6.3.08

HAI THỨ TÌNH YÊU
- HAI THỨ ĐẠO ĐỨC

Nguyễn Chính Kết

1. Hai khuynh hướng tâm lý

Trong đời sống gia đình và xã hội, ai cũng đều đối diện với hai thực tại căn bản này, là «mình» và «người khác». Dựa trên hai thực tại căn bản này, người ta có hai khuynh hướng tâm lý khác nhau:

khuynh hướng vị kỷ: coi «cái tôi» của mình là quan trọng, là trên hết, là mục đích cho mọi hoạt động của mình. Vì thế, cũng coi hạnh phúc hay đau khổ của mình, ý kiến hay ước muốn của mình là quan trọng. Tính vị kỷ có thể là thô thiển mà cũng có thể rất vi tế. Người vị kỷ cách thô thiển thì ai cũng nhìn vào cũng thấy họ vị kỷ, vì họ chỉ làm những gì trực tiếp có lợi cho họ mà thôi. Còn người vị kỷ cách tinh vi là người dấu kỹ bản tính vị kỷ của mình dưới vẻ bên ngoài vị tha, thậm chí rất vị tha. Người ta thấy họ hy sinh cho người khác khá nhiều, nhưng thật ra nếu có hy sinh cho người khác thì họ cũng đều nhắm sự hy sinh ấy cuối cùng phải có lợi cho mình thì mình mới hy sinh.

khuynh hướng vị tha: coi người khác và sự đau khổ hay hạnh phúc của người khác là quan trọng; ngược lại, coi bản thân mình và đau khổ hay hạnh phúc của mình không quan trọng bằng. Vì thế, người có khuynh hướng vị tha sẵn sàng hy sinh cho tha nhân một cách vô vị lợi.

2. Hai thứ tình yêu

Từ hai khuynh hướng căn bản trên phát sinh hai thứ tình yêu: tình yêu vị kỷ và tình yêu vị tha.

Tình yêu vị kỷ là một tình cảm hướng đến người khác nhưng cuối cùng lại quy về chính mình. Ai cũng bị hấp dẫn bởi những cái hay, cái đẹp, cái có lợi cho mình nơi sự vật hoặc nơi người khác, khiến cho mình thích thưởng thức cái hay, đẹp, có lợi ấy để mình vui thú, hạnh phúc hơn. Tình yêu vị kỷ là sự gắn bó với một vật hay một người để có thể thưởng thức cái hay, đẹp, có lợi cho mình nơi vật hay người đó. Ta thích tiếng hót của một con chim vì nó làm ta thích thú, quên đi sầu não. Vì thế, ta nuôi nó, trìu mến nó, vì nó có lợi cho ta. Chung quy ta gắn bó với nó cũng vì nhu cầu của hay hạnh phúc của ta. Khi ta yêu một người chỉ vì người ấy đẹp, người ấy dễ thương, ở bên người ấy thì ta dễ chịu, thoải mái, và vì người ấy thỏa mãn được nhu cầu tình cảm, v.v… của ta. Tình yêu đó là một tình yêu vị kỷ.

Tình yêu vị tha là một sự dấn thân của ý chí tự do hơn là một tình cảm tự nhiên. Nó là sự thúc đẩy của lương tri, của lương tâm khiến ta gắn bó và hy sinh cho một đối tượng nào đó. Đối tượng này có thể không có được những cái hay, cái đẹp, cái có lợi cho ta. Và ta yêu họ không phải chỉ vì những cái hay, cái đẹp, cái có lợi ấy. Thậm chí họ còn có thể là cái gì bất lợi cho ta, làm hại ta. Ta yêu họ chỉ vì ta nhận thức được họ là hình ảnh hay hiện thân của Thiên Chúa, cũng là «cái tôi nối dài» của ta trong Nhiệm Thể của Thiên Chúa (x. 1Cr 12,12-30). Và sự hy sinh của ta cho họ là vô vị lợi, là vì hạnh phúc của họ chứ không phải của ta. Đó mới chính là tình yêu mà Thiên Chúa muốn ta có. Và với tình yêu này thì yêu tha nhân cũng chính là yêu Thiên Chúa.

3. Hai khuynh hướng đạo đức

Từ hai thực tại căn bản nói trên – là «mình» và «người khác» –, và từ hai thứ tình yêu nói trên, phát xuất hai khuynh hướng đạo đức khác nhau: đạo đức vị kỷ và đạo đức vị tha.

Đạo đức vị kỷ là thứ đạo đức của người có khuynh hướng vị kỷ, và có tình yêu vị kỷ. Mọi việc làm đạo đức của họ đều lấy chính họ làm mục đích. Họ chỉ làm những việc tốt đẹp khi nào việc ấy có lợi cho họ, cho hạnh phúc của họ, hoặc ở đời này hoặc ở đời sau. Họ «yêu Chúa», «yêu tha nhân» – tạm gọi như vậy – vì luật Chúa đòi hỏi như vậy, vì nếu không yêu Chúa, không yêu tha nhân thì họ sẽ không được lên thiên đàng. Làm việc gì thì họ cũng đều phải nghĩ đến chuyện Chúa sẽ trả công bội hậu cho công việc ấy, ở đời này hoặc đời sau. Nếu Chúa không trả công thì làm có ích lợi gì? Đó là những người đạo đức vị kỷ kiểu vi tế.

Còn những người đạo đức vị kỷ kiểu thô thiển thì họ thực tế hơn nhiều, họ không nhắm Chúa trả công cho bằng được người khác hay được mọi người “trả công”. Chẳng hạn khi làm một việc tốt lành nào thì họ muốn mọi người đều biết để khen ngợi, nể phục họ, để họ được tiếng là thánh thiện, đạo đức, tốt lành, nhân hậu, biết thương người, v.v… Nhờ vậy, họ có uy tín trước mặt người đời, được mọi người trọng vọng, và có thể vì thế mà họ được nhiều cái lợi khác về mặt xã hội: làm ăn dễ dàng hơn, dễ thăng quan tiến chức, dễ có những địa vị cao ngoài xã hội, trong Giáo Hội.

Tóm lại, người đạo đức vị kỷ kiểu thô thiển hay vi tế, trong các hoạt động của họ, đều không thể có một động lực nào khác hơn lợi ích của chính bản thân họ.

Đạo đức vị tha là thứ đạo đức của người có khuynh hướng vị tha và có tình yêu vị tha. Họ yêu Chúa là vì Chúa, yêu tha nhân là vì tha nhân, không cần một sự trả công hay phần thưởng nào cho những hy sinh hay hoạt động của họ, cho dù ở đời này hay đời sau. Tình yêu tự nó là động lực duy nhất thúc đẩy họ làm tất cả cho người mình yêu. Họ đúng là người thật sự quên mình, từ bỏ mình như Đức Giêsu đòi buộc đối với những ai theo Ngài. Tuy dù họ không làm vì ích lợi cho họ, nhưng họ chính là người có khả năng hy sinh nhiều nhất cho Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, tuy dù họ chẳng cần một phần thưởng hay sự trả công nào cả, nhưng họ mới chính là những người đáng thưởng nhất, và phần thưởng dành cho họ phải là bội hậu nhất. Vì họ mới chính là người yêu thật sự.

Hôm nay chúng ta bước vào mùa Chay, thiết tưởng đây là thời điểm thuận tiện nhất để ta sám hối, để ta suy nghĩ về tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân. Hãy nghiêm túc phản tỉnh, hồi tâm, xét lại xem tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân có đích thực là tình yêu hay không? Hay đó chỉ là một tình yêu giả hiệu, tình yêu vị kỷ: có vẻ như ta yêu Thiên Chúa và tha nhân, nhưng thực ra là ta chỉ yêu chính bản thân ta thôi. Và đạo đức của ta là thứ đạo đức gì? Đạo đức vị kỷ hay đạo đức vị tha? Muốn biết được tình yêu và đạo đức của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân có đích thực hay không, khi làm điều gì tốt đẹp, hãy tự hỏi: Nếu tôi làm việc tốt lành này mà không ai biết tới, mà Thiên Chúa không trả công cho tôi, thì tôi có còn muốn làm hay không?





_______________________________________________________________________