5.3.08

ĐẠO ĐỨC VÀ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Nguyễn Chính Kết

Căn bản của đạo đức Kitô Giáo

Đạo đức Kitô giáo được xây dựng trên nền tảng yêu thương mà Đức Kitô là gương mẫu. Nói cách khác, tình yêu là cốt tủy của đạo đức Kitô giáo. Toàn bộ lề luật Kitô giáo đều chỉ xoay quanh một chữ yêu với hai chiều kích: yêu Chúa và yêu người (x. Mt 22, 37-40). Thánh Augustinô đã tóm tắt nền đạo đức ấy qua câu: «Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm». Thật vậy, khi yêu Chúa và thương nhân thực sự, ta sẽ hành động theo như tình yêu đòi hỏi. Thế là mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm của ta tự động phù hợp với đạo đức và lề luật Kitô giáo. Khi yêu thương chân thực với đủ hai chiều kích trên, thì sống trong lề luật ta vẫn thấy thoải mái tự do giống như con cá sống trong môi trường nước vậy. Đạo đức và lề luật lúc đó hoàn toàn phù hợp với cách biểu lộ tình yêu của ta.

Căn bản của hạnh phúc gia đình

Hạnh phúc của một gia đình cũng được xây dựng trên nền tảng yêu thương. Một gia đình hạnh phúc chắc chắn phải là một gia đình yêu thương nhau, được biểu lộ qua những hy sinh nho nhỏ cho nhau hằng ngày. Trái lại, gia đình nào không có hạnh phúc, hay xảy ra bất hòa, thường là những gia đình thiếu sự yêu thương nhau. Vì không yêu thương nhau cho đủ, nên họ không thể hy sinh cho nhau, không thể chịu đựng lẫn nhau, nhất là những tật xấu của nhau.

Đương nhiên hạnh phúc gia đình còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nữa (như sức khoẻ, tiền bạc, nhà cửa, sự hiểu biết… ) thiếu những điều kiện này người ta khó mà hạnh phúc được. Tuy nhiên, thiếu những điều kiện, thì dù khó nhưng vẫn có thể hạnh phúc. Còn nếu thiếu tình yêu, thì dù có đầy đủ những điều kiện khác, gia đình cũng không thể hạnh phúc. Chúng ta vẫn thấy, trong thực tế, rất nhiều gia đình giầu có, học thức, sức khoẻ đầy đủ… nhưng vợ chồng vẫn thường bực bội nhau khiến con cái trong nhà cũng hay bất hòa, và gia đình lúc nào cũng đau khổ. Trái lại cũng có nhiều gia đình đơn sơ nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ, nhưng vì yêu thương nhau và sẵn sàng hy sinh cho nhau, nên vẫn có hạnh phúc.

Đạo đức và hạnh phúc gia đình

Đạo đức Kitô giáo và hạnh phúc gia đình đều có chung nhau một nền tảng là tình yêu thương. Do đó có thể nói: một gia đình hạnh phúc ắt phải là một gia đình có đạo đức. Và ngược lại: gia đình nào có đạo đức thường là gia đình hạnh phúc. Giữa đạo đức và hạnh phúc gia đình có một tương quan mật thiết.

Nền tảng của đạo đức là sự yêu thương với hai chiều kích: yêu Chúa, yêu người. Còn nền tảng hạnh phúc gia đình có vẻ chỉ là yêu thương những người trong gia đình thôi. Thực ra không phải thế. Yêu Chúa và yêu người cũng như yêu tất cả mọi người trong nhà mình, tất cả đều chỉ là những khía cạnh khác nhau của cùng một tình yêu duy nhất. Người nào nói mình yêu Chúa mà không yêu người thì đó là kẻ nói dối (X. 1 Ga 4, 20). Còn người nói mình yêu người mà không yêu Chúa thì đó là người chưa cảm nghiệm được rằng mọi tình yêu chân thực đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, và tất cả những gì tốt đẹp hấp dẫn khiến cho mình yêu được người đó đều là những phẩm tính xuất phát từ Thiên Chúa.

Vì thế, tình yêu đối với tha nhân, trong đó có vợ chồng, con cái ta, chỉ có nền tảng và tồn tại lâu dài khi ta yêu mến Thiên Chúa. Tương tự như thế, một người yêu thương mọi người một cách chân tình, thì chắc chắn càng có thể yêu vợ, chồng, con cái mình thắm thiết hơn nữa. Và ai yêu thương mọi người trong gia đình một cách chân tình, thì cũng có thể yêu thương tất cả mọi người. Ai nói mình chỉ yêu được những người trong gia đình mình chứ không thể yêu ai ngoài gia đình được, thì tình yêu của người đó đối với gia đình chưa có nền tảng thực sự… Tóm lại, giữa đạo đức và hạnh phúc gia đình có một tương quan rất mật thiết và rõ rệt.

Vậy, muốn gia đình được hạnh phúc lâu bền, không gì bảo đảm bằng cách cũng cố và canh tân lại lòng đạo đức trong gia đình, mà cốt tủy của nó là mến Chúa và yêu người. Nói cách khác, ta có thể củng cố tình yêu trong gia đình bằng cách củng cố lòng mến Chúa và tình yêu thương đối với đồng loại.

Tình yêu phải được thể hiện bằng việc làm

Tình yêu trong gia đình, cũng như tình yêu làm nền tảng cho đạo đức Kitô giáo phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Vì có thể có những việc làm tốt đẹp không xuất phát từ lòng yêu thương chân thật (x. 1 Cr13, 3). Nhưng không thể có tình yêu thương chân thực nào mà lại không đi kèm với việc làm, không được thể hiện bằng những hy sinh. Tình yêu nào không có việc làm để chứng minh đều là những tình yêu giả hiệu, tương tự như lập trường của Thánh Giacôbê: «Đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2, 17).

Thật vậy, làm sao có thể gọi là yêu thương được khi ta thấy vợ hay chồng ta bận làm không kịp một công việc gì mà ta vẫn thản nhiên nằm mơ mộng hay «ngồi chơi xơi nước»? Tình yêu phải được biểu lộ bằng sự chấp nhận hy sinh, dấn thân, trao ban, cũng như chấp nhận đau khổ, mất mát, thiệt thòi để người mình yêu được hạnh phúc, tốt đẹp hơn. Nếu «nhờ việc làm mà đức tin trở nên hoàn hảo» (Gc 2, 22), thì cũng vậy, tình yêu chỉ trở nên trọn vẹn khi được thể hiện bằng việc làm.

Nếu tất cả mọi người trong gia đình đều yêu thương nhau, biết nghĩ đến nhu cầu của nhau, và biết hy sinh cho nhau như những người trong câu chuyện sau đây, thì gia đình đương nhiên hạnh phúc.

Một gia đình gồm hai vợ chồng và một đứa con, nhà tuy nghèo nhưng rất hạnh phúc vì biết lo lắng săn sóc nhau. Một hôm người mẹ được người ta biếu cho quả cam, bà bèn nghĩ đến đứa con trai vốn rất thích cam mà lâu ngày chưa được ăn, bà liền đem cho nó. Nhận được quả cam thằng bé thích lắm. Đang định ăn thì nó chợt nhớ đến ba nó đang mồ hôi nhễ nhại ngoài đồng. Nó bèn chạy ra đồng tặng trái cam cho ba nó. Ba nó cũng muốn ăn cho đã khát, nhưng lại nhớ tới người vợ của mình suốt ngày bận bịu ở nhà, ông bèn nghĩ tới niềm vui hớn hở của bà mỗi lần ông tặng cho bà món quà nhỏ. Thế là quả cam xuất phát từ tay người mẹ lại trở về tay người mẹ. Cái cảnh một nhà âu yếm nhau như vậy thật là hạnh phúc và đáng quý biết bao!

Mỗi gia đình Kitô hữu đáng lý ra phải là một gia đình yêu thương săn sóc nhau như vậy. Chính hạnh phúc gia đình của người Kitô hữu là một dấu chứng cụ thể nhất, hùng hồn nhất, chứng tỏ đạo của Chúa Kitô là tôn giáo chân thực nhất, có tính cứu độ nhất.

Gia đình bạn đã hạnh phúc chưa? Nếu chưa, bạn hãy xét lại lòng đạo đức của bạn. Rất có thể (chứ không nhất thiết) lòng đạo đức ấy chưa phải là đạo đức chân thật.






_______________________________________________________________________