nhau một mét, số phận chúng cũng khác nhau, được dùng ở hai nơi khác nhau, thời điểm hủy diệt cũng khác nhau, v.v…

(9) Một vài thí dụ làm sáng tỏ vấn đề hơn: Thế giới hiện tại gồm 4 tỉ người, trong đó ắt phải có người khôn người dại. Nhưng giả như ta tuyển được 10 người khôn nhất thế giới và cho họ ở chung với nhau, thì trong 10 người đó ắt nhiên phải có kẻ khôn nhiều hơn người khôn ít hơn. Và trong nội bộ 10 người đó, kẻ khôn nhiều thì gọi là khôn, và kẻ khôn ít thì gọi là dại. Vậy là trong 10 người khôn nhất thế giới ấy vẫn có kẻ khôn người dại. Làm sao có thể không có sự dị biệt giữa 10 người đó?

Hay trong một phòng đầy ánh sáng, chỗ nào cũng sáng. Người ta tưởng sáng như vậy là không có bóng tối. Nhưng nếu ở một góc phòng nào đó, ta để một ngọn đèn sáng gấp nhiều lần ánh sáng đã có và cô lập lại góc phòng đó, để ánh sáng tại đó không lọt ra ngoài. Lập tức, ta thấy căn phòng có chỗ sáng hơn, có chỗ tối hơn.

(10) Nguyên lý bất mâu thuẫn có thể được phát biểu nhiều cách: «Một mệnh đề không thể vừa đúng lại vừa sai», hay: «Hai mệnh đề mâu thuẫn nhau không thể cùng đúng một lượt», hay: «Một vật không thể vừa là nó vừa không là nó được». Chữ «mâu thuẫn» do Mao Trạch Đông dùng đầu tiên, được gợi ý từ câu chuyện của Mạnh Tử: Một người bán mâu thuẫn quảng cáo về mâu của mình: «Mâu này không có thứ gì mà không chọc thủng được», rồi lại quảng cáo về thuẫn của mình: «Thuẫn này không có thứ gì có thể chọc thủng được». Như vậy là hai lời quảng cáo đó mâu thuẫn nhau.

(11) Nguyên lý triệt tam được phát biểu: «Một là vật này là A, hai là vật này không là A, không thể có trường hợp thứ ba». Không thể có trường hợp thứ ba nghĩa là vật ấy không thể vừa là A, vừa không là A được.

(12) Đối với một tờ giấy mặt trắng mặt đen (hai mặt), hai câu «nó trắng» và «nó đen» cùng đúng một lượt.

(13) Ở đây chữ chân lý có thể có hai nghĩa: Chân Lý (viết bằng chữ hoa) và chân lý (viết chữ thường). Nếu hiểu Chân Lý (viết bằng chữ hoa) thì câu trên đúng, nhưng nếu hiểu chân lý (viết chữ thường), thì câu trên nghĩa là: trong nhiều câu phát biểu khác nhau về một thực tại, chỉ có một câu đúng thôi. Theo nhận thức luận Tây Phương, cả hai cách hiểu đều đúng.

(14) Trong lịch sử toán học, ta thấy có ba nền hình học dựa trên ba tiên đề mâu thuẫn nhau:

· Hình học Euclide dựa trên tiên đề: Từ một điểm ở ngoài một đường thẳng, ta chỉ có thể kẻ được một đường thẳng duy nhất song song với đường thẳng đã cho.

· Hình học Riemann dựa trên tiên đề: Từ một điểm ở ngoài một đường thẳng, ta không thể kẻ được một đường thẳng nào song song với đường thẳng đã cho.

· Hình học Lobatchevsky dựa trên tiên đề: Từ một điểm ở ngoài một đường thẳng, ta có thể kẻ được vô số những đường thẳng phân biệt song song với đường thẳng đã cho.

Theo Euclide, phải kẻ được một đường thẳng song song, còn theo Riemann thì chẳng kẻ được đường thẳng nào Þ mâu thuẫn. Theo Euclide, không thể kẻ được đường thẳng thứ hai, còn theo Lobatchevsky thì kẻ được vô số đường thẳng thứ hai. Giữa Riemann và Lobatchevsky lại càng mâu thuẫn nhiều hơn. Trước thực tế đó, triết học buộc phải đặt lại vấn đề về nguyên lý bất mâu thuẫn của nhận thức luận cũ.

Nếu cứ căn cứ trên nguyên lý bất mâu thuẫn thì chắc chắn chỉ có một nền hình học đúng mà thôi. Nhưng trong thực tế, cả ba đều được ứng dụng rất đúng trong ba không gian khác nhau. Hình học Euclide áp dụng đúng trong thế giới thường ngày của chúng ta. Hình học Riemann trong ngành vi vật lý, nghiên cứu thế giới của các nguyên tử và phân tử. Hình học Lobatchevsky trong ngành vật lý không gian của các thiên thể vũ trụ. Ba thế giới đó là ba mặt của một thực tại duy nhất là không gian. Nếu ta quan niệm không gian chỉ là một thực tại đơn diện, ắt không thể giải thích được những mâu thuẫn cùng đúng trên.

(15) Nếu sáu mặt đó là sáu màu khác nhau, đương nhiên nếu mặt này đỏ thì năm mặt kia không đỏ. Đỏkhông đỏ mâu thuẫn nhau. Nếu sáu người nhìn sáu mặt khác nhau ấy, người nào cũng chỉ nhìn thấy có một mặt rồi kết luận rằng cả cái vật ấy là màu mình nhìn thấy, đồng thời cho rằng nếu mình đã nhìn đúng ắt những người nhìn khác mình phải sai, thì sáu người đó sẽ cãi lộn nhau giống như những ông mù rờ voi trong du ngôn của Đức Phật. Nguyên nhân xảy ra cái cảnh bi đát cãi lộn nhau là vì sáu người đó ai cũng tưởng vật muốn nhìn thấy chỉ có một mặt duy nhất là mặt mình nhìn thấy, nên có ai quả quyết khác với mình thì làm sao mình chấp nhận được? Nhân loại hiện nay đang chiến tranh thảm sát nhau không phải chỉ để tranh dành quyền lợi, mà còn để bảo vệ chân lý. Bảo vệ cái chân lý mà chính mình đã chứng nghiệm, đã xác tín, ngỡ rằng đó là chân lý duy nhất. Ngờ đâu đó chỉ là «chân lý của mình», không biết rằng người khác cũng có «chân lý của họ». Các tôn giáo, các ý thức hệ, các bè phái chính trị… nhóm nào cũng tự cho rằng chỉ có lập trường của mình là đúng, và ai cũng sẵn sàng đổ máu của mình cũng như máu của phe đối lập để bảo vệ «chân lý của mình». Ai cũng coi bảo vệ chân lý là một lý tưởng cao đẹp!

(16) Nguyên lý bất mâu thuẫn vẫn đúng và phải chấp nhận khi áp dụng trên cùng một mặt của thực tại. Nhưng không thể áp dụng trên những mặt khác nhau của thực tại. Nghĩa là nguyên lý mâu thuẫn không phải là sai, mà chỉ có thể áp dụng một cách có giới hạn, trong những trường hợp có thể coi thực tại chỉ có một mặt. Tương tự như khi lý luận toán học, người ta có thể coi một mặt ao hay mặt hồ là một mặt phẳng, một con đường dài chừng 5 km là một đường thẳng, để áp dụng những tính chất của đường thẳng và mặt phẳng vào chúng, nhưng không thể coi mặt biển Thái Bình Dương là một mặt phẳng hay đường đi của một con tàu trên đó là một đường thẳng, cho dù nó có cố hết sức để đi thẳng. Cũng vậy, người ta có thể coi thực tại nhỏ bé trong một tam đoạn luận là đơn diện và áp dụng nguyên lý mâu thuẫn để lý luận mà vẫn hợp pháp, nhưng không thể coi mọi thực tại đều đơn diện để áp dụng nguyên lý mâu thuẫn hầu luôn luôn phủ nhận những kết luận mâu thuẫn với những kết luận mà mình đã coi là đúng. Khi ta nói: anh A tốt, vật B tốt, thì luôn luôn người ta nói tới một số mặt nào đó của anh A hay vật B là tốt, và phải ngầm hiểu có những người nói ngược lại mà vẫn đúng, vì anh A hay vật B có thể có những mặt khác không tốt, hay cũng những mặt đó nhưng ở một thời điểm khác là không tốt.

(17) Một danh nhân Đông Phương nói rằng nếu ta cho lời nói này là đúng, thì lời nói ngược lại cũng đúng không kém.

(18) Theo quan niệm chung của nhiều tôn giáo Đông Phương, Thực Tại Tối Hậu và vũ trụ vạn vật chỉ là một thực tại duy nhất có hai mặt: bản thể và hiện tượng (tương tự như một tờ giấy có hai mặt không thể tách rời nhau, hai mặt tuy khác nhau nhưng chỉ là một thực tại duy nhất là tờ giấy). Bản thể tức Thực Tại Tối Hậu thì tuyệt đối, bất biến, vô cùng vô hạn, không sinh không diệt, tự hữu, là nền tảng cho vũ trụ vạn vật. Đó là những thuộc tính rất giống với những thuộc tính căn bản của Thiên Chúa trong Kitô giáo). Còn hiện tượng tức vũ trụ hay thế giới, vạn vật, thì tương đối, thay đổi liên tục, hữu hạn, nay còn mai mất, lệ thuộc luật nhân quả (đã hiện hữu thì phải có nguyên nhân)… Bản thể không phải là nguyên nhân sinh ra hiện tượng, mà là nền tảng cho hiện tượng. Bất kỳ một hiện tượng nào cũng đều phải có một nguyên nhân là một hiện tượng khác. Bản thể và hiện tượng khác nhau nhưng là một, tương tự như hai mặt của một tờ giấy khác nhau (mặt trắng mặt đen chẳng hạn) nhưng hai mặt chỉ là một. Cách hiểu này của Đông Phương có thể giải thích được sự mâu thuẫn trong hai mệnh đề căn bản của triết học hay hữu thể học Hy Lạp: «Hữu thể là một» (L’Être est Un) của Parménide, và «Hữu thể là nhiều» (L’Être est multiple) của Héraclite: là một trong bản thể và là nhiều trong hiện tượng. Cách giải quyết này (một thực tại có hai mặt) xem ra tự nhiên hơn cách của Aristote (dùng thuyết suy loại).

(19) Từ thế kỷ 19 trở về trước.

(20) Vì khám phá tuyên bố trái đất quay chung quanh mặt trời - điều này đi ngược lại lối suy nghĩ của triết học và tôn giáo - nên linh mục Bruno bị Pháp Đình tôn giáo xử thiêu, thầy dòng Galilée bị xử khổ sai chung thân (thay vì xử thiêu nhờ rút lại lời tuyên bố trên trước tòa án). Mendel khám phá ra định luật về lai giống và chủ trương áp dụng để cải tiến giống bị người đương thời cho là «phản lại thiên nhiên» và ông phải sống một cuộc đời cô đơn và cơ cực.

(21) Tức tha nhân, vũ trụ vạn vật, thiên nhiên.

(22) Chủ trương của Lão Tử. «Vô Vi» là không làm gì cả theo ý muốn của bản ngã, của «cái tôi» ích kỷ của mình, nếu có làm thì luôn luôn làm theo đường lối tự nhiên của «Đạo», để «Đạo» hành động nơi mình.

(23) Chủ trương của Trang Tử. «Vô kỷ, vô công, vô danh» là không vì mình, làm không cậy công, không vì danh của mình.

(24) Chủ trương của Phật. «Vô ngã» hay «phá chấp ngã» là coi như không có mình, hay sâu xa hơn là nhận ra «cái tôi» của mình là giả tạm so với thực tại thâm sâu hơn làm nền tảng cho mình là Chân Như Phật tánh hay Thực Tại Tối Hậu.

(25) Trong triết lý Đông Phương, cái nhìn cho rằng mình và tha thể chỉ là một, hay «vũ trụ vạn vật đồng nhất thể» được coi là cái nhìn của những người trí tuệ giác ngộ, khác với cái nhìn của người thường chỉ thấy vạn sự đều là sai biệt.

NGUYỄN CHÍNH KẾT






_______________________________________________________________________